Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

HIẾN

Chuyện này là một chuyện hoàn toàn thật vì là chuyện của một người quen của tôi. Anh du học tại Canada từ thập niên 1960 và lập gia đình với một cô gái bản xứ. Vài năm trước đây vợ anh bị ung thư. Khi biết mình không thể sống được, chị đã cho anh và các con biết ý định sẽ hiến cơ thể mình cho khoa học. Những người thân cố can ngăn nhưng chị đã quyết và ký giấy hiến trước. Khi chị mất, xác thân chị đã đi vào phòng thí nghiệm. Không một dấu tích để lại. Buổi lễ tưởng niệm chị được tổ chức sau đó không có quan tài, không có tro cốt, chỉ có tấm hình chị nhìn lại những người thân quen còn sống.

Chết là hết, ít nhất là về mặt thể chất, nhiều người tin như vậy. Nhưng chết không lành lặn, đầy đủ vẫn là một cấn cái với phong tục của chúng ta. Trong trường thiên tiểu thuyết “Mùa Biển Động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác có một cảnh khá thương tâm. Một bà già nhà quê có con đi lính bị thương, vào bệnh viện. Các bác sĩ  bắt buộc phải cắt đi một chân của anh. Bà mẹ già cứ quanh quẩn bên phòng giải phẫu để xin lại cái chân bị cắt đó. Được hỏi bà xin mang cái chân về làm gì, bà cho biết là để sau này khi anh qua đời sẽ chôn cái chân cùng với thân xác anh cho đầy đủ! Dương sao âm vậy, cổ nhân vẫn tin như thế. Khi lìa cõi đời này con người sẽ qua một cuộc sống khác, tiếp tục nói cười, ăn uống, đi đứng. Vậy mà thiếu mất một cái chân thì phiền toái quá!
Nghĩ như vậy nên nói đến chuyện hiến một phần cơ thể mình sau khi mình chẳng cần dùng tới chúng nữa chúng ta vẫn ngại ngần. Như thể khi ra đi một cách thiếu sót như thế có điều chi không ổn. Cái bằng lái xe của chúng ta, trước đây, có một khoản ghi là khi xảy ra tai nạn thương vong, nếu bằng lòng hiến các cơ phận cho người khác thì chúng ta ký vào đó. Vậy mà qua mấy chục năm, đổi biết bao bằng lái, tôi vẫn chưa bao giờ đặt bút ký vào cái khoản…khó chịu đó. Ngại, đã đành. Chúng ta lại còn kiêng nữa. Ký vào đó xui chết! Ông dân biểu đảng Tân Dân Chủ Peter Kormos của tỉnh bang Ontario, Canada, cũng biết vậy. Thế nên ông vừa trình nghị viện tỉnh bang một dự luật qui định là nếu không ký có nghĩa là không phản đối, bệnh viện có quyền…tùng xẻo xác thân liền. Muốn tránh cảnh thân xác không còn toàn vẹn thì phải ký trước là không cho. Như vậy, ông nghị khôn khéo này đã làm đảo lộn chu trình ngại ngần của bàn dân thiên hạ. Trước thì không ký là không cho, bây giờ không ký là cho. Muốn không cho thì phải ký. Mà ký thì cũng…ngại, vì lộ ra cái ích kỷ của mình!

Lý do ông nghị Kormos phải…mánh là vì cầu nhiều hơn cung gấp bội. Mỗi năm, chỉ tại Canada, có khoảng bốn ngàn người chờ được thay cơ phận, vậy mà những cơ phận cứu được mạng sống con người lại bị chôn đi để bị thối rữa trong lòng đất! Thật phí của trời! Đúng là của trời thật vì con người chưa chế ra được những bộ phận nhân tạo. Dự luật vừa được đệ nạp đã gây sóng gió. Phải chờ tới khi quốc hội tỉnh bang tái nhóm vào mùa xuân tới mới bàn cãi nhưng các ông bà nghị đại diện các chính đảng phải bày tỏ lập trường ngay tức khắc, khi được giới truyền thông han hỏi. Ông bà nào hình như cũng mắc quai. Chống đối thì kỳ mà tán thành thì chưa dám. Đành chơi trò…chuyền banh. Các ông bà nghị được phỏng vấn đều bảo rằng đây là vấn đề lương tâm nên tùy quyền các dân biểu tự do bỏ phiếu. Bà Mary Ellen Douglas chẳng nghị nghiếc gì cả mà thuộc hội Liên Minh Vận Động Đời Sống (Campaign Life Coalition) có ý kiến rõ ràng một chút. Bà bảo là dự luật mới vi phạm nhân quyền!

