Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

HỢP

Hợp quần thành sức mạnh! Chúng ta đã được dạy như vậy từ hồi nhỏ. Không biết có bạn nào còn nhớ bài học về hợp quần trong Quốc văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị không nhỉ? Chuyện kể một ông lão làm ruộng gọi bốn người con lại, đưa ra một bọc tiền và một bó đũa, rồi đố các con nếu ai bẻ được bó đũa thì thưởng cho bọc tiền. Bốn anh con anh nào anh nấy lên gân bẻ nhưng bó đũa vẫn trơ trơ không gẫy. Ông già mới tháo bó đũa ra, bẻ từng chiếc một rất dễ dàng. Một anh con nói nếu bẻ một chiếc như vậy thì ai chẳng bẻ được. Ông lão nhân câu nói đó lên lớp các con một cách rất…quốc văn giáo khoa thư. “ Này các con, như thế thì các con biết rằng: muốn có sức mạnh thì phải hợp quần. Khi ta chết rồi, thì các con phải nhớ đến chuyện bó đũa này. Các con phải thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau, thì mới đủ thế lực mà đối với người ngoài”.

Cứ ngoéo tay nhau hợp quần thì thành sức mạnh. Hai người ngoéo tay nhau tuyên thệ I do trước thân bằng quyến thuộc cũng thành sức mạnh ghê gớm như các cụ ta đã diễn tả: tát bể đông cũng cạn! Lý thuyết là như vậy. Thực tế còn tùy. Tôi vừa được một ông bạn gửi cho một công thức về hợp quần tay đôi khá thú vị: Đàn ông ngu hợp với đàn bà thông minh thành ra hôn nhân; đàn ông thông minh hợp với đàn bà thông minh thành ra tiểu thuyết; đàn ông thông minh hợp với đàn bà ngu thành ra…affair!

Kết hợp trong hôn nhân có phải là một kết hợp giữa một anh đàn ông ngu với một chị đàn bà thông minh hay không? Những người  đã từng đưa tay ra để bị xỏ chiếc nhẫn vào ngón tay út lắc đầu quầy quậy. Ngu chi mà gật đầu!

Ông Carl Weisman, 49 tuổi, chưa bao giờ…ngu, đã làm một cuộc phỏng vấn 1533 ông chưa ngu để coi xem tại sao các ông này khôn như vậy. Sau cuộc phỏng vấn, ông phân loại các ông không chịu ngu ra làm 3 loại: 8% nhất định không ngu, giữ vững lập trường phòng không chiếc bóng; 62% cũng muốn đeo chiếc nhẫn oan khiên nhưng sợ hôn nhân sẽ đổ vỡ; 30% chân trong chân ngoài, nửa muốn…ngu nửa không. Tại sao có tới 62% các ông sợ trao thân lầm…nữ tặc? Ông Weisman lý giải như thế này: “ Họ là thế hệ đầu tiên lớn lên trong những gia đình từng trải qua những vụ ly dị đầy phiền toái”. Vậy là vết xe đổ của thế hệ trước làm chùn chân thế hệ sau. Tại Mỹ, năm 1980, chỉ có 6% đàn ông không chịu ngu, nhưng tới năm nay thì tỷ lệ đó đã tăng vọt lên 17%. Như vậy, cứ 10 ông thì có 1,70 ông cố thủ trong thành trì độc thân.

Ngoài những lý do tình cảm như trên, nhiều ông nhất định hát bài…trái tim còn trinh là vì những lý do thực tế hơn. Họ sợ những rắc rối về tiền bạc khi anh đi đường anh tôi đường tôi. Cũng vẫn ông Carl Weisman lý giải: “ Đối với các ông có ít tiền, họ cảm thấy không có gì dâng hiến cho người bạn đời. Họ thiếu tự tin và tự rút lui trong nỗ lực tìm vợ. Trong khi đó các ông có nhiều tiền lại rất lo lắng cho tài sản của họ nếu phải đưa nhau ra tòa ly dị”. Những tấm gương hiển hiện trước mắt đang xảy ra hàng ngày khi coi ti vi thấy các tài tử Hồ Ly Vọng, các ca sĩ tài sản bạc tỷ đã gạt nước mắt trả cho các bà vợ ly dị những số tiền chóng mặt!

