Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

KÉO

Dân gian thường ví tiếng ngáy như tiếng kéo gỗ. Đó là một điều bất công. Ngáy đâu có đều đều một điệu nhàm chán như vậy. Ngáy là một hành động đầy sáng tạo. Khi vi vu như tiếng sáo diều, khi ầm ầm như tiếng suối đổ trên triền núi, khi ào ào như cơn cuồng phong, khi gập ghềnh như con tàu trên đường ray, khi véo von như tiếng nhạc. Tôi không có tài để mô tả đầy đủ mọi tiếng ngáy. Chúng muôn điệu muôn vẻ. Đâu có thể chỉ buông một tiếng “kéo gỗ” buồn tẻ là xong. Ngáy…văn nghệ hơn nhiều!

Trong truyện ngắn “Ngáy” tác giả Gấu-Anh Nhi đã tả tiếng ngáy của chồng: “Chồng tôi là một người tuyệt vời từ lúc bình minh ló rạng cho tới lúc ngập ngừng về đêm. Ngày yêu, tôi thấy anh chuẩn tất và ok mọi thứ! Anh cao ráo, sáng sủa, khuôn mặt thư sinh, ngoại hình vạm vỡ. Anh cứng cáp và mạnh mẽ, sôi nổi và trẻ trung, cuồng nhiệt yêu tôi và cũng đằm thắm yêu tôi. Thế là tôi yêu anh, chúng tôi yêu nhau, sau một thời gian, đương nhiên chúng tôi là của nhau. Một đêm… Tôi cứ thấy mình đi loanh quanh bên một thác nước lớn. Ầm ầm ầm…ù ù ù… Cứ loanh quanh hoảng hốt, lòng thấp thỏm bồn chồn vì thứ âm thanh thúc giục, hé mắt ra tôi ngỡ mình đang mơ, nhưng âm thanh đó còn nguyên. Ầm ầm ầm…ù ù ù… Tiếng cổ chồng tôi vẫn rít lên từng hồi. Tôi khẽ nhẹ lay anh, anh cựa mình quay mặt vào trong góc, tiếng động nhẹ dần và sau cơn trằn trọc hồi lâu, cơn ngủ cũng kéo lên mí mắt”. Người ta  nghe tiếng ngáy của người đồng giường là vì thức, nếu ngủ thì huề cả làng, chẳng có chuyện chi cả. Anh bạn tôi thuộc loại ngáy có bằng cấp, chị vợ cũng thuộc loại ầm ầm trường sơn sóng dậy. Vậy mà hai người vẫn tỉnh bơ…ngủ ngáy như thường bởi vì cả hai đều dễ ngủ. Ngủ rồi thì còn biết trời trăng chi nữa. Khổ nỗi thế gian thường vợ chồng không được đề huề như vậy. Hai người nằm bên nhau, một người trằn trọc, một người đàn hát véo von, cách chi mà hòa thuận được. Hiếm người được như bà mẹ của tác giả Gấu-Anh Nhi. “Bố tôi là một người ngáy to và hay ngáy. Cái việc ngáy đúng là làm cho người ta xa cách nhau lắm! Sự ngủ vốn thuộc về hành vi vô thức bản năng, trong lúc ngủ thì con gì cũng giống nhau kể cả con người. Thế nên thật khó để nói: “Chồng tôi ngáy to mà vợ chồng tôi vẫn thuận hòa chăn gối”. Nếu có người tươi cười nói với tôi điều ấy thì tôi cũng chẳng tin, ngoại trừ mẹ tôi. Mẹ tôi chịu tiếng ngáy của bố rất tài. Dường như bà nghe nó bằng tình yêu chứ không phải bằng bản năng thính giác. Đến khi tôi có chồng và thiếu may mắn lại là một anh chồng ngáy, tôi mới thấy tình yêu của bà lớn đến mức át cả nhu cầu bản năng. Nó so với sự hằn học của tôi quả là một điều kinh ngạc. Bạn có thể thấy nó cỏn con, nhưng nếu bạn chịu một sự ồn ào vật vã kéo dài và liên tục, nhất là sau khoảng thời gian căng thẳng của công việc lại là một cơn mộng mị liên hồi, bạn sẽ phải nghĩ khác. Khi đó bạn chỉ phải thốt lên ba tiếng: ‘Thật khủng khiếp!’”.