Kể ra chơi trò ép nhau như dự luật toan tính thì cũng hơi quá đáng nhưng ở vào địa vị người mang trọng bệnh đang trông chờ…phụ tùng phế thải để hy vọng có thể sống còn thì dự luật quả là một cái phao quý giá để họ bám được vào cuộc sống.

Bạn tôi, nhạc sĩ Trương Văn Tuyên, ngụ tại Montréal,  là một trong số người ngắc ngoải này. Anh bị anh chàng Hépatite C hành nhỏ xác. Ra vào nhà thương cả 12 năm trời, bệnh tình anh cứ mỗi ngày một xấu đi. Tới khi bụng chướng, mắt vàng khè, chân sưng tấy lên, mỗi lần vào nhà thương là rút cả năm bảy lít nước trong bụng ra. Tất cả những biến chứng trên nói lên một điều: gan anh đã nghỉ chơi! Chỉ còn một phương cách cuối cùng: thay gan. Nếu không thay được thì chỉ còn ngáp ngáp được ba tháng! Gan đâu mà thay? Danh sách chờ đã cả ngàn tên đứng ngóng. Gặp anh lúc đó là gặp cả một trời tuyệt vọng. Anh vốn chẳng tin thần tin thánh nhưng đường cùng cũng dẫn anh tới Oratoire Saint Joseph trên đường Queen Mary. Đây là một địa điểm nổi tiếng khắp thế giới về sự linh thiêng. Bạn bè, thân nhân tôi tới chơi Montreal thì trăm người như một đều bắt dẫn tới nơi đền thánh này. Một bà chị tôi ở bên Cali qua chơi thấy đứa con gái chưa chồng đang thành kính thắp nến trước bàn thờ đã nói giỡn: “Chắc nó đang cầu xin cho có chồng đó!” Thế mà về tới Mỹ, ít lâu sau, đám cưới thật! Ông bạn tôi đã lên đền thánh Giuse cầu xin. Ba ngày sau, nhà thương gọi lên thay gan liền. Trong cuộc nói chuyện mới đây, 5 năm sau khi thay gan, anh bạn chẳng thần chẳng thánh này vẫn phân vân không biết có phải đúng là ông thánh tốt bụng này đã mang gan đến cho anh không. Anh ngôn: “Kể cho toa nghe cho vui, coi như một chuyện bên lề!”.

Cuộc thay gan của anh diễn ra thật bất ngờ. Tôi là người cứ đúng hẹn lại lên, tháng tháng mang cái đầu đến cho anh cắt tóc, vậy mà cũng chẳng biết gì. Khi được tin, tôi cùng với nhà thơ Luân Hoán lên bệnh viện thăm anh, anh đã xăng xái vác áo choàng ra ngồi nói chuyện tận ngoài phòng tiếp khách của bệnh viện, khỏe re, như chưa hề bị mổ bụng móc gan ra thay. Anh về nhà. Ít lâu sau, không ổn! Ống nối gan cũ và gan mới không tương hợp. Lại vào nhà thương điều chỉnh lại. Xong, bác sĩ giải phẫu lại cho về, dặn nếu nóng sốt thì phải trở lại ngay. Ít ngày sau, nóng thật. Đo nhiệt độ: 37 độ rưỡi. Chắc cảm cúm thông thường. Khuya, vợ con đã an giấc, thấy người khó chịu, đi ra đi vào không ngủ được, anh viết mấy chữ dằn lên bàn cho vợ, một mình trở lại bệnh viện, vào phòng cấp cứu. Anh ngồi chờ và ngất đi. Khi anh tỉnh dậy thì một ngày đã trôi qua, thấy mình nằm trên giường bệnh, vợ con xúm xít bên giường. Hỏi ra mới biết bác sĩ đã lại phanh bụng anh ra, làm bypass ống dẫn thẳng vào ruột. Chỉ chậm chừng một tiếng đồng hồ thì anh đã ôm gan mới ra đi. Hú vía! Ngày nay anh đã hoàn toàn bình phục, mỗi ngày đều chơi quần vợt trừ thứ bảy chủ nhật nghỉ như…công chức. Nghỉ cuối tuần nhưng vẫn pác ti pác tiết, đàn địch tửng từng tưng, yêu đời như yêu mình!

