Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

NGỬI

Bạn biết ngửi từ lúc nào? Câu hỏi thiệt…khó ngửi. Ấm a ấm ớ! Thì từ khi có cái mũi chứ từ lúc nào! Cái mũi có từ khi bào thai tượng hình trong bụng mẹ, bộ nằm trong cái nôi đầu đời đó đã biết hít hà rồi chăng? Chưa đâu! Phải vài ngày sau khi oe oe chui ra chúng ta mới ngửi được. Ngửi cái gì? Ngửi được sự khác nhau giữa hơi mẹ và hơi người đàn bà khác. Nhà tâm lý học Hilary Schmidt thuộc Trung Tâm Monell Chemical Senses đã làm thí nghiệm để chứng minh rằng trẻ sơ sinh đã biết chọn mùi mà chúng ưa thích. Bà thu hình nhiều trẻ sơ sinh, cả trai lẫn gái, khi chúng được trao cho những đồ chơi lúc lắc có tẩm ba loại mùi khác nhau: mùi gỗ thông, mùi bytyric acid rất hôi và mùi dầu lửa. Bà Schmidt nhờ 8 bà khác xem kỹ cuộn băng thu hình để coi xem các em bé phản ứng như thế nào. Dĩ nhiên các bà quan sát này không được cho biết đồ chơi nào tẩm mùi gì. Cả 8 bà đều thấy rằng bọn trẻ ưa thích rõ ràng mùi gỗ thông. Có bé mỉm cười sung sướng, có bé đưa cái lúc lắc sát vào miệng hoặc kê sát vào mũi mà hít. Những đồ chơi có tẩm các mùi khác thì bị các bé ném ra xa hoặc lơ đi không thèm sờ tới.
Lớn lên, chúng ta cứ thế mà làm.

Thằng Bờm có cái quạt mo
Còn em có cái trời cho thơm lừng
Na thân xuống biển lên rừng
Cái thơm lừng vẫn tưng bừng nở bông
Em đừng thơm nữa được không?
Kẻo tôi chết sững hai tròng con ngươi.
(Quan Dương)

Cái thơm lừng ở đâu ra? Giáo sư Vật lý học A. Galopin, người Pháp, đã tìm ra là mùi hương đặc trưng của mỗi người đàn bà tùy thuộc vào màu tóc của họ. Người có tóc màu vàng thì tiết ra long diên hương, tóc hạt dẻ tiết ra hương violet, tóc màu nâu tiết ra mùi xạ hương. Cái ông Galopin này chẳng nói gì tới tóc màu đen cả. Thật là một thiếu sót khó có thể tha thứ được! Cái thiếu sót nữa của nhà vật lý học này là chỉ biết có tóc. Còn các chỗ khác để làm gì? Bà Janet L. Hopson là đàn bà nên chắc là biết rõ đàn bà hơn. Trong cuốn “Hương Đàn Bà, Ngôn Ngữ thầm Lặng Của Tình Dục”, bà liệt kê khá đầy đủ các nguồn thơm lừng. Theo bà thì trên thân thể của phụ nữ cho dù được che đậy bằng các mỹ phẩm cách mấy cũng còn những khu vực tiết mùi. Đó là ở nách, chung quanh âm đạo, nếp gấp ở âm vật, phần ngực giữa đôi gò bồng đảo, phần quanh đỉnh non bồng, trên khuôn mặt, trên lòng bàn tay và gan bàn chân. Cô đào sexy thường được coi là biểu tượng của tình dục trong thập niên 1960 Brigitte Bardot có sức phát tiết mạnh đến kỳ lạ. Bác sĩ Richard Gordon thường đến xem các cảnh quay mà cô đào này vừa diễn xong đã cho biết  là những bó hoa của những người ái mộ tặng cô đều bị héo úa nhanh do sự tỏa hương cực mạnh của các tuyến nội tiết nơi cô. Ông thừa nhận là trong những năm hành nghề y khoa ông chỉ gặp được một vài trường hợp tỏa hương mạnh mẽ như vậy! Trong một cuộc phỏng vấn các đấng mày râu, James Hassett  đã thấy là quá nửa số các ông cho biết mùi hương của phụ nữ là “cực kỳ quyến rũ”. Tôi e rằng con số này hơi thấp!

