Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

25/12

Tôi nghĩ chắc Chúa buồn lắm. Người ta đã buôn Chúa. Ngày Chúa còn sanh tiền, thấy người ta buôn bán trong đền thờ, Chúa đã tức giận xua đuổi con buôn chạy tán loạn. Vậy thì không có lý gì mà Chúa không giận khi ngày nay Giáng Sinh đã bị thương mại hóa. Người ta mừng ngày sanh của Chúa như thế nào? Kéo nhau hàng đàn hàng lũ đi shopping. Con buôn hân hoan tìm đủ cách để moi tiền khách hàng. Khách hàng vui vẻ móc hầu bao chi cho những thứ không cần thiết hàng ngày. Rồi rượu chè, hút sách, ăn uống gấp mấy ngày thường. Mặt mày người nào người nấy tươi rói, khác hẳn những bộ mặt bí xị vì nợ nần sau ngày lễ. Mừng lễ Chúa ra đời nhưng Chúa đâu? Chẳng ai thèm biết Chúa ở đâu! Chúa cũng phải giận chứ!

Nhưng chắc Chúa cũng chẳng có lý do gì mà giận. Bởi vì Chúa có sanh ra vào ngày 25 tháng 12 đâu! Thánh Kinh không nói năng gì tới ngày sanh của Chúa. Vậy thì tại sao lại có ngày 25 tháng 12? Có nhiều truyền thuyết về cái ngày…bá vơ này. Có thuyết cho rằng ngày 25 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia của thời La Mã. Đó là lễ Sinh Nhật của các thần Osiris, JupiterPlutus. Trong ngày này, người La Mã vui chơi như một lễ hội lớn. Những người theo Thiên Chúa Giáo hồi sơ khai đã tương kế tựu kế, cũng vui chơi như mọi người, nhưng đặt đó là ngày sanh của Chúa để vui chơi cho có…chính nghĩa. Đạo Thiên Chúa chỉ thờ có một Chúa chứ không có vị thần nào cả, nếu vui chơi trong ngày sanh của các thần thì chẳng ra làm sao. Vậy là Chúa bị ép sanh vào ngày này vì lợi ích chung của người theo Chúa! Cũng vẫn theo giả thuyết này thì người đã ép Chúa sanh vào ngày 25 tháng 12 là Giáo Hoàng Julius I, vào năm 320. Nghĩa là 3 thế kỷ sau! Một giả thuyết khác của người Do Thái cho rằng Chúa sanh vào ngày Hội Ánh Sáng của người Do Thái, nhằm vào ngày 25 tháng 12. Một giả thuyết khác lại cho rằng ngày Giáng Sinh được tính toán hẳn hoi. Thông thường thì các nhà tiên tri trong Cựu Ước chết vào ngày sinh hay ngày Hiển linh của họ. Đối với Chúa, người ta cho rằng Chúa sanh vào ngày Hiển linh của Người, nghĩa là 9 tháng sau ngày thứ sáu Tuần Thánh, tính ra vào ngày 25 tháng 12 hay ngày 6 tháng giêng. Người ta chọn ngày 25 tháng 12.

Đó là chuyện ngày xưa. Ngày nay người ta tính toán theo khoa học và cũng thấy ngày 25 tháng 12 là trật lấc! Một số nhà thiên văn học người Úc đã tính như thế này : theo Kinh Thánh, trong đêm Chúa chào đời, ba nhà thông thái, thường được gọi là ba vua, đã tới Bethlehem để tìm Chúa dựa theo một ngôi sao sáng mà ngày nay chúng ta gọi là sao Giáng Sinh. Trước đây, các khoa học gia suy đoán rằng vì sao dẫn đường này là một sao cực lớn đang nổ tung hoặc là một sao chổi vì nó phát ra ánh sáng cực mạnh, khác các ngôi sao khác trên bầu trời. Tuy nhiên chưa có ai tìm ra những bằng chứng khả dĩ có thể chứng minh cho giả thuyết này. Mới đây, nhà thiên văn học Úc Dave Reneke và một số đồng nghiệp đã dùng phần mềm của computer để xác định vị trí chính xác của các thiên thể trong đêm Giáng Sinh hơn hai ngàn năm trước. Ông cho biết : “ Chúng tôi có một phần mềm có khả năng tái hiện vị trí các ngôi sao trên bầu trời trong mọi thời điểm trong vài ngàn năm”. Nhóm các nhà thiên văn học này ước định rằng một vì sao sáng như vậy có thể là sự liên kết giữa sao Kim và sao Mộc trong chòm sao Hải Sư. Khi di chuyển tới gần nhau, hai hành tinh này phát ra ánh sáng có cường độ rất lớn. Để tính toán, họ giả thiết rằng Chúa được sanh ra trong khoảng thời gian từ năm thứ ba trước Công nguyên cho tới năm thứ nhất sau Công nguyên. Họ tìm vào Kinh Thánh để tham khảo thêm. Kinh Thánh có bốn bộ do bốn tác giả đều là các Tông Đồ theo Chúa viết lại trong đó Kinh Thánh của thánh Matthews là quan trọng nhất. Giáo sư Dave Reneke kết luận : “ Phần mềm cho thấy sao Mộc tiến sát sao Kim vào năm 2 trước Công nguyên và hai sao này phát ra thứ ánh sáng cực mạnh vào đêm 17 tháng 6. Chúng tôi không khẳng định đó là sao Giáng Sinh, nhưng đây là lập luận đáng tin cậy nhất về mặt khoa học để giải thích nguồn gốc của nó. Các nhà thông thái nhầm tưởng hai ngôi sao đó là một nên lấy làm mốc để tìm kiếm Chúa Hài Đồng”.

