Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

DANH

Nếu ai hỏi chúng ta Jane Lưu là ai chắc ít người trong chúng ta biết. Đó là một cái tên trong trăm ngàn cái tên nửa Mỹ nửa Việt của người Việt tỵ nạn chúng ta. Nhưng đây không phải là một cái tên người thông thường. Đó là tên một thiên thạch ở trong bầu trời bao la! Chuyện như thế này. Cô Jane Lưu là một nhà thiên văn người Mỹ gốc Việt tốt nghiệp Đại Học Stanford vào năm 1984. Mỗi năm, vào dịp hè, cô đều tới Hawaii ba tuần lễ. Không phải để tắm biển mà chỉ để ngồi ngắm những vì sao. Đêm nào như đêm nấy, cô leo lên đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt ở độ cao 14 ngàn bộ trên mực nước biển với chiếc viễn vọng kính cực mạnh của những tay nhà nghề trong việc săn sao. Khi mặt trời le lói thức dậy xóa đi những vì sao thì cô xuống núi, trở về trại, kiên nhẫn phân tích những dữ kiện thu thập được. Khi mặt trời lặn, những vì sao xuất hiện lại, cô lại leo lên đỉnh núi. Cứ thế trong mười kỳ hè ròng rã. Cho tới năm 1992, cô khám phá ra một thiên thạch đầy đá và băng, quay xung quanh mặt trời ở ngay bờ mép của thái dương hệ, nơi tiếp xúc giữa thái dương hệ của chúng ta và vũ trụ bên ngoài. Khám phá của Jane Lưu rất quan trọng vì đã tạo ra một hướng mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành thái dương hệ của chúng ta. Vì sao do nhà thiên văn người Việt tìm ra đã được đặt tên là “5430 Lưu”!

Cô Jane Lưu đã lưu danh trên chốn trời cao. Lưu danh là một mơ ước của mỗi người chúng ta bởi vì ai cũng yêu mình và yêu cái tên của mình không muốn nó mai một đi khi chúng ta rời bỏ cõi tạm này.

Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh gì với núi sông
Đi không chẳng lẽ lại về không?
(Nguyễn Công Trứ)

Ờ, sống cả một đời người chẳng lẽ cứ thinh không ra đi. Phải gài cái tên lại cho hậu thế. Nhưng lưu danh chẳng phải là việc mà ai cũng làm được. Phải có chút gì nổi trội hơn người khác! Thành ra chúng ta phần lớn cứ về không. Không nổi trội hơn người nhưng cũng không chịu về không, nhiều người quay quắt với cái danh. Họ mua cái danh hão. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng! Lỗ chổng gọng! Bởi vì đó là cái danh…dỏm.
Chi bằng cứ coi cái tên cha sanh mẹ đẻ như lông hồng cho nó nhẹ nhõm.

Tôi đã buồn hơn chiếc bóng tôi
Mai kia tôi sẽ bỏ xa đời
tuổi, tên, thôi cũng đi về…đất
riêng ở nơi này vẫn tháng hai.
(Du Tử Lê)

Khi về với đất tên có mai một đi không? Không! Nếu được ghi trong sử sách thì nhất. Tên sẽ có một đời sống dài, sẽ nằm trong đầu óc của những thế hệ mai sau. Bằng không thì tên cũng được ghi trên…mộ bia. Coi như cũng trúng giải an ủi! Đó là khúc cuối của tên. Khúc đầu bắt đầu từ lúc khai sinh. Ngày nay khi một đứa trẻ được sinh ra, giầu nghèo sang hèn làm sao cũng được phát cho một giấy khai sanh trong đó có ghi tên đàng hoàng. Tên dài hay ngắn, lê thê năm bảy chữ hay ngắn ngủn hai chữ, mỹ miều hay nôm na tùy theo ý thích của mẹ cha. Khai sanh? Đó là một thủ tục giản dị ai cũng được hưởng. Ngày nay là như vậy, ngày xưa không phải vậy. Có được khai sanh hay không, tùy theo lệ làng, thậm chí tùy theo sự buồn vui của những vị chức sắc trong làng.

