Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

NHIỀU

Nếu cần chọn giữa lớn nhỏ thì suya trăm phần trăm ai cũng sẽ chọn lớn. Không trừ một ai, cả đàn ông lẫn đàn bà. Duy chỉ có người đầu gối tay ấp thì ngược lại, ai cũng thích nhỏ. Nhỏ đây không phải là nhỏ người mà là nhỏ thứ bậc. Từ thứ hai trở xuống. Vợ cả vợ hai hai vợ đều là vợ cả! Nghe vậy mà không phải vậy. Hai vẫn mát hơn! Có cả có hai, đôi khi còn có ba có bốn nữa thì…được việc hơn.

Sớm mai đi chợ Gò Vấp,
Mua một xấp vải.
Đem về con hai nó cắt,
Con ba nó may,
Con tư nó đột,
Con năm nó viền,
Con sáu đơm nút,
Con bảy cắt khuy,
Con tám nó níu, con chín nó trì…
Ới mười ơi! Sao em để vậy, còn gì áo anh!
(Ca dao)

Mười thì hơi nhiều. Sở dĩ nhiều như vậy là vì cái lá gan của anh đàn ông.

Đàn ông năm bảy lá gan
Lá ở cùng vợ lá toan cùng người.

Câu ca dao này được các bà ngày nay diễn nghĩa đại khái như sau: đàn ông các ông không tin ai được, hở ra một cái là mắt lấm la lấm lét! Khi anh chồng được nghe câu chì chiết này thì phải hiểu ngay rằng mình cũng ở trong số các đàn ông. Nể vợ là…đức tính của các ông, nhưng sao vẫn nhiều?

Trái tim vợ cột đầu giường
Nửa đêm lén tháo dây cương nhảy rào
Chữ tình em mắc ngọn cau
Ta làm rễ nứt bám vào gốc cây
Rót đầy ly cạn xuống đây
Một hơi uống cạn ly đầy chiêm bao
Trống trơn mây gió ùa vào
Có cùng muốn nhớ thương nhau. Cũng đành!
(Quan Dương)

Chuyện hình như không phải từ trong lá gan, cũng không phải từ trong trái tim, cũng không phải chỉ là đặc tính của các ông mà là chuyện…trời đất. Theo các tác giả David Barash và Judith Lipton của cuốn sách nghiên cứu The Myth of Monogamy: Fidelity and Infidelity thì trong thực tế sự chung thủy bất di bất dịch là vô cùng hiếm ở các loài động vật, trong đó có linh trưởng. Dựa trên kết quả nghiên cứu ADN của cha mẹ và con thì 90% loài chim và thú có bạn đời lâu năm đều không chung thủy! Lý do có thể ở chỗ con đực có một thôi thúc bản năng phát tán bộ gene của mình cho nhiều con cái, càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, con cái muốn có bộ gene tốt nhất cho con mình sẽ tìm kiếm những con đực khỏe mạnh và hấp dẫn.

Đó là chuyện loài vật, loài người có đầu óc biết suy nghĩ phải khác chứ! Nhiều người sẽ cãi như vậy. Nhưng những con số thống kê lại bảo là không khác. Các cuộc nghiên cứu gene nơi con người cho thấy là trong 10% dân số, người cha sinh học không phải là người đàn ông đang sống với người mẹ trong thời điểm thụ thai. Dân làng tếu…minh họa thống kê này như sau. Một ngày kia, các bà nhận thấy là ông trời thật bất công. Con là con chung của hai vợ chồng nhưng khi đứa con ra đời thì người đàn bà lãnh đủ: vừa đau đớn, vừa banh da xẻ thịt. Anh đàn ông chẳng góp…đau gì vào cả. Họ bèn lên khiếu nại với ông trời. Ông trời nhận khuyết điểm và sửa sai. Từ nay khi đàn bà sanh thì anh chồng phải đau! Nhưng cứ mười ca sanh thì lại có một ca anh chồng không đau mà cái bụng của anh hàng xóm lại đau. Thật là phiền phức. Đàn bà bèn kéo nhau lên đề nghị lại với nhà trời. Thôi, đau thì đau, cứ để đàn bà đau luôn cho tiện! Trời vốn là một ông vừa nể đàn bà vừa ba phải nên gật đầu chấp thuận. Thế là cứ…Vũ Như Cẩn!