Trước sau gì, Chúa cũng không được sanh ra vào ngày 25 tháng 12! Ngày này là một ngày…chính trị khi người Thiên Chúa giáo La Mã ngày xưa muốn lập lờ biến ngày thờ thần linh thành ngày vui của Chúa. Mừng là mừng Chúa chứ không phải mừng mấy anh thần vớ vẩn! Chúng ta ngày nay cứ thế mà theo. Lâu ngày thành nếp. Thôi thì cứ vui. Dầu sao chúng ta cũng có cái tinh thần của ngày lễ. Đó là sự an lành, mừng vui và sum họp.

Anh đã về! Noel này không lạnh nữa
Em ngửa mặt nhìn trời
trái tim mở
hân hoan
Bao muộn phiền trôi vào gác chuông yên ngủ
Thả tiếng cười bay. Ô! Jingle Bell…
Em như chú chuột Jerry nhảy nhót trên phím dương cầm
Như con tuần lộc kéo chiếc sleigh vút giữa trời tuyết trắng
Chúng ta bên nhau đôi bàn tay ấm
Nở lại giấc mơ đời xanh biếc những vì sao
Thắp lên ngọn nến tình một lần lơ đãng
Ta đánh rơi giữa trời lạnh Giáng Sinh xưa
Vâng. Anh đã về!
Noel không bao giờ lạnh nữa
Em ngửa mặt đón trời
trái tim mở
hân hoan!
(Trần Thị Cổ Tích)

Những câu thơ…sum vầy của Trần Thị Cổ Tích làm tôi nhớ tới bài hát nổi tiếng “I’ll Be Home for Christmas” lần lượt do Bing Crosby, Perry Como và Frank Sinatra hát. Bài này cùng với bài “White Christmas” là hai bài tiêu biểu và được hát nhiều nhất trong dịp Giáng Sinh. Dân Việt chúng ta có một kỷ niệm u buồn với bản “Giáng Sinh Trắng” này. Đó chính là bản nhạc hiệu cho cuộc tháo chạy của người Mỹ tại Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. Giữa cái nóng vì thời tiết và vì tình hình chiến sự, đài phát thanh của người Mỹ ở Việt Nam bỗng phát bài hát Giáng Sinh không đúng mùa. Vậy là họ nhanh chóng tới điểm hẹn để được bốc đi. Họ cũng trở về nhà nhưng là một cuộc trở về đầy hổ thẹn, khác xa với những cuộc sum họp khác. Ngày 4 tháng 10 năm 1943, danh ca Bing Crosby thu âm bản “I’ll Be Home for Christmas” với dàn nhạc John Scott Trotter. Lập tức bản nhạc của ba tác giả Buck Ram, Kim Gannon và Walter Kent này trở thành bản nhạc được hát nhiều nhất trong dịp Giáng Sinh. Một năm sau, năm 1944, Mỹ tham chiến trong trận Thế Chiến Thứ Hai, quân nhân và thường dân Mỹ rời xa đất mẹ qua Âu Châu sát cánh bên quân đội Đồng Minh, bản nhạc trở thành ước mơ trở về bên bếp lửa gia đình của các quân nhân Mỹ. Đó là bản nhạc được quân nhân Mỹ đang chiến đấu ở Âu Châu và Thái Bình Dương yêu cầu nhiều nhất. Tờ tạp chí Yank, tập san của GI Mỹ, viết là Bing Crosby là người có công nhiều nhất trong việc nâng cao tinh thần của quân đội Mỹ vào thời gian đó . Khi quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam, thường mỗi dịp Giáng Sinh, Bing Crosby lại sang trình diễn tại Việt Nam cho quân đội Mỹ khiến bản nhạc trở thành quen thuộc với ngay cả người Việt chúng ta. I’ll be home for Christmas /  You can plan on me / Please have snow and mistletoe / And present on the tree / Christmas Eve will find me / Where the lovelight gleams / I’ll be home for Christmas / If only in my dreams. Tôi sẽ về nhà trong lễ Giáng Sinh. Hãy tin tôi đi. Hãy dành tuyết và cây tầm gửi. Và quà trên cây thông . Lễ Giáng Sinh sẽ thấy tôi. Trong ánh sáng yêu thương. Tôi sẽ về nhà trong lễ Giáng Sinh. Dù chỉ là trong mộng.  Chỉ với những lời hát mộc mạc, đơn giản này, ước vọng sum họp với những người thân trong ngày lễ trọng đại này đã nung nấu con tim những kẻ xa nhà. Tâm tình con người đâu đâu cũng giống nhau. Người Việt chúng ta, mỗi dịp Tết đến đều tìm đường về sum họp với gia đình. Nếu không về được thì khắc khoải, tiếc nuối và cảm thấy cô đơn trong những ngày đáng lẽ mình phải có mặt bên những người thân.

