Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

NHỊN

Nhà văn Nguyễn Tuân mới lãnh được một món nhuận bút, ông muốn khao nhà thơ Quang Dũng một bữa. Vốn biết cái bụng khổng lồ của bạn không mấy khi được no, ông mời bạn vào một cửa hàng xôi thịt ở Hàng Giày. Trong khi Nguyễn Tuân còn đang gẩy gót chưa hết một phần tư bát thì nhà thơ Quang Dũng đã ăn xong một bát xôi đầy. Nguyễn Tuân đặt đũa xuống, lễ phép:

“Thưa ông, ông dùng nữa ạ!”

Nhà thơ Quang Dũng bình thản gật đầu:

“Vâng!”

Chỉ một loáng, Nguyễn Tuân lại phải đặt đũa xuống:

“Thưa ông, ông dùng nữa ạ!”

Lại “vâng”. Khi Nguyễn Tuân ăn xong một bát xôi thì đã năm lần tai được nghe tiếng “vâng” hồn nhiên của nhà thơ. Nguyễn Tuân không gọi bát thứ hai cho mình, ông kiên nhẫn đợi bạn ăn xong, để lại nhẹ nhàng, lịch sự:

“Thưa ông, ông dùng nữa ạ!”
“Vâng!”

Cả thảy có 8 câu hỏi và 8 câu vâng như vậy. Bà hàng xôi vốn rất tinh nhạy với sự đối đáp của những người mời và được mời, hôm ấy rất ngạc nhiên là cả 8 câu hỏi và 8 câu trả lời đều một sắc diện, cao độ, trường độ như nhau. Bà không biết rằng đấy là hai nhà văn nhà thơ đang sống thật với tính cách của mình.

Quang Dũng, một nhà thơ to con như Tây, có cái bụng không bao giờ biết no, vì có bao giờ được ăn no đâu. Bắt ông này nhịn cũng như huề. Vì nhịn vốn là nghề của ông. Nhịn vì không được ăn có khác với nhịn vì không dám ăn không? Khác chứ! Nếu để nhà thơ của chúng ta ăn thả dàn, ông dại gì mà không ăn. Nhưng nếu bắt các cô muốn có thân hình người mẫu ăn, các cô dại gì mà không nhịn!

Ám ảnh mập phì là ám ảnh của thời đại. Một thân hình nung núc, đi đứng khó khăn, làm tội những chiếc ghế, làm nhỏ lại những cánh cửa là thứ mà các bà các cô ngày nay rất ngại. Đi máy bay lại còn ngại hơn nữa. Tôi đã có lần ngồi bên cạnh một bà họ Tạ tên Tấn trên một chuyến bay. Tôi ngồi ghế trong, bà ngồi ghế ngoài. Xếp đặt như vậy là ổn thỏa. Cứ tưởng tượng bà ta ngồi ghế trong, nhét cả cái thân người như vậy để lách vào giữa hai hàng ghế vốn chật chội trên máy bay! Khi bà tới, nở nụ cười chào tôi trước khi an tọa, nụ cười đáp lễ của tôi đã phảng phất phần e ngại. E ngại càng tăng thêm khi bà ta cố nhét đôi mông vào giữa hai thành ghế. Thành ghế ngăn đôi hai chỗ ngồi trên máy bay có thể nhấc lên hạ xuống được nên không được chắc chắn lắm. Bà lắc qua lắc lại mà vẫn chưa bỏ được cái bàn tọa vào giữa hai thành ghế. Tôi đề nghị bà nhấc chiếc thanh ngang ngăn đôi giữa ghế tôi và ghế của bà lên. Bà cười rất tươi, khoác tay ra dấu không cần. Loay hoay một hồi, mọi sự cũng khít khao. Bà quay sang tôi, gật đầu, mắt sáng tinh ranh, giơ ngón tay cái lên, cười. Tôi gật đầu thán phục công trình khó khăn của bà. Mắt tôi lại chôn vào trang sách đang đọc dở. Nhưng có cái gì cấn cái vướng víu. Tôi lịch sự, kín đáo đưa tầm mắt xuống bên hông mình. Cả một núi thịt tràn qua dưới thành ghế xâm lăng qua ghế tôi. Biết làm sao? Thôi, cũng đành, gặp thời thế thế thời phải thế!