Anh chàng người Anh Paul Osborn tỏ ra thông minh hơn những anh phải xì tiền ra để tiễn vợ về miền…tái độc thân. Anh…bán vợ. Chuyện đầu đuôi như thế này. Anh Paul, 44 tuổi, nghe được tin đồn là vợ anh, chị Sharon, 43 tuổi, người đã chung sống với anh trong 24 năm và có với anh 2 đứa con, đã tặng anh một cặp sừng. “ Tôi vào coi các e-mail của bà ấy và biết rằng chuyện thiên hạ đồn là có thật. Họ tán tỉnh nhau rồi lại còn hẹn hò nhau qua e-mail. Tôi cảm thấy suy sụp hoàn toàn, vội thu thập áo quần của bả và vứt chúng ra xe của bả”. Sharon rời nhà được ba tuần thì trở về năn nỉ xin chồng tha thứ. Paul bằng lòng. Nhưng hai tuần sau, chứng nào tật đó, Sharon lại đi ăn nem. Anh Paul tức quá và nghĩ cách trả thù. “ Trong một phút không giữ được bình tĩnh, tôi đưa quảng cáo bán vợ lên mạng. Nhưng sau đó tôi liền bỏ xuống vì biết rằng đó không phải là việc nên làm. Tôi đã quá nóng giận”.Quảng cáo bán vợ của anh Paul được đưa lên eBay với giá khởi đầu là 0,01 bảng Anh. Anh có để kèm theo hình ảnh của vợ đàng hoàng. Trông hình của bà Sharon để trên mạng, tôi băn khoăn tự hỏi sao mà anh chàng này ra giá rẻ đến như vậy. Khi nghĩ đi nghĩ lại, tôi mới thấy anh chàng người Anh này thâm! Cái giá 1 xu chứng tỏ là người đàn bà ngoại tình này không đáng hơn một xu. Nhưng những người đàn ông tham gia vào cuộc mua bán hi hữu này không nghĩ như vậy. Họ đã thi nhau trả giá. Trước khi anh Paul gỡ cái quảng cáo bán vợ xuống thì trị giá cô nàng 43 tuổi này đã lên tới 500 ngàn bảng! Quả là trên thế gian này còn nhiều người…ngu!

Một anh bạn có lẽ cũng thuộc loại cay cú, gửi cho tôi một bài gồm 14 điều răn của mẹ, dựa theo 14 điều trong kinh Phật. Anh không cho biết tác giả 14 điều răn này là ai, thôi thì cứ cho nó là của…dân gian. Tôi chép lại nguyên văn 14 điều này với sự dè dặt thường lệ.

1/ Kẻ thù lớn nhất của con là vợ con. 2/ Ngu dốt lớn nhất của đời con là không hiểu ra được nó.   3/ Thất bại lớn nhất của đời con là không bỏ được nó. 4/ Bi ai lớn nhất của đời con là phải sống với nó. 5/ Sai lầm lớn nhất của đời con là quyết định lấy nó. 6/ Tội lỗi lớn nhất của đời con là nghe lời nó. 7/ Đáng thương lớn nhất của đời con là bị nó sai khiến. 8/ Đáng khâm phục lớn nhất của đời con là vẫn chịu được nó. 9/ Phá sản lớn nhất của đời con là cuộc đời con đã mất trong tay nó. 10/ Tài sản lớn nhất của đời con là những thứ nó đang giữ. 11/ Món nợ lớn nhất của đời con là tờ giấy ly hôn. 12/ Lễ vật lớn nhất của đời con là sự hết lòng của con với nó. 13/ Khiếm khuyết lớn nhất của đời con là con không lấy được hai vợ. 14/ An ủi lớn nhất của đời con là thằng con nó đẻ ra.

