Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

BÓI

Bói là một món trong các món nghía vào tương lai. Tương lai là một khoảng trống mù mịt mà ai cũng muốn biết, nhất là những người mà tương lai còn đầy ắp trước mặt.

Nếu chúng ta yêu nhau
Năm mình 20 tuổi
Tình yêu xanh có chín suốt một đời?
(Trần Mộng Tú)

Tình yêu xanh hình như là thứ mà người ta tò mò nhiều nhất. Chẳng thế mà các cô cứ xếp hàng nườm nượp nộp tiền cho mấy ông bà thầy chuyên nói mò. Sau nửa thế kỷ “cách mạng”, Hà Nội ngày nay vẫn nhang khói mịt mù. Trên báo điện tử Người Việt Trẻ, nữ nhân Nguyên Lê kể lại chuyện đi xem bói nơi nhà cô H. “Đến lượt tôi thì cô phán cũng khá sung sướng nhưng không biết đúng sai bao nhiêu… Gần đây nhất, tôi quay trở lại nhà cô H. Trong khi đang chờ cô xem bói cho mình lần thứ hai, mấy bác hàng xóm kéo chúng tôi lại “không hiểu sao các em cứ xem, chứ mấy chị ở đây biết hết nên chẳng bao giờ xem cả”… Cô H. năm nay cũng gần khoảng 60 tuổi nhưng trông vẫn còn khá trẻ, vẫn bói bài tây cô lại phán cho tôi chuyện chồng con trong tương lai theo kiểu sung sướng như lần trước nhưng lại thêm chút khổ sở kiểu đen đủi cần phải hóa vàng, đội bát hương. Hai lần phán lệch nhau khoảng 70%. Vậy mà mỗi ngày có đến chục người tìm đến cô để xin cô phán cho vài câu. Mỗi lần đến là đặt lễ khoảng 20 ngàn đồng một người để nghe cô nói dăm ba câu về số phận ‘trời ơi’ ”.

Chẳng ai dại gì mà tin thầy bói trăm phần trăm. Thường thì mỗi lần phán, các thầy ngả bên này một chút, ngả bên kia một chút, cứ lơ tơ mơ muốn hiểu sao cũng được. Tới lần thứ hai để check lại như cô ký giả Nguyên Lê là một thứ khôn khéo rất tốn tiền. Vậy mà tôi, khi đã quá tuổi “nhi bất hoặc” rồi mà vẫn cứ…tốn tiền.