Ấy cái gan đáng lý được chôn theo cái xác hay đốt thành tro bụi nó quý đến thế. Phải là người trong cuộc mới cảm hết được ơn cứu tử. Phải là người thân mới thấm được nỗi xót xa khi có người nhà cần loại đồ phụ tùng sinh tử này. Bởi vậy nên dù chưa xuôi tay, người ta vẫn cứ…hiến như thường. Tạo hóa cho hai trái thận, tốt! Nhưng một trái cũng đủ xài. Chia bớt cho người khác được chăng? Ông Daysha Red ở Memphis, tiểu bang Tennessee đã chia như thế. Ông làm việc tại Trung Tâm Phân Tích Thận nơi có một bệnh nhân, bà Tamika Dobbins, đã quả cảm chống chọi lại với căn bệnh thận tới hồi chung cuộc. Cảm phục ý chí của bà Tamika, ông tình nguyện hiến một trái thận cho bà. Con người nghị lực như thế không thể bị bỏ phí, ông đã nói như thế về lý do hy sinh của ông. Mẫu thận của ông là tương hợp nhất với bệnh nhân sau 20 cuộc phân tích, kể cả với thân nhân của người bệnh. Cuộc thay thận thành công. Hai tháng sau, không hiểu có phải vì cùng chung một gốc nên nửa thận này tìm tới nửa thận kia hay không, họ yêu nhau. Và họ cưới nhau mặc dù tuổi tác chênh lệch. Cho đi một trái thận, ông Daysha nhận về được một trái tim. Lời đấy chứ!

Món lời bất ngờ này không hề được tính toán. Khi cho là cho không biếu không! Nhưng lòng nhân của một tội phạm mới là điều bất ngờ. Trần Xuân Hà là một trùm ma túy ở Việt Nam, bị bắt trong vụ mua bán 78 kí heroin. Ngày 28 tháng 12 năm 2005, ba ngày sau lễ Giáng Sinh, phiên tòa xử đã kết thúc phần tranh luận. Các bị cáo được nói lời sau cùng. Chánh phạm Trần Xuân Hà đã bình thản nói trước vành móng ngựa: “Bị cáo biết tội của bị cáo đáng chết, bị cáo có một nguyện vọng là xin tòa xem xét khi bị cáo thi hành án, cho bị cáo được hiến tặng nội tạng cho người nghèo!”

Tử tội đã ngon vậy, y tá tử thần cũng ngon chẳng kém! Anh chàng Charles Cullen, được tặng biệt danh là Y Tá Tử Thần, đã gây tử vong cho 29 người bằng cách cho các nạn nhân thuốc quá liều lượng. Anh bị 18 án tù chung thân! Ở tù anh nổi hứng muốn tặng cho một thân nhân của bạn một trái thận. Ông Chánh Án Paul W. Amstrong OK liền. Nhưng để đề phòng hậu ý có thể có của tội phạm, ông buộc phải mổ xẻ tại một bệnh viện trong Tiểu bang New Jersey được Nha Cải Huấn chấp thuận, và ông tu bíp thi hành ca mổ cũng phải được Hội Đồng Giám Định Y khoa tiểu bang kiểm nhận. Cứ cẩn tắc như vậy cho khỏi lo lắng mất công!

Nhà thơ Nam Man, ngụ cư ở Úc, cũng sẵn sàng hiến. Ông…thơ rao hàng như thế này.

Bác biết Nam Man nó quá nghèo
Còn gì đáng giá để…for sale
Ai cần, tớ biếu tim, gan, ruột
Nó muốn, em free thận, phổi, phèo
Nếu bác không chê thân giậu đổ
Thì em chẳng xá phận bìm leo
Chừng em sắp sửa…chầu tiên tổ
Bác cứ sang đây mổ một lèo.