Ấy lấy vợ bi ai như vậy nên phải cẩn thận hết sức trước khi lao vào…trò chơi này. Đi đâu mà vội mà vàng / Mà vấp phải đá mà quàng phải dây/ Thủng thỉnh như chúng anh đây/ Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng. Túi khôn của các cụ nhất định là ám chỉ việc…hợp quần! Nhiều người đã răm rắp nghe lời các cụ. Một anh bác sĩ ở Trùng Khánh, Trung Quốc, 35 tuổi, tên tuổi không được tiết lộ, đã hò hẹn với hơn 500 cô gái mà vẫn chưa có cô nào đủ tiêu chuẩn để kết hợp. Tiêu chuẩn chọn vợ của anh chàng không vội vàng này chỉ có 7 điều để “tăng khả năng tìm được một cô vợ từ muôn ngàn cuộc hẹn hò do bà mối sắp đặt”. Trước hết cô nàng phải cao hơn chàng, nghĩa là trên 1 thước 65, để bảo đảm con cái sẽ cao ráo. Cô nàng phải có đôi mắt to và lông mày rộng. Theo anh chàng bác sĩ này thì như vậy mới chứng tỏ cô là một người không tinh quái. Điều quan trọng là nàng phải còn giữ được cái ngàn vàng để làm vốn về với chồng. Nàng cũng phải có nghề nghiệp ổn định. Ông bô bà via của nàng phải là những người trí thức, như vậy mới bảo đảm nàng là con dòng cháu giống. Tuổi của nàng không được quá già hoặc quá trẻ. Anh chàng cắc cớ này không đưa ra một con số làm chuẩn, cứ ỡm ờ nói khơi khơi như  vậy. Chỉ có một điều rõ ràng là tuổi của nàng không phải là tuổi Tỵ hoặc tuổi Thân. Có lẽ chàng đã nhờ một anh thày bói làm cố vấn cho chuyện tuổi tác này. Tới nay chưa có cô nào hội đủ những cái “phải” để chàng…hợp. Và chàng vẫn còn phải ăn mì gói trừ cơm!

Anh chàng bác sĩ ở Trùng Khánh này vẫn còn chán thời giờ để kén cá chọn canh. Anh mới 35 tuổi. Cụ bác sĩ người Ý Giuseppe Rebaudi còn cẩn thận hơn anh chàng tuổi trẻ này nhiều mà rút cục cũng đã chọn được người nâng khăn sửa túi. Cụ năm nay 101 tuổi vừa quyết định sẽ hợp hôn với cụ bà Silvie Basain sau khi hai người mất đúng nửa thế kỷ để tìm hiểu nhau. Cụ Silvie năm nay mới 98 cái…xuân! Theo tin tức của báo Ananova thì họ quen nhau từ năm 1952. Tính cho chính xác thì họ đã suy nghĩ 56 năm trước khi quyết định. Vậy mà cụ vẫn sợ mình quá vội vàng. “ Chúng tôi mới chỉ quen nhau được có 56 năm, quyết định đám cưới có thể quá…nhanh. Nhưng rốt cuộc tôi nghĩ là mình chỉ có một thời tuổi trẻ!”. Cụ là ngưòi Ý, cô dâu là người Pháp, họ mau chóng đồng ý là hôn lễ sẽ được cử hành nơi quê hương của cụ ông, tại Bordighera, thuộc miền Tây Bắc nước Ý.

