Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

KẾT

Chuyện đời người chỉ có một lần. Thật có một lần thôi không? Trong những cánh thiếp báo hỷ của những người theo Công giáo thường có trích một câu Phúc Âm đại khái: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly. Chỉ một lần thôi nhé! Không có lần thứ hai đâu. Một lần cưới và một lần chết. Nhưng chết thì đúng chỉ có một lần, dĩ nhiên không kể những lần chết ở trong lòng. Chết trong lòng thì hà rầm, đếm không hết. Nhưng cưới thật ra chỉ có một lần thực không? Hình như không phải vậy. Tôi mới đọc được một “ranh” ngôn như thế này: hôn nhân cũng giống như đi ăn tiệm với bạn bè, bạn order món bạn thích, nhưng khi nhà hàng dọn món ăn ra, bạn nhìn món ăn của anh bạn bên cạnh và tự hỏi tại sao mình đã không order món đó. Vậy là người ta cứ thay đổi order hoài.

Anh Alex Cretu, 20 tuổi, người Romania, là một trong những thực khách ngó sang món ăn của anh bạn hàng xóm. Anh cưới một cô vợ hơn anh 5 tuổi. Tuổi tác không thành vấn đề nhưng cái tính cằn nhằn dai dẳng của vợ quả là một vấn đề. Chờ cho cô vợ phải sang Tây Ban Nha nhận một công việc mới, anh mới hành động. Anh rao bán vợ trên một trang mạng chuyên bán…xe hơi cũ! Lời rao của anh như thế này: “ Vợ bán, đời 1983, tình trạng tốt, giá cả thương lượng.” Anh dự tính thu về được khoảng 4 triệu bảng, nhưng để bán cho mau, anh hạ giá xuống còn 3 ngàn bảng. Một số người đã điện thoại hỏi mua bà vợ…cũ của anh nhưng anh chưa ngã giá vì người thì trả thấp quá, người thì đòi trả góp! Kể ra anh Alex vẫn còn may mắn. Còn chút gì để…bỏ túi. Nhiều người đàn ông khác không được như vậy. Cũng trên internet, một ông đăng trên mục “Rao vặt” của một trang web mua bán vẻn vẹn có hai chữ: “Cần vợ!”. Lập tức ông nhận được cả trăm hồi âm. Cũng rất ngắn gọn: “ Bạn có thể lấy vợ tôi!” Chẳng tiền nong chi cả!

Bà Sun, 75 tuổi, ở thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ở Trung Quốc chắc chẳng bíết internet  là cái quái gì nên chịu chết không rao bán được ông chồng. Nhưng dù biết, có cho kẹo bà cũng chẳng dám. Chồng bà là một người vũ phu, chuyên môn dùng tay và chân với vợ. Ông này nổi tiếng là có máu Trương Phi trong vùng, ai cũng biết. Có lần bà Sun đã phải vô bệnh viện khâu tới 12 mũi ngay sát mắt vì bị chồng đánh. Năm ngoái ông Trương Phi này qua đời. Bà Sun được giải thoát. Nhưng bà vẫn hận ông chồng dù ông đã ra người thiên cổ. Bà lập ngay di chúc yêu cầu con cái, khi bà qua đời, không được chôn bà bên cạnh mộ chồng!

Ngày nay hiếm người chịu đựng lâu dài như bà Sun. Họ…order món khác. Vậy là mặc kệ Chúa! Họ…phân ly! Không biết Chúa dùng chất keo gì để gắn chặt hai cuộc đời với nhau. Chắc phải là thứ keo xịn nhất: keo crazy glue! Nhưng có lẽ trong thời buổi hàng made in China gần như độc chiếm thị trường nên Chúa không mua được thứ khác ngoài thứ được chế tạo tại Trung Quốc nên có ngày keo phải rã ra. Monsieur Tơ và Madame Nguyệt cũng không may mắn gì hơn nên tơ hồng tơ đỏ gì cũng đứt phành phạch! Vậy là ngày nay ngay cả Tòa Thánh cũng phải chấp nhận sự phân ly. Hôn nhân không phải chỉ có một lần trong đời!