Những người có lòng thường hiếm hoi. Khi số cầu nhiều hơn số cung là có ngay một anh thương gia xuất hiện. Thì nội tạng của con người cũng là một món hàng. Đã là một món hàng thì dưới con mắt của một anh chuyên bán buôn lợi nhuận đã nằm chình ình trước mắt. Khi một món hàng hút nhiều thì giá cả cũng theo đó mà leo thang. Đó là luật thị trường. Rất lạnh lùng. Nếu nắm được con số thống kê mỗi ngày có 17 người Mỹ chết vì các bệnh liên quan đến lục phủ ngũ tạng, nếu biết là ở Do Thái, trung bình thời gian một người chờ ghép thận là 4 năm, thì máu buôn bán có ngồi yên không? Nhất định không! Bởi thế mới có việc buôn bán nội tạng xuyên quốc gia. Một anh ở nước nghèo, trước món tiền có nằm mơ cả đời cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới, có sẵn sàng xả thân chộp lấy ngay không? Đó là cái chắc! Bởi thế mới có những cuộc “du lịch chữa bệnh”. Nơi được các du khách bệnh hoạn tới viếng thăm nhiều nhất là Trung Quốc. Dĩ nhiên không phải vì tim phổi thận của dân Trung Quốc thuộc loại xịn hơn dân các nước khác mà vì “hàng” ở đây sẵn hơn và giá cả bèo hơn. Sẵn vì đã có nhiều cáo buộc là nhà cầm quyền Trung Quốc đã bán các bộ phận nội tạng còn tốt của những tử tội bị hành hình cho các bệnh viện để thay thế cho những bệnh nhân cần tới. Dân Nhật đang cần thay thế các bộ phận trong người ùn ùn kéo sang Trung Quốc xỉa tiền ra để mua mạng sống. Theo ước tính thì từ năm 2004 đến năm 2005, đã có 180 người Nhật được ghép gan và thận tại Trung Quốc. Của rẻ là của ôi, đó cũng là…chân lý trong thương trường. Trong hai năm qua đã có 7 trường hợp tử vong của những người Nhật sang Trung Quốc thay nội tạng. Lý do chính là bị nhiễm trùng.

Kỹ nghệ bán buôn nội tạng tưởng chỉ có thể xảy ra ở các nước nghèo đói, vậy mà giàu có như anh Mỹ vẫn cứ bán buôn như thường. Chuyện xảy ra tại Nữu Ước với ông tài xế taxi Michael Bruno. Ông bị bệnh ung thư và đã căn dặn con trai hỏa thiêu thân xác ông sau khi ông chết. Hai năm chống trả với bệnh tật, ông thua. Anh con trai Vito Bruno làm y như ý muốn của cha và vẫn cứ tưởng là hũ tro nhà quàn trao cho anh là di thể của cha anh. Không phải! Xác cha anh đã bị mang ra làm thịt đem bán. Nội vụ bị phát giác vì nhà quàn được bán lại cho một chủ khác. Chính ông chủ sau này đã phát giác ra khi thấy xương chân của một tử thi được thay thế bằng một ống nước. Nội vụ được trình báo và Biện lý quận Brooklyn, Nữu Ước, đã mở cuộc điều tra. Không phải chỉ một nhà quàn này có vấn đề mà tất cả có 6 nhà quàn trong quận đã…ăn xác người! Họ hợp thức hóa hành động phi pháp bằng cách làm giả mạo các giấy hiến tặng cơ phận. Chính anh Vitto đã không nhận ra chữ ký mạo tên anh khi được cảnh sát điều tra cho anh coi giấy hiến xác cha anh. Đồ tể bị truy tố là Michael Mastromarino, chủ nhân một công ty dịch vụ mô y tế ở New Jersey. Ông trả một ngàn Mỹ kim mỗi xác chết từ nhà quàn đưa tới và đưa vào một nhà mổ bí mật để cắt lấy…phụ tùng. Ông thu được trung bình 7 ngàn đô cho mỗi tử thi.

Theo một bài báo trên New York Times thì mỗi năm có khoảng 10 ngàn người Mỹ tình nguyện hiến xác cho các mục đích nghiên cứu khoa học. Họ không bao giờ ngờ rằng xác họ có thể trở thành một món hàng đắt giá. Người ta thấy trên một website rao bán các bộ phận của cơ thể có niêm yết giá cả đàng hoàng: xương sống 3.500 đô, đầu gối 650 đô, giác mạc 400 đô! Một hãng dược phẩm đã trả 4 ngàn đô cho một hộp móng tay và móng chân người chết. Năm 2003, Michael Francis Brown, chủ một lò thiêu tại Riverside, California, đã bị xử 20 năm tù về tội “tùng xẻo” các bộ phận trên xác người trước khi thiêu. Tổng số tiền hắn kiếm được đã lên tới 400 ngàn đô! Ernest V. Nelson là một đồ tể đã rã xác người bán từ năm 1998 đến khi bị bắt vào tháng 3 năm 2004. Khách hàng của hắn là khoảng 100 viện nghiên cứu và các công ty trong đó có công ty Johnson&Johnson!