Khủng khiếp thật! Chẳng thế mà bà D. Boschert, 45 tuổi, ở tiểu bang North Dakota phải vác chiếu ra hầu tòa. Chuyện như thế này. Nửa đêm về sáng, bà chợt thức giấc, cố dỗ lại giấc ngủ nhưng không thể được, vì ông chồng nằm bên cạnh đang say sưa…lao động. Tiếng kéo gỗ vang lên trong đêm khuya trong lúc bà đang tìm lại giấc ngủ làm bà nổi cáu. Bà bèn thức dậy, đi lấy một xô nước, đổ lên người chồng với thiện ý đánh thức ông dậy. Ông chồng chắc thuộc loại ăn no vác nặng, không hiểu được thiện ý của vợ nên xoay mình lao động tiếp. Bà Boschert tức quá, vớ cây viết trên bàn ngủ đâm mấy nhát vào tay ông. Bị đâm vào thịt da như vậy phải tỉnh ngủ chứ, ông tỉnh thật, nhưng là một người yêu lao động nên ông không quên nhiệm vụ, xoay người, nhắm mắt và kéo gỗ tiếp. Tức điên người, bà Boschert khiêng nguyên một quả tạ, đập ông tới tấp. Đã tới nước này thì ông chồng đành phải thức, chẳng thể lao động được, ông đâm ra nhàn rỗi. Chờ tới lúc sáng trời, ông đi trình tòa. Vậy là bà lãnh…quả tạ!

Từ đầu bài tới giờ, nói chuyện kéo gỗ, tôi cứ các ông mà phiếm. Có oan chi không? Không oan! Trong một cuộc điều tra mới đây tại Úc, người ta đã đưa ra con số 70% các ông ngủ ngáy. Nghĩa là, khi chọn lựa người ngủ chung giường các  bà có 30% cơ may thoát hiểm đồng thời có 70% rủi ro trúng số. Tôi nghĩ con số này là còn nhẹ tay lắm. Hình như kiếm một ông không hát hò khi ngủ cũng khó như thả một cái chai xuống biển mà có ngày chính mình lại vớt được nó trở lại. Kinh nghiệm cá nhân tôi hỏi trăm bà thì bà nào cũng xác nhận có sự rộn ràng của các đấng lang quân khi chung giường. Nhiều bà còn cho chạy nhật trình đàng hoàng. Như bà Thảo Linh. “Nhiều lúc tôi thấy mình quá thiệt thòi khi phải hưởng một trong những cái khoái nhất của đời người trong một không gian đầy những âm thanh như tiếng bò rống, tiếng heo rít, lúc trầm lúc bổng, lúc thanh lúc khàn mà ông chồng gây ra. Nhiều đêm không ngủ nổi, tôi đành nằm ngắm chồng hồn nhiên “kéo bễ”, đếm đủ từng cái trứng cá cả to lẫn nhỏ trên khuôn mặt, trong ánh đèn lờ mờ. Rồi tôi phải nhờ đến sự giúp sức của hai cục bông gòn. Tình hình cũng được cải thiện đi tí chút song vẫn chả thấm vào đâu. Tôi thức dậy sau một đêm chập chờn, mắt sưng húp còn thủ phạm gây ra chuyện ấy tỉnh queo tuyên bố “anh hứa sẽ cố gắng sửa”… Từ khi lấy chồng, chưa đêm nào tôi có được một giấc ngủ ngon. Sản phẩm của những đêm chập chờn là một cơ thể mệt mỏi và một ngày làm việc lơ mơ. Tôi cũng trở nên cáu bẳn và chẳng thể tập trung vào được việc gì, thậm chí mất hứng mỗi khi gần chồng. Cực chẳng đã, tôi quyết định tổ chức một cuộc họp chỉ có hai người, giãi bày hết bức xúc của mình. Tình hình sau đó vẫn là... ngáy tiếp”.