Cái “cực kỳ quyến rũ” đó có tên đàng hoàng. Pheromone. Người phát hiện ra pheromone là nhà sinh học Winnifred Cutler. Pheromone là hương thơm tự nhiên mà cơ thể toát ra. Ở loài động vật pheromone có tác dụng thu hút bạn tình. Nơi các cô gái trẻ hương thơm tự nhiên này toát ra mạnh mẽ hơn những bà có tuổi. Vì vậy các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã bổ sung mùi hương này vào nước hoa của những phụ nữ lớn tuổi. Kết quả thật khả quan. Nó có tác dụng hồi xuân cho những bà không còn trẻ và làm phong phú hơn cuộc sống tình cảm của họ. Một nghiên cứu của Joan Friebely của Đại Học Havard và Susan Rako, bác sĩ tại Newton, Massachusetts đã được thực hiện với 44 phụ nữ đã mãn kinh. Một nửa được dùng nước hoa có pheromone athena 10:13, được chiết xuất từ mồ hôi nách của một cô gái. Nửa còn lại sử dụng nước hoa chứa giả dược. Họ được theo dõi và tự ghi nhật ký trong 6 tuần thí nghiệm. Kết quả cho thấy 41% những người sử dụng pheromone được đối tượng nam ôm hôn và âu yếm nhiều hơn so với 14% người dùng giả dược. Ngoài ra, 68% người sử dụng nước hoa có pheromone có sự gia tăng trong các hành vi tình dục của mình so với 41% của nhóm kia.

Đã có mùi hương thơm thiếu nữ tự nhiên nhưng trăm cô ngày nay thì ngàn cô vẫn xịt trên người những thứ nước thơm nhân tạo. Nó là một cách “đánh dấu” mình trong đám đông. Kỹ nghệ sản xuất nước hoa ngày nay là một kỹ nghệ hái ra tiền nên nhiều cạnh tranh. Thuộc được tên tất cả các loại nước hoa của các hãng sản xuất là một công phu vất vả. Thường thì một người chỉ dùng một loại nước hoa họ đã kết để cho có mùi thơm đặc trưng, không lẫn với ai. Cái mùi đặc trưng này là cái mùi…chết người. Cùng một loại nước hoa nhưng mỗi người dùng lại có một hương thơm khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì da của mỗi người có một phản ứng khác nhau để điều tiết sự biến đổi khi tiếp xúc với nước hoa. Nếu các nàng lại biết những điểm…chiến lược để cho nước hoa tỏa hương mạnh và lâu thì ăn đứt. Những điểm trời cho để thoa nước hoa là những điểm có thân nhiệt cao và khá kín đáo: sau tai, cổ, cườm tay, khuỷu tay và khe ngực. Nhưng nếu dùng bình xịt để xịt nước hoa thì nên xịt vào không khí trước mặt rồi bước vào làn sương đó. Hơi nước hoa sẽ thấm đều và hương vương trên tóc sẽ lưu giữ được suốt ngày.

Nước hoa là tên gọi chung chung. Rành mạch hơn chúng ta phải biết những thuật ngữ mà các nhà chế tạo thứ nước thơm này dùng. Nếu chúng ta không rành thì điên cái đầu trước những parfum, eau de parfum, eau de toilette, eau de cologne! Chúng là cái chi chi vậy? Đó là trò chơi chữ của các nhà sản xuất để biểu trưng cho độ tập trung khác nhau của tinh dầu thơm thực sự chứa đựng bên trong.

Parfum, Perfume hay Extrait là dạng tập trung nhất, thơm bền bỉ nhất với từ 12% đến 30% tinh dầu thơm. Tuy nhiên nó chính là dạng mềm mại, nhẹ nhàng nhất của mùi hương vì nó chứa nhiều tinh dầu thơm thực sự tinh khiết.

Eau de parfum hay Esprit de parfum có độ tập trung gần giống như chiết xuất truyền thống nhưng đã được pha loãng với một lượng nước tinh khiết nhất định.

Eau de toilette hay Eau de cologne là dạng nhẹ nhàng hơn chỉ có từ 4% đến 8% tinh dầu. Cũng là Eau de cologne nhưng nếu được sản xuất tại Âu Châu thì lại chỉ có từ 1% đến 3% tinh dầu thơm!

Mùi thơm của nước hoa khi vừa được xịt ra khỏi lọ không phải là mùi thơm đích thực của nó. Vì vậy khi chọn mua nước hoa, bạn nên thử bằng cách xịt vào tay, phe phẩy độ vài phút rồi hãy ngửi. Loại nước hoa càng đậm đặc thì lại càng lâu tỏa đúng mùi. Nhanh nhất cũng phải mất 10 phút. Những…nữ chuyên viên mua nước hoa thì còn kỹ càng hơn. Họ không bao giờ thử ngay tại chỗ vì nước hoa sẽ bị nhiễu các mùi khác trong môi trường của một tiệm bán hàng. Cách họ thử là xịt nước hoa trên một miếng giấy, sau đó đưa vào một môi trường cách ly để ngửi.

