Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

THỨC

Thức là mắt mở thao láo trong đêm khuya. Ngày xưa ông Tú Vị Xuyên cũng thức như vậy. Thiên hạ có khi còn ngủ cả / Việc gì mà thức một mình ta! Ấy là ông Tú Xương suy nghĩ chuyện nước non mà thao thức. Ông Luân Hoán ngày nay cũng thức. Mỗi đêm ông chỉ ngủ được hai, ba tiếng là nhiều. Cứ khoảng 2 giờ sáng là mắt mở thao láo không ngủ được nữa. Ông cũng lo chuyện nước non chăng? Ông cười không trả lời. Vậy ông làm gì vào lúc nửa đêm, giờ tý, canh ba? Chẳng lẽ ông lại nhẩm lại câu vè tiếp theo vợ tôi con gái, đàn bà, nữ nhi? Ông lại cười. Cứ làm như mình là Ca Diếp chỉ cười một phát là người đối diện thông suốt ruột gan. Chơi ép nhau như vậy nhưng ông là người có tình với bạn bè. Có những buổi sáng tinh sương, vừa rời khỏi giường, mở computer, tôi thấy chình ình một bài thơ của ông gửi cho tôi vào lúc rạng sáng. À ra thế! Không ngủ được ông nằm làm thơ. Đại khái những câu như:

Ðêm nay em ngủ một mình
Còn ta vẫn ngủ với hình bóng em
Quờ tay ôm cái gối mềm
Mê man hôn cánh tay mình mê man

Mất ngủ, ông làm thơ ngủ mê man cho bõ ghét! Thi sĩ thú vị như vậy đó. Thức dậy giữa đêm vẫn có việc làm.

Tôi hiếm khi thức dậy giữa đêm. Ngủ là nghề của chàng. Chơi với ông Luân Hoán nhưng về chuyện ngủ ngáy tôi cật lực đối lập với ông. Thảng hoặc có khi nửa đêm thức giấc, tôi phải bày trò suy nghĩ để đêm bớt dài. Có lúc tôi suy nghĩ về một đề tài sắp viết, có lúc tôi cố nhớ lại những câu thơ sắp phải dùng tới, sao cho mình có vẻ bận rộn không thèm chú ý tới việc thức hay ngủ. Vậy mà được việc lắm. Hình như trong đêm khuya, một mình mình thức, đầu óc sáng sủa ra nhiều. Các chuyên gia của Đại Học Newcastle ở Anh bảo quả như vậy. Họ đã tiến hành phỏng vấn 1426 người từng có những ý tưởng hoặc phát minh mới. Khoảng 25% những người này cho biết là những ý tưởng mới thường nảy ra vào giữa buổi tối nhất là sau 12 giờ đêm. Còn ban ngày tại văn phòng hay tại các phòng nghiên cứu, trong khi phần lớn nhân loại làm việc thì họ chẳng nảy ra được những ý kiến gì mới. Trên 98% cho biết họ không có cảm hứng sáng tạo vào lúc mặt trời chưa đi ngủ này cho mãi tới tận khoảng 5 giờ chiều. Nhưng buổi tối thì mọi sự khác đi nhiều. Họ cảm thấy trí óc minh mẫn hơn. Cuộc khảo cứu vào năm 2006 này còn cho thấy những nhà thơ, họa sĩ và các nhà văn tỉnh giấc giữa đêm trường nhiều hơn các người khác. Những ý tưởng mới, những sáng tạo độc đáo thường cứ đêm đêm mới mò tới. Một nghiên cứu khác của Đại Học Sacred Heart ở Milan, Ý, còn cho thấy khoảng 75% những sáng tạo vào đêm khuya phải được ghi ngay nếu không thì sáng hôm sau sẽ quên béng hết. Có người ghi ngay vào lòng bàn tay trong tăm tối, có người mở đèn ghi vào giấy đàng hoàng. Cuộc nghiên cứu không nói nhưng tôi chắc những anh chị phải mò mẫm ghi trong bóng đêm là những người không ngủ một mình, còn những người hiên ngang bật đèn viết vào giấy là những người ngủ mình eng!

