Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

TƯỚI

Từ đứng, vị trí gần trời nhất, đến nằm, vị trí sát đất nhất, con người có bao nhiêu tư thế, tôi không cần biết. Nhưng tưới thì có hai thế. Thế đứng và thế ngồi. Chuyện tưởng như không quan trọng mà lại thành quan trọng. Cũng bởi cái khoảng cách giữa trời với đất. Nhưng cũng bởi cái giới tính của người đứng và giới tính của người ngồi. Đứng là một vị thế dõng dạc, ngang nhiên trong khi ngồi là một vị thế lè xè, khiêm cung. Một giới cất cao đầu vắt dòng nước ngang với trời, một giới túm tím thi đua với cỏ cây, phiền là ở chỗ đó.

tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi/ tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
(Nguyễn Thị Hoàng Bắc)

Vậy là có chuyện. Chuyện thân phận chứ không phải giỡn. Thân phận ngồi và thân phận đứng.

một lần
giải thủy phất phơ dòm sau ngó trước
bụi
bờ ở đâu
cũng liều mưa
xuống gậm cầu
ơn em vũ lộ
ướt
đầu tóc xưa.
(Hoàng Xuân Sơn)

Hiên ngang tưới như vậy, môn phái vòi rồng làm nực lòng môn phái hoa sen là phải. Nắm đầu ai mà hỏi han cho ra lẽ? Tạo hóa sinh chi cuộc hý trường? Cứ cái anh…kỳ thị này mà vấn cho ra ngô ra khoai. Nhưng anh ta ở xa tít mù khơi, vấn chi nổi. Một ông muốn thay quyền con tạo để mang lại công bằng. Ông sáng chế ra chiếc bồn lòng vòng để cho môn phái hoa sen cứ đứng mà làm phận sự. Hay, nhưng chuyện này xưa rồi. Tại những vùng quê phía Bắc nước ta, trước cửa mỗi nhà, người ta thường để một cái lu thấp để lạc quyên nước tưới ruộng tưới vườn. Phe vòi rồng cứ đứng mà gia ơn, phe hoa sen thường trang bị một chiếc váy đen, và chỉ một chiếc váy đen, cũng hiên ngang đứng theo thế cân phân trên miệng lu mà mưa móc. Bình đẳng cách chi đâu!

Bình đẳng là tư thế đầu đời khi mọi người bỗng thấy mình có mặt trong cuộc sống này. Cứ nằm phè ra mà tưới. Thằng cu hay cái hĩm đều như nhau. Tiến lên đến tư thế bò, đi, chạy, được trang bị bằng một chiếc tã, vẫn cứ như nhau. Khi được giải phóng khỏi sự bao bọc mà tối ngủ vẫn cứ dẫn thủy nhập điền một cách tự nhiên là có vấn đề. Thế nào là tè dầm? Khi đến tuổi đáng lẽ phải biết kiểm soát sự…tháo nước trong người, con gái là 5 tuổi con trai 6 tuổi, mà không có khả năng kiểm soát, tối ngủ cứ thản nhiên tưới trên giường là thuộc diện cá biệt. Có khoảng từ 3% đến 8% từ 5 đến 12 tuổi và khoảng từ 2% tới 5% từ 12 tuổi trở lên đến vị thành niên vẫn đỏ mặt mỗi khi ngủ dậy phải thu dọn chiến trường. Bố mẹ có thể bị phiền hà nên la lối con cái nhưng cũng nên nhớ đái dầm là một bệnh di truyền! Nếu bố hoặc mẹ thuở nhỏ bị bệnh đái dầm thì 40% con cái cũng rứa. Nếu cả bố và mẹ thuở nhỏ đều gây ra lụt lội thì 70% tới 75% con cái cũng…nối dõi! Tè dầm do nhiều nguyên nhân: khả năng phát triển bàng quang không tốt, bàng quang quá nhỏ, không kiểm soát được hoạt động của ống dẫn tiểu, không kiểm soát được hoạt động của bàng quang, chậm phát triển hệ thống thần kinh… Khi bàng quang đã đầy nước tiểu mà bệnh nhân chưa muốn thức giấc là tá họa! Cha mẹ thường đổ lỗi cho con trẻ ngủ say nên mới nên nông nỗi nhưng thật ra đái dầm không liên quan tới giấc ngủ mặc dầu trẻ lớn thường thức giấc kịp thời để chạy ra nhà số 1 nên ít phóng ra giường. Trẻ có những chứng bệnh như tâm lý căng thẳng, ngủ ngáy lớn vì bị thịt dư trong cổ họng, đi tiểu thường xuyên vì bị nhiễm trùng đường tiểu, bệnh đái tháo, bệnh thận, bị nghẹt đường tiểu…thường bị tè dầm.