Chúng ta thử theo chân gia đình bác Cả Nam trong tiểu thuyết Việc Làng của Ngô Tất Tố. Làng Lão Việt là một làng điển hình của miền Bắc về các hủ tục. “Nói giấu gì ông, nhà tôi không phải gốc gác ở làng này. Ông thân chúng tôi ở vùng Nam lên đây sinh cơ lập nghiệp, rồi mới đẻ ra anh tôi và tôi. Thế là tới ở làng này, nhà tôi mới có hai đời. Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư ba đời mới được “thành tổ”. Nghĩa là được ngang hàng với mọi người khác. Làng này lại ngặt hơn nữa, từ xưa đến giờ họ không cho một người ngoài nào nhập bạ. Vì thế, anh tôi và tôi cũng như ông thân chúng tôi, đều không có ngôi ở đình. Chắc ông cũng biết ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã. Những lúc tứ quý kỳ phúc, người ta thì phần ăn phần gói, mình thì chẳng có miếng gì. Những lúc hội hè đình đám, người ta rước cờ, rước quạt, mình chỉ đóng vai khiêng chiêng. Như thế cũng đã khổ rồi. Hơn nữa, lỡ có cha già mẹ héo, làng giáp có chôn cho đâu! Chính lúc ông thân bà thân chúng tôi qua đời, anh em tôi đều phải nhờ cậy hàng xóm khiêng giúp. Rồi khi xong việc, chúng tôi muốn theo mọi người nộp lệ cho làng con trâu, họ cũng không thèm nhận cho. Cái đó mới cực cho chứ!”

Sống trong làng mà cứ như…Việt Kiều! Nay bác Cả Nam sanh được một thằng con trai, muốn khai sanh cũng không được dù rằng đã tới đời thứ ba. Phải đút lót từ trên xuống dưới. Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai chục, ông lý trưởng mười lăm đồng, ông phó lý và ông phó hội mỗi người mười hai đồng, hương trưởng, lý cựu, tộc biểu, trương tuần mỗi người năm đồng! Chưa xong, lại còn phải đãi đằng cả dân làng một bữa cỗ, phải sửa cỗ xôi, con gà để ra lễ ngoài đình. Còn tiền rượu, còn tiền thuốc phiện, còn tiền cung đốn các chức dịch đánh tổ tôm. Những tiền là tiền. Nông dân nghèo tiền đâu ra mà cung phụng? “Cách ba bữa sau, bác Cả Mão sang nhà tôi trọ, dạm bán cho ông chủ nhà một mẫu hai ruộng, lấy trăm đồng bạc để trang trải công nợ. Vui vẻ bác khoe với tôi: “Tất cả, tôi lo hết gần hai trăm. Cửa nhà có non một trăm, còn thì đều phải đi vay. Nhưng tôi cũng lấy làm hả. Từ nay trở đi, cháu đã có ngôi đình, chúng tôi sẽ được ăn miếng thịt phần việc làng của nó…!”

Có “ngôi đình” là tên tuổi đã được trước bạ vào làng. Một thứ khai sanh đó! Bác Cả Nam đã vất vả, cụ Vương Hồng Sển cũng vất vả không kém. Sển là một cái tên không giống ai. Khi dậy tại Đại Học Văn Khoa Sài gòn cụ cho biết sở dĩ cụ phải mang cái tên xấu xí như vậy là vì khi thân sinh cụ đi khai sanh đã không đút lót cho kỳ hào trong làng nên cái tên đẹp đẽ viết bằng chữ Nho đã được phiên âm ra theo cách nói bình dân như vậy! “Nhưng qua cũng chẳng lấy  làm buồn vì suốt đời phải mang cái tên chỉ có mình mình có. Tên mình chẳng lẫn được với tên ai khác nên chẳng phải mang tiếng chung với những người khác!” Cái tên xấu xí không giống ai đó thế mà cũng thành danh!