Viết tới đây tôi chợt giật mình. Mình có thiên về phía các ông quá chăng? Thời buổi này hôn nhân là thành quả của cả hai phía…đối lập, chứ đâu phải là một cuộc xổ số mà phía các ông là người mua vé số. Các bà cũng có quyền kén chồng chứ! Cô Milunka Dabovic chắc có thể là đại diện cho cái quyền…thiêng liêng này. Cô gái người Serbia năm nay vừa tròn 38 tuổi, vẫn còn chăn đơn gối chiếc, và vẫn còn đang kén chồng. Tính ra từ năm cô 14 tuổi tới nay đã có tất cả 150 chàng tới cầu hôn mà cô vẫn cứ lắc đầu…em chã! Hai mươi bốn năm, 150 lời cầu hôn, cô vẫn chưa vừa ý được một ứng viên nào. Nhiều người đã hết sức cố gắng. Có lẽ giá càng treo thì sức hấp dẫn càng mạnh. Họ đi cửa trước, vào cửa sau, nịnh bợ bố mẹ cô, chiều chuộng mấy đứa em cô, vậy mà vẫn chẳng ăn thua chi. Vẫn cứ lắc đầu quầy quậy. Mà theo cô Milunka thì cô có đòi hỏi gì quá đáng đâu. Cô chỉ cần “một người đàn ông cao to, đẹp trai, chăm chỉ và có trái tim nhân hậu!”

Cũng cầu mong cho cô Milunka Dabovic này có thêm 150 anh chàng khác đòi xin bàn tay và cô sẽ chọn được người vừa ý. Để cũng làm đám cưới với người ta. Cưới xin, đó là chuyện thiên hạ làm hà rầm. Riết rồi đâm ra nhàm. Trăm đám thì giống nhau cả trăm. Vui như vậy mất vui đi. Mặc một bộ quần áo người ta còn không muốn đụng hàng thì tổ chức đám cưới lại càng không muốn đụng hàng hơn nữa. Thế là cặp nào cũng muốn đám cưới của mình khác các đám cưới khác. Họ…chế tạo ra nhiều kiểu cưới vừa tốn kém vừa hài hước. Có lẽ ba kiểu cưới tôi vừa đọc được trên báo là đỉnh cao của hôn lễ độc đáo.

Kiểu thứ nhất là cưới trên không gian. Bày đặt ra kiểu này là mấy ông Nhật. Cô dâu chú rể được cho vào phi thuyền, hỏa tiễn được khai hỏa đẩy phi thuyền  lên tới cao độ cách mặt đất 100 cây số. Trong chuyến bay dài một tiếng đồng hồ, cặp tân hôn sẽ được sống trong hạnh phúc lâng lâng thực sự. Bởi vì họ đang ở trong khoảng không gian không có trọng lực. Đúng lúc đang lâng lâng như vậy, tân lang và tân giai nhân sẽ trao đổi lời thề và đeo nhẫn cưới cho nhau. Cưới…cao như vậy thì phí tổn cũng phóng lên theo phi thuyền. Theo ông Taro Katsura, phát ngôn viên của công ty Nhật First Advantage, công ty sẽ tổ chức những đám cưới vời vợi như vậy thì cô dâu chú rể phải chi ra một số tiền là 2 triệu 300 ngàn đô Mỹ. Họ có quyền mang theo 3 người khách mời. Để khỏi tốn chỗ cho mục sư, linh mục hay viên chức chủ tọa hôn lễ, nhà tổ chức đề nghị mọi thủ tục tôn giáo và pháp lý sẽ được cử hành trước ở dưới đất. Khi …lên trời, hai người chỉ thề riêng và đeo nhẫn cưới cho nhau. Trong 3 người được mời lơ lửng theo cô dâu chú rể, chắc sẽ không có ông bạn quảng giao của tôi. Ông bạn này quen khắp thành phố nên chẳng có đám cưới nào quên mời ông. Rơi vào một cái đám cưới trên không như vậy thì phải mừng bao nhiêu triệu cho đủ tiếng hào hoa? Tội nghiệp! Ông bạn tôi vẫn thường ghé tai tôi than nhỏ là tiền mừng các đám cưới mỗi năm của ông đủ cho ông chóng mặt! Chóng mặt như vậy thì làm sao leo lên phi thuyền!