Tè dầm là một sự bất tiện nhưng có khi cũng là một cái dễ thương. Nhà văn Nguyên Bình ở Hải Phòng tới thăm và ngủ lại nhà của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. “Ngủ lại nhà tôi hôm ấy, anh cứ dằn dọc mãi. Rồi anh trở dậy lôi từ trong túi xách ra một cái quần trẻ con khai mù và cười khì khì: “Tớ đi đâu cũng phải mang theo cái này. Ngủ với cháu quen rồi. Không có mùi nước đái trẻ con là không ngủ được”. Anh để cái quần khai ấy ngay cạnh gối. Chỉ một lúc đã thấy ngáy pho pho. Hóa ra anh là tộc trưởng một bộ tộc rất đông con cháu. Gần hai chục cháu nội ngoại, đứa nào cũng quấn lấy ông, ngủ với ông”. (Bùi Ngọc Tấn, Viết Về Bè Bạn)

Muốn chữa bệnh đái dầm thì cho ăn…nhện nướng! Đó là một cách chữa mẹo. Hiệu quả ra sao, chẳng có thống kê nào để kiểm chứng. Thuốc tây thì có: oxybitunin chloride (Di-tropan), Imapramine HCL (Tofranil), Desmopressin acetate (DDAVP). Dùng thuốc nào cho trường hợp nào thì phải hỏi bác sĩ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng có cách…phòng chống đái dầm riêng như: hạn chế cho con uống nước, đánh thức con dạy đi tiểu, hạn chế ăn chocolate, uống sữa, nước cam, trà, coca-cola… Đái dầm không phải là cái tội nên chẳng nên trừng phạt. Trái lại, cần phải giúp đỡ trẻ vượt qua khó khăn, lấy lại tự tin để tự cải thiện. Ngày nay, người ta đã chế ra dụng cụ chống đái dầm. Dụng cụ này được nối với đồng hồ báo thức và gài vào trong quần của đương sự. Khi trẻ vừa dấm đài, quần có độ ẩm cao, đồng hồ reo vang đánh thức trẻ dạy chạy vào toilet!

Nhưng mỗi ngày chạy khẩn cấp ba chục lần thì đồng hồ nào báo cho nổi. Đó là trường hợp bà Arline Nielson ở ngay Montreal này. Năm nay 73 tuổi, bà bị bệnh không nín tè được, thua xa bà dân biểu nín tè năm xưa ở Hạ Viện. Bà được Bác sĩ Jacques Corcos, Trưởng khoa Tiết Niệu của bệnh viện Jewish General Hospital điều trị bằng cách chích Botox vào bàng quang. Botox? Vâng, đúng là cái chất các bà thường chích vào mặt để làm đẹp đấy! Ông bác sĩ tài ba này đã tìm ra  là cái chất thường được nghĩ là liên quan mật thiết với các thẩm mỹ viện này có thể cải thiện được chức năng giữ nước tiểu của bàng quang tới 65%. Ông đang chữa trị cho 50 bà trên 60 tuổi và kết quả khá khả quan. Vào giữa tháng 9/2005 vừa qua, trong một Hội nghị của ba ngàn chuyên gia về tiết niệu được tổ chức tại Montreal, ông đã công bố khám phá này. Ngay từ năm 2001 ông đã bắt đầu thử nghiệm và cho rằng trong tương lai, với sự ấn định liều lượng botox chính xác hơn và với việc nghiên cứu chỗ chích thích hợp hơn, liệu pháp này sẽ có kết quả hơn.

