Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

GÂN

thưa em tóc đã hai màu  
cái răng cũng rụng làm đau nụ cười
nhìn quanh tuổi quá năm mươi
se se râu bạc cọng đời lung lay
đưa bàn tay, nắm bàn tay
thấy đâu chỉ số còn dài cuộc chơi

Nhà thơ Trần Phù Thế mới quá nửa cái trăm năm mà coi bộ đã muốn về chiều. Ông quả không gân chút nào! Dân gân thường coi thời gian như con chi chi. Care gì cái anh lốc tốc cả đời chỉ biết có mỗi chuyện đếm từng giây từng phút!

Trăm năm? Chuyện nhỏ. Sách kỷ lục Guinness đã hài tên tuổi biết bao người gân guốc thách đố cái trăm năm. Giữ ngôi via nhất là cụ bà Hendrikje van Andel-Schipper, 115 cái đông tàn. Bí quyết của cụ là mỗi ngày ăn một khúc cá trích! Phen này ta quyết đi buôn…trích / Thiên hạ nhiều bác muốn sực phàn! Nhưng cá trích chắc hết linh nghiệm rồi. Cụ Hendridje vừa mới qui tiên! Thế vào ngôi của cụ bây giờ là cụ bà Elizabeth Bolden ở Tennessee, Mỹ, cũng 115 tuổi. Cụ ông via nhất vẫn là cụ Emiliano Mercado del Toro ở Puerto Rico, 114 tuổi. Có lẽ Guinness hơi lơ đãng. Họ không chịu tìm tới Việt Nam. Bởi vì ở đất nước chúng ta có cụ Ngô thị Đàn ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, sơ sơ mới có 120 năm sống trên đời. Cụ sanh năm 1885, có 6 con, ba người còn sống thì người lớn nhất đã 82 tuổi, người “trẻ” nhất mới có 73 cái xuân xanh! Hiện cụ vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, phúc hậu, tự lo mọi sinh hoạt cá nhân. Thực phẩm hàng ngày của cụ: sáng một gói mì tôm, trưa và chiều hai chén cơm với canh rau và thịt bung nhừ. Nhưng “thực phẩm” chính của cụ, thứ mà cụ bảo vì nó mà cụ có thể thi đua cùng ông Bành tổ là cà-phê! Cụ nghiện cà phê từ hơn một thế kỷ nay rồi mà bây giờ hỏi cụ thích gì nhất, cụ vẫn phán chỉ có hai chữ: cà phê! Bà cụ via nhất của xứ Canada chúng tôi là cụ Winnifred Bertrand, thua cụ Đàn 6 tuổi và bết hơn cụ Đàn nhiều. Cụ sống trong một nhà dưỡng lão và sức khỏe rất yếu. trong ngày sinh nhật vừa qua của cụ, được hỏi về nguyện ước của cụ, cụ thều thào cho biết là hàng ngày cụ vẫn đọc kinh cầu nguyện để Chúa sớm cất cụ về trời! Cụ đã sửa soạn chuyến đi cuối cùng này từ lâu: 50 năm trước đây cụ đã mua sẵn một phần mộ. Hơi yếm thế! Đời cụ chỉ có một việc có thể đi vào…lịch sử: cụ đã từng là bồ của một luật sư trẻ có tên là Louis Stephen St. Laurent, người đã trở thành Thủ Tướng Canada từ năm 1948 đến 1957.

