Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

MÔI

Môi là thứ mà các nhà văn, nhà thơ thích nói tới. Chẳng cứ, ai mà chẳng cảm thấy cái nét đẹp của môi. Bởi vì, có lẽ, môi nằm chình ình, ngay ngắn giữa mặt. Có họa là không có mắt mới không nhìn thấy môi. Nhưng cứ thử để các ông bà thi sĩ làm việc!

Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫn
Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!
(Nguyên Sa)

Môi anh! Môi tròn nên môi có giá. Giá bằng một chiếc, không, hai chiếc nhẫn cưới không phải mua. Nhưng nói tới môi ít khi người ta nghĩ đến môi anh. Môi em, thường nghĩ tới hơn.

Mùa hạ em hỏi anh nhớ gì
Anh nhớ mặt trời soi môi em đỏ
Nhớ mái tóc bồng tiếng sóng rẽ hai
Mượt mà tay ngà ngọc xanh giọt vỡ
Kiều nữ lộc trời lòng biển đầu thai
(Nguyễn Văn Thà)

Phải như thế chứ! Nghĩ tới em là nghĩ tới đôi môi, đôi môi đỏ. Môi không nhờ tới son phấn mà đỏ, hơi lạ. Thường môi có màu hồng, thứ màu hồng dịu mỏng manh, nhìn thấy chỉ muốn…cắn! Muốn môi đỏ phải dùng son. Thường các bà các cô chỉ tô môi đỏ đậm trong những dịp đặc biệt, nhất là về đêm. Nhưng muốn phá cách thì…đỏ búa xua vào ban ngày, khi đi làm, khi đi dạo phố, sắm đồ cũng chẳng sao. Thời đại chúng ta ngày nay hình như chẳng có một lề thói nào phải tuân theo cả. Muốn chơi nổi chơi trội cứ tự nhiên. Cái đẹp thường là những cái bất ngờ!

Thôi, mơ mộng với các nhà thơ như thế tạm đủ rồi, mình thực tế một chút. Môi đẹp nhờ son, chắc các bà các cô đều đồng ý như vậy. Chúng ta hiếm khi thấy một cặp môi không son. Nếu không thì chẳng xuất hiện những cửa hàng mỹ phẩm nhiều đến như vậy. Và các hãng sản xuất mỹ phẩm cũng chẳng mất công tìm tòi, chế biến nhiều loại son môi đến thế. Người ta có thể đánh cuộc mà không một mảy may sợ thua là trong ví bóp của các bà thì mười cái có tới mười một cái có thỏi son nằm vùng ở trong. Ăn tiệc xong, có bà vội đi vào phòng…rửa tay để tô lại vành môi, có bà thản nhiên ngồi tại chỗ phết son lên môi. Như một chuyện tự nhiên! Son phấn hàng ngày như vậy, tốn lắm. Muốn đỡ tốn, cần phải biết giữ gìn son. Tính tôi thích tìm tòi như một cái thú chứ không phải vì ngại đếm tiền cho người khác mua son. Bèn nhấp con chuột vào cái túi khôn của nhân loại văn minh là internet học hỏi được khá nhiều điều hay. Mình không dùng thì để cho người khác dùng. Son thì dĩ nhiên là tôi không dùng rồi, nếu dùng thì…nguy to! Bà nào dùng được thì dùng, coi như tôi làm việc nghĩa. Nếu thỏi son bị gẫy, đừng vội vứt chúng đi, phí của! Hãy nhẹ dùng một tờ giấy ăn lấy phần bị gẫy ra, sau đó hơ chậm phần gẫy bằng hộp quẹt. Khi thấy son hơi chảy ra thì gắn thật nhanh vào đế thỏi son, ấn nhẹ xuống và cho vào tủ lạnh chừng 5 phút. Thế là…son gẫy lại lành, dùng thoải mái! Tủ lạnh là thứ rất được việc. Nên giữ son trong tủ lạnh, nhiệt độ thấp sẽ giữ cho thỏi son bền hơn đến vài tuần lễ!

Sẵn đà tham khảo trên internet, tôi nhặt được mấy cái mẹo dùng son làm quà cho các bà các cô. Muốn thử màu son thì không nên thử trên mu bàn tay như nhiều bà vẫn có thói quen như vậy. Nên thử trên đầu ngón tay vì vùng da đầu ngón tay giống với da trên môi hơn. Muốn son khỏi dính vào thành ly cốc khi uống nước, hãy nhẹ nhàng liếm phần ly cốc sẽ đặt môi trước khi chạm môi vào.

