Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

LỆCH

Rõ ràng là cuốn tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng chưa được chuyển dịch ra ngoại ngữ. Vậy mà không hiểu sao các cô giáo tóc vàng sợi nhỏ lại vẫn cứ răm rắp…vòng tay học trò. Sôi nổi nhất là cô giáo người Mỹ Mary Kay Letourneau, 36 tuổi, đã có chồng và bốn con, lại yêu khổ yêu sở chú nhóc học trò Vili Fualaau mới có 12 cái thơ ngây. Chuyện xảy ra vào năm 1996 tại Seattle thuộc tiểu bang Washington khi cô giáo đã có chồng và bốn con. Ông chồng phát giác ra sự việc khi bắt được những bức thư tình của vợ gửi cho cậu học trò bé bỏng. Ông bèn xin ly dị và đem cả bốn đứa con về Alaska. Cô giáo bị đưa ra tòa về tội dụ dỗ trẻ vị thành niên. Tòa phát cho cô bản án 6 tháng tù và cấm cô tiếp xúc với người tình trẻ. Vậy mà chỉ một tháng sau khi mãn án, cô lại bị bắt gặp quả tang đang tù ti với chú học trò Vili trên xe hơi. Lần này tòa lại cho cô đi bóc 7 cuốn lịch rưỡi về tội nặng hơn: tội hiếp dâm! Khi ra tù thì cô đã 42 tuổi và cậu có số tuổi bằng nửa tuổi cô: 21. Và họ đã có với nhau hai đứa con. Họ quyết định tổ chức đám cưới tại nhà thờ Columbia Winery ở vùng Woodinville, cách Seattle khoảng 20 dặm. Đám cưới có cô con gái đời chồng trước của cô giáo làm phụ dâu và hai bé gái của cô dâu chú rể là Audrey, 8 tuổi và Alexis Georgia, 7 tuổi, làm người tung hoa! Đề huề gớm!

Cô giáo Úc châu Karen Louise Ellis, 37 tuổi, cũng chẳng chịu thua. Cô dậy thể dục tại một trường trung học ở Victoria. Chồng phải đi xa vì công việc làm ăn, cô tìm an ủi nơi cậu học trò 15 tuổi của mình. Chuyện đổ bể, ra tòa, cô nhận lãnh bản án 22 tháng tù. Nhưng cậu học trò cho biết mình chẳng còn thanh tân khi ăn nằm với cô giáo lại còn bào chữa cho tình yêu của đôi lứa…lệch, và ông chồng đau khổ cũng xin tòa khoan hồng cho vợ vì ba đứa con của ông cần có mẹ. Ông tòa cũng xuôi theo và giảm án còn 3 năm án treo, nếu tái phạm sẽ y án cũ!

Rồi cô giáo Heather Elizabeth Ingram, 29 tuổi, của trường trung học Sunshine Coast, tỉnh bang British Columbia, Canada tò te với cậu học trò 17 tuổi. Cô giáo Rebecca Ann Boicelli, 31 tuổi, của một trường trung học ở Redwood City, thuộc phía bắc California ôm bầu tâm sự với cậu học trò 14 tuổi vào năm 2001. Cô giáo Debra Beasley Lafave, 24 tuổi, dậy tại trường trung học Greco Middle tại Temple Terrace, thuộc Tampa, đã có chồng mà vẫn đi tìm hơi ấm nơi cậu học trò 15 tuổi. Cô giáo Pamela Rogers Turner, 27 tuổi, đã từng dự thi hoa hậu, dậy thể dục tại trường trung học Warren County, tiểu bang Tennnessee, tìm đủ cách để cướp đoạt cái trinh tiết của cậu học trò 13 tuổi. Cô giáo Mỹ Sarah Bench-Salorio, 28 tuổi, chơi trò…nhảy vọt. Cô dụ dỗ tới 20 em học sinh vị thành niên!

Nếu phải làm một bản liệt kê các cô giáo chăn dắt học trò một cách tận tụy như vậy, e rằng chúng ta sẽ phải mất rất nhiều giấy. Chúng ta chỉ cần biết là trong số các cô…trời đánh này có nhiều cô đã cùng học trò viết hồi ký bộc bạch với hải nội chư quân tử mối tình lệch của mình. Và chẳng cần nói ai cũng biết là các cuốn hồi ký này đều bán chạy như tôm tươi. Chắc chắn là chạy hơn cuốn Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng của chúng ta.

