Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

ĐÁNH

Đánh là một kinh nghiệm ai cũng có, hoặc đánh hoặc bị đánh. Tôi thuộc vào loại sau. Chẳng cứ tôi, chắc chúng ta ai cũng có kinh nghiệm này. Bị bợp tai, tát má, đét mông là những kỷ niệm không dễ gì quên của đám con nít ngày xưa. Con nít ngày nay thì khác. Cha mẹ chẳng nên nặng chân nặng tay với chúng nếu không muốn giao du với cảnh sát. Tôi đã từng thấy chuyện phiền phức này. Ông bạn người Phi Luật Tân làm chung sở đang mần việc bỗng bị cảnh sát tới hỏi thăm. Đôi co ba câu rồi cảnh sát móc còng số 8 ra trang điểm cho hai cổ tay ông và đưa ra xe phú lít về bót. Tìm hỏi ra mới biết ông đã chơi trò đập vợ con ở nhà trước khi tới sở. Họ a lô 911. Vậy là rắc rối.

Thời ông Lê Quý Đôn chưa có 911 nên muốn tránh đòn ông phải mần thơ. Nhà bác học thông minh xuất chúng tương lai có cái tật cứng đầu.  Một bữa kia, một viên quan Thượng Thư tới chơi nhà bố cậu là cụ Lê Trọng Thứ. Trên đường tới nhà bạn, cụ gặp cậu Lê Quý Đôn. Không hiểu cậu thất lễ ra sao mà cụ Thượng mách ông bố. Cụ Thứ vội gọi con về trách mắng và đánh đòn. Quan Thượng thấy mặt mũi cậu thông minh nên đã xin tha với điều kiện cậu phải làm một bài thơ để tạ tội. Ông bố nể bạn nên bằng lòng. Cậu xin quan Thượng ra đề. Quan Thượng nói: “Phụ thân cậu bảo cậu là đứa rắn đầu khó dậy, vậy cậu cứ lấy đó làm đề bài”. Lê Quý Đôn ngẫm nghĩ một lát rồi đọc nguyên bài thơ. Bài thơ của tên “rắn” đầu có 8 câu thì câu nào cũng có anh rắn nằm cuộn bên trong. Cái tài tình của Lê Quý Đôn là chơi chữ trước mặt các vị thâm nho. Thì cũng “rắn” nhưng “rắn đầu” đã lăng ba vi bộ thành “con rắn”. Vậy là xí xóa! Nhờ vậy mà văn học sử Việt Nam có một bài thơ xuất chúng mà học sinh nào cũng thuộc. Nhớ lại những trận đòn thời ấu thơ, tôi nghĩ nên chép lại đây để nhớ một thời giao du với roi vọt.

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học, lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn lưng chẳng phải vệt roi da.
Từ nay Trâu , Lỗ xin siêng học.
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Roi vọt là…đạo đức của cả một thế hệ. Nếu không có nhịp răn đe của chiếc roi, chắc nhiều nhóc tì đã không thành người. Triết lý roi vọt được tục ngữ cổ võ triệt để. Yêu cho roi cho vọt / Ghét cho ngọt cho bùi. Chẳng lẽ lại ca tụng…bạo lực chứ roi vọt là thứ chúng ta phải biết ơn. Thời giao du với những khúc mây khúc tre vậy mà đã tạo ra một thứ tôn ti trật tự làm giềng mối cho xã hội. Con nít thời chúng tôi khác với con nít thời nay. Cha mẹ thời chúng tôi cũng khác với cha mẹ thời nay.

Không biết có phải xã hội làm nên con người không mà cha mẹ ngày nay…đổ đốn hơi nhiều. Cháu Bùi Thị H., 6 tuổi, theo học tại trường tiểu học Thới Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, người nhỏ bé, suy dinh dưỡng nặng, đi học với những vết thương chi chít trên người. Gia đình cháu từ Bắc Giang mới dọn vào nên cháu mới nhập học vào tháng 8/2008 vừa qua. Cô giáo Hồ Thị Ngọc Minh, Chủ Nhiệm lớp 1E là lớp cháu H. theo học, thấy mông cháu bị sưng to và đầy vết bầm tím bèn cho mời cha mẹ tới trường. Anh B. V. T., một phụ thợ hồ, cha của cháu H. xác nhận có đánh con vì nó “không chịu học hành, hỏi bài thì nói năng lí nhí”. Cô giáo cho anh biết là việc đánh con như vậy là phản giáo dục, anh T. sừng sộ lại: “Con tôi thì tôi có quyền đánh!” Ngày 15/9, cháu H. lại đến trường với chiếc mông sưng to, không thể ngồi được, mặt thì sưng húp một bên, nhà trường lại gọi phụ huynh tới. Lần này, mẹ cháu H. là chị Dương Thị L. tới. Chị cho biết chị đánh con vì “nó hỗn hào, nói dối, ăn cắp 80 ngàn đồng để mua đồ chơi”.