Tại sao con người lại cứ muốn nhiều? Đó là bản tính. Thế tại sao con người lại cần phải sống với chỉ một người? Bởi vì đó là cách sống tốt nhất cho việc bảo vệ nòi giống. Cũng vẫn theo các nhà nghiên cứu thì việc sống chung của các loài nguyên do là bởi vì điều đó mang lại cho con cái cơ hội sống sót tốt nhất. Con cái ở nhà chăm sóc con trong khi con đực ra ngoài kiếm ăn. Ở những loài không sống chung, khi con đực bỏ đi, con non sẽ có nguy cơ bị giết bởi kẻ thù hoặc bởi con đực khác muốn thay thế con non bằng chính con của mình. Hai nhà nghiên cứu Barash và Lipton dựa vào thực trạng đó để phân biệt ra thành hai loại chung thủy: sự chung thủy xã hội và sự chung thủy tình dục. Trong các mối quan hệ chồng vợ, về mặt xã hội họ chung sống với nhau nhưng về mặt thể xác chưa chắc họ đã chung thủy.

Con người đặc biệt chung thủy về mặt xã hội bởi vì sự trưởng thành của những đứa con đòi hỏi một thời gian dài. Để đầu tư và bảo vệ con cái, người cha và người mẹ chấp thuận chung thủy về mặt xã hội với nhau. Qua thời gian khi mà xã hội con người ngày càng có tổ chức, chế độ một vợ một chồng đi vào luật pháp và tôn giáo như một thể chế hôn nhân. Ai ngoại tình có nghĩa là vi phạm luật pháp và tôn giáo sẽ trở thành tội phạm, bị xã hội tẩy chay, mất tài sản, bị tù tội hoặc thậm chí có thể bị xử chết. Từ đó bắt đầu nghịch cảnh trớ trêu giữa bản năng nguyên thủy với những cấm đoán nghiêm khắc của xã hội và tôn giáo.

Một linh mục quá mệt mỏi vì giáo dân của mình cứ liên tục xưng tội ngoại tình, nói với con chiên bổn đạo:

“Nếu các con còn phạm tội ngoại tình ta sẽ bỏ xứ để đi chỗ khác”.

Giáo dân sợ cha bỏ đi, bàn tán với nhau và tìm cách lách chữ nghĩa. Từ nay, khi xưng tội, họ sẽ không nói là ngoại tình nữa mà thay vào đó bằng hai chữ “vấp ngã”. Mọi việc êm xuôi cho tới khi vị linh mục già qua đời. Vị linh mục mới, sau một thời gian ngồi tòa giải tội, đến gặp ông Thị trưởng với vẻ mặt lo lắng:

“Ông Thị trưởng này, tôi nghĩ ông nên cho sửa chữa đường xá trong thị trấn lại vì các giáo dân của tôi than phiền họ bị vấp ngã quá nhiều.”

Ông Thị trưởng ôm bụng cười vì sự ngây ngô của vị linh mục trẻ. Cảm thấy mình bị chế nhạo, vị linh mục bực tức lớn tiếng:

“ Tôi không hiểu tại sao ông lại cười! Trong tuần qua, vợ của ông bị vấp ngã ba lần rồi đấy!”

Làm sao để con người khỏi vấp ngã? Trong cuốn The Moral Animal: Evolutionary Psychology and Everyday Life được xuất bản vào năm 1994, tác giả Robert White đã viết là trong một số xã hội sơ khai, con người đã được…cởi trói bằng cách cho phép chế độ đa thê. Trong 1154 cộng đồng con người đã được nghiên cứu thì đã có gần 1000 cộng đồng cho phép người đàn ông có hơn một vợ. Có điều cần nói là hầu hết những cộng đồng được nghiên cứu này là những  xã hội thời hái lượm săn bắn. Ngược lại, cũng có những cộng đồng cho phép người đàn bà được cưới hơn một chồng nhưng trường hợp này rất hiếm. Đó là nơi các bộ lạc ở châu Phi, châu Đại Dương, một số bộ tộc da đỏ ở châu Mỹ và đặc biệt là các bộ lạc trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn.

