Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

CHẠY

Về hưu hình như ông nào cũng thủ một cái máy chạy bộ treadmill. Không chạy, cái bụng ngạo nghễ, máu lên như sóng trào dâng, xúc tuyết một chút thì con tim…xao xuyến, hơi thở hào hển. Mất hết vẻ hùng anh! Nhưng gọi là chạy chứ chạy nhảy gì được đâu. Cũng là cái máy đó, tuổi trẻ họ chạy vù vù, nhún nha nhún nhảy nhịp nhàng trông bắt mắt. Còn cánh hưu ta thì nhẩn nha đi, tay ngại ngần tăng tốc độ. Tội cái máy, cũng phải cho nó…hưu với mình chứ! Mỗi lần leo lên máy tôi vẫn phải tâm niệm bài kinh…sám hối. Đó là một cách trả nợ cho cuộc sống văn minh. Một bước lên xe, hai bước lên xe, cái thân thể lười biếng cứ ỳ ra chẳng thèm vận động, mỡ màng phệ ra lúc nào chẳng biết. Rồi cứ thịt thà, bơ sữa, rượu chè ních chặt bụng, ngày nào như ngày nấy, làm gì mà không phì! Nhớ lại hồi còn ở trong nước, sáng nào các bà cũng xách giỏ đi chợ. Đường về, giỏ đầy thật đấy, nhưng chỉ đầy rau, thịt thì một hai lạng cho cả nhà, nào xào, nào nấu canh, nào băm băm đổ chả trứng… Món nào món nấy thịt cứ phất pha phất phơ tạt qua chơi. Ngày nay, mỗi bữa ăn là các bà khênh ra từng tảng thịt, kí nọ kí kia, ăn ngập răng. Khi nào lười nấu thì có ông McDonald’s tiếp tay rao giảng đạo…mỡ. Thân hình cách chi mà khỏi mỡ màng. Bèn sinh bệnh. Phải thể dục thể thao cho bớt…tội!

Nói chuyện chạy mà cứ quanh quẩn với đi. Đúng là…lão hóa! Chạy nhé! Nói tới chạy là tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi một bức hí họa trên một tờ báo xuất bản tại Sài gòn trong thập niên 60. Hồi đó Việt Nam ta mới bắt đầu tham dự Thế Vận Hội. Phái đoàn thể thao nước ta rất…xinh xắn. Theo sau lá quốc kỳ là số lực sĩ đếm chưa đủ đầu ngón tay. Hình như phần lớn là các lực sĩ điền kinh thì phải. Trong số đó có lực sĩ Trần Văn Lý. Tôi còn nhớ tên được người lực sĩ này cũng là nhờ có bức hí họa. Lực sĩ Lý tham dự môn chạy ở cự ly nào thì tôi không  nhớ nhưng anh đã bị các lực sĩ khác bỏ xa tới mấy vòng sân vận động. Bức hí họa vẽ anh Lý lẽo đẽo chạy sau đoàn lực sĩ các nước với khoảng cách xa tít mù khơi, tay vẫy vẫy, miệng réo gọi: “Ới các ông ơi! Đợi tôi với!”