Chúng ta có những mối nhân duyên lệch như vậy không nhỉ? Có, nhưng chúng không được coi như những cuộc tình. Chúng là kết quả của tục tảo hôn ở thôn quê khi người ta cưới vợ cho con trai còn bé để có thêm nhân công cho ruộng vườn. Người con gái nhà nghèo bị ép gả cho những chú bé thò lò mũi xanh là những con người hẩm hiu đáng thương.

Tham giàu em lấy thằng bé tỉ tì ti,
Làng trên trại dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé nó giầy vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.
Cũng đa mang là gái có chồng,
Chín đêm chực tiết nằm không cả mười.
Nói ra sợ chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh.
Em cũng liều mình vì thằng bé trẻ ranh,
Đêm nằm sờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn.
Buồn mình, em lại bế thằng bé nó lên,
Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì.
Nó ngủ nó ngáy tì tì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân.
Chị em ơi! Hoa nở mấy lần.

Nở chi được mà nở! Nhưng với bà Đỗ Thị Tân, ngụ tại 47 phố Bát Sứ, Hà Nội thì…nở toe toét! Bà đã có hai đời chồng. Ông thứ nhất do cha mẹ ép gả năm 20 tuổi là một người bê tha chơi bời. Bà chỉ sống được 8 năm với ông thì đứt gánh. Ông thứ hai thì quá vũ phu nên bà cũng đành bai bai mặc dù đã sanh cho ông tới 5 người con. Năm nay bà được 71 tuổi và đang nằm trong những cuộn mây hồng. Bà đang điên lên vì tình. Người tình của bà kém bà ba chục tuổi, ở xa nên ngày nào bà cũng viết thư. Cái thì bà gửi bưu điện, cái thì bà nhờ trao tay. Thư nào cũng da diết mặc dù bà có tới ba chục năm lệch phía trên. Bà cười toe toét. “Vui lắm chứ. Yêu mà!”. Mà vui thiệt! Ngay trước cửa nhà bà có treo một tấm bảng có hai chữ: “Biển yêu”. Trong nhà đồ đạc chồng chất. Phải đủ cho hai người chứ! Và bà đang đợi ngày vui vầy với anh chồng giữ phần non trong mối tình…lệch!

Bạn với bà Đỗ Thị Tân là bà Edna Townsend, mới bảy chục cái xuân… xanh! Mà xanh thật. Vì bà đang lặn ngụp trong hạnh phúc làm bà “như thấy mình đang trở lại tuổi 20”. Người có tài ẵm bà đi ngược thời gian là anh nhạc sĩ Simon Martin, đã…31 tuổi. Chính anh chàng thích chơi đồ cổ này đã ngỏ lời cầu hôn…bà nội vào đúng ngày Valentine sau hai năm quen biết. Cha anh, Simon, 69 tuổi và mẹ anh, 64 tuổi, đều tá hỏa khi anh đưa bà hôn thê già hơn cả bố mẹ anh về giới thiệu. Nhưng cuộc tình lệch này cũng…bằng khi đám cưới của họ được cử hành với cô dâu mặc áo cưới kiểu năm 1920! Trước đám cưới, họ thỏa thuận với nhau được đôi điều: nếu Edna về trời trước chồng thì con trai của bà sẽ đảm nhiệm phần săn sóc cho Simon và hai người quyết định sẽ không có con (thật là một quyết định sáng suốt và…không cần thiết!). Cô dâu 70 tuổi Edna cho biết bà đang sống trong một giấc mơ có thực. “Simon không đối xử với tôi như một bà mà như một cô gái. Tôi thấy như mình đang ở tuổi 20!” Hãy để Edna 70 nằm mơ màng trong tuổi 20!

Bà già đã tám mươi tư
Ngồi trong cửa sổ gửi thư kén chồng

Bà Ngô Bạch Vân còn…trẻ. Bà chưa tới tám tư, mới có 81 tuổi, dư sức kén chồng. Nhà triệu phú Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc này đã đăng báo tìm “một người đàn ông đẹp trai” làm chồng vì con cháu đã bỏ ra nước ngoài để bà vò võ cô đơn. Chỉ một ngày sau khi lời rao kén chồng xuất hiện trên báo, đã có 300 người gọi điện thoại tới…ứng cử. Người trẻ nhất mới 20 và người via nhất đã 88 tuổi. Lọt vào cặp mắt đục của bà Ngô là anh đầu bếp Quách, 39 tuổi, ở Thẩm Dương. Anh chàng đầu bếp này là một người thật thà. Anh đã tỉnh queo trà lời báo chí: “Tôi chú trọng tới tiền của bà ấy. Tôi đã sắp 40 tuổi, bây giờ vẫn trắng tay, muốn lập nghiệp sao khó quá. Nếu được hưởng một phần tài sản của bà ấy thì đỡ vất vả bao nhiêu năm.” Còn tình yêu? Tôi không biết nữa! Rửa mặt hay lau chân thì tôi làm được, còn nấu ăn thì khỏi phải nói!