Thức giấc đêm khuya các ông nhà thơ mầy mò ra thơ. Đó là một cái hay chăng? Đồng tiền nào cũng có hai mặt, được mặt này lại mất mặt khác. Thức thì ra thơ nhưng thiếu ngủ. Ngủ không đẫy giấc người sẽ bải hoải mệt mỏi. Vậy ngủ bao nhiêu là đủ? Lý thuyết là từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày là đủ. Nhưng cũng tùy tuổi tác. Càng nhỏ càng cần ngủ nhiều. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần ngủ từ 14 đến 16 tiếng; trẻ từ 4 đến 6 tuổi cần ngủ từ 12 đến 14 tiếng; trẻ từ 7 đến 9 tuổi cần ngủ 11 tiếng; từ 10 đến 13 tuổi : từ 9 đến 10 tiếng; từ 14 đến 20 tuổi : từ 8 đến 9 tiếng. Trưởng thành từ 20 tuổi trở lên cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Rồi từ đó càng già càng ngủ ít đi. Thường thì chỉ ngủ được từ 5 tới 6 tiếng mỗi ngày. Tại sao già lại ít…nhắm mắt? Muốn biết tại sao phải coi xem ngủ nghĩa là gì. Khi con người học tập hay làm việc cả ngày thì tới tối tế bào thần kinh vỏ đại não sẽ mệt mỏi, đang từ trạng thái hưng phấn chuyển sang trạng thái ức chế. Chuyển biến này khuếch tán dần ra cho đến khi tới bến là khò khò liền. Người già thì cái chi cũng chậm đi, công năng vỏ đại não hoạt động cầm chừng chứ không hăng hái như hồi trẻ, tốc độ hấp thu và đào thải cũng giảm chậm, hoạt động thể lực cũng ầu ơ ví dầu, do đó thời gian ngủ cần thiết cũng giảm theo. Tục ngữ có nói : 30 năm đầu ngủ không tỉnh, 30 năm sau ngủ không say. Sáu mươi năm cuộc đời nửa xung nửa xìu. Khi đã tới nửa sau thì chỉ cần ngủ chừng 5 tới 6 tiếng là đủ. Ngủ ít hơn cũng mệt nhưng ngủ nhiều hơn cũng mệt! Theo thống kê thì già mà ngủ ít hơn 4 tiếng mỗi tối thì số tử vong cao gần gấp đôi so với người ngủ đúng tiêu chuẩn. Nhưng nếu chơi luôn cỡ 10 tiếng mỗi ngày thì cũng về với tổ tiên sớm hơn cỡ gấp đôi so với người ngủ vừa đủ!

Tiêu chuẩn ngủ vừa đủ theo tuổi tác là như vậy nhưng hầu như ai trong chúng ta cũng phàn nàn là mình thiếu ngủ. Có thiếu thật chăng? Giáo sư Jim Horne, người Anh, chuyên viên nghiên cứu về giấc ngủ hàng đầu thế giới bảo là tào lao. "Thực tế là hầu hết chúng ta đều đang được ngủ nhiều hơn mức cần thiết. Chúng ta chỉ tự huyễn hoặc mình rằng đang mất ngủ kinh niên mà thôi ". Giáo sư…ngủ này cho rằng một công nhân hồi 150 năm trước làm việc quần quật 14 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần và trở về nhà ngủ trên chiếc giường đầy bọ chét và chật ních người. Trong hoàn cảnh như vậy thì giấc ngủ rất khó khăn và vất vả. Ngày nay điều kiện ngủ của chúng ta thoải mái hơn nhiều. Thênh thang một mình hoặc hai mình một giường, phòng thông thoáng, quần áo rộng rãi thoải mái, nằm trên giường, nhắm mắt để đấy cũng đã là nghỉ ngơi rồi. Anh bạn già của tôi đã có lần hỏi : "Này ông, làm sao biết mình ngủ hay không? " Câu hỏi nghe ra thì lẩm cẩm nhưng cũng có lý. Chắc ai cũng có  lúc thấy mình nằm tơ lơ mơ trên giường, rõ ràng trí óc vẫn tỉnh táo, đâu có ngủ nghê gì. Vậy mà nhìn đồng hồ thì đã qua hai ba tiếng đồng hồ. Hóa ra mình ngủ mà ngỡ là thức. Tôi chỉ biết trả lời ông bạn già : "Thì ông cứ hỏi cái đồng hồ là xong ngay! ". Cái ý tưởng nằm trong đầu mỗi người cho rằng mình thiếu ngủ chính là ảnh hưởng của những quảng cáo của cả một ngành công nghiệp muốn moi tiền của bạn với chiêu bài giúp bạn khắc phục những trục trặc của giấc ngủ. Nên tỉnh táo đừng để những trự này thò tay vào hầu bao của bạn!