Chuyện tưới tưởng chỉ là chuyện sè sè thôi, ai ngờ nó cũng có trăm đường tưới. Biết cách tưới thì nó cũng công hiệu cho sức khỏe ra gì. Đó là túi khôn của nhà thơ Xuân Diệu. Nhà văn Tô Hoài, trong cuốn Cát Bụi Chân Ai”cho biết đã được Xuân Diệu khuyên bảo một cách thân tình như thế này.Xuân Diệu khuyên tôi phải biết quý miếng ăn. Xuân Diệu dạy tôi khi nào đứng đái thì cắn chặt hai hàm răng lại, như thế sẽ ăn khỏe chẳng kém hàng ngày uống vitamin B. Xuân Diệu bảo bí quyết dưỡng sinh gia truyền ấy, ông thân sinh đã dạy từ khi còn bé. Tôi cảm tưởng Xuân Diệu ăn uống chẳng bao nhiêu, nhưng ăn cố. Không phải Xuân Diệu ăn, mà một người nào khỏe gắp hộ, biến Xuân Diệu thành con ma ăn, trông đến thương.”

Xuân Diệu luôn luôn bị ám ảnh vì cái ăn, còn Nguyễn Tuân thì chỉ mê cái uống. Tưới mà cắn chặt hai hàm răng lại đâu có hào sảng như cách tưới của Nguyễn Tuân. Cũng Tô Hoài kể lại. Giữa trưa, xe lửa chạy Lào Cai. Đường sắt này mới chữa lại năm trước… Khách vắng, cả cái toa hạng ba chỉ có Nguyễn Tuân, Văn Cao với hai két bia mang theo. Người nhà tàu đội mũ lưỡi trai vui tính và chiều khách, không cho ai lên thêm toa ấy. Và cũng uống bia chan hòa với chúng tôi. Mới lưng cốc đã mặt đỏ găng. Không biết uống, nhưng vì thích các ông khách quá…Người coi toa say bia, đi ngủ từ chập tối. Nhưng vẫn nhớ công việc, anh khóa trái cửa hai đầu toa rồi chúi đi nằm đâu không biết. Làm thế nào, buồng vệ sinh ở phía ngoài. Mà hai két xách theo chứa những hai mươi bốn chai bia Trúc Bạch uống cả đêm nay. Thế mà rồi cũng xong. Bởi vì cửa sổ tàu vẫn mở.”

Kém hào sảng hơn là lối tưới của nhà văn Nguyên Hồng. Khi đưa đoàn nhà văn tham dự trại sáng tác từ Lào Cai trở về Hà nội, Nguyên Hồng bắt anh em xếp hàng mua mỗi người một vé toa đen, toa chở hàng, không có ghế. Phải giải ni-lông nằm chen chúc dưới sàn… Nằm thế cũng được thôi, nhưng bí một cái trong toa không có chỗ đi tiểu. Ông chủ tịch hội Nguyên Hồng thao diễn cách giải quyết ngay. Lấy một cái ca, quay mặt vào một góc. Rồi hất qua cửa sổ toa tầu: Thế là xong! Tất cả anh em, các ông các bà hành khách nằm ngổn ngang trên tàu nghe tiếng ro ro từ ca phát ra đều công nhận cách ấy là tốt nhất và cũng là duy nhất”. (Bùi Ngọc Tấn, Viết Về Bè Bạn).

Tôi không khoái cái lối túm tím của Nguyên Hồng. Dõng dạc như Nguyễn Tuân, sướng hơn! Xả xuống những lùm cây đám cỏ hai bên đường tàu, có chết thằng tây nào đâu! Nhưng đó là một cái thú. Cái thú tôi đã được hưởng khi đáp tàu từ Saigon đi Quy Nhơn vào đầu thập niên 60. Trời tối, ánh trăng lờ mờ, cỏ cây hai bên đường sắt lươn lướt trôi đi như mặt biển. Chúng tôi, cùng chung một toa tàu nhưng có ai biết nhau đâu, vậy mà cứ hai người một, đứng vắt vẻo hai bên bực thang lên xuống, vẽ những đường nước cong theo gió dưới ánh trăng, lòng lâng lâng hưởng một thứ tự do hiếm có. Như một…tiểu Quận công!