Nhưng cụ bà gân nhất thế giới phải là cụ Cruz Hernandez, người làng San Agustin, El Salvador. Cụ này có một điểm đặc biệt là cả đời chưa hề bao giờ bị đau ốm, chưa bao giờ phải vào bệnh viện và chưa bao giờ cần tới bàn tay của bác sĩ! Cụ buôn bán thịt heo và củi trong nhiều năm nên phải vác nặng, đi nhiều và có khi phải đội hàng nặng trên đầu nữa. Cụ dùng loại thực phẩm gì mà tốt đến như vậy? Cũng chẳng có gì đặc biệt. Mỗi ngày cụ hút một trái trứng gà tươi, sáng và trưa uống một cốc bia, hàng ngày uống cà phê với sữa và nhiều đường, lại còn hút thuốc lá nữa, khi được trăm tuổi cụ vẫn tự cuốn thuốc lá hút một hai điếu mỗi ngày. Coi bộ cụ chẳng có bí quyết gì đáng noi theo cả. Bởi vì những thứ bị coi là độc hại cho sức khỏe: cà phê, rượu, thuốc lá, cụ chơi tuốt. Nhưng cụ bao nhiêu tuổi? Sơ sơ năm nay cụ mới 127 tuổi! Biết được số tuổi chính xác của cụ cũng là một sự tình cờ chứ cụ cũng chẳng nhớ mình bao nhiêu tuổi nữa. Khi con cháu đi xin giấy tờ cho cụ để làm căn cước hầu sau này khi cụ qua đời còn có được phép chôn cất, chính quyền địa phương nơi cụ sinh mới vô tình kiếm được tờ giấy chứng nhận rửa tội của cụ trên đó ghi ngày sinh của cụ là ngày 3/5/1878. Khi đó làng San Agustin còn nằm sâu trong rừng rậm. Vậy mà mấy ông bà Guinness không biết tới cụ! Hiện chính quyền El Salvador đang đề nghị để cụ dành lại chức…vô địch sống dai thế giới. Không điều chỉnh cho cụ thì thật tội nghiệp vì cụ vượt xa người đang giữ kỷ lục…dỏm tới một giáp lận!

Mang cái trăm tuổi đi vào văn học Việt Nam là cụ Giàn Chi Nguyễn Hữu Văn, vừa vĩnh biệt chúng ta vào ngày 22/10/2005 vừa qua tại Sài gòn. Cụ thọ 102 tuổi. Quê cụ là làng Cót, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà nội. Đời cụ được đánh dấu bằng những vần thơ. Thuở thư sinh khi còn theo học trường Bưởi Hà nội đã thơ: Gió đông mơ dáng hoa đào / Trà Phương Bối đậm nhớ Sao Trên Rừng. Thơ buổi tứ tuần: Dòng đời khôn đổi làm sông rượu / Bừng giấc quan hà lại muốn say. Năm 1954 cụ di cư vào Nam, lại thơ! Cuộc sống đã đành khinh gió bụi / Lòng người ai chẳng có quê hương. Thơ vung vít như vậy nhưng tới năm 1993, khi gần chín chục tuổi, cụ mới cho in tập thơ duy nhất, tập “Tấc Lòng”. Cụ không thành danh như một nhà thơ mà là như một nhà nghiên cứu. Cụ là đồng tác giả với Nguyễn Hiến Lê trong các cuốn biên khảo nổi tiếng: Đại Cương Triết Học Trung Quốc, Sử Ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc Sách, Hàn Phi Tử. Các sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài gòn và Huế nhớ tới cụ như một giáo sư học giả uy tín. Túi khôn trong cuộc sống, cụ bày tỏ. “Tôi luôn luôn tự nhắc tới hai chữ: Trung và Thứ. Trung với người như hứa gì thì phải thực hiện, với mình thì nghĩ gì thì phải làm đúng như vậy. Thứ là biết tha thứ lỗi người khác… Giờ này, tôi thấm thía mấy chữ “vạn pháp giai không”. Nhờ thế, tuổi già của tôi thanh thản, nhẹ nhàng, không nghĩ ngợi về chuyện được thua, còn mất!”

Được thua gì nơi cõi tạm này! Cứ thanh bình sống với nhau mới gân với đời được.

Tôi còn mẹ già hơn tám mươi cũng cố bám đời thôi
Dầu cội rễ thì xa như quê nhà bàng bạc
Nhưng mắt và tai vẫn sống
Chẳng chủ nghĩa gì sóng động trường giang
Mà mơ ruộng vàng lúa chín
Quê hương mình thanh bình không súng nhắm vào nhau.
(Nguyễn Nam An)

Thanh bình phải chăng là mộng ước của tuổi già? Còn gì nữa! Trên thế gian này có những nơi hợp với tuổi già. Như thành phố Như Cao của Trung Quốc. Trong một thành phố chỉ có 1 triệu 450 ngàn dân mà có tới 145 cụ via trên trăm tuổi, hơn bốn ngàn cụ trên 90 tuổi và số cụ trên 80 lên đến 40 ngàn cụ! Tại sao mà thành phố này lại…già đến như vậy? Các cụ dậy những lý do sau. Vận động vừa phải: phần lớn các cụ trên trăm tuổi là những người lao động chân tay nhưng không làm những việc quá nặng. Uống nước lọc: các cụ có thói quen uống một ly nước đun sôi để nguội vào sáng sớm trong nhiều năm. Ngủ sâu: 90% các cụ có giấc ngủ sâu và ít khi mất ngủ, buổi trưa lại làm thêm một giấc la-xiết! Uống rượu nhạt với khối lượng ít: các cụ uống rượu nếp với nồng độ thấp để thư giãn thần kinh, thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch và làm hoạt huyết tan ứ. Sống với con cháu: phần lớn các cụ sống tứ đại đồng đường nên được lo đầy đủ về vật chất và yên vui về tinh thần.