Đánh như vậy không phải để răn dậy nhưng là đánh cho sướng tay! Bình thường cha mẹ thương con chẳng thượng cẳng tay hạ cẳng chân quá đáng như vậy. Đánh là một bệnh hay lây. Từ nhà lan tới trường mấy hồi. Cô giáo Nguyễn Thị Hương của trường Lý Tự Trọng, Kontum, tát học sinh Trần Ngọc Thịnh, lớp 8E một cái làm mũi em Thịnh chảy máu. Tội của em: mang dép kẹp vào lớp. Cô giáo có máu con nhà võ liền đưa em vào phòng sơ cứu. Em Thịnh nóng tiết về nhà gọi bố mẹ tới dậy cho cô giáo một bài học. Mẹ em vội tới dùng guốc phang ngay cô giáo nhưng được ban Giám Hiệu can ngăn kịp thời. Chưa thi hành xong cuộc trả thù, bà mẹ nhảy vào giữa lớp học, nắm cổ áo, đánh cô giáo một trận trước 50 cặp mắt của học trò trong lớp.

Ngon chưa? Chưa ngon! Còn phải về nhà gọi mẹ tới chơi võ với cô giáo chưa phải là thứ thiệt. Thứ thiệt là tự tay chơi thầy cô mới ngon. Ba học sinh lớp 10 trường Chu Văn An, Gia Lai, ngày 17/9/2008, bỏ học đi nhậu. Nhậu xong họ trở lại trường. Gặp thầy giáo Lê Văn Lợi, họ cho thầy ăn gạch vì tội đã ghi sổ chúng vắng mặt trong lớp. Thầy Vịnh và cô Hoa nhảy vào can thiệp liền bị ba học sinh này chơi luôn. Các thầy cô khác nhảy vào cứu bồ, khống chế ba ông con trời và gọi công an tới giải quyết.

Có đi có lại là chuyện bù trừ. Học sinh đánh thầy thì học sinh cũng bị đánh. Không phải thầy đánh mà dân quân đánh. Tôi chẳng hiểu dân quân là thứ gì mà có quyền đến trường Trần Phú, Quận 10, Sài Gòn, để yêu cầu thầy Hiệu Phó giao cho họ 4 học sinh để họ mang về trụ sở làm việc. Tội của 4 học sinh này là tổ chức trò chơi bốc thăm đánh bạn trong trường. Các học sinh này không nhận tội nên bị dân quân thay nhau đánh. Họ bịt mắt em Mohamad Zamad, quốc tịch Việt Nam, cởi hết quần áo, chỉ cho mặc quần lót. Rồi họ dùng roi điện đánh vào mặt, chích vào tay. Trò tiếp theo là trò…khủng bố! Họ lấy súng gỗ dí vào màng tang em này trong khi em bị bịt mắt kín mít rồi dùng một viên đạn thật và một cái búa đinh đe dọa cho nổ. Ba em kia cũng bị họ dùng làm một thứ đồ chơi giải trí. Vui nhất là họ dùng ngay trò bắt thăm mà họ kết tội các em để…gậy ông đập lưng ông! Họ làm các lá thăm có ghi các chữ “đầu, mình, tay, chân” . Họ rút được thăm nào là đánh vào chỗ nấy. Thật là một trò chơi hết sức…vô tư. Kể cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: họ chỉ mới trên dưới hai chục tuổi!

Nhưng 54 tuổi như ông Hiệu Trưởng trường tiểu học Phan Bội Châu tại Đăk Nông tên Hoàng Văn Tròn cũng vẫn thích chơi trò đánh đập. Ông không đánh học trò nhưng đánh vợ. Vợ ông là bà Hoàng Thị Chiên, giáo viên trường mầm non Nguyễn Thị Minh Khai. Bà khai tại trụ sở công an: “ Tôi chưa bao giờ dám cãi lại hay làm trái ý chồng, nhưng vô cớ toàn bị chồng đánh. Đã 32 năm chung sống với chồng, tôi phải cắn răng chịu đựng đòn roi để nuôi con và giữ danh dự gia đình. Chính sự chịu đựng đó mà ông ấy mới có được cái chức hiệu trưởng. Tôi càng cúi đầu để bảo vệ danh dự cho ông ấy thì ông ấy lại chà đạp lên tôi...”. Đêm 5/9/2008 ông Tròn đi chơi về, cài cửa và xông lên giường, bóp cổ bà Chiên khiến bà nghẹt thở, bất động. Tưởng vợ đã chết, ông nắm tóc lay mạnh. Bà Chiên tỉnh lại. Ông Tròn tiếp tục đấm thẳng vào mặt vợ liên hồi khiến hai mắt bà bầm tím và sưng phù, mặt mũi rách tứ tung.