Môi đẹp vì son nhưng son không vẫn chưa đủ. Son chỉ là lớp sơn phủ lên trên cho hào nhoáng, lớp thịt môi mới là cái nền cần chú ý trong việc làm đẹp môi. Da môi không được như da mặt hay các phần da khác trên thân thể, nó rất mỏng. Nó cũng có rất ít sắc tố melanin nên ít được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Môi lại không được các lớp mô dày che phủ, không có tuyến nhờn nên dễ bị khô. Môi cũng như lòng bàn tay và gan bàn chân là nơi không có lông mọc nên dễ bị tổn thương. Nắng cũng khô môi mà lạnh cũng…môi khô! Khi ngoài trời khô và lạnh, không khí trong nhà khô và nóng, ánh nắng mặt trời gay gắt hay khi bị nghẹt mũi phải thở bằng miệng thay vì bằng mũi chẳng hạn, môi bị khô liền. Thấy môi khô, chúng ta có tật liếm môi cho ướt, đó là một điều sai lầm vì liếm như vậy da môi sẽ mất đi lớp dầu bảo vệ tự nhiên. Muốn môi…ngon thì dùng kem dưỡng môi thường xuyên. Kem sẽ làm tăng cường độ ẩm, giúp môi không bị khô nẻ. Ngại mua kem dưỡng môi thì chế. Chế kem xức môi dễ ẹt! Một muỗng nhỏ mật ong, một ít sáp glycerine và hai muỗng nhỏ bột hạnh đào, trộn đều, đánh nhuyễn, thoa lên môi chừng 2 hoặc 3 lần một ngày. Cách khác: một muỗng bơ cacao, một muỗng dầu hạnh đào, một muỗng mật ong, trộn đều, cho vào một cái ly đặt vào một chén đựng nước nóng. Khi hỗn hợp này chảy ra, cho vào tủ lạnh cho nguội rồi thoa lên môi hai lần một ngày. Cách nữa, giản dị hơn, là bôi một lượng nhỏ dầu olive nguyên chất lên môi khi nào cần. Hoặc, thú vị hơn, là bổ sung thêm vitamin E vào thực phẩm hàng ngày bằng cách ăn hạt hướng dương! Cách này ngồi coi phim bộ Đại Hàn mà thực hành thì nhất! Cách…lười biếng nhất là cứ lấy viên vitamin E nghiền nát ra nếu là viên, hoặc cắt ra nếu là viên dầu, bôi trực tiếp lên môi. Khỏe ru!

Nhưng nếu muốn cho đôi môi tăng phần gợi cảm, các dây chằng của mặt thêm săn chắc tạo vẻ duyên dáng cho môi và chống các nếp nhăn quanh miệng thì phải…lao động hơn: tập thể dục cho đôi môi. Tập thể dục môi? Chứ sao! Có 4 cách tập. Cách thứ nhất: chúm môi rồi thả lỏng từ 20 đến 30 lần (chúm môi vốn là chuyện điệu thường ngày!). Cách thứ hai: cắn chặt răng, hít thật sâu và thổi phồng má, thở ra chầm chậm, làm 20 lần. Cách thứ ba: đọc thầm các chữ cái O, I, A, U. Thở sâu, hít vào, phồng má và thở ra qua khe hở giữa hai làn môi làm chúng rung nhẹ. Cách chót: ngậm một chiếc đũa dài vừa phải, quay chiếc đũa thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ rồi ngược chiều kim đồng hồ, làm từ 30 đến 40 lần (dễ ợt, chỉ là chiếc đũa thôi mà!).

Môi dùng để làm gì nhỉ? Khéo hỏi! Lại hiểu nhầm rồi! Môi đây là tôi muốn nói môi trong thơ ông Nguyên Sa, nghĩa là môi đàn ông! Môi đàn ông dùng để…xem tướng! Đàn ông có đôi môi dày là những người có hiểu biết sâu rộng, quá thẳng thắn nên đôi lúc thiếu tế nhị, rất mặn chuyện…ấy! Loại môi này hợp với những cô cũng có môi dày. Các chàng có đôi môi mỏng thường nhút nhát và không sôi nổi, sống rất chừng mực, chân thành và lương thiện. Loại môi này hợp với các nàng cũng có đôi môi mỏng vì cả hai đều có cá tính trầm lặng. Đàn ông có môi trên mỏng môi dưới dày rất dễ bị lôi cuốn, có óc hài hước, vui tính, hay nói chuyện đùa vui. Loại môi này thích hợp với những phụ nữ có môi trên dày môi dưới mỏng. Ngược lại, đàn ông có môi trên dày môi dưới mỏng lại thích hợp với đàn bà có môi trên mỏng môi dưới dày. Loại đàn ông này thường cho nhiều hơn nhận, tốt bụng và hào phóng. Dày mỏng, mỏng dày, nghe ra rất dễ…lộn xộn. Kết luận một cái cho dễ nhớ. Nếu trên dày dưới dày hoặc trên mỏng dưới mỏng thì phụ nữ cứ thế mà lặp lại. Nếu trên dày dưới mỏng hoặc trên mỏng dưới dày thì khi chọn đối tượng cứ ngược lại mà…úp! Không, người ta không nói như vậy! Nói văn vẻ phải gọi là hôn. Hôn là một công việc của môi. Không môi đố mà có mi nhau được! Mà hôn lại là cánh cửa mở ra nhiều chân trời mới lạ.