Khung cảnh của giấc ngủ ngày nay đã được cải thiện nhiều. Hầu như mỗi chúng ta có phòng ngủ riêng. Dĩ nhiên chẳng ai cổ võ cho việc vợ chồng mỗi người mỗi phòng nhưng nếu người…hàng xóm chung giường của chúng ta hay ngáy to hoặc trăn trở xô giường lệch chiếu thì tốt nhất nên phòng ai nấy ở. Nói vậy không có nghĩa là ngàn trùng xa cách! Giáo sư Neil Stanley đã ngôn : “ Những người có giấc ngủ không sâu thường có tỷ lệ ly hôn cao và việc ngủ riêng giường có thể cải thiện chứ không phá hủy đời sống tình dục”. Ông Giáo sư này nói là nói với các dân khác chứ dân Việt chúng ta vốn có tài đánh du kích thì lo chi!

Nhiệt độ lý tưởng trong phòng ngủ là 18 độ C. Nhiệt độ này đảm bảo cho thân nhiệt xuống thấp đến mức dễ ngủ. Nếu trên 24 độ C thì não sẽ không gửi tín hiệu để kích hoạt giấc ngủ. Nếu lạnh dưới 12 độ C thì cơ thể sẽ phải vật lộn để duy trì thân nhiệt khiến ta khó chợp mắt. Phòng ngủ nên luôn mở một cửa sổ thông gió để có không khí tươi mát giúp giấc ngủ sâu. Ngay cả mùa đông cũng nên hé cửa sổ. Dân Canada chúng ta chắc sẽ lắc đầu với lời khuyên…tốn tiền này. Tiền sưởi đâu có rẻ! Giường ngủ nên có nệm dày dặn, chắc chắn và dùng khoảng 12 năm thì phải thay nệm. Không nên tiếc tiền khi mua một chiếc giường tốt vì giường sẽ dùng trong 25 năm. Một đời người chỉ hai hoặc ba lần thay giường, sau đó sẽ được người khác sắm cho chiếc giường hộp sáu tấm! Màn cửa phải dày và hoàn toàn chắn được ánh sáng ít nhất tới 4 giờ sáng. Nếu có thể được thì không nên dùng đồng hồ báo thức vì cái anh reng reng này dễ làm cho giấc ngủ bị căng thẳng. Anh ti-vi cũng chẳng nên có mặt trong phòng ngủ. Khi đi ngủ nên mặc đồ ngủ rộng rãi và làm bằng sợi thiên nhiên.

Gần hai năm trước, khi tôi tới Tô Châu, xứ sở của lụa là tơ tầm, người ta bán những bộ đồ ngủ êm như…tơ, nhẹ bâng như bấc. Mặc vào mà như không mặc. Khi thấy tôi ca tụng bộ đồ ngủ loại xịn mặc như không mặc này, mấy ông bạn đi cùng chọc quê : “ Vậy thì mặc làm chi cho tốn tiền!”. Nghe không phải là không có lý. Hồi trong trại tù cải tạo, nằm bên cạnh tôi là một anh bạn trẻ du học bên Tây từ nhỏ. Tối ngủ thấy anh cứ lục đục trong giường hoài, tôi quay sang hỏi nguồn cơn. Anh cười : “Moa cởi quần áo”. Anh bạn nằm phía bên kia chọc liền : “ Sao toa vẽ chuyện vậy? Có vợ bên cạnh chó đâu mà cởi quần cởi áo!”. Anh bạn du học cãi lại : “ Moa quen từ nhỏ, mặc quần áo ngủ không được”. Anh bạn nhiều chuyện vẫn chưa buông tha : “ Toa có biết câu nhập gia tùy tục không? Nằm trong này mà tô hô lỡ có kiểm soát đột xuất giờ đâu toa mặc quần áo?” Câu nói thật chí lý. Mấy anh quản giáo hay chơi trò du kích, nửa đêm dựng tù dậy khơi khơi là sự thường. Anh du học cãi cối cãi chày : “ Mặc cha nó, moa ngủ thoải mái đã. Muốn ra sao thì ra!”.