Tưới như vậy chỉ là một cái thú khơi khơi. Tưới nên vợ nên chồng mới là cái tưới…duyên nợ! Trong truyện ngắn “Lạt Mềm Buộc Chặt” (Tạp chí Văn, số tháng 7 & 8, 2005), nhà văn Phan Thị Như Ngọc vi vút : “Nghe tôi hỏi bí quyết làm sao để lấy được chồng Sương vui hẳn, cười sằng sặc. Mụ kể hồi mười tám tuổi ở khu B. L. bom pháo ác liệt lắm. Có lần đụng trận mụ bị hơi bom dồn tức ngực, thêm phi pháo dập, chịu không nổi, ngất luôn. Thằng cha chỉ huy hét, đứa nào đái vô mặt con Sương cho nó tỉnh coi. Mấy cha sồn sồn chối không mắc không đái được. Rốt cuộc, thằng Trung bị phân công. Khi Sương mở được mắt, nhìn lên thì thấy… Tôi cũng cười, hay thiệt, sao nữa mày. Sương thở dài. Tao ướt hết tóc tai mặt mũi, khai không chịu nổi. Còn thấy nhãn tiền cái vòi phun nước của nó. Tao khóc hu hu. Nó cũng chết trân, đỏ mặt. Sau trận đó, tao với nó xin đổi công tác, tổ chức không cho thì chớ, còn bắt tao đền cho nó. Đền làm sao? Thì lấy nhau. Vậy là có chồng chứ tán tỉnh yêu đương gì đâu…”

Nhưng tưới kiểu như ông ngoại của nhà văn Kiên Nguyễn lại là kiểu tưới khi đã nên vợ nên chồng! Chính anh đã kể trong cuốn “The Unwanted, bản dịch của nhà văn Nhật Tiến mang tên “Thân Phận Dư Thừa. Sau ngày bà ngoại anh mất, ông ngoại anh nhiều lần mở một cái áo cũ của vợ ra ngắm nghía. “Hai mắt ông nhắm lại, những ngón tay tật nguyền vì phong thấp cứ vuốt mãi lên những đường viền, những mối nối của lớp vải đã phai mầu. Thỉnh thoảng ông tôi lại ấp cái áo lên mặt, hít vào thật sâu như là muốn chút mùi hương còn vương lại trong áo bà tôi có thể thẩm thấu vào tận đáy phổi của người. Đôi môi ông hơi mấp máy. Trong cái yên tĩnh của buổi chiều tà, tiếng thì thầm của ông lan trong căn phòng nghe như tiếng gió rì rào, nhẹ nhàng cất lên những lời âu yếm với người vợ đã khuất. Cung cách đặc biệt này đã trở thành một thứ nghi lễ của ông tôi kể từ ngày bà tôi qua đời. Đôi khi, cái cảm giác dường như bà tôi vẫn còn lẩn khuất đâu đây trong căn phòng với ông tôi khiến tụi tôi phát khiếp… Đôi mắt ông trầm ngâm, những ngón tay mò mẫm lướt nhẹ trên chiếc áo dài nhung đen đơn giản, có hàng cúc bạc lớn và cái cổ cao theo truyền thống. Một vệt ố bẩn dài làm đổi mầu kéo từ vai xuống tận phía dưới bụng.

Cái áo dài này bà ngoại của tác giả, khi sinh tiền, rất ưa thích. Bà mặc trong mọi dịp quan trọng : đi mua sắm, đi ăn tối tại nhà hàng Le Colonial, đi dự lễ ngày ông chồng lên chức Đại úy, đám tang đứa con trai út… Nhưng tại sao chiếc áo có vệt ố bẩn chạy dài từ vai xuống phía dưới bụng?

“Để ông sẽ kể đầu đuôi cho cháu nghe. Chuyện bắt đầu vào một đêm trăng tròn, đẹp, lúc ông bà vừa đi ăn tối trở về. Bà ngoại bỗng nổi cơn ghen bậy. Cháu chưa thấy bà ngoại nổi cơn ghen đâu, còn hơn là sư tử Hà Đông. Mà càng ghen tuông càng dễ khiến cho con người ta làm những điều khờ dại… Tối đó, ông muốn đi ra biển hóng tí gió mát cho nó tiêu cơm. Chẳng hiểu sao bà lại không tin, bà lén đi theo cách xa chừng ba chục thước để dò thám. Ông biết là bà theo dõi ông nhưng làm bộ như không biết. Ông đi lạch bạch như con chim cánh cụt trên bãi cát để cho bà thấy mắc cỡ mà bỏ về, nhưng bà vẫn theo ông sát nút. Cuối cùng, ông đứng lại, vươn vai nói thật to để bà có thể nghe được : “Ui da, mắc tiểu quá, đái ở đâu được bây giờ nhỉ?”. Ông nghe thấy tiếng bà nhảy vào một bụi thông. Chờ một lát, ông quay ngược lại bước thẳng tới cái bụi. Cái đầu tóc bà đen thùi lùi, ông còn thấy rõ, nhưng làm bộ đui, ông kéo khóa quần, nhắm ngay tóc bà mà tiểu xuống. Bà ngồi lặng không nhúc nhích, ngay cả đến một  cái nhích bắp thịt, nhưng ông có thể nghe thấy lời rủa thầm trong nhịp thở của bà. Rồi ông huýt sáo, chỉnh tề lại, lẩm bẩm khi bước đi: “Đây là hiệp một. Chắc lại sắp phải xả thêm hiệp hai”. Vẫn không có một lời nào. Bà ngồi tỉnh queo, chờ ông cuốn gói ra khỏi tầm mắt”.