Cho tới nay, bên dãy Hy Mã Lạ p Sơn tập tục đa phu này vẫn còn tồn tại. Như ở Tây Tạng. Trong bài Đa Phu đăng trên nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình Người Việt, số xuất bản trong tháng 5/2005 vừa qua, tác giả Trần Chính đã kể lại chuyện nhiều chồng mà ông được thấy trong một chuyến du lịch Tây Tạng vào tháng 3 năm 2003. Người đàn bà mà tác giả được gặp có tên là Tsering, nghĩa là “sống lâu”. Chồng bà ta là…ba anh em ruột đều sống với bà dưới một mái nhà. Phòng ngủ chính là căn phòng lớn nhất trong nhà có một chiếc tủ với hoa văn và màu sắc sặc sỡ kê ở góc phòng dùng làm bàn thờ Phật. Hai chiếc giường lớn và dài kê đâu với nhau theo hình chữ L. Giường không có nệm mà được trải bằng những miếng thảm len rất dầy. trên giường có mấy chiếc chăn bông kiểu Trung hoa và nhiều chiếc gối vứt ngổn ngang. Tác giả hỏi người đàn bà qua một thông dịch viên tên Chamba.

“Những ai ngủ trong phòng này?”
“Tôi và hai đứa con trai nhỏ.”
“Cô con gái của bà ngủ ở đâu?”
“Nó ngủ ở phòng bên cạnh.”
“Còn mấy ông chồng của bà?”
“Cũng vậy, họ ngủ ở phòng bên cạnh với con gái chúng tôi.”
“Cô bé ấy là con của ông nào?”
“Tôi không biết nữa (cười)…”
“Còn hai đứa con trai?”
“Tôi cũng không biết…Làm sao mà biết được?”

Anh thông dịch viên Chamba xí xô với bà Tsering một hồi rồi giải thích: bà ấy cho biết vì cả ba ông chồng đều sinh hoạt thân mật thường xuyên với bà nên khi có bầu bà không thể biết chắc người nào là cha của cái bầu ấy. Một bà trong đoàn du lịch cười khúc khích phụ họa: ăn chung ở lộn như vậy, nếu là tôi chắc tôi cũng chịu, làm thế nào mà biết đứa nào là con của ông nào! Cuộc đàm thoại thú vị tiếp tục.

“Ba đứa nhỏ xưng hô thế nào với ba ông chồng của bà?”
“Cả ba đứa con của tôi đều phải gọi ông thứ nhất là cha, bởi vì ông là anh cả trong ba anh em”.
“Thế hai ông em thì chúng gọi là gì?”
“ Là chú, cho dù họ có là cha ruột của chúng đi nữa, bởi vì phong tục là như vậy. Nhưng thật ra chúng đều coi cả ba người là cha của chúng”.
………
“Tại sao bà lại lấy cả ba anh em? Ai quyết định điều ấy?”
“Anh em họ quyết định.”
“Bà có bị ép buộc không?”
(Đỏ mặt, cười) “Tôi cũng bằng lòng.”
“Tại sao cả ba anh em lại muốn lấy một mình bà?”
“Họ muốn bảo vệ điền sản và cả tài sản do cha mẹ để lại.”
“Ai làm chủ tài sản ấy?”
“Ông anh cả là người đứng tên đất đai và mọi thứ tài sản. Nhưng tất cả mọi thứ đều thuộc về tất cả mọi người”.
……………
“Bà có dành ưu tiên cho ai được vào ngủ trong phòng của bà không?”
( Đỏ mặt, cười) “Ai muốn vào với tôi cũng được, nhà của chung mà”.
“Họ có bao giờ xích mích vì dành nhau chuyện ấy không?”
“Không, lúc nào hai ông em cũng nhường nhịn ông anh cả”.
“Xin lỗi bà, có bao giờ mấy ông chồng dùng vũ lực với bà không?”.
“Không, không bao giờ.”
“Bà yêu người nào nhất?”
(Cười) “Người nào cũng đối xử tốt với tôi…Ông thứ ba quý mến tôi nhiều nhất!”

