Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

DIỀU

Kỳ hè vừa qua, trên bãi biển Kitsilano của thành phố Vancouver, Canada, tôi đã say mê với những cánh diều. Sát bãi biển là một công viên có thảm cỏ xanh rì rộng lớn. Những tay diều già trẻ mặc sức mang diều ra gửi lên trời xanh. Một buổi trưa gắt nắng, tôi thấy một ông già trần trùng trục, trên người chỉ độc một chiếc quần ngắn úa đen, bất kể độ nóng như thiêu đốt, say sưa điều khiển tới bốn con diều. Cái thân hình đen đúa đậm đặc nắng hè chạy loanh quanh để giữ một lúc bốn con diều bay lượn trên nền trời trong xanh. Mà diều của ông đâu có nhỏ nhoi gì. Có con dài tới hơn chục thước xanh xanh đỏ đỏ lượn lờ êm ả. Màu sắc rất đỏm đáng. Hình thể, có diều như một chiếc ống, có diều như một cánh diều hâu, có diều như một con quạ đang muốn xà xuống, có diều như một chú rùa đi lạc lên trời. Đẹp thì có đẹp nhưng dè chừng như lộ liễu quá. Lại mang những nét công nghệ như vừa mới ra khỏi cửa tiệm. Chơi diều ngày nay vừa tiện vừa sặc sỡ! Nó “đồng phục” đến chán chường! Tôi chặc lưỡi. Mình đang ở xứ lạ!

Xứ mình cũng chẳng khác. Chắc cái thời nó vậy. Dân Hà Nội, từ ba năm nay cũng rủ nhau trở lại với cái thú chơi diều. Cũng những con diều được sản xuất hàng loạt bán tại các cửa tiệm. Tiệm nào cũng nhộn nhịp mua bán nhất là trong những ngày hè lộng gió. Cứ chỗ nào có khoảng đất trống là bay lên những cánh diều. Sân trường, tầng thượng của những tòa cao ốc, công viên, quảng trường. Trong thành phố, cột điện chen lẫn với nhà, nhiều nơi có bảng cấm thả diều. Nhìn những cánh diều dăng dăng kín trời tịnh không thấy được một con diều tự chế. Tất cả đều là hàng chợ, bán với giá vừa túi tiền học sinh, khoảng từ 10 ngàn đến 30 ngàn đồng một cái.

Không gì thanh thản và hiền lành bằng những con diều trên trời cao. Đó là chuyện xưa rồi! Trong thời buổi con người tranh đua ráo riết, diều có khác. Chúng cũng…chiến tranh! Chiều chiều ra bãi đất trống của công trường công viên Chelsea, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà nội, người ta có thể chứng kiến cuộc tỷ thí giữa các anh hùng…không gian. Mỗi con diều mang một tên, tên nào cũng rất…bụi đời. Hoangtubongdem9, Hocdemachet, Mackenodinhe, Hiepsileloi, Giamdocsongoc… Những tên mang dấu vết thời @! Đấm đá bằng diều đòi hỏi nghệ thuật lừa đảo. Phải biết lừa lúc đối thủ mải mê với diều, ta giả bước quýnh quáng, giẫm vào chân hay va mạnh vào người, con diều trên cao sẽ đảo cánh hoặc nhào vào những con diều khác, rơi xuống đất tự sát! Trong khi đó, diều của mình phải được chăm chút cẩn thận. Để diều không đứt, dây diều tuyệt đối không được căng. Khi diều đòi dây phải nới từ từ từng chút một để cho diều không đảo, không cắt dây diều khác. Khi đã thả hết dây phải giật nhẹ để giữ độ cao. Nếu diều chao, phải chạy, kéo mạnh dây lên. Người chơi không thể rời mắt khỏi diều, rời tay khỏi ống dây. Cứ như nuôi con mọn!