Một lần chi nổi. Cụ ông 84 tuổi Mohammed Bello Abubakar ở Nigeria chơi tới 86 lần cả thảy! Cụ thường tự hào về số vợ nhiều hơn số tuổi của mình. Ông này theo Hồi Giáo nên có quyền lấy tới bốn vợ nếu đối xử với cả bốn bà một cách công bằng. Cụ đọc số bốn ra tới số 86, vậy có…rối đạo không? Theo cụ thì không. Cụ lý luận là kinh Koran không hề có quy định hình phạt nào cho người lấy hơn 4 vợ. Cụ làm nghề thầy lang và rất mát tay nên các bệnh nhân nữ của cụ thích cụ…xoa bóp suốt đời. Các bà ấy tự tìm tới tôi chứ tôi đâu có mất công tìm kiếm  họ, cụ phân trần như vậy. Nếu cụ có tội thì chỉ là tội có lòng quảng đại quá đáng! Phần lớn các bà này còn trẻ, thường chỉ bằng một phần tư tuổi cụ.  Như bà Sharifat Bello, thua chồng tới 49 tuổi. Bà gặp ông năm bà mới có 25 tuổi khi tới nhờ ông chữa bệnh đau đầu. “ Ngay khi gặp ông ấy, bệnh tình của tôi khỏi hẳn. Thượng Đế đã nói với tôi rằng đó là lúc nên kết hôn”. Một bà khác, bà Ganiat Mohammed, gặp ông lúc bà còn là một nữ sinh. Ông cầu hôn, bà không chịu vì không muốn có một ông chồng không những già mà còn lu bù vợ con. Bà đi lấy chồng, không phải ông Abubakar. Vậy mà ma đưa lối quỷ đưa đường sao mà cuối cùng bà ly dị chồng để về làm vợ ông già đèo bòng! Bà cho biết: “ Giờ đây tôi là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế giới. Khi kết hôn với một người đàn ông có 86 vợ, bạn có thể yên tâm ông ấy biết cách chăm sóc tất cả”. Sao ông này hay như vậy? Đó là nhờ…Thượng Đế! Chính ông tiết lộ sự giúp đỡ quý báu của Allah: “ Một người bình thường với 10 bà vợ có thể đã suy sụp và ra đi, nhưng tôi được Allah ban sức mạnh. Đó là lý do vì sao tôi có thể trông nom được 86 bà vợ một cách tốt đẹp như vậy!”. Đọc được điều bật mí của ông Abubakar, tôi bỗng có cảm tình với Allah. Người quả thật là…thánh!

Chuyện một lần mà không phải một lần. Hai mà rõ ràng là một. Đó là trường hợp của anh bạn tôi, hiện đang sống ở thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas. Anh vốn là một sĩ quan phi công, tình tình rất phóng khoáng, coi chuyện đời chẳng ra cái giải rút gì. Cuối thập niên 1960, anh sang Mỹ học làm tài xế tàu bay và gặp một cô sinh viên người Việt đang du học ở bên đó. Hai người yêu nhau và làm đám cưới. Cưới xong, anh mãn khóa học và trở về nước. Vài năm sau, cô sinh viên tốt nghiệp cũng trở về nước. Lúc đó, để làm vui lòng cha mẹ, họ tổ chức cưới nữa. Tôi đi dự đám cưới của anh, ghé nhỏ tai anh, nhắc lại tên một tuồng cải lương đang ăn khách vào thời đó : Người Vợ Hai Lần Cưới. Đúng là một vợ mà cưới hai lần thực! Anh cười xòa thú vị. Khi liên lạc lại được với anh ở Mỹ sau nhiều năm mất tin nhau, tôi nhắc lại chuyện xưa và hỏi thăm cái bà hai lần cưới đó, anh lại cười xòa, tỉnh queo: “ Vậy mà vẫn không xong toa ạ. Tụi moa break rồi!”.

Cũng như anh bạn tôi, hai ông bà Francis Southey và Ilda Ruth Southey cũng làm hai phùa. Năm 1942, giữa cuộc Thế Chiến Thứ Hai, chàng Francis đang đóng quân tại Sherman, tiểu bang Texas, chờ lệnh lên tàu qua Âu châu tham chiến, anh điện cho người tình  Ilda Ruth bảo tới chung mừng lễ Giáng Sinh với anh trước khi anh lên đường ra trận tiền. Ilda Ruth tới. Chàng sắp đi vào nơi gió cát nên nàng chiều người yêu : họ làm đám cưới vội. “ Tôi không hề biết mình sẽ kết hôn. Tôi chỉ định đến để tận hưởng đêm Giáng Sinh cuối cùng với anh ấy. Chính Francis đã sắp xếp mọi chuyện.” . Thực ra Francis có sắp xếp gì đâu. Ông nhớ lại : “ Bà ấy nói rằng sẽ không cưới tôi. Bà ấy không muốn kết hôn. Mà thật ra Ruth mong ước có một đám cưới thật lớn trong khi tôi lại chẳng có xu nào trong túi lúc đó”. Đúng 65 năm sau cái ngày cưới vội vàng đó, họ mới có dịp tổ chức một đám cưới đàng hoàng. Chàng 90 tuổi và nàng cũng đã 85 năm cuộc đời. Họ đều đã ở trong Viện Dưỡng Lão. Lễ cưới được tổ chức long trọng trong Viện trước sự chứng kiến của các nhân viên và ba thế hệ gia đình. Lần này, chàng cũng chẳng có tiền. Chính Viện và các con cháu đã đài thọ mọi chi phí!