Đánh ở trường được thì đánh tại bệnh viện là chuyện nhỏ. Đánh ai? Đánh bác sĩ! Ngày 25 tháng 9 vừa qua, tại Bệnh viện đa khoa thành phố Tuy Hòa, Bác sĩ Huỳnh Tây đang chẩn bệnh cho một bệnh nhân tai nạn giao thông tên Nguyễn Minh Dân, thì hai thanh niên tự xưng là người nhà của nạn nhân xông vào phòng cấp cứu văng tục, chửi mắng và đánh đập bác sĩ Tây. Trận đánh làm Bác sĩ Tây đang hành nghề bác sĩ bỗng trở thành bệnh nhân đa chấn thương vùng đầu, gò, má và ngực, phải nằm điều trị 4 ngày. Thật là một cuộc thay đổi thiếu dễ chịu.

Hình như ở Việt Nam ngày nay có một thứ văn hóa gọi là văn hóa đánh. Đánh vung xích chó. Cỡ nào cũng đánh. Từ trường tới bệnh viện, từ bệnh viện tới đường phố, đập được ai thì cứ đập. Chuyện mấy anh chủ xí nghiệp Đại Hàn, Đài Loan đánh công nhân; chuyện vợ chồng anh hàng phở đánh bé gái làm công trong tiệm ròng rã cả chục năm trời; chuyện chồng đánh vợ; chuyện mẹ đánh con như trường hợp em bé 3 tuổi tên Nguyễn Thị Hoa bị mẹ là Nguyễn Thị Mỳ, 33 tuổi, cắt gân chân, cắt ngón tay cái và vành tai lại còn lấy ống hút chọc vào người hút máu vừa xảy ra.

Mọi người cùng đánh thì tội gì các anh công an, loại đánh đập chuyên nghiệp lại không đánh. Vậy là bạt tai người vi phạm giao thông, thụi ngực mấy anh sinh viên bầy đặt yêu nước biểu tình giữ Hoàng Sa Trường Sa cho tổ quốc, đá giò mấy nhà tranh đấu cho dân chủ đa nguyên. Cỡ bà Bùi Kim Thành thì còn đánh bạo hơn nữa. Bà này là điển hình cho một nạn nhân của cuộc đổi đời 1975. Năm đó bà là một thiếu nữ 16 tuổi, sinh ra và sống tại Sài Gòn, ngây thơ nghe lời tuyên truyền, xung phong tình nguyện gia nhập Thanh Niên Xung Phong ngay đợt đầu tiên vào tháng 7/1975.  Bị gia đình từ bà vẫn không nản chí…cách mạng. Bà được điều lên nông trường Lê Minh Xuân ở khu Đức Hòa Đức Huệ cũ làm thủy lợi. “Lúc đó, em còn nhỏ, đâu biết Cộng Sản là cái gì đâu! Nghe tuyên truyền thì ghi tên đi nên gia đình em rất giận. Nhưng em nghĩ, em sẽ không có tương lai khi bị xếp vào thành phần gia đình bị trù dập trong cái chế độ mới. Em phải tìm một cách nào đó, đi đường vòng để có thể lên đại học và hy vọng có cơ hội học trở thành bác sĩ sản khoa như em mơ ước.” Bà ra sức làm tốt công tác và được phong làm “kiện tướng”. Thấy cảnh khổ của con em của “ngụy dân” bị đầy đi các vùng kinh tế mới, bà bỏ mộng bác sĩ để học sư phạm. “Trong thời gian này, em nghĩ rất nhiều em nhỏ, nhất là con em các gia đình bị liệt vào thành phần ‘ngụy quân ngụy quyền’ đã không được đi học. Năm 1977 em quyết định thi vào trường Ðại Học Sư Phạm với hy vọng sau này giúp cho các em nhỏ bất hạnh có chút chữ nghĩa kiến thức. Em học khoa vật lý, ra trường năm 1981 và được cử về dạy tại trường trung học phổ thông Phan Ðăng Lưu ở Phú Nhuận, Sài Gòn.” Nhận ra bộ mặt thật của Cộng sản, bà xông vào giúp các dân oan khiếu kiện khiến nhà cầm quyền dùng mọi thủ đoạn để đàn áp bà. Công an đánh bà thương tích máu me đầy người ngay trước cửa nhà bà và trước sự chứng kiến của nhiều người lối xóm. Chồng bà, trước áp lực của công an và cán bộ, cũng đã trở mặt đánh đập bà rất tàn nhẫn. Bà bị đánh liên miên nhưng ác độc hơn cả là cộng sản đã nhốt bà vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa ba lần. Tại bệnh viện, bà bị cưỡng bách chích thuốc cũng như bị bắt uống những loại thuốc trị bệnh tâm thần. Trường hợp của bà Thành, năm nay 49 tuổi, đã được quốc tế biết tới và mạnh mẽ can thiệp. Tháng 5 năm 2008, Phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ David Kramer, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội để đối thoại về nhân quyền, đã yêu cầu Hà Nội trả tự do cho bà để bà qua tị nạn tại Hoa Kỳ. Ngày 21 tháng 7 vừa qua, bà đã tới định cư tại Dallas, tiểu bang Texas.