Hãy để quà trên cây thông Giáng Sinh cho tôi. Sum họp với nhau trong ngọn lửa ấm cúng gia đình, bỏ ngoài cửa cái giá lạnh của băng tuyết, chúng ta thường tặng quà cho nhau như một cách biểu lộ tình thương yêu. Tình thương nằm trong sự chú ý lẫn nhau, mỗi người đều hiểu những sở thích, ước muốn của người khác. Đêm Giáng Sinh, mọi người quây quần bên cây thông rực rỡ đèn hoa, những gói quà được mở ra. Những cái hôn trao nhau. Mọi khuôn mặt đều rạng rỡ niềm vui. Nếu mở quà trước cái đêm an lành này thì hết…an lành! Cô Misty Johnson ở thành phố Rock Spring đã 34 tuổi mà còn nóng. Cô vớ con dao nhà bếp đâm anh chồng Shawn Fay Johnson vài nhát vào ngực. Tội của anh là mở quà sớm trước Giáng Sinh. Lúc đó là 1 giờ sáng ngày 19/12/2007 và anh chồng dư tính tò mò này đã vội kêu 911. Chỉ một phút sau, cảnh sát đã tới và gọi xe cứu thương đưa anh vào bệnh viện. Cô vợ thì đi về bót cảnh sát và chỉ được tạm tha sau khi đóng tiền thế chân 7.500 đô. Họ chỉ mới kết hôn được ba tháng!

Quà cáp như vậy chẳng nên. Mất an lành nặng! Một anh chồng mới cưới vợ đi tìm cho cô vợ mới một món quà Giáng Sinh hoàn hảo nhất. Anh mất bao nhiêu thời gian nghiên cứu các tạp chí thời trang, bỏ hàng giờ vào internet tìm những trang bán hàng, xục xạo trong các shopping center. Vậy mà món quà anh kiếm vẫn chưa thấy đâu. “Trong tâm trạng chán nản, anh thở dài quay trở lại cửa ra. Và đột nhiên anh nhận ra món quà hoàn hảo mà anh sẽ trao tặng cho em. Không, đó không phải là món đồ trong gian hàng hào nhoáng kia, nó cũng không được gói cẩn thận trong những tờ giấy màu sắc hay trang trí bằng những dải ruy-băng cầu kỳ. Thậm chí nếu có mua nó anh cũng không nhận được hóa đơn tính tiền và cũng không thể mang đổi trả lại. Em tò mò muốn biết món quà đó ở đâu và nó là gì phải không? Anh đã tìm thấy nó trong ánh mắt ấm áp của đôi vợ chồng già cùng nhau dạo trong siêu thị. Anh đã nghe thấy nó trong những lời nói yêu thương của người cha với cô con gái nhỏ. Anh còn thấy nó trong cử chỉ hãnh diện của cô gái với niềm vui được làm mẹ. Đúng vậy, món quà đó là Tình Yêu! Em yêu, Giáng Sinh này anh đã tìm ra món quà tuyệt vời nhất, đó là tình yêu anh dành trọn cho em. Chúc em Giáng Sinh hạnh phúc! Anh yêu em!” Chắc có người thích món quà này, có người không. Cái lóng lánh của tình yêu không nhìn rõ như cái lóng lánh của hột xoàn. Phải có một tâm hồn như thế nào mới nhìn ra được. Mấy câu trên tôi trích ra trong bản dịch bài Inspirational do các bạn trẻ trên trang TuoitreUSA dịch và để trên mạng. Tuổi trẻ ngày nay vẫn còn nhìn thấy cái cốt lõi yêu thương của món quà Giáng Sinh. Tuổi già thì nhìn thấy đứt đuôi rồi. Chẳng gì cũng gần trăm năm sống trên đời, khổ đau cũng nhiều, hạnh phúc cũng lắm. Đã qua những mất mát, những kiếm tìm, những sở đắc, làm gì mà không nhìn ra. Tôi chuyển bản dịch này cho mấy ông bạn của tôi và thấy những phản hồi đáng yêu. Các ông, thay vì lui tới hội già, đã vợ chồng dắt díu nhau ra  các shopping center, tay trong tay làm gương cho lũ trẻ. Có điều lũ trẻ nhìn ra món quà tình yêu nơi các ông bà bạn tôi nên không cần móc hầu bao trả cho những anh con buôn Chúa. Nhưng mấy ông bạn tôi thì lại tốn tiền, cằn nhằn tôi xúi dại,vì đàn bà bao giờ chẳng là đàn bà dù đã tới tuổi đi không muốn vững!

