Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

NOEL

Tối qua tôi coi từ đầu tới cuối chương trình Victoria’s Secret Fashion Show trên TV. Phải nói là ngắm thì đúng hơn là coi. Bởi vì hầu hết những chân cẳng nổi tiếng trên thế giới đều có mặt. Nào Heidi Klum, nào Naomi Campbell, nào Tyrabank, nào Gisèle Bundchen. Vân vân và vân vân. Nghĩa là còn nhiều các cô người mẫu super khác mà tôi hoa mắt chẳng nhớ được hết. Đó là một chương trình thời trang tổ chức nhân dịp Giáng Sinh. Mà Victoria’s Secret thì áo quần phải thuộc loại…secret, tiếng Việt ở nước Việt ngày nay gọi là “nội y”!Mà áo quần gì đâu! Cái nào cái nấy xinh như cái lá đa đâu có thể rộng lượng gọi là áo quần được. Huống chi là áo quần Noel. Vậy mà cũng…Christmas ra phết! Một em chân dài mắt sáng làm bà Noel. Cái mũ trên đầu thì đỏ trắng lông liếc theo đúng truyền thống. Cái gọi là áo chỉ là một tấm vải ngắn cũn cỡn trên vai. Cái gọi là quần thì chưa được một gang đỏ viền lông trắng. Vậy mà trông đã ra dáng bà Noel liền. Chỉ phải cái tội không được già! Nhưng nếu bà Noel mà già thì tôi đã chẳng nhập vào được cái hừng hừng hứng khởi vào mùa Giáng Sinh. Qua một đêm, sáng nay, tưởng cái hứng khởi đã phai nhạt. Nhưng không, lòng vẫn phơi phới, tôi chặc lưỡi: phóng túng một chút có chết ai đâu. Nương vào mùa lễ thử chơi khác một chút coi. Cứ bạ đâu nói đấy, lan man chẳng cần buộc mình vào một thứ tự nào cả. Thử coi!

Tôi có đọc được một bài viết nhỏ trên báo Ngôi Sao Online ở trong nước. Tác giả bài viết bảo là không thể có bà Noel được. Lý do? Nhiều lắm! Thứ nhất, làm gì có người đàn bà nào chịu mặc có mỗi một kiểu áo năm này qua năm khác, chẳng có thay đổi gì cả. Thứ hai, làm gì có bà nào chịu dính than dính bụi khói khi leo ống khói vào trong nhà các em nhỏ để tặng quà. Thứ ba, có bà nào chịu muôn năm mang bộ tóc trắng không được nhuộm xanh đỏ tím vàng gì cả. Thứ tư, có bà nào chịu nhận mình là bà khơi khơi cho nó già người đi. Bốn lý do đều đáng xổ toẹt. Rõ ràng tối hôm qua tôi đã thấy trên TV bà Noel da thịt nhiều hơn quần áo, tóc punch xanh đỏ, da dẻ nõn nà chẳng vương bụi khói, miệng cười toe toét trẻ măng. Có điều để bà Noel này đi phát quà cho trẻ em thì…uổng! Nên dành cho người lớn thì vui hơn!