Cũng là một sự nhầm lẫn khi khai sanh nhưng anh chàng Virgule này không thành danh như cụ Vương Hồng Sển mà…thành hôn! Khi ông bà Point (dấu chấm!) sanh được một cậu con trai, họ quyết chọn cho cậu con cưng một cái tên…ra gì với núi sông! Họ lấy cái tên của nhà thơ cổ đại nổi danh Virgile với hy vọng cậu con sau này sẽ có danh vọng. Nhưng khi ghi tên con vào sổ khai sanh, ông Point quá xúc động nên viết lộn là Virgule (dấu phết!). Thành ra cậu có cái tên…chấm phết: Point Virgule! Cậu khổ vì cái tên không giống ai này trong suốt thời đi học. Khi trưởng thành cậu Chấm Phết này đem lòng yêu cô hàng xóm Séraphine dễ thương. Cô nhỏ này lại chẳng thèm để mắt tới cái dấu chấm phết nhỏ nhoi, cô yêu một chàng trai khác. Chàng trai này lại chẳng thèm ngó ngàng gì tới cô. Điện thoại, thư từ cô gửi dồn dập cho cậu trai nhưng cậu chẳng thèm để ý tới. Tuyệt vọng, cô  ra bưu điện đánh một bức điện tín cuối cùng cầu may. Chàng nhân viên bưu điện tiếp cô chính là anh chàng Point Virgule. Khi thấy Séraphine tới gần, anh cảm thấy như muốn ngất đi. Còn cô thì chẳng nhìn anh. “Tôi muốn đánh một bức điện tín”. Virgule cầm bút lắp bắp. “Xin cô vui lòng đọc nội dung!”. Với giọng run run cảm động, Séraphine đọc. “Je t’aime - virgule -  Je t’adore -  virgule -  Je voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussi -  point”. Virgule yêu cầu Séraphine nhắc để dò lại. Đôi mắt anh sáng lên vì sung sướng. Séraphine bỗng thấy anh chàng hàng xóm này thật dễ thương. Lấy hết can đảm, Virgule thì thầm. “Anh cũng yêu em, Séraphine!” Bây giờ họ đã có với nhau ba cái chấm nho nhỏ! Nếu ông bố anh Virgule không run tay thì tên anh đã giống tên thi sĩ  lớn Virgile. Thế thì thật vô nghĩa!

Tên thường là một thứ vô nghĩa. Người ta chẳng công đâu mà nhớ tên những người gặp một lần rồi thôi. Gặp nhiều lần mà không muốn nhớ cũng rứa. Bộ nhớ trong đầu óc chúng ta có giới hạn chỗ đâu mà nhồi nhét những thứ không cần thiết.

Một ông rất lịch thiệp mời bạn bè tới nhà ăn. Ông luôn luôn gọi vợ bằng những cái tên rất âu yếm như: “Em yêu”, “Cưng của anh”, “Tình yêu của anh”, “Con bồ câu bé nhỏ của anh”… Khi cô vợ vào bếp thu dọn chén bát, một người bảo ông ta: “Anh thật là một người chồng tuyệt diệu! Sau từng ấy năm ăn ở với nhau mà anh vẫn còn gọi vợ bằng những cái tên đáng yêu như thế”. Ông ghé vào tai bạn thì thầm: “Nói thật với cậu. Mình quên béng từ lâu tên của bà ấy rồi!”

