Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

THƠ

Thấy ông Đỗ Quý Toàn tìm thơ trong tiếng nói, thấy ông Nguyễn Hưng Quốc thơ..v..v..và ..v.v.., tôi cũng bỗng nổi hứng muốn táy máy với thơ. Nói tới thơ tôi nghĩ ngay đến thơ Bút Tre vì ai cũng biết và nói tới loại thơ của nhà thơ miền Bắc này. Từ những vần thơ chính tông Bút Tre đã nẩy sinh ra một trường phái thơ gọi là trường phái thơ Bút Tre. Nghĩa là thơ không biết do ai làm nhưng cứ cái giọng thơ đó là Bút Tre tuốt!

Mà thơ Bút Tre có ghê gớm lắm không? Tôi thấy dở. Thứ nhất, thơ mà chỉ hai câu, ráng lắm thì được bốn câu thì làm sao vươn tới tầm mức…thời đại được? Thơ bây giờ phải dằng dặc, phải…trường ca như thơ của ông Đỗ Quyên, người luôn cổ động cho trường ca. Thơ cả ngàn câu dứt ra mỗi đoạn đăng báo mệt nghỉ mới đáng mặt thơ!

Thứ hai, làm thơ phải như phù thủy điều binh khiển tướng…ma. Nghĩa là phải nắm được chữ nghĩa. Thơ Bút Tre chẳng nắm được gì cả. Nó cứ tuồn tuột để chữ nghĩa từ câu trên leo xuống câu dưới chẳng ra cái thể thống gì cả.

E-mail em viết thật bay
bướm em mong đợi cả ngày lẫn đêm.

Xổ toẹt!
Thứ ba, chữ Việt ta có dấu mới ra chữ. Dấu trong tiếng Việt nó ma mãnh lắm. Chuyện như thế này. Một nhà kia thịt một chú gà béo, mời ông hàng xóm qua nhậu rượu. Chủ nhà nâng ly mời khách. Rước bác cầm đũa trước. Bác thích dấu gì thì gắp dấu đó. Ông khách sững người không hiểu chủ nhà nói cái gì, bèn lịch sự. Bác là chủ nhà, mời bác động đũa trước. Chủ nhà nhấc đũa. Tôi dùng dấu sắc, c…a…nh sắc cánh, đ..i..t..sắc đít. Đọc xong chủ nhà gắp đôi cánh và cái phao câu. Ông khách hiểu trò chơi. Tôi thì tôi dùng dấu huyền, đ..â..u..huyền đầu, m..i..nh..huyền mình. Ông gắp nguyên cả con gà còn lại.  Chủ nhà tức quá không biết phản ứng ra sao. Mình bầy ra trò chơi mà lại thua trí ông hàng xóm. Bà vợ ngồi bên cạnh cũng tức, bèn nói. Còn cái dấu huyền của tôi đây này, bác có muốn ăn nốt thì ăn! Dấu nó…ngoạn mục như vậy. Thế mới ra tiếng Việt! Vậy mà thơ Bút Tre gượng ép như thế này:

Vào thăm lăng bác âm u
Chị em phụ nữ giở mu ra chào!

Mũ thì phải ngã ra, đâu có phải vì ép vần mà để quên mũ ở nhà!
Thứ tư, thơ thì phải có vần có điệu mới ra thơ. Thơ không đúng vần thì con…cóc nó cũng làm được. Thơ Bút Tre rất nhiều câu không có vần. Ngay cả bậc thiên tài thơ phú như nhà thơ Bùi Giáng mà dính vào thơ Bút Tre cũng lồng ngồng chẳng vần chẳng điệu gì cả. Giai thoại sau tôi nghe kể chẳng biết có thực không. Sau năm 1975, một hôm Bùi Giáng tới Hội Văn Nghệ ở Sài gòn chơi. Nhà thơ Thu Bồn và nhà thơ nữ Thu Ba kêu Bùi Giáng lại nói chuyện. Anh nhà thơ miền Nam điên điên tỉnh tỉnh này bước tới. Thu Bồn bảo:

“Nghe nói anh có tài xuất khẩu thành thơ, thử làm một bài cho anh em nghe chơi!”

Bùi Giáng lắc đầu:

“Lâu lắm tôi không làm thơ rồi!”

Thu Ba ép:

“Thì anh cứ thử làm vài câu thôi mà!”