Nhiều thịt không phải là xu hướng chọn lựa của các nữ nhân ngày nay. Vậy mà cứ động ăn thả lỏng một chút là thân hình mỡ màng liền. Nếu sắc đẹp là ưu tiên một thì cái miệng phải bị o ép. Các nhà dinh dưỡng bỗng có việc làm. Nhiều việc là khác nữa! Có vị đưa ra cả một lịch chống thèm ăn trong 30 ngày! Mỗi ngày là một…công lực. Ngoài một danh sách những thứ nên ăn và không nên ăn, các dinh dưỡng gia còn chỉ nhiều mánh để không thèm cho cái miệng làm việc. Kể chơi ra đây vài mánh. Ngày 2: Vào lúc muốn ăn một món nào đó, hãy đặt câu hỏi: Ta ăn vì thèm hay vì đang stress? Chấm dứt cơn phân vân bằng một trái táo hơi có vị chua! Ngày 9: Hòa vào bồn tắm nước ấm 60 g muối, 5 muỗng canh mật ong, tinh dầu chanh, xà bông ngâm. Ngâm mình khoảng 10 phút! Ngày 16: Vào lúc đói, nhắm mắt, đặt ngón tay trỏ vào thành nằm giữa hai lỗ mũi, thở đều sau 15 giây. Dừng một lúc rồi lặp lại động tác trên 2 lần nữa. Cơn đói sẽ qua! Ngày 30: Đến bể bơi, khởi động khoảng 5 phút rồi nhảy xuống nước bơi!

Và đây là danh sách những thứ nên ăn: cà chua, cải cúc, bắp, gừng, dưa leo, rau cần. Mỗi ngày ăn như thế nào cũng cần phải tập tành cho đúng. Muốn có một thân hình cân đối, báo China Daily bày ra thành phần ăn mỗi ngày theo số thứ tự rất dễ nhớ: một trái cây, hai đĩa rau, ba muỗng dầu thực vật, bốn chén cơm, năm phần thức ăn đạm, sáu loại gia vị, bảy ly nuớc uống!

Nhịn ăn, chống phì đang là trào lưu hiện nay. Nhưng nhịn ăn đến thành bệnh lại là mối lo của y học bây giờ. Bệnh nhịn ăn? Chứ sao! Nó có tên đàng hoàng. Bệnh anorexia!  Bệnh này trước đây chỉ thấy nơi trẻ vị thành niên, nay lại phổ biến ở lứa tuổi trung niên. Đây là một bệnh mới tinh nhưng con số vướng vào cũng đã có từ 5 đến khoảng 10 triệu bà. Tiến Sĩ Edward Cumella, giám đốc của một cơ quan nghiên cứu và chữa trị bệnh này tại Remuda Ranch, tiểu bang Arizona, cho biết là kể từ năm 1990 trở đi thì số bệnh nhân thuộc hạng tuổi 40 trở lên càng lúc càng gia tăng trong khi số trẻ vị thành niên thì lại ngày một ít đi. Số gia tăng này có liên quan mật thiết đến cái tuổi cần giảm cân và giải phẫu thẩm mỹ. Chính cái  sự làm đẹp là thủ phạm của bệnh tình.

Trong xã hội mà đi đâu người ta cũng thấy hình ảnh những người mẫu trẻ trung và thon gọn thì ước mong được có một thân hình như người mẫu, hoặc ít ra cũng na ná như vậy, là mơ ước của các bà. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy là có đến 57% các bà tuổi sồn sồn không hài lòng với thân hình của mình và 40% cho biết là họ sẵn sàng chết sớm hơn 5 năm để đánh đổi với thân hình có kích thước lý tưởng! Bà Holly Grishkat, Giám Đốc Trung Tâm Y Tế Renfrew ở Philadelphia tiên đoán rằng với quan niệm thà chết sớm mà được đẹp còn hơn là sống lâu mà…nhăn da, con số bệnh nhân thuộc lứa tuổi trung niên sẽ còn gia tăng nhiều hơn nữa. Nhất là khi các bà bị cái đẹp ám ảnh coi sự nhịn ăn là chính nghĩa, bất cần tới hậu quả, coi mọi sự như pha. Họ không biết, hoặc không thèm biết tới việc là bệnh kiêng ăn này là thứ bệnh dễ gây tử vong hơn bất cứ một bệnh tâm lý nào khác. Có khoảng từ 5% đến 20% bệnh nhân bệnh anorexia sẽ chết vì não bộ bị hủy hoại, bệnh tim và một số triệu chứng y khoa khác do việc kéo dài sự nhịn ăn.