Nuôi con mau chán. Vậy nên dân Hà nội ngày nay, tiếng là đông đảo trên bãi thả diều nhưng thực sự họ không chú ý tới diều.  Mấy cô gái, điệu đàng là gốc, nên chẳng công đâu mà chạy với diều. Mệt! Họ nhìn lên trời, ngắm diều của người khác chừng ít phút, cho có với người ta, xong là chúi mũi vào cuốn truyện trên tay. Có cô ôm eo tình nhân trên xe gắn máy, ẻo lả tung ra một con diều nhỏ. Diều có lên được không, cần chi. Người lên là vui rồi! Những cánh diều trên không chỉ là cái nền sặc sỡ cho cuộc tình tự. Trong bóng chiều nhập nhoạng, từng đôi từng đôi ngồi yên vị trên xe gắn máy, nàng cầm ống canh dây diều đằng trước, chàng ngồi ôm sát sạt phía sau. Trên cao, con diều tội nghiệp chốc chốc lại chao đảo theo nhịp tay khao khát của chàng. Có cặp đặt ống dây xuống đất, lấy túi nước ngọt và bắp rang chặn lên dây, họ đắm chìm trong ánh mắt nhau mặc xác con diều ngả nghiêng trên không. Có đôi mặn nồng trong khi con diều vẫn nằm rũ cánh trên tay lái!

Bay lên đời
bay lên
chiều
lên cái diều đẹp
bay theo
cánh đồng
yêu người vô lượng
không không
đứng yên dũng sĩ
bước trồng tim si
yêu hồi gió tạt vu vi
trăm năm bóng ngựa
dễ gì yên hoa
ngắm theo con mắt nắng
lòa
thiếu âm một độ
dương tà một khuyên
bay lên bay lên hồn quyên
sinh
là tận giữa triệu thuyền quyên
vây.
(Hoàng Xuân Sơn)

Giữa những con diều yểu điệu lượn lờ, có những con diều bứt lên cao, lên cao mãi. Đó là những cánh diều cho bay lên trời cao để gửi một nguyện cầu. Nhất là trong mùa thi. Có cậu sắp dự thi tuyển vào Đại Học, mua một con diều, rút bút bi ra viết lên diều: “Kính lạy Trời Phật che chở, phù hộ độ trì cho con đỗ trường ĐH Văn Hóa. Con xin hết lòng hậu tạ!”. Con diều theo gió cất cánh, bay cao. Cậu sinh viên hờ lẩm nhẩm cầu khấn, dùng kéo cắt đứt dây cho con diều buông mình vút cao tìm các đấng tối cao đang ngự trên trời xanh thăm thẳm. Đỡ được biết bao đường đất! Nơi chùa Hà nổi tiếng linh thiêng, số học sinh đến cầu thi đậu cùng cha mẹ mang sớ và lễ vật vào chùa khấn vái. Xong, họ ra sân chùa thả diều rồi cắt dây cho lời cầu xin bay lên trời cao!
Cũng cắt dây cho diều bay lên, nhưng cậu bé mỗi cuối tuần đều chăm chỉ ra thả diều lại cắt dây cho diều tới một địa chỉ khác. Trên cánh diều trắng chỉ ghi một chữ “Mẹ”. Người mẹ mới mất vì ung thư chắc đang bay quanh quẩn trên cao đón cánh diều thương nhớ của đứa con mồ côi!

diều cao cao bay lên bay lên
trời nam ơi xanh thêm xanh thêm
chiều trở lại còn anh còn chị
còn me thương
con còn con diều
bay đi tìm cha
cha xa-xa quá
bay đi tìm nhà
nhà trống nhiều khi
bay đi tìm chi
có gì trong mắt
bay đi tìm vì
cha mẹ đôi nơi
(Nguyễn Nam An)

