Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

THỬ

Đi mua tấm áo, manh quần chúng ta có quyền thử coi có vừa, có đẹp không rồi mới mua. Ra chợ mua đồ ăn thức uống chúng ta cũng được nhà hàng mời thử coi có ngon không rồi mới móc hầu bao. Vậy thì “mua” một anh chồng hay một chị vợ, tại sao chúng ta lại không có quyền thử? Quyền quá đi chứ!
Hỏi một ông bạn, ông ấy không đồng ý. Với những thứ lục tục thường tình người ta cho thử, nhưng với những thứ có dán nhãn bảo chứng đồ gin, anh bóc ra thử thì còn gì là gin của người ta nữa! Cái thứ hàng loại…nature made mỗi cái là một “niềm riêng” thì không có thử thiếc gì hết!

Hỏi một bậc tiền bối thì cụ gạt phắt ngay. Tụi bay bây giờ khéo hư đốn. Ngày xưa người ta có thử thiếc gì đâu mà cũng cứ nong đâu vừa đấy, chẳng có vấn đề gì cả. Tụi bay phải nhớ là áo không qua đầu được đâu. Xưa sao nay cứ vậy. Cứ phải cưới xin đàng hoàng rồi muốn gì mới được. Khéo bày đặt! Rồi cụ…ca dao:

Ai chồng ai vợ mặc ai,
Bao giờ ra bảng ra bài hẵng hay.
Bao giờ tiền cưới trao tay,
Tiền cheo rấp nước mới hay vợ chồng.

Nói gì thì nói, mặc, giới trẻ ngày nay vẫn cứ thử. Cái sự thử bên đất nước chúng ta đang ngụ cư được coi như mặc nhiên. Chẳng ai lấy đó làm điều. Hãng thăm dò dư luận quen thuộc ở Canada chúng ta, hãng Ipsos Reid, vừa mới hỏi han bằng điện thoại 8431 người trên khắp Canada trong thời gian từ 24 tháng 2 đến 3 tháng 3 năm 2006 về cái vụ thử. Kết quả có 73 % dân Canada được thăm dò đã đồng ý cho thử. Dân Montréal của tôi còn phóng khoáng hơn. Có tới 86% OK cái rụp. Sếp phó của hãng Ipsos Reid, ông John Wright, sau khi công bố kết quả thăm dò, còn băn khoăn: “Tôi thắc mắc rằng không biết hai chục năm trước đây người ta có đồng ý với tỷ lệ phần trăm cao như vậy không? Câu trả lời là không!”

Không đứt đuôi đi rồi. Thế hệ chúng tôi, ba bốn chục năm trước, tiền hôn nhân là một thời kỳ…căng thẳng. Chỉ có thấy bóng người mình yêu đã run như cầy sấy rồi. Ngày đó giống cây si phát triển hơn bây giờ. Tình yêu không có ngực có đùi. Tình yêu nằm trong những giấc mơ. Mà mơ thì vô vọng, có gì thực tế đâu. Cầm được tay nhau đã thấy trời xuống gần rồi. Kéo nhau vào được rạp xi nê thì trời sập từ hồi nào chẳng biết. Còn đâu đất trời mà thử với thiếc!

Bây giờ thì tình hình khác hẳn. Chẳng những ở bên đây mà ở Việt Nam cũng rứa. Trong một cuộc thăm dò dư luận giới trẻ ở Việt Nam mới đây, có tới 90% sinh viên đã OK chuyện sống thử. Trong số này có tới 65% đã thực thụ sống thử rồi! Theo họ, “sống thử là tiền hôn nhân nhằm đảm bảo cho hạnh phúc gia đình sau này”.Nói vậy mà có phải vậy không? Hình như đó chỉ là cái bảng hiệu treo bên ngoài. Bên trong thực ra có khác. Sống thử của giới trẻ chỉ là một cái mốt. Đã là một cái mốt thì không theo chưa phải là dân chơi, chưa…văn minh! Chưa theo được thì…bức xúc lắm! Một anh chàng tên V.C. tâm sự: “Em cảm thấy mình còn nhỏ quá, chẳng biết cái gì cả. Thấy mấy anh trong nhóm bạn ai cũng sống thử rồi mà em không dám. Mà các anh ấy cũng giỏi khi dám sống thử như thế, chứ em mà làm vậy thì chắc ông bà già cấm cửa mất!”