Môn chạy được theo dõi nhất trong các Thế Vận Hội là môn chạy marathon. Đường dài tới trên 42 cây số lận. Làm chi mà chạy dữ thần vậy? Bởi vì người ta đang nôn nao báo tin chiến thắng cho…quốc dân đồng bào! Anh chiến sĩ Hy Lạp chạy một mạch từ chiến trường về thủ đô Nhã Điển báo tin thắng trận. Báo tin xong là anh…thua! Anh lăn quay ra chết liền tại chỗ. Khi khai sinh ra Thế Vận Hội, Hy Lạp đã lấy chiến tích này để đặt thành một bộ môn thi đua. Quãng đường chạy đúng y chang khoảng cách anh chiến sĩ ngày xưa đã…việt dã. Từ ngày đó tới nay, Thế Vận Hội nào cũng bắt các lực sĩ chạy hộc xì dầu theo anh chiến sĩ. Các vận động viên của Ethiopie là vua chạy môn này. Họ chiến thắng ròn rã từ Thế Vận Hội này tới Thế Vận Hội khác. Môn marathon đâm ra được đất. Nó tung hoành ngoài Thế Vận Hội. Các thành phố lớn trên thế giới đua nhau tổ chức môn chạy mệt nghỉ này. Thành phố Montreal của tôi cũng…đua. Cuộc chạy hàng năm qui tụ cả ngàn người từ khắp nơi trên thế giới hè nhau chạy. Già trẻ lớn bé gì, cứ ghi tên là cho chạy tuốt. Chạy được bao nhiêu thì chạy, không chạy nổi thì lăn ra vệ đường…nghỉ mát. Cố gắng quá mức mà ngất xỉu thì được chạy bằng băng-ca lên xe cứu thương chực chờ sẵn. Ai lết về được tới đích, bất kể nhanh chậm, là được lãnh giấy khen…xuất sắc hoàn thành công tác! Cuộc chạy năm ngoái có sự tham gia của ông Nguyễn Thượng Chánh, niên kỷ cũng xấp xỉ lục tuần. Ông Nguyễn Thượng Chánh là một thú y sĩ thường hay viết bài về dinh dưỡng của…người trên Thời Báo Canada. Mà ông khỏe thật! Ông chạy loạng quạng thế nào mà được lãnh giấy ban khen về tới đích. Không biết có ở trong tình trạng “ới các ông ơi, đợi tôi với” không. Nhưng ở cái tuổi máy móc đã han rỉ, chân cẳng đã nhẽo nhoẹt mà chơi luôn một lèo chạy…đường trường xa như thế kể ra trong cộng đồng người Việt chúng ta cũng được coi là một thành tích. Tôi đã có dịp hỏi han ông…gân này sau cuộc chạy. Ông kể lại là chỉ khó khăn trong mấy cây số đầu tiên thôi, sau đó hình như có cái đà nó đẩy ông về tới đích. Đó là một kinh nghiệm về sự kiên nhẫn và cố gắng. Kinh nghiệm này, tôi rất phục, nhưng chỉ để đấy thôi, thực hành thì ngại lắm!

Tôi chẳng muốn chạy khi trên đời này còn những…thầy chạy! Như thầy Dean Karnazes. Cho đến năm 30 tuổi thì ông thầy này cũng bình thường như mọi người. Nghĩa là chạy có khi còn thua tôi! Mộng ước của anh Dean là chạy thử một đoạn đường 30 dặm coi nó ra sao. 30 dặm thì…yếu. Trên khắp thế giới đã có biết bao nhiêu…chạy gia đã hoàn tất cuộc chạy 42 dặm. Chỉ nguyên một cuộc chạy marathon ở thành phố New York đã có tới 36 ngàn người chạy về tới đích. Mặc, cứ thử sức trước đã. Anh Karnazes chạy 30 dặm. Thấy được, anh…nâng cấp lên 42 dặm. Rồi 100 dặm. Và cuối cùng chơi luôn 262 dặm liền tù tì không nghỉ một giây đồng hồ! Muốn biết đoạn đường này nó…vạn dậm như thế nào thì bạn cứ tưởng tượng bạn một mình chạy cong…bàn tọa từ Sài gòn ra Nha Trang! Được nước, anh chàng Dean này làm tới. Anh chạy marathon ở Nam Cực, chạy xe đạp leo núi suốt 24 giờ không nghỉ, chạy 100 dặm vào ban đêm mà chỉ mất có 3 giờ 15 phút trong cuộc chạy đua có tên là Napa Valley Marathon, chạy cuộc thi tiếp sức dài 199 dặm nhưng người ta chạy tiếp sức mỗi đội có 12 người còn anh thì chơi một mình một đội! Để tạo được những thành tích hãi hùng như vậy, anh luyện tập ra sao? Anh cũng ngày ngày đi làm như mọi người, đêm đi ngủ nhưng 2 giờ sáng anh thức dạy và chạy…điểm tâm 50 dặm. Đêm nào cũng vậy. Không bỏ một đêm nào cả. Này, chạy như vậy thì tâm trí đâu để có được văn bằng M.B.A. và ban ngày có sức để đi làm cho hãng Glaxo Smith Kline? Và lại còn vợ và hai con nữa. Chạy như vậy sao lại lòi ra được hai nhóc tì? Đó là chuyện cá nhân ngoại thủy không nên thắc mắc! Có điều là cuộc đời chạy của anh bắt đầu bằng một nỗi buồn: cô em gái mà anh rất thương mến đã chết bất thình lình trong một tai nạn xe cộ. Anh bị một cú sốc nặng chẳng thiết tha tới chuyện gì nữa. Anh chạy cho vơi nỗi buồn. Nỗi buồn dài nên anh cũng chạy…dài! Joahn Dahlkoetter, lực sĩ điền kinh chuyên chạy marathon đồng thời là một chuyên gia tâm lý trị liệu thuộc Đại học Y khoa Stanford, đã phân tích như sau: “Bị một hoàn cảnh như vậy sẽ chao đảo tâm trí trong một thời gian khá dài. Chạy quả thật là một cách chữa trị của nhiều người.” Anh Karnazes có một thân hình cao gần 2 thước mốt và nặng chừng 70 kí nhưng người anh rắn như thép. Anh tiết lộ là dù sao anh cũng chỉ là một con người nên cũng chịu những lần vọp bẻ, đau nhức, mệt đứt hơi và có khi bi ói mửa nữa.

