Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

CƯỜI

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, trong bài “Xét tật mình” trên Đông Dương Tạp Chí đã chê dân ta về cái tật hay nhếch mép: “An nam ta có một thói lạ là gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Nếu cụ Nguyễn còn sống tới ngày nay chắc chẳng bao giờ thèm đọc cái thứ thiếu nghiêm trang là phiếm này. Thay vì hì chắc cụ sẽ hừ! Tôi nghĩ tới các cụ tôi, lớp độc giả của cụ Vĩnh, người nào cũng nghiêm trang, mắt môi nhất định không chuyển động, cứ lừ lừ như ông từ vào đền. Sống mà lúc nào cũng lên gân mặt, nản chết!

Chúng ta ngày nay sống khác. Take it easy! Chuyện gì cũng như củ khoai, có cái chi mà phải giữ nét mặt nghiêm và buồn. Cuộc sống tự nó là một trò cười. Cứ nhìn chung quanh khắc thấy. Có rất nhiều trò múa may quay cuồng, rất nhiều tuồng tích chướng tai gai mắt chỉ đáng cho chúng ta ban cho một tiếng cười khẩy. Cười khẩy không phải là một kiểu cười thuần túy. Cười ngon lành là cứ thoải mái khanh khách, có hở mười cái răng cũng chẳng chết con ma nào. Vui là được rồi. Thành ra cười đi từ thoải mái tới không thoải mái. Cười đó mà khinh đó. Cười đó mà mỉa mai đó. Cười như vậy hóa ra cũng…nghiêm đấy. Có phê bình, có phán xét, có chê bai đàng hoàng.

Một ông Việt Nam tới một nhà băng ở thành phố Nữu Ước ngỏ ý muốn gặp một chuyên viên tài chánh. Ông muốn vay nhà băng 5 ngàn đồng để lấy tiền về Việt Nam có công chuyện. Chuyên viên cho vay nợ cho biết là họ cần có thế chấp mới cho vay được. Ông Việt Nam đặt ngay trên bàn chùm chìa  khóa của chiếc xe Ferrari mới toanh đang đậu trước nhà băng. Mọi việc xong ngay. Ngay sau khi ông Việt Nam bước ra khỏi cửa, ông chuyên viên cười toáng lên và kể cho mọi người trong nhà băng nghe về việc ông khách hàng dùng chiếc xe trị giá tới 250 ngàn để vay chỉ 5 ngàn đô. Và ông cho mang chiếc xe vào ga-ra của nhà băng. Hai tuần sau, ông Việt Nam trở về, trả lại 5 ngàn đồng cộng thêm số tiền lời là 15 đồng 41 xu. Giấy tờ xong xuôi, ông chuyên viên mới vấn: “ Thưa ông, dịch vụ này như vậy là xong nhưng có một thắc mắc tôi muốn hỏi ông không biết ông có cho phép không?”. Ông Việt Nam gật đầu: “ Ông cứ việc hỏi.” Ông chuyên viên được lời như cởi tấm lòng: “ Sau khi cho ông vay tiền, chúng tôi có coi lại hồ sơ ngân hàng của ông và thấy ông là một triệu phú. Vậy ông vay 5 ngàn đồng làm chi vậy?” Ông Việt Nam dựa người ra ghế, nhẩn nha trả lời: “Ông có thấy có chỗ nào trong thành phố Nữu Ước này nhận giữ xe trong hai tuần với giá 15 đô 41 xu không?”

Tôi kể chuyện này cho mấy ông bạn nghe. Nghe xong có ông cười hô hố tự hào dân mình khôn, qua mặt được mấy anh nhà băng Mỹ. Có ông cười khẩy chê đúng là thứ khôn vặt. Có ông nhếch mép ra cái điều khinh thị cái thứ lừa lọc. Mỗi ông một ý. Mỗi ông một kiểu cười. Ông thì gà tồ, ông thì thâm, ông thì phán xét. Cười đó nhưng chẳng vui. Bạn bè biết tính nhau, muốn cho các ông ấy vui tưới xượi thì chỉ có cách cho các ông ấy ăn…mặn!

Một chàng trai gặp một cô gái trên xe buýt. Sau vài cú đá lông nheo với nhau, họ cùng xuống xe. Ăn uống, chuyện trò một hồi, họ kéo nhau về nhà cô gái. Sau vài phút thủ thỉ tâm tình, anh chàng cởi áo và đi rửa tay. Tiếp đến anh ta cởi quần rồi lại đi rửa tay. Cô gái theo dõi và nói: “ Anh chắc hẳn là một nha sĩ”. Chàng trai ngạc nhiên hỏi: “ Đúng vậy, làm sao em biết?”. “ Dễ thôi”, cô gái trả lời, “ Anh luôn rửa tay mà”. Và điều gì đến đã đến, họ ân ái với nhau. Sau khi xong việc, cô gái nhận xét: “ Anh đúng là một nha sĩ giỏi”. Anh chàng tự hào khoe: “ Đúng vậy. Anh là một nha sĩ giỏi. Làm sao em đoán ra?”. “ Chả cảm thấy gì cả!”