Tại sao mà các bà lại kiên trì nhịn ăn, tự móc họng cho ói mửa đến nỗi bị ngã quỵ hay bất tỉnh được? Becky Marsella là một người “can đảm” như vậy. Năm 1999, Becky ăn mừng sinh nhật 40 tuổi với một quyết tâm: nhịn ăn để có một thân hình thon gọn hơn! Bà ghi tên vào một trung tâm thẩm mỹ để tập thể dục, cắt giảm việc ăn thịt bò và các thực phẩm làm từ bột mì. Bà chỉ ăn một chút thịt gà, cá và thật nhiều rau cải. Và kết quả tới ngay. Bà chỉ còn cân nặng chưa tới 50 kí. Mọi người khen ngợi bà có một thân hình thon gọn và xinh đẹp. Nhưng rồi cân kéo cứ tiếp tục nửa đường đi xuống khi Becky tiếp tục tập thể dục và nhịn ăn. Người chồng hai chục năm của bà bắt đầu tỏ ra quan ngại về việc kiêng cữ quá đáng của vợ nhưng bà tỉnh bơ. Lại còn giận dỗi chồng nữa. Lệnh ông phải im tiếng để cho cồng bà cứ kính coong rền vang. Cho tới khi thân hình bà như một bộ xương biết đi. Bộ xương này chỉ nặng có gần 35 kí! Năm 2003, gia đình phải bê bà vào bệnh viện vì chỉ còn có chưa tới 30 kí…xương và bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Chắc hình ảnh…điêu tàn của bà Becky cũng tương tự như hình ảnh chúng ta thường được coi trên TV trong thời gian gần đây về những minh tinh, người mẫu nhịn ăn. Mỗi lần nhìn thấy những hình ảnh…ma quái này xuất hiện trên màn hình, tôi vẫn tự hỏi tại sao con ma sắc đẹp nó hành hạ người ta kỹ quá như vậy? Tại mấy anh mày râu chỉ thích mình dây chăng? Hay là tại các bà ngại trở thành những tảng thịt di động? Tại sao thì tại, anoxeria vẫn cứ hoành hành như chốn không người. Bà Deborah Poor, chuyên viên chữa trị cho bệnh nhân Becky nói trên cho biết: “Những người bị bệnh anorexia thường không kềm chế được họ và rất yếu đuối. Thế nhưng họ lại rất cứng cỏi trong việc chống trả lại bất cứ người nào bắt họ ăn.”

Nếu chịu chữa trị, bệnh này có lành được không? Theo bà Lynn Krauss, một chuyên viên về bệnh này thì có đến hai phần ba bệnh nhân chịu chữa trị có thể lành bệnh. Chính bà Lynn này cũng đã từng là một…anorexia! Sau khi khỏi bệnh, bà đã trở lại trường Đại Học và tốt nghiệp ngành Tâm Lý Trị Liệu. Sau cơn u mê ám chướng, quan niệm về cuộc đời của bà đã đổi khác: “Tôi cảm ơn đôi chân đã cho tôi đường đi những nơi mà tôi muốn đến. Cảm ơn đôi tay đã giúp tôi nhấc lên được đồ vật và giúp tôi ôm ấp được những người thân yêu. Cho dù tôi có mập đến bao nhiêu cũng được miễn sao tôi được lành mạnh là tôi hạnh phúc rồi!”

Lành mạnh, đó là cuộc sống. Cuộc sống tưởng như đã mất đối với các em bé vị thành niên bị bệnh anorexia. Đối với thành phần bệnh nhân trẻ tuổi này, phương pháp trị liệu mới có tên là Maudsley đã tỏ ra hữu hiệu. Không giống như những cách chữa trị tâm lý cũ thường cho rằng anorexia chỉ là phương cách mà trẻ em muốn giành quyền kiểm soát của cha mẹ, phương pháp Maudsley không hề đổ tội cho căn bệnh mà họ hướng dẫn phụ huynh giúp đứa trẻ lên cân bằng nhiều cách cần thiết như sửa soạn những bữa ăn mà người bệnh ưa thích, theo dõi ngày đêm để đề phòng chúng tự móc họng cho ói đồ ăn ra, dỗ dành và vỗ về khi ngồi vào bàn ăn.