Ở Mỹ có siêu nhân chạy như anh Dean Karnazes thì ở Ấn Độ có thần đồng chạy như em bé Budkhia. Thần đồng chạy này có thể chạy liên tục trong vòng 7 tiếng đồng hồ qua một quãng đường dài 50 cây số. Em được sinh ra trong một gia đình nghèo. Mẹ của em làm nghề rửa chén bát thuê. Cha của em chẳng may chết nên bà mẹ không nuôi nổi em, đem bán em với giá tương đương 20 đô Mỹ. Người mua được em là một huấn luyện viên nhu đạo tên Dash Biranchy. Ông lập tức cho Budkhia ăn uống đầy đủ, tẩm bổ với sữa, trứng, thịt…và huấn luyện rất chu đáo. Cứ 5 giờ sáng là Budkhia bắt đầu chạy cho tới trưa. Ăn trưa, ngủ một giấc, tới 4 giờ chiều là…chạy tiếp! Ăn trưa xong, Budkhia luôn cảm thấy rất sung sức. Em đã tỉnh bơ nói là em có thể chạy tiếp nhiều giờ mà chẳng thấy mệt mỏi chi cả!

Theo các nhà khoa học thì thường thường các tay chạy nước bền như các lực sĩ chạy marathon có những thứ trời cho về cơ sinh học trên thân thể của họ. Nhờ vậy mà họ có cái gọi là năng khiếu chạy. Nhưng cấu trúc thân thể của con người cũng không thể bằng cấu trúc của những loài vật chạy nhanh như chó săn, ngựa, thỏ rừng chẳng hạn. Chúng có tốc độc chạy kinh khủng: 17 mét trong một giây! Nghĩa là gấp đôi tốc độ chạy của người. Sở dĩ nhanh như vậy là vì cơ thể chúng được cấu tạo để có thể chạy những khúc quanh mà không cần giảm tốc độ. Con người, trái lại,  phải giảm tốc độ ở những đoạn đường cong để chống chịu với trọng lượng và lực hướng tâm gia tăng ở chân. Nhà động vật học James Usherwood thuộc Đại học Thú y Hoàng Gia Anh, sau khi phân tích dáng chạy của 40 con chó săn trên đường thẳng lẫn đường cong, đã cho biết: “Thật ngạc nhiên khi biết rằng chó săn không hề bị giới hạn bởi những thứ mà con người phải chịu”. Ông ủng hộ giả thuyết cho rằng chó săn tạo ra sự di chuyển bằng mô men xoắn quanh hông, vì vậy, cũng giống như ở người đi xe đạp, những cơ tạo nên sức mạnh hoàn toàn được tách khỏi trọng lượng cơ thể.