Đúng ra bà Thành chẳng nên làm như vậy. Chính quyền to như thế mà đảng ta còn cướp được thì xá chi việc cướp mấy miếng đất cỏn con của dân chúng. Khi ăn cướp, chẳng ai muốn người khác dí mũi vào. Vậy mà bà Thành cứ nhất định dí mũi. Đánh là phải. Cũng như các anh dí mũi chuyên nghiệp là mấy anh ký giả. Cứ chỗ nào người ta không muốn nhìn bộ mặt của các anh là các anh lởn vởn vào. Vướng! Trong bữa tiệc mừng tân hoa hậu Hoàn Vũ ở Nha Trang, phóng viên Minh Quốc đang chụp hình hoa hậu thì có một bàn tay giơ ra ngăn cản. Anh ký giả cự nự lại. Hai bên cãi vã. Bàn tay bỗng chuyển thế thoi ngay vào mũi anh ký giả. Máu mũi trào ra. Đó là bàn tay của ông con rể bà Tư Hường, người tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, ông Trương Công Anh.

Ký giả bị đấm vào mũi trong lúc làm tin một sự kiện văn hóa thì khi làm tin một sự kiện thể thao, ký giả có bị bạt tai cũng là sự thường. Trong buổi lễ khánh thành sân cỏ của  Trung Tâm Đào Tạo Trẻ Quốc Gia ở Hà nội vào ngày 1 tháng 8 vừa qua, một viên chức thể thao quốc gia đã bạt tai nhà báo. Ông bóng đá mà thích chơi quyền anh này tên Gia Xuân. Và ký giả này là một phóng viên của hãng Reuters. Phiền một nỗi là ông viên chức này đã…quyền anh ngay trước mắt các quan khách quốc tế gồm cả ông Sepp Blatter, Chủ Tịch Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA), ông Mohamed Bin Hamman, Chủ Tịch Liên Đoàn Bóng Đá Á Châu và nhiều viên chức quốc tế khác của FIFA. Hành động này làm các vị khách sững sờ. Họ chẳng có thể ngờ được là các chức quyền của ta giỏi võ đến như vậy!

Nhưng đánh võ có nghề thì các ông tay mơ này thua đứt cánh công an. Biểu tình hả, đập! Cãi lời hả? Đập! Thậm chí vi phạm giao thông cũng đập ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng trận đánh ngoạn mục nhất là đánh ký giả Ben Stocking của hãng thông tấn AP. Tôi đã được coi trên YouTube cảnh công an bắt anh ký giả này vào ngày 19/9 trước Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội. Ký giả Stocking đứng giữa một rừng công an sắc phục, giơ máy hình chụp nhiều phía. Các anh cảnh sát đứng nhìn không biết phản ứng ra sao. Lúc đó có một anh chàng to cao, mặc thường phục màu đen, tới dẫn ký giả Stocking đi. Anh vừa đi vừa tiếp tục chụp hình. Anh mặc thường phục nói gì đó với Stocking. Rồi anh khoác vai đẩy anh ký giả này đi vào một tòa nhà. Anh ký giả phản đối qua loa rồi cũng đành phải vào. Phim tới đó là hết. Không ai biết chuyện gì xảy ra trong nhà. Chỉ biết là khi anh Stocking được thả ra thì máy hình bị tịch thu và mặt, cổ đầy thương tích. Nhìn hình chụp ngay lúc đó thì máu me và các vết trầy xước nằm kín hết phần má và cổ của anh ký giả. Có vết thương đã phải khâu tới 4 mũi. Phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam chối phắt là anh Stocking không hề bị đánh. Nếu tôi tin vào mắt tôi khi nhìn hình chụp bộ mặt đầy máu me cũa anh Ben thì tôi phải thán phục tài ăn nói của ông Lê Dũng này. Tôi không được coi hình hay video lúc ông Dũng nói nên không biết nét mặt ông khi nói có ngượng nghịu không. Nhưng tôi nghĩ rằng không vì ông làm như vậy nhiều lần rồi, chắc phải quen. Khi nói dối cho một chế độ lấy sự dối trá làm lẽ sống còn thì cần chi phải ngượng ngùng. Nhưng làm sao mà ký giả Ben Stocking khi không mà có thể chảy máu như vậy được? Tôi nghĩ là trong căn nhà đó có nhiều ma, loại ma cà rồng, nên mới có vụ hút máu cổ ký giả Stocking như vậy. Ai không tin có thể hỏi ông Lê Dũng. Lần này ông ấy dám không chối lắm!

