Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

TIỂU

Tiểu là cậu em út trong ba anh em nhà họ Tiện. Phận là phận em út nhưng như có điều chi oan ức. Ông anh Đại thì không nói làm chi vì ông ấy xứng đáng cả về lượng lẫn về mùi. Nhưng ông thứ hai thì phải xét lại cái vị trí Trung của ông ấy. So ra thì Tiểu có phần lấn lướt hơn Trung. Này nhé, về lượng rõ ràng là Tiểu có chất lượng hơn. Chẳng gì cũng một vũng. Còn ông Trung thì lơ tơ mơ, bảo có cũng được, bảo không cũng được. Nhìn thì rõ ràng là không có nhưng lẩn khuất trong không khí thì rõ ràng là có. Ông này là chuyên viên đánh lén. Khi xuất hiện toàn diện thì có tiếng động ghi rõ xuất xứ có cầu chứng tại tòa. Trường hợp này có phát biểu ý kiến đàng hoàng. Khi thì chê ít, khi thì ùm ùm, khi thì phành phạch. Nhưng trường hợp này thường ít khi xảy ra. Khi đã xảy ra thì phiền…anh người làm. Bà Huyện đến chơi nhà bạn dắt theo anh đầy tớ theo hầu. Đang vui chuyện thì bà Huyện bỗng lỡ…miệng dưới! Anh đầy tớ đứng hầu sau lưng vội bưng miệng cười. Còn bà huyện thì đỏ mặt sượng sùng miệng trên không nói được gì sau cái lỡ tai hại của miệng dưới. Về đến dinh bà mới gọi anh đầy tớ vào phòng mắng cho một thôi một hồi: “Đồ ngu! Đồ ăn hại đái nát! Khôn ngoan như người ta thì mày nhận là của mày, có được không? Đằng này mày lại nhe hàm răng cải mả ra mà cười như con khỉ. Đúng là nuôi cái đồ vô dụng!” Anh người làm sợ quá, vội cáo lui, chạy một mạch đến nhà bạn bà Huyện, vội thanh minh: “Bẩm các bà! Cái tiếng bà con đánh ra lúc nãy là của con đấy ạ!”

Đó là lỡ. Thường thì là trông ra nào thấy đâu nào cứ như là hồn ma Đạm Tiên. Vì cái tật lắt léo này mà nhiều khi sanh chuyện. Một ông bạn tôi là nạn nhân của tình trạng lén lút này. Chuyện xảy ra lâu rồi, từ hồi ông còn độc thân vui tính, vậy mà tới bây giờ đầu đã hai thứ tóc mà ông còn nhớ. Bữa đó ông chở bồ đi chơi bằng xe hơi. Tự nhiên lẩn khuất trong xe có hương thừa của anh chàng Trung. Chàng lén nhìn nàng, nàng lén nhìn chàng. Cả hai cái miệng đều ngậm câm không nói được gì nhưng trong đầu cả hai đều có làm toán trừ. Hai trừ một rõ ràng là còn một. Không ta thì…người đối diện. Đành lơ đi. Hai khuôn mặt sượng ngắt. Không may là chẳng có con chó nào trong xe để đổ thừa cho hai tấm lòng đều yên ổn. Mãi tới khi chiếc xe bị trục trặc, phải đưa đi garage, mới biết là chính máy xe gây nên nỗi. Đấy, cái thứ lén lút bao giờ cũng phiền hà như vậy! Đó là về lượng, còn về lối nhỏ đi về thì anh Trung cũng không đáng mặt đàn anh. Anh phải chung lối với anh Đại trong khi chú Tiểu một mình một lối, thênh thang đi ra, chẳng phải kẹt đường kẹt xá chi.

Nói là nói vậy cho vơi niềm oan ức nhưng định mệnh đã an bài. Phận Tiểu thì cứ tiểu, kêu ca cũng vậy thôi, mất tình anh em đi. Tiểu là anh kỳ thị nhất trong ba anh em. Hai anh lớn thì cứ thoải mái, đàn bà cũng như đàn ông cùng một tư thế. Anh Trung thì còn thoải mái hơn chẳng cần tư thế nào. Đứng, ngồi, nằm, quỳ gì cũng được tuốt, anh chẳng care. Nhưng với chú Tiểu thì phận nào ra phận đó, không có lộn xộn được. Bắt ngồi là phải ngồi, bắt đứng thì phải đứng. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Tại các vùng quê miền Bắc nước ta ngày xưa, (thực ra cũng không xưa lắm, vì hồi nhỏ tôi cũng đã được chứng kiến) các bà được trang bị đồng nhất bằng một chiếc váy đụp. Chiếc váy này thường được nhuộm đen, dày như cái mo cau, dài tới gần bàn chân. Vì kín cổng cao tường như vậy nên không cần có nội y. Miền thôn dã có nhu cầu thu nước tiểu để tưới vườn tược nên trước cửa mỗi nhà luôn có một cái lu sành bể thấp lè tè để mời mọc những người muốn dốc bầu tâm sự khi đi qua đi lại. Các ông thì khỏi nói. Đúng chỉ số. Cứ dõng dạc mưa móc. Các bà cũng chẳng thèm ngồi. Cứ thẳng lưng váy trùm lu mà xả. Thật là bình đẳng. Nơi thành thị muốn bình đẳng như vậy là điều bất khả. Có một lần tôi được coi hình cái bồn bình đẳng được thiết trí trong một quán bar. Nó như cái bồn tiểu loại dài xuống đến sàn nhà của quý ông, được gắn thêm một cái…tô nơi đầu một cái cần có ống dẫn nước ở giữa mọc từ tường ra. Thế là các bà cũng đứng hiên ngang như các ông. Hết kỳ thị! Nhưng đây là của hiếm, đa phần vẫn là ngồi!