Đã dám sống thử thì được tôn lên làm đại ca. Nhiều đại ca chịu khó giảng đạo...sống thử cho các đệ tử. Anh chàng công tử bột con nhà giầu H.A. lớn lối: “Cái gì mà tôi chẳng biết. Sống thử chỉ là một chuyện quá bình thường. Tôi đã từng sống thử ba lần rồi. Thường thì yêu nhau một tháng rồi sống thử luôn. Có người sống thử được hai tháng, sau đó chia tay, đường ai nấy bước, thế cũng là quá đủ rồi. Mà cũng phải qua những cuộc sống thử đó mình mới biết người ấy có hợp với mình hay không để còn cưới xin chứ không lấy nhau về rồi bỏ thì còn mệt mỏi hơn.”

Một đại ca khác, anh chàng sinh viên Đại Học Kinh Tế khét tiếng ăn chơi A.Q. cũng…giảng: “Thế mày đã sống thử bao giờ chưa? Nếu chưa thì còn bé lắm chú ạ, về nhà mà học lại đi rồi mới ngồi cùng mâm với các anh nhé. Anh mày đây này, sống thử hai lần rồi, toàn với những em xinh như người mẫu. Ở với nhau được nửa năm thì thấy không hợp nên chia tay. Nói chung, sống thử thì thoải mái chứ để đến hôn nhân rồi thì coi như chấm hết.”

Nghe giảng thuyết như vậy, những chàng trẻ người non dạ muốn leo lên ngồi cùng mâm với các đại ca đành phải nhắm mắt đưa chân. Một ngựa non đã…tuyên thệ: “Rồi mày sẽ thấy. Hai tháng nữa tao sẽ sống thử cho mà xem! Tao về nói với người yêu, sống thử được ba tháng cảm thấy hợp thì cưới luôn, không thì thôi. Khỏi phải yêu nhau lâu la mất thời giờ!”

Cái loại thử…chết người này thường có những tổn thất. Bên thiệt thòi là bên các cô. Thường thì mọi người nghĩ như vậy, chẳng cần phải nêu lý do. Lý do nó sờ sờ trước mắt. Nhưng dân chơi tóc dài lại nghĩ khác. Như cô sinh viên trường Đại Học Quản Trị Kinh Doanh H.T. đã ngôn: “Sống thử là một chuyện quá bình thường giữa những cặp nam nữ yêu nhau bây giờ. Là một cách tốt cho họ biết có nên ở với nhau lâu dài không? Vì thế, nếu sống thử mà hợp thì cưới xin, không thì thôi, đỡ lằng nhằng thủ tục này thủ tục kia cho đám cưới rồi ly dị. Mà làm thử, cả hai đều thấy nhẹ nhàng, thoải mái.” Thoải mái chăng khi theo một cuộc điều tra thì 80% các chàng, sau khi gài vào bụng người tình cái cục u, đã quất ngựa truy phong, chẳng tình chẳng nghĩa gì cả?

Thử có nhiều cỡ. Sống thử là cỡ nặng nhất. Cỡ nhẹ hơn là thử loại…tốc hành. Loại này thường diễn ra ở những nhà nghỉ. Nhà nghỉ hình như là một loại hình hóa mới ở Hà Nội. Đi trên phố phường ngàn năm kinh kỳ Hà Nội, tôi đã thấy nhan nhản những nhà nghỉ. Thường chỉ là những căn nhà nhỏ như một nhà ở bình thường. Bụng tôi nghĩ có lẽ đây là nơi người ta nghỉ trưa chăng? Dân Hà nội bây giờ sang thật! Hỏi bác tài xế tắc xi sao dân Hà Nội ngày nay “la siết” kỹ thế, bác tài vui tính cười xòa. Nghỉ ngơi gì đâu, vào đó mà nghỉ cái gì! Bác cười tiếp, lần này tiếng cười có chất lượng hơn! Có một điều mà báo chí Hà Nội bật mí là cứ ở gần các trường Đại Học là nhà nghỉ mọc lên như nấm. Như trên đường Phạm văn Đồng, đối diện với trường Đại Học Ngoại Ngữ; đường Hoàng Quốc Việt, gần Đại Học Dân Lập Phương Đông, trường Trung Cấp Du Lịch, Học viện Kỹ Thuật Quân sự, Cao Đẳng Sư Phạm Mẫu Giáo. Thời điểm…căng nhất của các nhà nghỉ là giữa trưa hoặc chiều tối, khi các trường tan học. Vì khách hàng phần lớn là sinh viên nên giá cả cũng rất sinh viên. Một giờ 20 ngàn đồng, nguyên ngày đêm từ 100 ngàn tới 150 ngàn. Các cô cậu sinh viên, vừa trường lớp xong, cặp sách còn trên tay, thản nhiên tạt qua nhà nghỉ tâm tình…cụ thể tỉnh bơ. Cứ như tạt vào tiệm uống một tách cà phê! Nếu khách thuê có xế gắn máy thì nhân viên nhà nghỉ sẽ giữ dùm, dựng quay bảng số vào phía trong tường để bảo đảm bí mật cho…chiến trường!