Các cụ cứ nắm cứng lấy cuộc sống, có chi phiền không? Một làng kia nổi tiếng là có nhiều cụ ăn đứt cái trăm năm. Một nhà nghiên cứu tới tìm hiểu. Vừa bước vào nhà trọ, nhà nghiên cứu hỏi:

“Này ông chủ! Không khí ở đây thế nào? Có tốt không vậy?”

Ông chủ nhà trọ khoe ngay:

“Về việc này thì ông khỏi phải chê. Chúng tôi đã buộc phải đầu độc một cụ già nhất làng để có dịp khai trương  nghĩa địa đấy!”

Các nhà khoa học cho rằng sống lâu không quan trọng bằng sống khỏe. Cần phân biệt giữa tuổi thọ trung bình và tuổi già còn khỏe mạnh, nghĩa là chỉ tính những năm tháng còn tự săn sóc được và ít bệnh tật khi về già. Tính theo kiểu này thì ở Úc tuổi thọ trung bình ở nữ là 83, ở nam là 78; nhưng tuổi già mà còn khỏe mạnh chỉ vào khoảng 73 tuổi, nghĩa là con người mất khoảng 9% cuộc đời cho bệnh tật ốm đau do tuổi tác. Người Nhật Bản có tuổi thọ cao nhất thế giới: ở nữ là 85 và nam là 78 nhưng chỉ mất 6,4% cuộc đời cho đau ốm. Ở Haiti, tuổi thọ trung bình là 50, trong đó có 12,5% là đau ốm. Còn ở Sierra Leone, tuổi thọ trung bình rất bết, chỉ 34, trong đó 16% là đau ốm!

Già mà gân mới là…già gân! Mấy ai gân được như ông cụ người Nhật Kozo Haraguchi. Cụ vừa lập được kỷ lục thế giới trong môn chạy 100 thước dành cho độ tuổi 95-99 với thành tích 22,04 giây. Điều đáng nể là cụ đã lập được kỷ lục trên dưới trời mưa! Đây là lần đầu tiên tôi chạy dưới mưa và tôi đã phải tự nhủ “Không được ngã! Không được ngã!”, cuối cùng tôi đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Cụ đã trả lời phóng viên hãng Reuter như vậy sau khi lập kỷ lục tại sân vận động Miyazaki ở phía nam nước Nhật.

Cụ bà Elen Berg, người Úc còn…gân hơn nữa. Cụ chưa hề bao giờ nhảy dù vậy mà để mừng sinh nhật 92 tuổi cụ quyết định…nhảy dù cố gắng! Cụ cố gắng thật. Sau khi đặt chân xuống đất, cụ toát mồ hôi cho biết là rất vui vì đã được làm…thiên thần mũ đỏ nhưng dù sao ở dưới đất vẫn yên tâm hơn!

Cũng được coi như gân, hai cụ ngồi trò chuyện trong công viên. Một cụ nói.

“Thường thường tôi đi bộ hàng chục cây số mà chẳng ăn thua gì. Vậy mà, chó má quá, sau một cơn đau, chỉ đi vài bước đã mệt bở hơi tai!”

Cụ ông thứ hai đắc chí nói:

“Tôi thì khác. Sức khỏe tôi vẫn như xưa, không có gì thay đổi! Hồi trẻ tôi không thể nào vác nổi một tạ gạo. Bây giờ vẫn thế!”

Sống dai, sống khỏe là gân. Nhưng gân cứ gì chỉ là cách thi đua với thời gian. Còn nhiều cách gân khác coi bộ…gân hơn nhiều. Như gân cái đầu.