Đàn ông hay đàn bà cũng vậy, nhỏ vẫn cứ có giá hơn lớn!
Ngày nay thời vàng son của con số nhiều coi bộ không còn nữa. Đó là những vang bóng một thời mà các ông mỗi lần nghĩ tới cứ tiếc hùi hụi. Nhất là khi giở những trang thơ xưa, ngâm nga những vần điệu của những cụ chỉ sống trước chúng ta chưa đầy hai trăm năm. Như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn. Thời đó cụ chẳng những muốn lấy bao nhiêu bà thì lấy, lại còn dõng dạc mần thơ.

Trẻ tạo hóa ngẩn ngơ lắm việc,
Già Nguyệt ông cắc cớ trêu nhau. 
Kìa những người mái tuyết đã phau phau,
Run rảy kẻ tơ đào còn manh mảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh,
Nhất tọa lê hoa áp hải đường.
Từ đây là tạc đá, nghi vàng.
Bởi đâu trước lựa tơ chắp chỉ.
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ,
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.
Tình đã chung lứa cũng phải vam,
Suốt kim cổ lấy làm phận sự,
Trong trần thế duyên duyên, nợ nợ,
Duyên cũng đành mà nợ cũng đành.
Xưa nay mấy kẻ đa tình,
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già, càng dẻo, càng dai!

Ngài hoàng đế Mswati III của nước Swaziland có mang họ Trần không nhỉ? Ông vua 37 tuổi, chỉ bằng nửa cái ngũ thập niên tiền nhị thập tam này vừa chọn vợ một cách ồn ào hơn cụ Nguyễn Công Trứ của chúng ta nhiều. Hơn 50 ngàn trinh nữ từ khắp nước đổ về thủ đô với bộ ngực trần, váy ngắn đính hạt cườm rực rỡ, quấn những chiếc khăn tua rua sặc sỡ đủ màu, một tay ôm bó sậy, một tay cầm dao rựa, diễn hành qua sân vận động hoàng gia, vừa đi vừa hát những bài hát ca ngợi nhà vua. Họ mong được lọt vào mắt xanh của vị vua có quyền chọn thêm vợ bất cứ lúc nào ngài muốn. Ngài chắc cũng mang tên là Nhiều nên dù đã cưới 12 vợ rồi mà cũng vẫn còn muốn…làm phận sự lần thứ 13! Công nương ngực trần nào được vua lựa chọn sẽ được ban cho một cung điện riêng và một chiếc xe BMW sang trọng!

Vị vua thích nhiều nhiều này chắc không phải là đạo hữu Do Thái giáo hoặc Thiên Chúa Giáo vốn vẫn nghiêm cấm con số nhiều. Một vợ một chồng, đó là ý của Thiên Chúa. Đi xa hơn nữa, Chúa còn kết án những người chỉ có ý thích nhiều trong lòng bởi vì đó là ngoại tình trong tư tưởng. Không phải là ngẫu nhiên mà từ “infedility”(không trung thành) lại bắt nguồn từ từ “infidel” có nghĩa là “ngoại đạo”! Từ đó người phản bội cảm thấy mình tội lỗi và người bị phản bội cảm thấy cay đắng. Phần lớn con người ngày nay vẫn cứ cơm nhà quà vợ, lỡ có đi ăn phở thì lấm la lấm lét, nhìn trước nhìn sau. Ăn xong thì chùi miệng bằng giấy Kleenex loại thưởng hảo hạng!

Sống trong cái hộp hôn nhân là một cách sống thông thường, chung thủy cả về mặt xã hội và tình dục. Đó là cách bảo tồn cuộc hôn nhân và những lợi ích đi kèm cũng như để tạo sự công bằng nam nữ trong xã hội. Nhưng sống như vậy không phải dễ. Tính con người vốn tham lam, có một lại muốn hai, có hai lại muốn ba… Nhiều người đã ăn gian bằng cách thực hiện cái mà nhà nghiên cứu Robert White gọi là “chế độ một vợ một chồng luân phiên”. Đánh đu giữa hôn nhân và ly dị rồi lại kết hôn và ly dị. Cứ thế mà ít thành nhiều!

Các ông cũng như các bà cứ gươm lạc giữa rừng hoa rồi hoa nở giữa rừng gươm đều đều. Cũng xong! Sự gì xã hội muốn ít mà ta muốn nhiều thì ta cứ chơi chiến thuật du kích tích tiểu thành đại. Ít đấy mà nhiều đấy. Con người quả là tổ sư luồn lách!                                                             

09/2005