Thì ngồi hay đứng chỉ khác nhau một cử động chứ mấy mà ầm ĩ. Có vị dễ tính nói xuề xòa như vậy. Nhưng đây là vấn đề…nhân quyền. Ngồi nhất định thấp hơn đứng nên ngồi vẫn kém vế hơn. Tình trạng bất bình đẳng này sở dĩ có là vì Tạo Hóa. Ông này không có miệng cãi nên chuyện gì cũng vậy, cứ đổ vào đầu ông ấy là xong tuốt. Nhưng lần này ông ấy cãi. Một bà thuộc loại tranh đấu một bữa tìm gặp ông Tạo và hỏi với giọng hung hăng: “Tại sao ông lại tạo ra hai thứ dụng cụ khác nhau để phụ nữ chúng tôi bị thiệt thòi trong vị thế thấp kém hơn”. Thấy vẻ dữ dằn của…bà trời này, ông Tạo khép nép ấp úng: “Thì ta bắt chước lũ người chúng bay chứ sao?”. Thấy ông Tạo giở trò chạy làng, bà sấn tới: “Ông bắt chước ai?”. Ông Tạo vội tiết lộ: “Ta bắt chước ông thợ mộc khi ông ấy đục mộng làm nhà!”. Tưởng là xong hóa chưa xong, bà trời hỏi lại: “Tại sao ông lại dành cho đàn bà chúng tôi phần khuyết, còn đàn ông các ông phần dư?” Ông Tạo ngập ngừng: “Thì tại ông thợ mộc ông ấy lựa như vậy. Nếu có đàn bà làm thợ mộc thì đâu có nên nỗi!” Bà chằng hết cãi. Đàn bà làm đủ nghề nhưng làm gì có thợ mộc đàn bà!

Chuyện đứng và ngồi vậy mà cũng nguy hiểm. Không nguy hiểm trên mặt đất nhưng nguy hiểm trên máy bay. Chuyện này cũng là chuyện nực nội của mấy bà. Thường đi máy bay chúng ta chỉ đi tiểu. Mấy ông thì cứ bắc vòi rồng xong, giật nước là thơ thới đi ra mỉm cười với mấy nàng tiếp viên phi hành. Các bà thì bắt buộc phải ngồi. Bà nào hơi có da có thịt thì lấp ngay cái chỗ ngồi chẳng hở ra được một cái khe. Nếu bà lại thuộc loại sạch sẽ, vừa xả xong liền với tay giật để phi tang chứng tích ngay thì…lãnh thẹo liền. Bởi vì cái toa-lét trên máy bay không vận hành bằng nước mà bằng hơi. Hơi sẽ hút mọi thứ xuống kể cả cái mông và những đồ phụ tùng trên đó. Vậy là chết một cửa tứ! Thường bên cạnh chỗ giật nước có ghi hàng chữ “Không xả nước khi còn ngồi trên bàn cầu” nhưng mấy ai chú ý tới hàng chữ này. Mới đây một ông tên là Murphy đã mất mặt vì ngồi xả nước. Ông này không giao du với anh Tiểu mà giao du với anh Đại nhưng tôi cứ mang chuyện này ra để làm bài học thực tế  cho mấy bà. Trong lúc còn chễm chệ trên bàn cầu, ông với tay ra sau bấm nút xả. Cả cái bàn tọa bị dính chặt vào bàn cầu. Cô tiếp viên từ bên ngoài đập cửa yêu cầu ông mở. Khi cửa mở, cô xông ngay vào, nắm lấy cổ tay ông Murphy, cố kéo giật lên, nhưng vô ích. Bàn cầu cứ giữ rịt lấy bộ bàn tọa. Cô tiếp viên lôi đuôi áo sơ mi của ông Murphy lên và đưa những ngón tay ngà ngọc của cô vào chỗ tiếp xúc giữa nắp bồn cầu với bộ mông của đương sự. Nhưng ông vẫn dính chặt vào bàn cầu. Cô cố thêm một lần nữa và vô tình chạm phải nút xả. Một tiếng động lớn khiến rung chuyển cả thân máy bay và ông Murphy thấy như cả bộ đồ nghề lẫn ruột gan của ông bị kéo cả ra ngoài. Ông đau quá và ngất xỉu liền. Khi tỉnh dạy ông mới biết là máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp và sáu cứu cấp viên đã phải dùng đèn hàn xì để cắt cái bồn cầu ra. Sau đó họ nhấc ông ra với cái bàn cầu vẫn dính vào mông ông. Họ cứ thế bê ông về bệnh viện. Không biết chữ hoặc biết chữ mà không chịu khó đọc cho kỹ mang tới thảm cảnh nguy hại như vậy. Một ông bạn trẻ của tôi, sanh đẻ ở bên đây, cho tới bây giờ nhất định không bao giờ bước lên máy bay. Bây giờ tôi mới thấy ông ấy có lý!