Xuống thấp hơn một chút vậy! Chỉ cao 300 thước trên mặt đất thôi. Đó là đám cưới của một cặp vợ chồng trẻ vùng Lancashire, Anh quốc. Lễ cưới được cử hành ngay trên cánh máy bay. Có ba chiếc máy bay tất cả. Trên cánh, ngay chính giữa, giữa trời lộng gió, là ba chiếc ghế đặc biệt. Ông cha xứ George Bringham đã 67 tuổi còn chịu chơi đứng quay mặt lại, thân hình được cột chặt vào ghế trên cánh chiếc máy bay chính giữa, bay hơi nhích ra phía trước một chút. Cô dâu Katie Hodgson, 23 tuổi và chú rể Darren McWalters, 24 tuổi, mỗi người ngồi trên một chiếc ghế quay mặt ra phía trước, đối diện với ông cha trên hai chiếc máy bay bay kèm hai bên. Hệ thống loa của đội máy bay RFC Rendcomb giúp ông cha và cặp hôn nhân hành lễ. Chỉ tiếc một điều là gió mạnh và mưa đã làm buổi lễ hơi trục trặc và kết thúc nhanh hơn dự kiến. Dĩ nhiên họ không thể trao nhẫn cưới trên không. Gió thổi bay mất thì sao mà dối cha dối mẹ! Nhẫn cưới đã được trao trước đó ở dưới đất trước khi quan khách được mời vào tiệc.

Cưới cao như vậy ai mà theo nổi. Muốn cạnh tranh chỉ có nước cưới…thấp, thật thấp. Sâu 5 thước dưới mặt biển! Chuyện này do mấy ông Việt Nam bày vẽ ra. Cũng như loại cưới trên cao kể trên, lễ cưới cũng chia ra làm hai phần. Phần nghi lễ sẽ được cử hành trên tàu. Cặp tân hôn và khách tham dự sẽ ra khơi trên những chiếc tàu trang trí bằng những chữ song hỉ chen lẫn với hoa cưới. Tất cả đều phải mặc đồ lặn. Cho Hà Bá ngán! Sau đó cặp uyên ương sẽ lặn xuống sâu 5 thước và trao nhẫn cưới cho nhau với sự chứng kiến của những đàn cá rực rỡ và những chuỗi san hô đầy sắc mầu tại Hòn Mun, Nha Trang. Công ty lữ hành Viettravel đứng ra khai thác những đám cưới…thủy cung này. Đặc biệt ngày 8 tháng 8 năm 2008 này, ngày mà người Hoa cho là ngày hên vì có toàn những con số…bát, công ty đã tổ chức đám cưới tập thể cho nhiều đôi uyên ương.

Cưới cao cưới thấp gì thì khách mời cũng phải mừng cho đôi trẻ. Ngày xửa ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, đám cưới của các cô tôi thì quà mừng là 1 kí đường, vài kí gạo nếp hay bánh kẹo. Sở dĩ tôi biết được là nhờ cuốn sổ ghi còn sót lại trong hộc tủ thờ. Sau này, khi tới lượt thế hệ tôi bày đặt cưới xin thì quà mừng là những vật dụng cần dùng cho một cặp vợ chồng trẻ như nồi niêu soong chảo, quạt máy, đèn ngủ…Những vật dụng nào nhiều tiền thì nhiều người góp chung mừng…hội đồng. Đám cưới tôi, một nhóm vài anh bạn mừng cho chiếc đèn ngủ văn minh nhất thời đó. Khi thắp sáng bằng điện, đèn đổi màu lung tung, xanh đỏ tím vàng nối gót nhau, nhiều lúc lại còn chơi trò pha màu rất cải lương. Hồi đó không có ai mừng tiền, có lẽ thấy thực tế quá đến trơ trẽn. Nhưng rồi cũng tới thời buổi thực tế. Ngày nay mừng đám cưới chẳng ai tay xách nách mang cho mất công. Cứ đi tiền mặt cho hài lòng cô dâu chú rể. Trước khi vào phòng tiệc, trên bàn ghi tên đón tiếp, bao giờ cũng có một chiếc hộp tô điểm hoa lá cành rất bắt mắt. Nhìn chiếc hộp nằm lừ lừ trước mắt, khách chẳng thể nào quên được bổn phận của mình. Người nọ tiếp người kia dúi tiền vào hộp, khi vãn tuồng đếm ra thì chục ngàn, trăm ngàn như chơi.