Chi phí cho một đám cưới là bao nhiêu? Cậu con đang tấp tểnh cưới vợ hỏi cha. Ông bố trả lời bằng cái giọng rầu rầu : “ Bố cũng chẳng biết bao nhiêu nữa, bây giờ bố vẫn còn đang phải trả!” Thật ra cưới kiểu thời chiến như cụ Francis Southey thì chẳng bao nhiêu. Cũng cỡ bằng đám cưới thời chiến của nhà thơ Hữu Loan là cùng.

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi.

Cưới như vậy là cưới…sale, tốn kém chi mấy. Vậy nên người ta cứ hối hả cưới. Anh bạn tôi không đợi được tới khi về Việt Nam, ông Francis không chờ được tới khi chiến thắng trở về, nhà thơ Hữu Loan cũng không hoãn được tới khi hết chiến chinh. Ngày nay dân Hà Nội…lội cũng không chờ được. Phải cưới ngay thôi. Lụt lội mặc lụt lội, cưới cứ cưới. Nhìn những tấm hình chụp cảnh lội nước cưới ở Hà Nội, tôi thấy thật…anh dũng. Cưới mà cứ như đi đánh dậm! Cảnh rước dâu khá vất vả. Đám thì lội bì bọp, đám thì ngồi trên những chiếc đò tự chế bằng cái thùng sắt nhỏ xíu bập bềnh theo dòng nuớc, đám thì chú rể cõng cô dâu. Tôi nhìn hình không biết tả ra sao. Đành đọc ké bài của ký giả Nam Phương : “ Trưa qua, xe hoa của anh Hoàng khi đến trước cửa Đài Truyền hình Hà Nội trên đường Huỳnh Thúc Kháng thì phải dừng lại vì đoạn đường trước mặt như con sông nhỏ. “Hai vợ chồng tôi phải xuống xe chờ cho tài xế đi thám thính trước, cô ấy tay cầm hoa, tay xách váy, chân đi giày cao gót lập lập cập trong nước, trông tội lắm”, anh Hoàng kể. Còn anh Tân thì phải hy sinh đôi giày chú rể khi đến đón cô dâu từ nhà ra đường lớn, bởi nhà cô dâu ở một ngõ nhỏ trong quận Hoàng Mai ngập nặng từ 2 ngày nay. “Cõng cô ấy ra đến xe, chân váy ướt sạch, quần của tôi cũng vậy. Cũng may chỗ ngập chỉ có khoảng hai chục mét, chứ hai trăm mét thì chắc tôi để cô ấy lên xe đạp rồi», anh Tân cười nói. Tuy đã biết trước nhà cô dâu ngập, nhưng bố mẹ anh vẫn cương quyết không cho con trai mang theo giày dép “phòng hộ”, bởi sợ điều xui”. Khách đi ăn cưới thì…phòng hộ thoải mái!Một vị khách đi dự đám cưới ở khách sạn Asean đã diện quần đùi, áo may ô, đi dép kẹp, cắp theo bọc ni lông phóng xe gắn máy tới địa điểm. Trong bọc là com lê, cà vạt, giầy tây. Vừa xuống xe, anh vội chạy vào toilet để…tân trang con người. Một vị khách nữ đi ăn cưới ở Cung Văn Hóa Hữu Nghị Hà Nội đã “ phải bắt 2 chặng xe ôm mới tới được gần đó. Nhưng cách Cung 200 m, bác xe ôm nhất quyết từ chối dấn sâu thêm chút nữa, vì sợ quãng nước ngập mênh mông trước mặt. Ai đời đi ăn cưới mà phải xắn quần tận bẹn để đi bộ tới nơi. Trông tôi chắc buồn cười lắm đấy, nhưng ai cũng thế cả, nên huề cả làng thôi”.

Cưới…lội như vậy không có ông Nguyên Sa! Mưa nho nhỏ không ướt cánh chuồn chuồn nhà thơ của chúng ta đã chẳng thèm cưới rồi, huống chi mưa ngập hết đường xá.

Em nhớ không cả một hôm trời mưa
Một hôm trời mưa tấm tức
Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn
Những hạt mưa không đan thành mắt áo len
Những hạt mưa không làm phai màu nước mắt
Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai
con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin
Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên!...

Ừ! Tại sao phải cưới? Anh và em, chúng ta cứ vòng bốn bàn tay chim khuyên vào nhau là xong. Chẳng cưới xin, chẳng rước dâu, chẳng lễ tơ hồng. Nghe hách xì xằng chưa? Vậy mà những câu thơ này được trích ra trong một bài thơ in trong thiệp báo hỷ của nhà thơ!

12/2008