Tưới như thế kể đã là hi hữu. Nhưng tưới như Phan Thị Như Ngọc thì cổ kim chỉ có một. Phải có nhà thơ của huyền thoại Bùi Giáng thì kiểu tưới độc nhất vô nhị này mới thành  được. Chuyện do chính đương sự, Phan Thị Như Ngọc, kể lại trong bài “Ba Ngày Bùi Giáng” trên tạp chí Văn, số tháng 5&6 / 2005. Cô quen một tăng nhân trú tại một phòng trong Viện Đại Học Vạn Hạnh. Từ Đà Lạt, cô tới với người yêu, với một cành hoa đào. Phòng đã có thêm Bùi Giáng mới dạt về ở chung. Chàng phải cuốn gói xuống ngủ trong thư viện, để nàng chung phòng với nhà thơ. Phòng nóng và tù túng, cô sợ khi chung phòng vói một ông già lúc tỉnh lúc điên. Buổi tối, cô cuộn mình trên giường, không ngủ, cũng không đọc được gì. Thấy tôi vào nhà tắm, Bùi Giáng bật dậy, vào theo. Tôi tái mét. Ông ta ôn tồn. Cho coi một chút thôi. Cô ngồi xuống tưới cỏ cây đi, tui nằm coi. Mát mẻ con mắt vậy mà, mai mốt cỏ trên mồ cũng mát theo. Trời ơi! Toàn “ m” - mát mẻ, mai mốt, mồ mả, mắt mũi…lùng bùng đầu óc. Tôi không giận, và cũng nghĩ ông không đùa giỡn, suồng sã. Chỉ là ngạc nhiên. Sao lại là lúc này, lại là tôi. Những “mẫu thân” của ông đâu hết? Tại sao ông trở đi trở lại câu thơ Nguyễn Du “Sè sè nấm đất bên đường / Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” khi nằm nhai gạo lức trong bóng đêm?”

Cô gái quyết định sẽ trở về Đà Lạt vào buổi trưa. Bùi Giáng đi đâu không biết. Giường chiếu như bãi chiến trường. Giấy tờ với nét chữ trẻ con vương vãi. Một mảnh giấy có chiếc dép chặn ngang, nằm dưới đất, rõ ràng viết cho cô :Đợi một ngày, còn chuyện nhờ đó.

“Chuyện nhờ vẫn là chuyện cũ, song thái độ thiết tha và ánh mắt trẻ con rưng rưng chỉ cần tôi nói không là òa khóc khiến tôi cầm lòng không được, lảy câu Kiều : “Đã lòng dạy đến, dạy thì xin vâng” trút bỏ xiêm y, ngồi xuống, và mưa. Bùi Giáng nằm dán mắt nhìn mưa móc cỏ hoa và mặt đất tràn bờ, dập dềnh. Mặt ông chói rực luồng sáng riêng tư, hoàn toàn không thể hiểu biết và chia sẻ. Mái đầu nhiều tóc bạc, gương mặt dãi dầu, gầy gò, hai tay nhăn nhúm đen xạm…tất cả như nở hoa, hân hoan từ mặt đất, mặt nước trên lầu bốn. Dưới đường vẫn ngược xuôi xe cộ, tiếng động của đời sống con người vẫn vọng lên đều đặn. Không ai biết mắt người điên Bùi Giáng vô cùng trong sáng, đẹp sững sờ!”

Tôi chép lại hai đoạn thơ của Bùi Giáng trong cuốn “Mưa Nguồn, chẳng biết ông làm lúc nào!

Một hôm nào em mở cửa đầu khe
Và bữa đó đến bây giờ cỏ rạ
Thi nhau mọc mặt trời lên lả tả
Bông lúa chín trong rừng kêu tiếng lá
Chóc chim xanh đòi đẻ trứng bây giờ.

Một đoạn khác.

Thưa em buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành.

09/2005