Trong buổi lễ ra tốt nghiệp ra trường tại trường Đại học Santa Ana ngày 20 tháng 7 vừa qua, có một cụ bà mái tóc muối nhiều hơn tiêu, ngồi xe lăn, mặc áo choàng tốt nghiệp, lãng bằng tốt nghiệp loại A về ngành  Kinh Doanh (AA on Business Application) từ tay Giáo sư Luis Pedroza. Người sinh viên…gân này tên là Lê Thị Tư, một người Việt tỵ nạn. Khi tốt nghiệp, bà Tư mới có 70 tuổi. Người sinh viên đặc biệt này gân không chỉ vì mớ tuổi khá nặng trên đầu mà còn vì quyết tâm theo học mặc dù hoàn cảnh không thuận tiện. Vốn là một học sinh ham học từ thuở nhỏ nhưng việc học lỡ dở kể từ khi lấy chồng, bà luôn luôn bị thôi thúc cần phải học tiếp. Nhưng không may bà bị tai nạn xe hơi phải cưa một chân. Mộng theo học tưởng phải xếp lại theo cái chân cụt nhưng vào năm 1992, bà được sang Hoa Kỳ và trú ngụ tại Quận Cam. Bà sống tự lập vì con cái đã lớn. Và bà quyết định thực hiện mộng ước một đời của mình. Bà ghi tên theo học tại trường trung học Lincoln ở Garden Grove. Bà phải tự mình di chuyển một cách cực nhọc bằng xe buýt tới trường. Tiếng Anh lại không rành nên trong túi luôn luôn phải có số điện thoại và địa chỉ nhà của các con. Vậy mà cụ hoàn tất được sáu lớp Anh Ngữ của trường với số điểm cao. Các giáo sư chuyển bà sang Đại Học Santa Ana. Cụ hăng tiết vịt ghi danh theo học tới hai lớp với 12 chứng chỉ. Hăng nhưng lực bất tòng tâm nên qua năm thứ hai cụ rút xuống một nửa. Cầy cục tới 8 năm cụ mới ra trường. Ra trường, 70 tuổi, cụ bà gân này lại ghi danh học tiếp những khóa học cao hơn nữa!

Gân không kém cụ Lê Thị Tư là cụ ông Sidney Platt hiện là sinh viên trường Đại Học Havering, phía đông thành phố Luân Đôn, Anh quốc. Niên kỷ của cụ sinh viên này vừa chẵn một trăm! Sống trăm tuổi, có gì đặc biệt, vì nhiều người cũng đã sống tới tuổi này, cụ Platt nhấn mạnh như vậy. Cụ tự hào tiếp: “Nhưng chẳng có ai là sinh viên ngành điện toán ở độ tuổi như tôi cả!”.  Trăm tuổi, cụ đã theo học ngành điện toán cao cấp tại Đại học được 5 năm. “Trau dồi kiến thức và học các kỹ năng điện toán giúp tôi cập nhật với tất cả các công nghệ trong thời đại ngày nay. Chìa khóa mang lại kinh nghiệm là hãy làm phong phú vốn kiến thức và sự hiểu biết của mình”. Ông già gân này đã từng lái máy bay khi 92 tuổi, chơi quần vợt và đấu kiếm. Ngoài tiếng mẹ đẻ, ông còn nói được tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý. Chưa hết, ông còn chơi đàn dương cầm khá hay!