Kể cũng tội cho các ông. Bao nhiêu điều tiếng lãnh đủ hết. Các bà thừa thắng xông lên. Làm như mình không rộn rã trong khi ngủ không bằng. Nói vậy hóa ra các bà cũng ngáy sao? Thì cũng mũi cũng họng như các ông, làm sao tránh khỏi. Để tự thanh minh là mình không có ý xấu xa chi với mấy bà, tôi lại viện ra chính cuộc điều tra bên Úc. Theo các nhà khoa học này thì nếu các ông cứ mười ông có tới 7 ông văn nghệ khi mơ màng thì phía các bà cũng cứ mười bà thì có 5 bà đồng ca với các ông. Vậy thì khi chọn vợ, các ông cũng năm thắng năm thua! Một cuộc nghiên cứu khác thực hiện tại trường Y Khoa Harvard ở Bostoncũng cột các bà vào chuyện kéo gỗ. Đối tượng nghiên cứu là 71.779 nữ y tá. Cuộc theo dõi các bà này kéo dài trong 8 năm. Kết quả cho thấy có 65% thỉnh thoảng mới ngáy, 10% ngáy thoải mái mỗi đêm và 25% không bao giờ ngáy. Nghiên cứu thì nghiên cứu chứ sao tôi vẫn chẳng đặt hết tin tưởng vào lời tự thú của các bà. Đầu tôi lảng vảng câu…ranh ngôn: đàn bà nói không là có, nói ít là nhiều, nói nhiều là…nhiều thiệt!

Nhưng dù sao các bà cũng có một điểm son mà khoa học phải công nhận: các bà ngáy…dịu dàng hơn các ông. Chẳng có chi lạ. Đó là đúng ý trời. Trời định họ là phái yếu thì ngáy…yếu là đúng chỉ số. Trời muốn bảo vệ lập trường của mình nên đã cho người phụ nữ có đường thông mũi rộng hơn đàn ông. Tại sao người ta ngáy? Đó là vì bị hẹp đường thở vùng họng và mũi. Khi thức, các bắp thịt của vùng này giữ cho đường này thành…xa lộ. Khi bắt đầu ngủ sâu, các bắp thịt và các mô mềm trong vòm miệng và họng sẽ giãn ra. Khi giãn nó sẽ dễ bị rung hơn do luồng hơi ra vào khi ta thở. Nếu đường thở càng bị hẹp, luồng hơi sẽ càng mạnh hơn. Tỷ như nước từ ống lớn qua ống nhỏ thì sức nước sẽ mạnh hơn. Luồng hơi càng mạnh, sự rung của các mô mềm trong họng cũng mạnh theo, gây ra tiếng động lớn. Thế là…kéo gỗ! Các mô mềm trong họng bị rung có thể là phần mềm của vòm họng (soft palate), lưỡi gà (uvula) hay a-mi-đan (tonsils).  Tình trạng không khí đi theo đường hẹp này có thể khiến bệnh nhân bị thiếu dưỡng khí não kéo dài, gây mệt mỏi, giảm trí lực, thậm chí có thể dẫn đến các vụ tai biến tim mạch. Trong trường hợp nặng, đường thở có thể bị bít kín hoàn toàn làm thức giấc liên tục, rất hại cho sức khỏe. Có những trường hợp người bị nghẹt đường thở không thể tự thức dậy được và chết vì ngừng thở!