Ấy, cứ mặn mà như vậy là các ông bạn tôi rũ người ra cười. Ông nào ông nấy như cùng chung một đảng. Đảng há mồm! Chẳng đa nguyên đa đảng chi cho nó rắc rối.

Một phụ nữ tóc vàng hoe không hiểu vì sao những cây cà chua của mình lại không thể nào chuyển sang màu đỏ, trong khi khu vườn của người đàn ông bên cạnh lại toàn những quả đỏ mọng. Cô sang hỏi bí quyết của người hàng xóm. Ông ta nói: “ Mỗi ngày 2 lần, tôi đứng trần truồng trước các cây cà chua, chúng sẽ ngượng và đỏ hết lên”. Thấy có vẻ kỳ quặc, nhưng cô nàng cũng đã thực hiện theo lời chỉ dẫn của người hàng xóm. Một tuần trôi qua, ông hàng xóm sang hỏi thăm: “ Thế nào, các quả cà chua của cô đã đỏ lên chưa?”. Cô gái tóc vàng trả lời: “ Chưa thấy gì! Nhưng có một điều ngạc nhiên là... những quả dưa chuột lại phình to và dựng đứng hết lên”.

Tôi vừa thêm cho các ông bạn một chầu mặn. Ông nào ông nấy cười hết ga. Tôi định thừa thắng xông lên, làm một…chùm chuyện mặn hơn muối nữa nhưng tôi bỗng khựng lại. Chắc chi mình đã là người có duyên? Kể chuyện cười mà không có duyên chỉ tổ làm cho người ta…cười. Nụ cười thương tâm! Có những người có khiếu kể chuyện và có những người khi kể chuyện vô duyên òm! Lối kể của họ, với những tiếng ậm à ậm ờ, với những khoảng ngắt vô cớ, chỉ khiến cho người nghe chán nản đến buồn ngủ. Buồn ngủ còn là may. Nhiều người nghe không được bình tĩnh như vậy. Nhà nghiên cứu Nancy Bell thuộc Đại Học Washington cho việc kể chuyện đùa nhạt nhẽo mang lại những hậu quả như “bị bẽ mặt, bị ngắt lời, bị giận dữ hoặc thậm chí  bị cả cú đấm nữa”. Bà Bell đã đưa ra một ví dụ bằng một câu chuyện cười. Chuyện như thế này:
Hỏi: “ Cái ống khói lớn đã nói gì với cái ông khói nhỏ?”
Đáp: “ Chẳng nói gì cả. Ống khói không biết nói!”

Đó là “ cái gọi là chuyện cười”. Bà Bell cho các sinh viên đi làm thí nghiệm. Trong những cuộc chuyện trò, các sinh viên này thử lồng chuyện “cái ống khói” trên vào câu chuyện rồi ghi lại phản ứng của mọi người. Kết quả, trong số 207 cuộc trò chuyện thì 44% người nghe cho là người kể thật là bất lịch sự và phản ứng lại khiến người kể phải ngượng ngùng.

Cười đâu phải là chuyện bỗng nhiên mà có. Gặp người yêu, từ xa đã nở một nụ cười, bầu không khí bỗng tràn trề tình yêu. Trông thì dễ ẹc nhưng để khuôn mặt tạo ra được một nụ cười như vậy bộ máy…cười trong chúng ta phải hoạt động hết công xuất. Đầu tiên, não của chúng ta phải điều khiển quá trình tạo ra một nụ cười. Theo các nhà khoa học, phản xạ này bắt đầu từ một kích thích ở phần trước của vùng hạ đồi (hypothalamus). Đây chính là một trong khu thần kinh cao cấp chi phối mọi hoạt động của hệ thần kinh tự chủ của cơ thể chúng ta. Từ đó, kích thích này lan ra như một làn sóng và truyền đi một luồng thần kinh đến hệ thống rìa, một trung khu cảm xúc của não. Tín hiệu sẽ được phát ra: trường lực cơ sẽ giãn, các biểu lộ cảm xúc thỏa mãn sẽ xuất hiện ở vùng mặt. Nếu tính chi li ra thì để tạo một nụ cười đơn giản ít nhất phải có 15 loại bắp thịt hoạt động đồng loạt. Nhưng cười đâu có phải lúc nào cũng một thứ như nhau. Mỗi nụ cười là một khác biệt đòi hỏi sự hoạt động của những bộ phận khác nhau. Chẳng hạn như khi chúng ta nhếch mép cười một nụ cười lịch sự thì chỉ tác động đến sự hoạt động của đôi môi và sự co giãn của cơ gò má lớn. Nhưng nếu chúng ta khoái chí cười nghiêng ngả thì sự việc lớn hơn nhiều. Mí mắt chúng ta tự động ra trận khi chúng ta có cảm giác khoan khoái dễ chịu. Vì vậy nên nhìn vào nụ cười chúng ta biết ngay cái nào là ngượng nghịu, cái nào là khoan khoái, chẳng thể nhầm lẫn được. Thường nụ cười của trẻ em sảng khoái hơn của người lớn. Cái sảng khoái biểu hiện nơi độ lớn của tiếng cười. Giáo sư Yoji Kimura của Viện Đại Học Kansai ở Osaka, Nhật Bản, đã chế ra máy đo tiếng cười. Máy được đặt trên bụng, chỗ hoành cách mô, để đo sự chuyển động nơi bụng khi cười. Bằng cách đo sự chuyển động này, máy biết được cười thật hay cười giả, cười mỉa hay cười nhạo báng. Đơn vị để đo tiếng cười là aH. Nghe như tiếng a ha! Nụ cười của trẻ em đo được 10 aH, gấp đôi nụ cười của người lớn. “ Người lớn thường cân nhắc sự thích hợp của cái cười trong mỗi hoàn cảnh nên đánh mất nụ cười tự nhiên, thậm chí đôi khi quên cả cười!”