Tên là dấu ấn đầu tiên khi con người tiếp xúc với nhau. Muốn người ta nhớ tên mình thì phát cho một tấm danh thiếp. Thường thì danh thiếp là một cách để cho người khác tiện giao thiệp với mình. Trên danh thiếp, ngoài tên, chức vụ, còn có địa chỉ, số điện thoại (nhà và di động) và, trong thời đại internet ngày nay, địa chỉ e-mail. Cứ đứng đắn thông thường với các chi tiết trên, tấm danh thiếp không nổi. Phải phăng-te-di chút đỉnh mới ra người văn minh! Ông nha sĩ thì thêm vào hình hàm răng, ông bác sĩ cho thêm con rắn quấn cây gậy, ông…bói sĩ in thêm cái hình âm dương bát quái, còn nếu không có tí sĩ dắt lưng người ta chẳng ngần ngại mà chơi luôn tấm chân dung tươi cười của mình vào cho le lói. Chức danh được in trên danh thiếp cũng là cơ hội để đánh bóng cái tôi. Có ông in một loạt các chức danh cũ mới đen kín cả danh thiếp, có ông ghi cả những chức vị không đáng là chức vị, có ông cố nặn ra những chức Hội trưởng của những cái hội ấm ớ cho đầy danh thiếp… Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong truyện “Tuổi 20 Yêu Dấu”, đã mô tả lại một tấm danh thiếp hoa lá cành: “Ông ta đưa cho tôi một cái cacvidit trước đề: ‘Công Ty hữu hạn trách nhiệm Đại Sơn, Dai Son Co., Ltd, Lê Bình, Giám Đốc, địa chỉ, số điện thoại, có cả Fax E-mail’, mặt sau đề: ‘Ngành nghề kinh doanh: xây dựng các công trình dân dụng giao thông, thủy lợi. Mua bán, trao đổi các thiết bị viễn thông, văn phòng. Kinh doanh bất động sản. Quảng cáo. Vận tải và dịch vụ vận tải thủy bộ. Chỉ có niềm tin bạn bè và chất lượng phục vụ là hạnh phúc của chúng tôi. Kính chúc các bạn may mắn và thành đạt’ ”.

Tại Việt Nam ngày nay người ta rất sính tiếng Mỹ. Danh thiếp cho ra danh thiếp phải có tí chữ Hồng mao điểm xuyết vào. Như Chợ Lớn thì phải là Big Market, chung cư Miếu Nổi thì đi một đường Floating Temple Appartment  hoặc đường Bàn Cờ diễn mẽo là Chess-Board Street!