Phải nói ngay là tôi chê các anh thầy bói một cách triệt để. Mấy anh nói dựa này còn khuya mới ăn được tiền của tôi! Thập niên 60, thầy bói Diễn nổi tiếng như cồn, thân chủ phải lấy hẹn mới được diện kiến dung nhan thầy. Anh bạn tôi, người lực lưỡng, chẳng tin Chúa, chẳng thờ Phật, chỉ tin thầy bói, lấy được cái hẹn, rủ tôi đi cùng cho vui, muốn coi thì xáp vào, không thì thôi. Tôi đi theo anh bạn vì tò mò. Ông thày vận bộ bà ba lụa trắng tung tiền xủ quẻ. Tôi ngó lơ đãng chẳng hiểu tên bạn rất tự hào về bắp thịt cuồn cuộn của mình sao lại có thể ngồi thành kính để nghe một ông già phán về những điều không có gì kiểm chứng được như thế. Xong việc mình, anh bạn hất đầu hỏi tôi. Tôi trả lời bằng cái lắc đầu. Anh bạn cũng lắc đầu kèm theo cái chép miệng như tiếc rẻ cho tôi đã bỏ lỡ dịp may. Vứt tiền lên đĩa của thầy bói là không có tôi! Phải cả hai chục năm sau, lúc đã quá sốt ruột về hồ sơ xuất ngoại nộp đã lâu, tôi đã không cưỡng lại được lời dụ dỗ của bạn bè để nộp tiền cho thầy bói hy vọng hé mở được chút ánh sáng cho một chỗ trên máy bay. Cô thầy bói khoảng trên ba chục, đạo Công Giáo, chuyên trị bài tây. Trên bàn “làm việc” của cô có bức hình một ông thánh khổ nhỏ. Cô xóc bộ bài, đưa tôi rút rồi bày những quân bài lên bàn. Cô phán: anh đang sốt ruột về chuyện hồ sơ xuất ngoại phải không? Cũng dễ. Thời điểm đó ai đi xem bói cũng chỉ hỏi chuyện đi đứng. Tôi gật đầu. Cô phán tiếp, chắc nịch: tới ngày 14 tháng 5 anh sẽ nhận được giấy đăng ký chuyến bay! Tôi lúng túng trước vẻ tự tin của cô thầy bói, chẳng biết phản ứng ra sao, len lén ra về. Về tới nhà, xem lịch mới biết ngày 14 tháng 5 là ngày Chủ nhật. Ai làm việc ngày này mà giấy với tờ. Lại nữa, những thông báo xuất cảnh thường được gửi qua đường bưu điện. Ai đưa thư vào ngày Chủ Nhật! Con mẹ này nói xạo! Tôi muốn văng tục vì những đồng bạc trong thời buổi khó khăn đã ra đi một cách tào lao! Qua cơn giận, tôi muốn check lại, vì không muốn thất vọng bẽ bàng. Tôi bảo vợ tôi đi coi thử lại. Vợ tôi đến một mình như tôi lần trước. Cô thầy bói không biết liên hệ giữa hai chúng tôi. Cũng nhìn những con bài mà vợ tôi rút ra, cô vẫn phán chắc nịch ngày nhận được giấy đăng ký chuyến bay. Vẫn cái ngày Chủ Nhật đó. Vợ tôi gặng hỏi, cô điềm tĩnh: bài lên như vậy, tôi đâu biết được! Rồi cái ngày…định mệnh cũng tới. Suốt ngày chẳng có động tĩnh gì. Buổi chiều tối, chúng tôi mở cửa hàng cà phê như thường ngày. Một ông khách mặc chiếc áo sơ mi trắng bỏ ra ngoài chiếc quần màu rêu kêu một ly cà phê đen. Khi tôi mang cà phê ra, ông giữ tôi lại. Có phải anh nộp đơn xin xuất cảnh không? Tôi định chối như thói quen của mọi người toan tính ra đi trong thời gian đó nhưng chợt nhớ tới cái hẹn của cô thày bói. Tôi nhận. Anh có giấy đăng ký chuyến bay rồi. Ông khách nghiêng người móc trong túi ra cái bao thơ màu vàng xỉn. Tôi chụp lấy mà đầu óc trống rỗng. Như đang ở trong mơ. Lơ mơ như vậy nhưng tôi cũng không quên tạ ơn ông khách bằng một bao thư dầy. Ông khách quen của quán cà phê là cán bộ biết địa chỉ của tôi nên đã phỗng tay trên số tiền hậu tạ của ông phát thư!

Cô thầy bói đó là cô T. ở Gia Định. Các ông bạn chân trong chân ngoài của tôi lấy làm phấn khởi khi được tôi rỉ tai sự tình bói toán. Các ông nhất định đòi tôi dẫn đi cho bằng được. Khi tôi trở lại nhà cô, người nhà cho hay là hồi này “động” rồi nên cô không dám coi ở nhà nữa. Tôi đánh liều mời cô tới nhà tôi để coi cho một số người. Các ông bạn tôi đến theo giờ sắp xếp của tôi để tránh những cặp mắt soi mói của hàng xóm và công an khu vực. Tuần tự từng người cứ như đi khám bác sĩ! Ông nào cũng hỉ hả. Một ông bạn già, căn cơ rất mực, cả đời chưa bao giờ mất tiền vớ vẩn, sau khi xem đã suýt soa: giống như ma xó trong nhà mình vậy, chuyện  nhà mình cô ấy cứ vanh vách nói ra hết!