Nhà báo Annie Cheney của tạp chí Harper’s đã phát giác ra một trong những nơi cung cấp bộ phận cơ thể con người nhiều nhất hiện nay là Viện Nghiên Cứu và Giáo Dục Y Khoa (MEARI) tại Memphis. Chỉ nguyên trong năm 2005, Viện này đã tổ chức 478 cuộc hội thảo về giải phẫu học và 90% các cuộc hội thảo này có xử dụng xác người.

Mới đây, một nhân viên thuộc chi nhánh St. Louis của hãng Federal Express đã phát hiện ra một gói hàng rỉ máu. Tên người nhận gói hàng là Richard Leutheuser, một tổ sư bán xác. Từ đầu mối này, người ta tìm ra Vidal Herrera, người đã có 30 năm thâm niên trong nghề bán các bộ phận cơ thể con người. Anh chàng này cho biết các nguồn cung cấp chính là: các trường đại học, nhà xác bệnh viện và các lò thiêu của các công ty mai táng!

Điều phức tạp về phương diện đạo đức của loại thương mại này là nó thực sự cứu được mạng sống của con người. Trung bình mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 20 ngàn người được cứu sống bằng cách ghép các bộ phận nội tạng và một triệu người nhờ cấy ghép mô!

Còn một loại hiến khác vui hơn và ồn ào hơn. Đó là hiến tinh trùng. Ở Mỹ và Canada, khách hàng của các ngân hàng tinh trùng thường là các bà độc thân hay đồng tính muốn có con. Các bà có quyền chọn tại các bệnh viện hoặc trên các website trên internet. Bà Brenda Blass, dân Canada sống tại Nữu Ước, cho việc được chọn lựa này là ngon lành. Tôi cảm thấy như mình đang đóng vai trò của Tạo Hóa! Thường thì một mẫu tinh trùng có những chi tiết sau: năm sinh, nòi giống, chiều cao, sức nặng, đặc điểm của tóc, có lông ngực hay không, số giầy, màu mắt, độ dài của lông mi, dị ứng thực phẩm, dị ứng gia súc, chỉ số thông minh IQ và hình dáng giống tài tử màn ảnh hay nhân vật nổi tiếng nào. Dĩ nhiên, để bảo đảm bí mật thì không có quyền để tên họ mà chỉ có một mã số. Kèm theo đó là một tấm hình của đương sự lúc…còn bé! Nguyên tại Hoa Kỳ mỗi năm có khoảng từ 80 ngàn đến 100 ngàn ca thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của người hiến. Gọi là hiến chứ “ân nhân” cũng được trả công…xúc lọ 100 đô mỗi lần. Đây cũng là một cách kiếm tiền của những sinh viên rách. Bác sĩ y khoa John tiết lộ, khi ông còn là sinh viên, ông đã cho tinh trùng hai lần mỗi tuần trong suốt hai năm rưỡi để “xoay xở cuộc sống”. Quan tòa John Sylla ở San Francisco cũng…hiến trong thời gian còn học luật.