Hai phần ba các…ngáy sĩ là những người thừa kí! Đàn ông cũng như đàn bà, nếu cơ thể bị béo phì thì đàn sáo khi ngủ là cái cẳng. Tại sao dzậy? Bởi vì tình trạng tích mỡ khiến phần lưỡi dầy lên trong khi cổ họng hẹp lại. Khi ngủ, lưỡi tụt xuống dưới lấp kín cuống họng. Chính vì vậy nên có nhiều người vốn nằm ngủ rất hiền hòa, không làm phiền hàng xóm, vậy mà khi cơ thể phát tướng bỗng đổi tính, đàn sáo vi vu rất phiền toái. Nhưng cũng chẳng nên kỳ thị quá đáng mà chỉ đổ tội cho số kí mang trên người. Nhiều anh gầy trơ xương mà đêm xuống cũng kéo gỗ cật lực vang nhà vang cửa. Đó là những người thanh quản bị hẹp, đau cuống họng, có cục thịt trong họng, lưỡi gà khá to, màn hầu thõng xuống che bít đường vào của không khí hoặc xương sọ hẹp khiến phần hàm ếch nhỏ, đường thở không đủ rộng. Rồi các bợm nhậu, bợm hút cũng là ứng viên của công tác kéo gỗ. Rượu và thuốc lá làm tăng độ giãn của các cơ ở họng và làm giảm sự hô hấp. Thuốc lá còn làm sưng các mô ở trong mũi khiến tắc đường tắc xá. Riêng các bà thì tuổi tác và giai đoạn mãn kinh khiến mức độ estrogen bị giảm làm ảnh hưởng đến sự hô hấp và làm cho các bà ca cẩm trong khi nhắm mắt ngủ. Muốn tốp ngáy thì đi bác sĩ! Tùy theo nguyên nhân ngáy mà có những cách điều trị riêng. Nhưng trước khi đi bác sĩ, cứ thử những cách thông thường xem tình trạng ngáy nghiếc có khả quan hơn không. Đó là cách nằm nghiêng khi ngủ. Nhiều vị quân tử cứ nhất định thẳng thớm trong mọi cử động. Đi thì phải đi cửa chính, ngồi thì phải ngổi thẳng lưng, ngủ thì nhất định nằm thẳng. Nằm nghiêng e mất…chính danh! Trong trường hợp này thì phải tập nằm nghiêng bằng cách sắm chiếc gối ôm. Xoay người kẹp gối ôm, êm ái, bảo đảm trước ngượng sau thích! Muốn tốp ngáy cũng nên thử không uống bia rượu vào bữa ăn tối, bữa ăn tối cũng không nên ăn quá no, trước giờ đi ngủ chẳng nên nhóp nhép cái miệng nhai chíp, bóc đậu phọng, cắn que kem hay nhiều trò ăn vặt khác.

Đó là những cách tránh ngáy tức thời và dễ dãi. Nếu nhờ trời ngưng được tiếng nhã nhạc trong đêm khuya thì phúc đức quá. Nếu không thì phải chơi những trò phức tạp rắc rối hơn. Ngáy hình như là trò chơi phổ thông nên các nhà nghiên cứu và chế tạo xúm nhau lại tìm cách chữa ngáy để thu tiền. Các thiết bị chống ngáy đủ mọi…trình độ được tung ra thị trường đến chóng mặt. Thôi thì biết được thứ nào, tôi cứ bày hàng ra tất cả, ai thích thứ gì thì dùng thứ đó, tôi nhất định không thèm tiền hoa hồng chi cả để giữ được sự công bằng và thanh thản.

Giản dị nhất có lẽ là miếng nhựa chống ngáy. Miếng nhựa diệu kỳ này do các nhà khoa học Tô Cách Lan sáng chế ra. Nó giống như miếng bảo vệ răng của các võ sĩ khi lên sàn đấu nhưng che kín cả hàm trên và dưới. Tác dụng của miếng nhựa này là chuyển hàm ra phía trước khiến thở được dễ dàng và giảm hẳn tiếng ngáy. Nó giản dị như vậy nhưng giá tiền thì không được giản dị mấy: những 400 đô lận! Và cứ mỗi hai năm phải thay một lần.