Đâu có phải ai cũng như cặp vợ chồng già người Anh Stephen và Glynis Woolner. Nói là già nhưng thực ra họ chỉ mới 56 tuổi. Năm 1978, họ tặng nhau quà là một tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh cho nhau. Khi ngày lễ đã qua, họ gói cây thông và các đồ trang trí, cất đi để dùng cho năm tới. Họ vô tình gói luôn cả tấm thiệp vào. Năm sau đó, khi mở gói đồ ra để xài lại, ông Stephen tình cờ thấy tấm thiệp. Ông vốn có máu tinh nghịch nên gửi lại tấm thiệp cho bà như một trò đùa. Bà gửi lại ông trong năm kế tiếp nữa. Mỗi năm họ lại viết một lời chúc mới trên tấm thiệp. Và họ gửi đi gửi lại cho nhau như vậy trong 29 năm! Bà Glynis thổ lộ với tờ báo The Sun: “Chúng tôi lấy keo dính thêm những mẩu giấy vào tấm thiệp để có thể tiếp tục viết lời đề tặng. Bạn bè chúng tôi thường trêu chọc hai vợ chồng và nói rằng: ‘Này, không phải lại là tấm thiệp cũ rích đấy chứ?’ nhưng tôi và Stephen thích trò chơi này. Nếu bây giờ anh ấy mua cho tôi một tấm thiệp mới, tôi sẽ không chấp nhận!” Biết nhìn vào trong lòng gói quà mới thấy cái giá trị đích thực. Vợ chồng cặp tài tử xi nê nổi tiếng Brad Pitt và Angelina Jolie thì thiếu gì tiền. Có mua cả xe quà cũng là chuyện nhỏ. Vậy mà năm nay họ chẳng bỏ một xu ra cho quà cáp trong gia đình. Ông bố của bày con sáu đứa đến từ khắp nơi trên trái đất, mang đủ màu da, đã tâm sự với báo Hello! : “Chúng tôi sẽ trao đổi quà tặng Giáng sinh cho nhau, gọi là quà cho to tát chứ chỉ đơn giản là những món đồ nho nhỏ xinh xinh do tôi, Jolie và lũ trẻ tự tay chuẩn bị mà thôi. Chẳng ai nghĩ đến chuyện nó phải đáng giá hay phải đắt tiền...”. Brad Pitt cũng tiết lộ thêm lũ trẻ nhà anh không được phép xem truyền hình nhiều, kể cả những chương trình hoạt hình vì ông bố điển trai cho rằng chúng đầy rẫy những ý tưởng không tốt cho trẻ nhỏ. “Bọn trẻ chẳng đòi hỏi quà tặng hay những đồ chơi đắt tiền, bởi chúng có xem tivi mấy đâu, nên chẳng có mấy khái niệm về những thứ xa xỉ đó. Cho những ngày lễ lớn, tôi và Jolie có chuẩn bị quà cho chúng, nhưng không có nhiều giá trị về mặt tiền bạc. Và bọn trẻ cũng phải có quà cho các anh chị em của mình, nguyên tắc là ai cũng phải làm một điều gì đó cho người khác”.