Này cơn mưa đêm này ngày nắng thấp
Xa lộ buổi sáng vẫn xe tấp nập
Phố xá mỗi ngày mình vẫn tìm nhau
Bàn chân đi đâu nỗi sầu bắt gặp
Chạy xuống phương nam về đâu hiu hắt
Chạy về phương bắc ảo ảnh đời nhau
Cuối tuần ngồi trông em xa ánh mắt
Dõi trăng hiên nhà soi lạ tình sau.
(Nguyễn Nam An)

Ừ nhỉ! Hóa ra cuộc đời là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ. Chạy loanh quanh. Nói như Trịnh Công Sơn: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt! Gặp một bà bạn đã lâu ngày xa cách, thấy bộ điệu hớt hơ hớt hải, vội vấn đi đâu mà xấc bấc xang bang như vậy? Bèn nhận được một cái nguýt kèm theo một câu…mắng. Đi chạy tiền chứ đi đâu! Sau đó là một nụ cười cầu tài. Hồi này làm ăn ra sao? Có dư cho giật nóng ít ngàn, tuần sau trả! Bèn cười lại. Làm thì không ra sao, ăn thì rất ra gì, tiền đâu mà giật nóng với giật lạnh! Nhìn nhau ngại ngần, lỉnh đi cho đẹp cả đôi đường. Theo binh pháp thì đó là diệu kế: tẩu vi thượng sách! Đó là kế cuối cùng trong tam thập lục kế mà cổ nhân đã dạy bảo cho con cháu. Cái kế chót là như vậy, nhưng 35 cái kế trên nó ra làm sao, nhiều bạn đã cắc cớ hỏi tôi. Ba mươi lăm kế khác chẳng có kế nào thuộc loại…chạy cả. Bài này đang nói chuyện về chạy mà đâm quàng qua chuyện chẳng chạy thì còn ra làm sao nữa. Nhưng tính tôi cả nể, bạn bè xoắn xuýt hỏi, chẳng biết sao mà chạy, đành vòng vo tam quốc một chút. Nói ngắn gọn thì 36 kế được kê ra theo thứ tự như sau. Thanh đông kích tây (reo hò bên đông, đánh bên tây); điệu hổ ly sơn (dụ cọp ra khỏi núi); nhất tiễn song điêu (một mũi tên bắn chết hai con chim); minh tri cố muội (biết rõ mà làm như không biết); du long chuyển phượng (biến rồng thành phượng); mỹ nhân kế (dùng gái đẹp để thi hành kế); sấn hỏa đả kiếp (đốt nhà cướp của); vô trung sinh hữu (giữa cái không sinh ra cái có); tiên phát chế nhân (ra tay trước để chế ngự đối phương); đả thảo kinh xà (đập cỏ dọa rắn); tá đao sát nhân (mượn đao giết người); di thi giá họa (dùng thây người chết để giá họa); khích tướng kế (dùng lời lẽ khiêu khích); man thiên quá hải (thừa lúc trời u ám để vượt biển) ám độ trần sương (bí mật chuyển quân qua đường mòn trường sơn); phản khách vi chủ (đổi khách làm chủ); kim thuyền thoát xác (ve sầu lột xác); không thành kế (bỏ vườn không nhà trống); cầm tặc cầm vương (muốn bắt giặc phải bắt được vua giặc); ban trư ngật hổ (giả làm heo để bắt hổ); quá kiều triều bản (qua cầu rút ván); liên hoàn kế (kế liên kết với nhau); dĩ dật đãi lao (lấy gần đợi xa); chỉ tang mạ hòe (trỏ vào cây dâu mắng cây hòe); lạc tỉnh hạ trạch (ném đá người dưới giếng); hư trương thanh thế (thổi phồng thân thế của mình); phủ để trừu tân (bớt lửa dưới nồi); sát kê hách hầu ( giết gà cho khỉ sợ); phản gián kế (dùng kế của địch để đánh địch); lý đại trào cương (đưa cây lý ra chết thế cây đào); thuận thư khiên dương (thuận tay bắt dê); dục cố cầm trung (muốn bắt mà lại thả); khổ nhục kế (tự hạ mình xuống); phao bác dẫn ngọc (ném gạch vụn lấy ngọc); tá thi hoàn hồn (mượn xác để hoàn hồn); và cuối cùng là…tẩu kế!