Phiền phức hơn chút đỉnh là chiếc gối chống ngáy do nhà khoa học Daryoush Bazargani tại Đức chế tạo ra. Chiếc gối này được kết nối với một máy tính lớn cỡ một cuốn sách được đặt nằm trên mặt bàn ngủ bên cạnh giường. Chiếc máy này sẽ phân tích tiếng kéo gỗ của cái miệng nằm trên chiếc gối. Tùy theo cường độ của tiếng ngáy, máy sẽ làm thu nhỏ hoặc mở rộng các khoang không khí trong gối để làm dòng không khí trong mũi luân chuyển giúp tốp lại tiếng ngáy.

Cũng gối nhưng là gối Nhật Bản. Chiếc gối này do hãng Francebed chế tạo. Gối có một thiết bị cảm ứng phát hiện tiếng ngáy. Khi bắt được quả tang đàn sáo đang vi vu, thiết bị này sẽ báo động cho thiết bị rung. Thế là chiếc gối sẽ rung tít lên. Ngáy sĩ sẽ tự động chỉnh lại tư thế nằm và giã từ tiếng đàn tiếng sáo. Xịn hơn nữa, máy có thêm một chiếc microphone nằm vùng ghi lại cung đàn điệu nhạc tự phát của người dùng. Sáng ra, nếu không mắc cở, “thủ phạm” có thể mở lại nghe sáng tác trong đêm khuya của mình. Dĩ nhiên, nhà chế tạo không có ý chọc quê khách hàng. Chơi vậy chơi với ai! Nhưng mục đích của việc thâu thanh là để chứng minh cho khách hàng thấy rõ ràng là có ngáy nhé và khi máy hoạt động là hết ngáy ngay. Chiếc máy này có giá là 240 đô Mỹ.

Khi ngủ chúng ta thường tháo đồng hồ đeo tay ra cho dễ chịu. Nhưng nếu ngủ ngáy thì đeo vào chiếc máy có dạng như một chiếc đồng hồ cho hết ngáy. Chiếc đồng hồ Snore Stopper này mang tên HiVox. Nói là xì tốp nhưng thiết bị này chỉ làm giảm và cải thiện việc ngủ ngáy. Thông thường, khi chúng ta ngủ, các cơ bắp của chúng ta sẽ thả lỏng. Cơ bắp của cuống họng khi được thả lỏng sẽ sinh ra ngáy. Khi đang ngáy mà nếu có người nằm bên cạnh đẩy nhẹ một cái (thường thì cái đẩy không được nhẹ nhàng lắm!) thì chúng ta tự động xì tốp dòng nhạc giữa đêm khuya và xoay trở nằm trong tư thế khác. Dựa vào nguyên lý này, máy chống ngủ ngáy sẽ tạo ra một xung lực khoảng 5 giây trên bề mặt da làm ngáy sĩ thay đổi tư thế ngủ hoặc làm tăng sự làm việc của cơ bắp bằng cách tạo ra những sóng mát xa nhẹ làm cho chúng thức dậy và làm cho nó trở lại trạng thái bình thường. Sự đánh thức này sẽ tạo ra phản ứng trong tiềm thức, giảm ngáy mà không đánh thức người ngủ ngáy tỉnh ngủ. Cũng thuộc trường phái…đồng hồ đeo tay là máy Dreamkeeper 400. Nguyên tắc của nó là đồng bộ hóa hơi thở và tĩnh điện song song để làm giảm hơi thở “xây dựng lại đồng hồ sinh học của người đeo máy”.