Bùi Giáng tần ngần rồi đọc:

“Thu Ba khen ngợi Thu Bồn
Thu Bồn cảm động sờ vai Thu Ba”

Nghe xong, Thu Ba chê:

“Trời! Anh làm thơ lục bát gì mà chẳng có vần có điệu chi cả.”

Bùi Giáng tỉnh bơ:

“Sức tôi chỉ có vậy thôi! Nếu chị muốn có vần thì tìm chữ khác mà thế vào!”

Thơ Bút Tre nói vậy đủ rồi. Nói về thơ vịnh vui hơn. Vịnh là nhìn vào một vật gì rồi…thơ. Nếu nhân đó mà gửi vào một tâm sự gì thì là thơ “khẩu khí”. Nếu không gửi giếc chi cả thì là thơ…tơ lơ mơ! Như những bài thơ vịnh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương chẳng hạn. Là đàn bà nên nhà thơ nữ này chỉ vịnh những thứ liên quan đến đàn bà. Như đàn bà trong nhà thì…quạt nồng ấp lạnh.

Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Phành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?

Đàn bà ra chợ thì…hoa quả.

Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó sù sì múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay!

Đàn bà đi chợ về thì ra giếng.

Ngõ ngang thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thanh tân giếng lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lách giữa dòng
Giếng ấy thanh tân ai chẳng biết
Đố ai dám thả nạ dòng dòng.

Thơ vịnh như vậy xưa rồi. Ngày nay chẳng ai rỗi thời giờ ngồi vịnh viếc như vậy nữa. Mỗi thời mỗi khác, chẳng ai cản được bước tiến của thời gian. Thời buổi mail điện tử người ta nhấp chuột nhanh như chớp. Thơ cũng vèo vèo bay ra. Người ta chat thơ. Chat thơ là một kiểu thơ thù tạc mới. Nó không có lơ mơ trời trăng mây nước mà đi ngay vào sự việc. Một đôi vợ chồng vì công việc phải xa nhau trong khi duyên còn đang mặn nồng. Họ chat với nhau. Cô vợ mở màn trước.

Đám ruộng hai bờ ở đầu hông
Lâu ngày không cấy vẫn để không
Nước non vẫn đủ, cỏ mọc tốt
Nhờ người cày hộ có được không?

Thấy nguy biến, anh chồng vội meo lại liền.

Đám ruộng hai bờ là của ông
Cho dù không cấy vẫn để không
Mùa này không cấy chờ mùa khác
Nhờ người cấy hộ chết với ông!

Bà vợ nghe lời chồng ôm ruộng đợi chờ. Chờ lâu quá không thấy bóng dáng chồng, bà lại meo.

Ruộng để lâu ngày cứ bỏ không
Hạ đi thu đến sắp lập đông
Cỏ xanh cũng lạnh dần héo úa
Thợ cày đầy rãy chẳng tính công.

Ông chồng khẳng định lập trường người cày có ruộng, chat lại.

Biết là ruộng lâu ngày trống không
Cỏ dại um tùm mọc mênh mông
Nhưng mà tụi nó cày tệ lắm
Kỹ thuật thua ông, có biết không?

Bà vợ hình như không để ý đến vấn đề kỹ thuật. Bà mail tiếp.

Ông à…Cỏ dại lên quá mông
Dân cày quê mình cứ ở không
Thôi tui làm phước cho họ cấy
Ông về thu hoạch thế là xong.

Ông chồng hoảng hồn trả lời cấp tốc.

Cỏ dại có mọc lên quá mông
Thì bà vẫn cứ phải để không
Ông mà biết được bà cho cấy
Ông về nhổ sạch, thế là xong!

Ngày hôm sau, mở computer, ông chồng đọc được…tối hậu thư.

Luật mới ban hành ông biết không?
Ruộng mà không cấy sẽ xung công
Vậy ông thu xếp mà về sớm
Kẻo mất ruộng rồi, ông trách ông!

Lẩy thơ là một kiểu chơi khác. Lẩy không phải là cóp mà dựa vào thơ của người khác, ta ké vào tâm sự của ta. Thường thì người ta lẩy Kiều. Nhưng ông Luân Hoán thì lẩy lung tung. Gặp đâu lẩy đấy. Gặp quả mít của bà Hồ Xuân Hương tôi đã bàn tới ở trên, ông Luân Hoán lẩy bà Xuân Hương liền.

chẳng thể nào đóng cọc
mà không máy mó tay
nhựa tôi là huyền dược
chạm vào mê sảng ngay

Từ cổ chí kim, từ già đến trẻ, nhà thơ của chúng ta…ăn ké tuốt. Như cụ Nguyễn Trãi tán bồ nhí Thị Lộ. Ả ở đâu ta bán chiếu gon /Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn /Xuân xanh nay được bao nhiêu tuổi / Đã có chồng chưa được mấy con? Luân Hoán phá đám ngay.

chẳng ở Tây Hồ đi bán chiếu
còn ? không ?
còn thở / hẳn nhiên / còn
chiếu tôi /  một quả đồi / mum múp
ai dám mỏi chân ?
dám mỏi lòng ?