Bà già Noel, để dành đó. Nói thêm nữa e rằng tôimất vui đi. Tôi thấy đã tới lúc cần chơi trò lăng ba vi bộ, hướng mục tiêu qua ông già Noel. Cái ông già tuy phúc hậu nhưng cũ xì này còn có gì để nói? Vậy mà cũng còn khối chuyện. Chuyện tính toán phân ly đàng hoàng. Theo thống kê thì trên thế giới này có 2 tỷ trẻ em dưới 18 tuổi. Nhưng con số chóng mặt này, ông già Noel không take care hết. Có những em không có quà như các em mà gia đình theo đạo Phật, đạo Hồi, đạo Do Thái và Ấn Giáo chẳng hạn. Tổng số các em này chiếm khoảng 15%. Như vậy cái thân già chỉ còn phải ôm quà đi cho 378 triệu con nít. Giả sử mỗi gia đình có trung bình 3,5 em thì ông già áo đỏ viền lông trắng phải quá bộ ghé tới 91,8 triệu ngôi nhà tất cả. Bây giờ chúng ta cứ cho là ông già Noel đi từ đông sang tây thì, theo chuyển động của trái đất và cách phân chia múi giờ, ông già có một ngày Noel không chỉ có 24 tiếng mà là 31 tiếng đồng hồ. Trong 31 tiếng phù du lễ lậy này, ông già tội nghiệp sẽ phải ghé thăm 822,6 căn nhà trong một giây! Lại giả sử 91,8 triệu căn nhà này được chia đều nhau quanh trái đất, chúng sẽ nằm cách nhau chừng 1,25 cây số. Như vậy, ông cụ áo đỏ phải ngốn tất cả 120 triệu cây số đường đất. Tốc độ di chuyển để có thể hoàn thành nhiệm vụ của ông là 1.040 km/giây, sơ sơ gấp ba ngàn lần tốc độ âm thanh!

Để hoàn tất một công việc siêu tốc như vậy, ông già dùng phương tiện di chuyển nào? Ông cưỡi tuần lộc. Tuần lộc là một con vật chạy dưới đất, tốc độ chắc không bằng ngựa. Vì vậy nên ông già dùng tuần lộc biết bay. Nhưng giới khoa học cho tới nay vẫn chưa tìm được một giống tuần lộc nào biết bay. Nói là chưa chứ không phải không vì trong số khoảng 300 ngàn loài vật chưa được phân loại biết đâu chẳng có giống tuần lộc biết bay! Không những biết bay mà còn bay với một đống quà nặng trên lưng. Nặng bao nhiêu? Lại giả sử mỗi đứa trẻ chỉ nhận được một gói quà nặng 900 gram thì nguyên số quà sẽ nặng 321.300 tấn. Tuần lộc trên mặt đất chỉ có thể chở nặng tối đa là 130 kí, cứ cho là tuần lộc “thần” biết bay chở nặng gấp 10 lần đi thì cũng cần phải có 214.200 con tuần lộc hè nhau mà kéo. Điều này làm tổng trọng lượng chuyến xe tăng lên tới 353.430 tấn! Đó là chưa kể trọng lượng cỗ xe!

Bây giờ để cho các chuyên gia về không gian nói chuyện! Với một trọng lượng 353.430 tấn bay với tốc độ 1.040 km/giây sẽ tạo một lực ma sát rất lớn với không khí làm cho những chú tuần lộc nóng lên giống như khi phi thuyền không gian trở về với bàu khí quyển trái đất. Cả đoàn tuần lộc sẽ nổ tung, hóa thành hơi trong vòng 4,28 phần ngàn giây! Trong khi đó ông già Noel sẽ phải chịu một lực ly tâm lớn hơn gấp 17.500 lần trọng lực trái đất. Lại giả sử cái ông già to béo có cái vòng số 2 quá cỡ này chỉ nặng 125 kí thì ông sẽ bị dán chặt vào thành sau chiếc xe bởi một lực 2.157.507 kí! Còn gì là ông già tốt bụng!