Nếu ít địa hơn, không với được tới nhà nghỉ thì…cà phê vườn. Không tiện nghi bằng, không kín đáo bằng nhưng cũng gọi là có bến bờ để buồm căng gió lộng. Gọi là vườn nhưng những địa điểm này thường ở ngay trong các ngõ ngách của thủ đô. Có lẽ nó vườn ở chỗ là các vật liệu dùng để quây và che chắn thường là cót ép hoặc mành tre. Nó vườn hơn nữa là không gian của một cặp thường chỉ nhỏ bé như một cái chuồng, trong chỉ vẻn vẹn một cái ghế băng dài và một cái bàn nhỏ xíu.

Muốn không có cảm tưởng mình là một cặp thú nhốt chung trong chuồng thì đi dã ngoại. Chỉ cần vượt cầu Thăng Long hoặc cầu Chương Dương, mất khoảng nửa tiếng đồng hồ, là đã có phong cảnh hữu tình của một miền quê êm ả. Mà êm ả thật vì nơi đây, bên một bờ ao là những…chòi câu. Ao có cá không thì chẳng ai cần biết nhưng câu được cá là cái chắc! Chỉ cần bỏ ra  khoảng 20  ngàn đến 30 ngàn là có thể làm chủ nhân những căn chòi xinh xinh đó cả ngày trời. Tha hồ mà câu!

Không có xế đi xa, không có tiền thuê…bãi đáp, sinh viên vẫn có chốn để…thử như thường. Ngay trong căn phòng trong ký túc xá của trường! Các cậu chung phòng đã có thỏa hiệp ngầm với nhau là khi một người có khách thì các người khác cứ tự động…di tản chiến thuật. Cửa khép, chốt cài, đèn tắt. Khi cuộc cờ đã vãn, cửa phòng sẽ mở ra làm dấu hiệu cho những cánh chim di tản có chỗ hồi hương.

Sinh viên ngoại trú lại có chiêu khác. Họ góp gạo thổi cơm chung. Tiện đôi ba bề. Vừa tiết kiệm, vừa riêng tư, vừa thừa bứa thời gian thử. Tha hồ thử tới thử lui. Những cô cậu này chia ra làm hai loại. Loại…cáy, sợ ông bà già ở quê lên bắt gặp, đành phải bóp bụng thuê hai phòng nhưng chỉ ở một phòng. Loại xâm mình thì cứ tiết kiệm chui vào một phòng, chuyện ông bà già lên thăm thì tới đâu tính đó.

Quốc nội đã vậy, quốc ngoại dĩ nhiên phải hơn. Những du học sinh Việt Nam, trong khung cảnh văn minh hơn, trong tâm trạng cô đơn cần xích vào nhau hơn, đã thử búa xua. Anh Nguyễn Quang Ngọc, sinh viên du học bên Anh, đã ca tụng việc sống thử như là một giải pháp trọn vẹn nhiều bề: “Hồi mới sang nhớ nhà và cô đơn kinh khủng. Từ khi về chung sống, chúng tôi như đôi chim non. Bạn gái tôi biết nấu ăn và khéo thu vén nên tôi luôn luôn được ăn các món ăn ngon mà chẳng tốn tiền nhiều. Ở đây giá thuê nhà rất đắt, hai đứa ở chung coi như gánh nặng được chia đôi. Riêng cái khoản nói tiếng Việt thoải mái cũng đủ khiến bạn bè tôi ghen tỵ lắm rồi!”