Đêm Giáng Sinh là đêm con người cảm thấy cô đơn nhất nếu không có gia đình, bạn bè hay bất cứ một bóng người nào bên cạnh. Như anh thủ kho một công trường trong truyện “Đêm Giáng Sinh” của nhà văn Trần Trung Sáng. Đó là một anh chàng hiền lành, nhút nhát, ký mọi giấy tờ theo lệnh. Hậu quả là anh mang nợ nhà nước đến cả trăm triệu đồng trong khi lương tháng không đủ đãi đằng bạn bè một bữa nhậu hạng trung. Anh đang muốn chết cho rảnh nợ. Đêm nay, đêm Giáng Sinh, người ta vui chơi, ăn uống, tiệc tùng bên những người thân thì anh thui thủi một mình ứng trực trong căn nhà kho quạnh quẽ. Bỗng có tiếng điện thoại reo. “Gã đứng dậy, lạnh lẽo đến nhấc ống nghe điện thoại: “A lô, tôi nghe đây, ai gọi ở đầu dây?” “Xin lỗi có phải cơ quan X đấy không?”Tiếng một cô gái vọng lại ở đầu dây. “Vâng, cơ quan X đây, địa chỉ đang được báo chí quan tâm, rất nổi tiếng trong thời gian gần đây đấy! Mà cô là nhà báo định điều tra chứ gì?”. “Không, tôi muốn gặp anh Quang, nhân viên bảo vệ”. Gã định trả lời không có, song cái giọng nói ngọt ngào trong trẻo của cô gái làm gã tiếc nuối, chần chừ. Gã trả lời bừa: “Tôi là Quang đây, cô là ai, từ đâu gọi đến?. Có tiếng cười khúc khích, dường như là đến hai ba cô gái đang tụm lại bên kia đầu dây. “Thôi đừng đùa, anh không phải là Quang. Nếu anh Quang về nhờ anh nhắn dùm có Lan, Oanh, Yến ở trường Trung Học Y Tế gọi đến hỏi thăm”. “À, tôi vẫn nghe Quang nhắc về các cô hoài!”. “Xạo đi, nhắc như thế nào?”. “Thì nhắc là các cô rất vui tính! Nhưng mà đêm Giáng Sinh sao các cô không đi chơi?”. “Tụi tôi ở xa đến học nội trú, đâu có quen ai. Hơn nữa đang ca trực!”. Bên kia đầu dây hai ba giọng nói thì thầm. Họ có vẻ định cúp máy. Cái cảm giác chết chóc nặng nề còn rờn rợn trong gã khiến gã vội vã trì hoãn: “Các cô vui lòng nói chuyện thêm một tí nữa đi. Chẳng dấu gì, tôi cũng đang trực. Công trường giờ này chỉ có mình tôi, buồn kinh khiếp! Các cô mà bỏ máy, tôi sẽ nằm lăn quay ra chết liền!”. “Nói chuyện hở? Chuyện gì bây giờ? Anh nói thử đi!” Gã thủ kho nói huyên thuyên. Từng hồi chuông nhà thờ vang lên ngân nga. Giờ này, theo truyền thuyết, ông già Noel đang vác quà đi tặng cho trẻ em. Gã bỗng nảy ra ý nghĩ muốn mang hết sắt, thép, xi măng của công trường ra tặng cho mọi người. Gã giả giọng làm ông già Noel gọi lại cho ba cô gái. “Một giọng sôi nổi hỏi lại: “Ông già Noel đó ư? Ông đang ở đâu đấy?” “Tất nhiên không phải ở trên thiên đường. Cũng không phải ở trên ống khói , bởi vì trường nội trú của các cô không có ống khói”. “Thế ông già Noel đang ở công trường X phải không?” Cả ba cô gái cùng cười vang vì lập tức họ đã phát hiện ra cái gã vớ vẩn ban nẫy….Cúp máy điện thoại, ông già Noel cảm thấy vui vui với mẩu chuyện vừa nghĩ ra. Ông đi đi lại lại quanh khắp công trường như ông già Noel trong truyền thuyết đang băng qua những cánh đồng tuyết mang quà tặng trẻ con. Ông không còn mang nỗi âu lo nợ nần oan ức của gã thủ kho lúc ban đầu. Ông yên tâm hồn nhiên chờ đợi để làm theo lời hứa với các cô gái, cho đến khi mê thiếp….”

Gã thủ kho cùng ba cô gái nội trú của trường Trung Học Y Tế đều cô đơn trong đêm thánh. Chỉ qua điện thoại họ cũng vẫn gần được nhau, cho nhau hơi ấm của tình người trong một đêm băng giá. Đêm Chúa mang thông điệp của tình yêu xuống thế làm người. Đó chính là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh.

Chuyện Chúa sanh ra vào ngày nào có chi là quan trọng!

12/2008