Nhưng đừng lo, trong thời buổi cloning , ông già khôn ngoan này biết cách tự clone mình thành nhiều phiên bản giống nhau như đúc trẻ em chẳng thể nào nhận ra được. Quà vẫn cứ đến tay các em đúng hẹn như thường, miễn là cha mẹ các em biết…thủ tục đầu tiên. Thời buổi…business này, ông già Noel cũng biết làm thương mại. Ông nhận tiền để đi trao quà dùm cho người khác. Chỉ riêng ở Saigon, từ đầu tháng 12, đã bắt đầu tuyển ông già Noel. Điều kiện: mập, ưu tiên cho người có bụng phệ, đứng tuổi, đeo kính càng tốt (những điều kiện này phần lớn các ông bạn của tôi đều dư sức qua cầu!), yêu mến và thích trò chuyện với trẻ em, ưu tiên cho những người thích vui nhộn và có khiếu hài hước. Đó là tiêu chuẩn do Công Ty Lửa Việt đưa ra. Mỗi ca làm việc 8 tiếng, ông già Noel được lãnh 40 ngàn đồng cộng thêm chi phí xăng nhớt 15 ngàn đồng. Tổng cộng khoảng 5 Gia kim. Với 5 Gia kim bỏ túi, ông già Noel phải chạy…văng bốt! Chị Phan Thúy Thanh, nhà ở Bình Dương cho biết là năm ngoái, chị nhờ công ty dịch vụ ông già Noel tới nhà tặng quà cho con chị vào 8 giờ tối đêm Giáng Sinh. Mãi tới 11 giờ ông già bơ phờ mới vác xác đến. Vừa mới tới cửa, ông vứt xe đánh rầm trước nhà rồi lăn đùng trên ghế xích đu đặt trước hàng hiên nhà chị, miệng lào thào qua hàng râu nhựa bơ phờ: “Chị cho em xin ly nước!”. Còn con của chị, nhân vật chính sẽ được ông già trao quà thì đã ngáy pho pho từ hồi nào!

Để cải thiện tình trạng…mất mặt này, 80 ông già Noel khắp thế giới vừa có một cuộc họp tại Copenhagen, Đan Mạch vào mùa hè vừa qua. Đây là cuộc họp thường niên được tổ chức đều đặn mỗi năm kể từ năm 1963. Đặc biệt năm nay, ông già Noel Nhật Bổn đưa ra một đề nghị và được Hội Nghị đồng ý cái rụp là: sẽ có hai ngày Noel trong một năm. Một cho Nam bán cầu vào ngày 25/7 và một cho Bắc bán cầu vào ngày 25/12. Với quyết định này, các ông bà Noel sẽ tránh được căn bệnh của thời đại là bệnh stress!

Chúng ta đã có một thời dệt mộng…quà cáp với ông già Noel. Con cháu chúng ta ngày nay cũng vẫn cứ mộng mị như chúng ta xưa. Có người cho đây là một cú lừa ngoạn mục trong mùa lễ nhưng cũng có người cho đây là một nét đáng yêu cho tuổi nhí. Nếu cuộc đời cứ được bóc trần trụi ra hết thì…sa mạc biết mấy! Còn đâu cho thơ ngây, còn đâu cho mơ mộng, còn đâu cho hương hoa mật ngọt của cuộc sống! Tại một nhà trẻ trong vùng Montreal, 21 em bé tuổi mầm non đã có một buổi…hội thảo về nhân vật Ông già Noel. Bàn về tuổi tác của người râu tóc bạc phơ, em Aidan Diamant không chút lưỡng lự: “Ông ấy cũng 5 tuổi, giống em!” Tại sao ông ấy có râu? Em Mikayla Dinucci giơ tay: “Để giữ cho mặt ông được ấm trong mùa đông!” Nhà ông ấy ở đâu? Em Gabriel Nadeau nhe hàm răng sún: “Ông ấy ở Bắc Cực. Cách đây chừng 50 cây số!” Sao ông ấy mập thế? Tất cả đều đồng ý là ông ấy lười không chịu tập thể dục lại thêm chỉ ăn toàn bánh với sữa trộn thêm hàng đống chocolat! Tại sao tóc ông ấy bạc? Peter Yeats nói ngay: “Tại vì ông ấy già.” Bé Zoe cãi lại: “Bà tui cũng già mà tóc đâu có bạc. Bả nhuộm tóc!” Tại sao ông ấy chui vào nhà qua ngả ống khói? Merrick Duranleau trả lời không do dự: “Tại vì ông ấy không có chìa khóa nhà!” Bé Kia, nhà không có ống khói, cãi lại liền: “Ba tui bảo là ông ấy có một chiếc chìa khóa đặc biệt để mở cửa nhà, nhưng ông ấy cũng có thể đi xuyên qua tường được!”