Sống thử, ngoài những lợi ích…tình cảm, còn lấn sang kinh tế và văn hóa nữa! Cô sinh viên Lê Trang, dân Đà Nẵng, 26 tuổi, du học tại Mỹ, còn thêm vào một khía cạnh lợi ích khác của…thử: cùng nhau trau dồi ngoại ngữ! “Mình sang Mỹ được hơn một năm thì chàng của mình cũng giành được học bổng VEF. Giờ chúng mình sống chung, vừa có điều kiện chăm sóc nhau, vừa có thời gian để mình rèn tiếng Anh cho anh chàng.”

Sống thử nó tài tình như vậy nên hầu như phần đông các du học sinh Việt Nam đều cặp đôi. Nhiều vị đã vợ con rồi, đi học tiến sĩ, thạc sĩ, thấy sống thử vui quá nên, tuy chẳng còn tư cách gì mà thử, cũng vẫn cứ nhào vào thử. Có chết con ma nào đâu. Cứ thử cho đã, mai mốt học xong, trở về nước, thì lại châu về hiệp phố như thường. Mồm miệng đã chùi xong, ai biết đó là đâu!

Trẻ cũng thử, già cũng thử, tuổi choai choai thì lại càng muốn thử hơn nữa. Nhiều cô cậu, 17 tuổi, 18 tuổi, xa nhà, thấy cái xã hội chung quanh mở toang hoác, chẳng có một ý niệm gì về cuộc sống lứa đôi, nhưng thấy sống thử vui quá cũng nhào vào…thử. Có cậu trai muốn “khám phá” xem người đàn bà ra sao. Có cô bé sống thử vì “mọi người đều có đôi, em rất lẻ loi”.

Thử luôn luôn mang trong nó ý nghĩa tiềm tàng là bước khởi đầu để tiến tới thật. Thử tấm áo, đôi giầy là bước đầu để mua. Thử như vậy mới có ý nghĩa là thử. Chứ thử để mà thử, chán rồi lại đi thử cái khác thì thử là lợi dụng. Trong lối sống thử, các thanh niên thiếu nữ hình như cứ nhắm mắt hành động theo… bản năng. Cứ thử đã rồi…que sera sera!

Trong một cuộc tọa đàm, một sinh viên năm thứ hai Đại Học Ngoại thương đã phân tích rõ ràng: “Sống thử ở Việt Nam mới chỉ bắt chước phương tây về hình thức chứ chưa nắm bắt được nội dung. Các bạn trẻ cũng chưa thực sự vững vàng về mặt tâm lý, kinh tế, nhận thức để sống thử một cách nghiêm túc. Hầu hết đều tìm đến sống thử với nhau vì những lý do không “bền vững” như: xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên cần một chỗ dựa; tiết kiệm bớt tiền nhà, tiền sinh hoạt phí…Chính vì thế rất hiếm các cặp sống thử để tiến tới hôn nhân cũng là điều dễ hiểu”.