Chẳng Đại Học gì cả nhưng gân chẳng thua ai là ông Nganga Maruge ngụ tại một ngôi làng nhỏ ở Kenya. Thuở nhỏ ông không được cha cho đi học vì không có ai chăn đàn cừu của gia đình. Đó là vào thập niên 1920. Nay, ông đã 85 cái xuân già. Báo chí thế giới đã tốn không biết bao nhiêu dòng chữ khi ông quyết định chấm dứt chuyện thường ngày của ông là đàn đúm, chuyện vãn, hút thuốc với đám bạn già của ông để đi học khi được biết chính phủ cho mọi người cơ hội được đi học miễn phí bậc tiểu học. Ông không chịu ghi tên vào lớp bổ túc cho người lớn tuổi vì nơi đây, theo ông, chỉ là chỗ cho người ta tới tán dóc cho qua ngày! Ông nhất định đòi vào học ở một trường tiểu học chính quy. Rắc rối xảy ra. Các bậc phụ huynh của trường cho là một ông già có tới 15 người con và một đám cháu với con số mà ông không có khả năng đếm hết ngồi học chung với đám con nít con họ sẽ làm chúng sao lãng việc học. Nhà trường từ chối ông hai lần. Ông cương quyết bám trụ. Bà Hiệu Trưởng Jane Obinchu làm khó ông bằng cách bắt ông phải may đồng phục của nhà trường. Ông không có tiền. Ai cũng nghĩ rằng ông sẽ bỏ cuộc. Nhưng ông bán một con cừu để lấy tiền may đồng phục. Bà Hiệu Trưởng khó chịu. Ông chơi đòn tâm lý với bà Hiệu Trưởng ngoan đạo: ông bảo cứ để cho ông học cho biết chữ để ông có thể tự đọc Thánh Kinh! Và ông được theo học. Báo chí thế giới chụp lấy tin này đăng vung vít. Lại thêm một lần khốn khó cho ông Maruge. Các phụ huynh học sinh cho rằng ông đã nổi tiếng quốc tế như vậy thì chắc chắn là họ phải giúp tiền bạc cho trường; vậy mà tiền đâu không thấy, họ cho là ông đã thông đồng với Hiệu Trưởng để ăn chặn! Rồi tới đòn tâm lý. Phụ huynh than phiền là hết đoàn khách nọ tới đoàn khách kia tới thăm trường vì cụ học sinh già này làm cho các học sinh luôn luôn bị phân tâm, khó chú ý vào việc học. Cái ông cụ gân này lại tạo được tình thân với các bạn trẻ cùng lớp đến nỗi tụi nhỏ chỉ thích chơi và nói chuyện với ông nên lơ là việc học. Mặc những trở ngại, ông già Maruge cứ đường ta ta cứ đi. Ông đã đọc được tên ông, tên người khác và tên gọi các giống vật mà ông thân quen từ lâu. Chỉ có môn toán thì ông hơi chậm vì hay quên! Ông Maruge sống một mình trong một túp lều gỗ có một cửa sổ, một bên dựng chiếc xe đạp được chế tạo từ năm 1944, một bên là chiếc ghế đẩu trên đó vắt vẻo bộ  đồng phục học sinh. Chiếc cặp và cà vạt đồng phục được treo trên đầu giường. Quên! Trong túp lều sơ sài này còn có một bức thư mà ông giữ rất kỹ. Đó là một bức thư được gửi từ Nữu Ước một năm sau khi báo chí thế giới đăng tin về người học trò tiểu học già là ông. Ông chưa biết đọc nên không biết nội dung bức thư nhưng ông quyết là một ngày nào đó ông sẽ viết được thư trả lời. Tại trường, ông đã học được một hai chữ Anh!

Gân trong cuộc sống chồng vợ là cụ ông Percy và cụ bà Florence Arrowsmith cư ngụ tại Luân Đôn. Họ thành hôn vào ngày 1/6/1925 và vừa ăn mừng 80 năm bên nhau. Sách kỷ lục Guinness đã ghi tên hai cụ như kỷ lục về hôn nhân lâu nhất và là cặp vợ chồng có tổng số tuổi cao nhất thế giới, 205 tuổi. Cụ ông 105 và cụ bà chẵn 100 năm sống. Bí quyết của sự bền vững: không ngại xin lỗi, không ngại nói chữ xin vâng và không bao giờ đi ngủ mà trong bụng vẫn còn hằn học và giận dỗi…đối phương! Chỉ có một điều đáng tiếc là sau khi ăn mừng 80 năm hôn phối vào ngày 1/6/2005 vừa qua thì chỉ 15 ngày sau, cụ ông Percy đã ra đi để lại nỗi tiếc thương cho cụ bà.

Công ty Guinness chưa công bố người giữ kỷ lục mới nhưng chắc họ không thể còn làm lơ được với cặp vợ chồng Mỹ ở North Providence, tiểu bang Rhode Island. Họ vừa ăn mừng kỷ niệm 82 năm ngày cưới. Cụ ông John Rocchio năm nay được 101 tuổi và cụ bà Amelia Rocchio ở tuổi 99. Họ cưới nhau vào năm 1923 khi cụ bà mới có 17 xuân xanh.

Cũng chung thủy như hai cặp trăm tuổi trên, một cặp vợ chồng già đã về hưu suốt ngày quấn quít bên nhau, vui vẻ chuyện trò với nhau như ngày còn xanh. Một bữa, ông vui miệng hỏi nếu ông chết trước thì bà sẽ làm gì? Bà đáp không suy nghĩ:

“Thì em sẽ tìm thuê chung một ngôi nhà với vài quả phụ hoặc phụ nữ độc thân khác cho khuây khỏa nỗi buồn.”

Rồi bà hỏi lại ông:

“Nhỡ em chết trước anh thì sao?”
“Anh cũng sẽ làm như thế!”

Đâu đã hết gân!

11/2005