Tiền tươi mừng đám cưới không lọt qua khỏi con mắt nhà nghề của dân mõi. Có những tên lựa lúc…cưới gia bối rối nẫng nguyên con. Có những tên kinh nghiệm hơn, chờ trăng lên mới lẻn vào phòng của đôi tân hôn làm một mẻ sạch bách. Tại tỉnh Thụy Tân bên Trung Quốc, trong vòng 3 năm, từ 2004 đến 2007, đã có tất cả 150 vụ đột nhập phòng tân hôn, vơ vét hết tiền mừng. Kẻ gian cứ tảng sáng, nhè lúc cô dâu chú rể ngủ khì sau một ngày và một đêm mệt nhọc, lẻn vào hành nghề. Cảnh sát điều tra thấy tất cả các vụ trộm đều giống nhau, có thể chỉ do một tên trộm ra tay.  Tên này là một tên trộm vào loại thượng thừa, không để lại một dấu vết nào. Sau hai năm vất vả, các ông cò mới chốt được kẻ tình nghi là một tên đã có hai tiền án về tội trộm và cố ý gây thương tích. Tên anh ta là Cát Đông. Cảnh sát phái trinh sát tới canh chừng nhà hắn. Nhưng tên này rất tinh ranh. Khi rời khỏi nhà, bao giờ hắn cũng kẹp một mẩu giấy vào khe cửa. Nếu thấy mảnh giấy này rơi xuống, báo cho hắn biết là nhà đã có người đụng vào cửa là hắn lỉnh liền không vào nhà nữa. Cát Đông đã ngửi thấy mùi cảnh sát nên hắn trốn biệt luôn. Cảnh sát mất dấu. Mãi tới ngày 31 tháng giêng năm 2007, nhân đám cưới rất linh đình của con trai một phú gia, khách dự tiệc rất đông, tiền mừng rất khá, cảnh sát mới giăng bẫy rình. Quả nhiên, vào lúc 2 giờ sáng, kẻ trộm xuất hiện. Và sa lưới. Hắn khai tất cả 150 vụ trộm đêm động phòng đều lá…tác phẩm của hắn!

Thời buổi này là thời buổi toàn cầu hóa. Trộm đêm tân hôn xảy ra ở bên Tàu mà phản ứng lại ở tuốt tận bên Do Thái. Kể cũng lạ! Đài truyền hình số 10 tại thủ đô Tel Aviv vừa loan tin là một đám cưới được tổ chức tại thủ đô đã có một phát minh mới. Họ bỏ ra 150 đô thuê một máy cà thẻ tín dụng, đặt ở bàn tiếp tân. Khách tới dự tiệc chỉ cần móc thẻ ra, cà vào máy, bấm số tiền mừng là tiền chạy thẳng vào trương mục của cô dâu chú rể ở ngân hàng. Sau đó, máy sẽ nhả ra một biên lai có ghi số tiền. Khách kẹp biên lai vào tấm thiệp mừng, bỏ vào hộp mừng để…chứng minh là tôi có đóng góp đàng hoàng trước khi vào tiệc cưới rồi. Thật là tam tứ tiện! Trộm nào mà sờ được vào tiền…xương máu của cô dâu chú rể. Anh chàng Cát Đông đang ủ tờ bên Trung Quốc chắc sẽ khóc ròng, chơi một màn Tam Quốc Chí, đấm ngực thùm thụp, ngửa cổ lên trời mà than rằng: “Trời đã sinh ra Cát Đông tại sao lại sinh thêm cái máy cà!”

Tôi say sưa bảo vệ tiền…mồ hôi nước mắt của cô dâu chú rể nên cao hứng phóng bút. Biết đâu cái máy cà bên Do Thái không nhằm mục đích chơi tay trên anh chàng Cát Đông mà chỉ để chơi khó các ông bà khách mời đãng trí quên mang cheque  theo thì sao?

08/2008