Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

DẤU

Giáo sĩ  Bá- Đa- Lộc, khi ký âm chữ Việt bằng mẫu tự La Tinh, đã có một sáng chế ngoạn mục là thêm râu thêm ria vào những con chữ. O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì thêm râu! Những ê a ngày bé đến bây giờ tôi vẫn còn nhập tâm. Không hiểu kiểu giáo dục ê a đó ngày nay có lỗi thời không chứ hiệu quả của nó có lẽ không thể làm ngơ được. Hoặc như ngày tôi còn ngồi ở lớp Ba tiểu học, giờ tiếng Pháp, ông thầy nhiều sáng kiến đã có một lối đóng chốt vào trí nhớ của học trò rất hay. Muốn cho học trò ghi nhớ về những chữ đồng âm dị nghĩa trong tiếng Phú Lang Sa, thầy đã quyền biến: cùng đọc là foi nhưng đọc giống nhau mà nghĩa khác nhau. Chữ fois có nghĩa là lần, các con để ý cái đuôi s trông giống như một đứa trẻ được cõng trên lưng, khi các con chơi đuổi bắt ở ngoài sân chẳng hạn, cứ được thua một lần là đứa thua phải cõng trên lưng đứa thắng, phải không? Còn cũng đọc là foie nhưng các con để ý cái đuôi e, trông nó như lá gan phải không? Vậy foie có nghĩa là gan! Còn foi đằng sau chẳng có gì cả có nghĩa là lòng tin, tin thì nhìn lên trời có thấy gì đâu! Lời giảng giản dị đó tôi còn nhớ đến ngày nay và chẳng bao giờ phải bâng khuâng khi viết chính tả gặp phải những chữ foi, fois hay foie nữa.

Nhưng khi có sáng kiến thêm những dấu sắc huyền hỏi ngã để ghi lại những âm lên xuống trầm bổng của tiếng Việt, giáo sĩ Bá-Đa-Lộc đã vô tình giăng ra một cái bẫy. Cái bẫy mà chính hậu duệ của ông vấp ngã liêng chiêng! Chúng ta cứ thử nhớ lại thứ tiếng Việt của các ông cố đạo Tây thử coi. Đó là một thứ tiếng Việt lơ lớ, chông chênh như lướt trên mây. Thứ tiếng Việt không dấu nghe ngộ nghĩnh nhưng muốn hiểu thì phải lắng nghe và suy nghĩ. Người ngoại quốc nói mà bỏ dấu đúng được tiếng Việt không phải là dễ. Tôi chỉ mới gặp vài người. Irina Zisman là một. Cái tên này có gợi lên chút gì trong trí nhớ của bạn không? Đó là một người Nga nói tiếng Việt có dấu đàng hoàng. Năm 1994, trong một chuyến sang Montreal, Irina đã có cuộc tiếp xúc thân mật với một số người viết ở thành phố văn học này. Tôi đã ghi lại cuộc gặp gỡ này trong bài “Ta Đã Làm Chi Đời Ta” trên báo Nắng Mới, xuất bản tại Montreal, số 31 tháng 4/1994:

“Người đàn bà trạc tứ tuần ngồi trước mặt tôi, đầu luôn luôn cúi xuống, ly coca trước mặt, ánh đèn vàng hắt ra từ chiếc chụp đèn treo thõng xuống gần sát đầu người tạo một vũng ánh sáng thân mật. Ánh sáng búng lên từng sợi tóc nâu nhạt óng ánh như một chất kim khí quý giá, ánh sáng làm nồng lên cặp kính gọng dầy nặng nề ép xuống sống mũi cao, ánh sáng làm tươi lên chất son trên đôi môi phát âm tiếng Việt giọng Bắc như một người Việt chính cống. Tôi nghĩ nếu nhắm mắt lại thì tôi không thể tưởng tượng được người ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ người Nga. Irina Zisman đó. Con người đang tích cực tranh đấu cho nền dân chủ tại Việt Nam qua đài phát thanh Hy Vọng đưa tiếng nói thẳng về quê hương chúng ta. Con người không những nói tiếng Việt lưu loát, phát âm tiếng Việt không một chút ngọng nghịu, mà còn viết sách tiếng Việt với cả tâm hồn Việt Nam. Chúng ta đã được đọc “Bút Ký Irina I”. “Bút Ký Irina II” cũng vừa ra mắt bạn đọc.
Tôi vẫn cứ ngỡ là người ngồi trước mặt tôi không thể không là người Việt. Tôi buột miệng hỏi:
- Irina là người Nga hay người Việt vậy?
Đôi môi đang đùa giỡn với chiếc ống hút nước, khuôn mặt nghếch lên tinh nghịch hỏi lại tôi:
- Anh thấy sao?
Tôi lúng túng:
- Mắt tôi bảo Irina là người Nga nhưng tai tôi lại bảo Irina là người Việt.
Irina cười khỏa lấp:
- Thì thế đó!
Thấy trước mặt Hồ Đình Nghiêm có tờ báo xuân, ánh mắt Irina sáng lên:
- Đã có báo tết rồi đấy à?
Y chang nỗi mừng của một người Việt say mê văn chương Việt. Tôi nghĩ tới một khuôn mặt khác: Ỷ Lan. Dân Hồng Mao chính cống nhưng cũng nặng lòng với văn hóa Việt nam chẳng kém người đàn bà Nga La Tư ngồi trước mặt tôi. Chữ “Nga La Tư” là do Irina nói ra làm ngạc nhiên mọi người. Cũng như khi chị dùng chữ “ba trợn” để nói về những người cầm quyền đương thời tại Việt Nam. Tôi hỏi người đàn bà này về người đàn bà kia.
- Irina có biết Ỷ Lan không?
- Biết chứ! Irina có gặp Ỷ Lan rồi.
Đầu tôi nẩy ra một câu hỏi ngộ nghĩnh:
- Hai người nói với nhau bằng tiếng gì?
Irina cúi đầu cười. Ỷ Lan là dân Anh. Irina trước đó đã cho biết là tiếng Pháp còn nói tạm được chứ tiếng Anh thì chịu. Cứ cho là họ nói với nhau bằng tiếng Việt đi. Nghĩ mà thấy thú vị!”

Đã mười hai năm trôi qua kể từ ngày tôi viết những dòng chữ trên, vậy mà khi đọc lại tôi vẫn thấy rộn ràng. Cái năm Tuất của tờ báo Tết mà Irina reo vui khi thấy năm xưa nay đã lại một lần xuân con chó, xuân Bính Tuất. Nhưng rộn ràng hơn cả là cái cảnh hai người đàn bà tóc vàng, da trắng, mũi cao, mắt xanh ngồi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, cái thứ tiếng Việt đã vượt qua được cạm bẫy đầy những dấu nhọc nhằn của giáo sĩ Bá-Đa Lộc giăng ra. Thú vị hơn nữa là hai người lại có hai giọng nói khác nhau. Irina giọng Hà Nội, Ỷ Lan thổ âm Huế. Người đàn bà Anh, sanh ở York, mang tên Penelope Faulkner nhưng thích dùng cái tên của một nàng công chúa nước Việt này vẫn ăn nằm với tiếng Việt toàn thời gian trong tòa soạn tạp chí Quê Mẹ ở thủ đô nước Pháp. Chưa từng đến Việt Nam bao giờ, vậy mà Việt Nam nằm trong lòng cô từng giây từng phút. Cũng như Irina, cô là một người tranh đấu không mệt mỏi cho tự do dân chủ ở Việt Nam, đồng thời là một nhà báo viết tiếng Việt và một nhà văn…Việt Nam. Tuyển tập truyện ngắn “Quê Nhà” gồm 19 truyện là tác phẩm đầu tay của người thiếu nữ phương Tây nhưng…Việt Nam như bất cứ người thiếu nữ Việt nào khác. Có điều tóc cô không đen, da cô không vàng. Tôi chưa bao giờ được trực tiếp giáp mặt với Ỷ Lan nhưng đã được nghe cô nói trên truyền thanh, truyền hình, đã được thấy cô trong chiếc áo dài Việt Nam. Dáng cô cao và thanh tú, cao hơn một người Việt Nam bình thường, nên chiếc áo dài cô mặc cũng dài hơn. Nhưng chiếc áo dài hơn lại làm tôi nhìn thấy hình dáng đất nước Việt gầy guộc, nghèo nàn, khổ đau hơn.