Gặp văn chương bình dân anh cũng xê mình vào nằm ké.

chẳng đêm bảy ngày ba
và vào ra chưa kể
nếu cần, mở miệng ra
mấy lần tùy hứng cả
thiếu anh cũng tà tà
tự biên tự diễn được

Gặp tục ngữ lưỡi không xương nhiều đường lắt léo anh cũng hồn nhiên lẩy.

chẳng phải lưỡi không xương
nên nhiều đường lắt léo
chỉ nhờ tôi khôn khéo
anh vào tròng thế thôi
lỡ mang tiếng ăn chơi
đừng khóc ngoài cửa ải

Rồi câu đố bình dân đi đứng nhai ngậm, Luân Hoán cũng vịn vào đó mà…đi ké.

chẳng phải đi nhai và đứng ngậm
cũng không phải ngồi cười
cõi tôi không là chỗ
anh hùng dễ quay lui

Xuất khẩu thành thơ là một lẽ. Ăn nói với nhau mà cũng thơ là một lẽ khác. Hai vợ chồng nhà kia yêu thích sách đến nỗi trong đầu họ lúc nào cũng ám ảnh những sách là sách. Tối tân hôn, họ thơ với nhau. Anh chồng xướng trước: Sách mới cho nên phải đắt tiền. Chị vợ nghe thấy chữ mới đã biết là được trân quý. Bèn đáp: Hôm nay xuất bản lần đầu tiên. Sách còn thơm mùi…mực, anh chồng hứng chí: Anh còn tái bản nhiều lần nữa. Chị vợ cảm được lòng yêu sách của anh chồng mới cưới nên… cho hết: Em để cho anh giữ bản quyền!

Mới thì như vậy. Vài năm sau cứ tái bản đi tái bản lại, sách thành cũ. Cô vợ cảm thấy tủi thân, nhắc chồng.

Sách đã cũ rồi phải không anh
Sao nay em thấy anh đọc nhanh
Không còn đọc kỹ như trước nữa
Để sách mơ thêm giấc mộng lành.

Ừ! Sách đọc đi đọc lại cả mấy năm, chữ nghĩa đã mòn đi hết, sao không đi kiếm sách mới nhỉ?

Sách mới người ta thấy phát thèm
Sách mình cũ rích, chữ lem nhem
Gáy thì lỏng lẻo, bìa lem luốc
Đọc tới đọc lui, chuyện cũ mèm!

Cũ thì có cũ thật, nhưng sách hay thì vẫn hay như thường chứ! Bao nhiêu sách xưa tích cũ mà người ta đọc hoài năm này qua năm khác, có sao đâu? Cô vợ bảo chồng:

Sách cũ nhưng mà chuyện nó hay
Đọc hoài vẫn thấy được bay bay
Đọc xong kiểu này, rồi kiểu khác
Nếu mà khám phá sẽ thấy hay.

Có lý quá đi chứ! Mỗi lần đọc là thấy mỗi lần mới. Sách nó biến ảo vô lường là như vậy. Anh chồng ngoan cố.

Đọc tới đọc lui mấy năm rồi
Cái bìa sao giống giấy gói xôi
Nội dung từng chữ thuộc như cháo
Nhìn vào hiệu sách, nuốt không trôi!

Đúng là anh chàng hời hợt không thấy hết giá trị của sách. Cứ đứng núi này trông núi nọ. Sách trong tay không đọc cứ đòi đọc sách mới. Anh hàng xóm thấy vậy, chặc lưỡi: cũ người mới ta. Anh gạ đọc ké!

Sách cũ nhưng mà tôi chưa xem
Nhìn anh đọc miết thấy cũng thèm
Cũng tính hôm nào qua đọc lén
Liệu có trang nào anh chưa xem?

Mê mẩn với thơ, chợt bừng tỉnh. Nhìn lại một lượt từ trên xuống dưới, lòng hỏi lòng: các ông các bà thơ thẩn này nói cái gì vậy cà?

03/2006