Khi ngủ mặc quần áo ngủ là đúng chỉ số. Khi thức cũng quần áo ngủ mà mặc mới là tréo cẳng ngỗng. Thành phố Thượng Hải bên Tàu phất phới pyjama ngoài đường phố. Đi dạo trong những khu phố bình dân ở Thượng Hải, lúc đầu tôi thấy chướng mắt nhưng rồi cũng quen đi, chẳng cần chú ý tới những ông bận những bộ pyjama sọc láng cóong không một vết nhăn. Bộ họ để dành đồ ngủ để mặc ra đường chắc chứ ngủ nghê gì mà quần áo thẳng thớm như vậy? Hỏi một ông hướng dẫn viên về hiện tượng này, ông trọ trẹ giải thích bằng thứ tiếng Việt giao du với tiếng Tàu : “Hầy, cái lị không biết chứ từ hồi mở cửa ba bốn chục năm trước có bộ quần áo ngủ là chỉ dấu giầu sang, đi ngủ không phải mặc ba cái đồ rách nát nữa mà có đồ ngủ đàng hoàng, thức dậy người ta lại mặc ra đường để khoe sự giàu sang cho mọi người thấy chứ khi đi ngủ thì có ai thấy đâu!”. Sau năm 1975, pyjama cũng đã một thời oai phong. Các anh cán bộ xúng xính trong bộ đồ ngủ ngoài đường, mặt vác lên, ra cái điều ta ngon. Làm việc cũng cứ pyjama ngồi xổm trên ghế. Chủ tọa các buổi họp dân cũng cứ đồ ngủ mà ra lệnh. Hóa ra cái gì bên Tàu có bên ta cũng có, chỉ phải cái chậm hơn chút đỉnh thôi!

Quần áo không là thứ bận tâm của các ông nhà thơ. Thức giấc nửa đêm, các ông chỉ thấy trăng. Có điều trăng trong mắt mỗi ông mỗi khác. Ông Hoàng Xuân Sơn nhìn trăng như ri.

mơ màng
trăng bạch tuột trôi
thức nhau huyền mộng
nửa hồi sương sa
đêm hôm mắt nhắm/mở. lòa
phải da đêm trắng
hay là
trắng đêm.

Thi hào Vũ Hoàng Chương gọi nguyệt tha thiết một cách khác.

Tuyết phủ đêm nay một góc giường
Nằm nghe quanh chiếu rộn tang thương
Ta say gọi ngã vầng trăng khuyết
Khanh của Hoàng ơi! Lửa bốn phương.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp gọi thức cùng trăng hay mời trăng cùng thức.

Trăng lên, quả bóng xanh lồng lộng
Lơ lửng treo trên mấy xóm nhà
Ta đứng bồi hồi sau song cửa
Nhìn trăng, ai thức hãy cùng ta

Thi sĩ mở mắt thức là nhìn thấy trăng. Phàm nhân chẳng được như vậy. Họ ngủ mà như thức. Thức mà như ngủ. Làm sao họ đạt được trạng thái…cao siêu này? Cũng chẳng có gì đáng tự hào. Bởi vì họ bị bệnh. Bệnh mộng du. Ngủ đối với họ không phải là thời gian nghỉ ngơi mà là lúc bị bệnh hành. Tôi chưa bao giờ thấy người mộng du nhưng nghe kể thì có người leo lên mái nhà, có người trèo cây, việc mà lúc thức họ không thể làm được. Cứ để họ vừa ngủ vừa làm…xiếc như vậy vì nếu kêu họ thức dậy thì họ sẽ bị té ngay. Trèo cây, leo mái nhà hay bước trên cầu khỉ là những tiết mục thông thường. Nhiều người có những tiết mục đặc biệt hơn. Như đang ngủ mà mò xuống bếp, mở tủ lạnh, lấy đồ ăn. Đó là trường hợp của cô Anna Ryan. Đêm đêm cô đi mò đồ ăn trong bếp hoặc trong tủ lạnh. Bác sĩ điều trị cho cô, ông Scott Eveloff, cho biết là Anna không ăn hoa quả hay những đồ ăn có ích mà chỉ toàn sực những thứ không có dinh dưỡng, ních thật nhiều vào miệng một cách rất cẩu thả. Trường hợp này giới y khoa gọi là “ hội chứng ăn khi đang ngủ”. Theo các nhà nghiên cứu thì trong giấc ngủ thông thường phần não kiểm soát cử động cũng ngủ yên, nhưng với các bệnh nhân của hội chứng ăn khi đang ngủ, phần não này vẫn “thức”, và kéo theo đó là tất cả các dạng hoạt động thể chất. Trong khi đó phần não kiểm soát nguyên nhân và suy xét vẫn còn ngủ say nên họ có thể ra khỏi giường và quan sát xung quanh. Họ biết bếp ở đâu nhưng không có suy xét nên không có ức chế. Kết quả họ ăn đó nhưng không ăn giống như khi thức thật sự.