Chúng ta ngửi thua loài vật bốn chân từ khi con người có tư thế đứng thẳng và biết sử dụng các vật dụng săn bắn. Bốn trong năm giác quan căn bản gồm thị giác, thính giác, xúc giác và vị giác đều phải đi qua một khu vực não gọi là vùng đồi (thalamus) trước khi được kết nối với những tế bào thần kinh ở các khu phát triển hơn nơi trung tâm não. Như vậy, chúng phải đi qua một bộ phận lọc tín hiệu rồi mới đến được khu vực não tư duy để được phân tích. Riêng khứu giác thì lại được ưu đãi hơn không phải đi lòng vòng như vậy. Nó đi thẳng tới vùng não được thành hình sớm nhất.

Giáo Sư Sten Grillner, thành viên trong Hội đồng giám khảo của giải Nobel Y Khoa năm 2004, cho rằng khứu giác là thành phần bí ẩn nhất trong số các giác quan của con người và cơ chế của nó hoàn toàn là một ẩn số. Cái ẩn số này đã được hai nhà khoa học Mỹ Richard Axel và Linda B. Buck giải đáp được. Họ không làm việc chung với nhau. Ông Richard Axel, 58 tuổi, cộng tác tại Viện Nghiên Cứu Y Khoa Howard Hughes và Đại Học Columbia ở Nữu Ước. Còn bà Linda B. Buck, 57 tuổi thì lại làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư Fred Hutchinson. Người ở miền Đông, người ở miền Tây nhưng họ cùng…ngửi được chung một vấn đề. Hai người đã cùng công bố các phát hiện về gene khứu giác vào năm 1991 và sau đó đã tiếp tục nghiên cứu riêng rẽ để đưa ra nhiều phát hiện quan trọng liên quan tới hệ khứu giác của con người. Họ đã tìm ra được một họ gồm một ngàn loại gene khác nhau (chiếm 3% tổng số gene của con người), kiểm soát một lượng lớn các protein trong mũi có chức năng cảm nhận những mùi khác nhau và liên lạc với não. Các nghiên cứu của hai nhà khoa học này đã chỉ ra rằng mỗi tế bào khứu giác thể hiện một và chỉ một gene khứu giác. Mỗi gene khứu giác lại chỉ có thể cảm nhận được một số mùi nhất định. Do đó, phạm vi hoạt động của mỗi tế bào khứu giác được chuyên môn hóa đối với những mùi này. Những nghiên cứu tiếp theo của Axel và Buck đã chỉ ra cơ chế tổ chức đưa các mùi do mũi ngửi được về não như thế nào. Trạm nhận tín hiệu mùi sử dụng khoảng 2000 tiểu khu thần kinh gọi là glomeruli, được lập trình sẵn để xác định các mùi khác nhau. Mỗi loại tế bào khứu giác truyền thông tin tới phần glomeruli tương ứng. Các thông tin này lại được một loại tế bào thần kinh khác truyền tới những khu vực nhất định trong não, từ đó giúp con người ghi nhớ được cảm giác về các mùi hương khác nhau. Con người có khả năng tiếp nhận và ghi nhớ được khoảng 10 ngàn mùi khác nhau từ mùi thịt ôi tới mùi hương của người yêu!

Từ mũi lên đầu, con đường gần xịt, vậy mà rắc rối như tơ vò. Phải đợi tới thế kỷ 21 con người mới vẽ được…tấm bản đồ tí hon đó! Tí hon như vậy mà lại đi xa: hai nhà khoa học Richard Axel và Linda B. Buck đã được trao tặng giải thưởng Nobel 2004 về Y Khoa. Những phát hiện mới này của hai nhà khoa học Mỹ có gì quan trọng? Chúng lý giải tại sao chúng ta có thể ngửi một loại hoa vào mùa xuân và sau đó tới mùa khác vẫn nhớ và tưởng tượng được mùi hương đó. Khả năng này rất quan trọng đối với các loài động vật bởi nó giúp xác định các chất, các vật thể xung quanh để từ đó quyết định thứ nào tốt, thứ nào có hại cho cơ thể. Riêng đối với con người, khả năng này còn ảnh hưởng trực tiếp tới việc hưởng thụ chất lượng cuộc sống và tiếp nhận những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm chẳng hạn như mùi khói của một đám cháy.

Các nhà khoa học đều cho rằng mùi có thể tạo cảm xúc mạnh và gợi lại ký ức của chúng ta. Cái ký ức với mùi của tôi là cái mùi nhẹ nhàng thanh thoát tỏa ra từ chiếc quạt trầm mà mẹ tôi phe phẩy ru tôi ngủ trong những trưa hè oi ả của miền Bắc. Lớn hơn một chút là mùi trầm thơm lừng trong các buổi lễ trong nhà thờ Hàm Long, mùi trầm gợi nhớ tới một trong các vật liệu quý giá mà các nhà thông thái phương Đông lặn lội bao nhiêu dặm đường gian truân để đến kính dâng lên Chúa Hài Đồng trong hang đá Bê Lem.