Mỗi ngày chúng ta cười bao nhiêu lần? Bạn đã có bao giờ đếm chưa? Tôi nghĩ là nếu cứ chăm chăm đếm nụ cười của mình thì chúng ta chẳng bao giờ cười được. Cười là một tình trạng bột phát, tự nhiên, không tính toán. Nếu bây giờ cứ chăm chăm làm…toán cộng với nụ cười thì chúng ta đã giết chết nụ cười. Thành ra câu hỏi này thật vô duyên. Cười nhiều hay cười ít là tùy theo tâm tính mỗi người. Có người cười lia chia cả ngày, có người năm bảy ngày cậy không ra một cái nhếch mép.

Chúng ta biết cười từ khi nào? Khi lọt lòng mẹ chúng ta đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra. Cười chi nổi. Chúng ta chào cuộc sống bằng tiếng khóc. Rồi như…hận đời, chúng ta nhất định không cười trong tháng đầu làm người. Chỉ khi đầy tháng, chúng ta mới biết cười. Có bé sơ sinh nhất định không thèm cười trong ba tháng. Tới tháng thứ ba mới toe miệng. Đó là những bé chậm cười. Cái cười đầu tiên của bé thường dành cho khuôn mặt người mẹ hoặc một khuôn mặt quen thuộc, khi được nghe tiếng ru hoặc một âm thanh êm tai nhưng thường nhất là khi được ăn no. Sau đó, bé học hỏi và có những nụ cười biểu tỏ những trạng thái khác nhau. Nhà tâm lý học Paul Ekman đã phân chia ra được 19 kiểu cười khác nhau. Không phải cứ cười là vui đâu. Có những cái cười bày tỏ sự sợ hãi, sự khinh thường, sự mỉa mai hay cười gượng.

Nói tới cười mà cứ…lý thuyết nghe ra hết muốn cười. Cái cười hoạt động ra răng, kệ nó. Chỉ cần nhếch miệng được là vui. Vậy thì cớ chi không vui? Tết nhất thì lại càng cần vui hơn nữa. Ngày đầu năm mà gặp những cái mặt bí xị chắc suốt năm làm ăn chẳng ra gì. Nếu gặp một nụ cười, càng tươi càng tốt, tâm hồn sảng khoái, lâng lâng, thấy tết hết biết. Tết không chỉ trong những ngày đầu năm mà còn trải dài suốt năm, làm ăn hanh thông là cái chắc. Cái cười trong ngày Tết là…hợp thời trang. Mắc chi mà mím miệng!

Một phụ nữ quyết định đi căng da mặt nhân dịp sinh nhật. Bà cảm thấy rất hài lòng về kết quả. Trên đường về nhà, bà ghé vào một quầy ăn và tự thưởng cho mình một bữa ngon lành. Trước khi ra về, bà hỏi người chủ: "Ông nghĩ tôi bao nhiêu tuổi?".
“ Khoảng 35”, ông chủ trả lời.
“ Ồ, thực ra tôi đã 45 tuổi”, người phụ nữ nói và trong lòng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Khi đứng chờ tại bến xe buýt, bà cũng hỏi một ông già câu tương tự. Ông ta trả lời: “ Tôi đã 85 tuổi rồi và không còn nhìn rõ nữa. Nhưng nếu tôi có thể sờ ngực bà trong vài phút, tôi có thể nói chính xác tuổi của bà”.
Người phụ nữ xúc động, nổi máu tò mò, nhìn quanh chẳng thấy có ai nên nhận lời. Vài phút sau, ông già nói: "Bà 45 tuổi".
Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi: “ Thật kỳ lạ. Làm sao ông biết đúng tuổi tôi như vậy?”.
Ông già trả lời bằng một giọng tinh quái:
“ Tôi đứng ở sau bà trong quán ăn”.