Ở Việt Nam ngày nay cũng…hiến! Chúng ta thử theo chân một người tên Quang Dũng kể chuyện đi hiến tinh trùng trên báo Sài gòn Tiếp Thị. Anh còn độc thân và đi cho tinh trùng để giúp một người bạn hiếm muộn. Trường hợp giống bạn anh không phải là ít. Theo số liệu tại bệnh viện Từ Dũ, Sài gòn, tỷ lệ vô sinh do người chồng chiếm khoảng 40% trong đó 10% là không có tinh trùng. Như qui định hiện nay thì muốn nhận tinh trùng, gia đình phải mang tới một người hiến để…bù lỗ cho cái ngân hàng không có vốn là Ngân hàng Tinh trùng. Tinh trùng của người này không được dùng cho người giới thiệu đến mà chỉ góp thêm vốn cho ngân hàng. Ngân hàng sẽ dùng một mẫu tinh trùng khác giúp người giới thiệu thụ thai để đảm bảo qui định của luật pháp là người cho và người nhận không biết nhau. Muốn hiến tinh trùng phải đáp ứng được một số quy định tối thiểu: học vấn tối thiểu là lớp 9; từ 20 tuổi đến 55 tuổi; không mắc các bệnh tâm thần và di truyền; đạt tiêu chuẩn qua các xét nghiệm về viêm gan và các bệnh liên quan đến tình dục; chất lượng tinh trùng đạt tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (tỷ lệ tinh trùng sống sau trữ lạnh trên 50%); nhiễm sắc thể đồ bình thường. Ngoài ra chỉ được cho tinh trùng một lần và không được xuất tinh từ 3 đến 5 ngày trước khi đi hiến. Tới ngày hẹn, anh Quang Dũng đi thi hành nghĩa vụ giúp bạn. Anh ngồi chờ giữa nhiều…hiến nhân khác. “Trong khi chờ đợi đến lượt “hành động”, tôi tranh thủ quan sát xung quanh. Những nét mặt lo lắng, căng thẳng, nhấp nhổm ngồi đứng không yên. Một đặc điểm “nhận dạng” là trong tay mỗi người ai cũng khư khư một ống nhựa trong veo như đang nắm giữ một báu vật. Cánh cửa phòng số 1 chợt mở, một gương mặt trạc 30 tuổi, đầy vẻ tự tin và…hãnh diện bước ra, trên tay là ống nhựa…đã đầy. Một người khác lại vào thế chỗ, cứ thế lần lượt từng người… Nhưng ơ kìa, mọi người bắt đầu sốt ruột hẳn lên: đã hơn 30 phút trôi qua mà cửa phòng số 2 vẫn “im hơi lặng tiếng”. Những nét mặt lộ rõ vẻ mất kiên nhẫn. Mọi thắc mắc được giải đáp khi 15 phút sau, một gương mặt mồ hôi ròng ròng, đầy căng thẳng xuất hiện. Một anh chàng với bộ dạng thất thần, áo quần xộc xệch bước ra ngoài và lắc đầu ngao ngán: “Sao khó quá…Em chịu!”. Những ánh mắt đầy cảm thông và chia sẻ trên những gương mặt còn lại. Đang còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã đến lượt tôi. Một anh ngồi gần tôi động viên: “Cứ thoải mái nhé!” và không quên dặn thêm: “Nhưng lẹ lên nha ông! Ngoài này còn đông lắm, bao nhiêu người chờ nè!”. Thú thật là tâm lý còn căng thẳng hơn cả ngày đi thi tốt nghiệp Đại học nữa kìa! Vừa bước vào trong, tôi đưa tay khóa cửa căn phòng rộng chừng 6 thước vuông, bên trong có một ghế sô-pha, một bàn kiếng nhỏ và bức tranh vẽ một đôi nam nữ đang hôn nhau. Trong lòng vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh người đàn ông khi nãy, nhưng đã vào đến đây, phải chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” của mình chứ. Tôi biết mình phải làm gì… Ơn trời, cuối cùng tôi cũng “hoàn tất hành vi” một cách mỹ mãn”.

Khó nhọc quá! Cứ đơn giản như nhân vật trong truyện ngắn “Thuê Tình” của Trang Châu có khi lại hay. Truyện có nhiều khúc mắc, nhiều nút thắt mở khá hấp dẫn. Nhưng hấp dẫn nhất là nhân vật nữ, Cẩm Tú, đóng vai một trình dược viên đến phòng mạch của bác sĩ Trung để đề nghị một chuyện không liên quan gì đến thuốc men: xin tinh trùng. “Xin ông đừng nghĩ đó là một việc làm sai quấy mà xin ông hãy nghĩ ông đang làm một việc thiện, nếu không phải cho đời thì ít nhất cũng cho tôi”. Trung bằng lòng cho. Nhưng cách cho cũng do Cẩm Tú đề nghị. “Giữa ông và tôi, chúng ta nên có một khế ước. Thôi bỏ chữ khế ước đi, nghe có vẻ thương mãi quá. Giữa chúng ta nên có một thỏa thuận. Tôi còn ở đây hai tuần. Thời gian này phù hợp với chu kỳ kinh nguyệt của tôi. Vậy xin ông chấp nhận sống với tôi như vợ chồng suốt thời gian đó. Ban ngày ông đi làm việc, tối ông về với tôi. Cuối tuần ông cũng ở luôn với tôi. Nếu kết quả tốt đẹp tôi xin nhớ ơn ông suốt đời.”

Thật đơn giản! Chẳng bệnh viện bệnh viếc gì cả, chẳng ống chẳng lon gì cả, cứ tự nhiên như ý con Tạo mà làm việc thiện. Làm việc thiện như vậy, nếu là bạn, bạn có làm không?            

03/2006