Irina và Ỷ Lan Penelope Faulkner là hai khuôn mặt trí thức. Chắc thứ tiếng Việt họ học là thứ tiếng Việt trường ốc đàng hoàng. Giọng Hà Nội của Irina có phải là giọng của người sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa mà bà gá nghĩa? Giọng Huế của Ỷ Lan là giọng của những người chung quanh cô trong tòa soạn báo Quê Mẹ? Còn giọng của cô gái người Canada sống tại thành phố Montreal chẳng học một lớp tiếng Việt nào đích thị là giọng của người chồng Việt Nam. Đó là giọng đặc sệt miền Nam, cái thổ âm có con cá “gô” bơi trong “guộng”!

Tôi chưa bao giờ được gặp cô…người Việt gốc tây này nhưng nhà tôi đã gặp trong một văn phòng chuyển tiền về Việt Nam. Cô tới gửi tiền về cho cha mẹ chồng ở Việt Nam. Giọng cô trách móc. Để cho anh ấy thì chắc ông bà già chẳng bao giờ nhận được đồng bạc nào! Nhìn phía sau mái tóc vàng, nhà tôi tưởng cô là một cô gái Việt Nam chính tông nhuộm tóc vàng cho giống đầm, nhưng khi cô quay lại mới…hết hồn! Đó là một cô đầm rặt. Một cô đầm Việt Nam đến nỗi thở than trách móc chồng như bất cứ một bà vợ Việt Nam nào. Anh ấy nhậu nhẹt tối ngày, nhậu xỉn rồi nói tục. Chị biết không, anh ấy nói tầm bậy kinh khủng. Em phải chỉnh hoài à!  Sao cô đầm này nói rành tiếng Việt đến vậy? Em cứ bắt chước anh ấy và các bạn của anh ấy. Mà em có học viết tiếng Việt nữa. Biết đọc biết viết rồi em mới thấy anh ấy viết tiếng Việt mà lỗi chính tả đầy rẫy!  Tôi vẫn cứ muốn gặp cô đầm đặc biệt này một lần mà chưa có dịp. Nhưng chỉ nghe kể về cô, tôi cũng có đủ cái háo hức mang cô ấy vào truyện. Trong truyện ngắn “Biết Nói Chi”, in trong tập truyện “Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại”, tôi đã cho cô đầm này vào vai Monique, một bà mẹ đưa con đi học lớp Việt Ngữ vào ngày Chủ Nhật mỗi tuần. Nhân vật xưng “tôi” là cô giáo dậy học con của Monique.

Tôi được khuyến khích bởi những bậc cha mẹ bỏ những giờ nghỉ quí báu đưa đón con đi học một tiếng nói chẳng cần cho cuộc mưu sinh nơi chốn này. Họ nán lại trò chuyện, gợi ý, bàn bạc với tôi. Họ là những người Việt như tôi tuy con họ có thể mang màu tóc khác nên chúng tôi cùng có chung những lo lắng chỉ đường cho đám trẻ tìm về nguồn gốc của chúng.
 Monique thì khác. Cô đầm rặt có khuôn mặt thanh thanh này không có một nét đen nào trên tóc, trên lông mày, trên mắt. Chỉ có từng chữ Việt phát âm hoàn hảo thoát ra từ đôi môi biết cười nhưng không biết che kín được hàm răng trắng đều như tấm hình quảng cáo của nha sĩ. Tôi vui với câu chào trong lần đầu gặp gỡ.
“Chào bà.”
Miệng tươi, đầu cúi thấp, mắt như dè dặt đo độ phản ứng của tôi. Tôi tần ngần chào lại.
“Chào cô. Cô dẫn cháu tới học?”
Giọng tôi thận trọng chậm rãi. Thật ra câu hỏi của tôi như một thăm dò, tôi chẳng nghĩ là cô đầm trước mặt hiểu được. Thấy tiếng chào của cô vững giọng quá tôi muốn thử cho biết.
“Thưa bà, vâng ạ. Tôi muốn cho cháu tới học vì ông già cháu là người Việt.”
Tôi ngạc nhiên vì lối phát âm rặt giọng địa phương miền cực nam nước Việt, nơi tôi đã từng có thời “ngồi” tới sáu năm. Nhưng tôi cũng bấm bụng cười vì lối dùng chữ khá tức cười của cô đầm chay này. Tôi tò mò thử tiếp.
“Cô muốn nói cháu có cha là người Việt?”
Cô đầm không nhận ra chủ tâm của tôi, chẳng chút bối rối.
“Dạ, bà nói đúng, ông xã tôi là người Việt Nam.”
Tôi cười. Cô đầm cũng nhoẻn miệng cười theo. Nghe được cái giọng chân chất của địa phương nơi khởi đầu những ngày dạy học, tôi thấy mọi sự trở nên ngộ nghĩnh lạ lùng. Tôi vui miệng.
“Cô nói tiếng Việt hay và rõ quá. Nếu chỉ nghe giọng nói mà không nhìn thấy mặt, tôi nghĩ chắc chắn là tôi tưởng đang nghe một người Việt nói tiếng Việt.”
“Bà quá khen. Tôi còn phải học hỏi nhiều.”
Tôi tò mò.
“Ai dậy cô nói tiếng Việt mà hay quá vậy?”
Bặm môi, lưỡng lự, Monique như châm chọc.
“Không có ai dậy tôi cả.”
Nhìn vẻ mặt chưng hửng của tôi, Monique chắc vừa lòng lắm. Cô tiếp.
“Tôi nghe và bắt chước ông xã tôi và các bạn của ông ấy.”
Bụng tôi đã có ý nể cô đầm thông minh này. Tự học mà nói được tiếng Việt như vậy dễ có mấy người. Tôi thành thật khen.
“Như vậy chắc chồng cô hài lòng lắm nhỉ!”
Monique chớp mắt đứng tần ngần, tay bối rối vuốt mái tóc nâu đã quá mượt mà, giọng không vui.
“Chẳng phải vậy đâu, bà ạ!”