Bạn cười được không? Cứ cười đại đi vì cười được đã là hạnh phúc. Có nhiều người muốn mà không cười được. Như cô Kay Underwood ở thị trấn Barrow upon Soar thuộc Leicestershire ở Anh. Cô mắc chứng tê liệt cơ nhất thời. Mỗi ngày cô có thể tạm bị tê liệt tới 40 lần. Căn bệnh làm cô có thể tự nhiên bị chùng cơ mắt hay bất tỉnh. Cô Kay kể lại: “Mọi người cảm thấy ngạc nhiên mỗi khi tôi ngã lăn xuống đất. Một lần nọ, tôi té xuống một cầu thang công cộng. Một bà đi qua, đập vào đầu tôi và bảo tôi nên ngã ở một nơi vắng vẻ hơn. Tôi đã biết cách chung sống với căn bệnh kỳ quái này. Tôi có thể biết trước khi nó tới để có thể sửa soạn thế ngã cho bớt đau hoặc tìm một nơi nào đó để tựa”. Trong đời cô, cái làm cô sợ nhất là…cười. Khi nghe một câu chuyện tếu chẳng hạn, nếu cô cười thì có thể bất tỉnh, ngã lăn dưới đất.

Cậu bé Cadel cũng mắc một dạng bệnh động kinh hiếm gặp. Khi không cậu có thể cười ngất  chẳng cần nguyên do gì. Khi cậu mới được 10 tuần tuổi, trong đám tang của ông cố, mọi người ngồi nghiêm trang thì cậu bỗng cười khanh khách thành cơn trong mấy phút liền. Mẹ cậu, bà Lucy Hoggan, thấy bé cười thì nghĩ rằng bé thích cười. Vậy thôi. Nhưng dần dà, khi nhìn con cười, bà Lucy thấy “ nó phát ra âm thanh giống như đang cười nhưng mắt thì lại đầy sợ hãi, cười mà mắt hoảng sợ”. Bà cũng sợ trước những cơn cười của con. “ Điều đó xảy ra khoảng 10 lần mỗi ngày, vào những lúc rất không thích hợp. Một lúc trước nó rất nghiêm trang, nhưng chỉ một lát sau nó cười điên cuồng, sau đó nó lại khóc và muốn được vuốt ve”. Vậy là bệnh đứt đuôi rồi. Bà đưa Cadel đi bác sĩ. Cuối cùng bệnh viện mới khám phá ra là Cadel có một cục u lành trong não, lớn khoảng 2 phân rưỡi chèn vào vùng não hypothalamus, nơi kích thích những cơn cười. Trẻ mắc bệnh này thường bị tự kỷ hoặc chậm phát triển nếu các cơn cười trở nên thường xuyên hơn. Bà Lucy buồn bã phát biểu: “ Bất cứ khi nào nó cười , lòng tôi lại tràn ngập lo lắng vì tôi biết mức độ nguy hiểm của tình trạng này”. Khi các cơn cười càng ngày càng nghiêm trọng hơn thì các bác sĩ buộc lòng phải giải phẫu não để cắt khối u đi.

Cười với giá đắt như vậy thì nụ cười chẳng khác gì tiếng khóc. Nụ cười của chúng ta…vô giá. Nó biểu tỏ sự vui tươi yêu đời trong cuộc sống. Vậy mà có những người vẫn cứ cố nén tiếng cười để giữ phong cách rởm. Họ không biết nương theo cuộc sống để thoải mái trong tiếng cười.

Này bạn, ngày tư ngày tết, cười tí chút nữa chăng? Cô vợ đang luộc trứng trong bếp để ăn sáng. Anh chồng vừa bước vào. Cô vợ quay lại bảo: “ Anh yêu tôi ngay bây giờ được không?” Được quá đi chứ! Anh ôm vợ và hai người làm tình ngay trên bàn ăn. Xong xuôi, cô vợ lạnh lùng nói: “ Cám ơn!” và đi tới vớt trứng trong nồi ra. Anh chồng ngẩn ngơ hỏi: “ Như vậy là làm sao?” Cô vợ không quay lại, để đĩa trứng trên bàn, không nhìn chồng , nói: “ Cái đồng hồ canh giờ luộc trứng của tôi bị hỏng!”

Bạn cười được chăng? Nếu được cứ thoải mái toét miệng. Việc ngậm miệng làm nghiêm xin để dành cho cụ Nguyễn Văn Vĩnh! Cụ này có đến tết Congo cũng vẫn rứa!

12/2008