Không bận tâm với ông già Noel, em Nick Waters, 14 tuổi, sanh ra đã không có tay và không nói được, chỉ tin vào con người. Mười ba cái lễ Noel trước, em đều phải nằm trong bệnh viện. Năm ngoái, năm đầu tiên em được mừng lễ ở nhà, nhà thờ nơi em cư ngụ muốn thực hiện cho em ước mơ của đời em. Được hỏi, em dùng chân đánh máy nguyện ước của em: muốn nhận được thật nhiều thiệp chúc mừng Giáng Sinh, mười ngàn cái! Chỉ trong vòng hai tuần lễ, em nhận được 130 ngàn thiệp đến từ khắp nơi: Hoa Kỳ, Do Thái, Ethiopie, Hương Cảng, Hòa Lan, Ireland, Úc và Canada! Mỗi ngày các bạn em, gia đình và những thiện nguyện viên phải tới phòng khách nhà em để phụ mở và đọc thư cho em. Chưa bao giờ người ta thấy em vui như vậy. Bố mẹ em muốn mùa Giáng Sinh kéo dài mãi, đừng bao giờ hết, để họ nhìn thấy những nụ cười hiếm hoi của đứa con tật nguyền.

Hang đá, nơi Chúa được sinh ra lại là một nét khác của Giáng Sinh. Trải qua hai ngàn năm, nơi Chúa xuống làm người đã được cách điệu rất nhiều. Mỗi nước đều có một kiểu hang đá riêng phù hợp với cuộc sống bản xứ. Tại Việt Nam chúng ta, hang đá tại nhiều nơi không còn là một cái hang mà cũng chẳng có một hòn đá. Nơi Chúa xuống thế làm người đã mang dáng dấp một mái tranh nghèo nàn bên bờ một giếng nước với những hàng cau thẳng tắp của một vùng quê Việt Nam. Mỗi nước cho chiếc hang đá một khung cảnh khác nhau để kéo Chúa Hài Đồng tới gần gũi hơn. Tại Giáo Đường Thánh Giuse ở Montreal hàng năm đều có mở một phòng triển lãm Hang Đá trên tầng lầu của Thánh đường. Người ta sưu tầm các kiểu hang đá từ cả trăm quốc gia mang về tập trung lại cho khách hành hương thưởng lãm. Mỗi nơi một kiểu, mỗi quốc gia một hình dáng, người xem như thấm tinh thần nhập thế của Đấng Tạo Hóa: Chúa xuống cho mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ và quốc gia.

Cũng tại Montreal của tôi, một hang đá với những tượng lớn bằng khổ người thật đã được thiết lập ngoài trời tại khu Montreal Cổ vào cuối tháng 11 năm nay. Hang Đá vừa hoàn thành thì ngay tối hôm đó đã bị…tan tác. Thánh Giuse, Đức Mẹ và lừa ngựa đều bị bẻ tay, sứt chân, bứt tai và gạch nát tứ tung. Còn Chúa Hài Đồng thì bị rinh đi mất. Cha Michel Beauregard, người tạo ra hang đá nguy nga này tại Place Jacques Cartier, đã than trời như bọng. Ông nài nỉ người nào ẵm Chúa đi xin hãy trả Chúa về. Bức hình chụp trên báo cho thấy ông đứng vào máng cỏ trống rỗng để kêu gọi kẻ phá phách hãy vì mọi người mà cho Chúa quy hồi Thánh gia. Nhưng lời kêu gọi của ông như gió giữa đồng không mông quạnh. Ông đành phải tốn thêm 500 đô để làm một tượng Chúa khác. Lần này, ông báo động trước là Chúa đã được cột kỹ lưỡng và một máy thu hình đã được đặt trên tường tòa cao ốc kế cận. Đừng có dại dột mà thỉnh Chúa đi nữa!