Lệch tuổi hình như có thời đã là độc quyền của giới mày râu. Cụ nào ngày xưa chẳng vớ năm bảy con bê sữa về để an dưỡng tuổi già. Xã hội Việt Nam xưa đã chấp nhận như vậy. Chẳng ai lấy đó làm điều. Ngày nay coi bộ kém xưa. Cứ ngo ngoe một chút là được gắn…bội tinh Già Dê, Già Ó Đâm, Già Dịch… Mất vui đi. Nhà thơ Hữu Loan của chúng ta thì vẫn cứ vui. Nhà nước cộng sản ông còn chẳng sợ thì miệng tiếng thế gian là cái thá chi! Lúc nào ông cũng cứ “vuông chành chạnh”.

Tôi là cây
    gỗ
        vuông
chành
       chạnh
                 suốt đời
đã làm thất bại
mọi âm mưu
                đẽo tròn
để muốn tùy tiện
        lăn long lóc thế nào
                thì long lóc
Chân
       tính
               đấy
hỡi Rìu, Bào
         Phó - Mộc

Bà Hữu Loan, dĩ nhiên là bà vợ kế (bà vợ đầu đã chết trong Mầu Tím Hoa Sim), kém ông gần hai chục tuổi, đã kể với nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự khi nhà văn này tới thăm hai ông bà. “Khi ông đi Nam, ông viết thư về bảo có mấy cô còn trẻ mê ông muốn lấy ông, làm vợ bé, ông còn dám bảo “có lẽ cũng phải lấy thôi”. Nghe nhắc tới chuyện đó, mắt Hữu Loan ánh lên nét tinh quái và ông mỉm cười nói: “Vì thế tôi mới gọi bà là Thiến Thư. Thiến Thư chứ không phải Hoạn Thư. Dạo đó hình như bà cũng có ghen thật. Tôi (Tiêu Dao Bảo Cự)  nghe nói bà đã xé mấy bức ảnh ông chụp chung với mấy cô gái trẻ. Bây giờ ông đã 90 tuổi, bà hơn 70, nhưng nhắc đến chuyện tình yêu, ghen tuông, hai ông bà vẫn còn xúc cảm, tuy trong một trạng thái khác. Đúng là chuyện không tuổi và của muôn đời.” (Tạp chí Văn, California, số tháng 7&8 / 2005).

Đúng là chuyện của muôn đời!

khi anh về bé vừa lên mười sáu
rất dịu dàng nhưng rất lạ đời anh
khi đưa tay gõ vội trái tim mình
nghe sai lỡ như một lần dâu bể
anh đã già rồi hồn khô ý trễ
tương lai mù trên mấy ngọn sầu đông
yêu vô vàn cũng rớt giọt tình không!
(Hoàng Lộc)

Anh đã già nhưng vẫn không được những hình bóng trẻ buông tha. Như Hữu Loan. Hoặc như những tài danh khác. Bác sĩ Hùng, nguyên Giám đốc một bệnh viện lớn ở Sài gòn đã 70 cái xuân già mà vẫn chưa thoát được vòng cương tỏa. Ông nhận được hàng trăm lá thư tỏ tình gửi về nhà, về nơi ông làm việc, về phòng mạch tư. Tác giả là  một người con gái mà ông không biết mặt. “Anh Hùng, biết anh đã có gia đình nhưng em vẫn yêu dù nhỏ hơn anh 30 tuổi. Vợ cả đi cửa trước, em đi cửa sau; có vợ lẽ thì còn cửa sổ, cửa càng nhỏ em càng thương”. Và cô gái vẫn giấu mặt tuy đã cả gan sao những bức thư tình nóng bỏng này cho vợ và con bác sĩ Hùng. Vị bác sĩ nhiều duyên số chỉ còn cách trình cảnh sát và nhờ luật sư tư vấn về tình cảnh được yêu của mình!