Trường hợp mộng du của ông Derek Barfoot không vui như vậy. Ông già 75 tuổi này mắc chứng parasomnia. Hai vợ chồng hiện sống ở Gosport, gần thành phố Portsmouth, Anh Quốc. Trường hợp của ông , theo các bác sĩ chuyên môn, là cực kỳ hiếm. Khi mộng du, ông cứ nhè vợ mà đánh đấm. Có lần ông ra sức bẻ gãy cánh tay của vợ. Bà vợ Elaine phải giấu tất cả dao kéo trong nhà vì sợ chồng sẽ dùng chúng để hành hung bà trong giấc ngủ. Thông thường thì khi ngủ cơ thể không liên hệ với não, nhưng trong trường hợp của ông Derek thì khi ngủ não vẫn liên lạc với các cơ bắp thịt. Vậy là khi ông mơ thấy bị tấn công là ông tự vệ bằng chân tay liền! Cách điều trị hữu hiệu nhất là bắt ông ngủ riêng!

Không bị parasomnia như ông Derek Barfoot, anh Tim Draper, người Canada, 33 tuổi, bị bệnh sexsomnia! Nghe tên bệnh đã biết anh làm chi rồi. Khi ngủ anh mò mẫm vợ. Chuyện này hình như nghe quen quen. Nhưng chúng ta hành động khi thức trên giường, còn anh chàng Tim thì hành động trong vô thức. Buổi sáng thức giấc, anh không biết mình đã làm chi trong đêm khuya. Anh đã bị thúc đẩy bởi bản năng ái ân vô thức. Các bác sĩ cho anh dùng thuốc clonazepam, loại thuốc điều trị các chứng lo lắng và mất ngủ, cốt giữ phần nào cho anh ở trạng thái ngủ sâu để anh khỏi giở trò trong đêm khuya!

Với một bà cỡ trung niên được giấu tên cư ngụ ở Sydney, Úc, thì lại khác. Khi bà đi vào giấc ngủ sâu thì bà ra khỏi nhà và làm tình với bất cứ người lạ mặt nào. Bệnh của bà là sleepsex. Bà hoàn toàn không biết gì về những lần ra đi vì sex như vậy. Người ta chỉ khám phá ra khi thấy chung quanh nhà bà vương vất những bao cao su. Chuyên gia Neil Stanley của Đại Học Surrey, Anh Quốc, giải thích như sau về trường hợp này : “ Ở một số người, nó có thể thuộc về di truyền, ở một số người khác là ảnh hưởng của stress hoặc rượu khiến họ không thả lỏng được cơ bắp. Vì vậy mà bất cứ những gì họ mơ đều có thể biến thành hành động. Và nếu hành động của họ khớp với giấc mơ, họ sẽ không tỉnh giấc”.

Các kiểu mộng du trên chưa…hiện đại. Mộng du mà xài tới computer mới là kiểu mộng du của thế kỷ 21. Một bà đã đi trong mộng tới máy computer gửi một bức thư cho bạn bè. Bức thư…lịch sử đó như sau : “ Đến nhà tớ ngày mai nhé, ăn tối và uống, 4 giờ chiều được không? Chỉ mang theo rượu vang và trứng cá muối…”. Tiến sĩ Fouzia Siddiqui, trưởng nhóm nghiên cứu về trường hợp này đã nhận xét như sau : “Trường hợp này chưa từng có bởi cô không chỉ mộng du mà còn làm được các việc như mở máy, nhớ username password, rồi sau đó còn đánh máy bức thư”.

Các nhà thơ hình như có duyên với chuyện ngủ ngáy. Có lẽ vì họ thường khó ngủ. Thơ nằm vùng trong đầu thì cái đầu nhất định phải ấm ách. Anh bạn thơ Bắc Phong của tôi có lối thức rất tình : thức cho người khác ngủ.

em đêm ấy mắt buồn ngủ trĩu
tay che không đủ miệng ngáp dài
anh ngồi cạnh ghé tai nhỏ giọng
nếu cần cho mượn gối đầu vai

dựa vào vai anh em ngủ thật
hơi thở xuân xanh giấc ngủ say
nét mặt thản nhiên vô tư lự
bờ mi cong thanh tú chân mày

Tôi rất thích cái lối cho mượn bờ vai này. Thức bên người ngủ như vậy thì trong bụng phải cầu trời khấn Phật cho người ngủ chẳng bao giờ thức. Mà thức làm chi!

02/2009