Chúng ta thử đi vào một trường hợp điển hình, trường hợp của em Abbie Klebers. Em đã từng nhịn ăn đến nỗi chỉ còn cân nặng có trên ba chục kí, tóc rụng từng mảng lớn, những vết bầm tím và nhức nhối bao phủ khắp người và mặt thì nhăn nheo giống như một bà già sáu mươi! Ngay đến gan bàn chân cũng chẳng còn thịt đệm khi bước đi nên rất dễ bị nhiễm trùng. Bộ xương mang tên Abbie la khóc, chống đối dữ dội khi được chở đến bệnh viện vào năm 2000. Khi bác sĩ gắn ống đưa thức ăn vào mũi, em đã giật ra để thức ăn không vào được. Nhưng chỉ sau vài tuần áp dụng phương pháp Maudsley một cách mạnh bạo, Abbie đã chịu khuất phục. Em bị buộc đeo găng tay trắng khi ngồi vào bàn ăn để em hiểu rằng không được làm dơ thức ăn. Muốn tránh việc Abbie chơi với đồ ăn, em bị bắt buộc phải dùng nĩa và ăn bất cứ thức ăn nào được bày trên bàn. Và đặc biệt Abbie không được dùng giấy lau tay trong khi ăn vì em có thể dùng giấy để dấu thức ăn. Tất cả những thức ăn thức uống, nếu em cố tình làm đổ xuống sàn nhà thì sẽ bị bắt buộc phải nhặt lên. Sữa đổ xuống bàn phải tự liếm sạch. Tất cả chỉ để cho em hiểu rằng em phải ăn hết tất cả đồ ăn của em. Thoạt nhìn, phương pháp Maudsley có vẻ như tàn bạo nhưng các chuyên gia giải thích rằng họ không cố ý làm nhục hay hành hạ bệnh nhân. Có tới 90% các em được chữa trị theo phương pháp mới này đã bình phục sau 5 năm…nằm gai nếm mật!

Bệnh nhịn đói, không khá! Nhưng nhịn đói để chữa bệnh lại là một phương pháp đã được áp dụng trên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Theo Bác sĩ Lê Hùng, Viện Phó Viện Y Học Dân Tộc Sài Gòn, thì tế bào trong cơ thể chúng ta luôn luôn được thay mới liên tục và toàn bộ tế bào có thể thay đổi trong một thời gian ngắn. Sự thay đổi này luôn luôn bị tác động bởi môi trường bên ngoài. Trong khung cảnh cuộc sống hiện nay, con người luôn luôn ở trạng thái bị nhiễm độc từ từ. Hầu như các loại thức ăn đều có thể bị nhiễm độc  do sử dụng chất bảo quản, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu bọ, thuốc kháng sinh và nước thải có nhiều chất độc. Không khí chúng ta hít thở hàng ngày thì bị ô nhiễm bởi khói, bụi, chì…do các nhà máy hay xe cộ thải ra. Chính những nhiễm độc này đã ngày càng gây ra nhiều chứng bệnh như tiểu đường, ung thư… Nhịn đói là một phương pháp giúp cơ thể được nghỉ ngơi và tập trung vào việc thanh lọc chất độc. Trên nguyên tắc, phương pháp nhịn đói có thể chữa trị một số bệnh như béo phì, suy nhược thần kinh, áp huyết cao, cảm cúm… Đây không phải là một việc làm tùy tiện mà phải có bài bản và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để biết lúc nào thì tiếp tục…treo bụng, lúc nào thì phải tốp nhịn để ăn trở lại. Bác sĩ sẽ là người quyết định cho nhịn bao nhiêu lâu, thường là từ một ngày cho tới một tuần, tùy theo bệnh và tùy theo sức khỏe của bệnh nhân. Khi hết bệnh là phải ngưng…tuyệt thực liền.