Giới truyền thông quốc tế tường thuật vụ này rõ lắm nhưng báo chí Việt Nam nhất trí không đả động gì tới cả. Họ đang bận nhìn cái vỉa hè để bảo đảm là mình đang đi đúng bên lề đường phải. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng tìm được điều thú vị trên báo mạng trong nước. Ngày 29/9 là thời điểm giáo dân đang hàng ngày tụ họp tại khu Tòa Khâm Sứ cũ và nhà thờ Thái Hà để cầu nguyện bất bạo động đòi lại hai khu đất này ngay trước mũi công an và chó đứng giữ trật tự cho một nhóm người du thủ nghiện ngập chửi rủa, phun nước miếng và đánh đập giáo dân và tu sĩ. Đúng lúc công an đang hợp tác với du đãng thì tôi đọc được một tin trên báo mạng VNExpress, bài “Tôn Giáo Làm Giảm Nỗi Đau Thể Xác”. Đại khái bài báo này cho biết là trong nhiều thế kỷ qua những tín đồ tôn giáo cho thấy họ có thể chịu đựng được nỗi đau thể xác tốt hơn những người theo chủ nghĩa vô thần. Bây giờ các nhà khoa học Anh đã tìm ra được nguyên nhân vì sao. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Oxford đã thí nghiệm với 24 người tình nguyện trong đó có 12 người theo Cơ Đốc Giáo. Các tình nguyện viên này không được cho biết trước về mục đích cuộc thí nghiệm. Trước và trong khi gây sốc điện để tạo đau họ được coi một bức họa của Leonardo da Vinci vẽ từ thế kỷ thứ 15 và một bức tranh Mẹ Maria đồng trinh từ thế kỷ thứ 17. Thí nghiệm được chia ra làm 4 lần, mỗi lần các tình nguyện viên phải chịu 5 sốc điện. Trong khi “tra tấn”, các chuyên gia đã chụp hình não các tình nguyện viên bằng phương pháp cộng hưởng từ. Sau mỗi lần thí nghiệm, các tình nguyện viên phải đánh giá mức độ đau đớn theo thang điểm từ 0 đến 100. Các tín đồ Cơ Đốc giáo cho biết khi nhìn vào bức tranh Đức Mẹ, họ cảm thấy an toàn, bình tĩnh và tự tin. Điểm đánh giá mức độ đau đớn của 12 tín đồ Cơ Đốc khi nhìn tranh Đức Mẹ thấp hơn 12% so với khi họ nhìn kiệt tác của Leonardo da Vinci. Những hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy vùng não điều khiển cơ chế làm giảm đau lóe sáng.  Bức tranh Đức Mẹ này cũng được báo mạng VNExpress đăng kèm theo đàng hoàng. Trong khi đó, đối với những người vô thần thì không thấy xuất hiện những điểm sáng này. Mức độ đau đớn của những người vô thần khi nhìn tranh và khi không nhìn tranh cũng như nhau!

Bài báo này, tuy chỉ là dịch một tin khoa học của báo Daily Mail nhưng thời điểm xuất hiện của nó khá éo le. Tôi nghĩ các anh công an chẳng bằng lòng chút nào. Này nhé, người ta đang sẵn sàng đánh thì anh ký giả này lại chọc gậy bánh xe bằng cách bảo là những người có đức tin có bị đánh họ cũng chẳng đau. Cái thú của việc đánh là làm người bị đánh đau. Đánh mà nạn nhân chẳng thèm đau thì đánh làm quái gì cho phí sức. Mất hứng đi! Tụi ký giả thật khó thương. Đi đâu cũng bị đánh văng bút là phải! Đáng kiếp!

10/2008