Thả diều bây giờ là thả tâm sự. Tâm sự của những cặp tình nhân thả diều cũng như tâm sự gửi theo cánh diều. Hình như diều không còn là một thú chơi đồng quê. Như tôi ngày nhỏ. Cánh diều vuốt bằng tre cật phủ giấy bản ngà ngà vàng. Cuộn dây là cuộn chỉ năn nỉ mãi bà mới cho mượn. Rủ nhau ra cánh đồng trống, một đứa cầm diều, một đứa cầm ống chỉ chạy trước. Hai thân hình nhỏ nhoi loắt choắt chạy ngược gió. Khi gió mát mặt, vội buông diều ra. Con diều chập choạng như người say rượu. Rồi cũng vịn gió ngóc được đầu lên. Và thảnh thơi đội gió lên cao. Cuộn chỉ được nhả ra vội vã cho con diều đang đòi dây. Khi diều đã nằm yên trên cao, lượn lờ thong thả, cuộn chỉ gần đến lõi mới được ngơi nghỉ. Nằm trên cỏ, ngắm diều của mình tít trên cao, thú gì bằng. Nếu lại mượn được một bác lực điền lấy ống tre khoét cho được chiếc sáo thì nhất. Tiếng sáo diều của mình vi vu sao mà nghe thấy sướng! Nhưng nếu có một trận gió vũ phu giằng diều, diều đứt dây, như con trâu bất kham chạy thục mạng, thì mặt đứa nào đứa nấy xanh như tàu lá. Diều xổng trên cao, những đôi chân loắt choắt chạy như bay, mắt ngước lên trời cao theo diều. Bay chán, diều rớt xuống một bãi cỏ nào đó, chạy ào ào tới, ôm được con diều đi lạc, mừng hết biết. Có những cánh diều không tìm đường rớt xuống. Chúng đong đưa nằm trên bụi tre, ngủ trên những tàng cây cao, yên vị trên mái nhà… Những cặp mắt lo âu ngước cao bất lực. Diều trong tầm mắt mà sao lấy? May thì nhờ được người lớn lấy dùm. Không may đành chia tay diều ra về. Đêm đó trong giấc ngủ chập chờn, con diều lượn lờ ở một nơi chốn xa xôi lắm. Nước mắt tràn xuống gối. Như mất một người thân.

Tuổi đời chồng chất, nhìn những cánh diều bay bay, lòng vẫn vương vấn cái thú chơi hồi nhỏ. Chỉ biết thở dài một tiếng. Nhưng có những người không biết thở dài. Như ông thợ điện Nguyễn Thanh Vân ngụ ở quận 1 Sài gòn. Năm học lớp một, chú nhỏ Vân đã từng bị gãy chân vì leo sân thượng thả diều bị té. Té thì té, chân lành, cậu lại tiếp tục vui thú với diều. Năm 20 tuổi, đã lớn, Vân quyết định chơi diều…chuyên nghiệp!

Từ Sa Đéc ra tới Huế, chỗ nào có hội thả diều là Nguyễn Thanh Vân ôm tiền cùng bạn diều tới tham gia. Đời ông chỉ bận bịu với diều. Tác phẩm của ông là 200 mẫu diều nghệ thuật đủ hình thể: diều khối, diều bụng, diều lá, diều dây liên hoàn… Dân nhà nghề như ông không thèm chơi những thứ diều mua sẵn. Phải là diều do chính mình nghĩ kiểu làm ra. Có đêm ông thức tới 3 giờ sáng chỉ để sửa sang cái mỏ đại bàng hay râu con diều bướm cho đẹp như thật. Nhà ông chỗ nào cũng chất tre, mít xẻ, lồ ô, vải, sơn để làm diều.  Ngay trong phòng ngủ của ông cũng ngổn ngang diều. Muốn làm một con diều nghệ thuật, vất vả lắm. Phải nghĩ ra hình dáng, vót tre làm sườn, cắt vải, vẽ họa tiết, lợp sườn, buộc lèo, chọn dây cước hoặc dây lưới. Công nhất là lúc tìm nguyên liệu làm sườn diều. Tre phải từ 3 tuổi trở lên, tre làm sáo còn phải kén hơn nữa. Tốt nhất là tre Tàu tại vườn Củ Chi. Loại tre này nhẹ, thẳng, vỏ cứng, bọng ruột to, đem nạo ruột làm thân sáo thì hết xảy! Nắp sáo phải là rễ gáo đỏ, rễ bần hoặc gỗ mít. Chúng không chỉ nhẹ, dễ khoét lỗ mà còn góp phần tạo ra những hợp âm khác nhau cho bộ sáo. Khung cánh diều phải là tre gai cứng và có độ đàn hồi cao để hứng và xả bớt gió. Khung sườn thì tre Mạnh Tông cứng. Lồ ô thì nhẹ, lóng dài và thẳng nên dùng làm thanh sườn hỗ trợ. Muốn uốn cong một thanh sườn đã vuốt, phải hơ vào lửa đèn cồn, sau đó đem nhúng liền vào nước lạnh để thanh tre không trở lại hình dáng cũ.