Bói toán là một nghề dễ sống và dễ làm. Chị Huệ đẹp, sang trọng, ăn nói duyên dáng, học tới Cử nhân Sinh hóa! Vậy mà không chịu đi làm thầy chỉ thích làm…thầy bói. Nói quả đáng tội, chị cũng đã từng mang bằng cấp đi làm đấy chứ, nhưng cái nhan sắc trời cho của chị đã phá chị. Khi thì bị Giám đốc ve vãn, khi thì bị đồng nghiệp ganh tị, khi thì bị vợ Giám đốc ghen bóng ghen gió làm ầm ĩ cả cơ quan, chị ghét không thèm đi làm nữa. Một buổi chiều rỗi rãi, chị ra Lăng Ông Bà Chiểu xin xâm, thấy một thầy bói vỉa hè chào mời, chị chìa tay ra. Thày nói bá láp chẳng trúng đâu vào đâu cả nhưng chị không thấy tiếc hai chục ngàn đồng bỏ ra vì trong lòng cảm thấy thư thái, vui vẻ. Chị bèn ngộ ra. Khi  người ta đang tuyệt vọng hoặc mất phương hướng trong cuộc sống họ thường trông mong có một ai đó khuyến khích, gieo cho họ niềm hy vọng. Thế là đủ. Chị thấy kiếm ăn coi bộ không  khó. Chị bèn đi mua một lô sách nghiên cứu tướng mạo, chỉ tay, bói bài về học thuộc lòng. Mười ngày sau, chị thực tập nghề với mấy bà trong xóm. Ai cũng khen chị đoán đúng. Họ là những nhà quảng cáo không công đắc lực cho chị. Khách tới coi nườm nượp. Chị trở thành thầy bói cái một! Chỉ hành nghề từ 4 tới 7 giờ chiều, chị coi được cho 12 người, thu 120 ngàn đồng. Mỗi tháng làm việc chơi có 26 ngày, chị ẵm gọn 4 triệu đồng. Nếu cứ đi làm thì nằm mơ chị cũng chẳng dám nghĩ tới số tiền lớn lao này. Một thầy nhà ở đường Nguyễn Trãi, Sài gòn, in danh thiếp Giáo sư đàng hoàng, tính 200 ngàn một quẻ chỉ phán đúng có năm câu. Mỗi ngày thầy chỉ cần 3 người khách là tháng có 18 triệu ngon ơ! Báo Tiếp Thị & Gia Đình cho biết là có một bà thầy ở chợ Phú Nhuận bị mù mà xem chỉ tay rất giỏi! Trong nhiều năm qua bà cứ sáng hành nghề ở chợ Phú Nhuận, chiều về chợ An Đông, giá mỗi quẻ là 80 ngàn đồng. Bà đã xây được hai nhà lầu mấy tầng cho thuê, mỗi tuần vẫn đều đều đến ngân hàng gửi tiền…dư!

Đưa chân đưa tay, xin xâm, bói bài… Xưa rồi! Thời đại khoa học này, cái computer để làm chi nhỉ? Vậy là các cô các cậu thi nhau xem bói…trên không!

Nào nói mau cho ta hay
Năm sinh tháng đẻ với ngày thật to
Để ta phán xét giùm cho
Tương lai quá khứ hiện giờ ra sao!

Thơ này là thơ mời chào bói trên internet. Bạn cứ vào một trong những chatroom chuyên về bói toán là tình duyên gia đạo được giải rõ như ban ngày. Rõ nhưng đúng hay sai tùy người. Không đúng có quyền cự nự. Một nickname tên Taythi…théc méc. Em có hai người bạn có ngày giờ sinh khác nhau, số phận khác nhau mà khi xem số, các thầy đoán toàn một kiểu?  Thầy không chút nao núng. Ngàn xưa đến nay nhân loại chỉ có ngần ấy lá số, bởi thế không ai coi số cho mình tốt bằng mình tự coi cho mình! Nhấn vào trang “tuvilyso” còn đau đầu hơn nữa : “Nhìn theo toán học, cuộc đời như một hàm số có n biến số trong khi tử vi chỉ có năm biến số mà thôi (can năm sinh, chi năm sinh, tháng sinh, ngày sinh và giờ sinh). Điểm lý thú là năm biến số này vẫn cho ta một hình ảnh cụ thể về con người, giống nhau mọi mặt mà có thể khác nhau rất xa, một trời một vực!”