Đại khái là như vậy, bạn đọc nào muốn rõ thêm thì nên chạy đi kiếm một ông thày bàn để thêm phục người xưa. Ba mươi sáu kế này áp dụng vào binh pháp, chiến tranh hoặc tình báo đều ngon lành cả. Nhưng áp dụng vào cuộc sống nhiều cạm bẫy thì cũng…good lắm. Có điều phải cho cái tâm lành của con người đi chỗ khác chơi. Những con người lành thường là những con người thiệt thòi trong cuộc sống. Họ chỉ biết…chạy!

Sống trong đất nước mà bom đạn mịt mù như đất nước chúng ta, những người dân lành cũng chỉ biết có chạy. Chạy loạn! Đó là một môn chạy khủng khiếp nhất: chạy bán sống bán chết. Chạy mà bom đạn cứ ình ình chơi trò chụp bắt. Đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, trên trời, dưới đất. Mỗi hơi thở là một vòng tử sinh. Sống đó, chết đó. Cứ thục mạng chạy, may rủi phó cho đất trời. Cuộc trốn chạy thần chết là một cuộc trốn chạy không một người nào có thể dễ dàng quên được.

Thế giới ngày nay vẫn chưa quên tấm hình chụp một bé gái trần truồng, miệng gào thảm thiết, mắt lạc thần, chạy thục mạng trên Đại Lộ Kinh Hoàng vào mùa hè đỏ lửa năm xưa. Bé gái đó là bé Kim Phúc, ngày nay đang định cư tại Canada. Con người bé nhỏ đó nay đã từng có lúc được Liên Hiệp Quốc cử làm Đại Sứ Thiện Chí và đã gặp lại được nhiếp ảnh gia chiến trường tác giả của bức hình. Bức hình làm chấn động thế giới đã đem lại cho tác giả nhiều giải thưởng và tiếng tăm. Bức hình cũng đưa một đứa nhỏ vô danh trong cuộc chiến trở thành người đàn bà cả thế giới biết tới. Bà đã chạy từ đáy vực thẳm ra chốn ngời sáng của những tâm hồn đầy ắp lòng thương cảm. Cuộc chạy marathon qua từng tâm hồn của những con người yêu chuộng hòa bình là một cuộc chạy lịch sử. Nó đánh động lòng người từ mấy chục năm qua và vẫn còn có đời sống trong một thế giới mà trò chơi chém giết vẫn còn có những tay chơi.

Bài này được viết vào những giờ phút cuối của một năm sắp tàn. Trước phút khai sinh của một năm mới người ta thường có những ước vọng mới cho tương lai. Nhưng với những thù hận, oán hờn vẫn chập chùng trên khắp trái đất thì loanh quanh chạy vẫn hoàn chạy.

Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời
Về chân đất dưới chân em mọc cỏ
Nắng Nguyên Đán lục lam hay hồng đỏ
Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm
Chạy đi em! Sương gió nắng thênh thang
Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ
Nắng Nguyên Đán của nguyên xuân đầy đủ
Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man
Và riêng mở duy một hàng ẩn mật
Nắng phơ phất vì sắc hương phơ phất
Dưới khung trời mặt đất mở thênh thang
Chạy đi em, gót ngọc bỏ hai hàng.
(Bùi Giáng)

12/2005