Làm một cánh diều nghệ thuật phải mất cả tháng. Sau khi hoàn tất, người chơi diều phải thả thử để chỉnh lèo cho hợp với sức gió và luồng gió tại đồng diều. Khi diều đã bay cao phải canh chừng luồng gió có đổi hay không để đổi hướng đứng, chạy đổi gió chờ gió mới hay thâu lại một đoạn dây. Phải trông mây trời, nghe hơi gió để quyết định quấn dây thu diều trước khi cơn giông tới. Nếu không diều dễ bị đứt dây.

Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây! Diều đứt dây là tung hê tất cả, phó mặc cho may rủi. Những lúc con người tuyệt vọng trong cuộc sống, thả cho trôi cuộc đời, phó mặc cho may rủi, hình tượng con diều đứt dây trở nên cay đắng.

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo.
(Trịnh Công Sơn)

Diều rơi là nốt trầm của cuộc đời. Buông thả. Ê chề. Diều gặp gió cất cao cánh là lúc cuộc đời đang vút cao thành đạt. Lên như diều gặp gió. Lên như diều. Đó là câu thế gian xưng tụng những người đang ngất ngưởng trên chót vót cuộc nhân sinh. Diều đang no gió đó nhưng chỉ một ngọn gió ngược là diều cúi đầu đi xuống mặt đất. Thịnh suy. Thành bại. Chỉ vô thường như một cánh diều dật dờ trong gió.

Diều, làm chi mà rắc rối.Chuyện chơi thôi! Tới đâu hay đó. A lô cho ông bạn Luân Hoán. Này ông, ông có bài thơ nào chơi với diều không? Có chứ! Có vài dòng chứ gì, tôi thấy rồi. Bài gì hè? Thơ ông mà ông không nhớ sao? Nhớ sao nổi! Bài Cõi Bén Tình Thơ, nhớ chưa? Nhớ!

Người tôi yêu ở Thanh Khê
Quanh năm cát nóng mây che hải triều
Buộc thơ tôi thả theo diều
Diều tung gió đứt tôi buồn về không.

Khích tướng. Mần tới gần hai chục cuốn thơ mà chỉ có bốn câu xài được, yếu quá! Cười hì hì. Để coi!

Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, điện thoại nhà tôi reng. Giọng chảnh chọe. Ông mở e-mail ra mà coi, tôi mới gửi ông bài thơ mới đấy! Mới làm à? Chứ sao! Dữ hè! Vội chếch meo.

con diều hình chiếc lá đa
gió mang bay tuốt cồn xa bãi gần
con diều hình tam giác cân
gió mang bay khắp cồn gần bãi xa
em ngồi hóng gió tà tà
bỏ lơi giây buộc hoá ra bềnh bồng
con diều từ đó sang sông
bến trong bến đục cũng ngần ấy thôi
diều người na ná diều tôi
buồn tay lại muốn thả chơi diều người

Các cụ xưa đã phán: càng già càng dẻo càng dai. Đúng không chê vào đâu được!

10/2005