Một cô đầm khác (không biết sao những người Việt làm ngỡ ngàng ông Bá-Đa-Lộc này lại toàn là các bà!) cũng là một người nói tiếng Việt loại super. Tên cô chắc nhiều người đã quen thuộc: Lily Doiron! Lần đầu tiên tôi nghe cô nói khi cô trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Á Châu Tự Do có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Cô nói lưu loát bằng một thứ tiếng Việt nhuần nhuyễn bỏ dấu đàng hoàng. Chẳng là cô là một ca sĩ chuyên hát nhạc Việt Nam. Cô ca sĩ dễ thương Dalena hát tiếng Việt bằng lối phát âm rõ ràng Việt Nam đã là một hiện tượng của nền tân nhạc của chúng ta. Cô Lily cũng hát tiếng Việt. Cũng bỏ dấu ngon lành không ngọng nghịu. Cũng hát loại nhạc quê hương. Nhưng cô ăn đứt cô Dalena vì cô biết nói tiếng Việt. Chồng cô là một người Việt và họ đã có với nhau ba con. Điểm đặc biệt là con cô cũng nói tiếng Việt dấu diếc đàng hoàng như mẹ! Trong buổi lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng do Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Montreal tổ chức vào ngày 5/3/2006 vừa qua tại thính đường Père Marquette, cả gia đình cô đã trình diễn một màn hoạt cảnh gây xúc động mọi người có mặt. Ba đứa con của cô đã đóng vai ba trẻ ăn xin và cô con gái lớn nhất, chừng 10 tuổi, đã hát nhạc Việt ngon lành. Cảnh trên sân khấu là cảnh giả nhưng khán giả đã bị lôi cuốn thành cảnh thật khi họ ào ào tiến đến sát sân khấu bỏ tiền thật vào chiếc nón rách ăn xin của ba đứa trẻ có nửa giòng máu Việt trong những bộ quần áo rách rưới vá chằng vá đụp.

Khi ra về, tôi cứ quẩn quanh nghĩ ngợi không yên trong bụng. Ba đứa trẻ chỉ có một nửa giòng máu Việt đã nói thứ tiếng quê cha một cách đàng hoàng trong khi quanh chúng ta có rất nhiều trẻ rặt giòng máu Việt mà nói được tiếng Việt theo trường phái…cố đạo chúng ta đã mừng húm! Nhiều em còn không nói được một chữ tiếng Việt, nhiều em còn không hiểu tiếng Việt, nói chi tới biết đọc biết viết chữ Việt. Phải chăng vì chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, chúng ta đã không ăn nằm với tiếng Việt như những cô đầm hãnh diện vì mùi nước mắm trên?

03/2006