gian truân lắm mới hôn người
chiếc hôn tình lớn đem đời theo nhau
hôn em phớt nụ hôn liều
bỗng nghe trật tự khá nhiều đổi thay!
ví dù nội cỏ ngàn cây
cũng môi trường đúng mới khai lá cành
mới đơm bông, mới trái lành
như tôi hướng thiện bởi tình thăng hoa.
(Nguyễn Tất Nhiên)

Chuyện đã gian truân vất vả thì ít khi dẫn tới thăng hoa. Khi môi đụng môi là lúc tình đã chín. Tình đã chín thì nó nở toét tòe loe lúc nào không biết. Các nhà khoa học Mỹ đã làm một cuộc khảo sát với câu hỏi: “Trong chuyện ấy, nhân tố nào có khả năng kích thích nhất?”. Kết quả thật bất ngờ. Không phải là những màn dạo đầu ướt át, cũng không phải những bộ phim tình cảm nóng bỏng, mà đích thị là những nụ hôn. Có 71% các chàng và 69% các nàng thích dạo đầu bằng những nụ hôn dịu ngọt và âu yếm. Nhất là khi hai chiếc lưỡi vào cuộc thì sự kích thích lên ngất ngây. Cả hai phái đều cho rằng đôi môi là nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể con người, nơi đánh thức mọi cảm xúc và mong muốn thầm kín nhất. Các nhà khoa học Đức đã khảo sát và đưa ra lượng thời gian trung bình của một đời người cho từng hoạt động. Về những khoái cảm tình dục thì trong một đời người, chúng ta chỉ thực sự đạt được khoái cảm này khoảng 16 tiếng trong khi, cũng cả một đời người, chúng ta dành trung bình hai tuần lễ cho việc hôn!

Hôn có phải là một việc thú vị không? Mỗi người trong chúng ta đều có câu trả lời. Hãy nhớ tới những nụ hôn đầu. Hãy nhớ tới những người tình khi môi chạm môi. Và chúng ta dễ dàng…mơ màng! Những cái hôn…kiểu mẫu của sự say mê, của cái đã đời thường là những cái hôn chúng ta thấy trên màn bạc. Trông đã thấy phê, diễn chắc thập phần phê?

Thấy vậy mà không phải vậy! Giữa trưa Sài gòn tháng 8 nóng như đổ lửa, giữa đám đông ồn ào những chuyên viên, giữa những ánh đèn như đốt lửa, hai diễn viên Thành Tâm và Ngô Thanh Vân, trong bộ đồ cưới nóng nực, ôm nhau hôn thắm thiết theo sự…đạo diễn của nhà đạo diễn luôn luôn khó tính miệng lúc nào cũng sẵn sàng hô “cắt”. Chỉ có một nụ hôn mà cứ phải hôn đi hôn lại tới vài chục lần. Hôn tới mòn môi suốt một buổi quay mà vẫn chưa vừa lòng đạo diễn! Hôn xong, mồ hôi đổ có hột, Thanh Tâm than thở: “Ai cũng chọc em là người trúng số nhất đoàn phim vì được hôn đã đời, nhưng đâu có biết, lúc ấy để có thể diễn tả cảm xúc say mê, nồng thắm, em đã phải vận dụng cả 12 công lực vì vừa nóng, vừa hồi hộp, vừa tập trung diễn xuất. Thế mà khi quay xong cả đoàn cứ đùa bảo Tâm khôn lắm nhé, cứ giả vờ không đạt để…hôn nhiều lần!”