Tuy nhiên, để thanh lọc thân thể theo định kỳ, có nhiều người tự đặt ra quy trình nhịn đói thành nếp trong cuộc sống của họ. Chẳng hạn như nhịn mỗi tuần một ngày, hoặc mỗi tháng 2 ngày vào những ngày nghỉ làm. Khi cơ thể quen dần với việc nhịn đói thì người nhịn sẽ đạt được sự bình an về thể chất và tinh thần. Trong một hai ngày đầu nhịn đói, thường thì mồ hôi sẽ tiết ra nhiều và hôi, nước tiểu vàng, đau nhức, mệt mỏi trong người, miệng hôi… Đây là các hiện tượng của quá trình thải độc. Đừng vì thấy cơ thể thay đổi như vậy mà ngưng nhịn. Thực ra, cho tới nay, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chứng tỏ việc nhịn đói chữa bệnh là hiệu quả nên đây còn là một phương pháp chưa được kiểm chứng và chưa nên phổ biến rộng rãi. Nhiều người chỉ nghe thấy cái lý của phương pháp này đã vội áp dụng. Như ông anh tôi ở Việt Nam chẳng hạn. Người ông vốn yếu và gầy từ lâu nên rất nhậy cảm với tất cả các phương thuốc làm tăng thêm sức khỏe. Thấy người ta nhịn đói, ông cũng nhịn đói. Chẳng cần bác sĩ nào theo dõi, ông nhịn khơi khơi. Nếu hỏi bác sĩ, chắc chẳng vị nào dám khuyên một người nặng không đủ bốn chục kí nhịn đói. Sự gì phải đến chắc chắn phải đến. Người ông suy nhược đến đi đứng cũng không vững vàng được. Ông vội tẩm bổ lại. Nhưng khi nói chuyện với tôi, ông vẫn tin tưởng vào việc nhịn đói để cơ thể tống khứ những chất độc ra ngoài. Và ông vẫn đinh ninh rằng khi nhịn đói, ông cảm thấy trong người rất nhẹ nhàng và thoải mái khi nghĩ rằng những chất độc đang được trục xuất ra ngoài thân thể! Nhìn dáng đi chông chênh của ông , tôi chỉ sợ ông ngất đi lúc nào chẳng biết. Như những cô sinh viên thân sậy tại Việt Nam.

Sinh viên Quỳnh Anh là một thí dụ. Cô lên bảng làm bài Anh Văn được vừa đúng 2 phút là nhào! Cô vẫn được xưng tụng là người mẫu vì vóc dáng như một thanh củi của cô. Cái ngất trong lớp học là giá cô phải trả cho những tháng ngày nhịn đói để giữ thân hình đẹp. Mốt người mẫu trong giảng đường làm các cô sinh viên đua nhau nhịn. Nữ sinh viên Ánh Tuyết, khoa Sử, Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, không bao giờ dám nghĩ tới chén cơm thứ hai trong một bữa ăn. Sinh viên Linh Hà, Đại Học Dân Lập Hồng Bàng, bỏ hẳn bữa sáng và bữa trưa. Bữa chiều chỉ ăn đúng một chén cơm và không bao giờ nhúng vào chất béo! Cô sinh viên điệu đàng này cũng nhào. Nằm trên giường bệnh, cô vẫn chê ăn vì cảm giác thèm ăn chưa trở lại! Cô sinh viên lớp Tin Minh Thi quyết định nhịn không ăn sáng, đến trưa đói quá lại ăn gấp đôi. Ăn xong lại lo mập, cô nàng vội bay vào trong phòng vệ sinh móc họng ói ra cho bằng hết. Cứ xoay vòng nhịn, ăn, ói cho đến ngày vào nhà thương vì bệnh đau bao tử! Cô Kim Ngân, Đại Học Bách khoa lại có một chiêu nhịn khác: nhịn ngủ. Mỗi ngày cô không cho phép mình ngủ quá 4 tiếng. Bữa nào ngủ lố thì bữa sau thức bù cho đúng chỉ tiêu. Người cứ càng ngày càng dốc ra! Sinh viên Dạ Vi của trường Du Lịch lý luận như thế này: các kiểu quần áo bây giờ không bó thì ôm, nếu không có được mốt mình dây lý tưởng thì không thể mặc được những bộ đồ đó. Buồn nhất là khi đi xin việc, các nhà tuyển dụng nhìn thấy mình không có được thân hình hấp dẫn là họ lắc đầu liền dù mình có chuyên môn vững đến đâu! Nhịn là vì…tương lai chứ bộ!

Tôi thì cho là tại các ông thi sĩ. Chẳng thấy ông nào đưa các thân hình phốp pháp vào thơ mà cứ mảnh mai mà ca tụng. Đầu têu là ông Nguyễn Du. Mai cốt cánh, tuyết tinh thần! Theo chân vị thi hào này là tất cả các ông gieo vần khác. Cứ mở bất cứ tập thơ nào cũng có thể tìm thấy một vóc hạc mình mai trong đó. Muốn đi vào thơ thì chỉ có con đường nhịn! Thi sĩ của chúng ta hơi đông. Chẳng có cách gì mà hài ra cho hết những bóng dáng liễu yếu đào tơ trong vần điệu của các ông. Tôi chỉ nắm áo được ông Nguyễn Nam An, vì ông ấy có cái tội tặng thơ cho tôi!

o là o nhỏ o đi
từ trên phương bắc về chi phương này
o là o nhỏ o gầy
không!
mảnh mai chút một ngày nắng xa.

06/2005