Danh thiếp là sản phẩm của Tây phương, Đông phương không dùng danh thiếp mà dùng con dấu triện. Vua quan có triện đã đành, dân cũng triện như ai. Dân chơi Tàu ngày xưa mỗi người dắt lưng năm bẩy cái triện. Tùy theo chỗ họ dùng loại triện khác nhau. Vào một vũ sảnh hay tửu lầu họ chẳng cần mang theo tiền mặt. Khi nhà hàng đưa bill  họ rút triện ra đóng cộp một cái vào chỗ ghi tổng số tiền rồi thơ thới ra về, khi nào mang tiền lại trả cũng được. Triện còn là ám hiệu để gọi các đào hát loại thượng hảo hạng nữa. Chỉ cần áp con dấu lên một tờ giấy, đưa cho một người hầu mang vào trong là cô đào riu ríu ra hầu rượu. Nhưng những mỹ nhân vừa có tài vừa có sắc mà dùng triện thì rắc rối lắm. Trong du ký Một Chuyến Đi, Nguyễn Tuân đã kể lại một lối dùng triện của một cô đào sắc nước hương trời. “ ‘Ông đọc được chữ triện không?’ Tôi mỉm cười. Đến chữ hành thư tôi còn không đọc được một câu đối dài, nữa là nói chi đến chữ triện. Ông Hahn bảo tôi: ‘Cũng không sao’ rồi khoác tay tôi đi về phía phố Hoàng Hậu Tây Đạo - một cái mạch máu cái của Hương Cảng. Ông tìm tới hiệu sách phân cục của Thương Vụ Ấn Quán Thượng Hải chúc mừng năm mới chủ nhà hàng là người quen và lục bộ Khang Hy Từ Điển. Ông tra tự vị lâu quá. Vừa tra sách, vừa dò chữ ở tờ giấy có in con dấu đỏ. Sau cùng ông vui vẻ bảo tôi: ‘Một câu thơ ông ạ. Thử hoa khai hậu cánh vô hoa. Câu thơ cổ này ám chỉ hoa cúc. Nếu Cúc thì đúng là tên nàng rồi. Còn ba chữ nhỏ nữa, không đọc ra chữ gì. Tra tự vị không có’. Ông chủ hàng sách mời uống ấm trà vừa bưng ra và lấy kính đeo lên mắt và thân mật chen vào câu chuyện và đòi xem tờ giấy in dấu. Ông chủ hàng sách lại tra sách, lại dò chữ con dấu, vừa làm việc, vừa lẩm bẩm, vừa lấy bút viết thử vào lòng bàn tay. Hàn Vị Lê tủm tỉm, có ý đố thầm ông chủ hàng tìm nổi. Bỗng ông chủ hàng sách kêu to: ‘Hày à!’. Rồi cười hà hà như người giải được bài đố chữ ô. Ông nói một hồi mà tôi không hiểu tí gì, chỉ có mặt Willee Hahn cứ sáng và vui sướng mãi lên theo lời nói to của nhà hàng. Tôi không rõ ông Hàn làm cái gì mà tìm tòi bí mật thế và họ nói chuyện những câu gì nhưng cái vui của họ cũng truyền nhiễm sang tôi… ‘Bây giờ tìm nàng ở đâu?’ ‘?’ ‘Cúc Tiểu Muội ấy mà.’ Cái con dấu ban nãy là của Cúc Tiểu Muội. Khắc chữ con vào dấu mà dùng đến lối chữ cổ triện Tiền Tần thì còn ai đọc nổi. Cái ông chủ hàng sách đọc được cũng giỏi thực. Ông nói mấy chữ ấy xong là tôi nhận được ra cái lối viết triện cổ ngay. Chốc nữa, nếu tìm nàng không ra trong suốt một đêm nay ở khắp các khách sạn lớn ở Hương Cảng, thì sáng sớm mai tôi đáp luôn tàu đi Macao. Thế nào trong mấy ngày này nàng cũng có lai vãng ở các sòng phán thán bên Macao”.

Những người viết chúng tôi cũng…triện như ai. Dĩ nhiên trong thời đại…thiếu thời giờ trầm trọng ngày nay, chẳng ai lại chơi trò đánh đố người khác bằng triện như cô nàng Cúc của ông Hàn Vị Lê. Cúc thì vẽ đại ra chữ Cúc cho khỏi mệt óc người khác. Thử hoa khai hậu cánh vô hoa làm chi cho nhọc lòng nhau. Triện của chúng tôi có khác nhau, vuông, tròn hay bầu dục, chữ âm hay dương, chữ Hán hay chữ quốc ngữ. Chữ Hán tôi mù tịt nên triện của tôi dùng chữ quốc ngữ nhưng nhái theo chữ Hán. Mười hai năm trước đây, khi cuốn sách đầu tiên được xuất bản, anh em viết lách ở Montréal dục tôi đi khắc triện. Cũng do dự chán rồi mới ngồi vẽ. Vác bản vẽ lên phố Tàu nhờ người khắc. Ông khắc dấu xoay đi xoay lại chẳng hiểu sao trên đời lại có cái thứ chữ Hán kỳ cục như vậy. Phải dùng hết chữ để giải thích đây chỉ là thứ chữ bắt chước cách viết chữ Hán thôi, ông thợ khó tính mới chịu phép đưa dao. Cũng gọi là có tí đo đỏ đóng trên sách cho cái chữ ký bớt trơ trọi. Chứ nào có ra gì một cái tên!

Dẫu từ lâu bỏ việc văn chương
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên…
(Tô Thùy Yên)

09/2005