Một người tài năng khác, nhà bác học Dương Chấn Ninh, người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải thưởng Nobel vào năm 1957, giải Nobel Vật Lý, cũng bị xô vào một tình cảnh lệch lạc. Cô Ông Phàm, một nghiên cứu sinh 28 tuổi, nhất định đòi làm vợ ông tuy ông đã 82 con giáp. Cuộc gặp gỡ của đôi tình nhân xảy ra vào năm 1995. Đó là cuộc gặp gỡ do Thượng Đế sắp đặt, ông Dương Chấn Ninh đã ngôn như vậy. Khi đó, ông và vợ tới Sán Đầu để dự một hội nghị vật lý quốc tế. Cô Phàm, khi đó đang là sinh viên Đại học được phân công đón tiếp vợ chồng ông. Tháng 10/2003, vợ ông Dương qua đời, mối tình thầm kín của họ có cơ hội được…ra công khai. Họ đã đính hôn vào tháng 11/2004 và thành hôn vào tháng 1/2005. 82 tuổi, còn tình chăng, nhất là tình với cô gái đáng tuổi cháu? Ông Dương bảo còn. Sự thanh xuân không chỉ gắn với tuổi tác mà còn liên quan đến cả tinh thần, tuy tôi tuổi đã cao nhưng tinh thần vẫn còn rất trẻ trung. Ông chứng tỏ sự trẻ trung bằng một bài thơ tặng cô vợ trẻ.

Dịu dàng, chu đáo chẳng mưu mô
Nhanh nhẹn, dũng cảm lại hiếu kỳ
Sôi nổi, đáng yêu và nghịch ngợm
Em - mùa xuân vĩnh viễn của lòng anh!

Nhà báo Lý Quí Chung, tuy chẳng có giải Nobel nhưng cũng là một người nổi tiếng. Ông có ba đời vợ. Người vợ thứ hai, trước khi mất, đã đưa cho ông một danh sách 5 người để ông chọn sau khi bà qua đời. Trong cuốn “Hồi Ký Không Tên” mới được xuất bản, ông không nói rõ về tuổi tác 5 người đàn bà lọt vào vòng chung kết. Ông chọn một cô gái trẻ, rất trẻ. “Cô gái 21 tuổi trở thành người vợ thứ ba của tôi không nằm trong danh sách năm người phụ nữ được Cúc Phượng nêu tên. Thật sự tôi không có ý định lấy một người vợ trẻ đến mức đó. Trong việc lấy vợ tôi chọn người chứ không chọn tuổi. Bấy giờ tôi đã 58 tuổi. Khoảng cách 37 năm giữa tôi và Thủy không chỉ là khoảng cách về sinh học mà còn là khoảng cách về nhiều khía cạnh khác không dễ dàng vượt qua khi bắt đầu cuộc sống chung. Phải có nhiều tình thương và cố gắng hòa hợp với nhau cho cuộc hôn nhân. Người đàn ông về phần mình cố gắng có một cuộc sống trẻ trung, người vợ trẻ cũng đừng quên mình có một người chồng thật sự lớn tuổi, để hai phía điều chỉnh nhau trong cuộc sống chung hạnh phúc.”

Nhạc sĩ Thanh Tùng, tác giả của nhiều tình ca được mến mộ, không có được cái hạnh phúc như vậy. Ở tuổi gần lục tuần, ông có mối tình với một cô gái chân dài rất đẹp mới hai chục xuân xanh. Mối tình lệch tuổi đã cho đời những tình ca mới. Như bài Lời Chim Đỗ Quyên: Biết không là lần đầu tiên, lòng vẫn mong đây là tình yêu cuối cùng. Cuộc tình đành dang dở. “Chúng tôi đã dừng lại cuộc tình này. Vì một lý do hết sức đau buồn: tuổi tác. Chúng tôi không vượt qua nổi thời gian, mặc dù cố tạo ra một không gian sống cho tình yêu. Nhưng cho dù thế nào tôi vẫn ngàn lời cám ơn em, vì chính em đã cho tôi biết rằng: hóa ra trái tim tôi vẫn còn có thể yêu. Tôi vẫn có thể có tình yêu”.

Nghệ sĩ thường hay rắc rối. Có tình yêu hay không, cần chi. Đoàn lão ông hải ngoại đâu có care những chuyện vớ vẩn đó. Họ hùng dũng quy cố hương để cứu vớt những cuộc đời trẻ trung trong nước. Thay vì đi Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc, Tân Gia Ba, Mã Lai… những người con gái da vàng của chúng ta cứ ngồi yên tại chỗ chờ đoàn quân cao tuổi từ hải ngoại dồn dập đổ về. Khó khăn nào cũng vượt qua, kể cả khó khăn lệch lạc tuổi tác. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Cứ mang ông Hoa Thịnh Đốn xanh xanh mầu hy vọng ra kê thì lệch cũng thành không lệch! Lệch, chuyện nhỏ!

10/2005