Một cặp tài tử khác, Minh Đạt và Thanh Thúy, cứ phải hôn nhau hoài qua các phim “Niềm Đau Chôn Giấu”, “Vòng Xoáy Tình Yêu”, “Chuyện Lạ”. Hôn nhau tới bã người ra rồi mà khi đóng phim “Blouse Trắng” vẫn cứ trục trặc. Minh Đạt tiết lộ: “Khi diễn cảnh hôn nhau chúng tôi cứ cười hoài khiến cảnh này phải quay đi quay lại nhiều lần. Lúc Thúy tập trung thì tôi lại bật cười và ngược lại. Cuối cùng, cả hai phải ráng hết sức mới hôn nhau được!”.

Ráng hôn là một chuyện không phải chỉ có trên sàn quay. Ngoài đời cũng có khi phải…vất vả như vậy. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể chuyện vui làm báo trong “Viết Về Bè Bạn”. Trên một số báo Tiền Phong, nhà báo Tất Vinh cho đăng một mẩu quảng cáo cho số báo tới như sau: “Nếu bạn và ngưòi yêu bạn cùng hơi bị vổ thì hôn nhau như thế nào? Trong số báo sau bạn TD vui lòng giải đáp”. Vổ là một tình trạng hai hàm răng nhoài ra tham lam đón ánh mặt trời. Tiếng Việt phong phú của chúng ta còn gọi là vẩu, hô, cời… Nhưng TD là ai? Ông là Tổng Biên Tập của báo Tiền Phong, một loại sếp lớn. Sếp…thưa anh rằng thì bà xã cũng…răng anh thừa! “Tất nhiên độc giả TD xem báo của chúng tôi chỉ có thể cười. Cười vô tư, thán phục một trò chơi tinh nghịch, “trẻ không tha, già không thương” mà không để bụng. Tôi nghĩ nếu bây giờ có nhân viên nào đùa thủ trưởng như vậy thì sau tiếng cười miễn cưỡng, hậu quả hẳn là sẽ khác.”

Hậu quả của cái hôn tình nhân nhiều khi khốc liệt hơn nhiều. Một cô gái 15 tuổi ở Montreal vừa chết vì hôn! Chuyện tưởng như đùa mà có thật. Nguyên nhân là tại…đậu phọng. Đậu phọng thì can cớ chi mà có tội? Cô Christina Desforges hôn anh tình nhân. Anh này vừa mới sực bơ đậu phọng xong. Mà cô bé này lại bị dị ứng với đậu phọng. Hôn nhau cuối tuần, cô phải vào nhà thương ngay nhưng tới giữa tuần sau cô mới trút hơi thở cuối cùng. Chuyện này đã cho những người yêu nhau một bài học, bài học sống chết! Đó là trước khi xáp vào nhau, hãy hỏi người tình coi có vừa mới ăn đậu phọng không? Đậu phọng chỉ là một, nhiều người còn bị dị ứng với các thực phẩm khác như: hạt dẻ, sữa, trứng và cá. Trước khi hôn mà đặt một lô câu hỏi như vậy coi bộ hơi vất vả. Mà nhiều khi chẳng phải vì thực phẩm không. Đôi môi hư là đôi môi nhiều lời.

Một anh chồng rất yêu thương vợ nhưng phải cái tính tình cục cằn thô lỗ. Bị trái ý là mắng chửi, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Sau trận chiến tranh nóng bỏng với những màn đô vật nặng nề, buổi tối anh lân la làm lành. Anh xích tới gần bên vợ, gác chân lên. Chị vợ còn chưa quên được trận chiến ban ngày nên không dễ gì mà chấp thuận trận chiến ban đêm. Chị hất cẳng anh chồng ra:

“Không cho gác. Chân này ban ngày đá người ta còn đòi gác cái nỗi gì!”

Anh chồng thu hồi chiếc cẳng vô duyên về. Một lúc sau, đợi cho tình hình lắng dịu, anh dùng chiêu khác: quàng tay qua ôm vợ. Chị vợ gỡ tay anh chồng ra:

“Không cho ôm. Tay này ban ngày đánh người ta còn đòi ôm iếc gì nữa!”

Anh chồng bẽ bàng…thu quân. Một lúc sau, anh tiến chiếm mục tiêu mạnh hơn: nhổm người lên hôn vợ. Chị vợ gạt ra, chùi môi:

“Hôn hiếc gì! Ban ngày cái miệng này mắng chửi người ta cho cố vào bây giờ còn đòi hôn!”

Anh chồng đành nằm im. Một lúc sau, anh chợt…eureka! Anh dùng giọng nhỏ nhẹ dỗ vợ:

“Thế thì cái gì của anh ban ngày không phạm tội mắng chửi đánh đập em thì em chịu chứ gì?”

Trời đêm êm ả. Trong phòng cũng êm ả. Không nghe thấy tiếng phản đối gì của chị vợ!

12/2005