Bói hay là nói dựa? Thì cũng xêm xêm nhau tất cả. Miễn là kiếm được tiền. Kiếm tiền thần sầu là bà cụ Trần thị Diều, sinh năm Tân Tỵ, 64 tuổi. Bà moi được tiền của…Tây! Nơi hành nghề của bà là cầu ngói Thanh Toàn thuộc huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Cầu Thanh Toàn và cầu chùa Hội An là hai chiếc cầu cổ độc đáo nhất tại Việt Nam, kiến trúc thượng gia hạ kiều (trên là nhà dưới là cầu). Cầu Thanh Toàn rất đẹp nằm trên sông Như Ý thơ mộng, được giới thiệu với du khách trong Festival Huế 2002 với tour du lịch “Chợ Quê Ngày Hội”. Bà Diều ăn theo chiếc cầu từ đó. Bởi vì khách du lịch vượt 6 cây số từ Huế về đây, sau khi ngắm một chiếc cầu ngói đơn độc nhuốm màu thời gian là chấm hết! Thời giờ rảnh rỗi, họ chìa tay cho bà Diều, nhận được vài câu đoán tình duyên số mạng bằng tiếng Anh của bà già 64 tuổi để mua vui. Tiếng Anh của bà Diều cũng vui lắm. Đó là sở học bà thâu thập được trong thời gian đi nấu ăn, giặt ủi quần áo trong sở Mỹ tại Phú Bài! Bà cho biết : “Đa số dân du lịch Tây thường thích xem chỉ tay và đặc biệt rất thích đoán chuyện tình duyên. Chúng ta thử theo bà Diều hành nghề với cô Mary, người Anh. Hello, good afternoon!  Cô gái tóc vàng có vẻ ngạc nhiên, dừng lại. Bà Diều tiếp tục…khuyến mãi bằng thứ tiếng Anh giặt ủi Phú Bài. Cô gái trẻ ngồi xuống bên bà, lấy khăn lau tay cẩn thận và chìa tay ra cho bà xem. Bà Diều vi vút là cô rất xinh, bàn tay đầy đặn, tương lai sẽ giầu có. Đổi qua tiết mục tình duyên, bà ca tiếp: cô sẽ có hai đời chồng, có 3 con, một trai hai gái. Có đúng không? Trời còn không biết huống chi Mary! Cô nhún vai: “Bà ta nói rằng hiện nay tôi đã có người yêu, điều ấy thì đúng, nhưng người đó sẽ không phải là chồng của tôi sau này!” Chỉ biết có một điều hiển nhiên là Mary phải mở ví chi ra 2 ngàn đồng. Để mua một niềm vui!

Ông người Ý Piero Lorenzoni cũng vui. Ông xem tướng…gò bồng đảo! Khuôn ngực của người phụ nữ thể hiện tích cách của nàng, cũng giống như chòm sao chiếu mệnh. Ông ngôn như vậy. Và ông đoán tướng…sao như sau. Phụ nữ có bộ ngực tròn và lớn giống như trái dưa: cô nàng mê ăn uống, thích được chiều chuộng và ngưỡng mộ nhưng lại không có nhiều hứng thú với sex! Phụ nữ với cặp đào tiên hình trái chanh, chắc và nhô cao: đầy năng lượng, có một cuộc sống cân bằng không sóng gió. Loại trái thơm hình bàu dục: thông minh, có sự nghiệp ổn định nhưng vẫn lãng mạn tuy khá chung thủy! Hình trái bưởi săn và chắc: trông khêu gợi nhưng thực tế lại e lệ và giản dị, biết chiều chồng nhưng thích sự âu yếm hơn là tình dục! Hình trái cam: tự tin và có chí hướng, ít hứng thú với sex, thích chuyện trò hơn! Nhỏ như trái dâu: hài hước và thú vị, thông minh và thích…phiếm, là người tình tuyệt vời trong đời sống hàng ngày, có hứng thú vừa phải với tình dục! Hình trái lê: đam mê tình yêu, rất sùng đạo nhưng cũng có thể ngoại tình lúc nào không biết! Đúng hay sai? Ai có thể kiểm chứng được xin cứ tự nhiên.