Mặt nạ chống ngáy là một cách khác để chữa căn bệnh khó thương này. Thứ thiết bị này phiền phức một chút. Phải nhờ tới bác sĩ đo sự hô hấp và đo giấc ngủ trước. Dựa vào kết quả đo đạc, bác sĩ mới cho sử dụng máy. Cứ khi đi ngủ là đeo mặt nạ. Nghe đã thấy cấn cái. Chơi trò Fantome de l’Opera này coi bộ không khá. Chiếc mặt nạ này sẽ cung cấp luồng khí áp lực dương liên tục để giữ cho đường thở của người đeo luôn mở rộng trong khi ngủ. Nhờ vậy, không khí qua mặt nạ được lưu thông thuận lợi, nhịp thở sẽ đều đặn, giúp ngưng ngáy và ngủ ngon.

Một phương pháp mới do trường Đại Học USC phát triển để chống ngáy là dùng xung điện. Nghe đã thấy muốn bị…giật! Đừng thỏ đế quá chứ! Xung điện khác điện. Phương pháp này cốt làm cho các mô trong họng co lại khi cơn ngáy bắt đầu. Nghe tiếng…nhạc, xung điện sẽ kéo căng mô mềm trong cuống họng và xì tốp sự rung động. Máy sẽ có các đoạn dây xoắn nhỏ được lồng vào trong cơ bắp và một đoạn dây riêng biệt được đặt dưới gối. Khi nhận được tín hiệu, sợi dây dưới gối sẽ phát ra các xung điện, vài lần mỗi giây đồng hồ, vào sợi dây ở trong cơ bắp để kéo căng các cơ bắp ra. Máy cũng có một microphone để nghe tiếng ngáy. Tùy theo mỗi người, máy sẽ chỉ phát ra luồng xung điện để dập tắt tiếng ngáy nhưng vẫn không đánh thức dậy.

Cuối cùng là thứ máy nặng nhất. Nặng cả trọng lượng lẫn túi tiền! Máy là một chiếc  giường do công ty Leggett&Platt của Mỹ chế tạo. Giường có máy chiếu LCD, có computer, máy nghe nhạc đàng hoàng. Nhồi trong đệm giường là một bộ phận có nhiệm vụ phát hiện tiếng ngáy. Khi nhã nhạc đã tưng bừng, giường tự động nâng đầu người ngủ lên 7 phân để có thể thở được dễ dàng. Khi tiếng ngáy đã được tốp, giường sẽ lại hạ xuống như thuở ban đầu.. Trong 30 ngày dùng đầu tiên, giường sẽ theo dõi thói quen của chủ nhân để điểu chỉnh theo cho thích hợp. Như tôi đã rao nam rao bắc ở trên, đây là thứ xịn có thể làm nhẹ túi người xử dụng một cách cạn tàu ráo máng. Bạn đoán sẽ phải chi ra bao nhiêu để thỉnh thứ nặng kí này về? Thưa: 49 ngàn đô!

Mất 49 ngàn đô để chặn tiếng ngáy, nghe đau…họng dữ. Không có tôi! Ủa, vậy “tôi” cũng là…nhạc sĩ trong đêm khuya chăng? Đừng hỏi nhau những điều khó trả lời. Nếu bạn dí nhau quá, tôi sẽ đánh trống lảng. Thì thử lảng coi! Thuở còn ở Sài Gòn, sau 1975, tổ dân phố có thói quen họp tổ. Hầu như đêm nào cũng họp. Họp mãi phát chán. Ông hàng xóm của tôi, niên kỷ cũng đủ để chẳng coi thiên hạ ra gì, trong một tối họp có công an khu vực tham dự, ông tì tì cho xì ra một cách to tiếng. Tổ trưởng và chú công an trẻ trừng mắt. Ông tỉnh queo than: “Họp với hành hoài! Đến cái mông của tôi cũng uể oải như buồn ngủ không nhấc lên nổi nữa!”. Một bà bên cạnh có tiếng mau miệng nói ngay: “Thảo nào, tôi nghe thấy nó ngáy tới ba lần lận!”

12/2008