Trầm hương đã được con người biết đến từ thời Ai Cập cổ đại và được xem là “cây của các vị thần” trong mọi nền văn hóa từ Trung Cận Đông cho đến Á Châu. Trầm hương chứa một dạng chất nhựa màu đen gọi là oleoresin. Hàm lượng oleoresin cao là yếu tố quan trọng quyết định đẳng cấp của trầm hương. Công ty JD của Trung Quốc thường phân loại trầm hương cấp 1 khi trầm hương có thể chìm trong nước. Nhưng cách phân loại khoa học nhất vẫn là dựa vào hàm lượng oleoresin. Loại cao cấp nhất có hàm lượng oleoresin lên tới từ 60% đến 80%. Trầm hương quý hiếm có chất lượng cao được gọi là kỳ nam. Với tính chất định hương rất bền, một thớ trầm hương mục rã trong tự nhiên hàng ngàn năm vẫn không mất mùi. Vì vậy tinh dầu trầm hương được sử dụng  trong việc chế tạo mỹ phẩm giúp tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần.

Trong vùng rừng núi nguyên sinh của dẫy Trường Sơn, vùng Tây Nguyên nước ta , chúng ta có cả trầm hương và  kỳ nam. Đây là sản vật được kết tinh tự nhiên với thời gian hàng trăm năm từ nhựa của cây dó bầu, tên khoa học là aquilaria agallocha. Cây này là loại đại mộc cao khoảng 40 tới 50 thước, vỏ màu xám, có nhiều sợi. Tùy theo chất lượng, trầm hương có giá đến 4 ngàn đô Mỹ một ký trong khi kỳ nam giá tới mức từ 30 ngàn đến 35 ngàn đô một ký trên thị trường quốc tế. Ngày 26 tháng 3 vừa qua, bốn tay săn trầm của làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã trúng lớn khi đào được 49 kí vừa trầm vừa kỳ nam. Bốn thanh niên may mắn trở thành tỷ phú này là các anh Doãn Thành Tài, Doãn Xuân Tuấn, Lê Phước Giác và Trương Văn Lợi. Thấy người ta tìm được trầm và kỳ nam nghe ra tưởng dễ dàng nhưng “ngậm ngải tìm trầm” là cả một công phu đầy nguy hiểm.

Nhà văn Hoàng Du Thụy rất mặn mà với trầm. Bà đã có ba cuốn truyện có tựa đề  dính dáng tới thứ gỗ quý này: Trầm Hương Hạnh Phúc, Một Dây Trầm Bạn Trầm!  Nhưng trầm của Hoàng Du Thụy không chỉ là trầm mà chính là hạnh phúc. Tìm hạnh phúc cũng gian nan vất vả như tìm trầm. “Người ta ví kẻ đi tìm hạnh phúc giống như người ngậm ngải tìm trầm. Lúc còn làm ở sở Ngoại Thương, Tịnh nghe mấy người bạn trầm kể kẻ đi tìm trầm phải chịu ngậm ngải. Có khi mặt đã xanh, nanh đã vàng, gần hóa hổ rồi mà trầm vẫn không thấy. Dân bạn trầm tin rằng phải được mệ cho thì mới gặp được trầm, bằng không đứng ngay dưới gốc trầm vẫn không hay biết. Có người chỉ cần đạp được một gốc trầm thôi là đủ giầu to. Tịnh ví vợ mình như gốc trầm còn ẩn, biết có đó mà tìm hoài không thấy. Cũng có thể, với lòng tham của con người, Tịnh đã thấy trầm rồi lại ước được kỳ nam! Mỗi người có một cung cách đi tìm trầm riêng, không ai giống ai. Người nóng nảy thì sẵn dao rựa trong tay cứ gạt phăng cây cỏ mà đi. Người điềm đạm thì kiên trì vẹt từng đám lá non để lỡ có gốc trầm trong đó thì không thiệt hại trầm. Quanh quẩn hoài, tìm không ra hạnh phúc, người kiên nhẫn thì cố đi cho suốt cuộc, người nóng tính bỏ ngang. Tịnh là người nóng tính, cẩu thả nên mười mấy năm qua chàng cứ dẫm bừa lên những gốc trầm.”

Hạnh phúc trầm, con người cứ mải mê đi tìm mà đôi khi trầm nằm trước mặt mà chẳng thấy. Trầm hay ngải, chúng nằm ngay trên môi trên ngực người yêu. Tìm đâu nữa!

Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
(Du Tử Lê)

 09/2005