Tôi thích chữ nghĩa hơn. Nhưng bạn nên coi chừng với chữ víết của bạn. Chỉ cần nhìn vào chữ viết, các ông thầy tướng chữ cũng bói ra được khối chuyện. Bạn viết chữ U và V tròn ở đáy? Bạn nhạy cảm và có tâm hồn thi ca! Bạn gạch ngang chữ T ở giữa hay trên đỉnh? Gạch ngang càng thấp bạn càng ít tham vọng! Bạn ngoắc tròn chữ C ở trên đầu? Bạn rất kiêu ngạo! Chữ A và O của bạn khép kín? Bạn đang che dấu một điều gì đó! Chữ của bạn xiêu vẹo mọi hướng? Hãy cẩn thận : 80% những người phạm tội có chữ viết kiểu này! Chữ viết của bạn nhọn và góc cạnh? Hãy bình tĩnh, không việc gì phải căng thẳng! Chữ viết của bạn béo và lùn? Nếu chúng lớn nhất ở phần giữa, không mở rộng nhiều ở phần trên hoặc dưới: bạn có tính trẻ con!

Cũng chữ nghĩa, nhưng đây là một lối bói đã đi vào dân gian và trở thành một cái thú tao nhã: bói Kiều! Trên chuyến tàu thủy đưa đoàn làm phim Cánh Đồng Ma từ Hải Phòng đi Hương Cảng, nhà văn Nguyễn Tuân đã ghi lại một hoạt cảnh:

Những tiếng ngáy đã nhiều và bấy nhiêu âm thanh khò khò tổng cộng lại, tưởng có khi át được tiếng động cơ tàu Kinh Châu. Tôi vẫn trằn trọc, thấy lạnh vai nhiều nhất và cựa mình luôn. Tôi muốn đánh lừa thời khắc, đem cuốn Truyện Kiều ra ngâm : “…vốn người Việt Đông; Giang hồ quen thú vẫy vùng...”
Bỗng mấy người trong bọn nhao nhao hỏi :
- Có Kiều đấy à! Cho mượn tị.
- Làm gì? Bói phải không?
- Chứ sao nữa.
Tôi lãnh đạm đưa cuốn Kiều, giận họ đã làm mình cụt hứng ngâm nga. Dăm bảy người trong hội tài tử giang hồ vừa thiếu nữ vừa đàn ông đứng tuổi, xúm nhau chung quanh cuốn Kiều, bên chiếc ghế bố. Họ nhắm mắt, tín ngưỡng và kính cẩn mở cuốn truyện xưa, sau mấy câu lầm rầm trong miệng. Họ khấn linh hồn hết thảy nhân vật trong truyện với sự thành kính của một bà cụ già có chân trong hội chùa, thắp hương trước Phật đài vào ngày sóc vọng. Những người này, chưa biết mặc kệ ngày mai. Họ còn tin ở những ngày sẽ tới và đặt tâm tình vào nhiều vật nhỏ nhen quá. Tôi thấy cõi lòng mênh mông hiu quạnh và trên cái ồn ào của những hành động tầm thường, tôi nghĩ đến nỗi lặng lẽ không bờ bến của một linh hồn không được thông cảm với chung quanh”.

Thời còn miệt mài với sách đèn, cứ đến kỳ thi cử, lòng lo lắng cho bước đường tương lai, lũ học sinh sinh viên chúng tôi, cuốn Kiều sẵn trên bàn học, cũng nhắm mắt thành kính lâm râm. Lạy sư Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, xin cho con một quẻ. Quẻ có như được mong ước hay không, hề chi! Mở ra làm lại cho tới khi được câu thơ ưng ý.

Nhang đèn mà có bóng dáng Thúy Kiều lấp lánh trong tâm khảm. Vui hỉ?

08/2005