Cũng tại Việt Nam còn một loại thử khác khá đau lòng. Đau lòng không những cho người trong cuộc mà đau lòng cả…con quốc quốc! Đó là dịch vụ đưa các cô gái Việt muốn lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, Mã Lai… cho các anh ấy thử. Mấy anh cắc ké này, vốn là những người không có khả năng lấy vợ bản xứ vì đui què mẻ sứt, vì già cả hay vì i tờ rít, sang Việt Nam tìm vợ Việt vì…giá rẻ. Đây là một dịch vụ thương mại thuần túy chứ vợ chồng gì. Vậy mà báo chí trong nước cứ khơi khơi gọi là cô dâu Việt, nghe không vừa lỗ nhĩ chút nào cả. Họ làm ô uế chữ “cô dâu” vốn là một hình ảnh rất đẹp, rất cưới xin, rất lễ nghĩa. Tôi vừa nhận được một bức ảnh rất cay đắng về những “cô dâu” này. Trong ảnh là một hàng chừng hai chục thiếu nữ Việt, không một mảnh vải che thân, đứng quay mặt xuống…khán giả là những anh Tàu, anh Hàn tới chọn vợ. Ống kính chụp trực diện không che giấu gì cả. Nhìn kỹ vào các khuôn mặt và cách đứng của đám thiếu nữ này thì thấy mỗi người một vẻ. Không phải là vẻ đẹp nhưng là vẻ ngượng ngùng. Họ phần lớn là những gái quê, có lẽ chưa một lần để lộ hình hài trước mặt người khác, nay phải đứng trần truồng trước những cặp mắt xa lạ để cốt được chọn làm vợ một người lạ hoắc từ phương nảo phương nao tới. Gọi là vợ thì lại làm ô uế chữ “vợ”. Chữ “nô lệ” có lẽ đúng hơn. Có khi lại là nô lệ tình dục vì nhiều cô đã gặp trường hợp đem thân làm một món đồ chơi cho cả gia đình gồm người cha và tất cả các con trai trong nhà, nhiều cô phải phục vụ một người tâm thần không ra người, chắc cũng cỡ…cậu chó của nhà văn Trần Đức Lai, nhiều cô đã bị bán cho những ổ mãi dâm sau khi đã ong chê bướm chán. Sau cái màn nồng nỗng trình diện như vậy, nếu được chọn, tiếp theo là những màn thử. Thử ra sao, tôi không muốn nghĩ tiếp. Tất cả nông nỗi đắng cay này chỉ để kiếm vài trăm đô để lại cho bố mẹ trả nợ hoặc làm vốn sinh sống!

Để tiện lợi cho dịch vụ thử, ngày nay các cô gái Việt còn được gửi qua nước ngoài để thử ngay tại chỗ. Khách chẳng cần phải về Việt Nam cho tốn thời giờ và tiền bạc. Báo Sinacom ở Singapore, ngày 20/11/2005, đã đưa tin là tại Singapore, các “chú rể” chỉ cần đặt cọc 10 ngàn đô tiền Singapore là có quyền nhận một cô gái Việt về thử trong một tuần. Nếu chịu thì trả thêm 10 ngàn nữa để sở hữu luôn. Nếu không vừa ý thì trả lại, đổi cô khác. Một cô gái Việt nam mới 21 tuổi đã được một ông già 64 tuổi mang về thử. Tưởng là ông già sẽ cưới, cô gái khốn khổ này đã phải chiều chuộng những sở thích tai quái của ông già. Năm ngày sau, ông mang tới trả lại!

Tại Mã Lai, báo The Star Online, số ngày Thứ sáu 11/11/2005, đi một bài có nhan đề là “Made-to-order Brides Shocker” cho biết hai cô Thi Kim Huyen, 26 tuổi, và Duong My Tham, 21 tuổi, bị mang tới Kuala Lampur để…thử. Họ tới trong một đoàn gồm 9 cô gái đi lao động. Khi tới nơi mới hay bị lừa. Họ bị dẫn tới nhà một người đàn ông 53 tuổi và bị bắt buộc ở lại. Họ thoát được sau đó, tìm tới Tòa Đại Sứ Việt Nam. Tòa Đại Sứ đã đòi mỗi cô phải nộp 1100 RM để cấp giấy tờ du hành khẩn cấp!

Đọc những tin tức loại trên chắc nhiều người trong chúng ta nghĩ tới những cuộc buôn bán nô lệ thời Trung cổ. Nghĩ thêm một chút nữa, chúng ta thử hỏi là trong lịch sử bốn ngàn năm của chúng ta, có bao giờ xảy ra cái trò nhục quốc thể này chưa nhỉ? Con gái Việt ngày nay được các bích chương rao bán trên gốc cây, vỉa hè tại các thành phố ở Đài Loan, Đại Hàn, được trưng bày live trong các thùng kính ở Singapore, được phô diễn hình ảnh như một món đồ bán trên mạng internet. Những thân gái Việt nam được bán rao như một món hàng mạt hạng trên nhiều nước Á Châu. Những người có trách nhiệm với đất nước hình như họ không biết đỏ mặt. Lạ thật! Có lẽ họ đang cầm quyền…thử!

04/2006