Santa Claus, thiệp Giáng Sinh và hang đá là những thứ mang con người vào mùa ân phúc. Nhưng tôi lại mặn với nhạc Giáng Sinh hơn. Kể cũng lạ, quanh đi quẩn lại năm nào cũng chỉ từng ấy giai điệu xưa cũ, nghe tưởng phải nhàm chán, nhưng mỗi năm hình như những bài ca bất hủ này vẫn còn đủ sức cõng chúng sinh vào không khí ngày Chúa giáng trần. Nhất là khi chúng ta đi trong những shopping malls, những Jingle Bells, Silent Night, We Wish You A Merry Christmas, White Christmas…vẫn dẫn dắt con tim chúng ta phơi phới vào hội, và nhân tiện dẫn dắt những đồng tiền chắt chiu cả năm dễ dãi chui ra khỏi túi chúng ta.

Nhạc Giáng Sinh, hình như chúng không bao giờ cũ, nhưng người ta vẫn muốn làm mới chúng. Từ năm 1993 một hãng đĩa đã tung ra đĩa thu thanh bài Jingle Bells do ban hợp ca gồm toàn các chú và các nàng miu miu lấy tên là ban Jingle Cats trình bày. Mới đây, để thêm phần mới lạ, một ban cẩu ca có tên là Jingle Dogs đã trình làng đĩa Jingle Bells Dog Mix mà ca sĩ toàn là các chú gâu gâu. Giám Đốc sản xuất Mike Spalla của hãng đĩa cho biết là để có một đĩa nhạc cẩu ca, họ đã phải thu thanh tiếng sủa, tiếng hú, tiếng rên của trên một trăm ca sĩ bốn chân trong hai năm liền tại thành phố Los Angeles và Ventura, California rồi ghép lại thành bản nhạc. Những đĩa nhạc…chó mèo này không chỉ được dân Mỹ khoái nghe mà các dân Ba Tây, Nhật Bản, Hương Cảng, Ấn Độ và Anh cũng rất hâm mộ.

Chó mèo chỉ biết kêu và sủa. Hát, nhất là hát nhạc Giáng Sinh, cần đặt tất cả hồn vào bài hát thì bài hát mới tỏa ra được tất cả cái thần của chúng. Tôi nhớ lại những ngày ở dorm International Center của Đại Học University of the Phillippines, Quezon City, gần thủ đô Manila, Phi Luật Tân. Trong dịp Giáng Sinh, nhóm sinh viên quốc tế chúng tôi gồm vài chục quốc tịch đã xúm nhau lại tập hát bốn bè những bài ca truyền thống. Đêm Thánh, chúng tôi lặng lẽ đi từng dorm của các sinh viên Phi khác, ngọn đèn cầy leo lét trên tay mỗi người, đứng ngoài sân tối, cất tiếng hát tỏa lên trời cao để ngợi ca an bình cho mọi người. Người hát cũng như người nghe, mắt đẫm lệ, chúng tôi quyện những tâm hồn đơn lẻ vào nhau. Bởi vì chúng tôi đều là những kẻ xa nhà trong một đêm mà sự xum họp như một hơi ấm ôm ấp lấy mỗi tâm hồn đang khát khao đoàn tụ.

Một ngày cuối tháng tư ở Việt Nam, giữa cái nắng chang chang của Sài gòn, bài White Christmas đã vang lên một cách lạc lõng trên đài phát thanh của người Mỹ. Đó là hiệu lệnh ngầm của một cuộc trở về. Người Mỹ đã vội vã kéo nhau lên máy bay trốn chạy  giờ phút tàn tạ của cuộc chiến mà họ đã đổ vào rất nhiều nhân mạng, rất nhiều tiền bạc và rất nhiều những lời hứa hẹn với những người mà họ gọi là đồng minh. I’m dreaming a white Christmas… Họ đã trở về nơi chốn bình an. Nhưng tâm hồn họ có sự bình an của mùa phúc lành không?

12/2005