Mới chỉ tới máy bay mà đã cực như vậy, lên cao nữa chắc…chết. Nữ phi hành gia Barbara Morgan, người đã bay trên tàu con thoi Endeavour trong 13 ngày vào tháng 8 năm 2007 vừa qua, tiết lộ là cái bàn cầu trên tàu con thoi cũng giống như bàn cầu dưới đất, chỉ khác chút xíu là có bộ phận chặn trên đùi để giữ cứng thân thể người…hành sự. Đặc biệt là có một cái ống gắn với một cái phễu thích hợp cho cơ thể đàn ông hay đàn bà. Cái phễu này ra sao, bà Barbara không tả rõ, nhưng suy ra thì các phi hành gia, đàn ông cũng như đàn bà đều phải trong tư thế ngồi khi phun nước. Các ông không được quyền như các ông dưới dương trần là dõng dạc tè đứng bởi vì trong tình trạng không trọng lực, có khi thứ nước thải này như một thứ boomerang phản phé quay ngược lại tung tóe trên mặt các ông! Mấy ông bạn tôi (lại mấy ông này!), người nào cũng đang ngóng chữ cổ lai hy, thề quyết nhất định không thèm làm phi hành gia. Hèn người đi! Các ông này có cái tật của những người đầu quay ra phía sau, nhất định chỉ thấy quá khứ, hay kể những chuyện hiên ngang trên những chuyến xe đò ra miền Trung hay về lục tỉnh. Khi tài xế tốp xe vào bên lề đường, hàng hàng lớp lớp ào xuống vệ đường. Các ông hùng dũng tiến đến chiếm những gốc cây trong khi phía nữ lưu rụt rè núp trong các bờ bụi. Phe đứng phe ngồi rõ ràng. Đi xe đò bên đây không được hưởng cái thú…thượng phong như vậy. Chung qui chỉ vì những cái rest area tẻ nhạt. Tây không được oai phong bằng ta. Điều đó đã được an bài bằng 18 chữ vàng. Tây: ăn chậm, đi nhanh, hôn công khai, tè lén! Ta: ăn nhanh, đi chậm, hôn lén, tè công khai!

Tè công khai không ai oai dũng bằng Trạng Quỳnh. Năm đó triều đình ta chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang nước ta. Chúa nghe nói tên sứ này là một kẻ hống hách, hợm hĩnh, bèn kêu Trạng Quỳnh vào giao cho giữ việc nghênh tiếp. Quỳnh phụng mạng giả làm anh lái đò chở sứ giả Trung Hoa. Khi đò đến giữa sông, một tên trong nhóm sứ Tàu chột bụng buông ra một tiếng kêu. Để chữa thẹn, hắn đọc một câu xấc xược: “Lôi động Nam Bang” (Sấm động nước Nam). Quỳnh đang cầm chèo liền đứng dậy, vạch quần đái vòng cầu qua đầu tên sứ láo xược, đọc một cách thánh đố: “Vũ qua Bắc Hải” (Mưa qua bể Bắc). Tên sứ Tàu giận điên tiết, xông lại định đánh Quỳnh. Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng: “Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ” (Sấm động trước, ắt sau sẽ mưa, luật trời đất là thế). Cả bọn sứ Tàu sửng sốt, không thốt được một lời trước câu lý lẽ quá xác đáng của anh lái đò. Chúng vừa tức vừa sợ. Một anh lái đò đã…văn hóa như vậy thì dân nước Nam này phải như thế nào!

Dân ta văn hóa là cái cẳng. Cứ thử xem những câu đối của những người khuyết danh thì biết. Một ông xướng : “Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp đúng chỗ bò mà bò đúng chỗ cạp”. Và đây là những câu đối :

“ Thầy sinh vật vật cô sinh vật, vật đúng chỗ sinh mà sinh đúng chỗ vật”

“ Anh cà phê cà chị cà phê, cà đúng chỗ phê mà phê đúng chỗ cà”

Rằng hay thì thật là hay nhưng đối như vậy thì có ăn nhậu chi đến…tiểu! Cũng ăn nhậu chứ. Rặt những chữ chỉ nơi chốn phát xuất ra…tiểu. Nhưng câu đối này mới…tiểu dữ: “ Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương đúng chỗ tiểu mà tiểu đúng chỗ thương!”.

Vẫn là chuyện văn hóa…tiểu. Cuốn Hồi Ký của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Giáo sư Đại Học tại Việt Nam, không được in trong nước nhưng đã được phóng lên mạng. Giáo sư Mạnh đã ghi lại những ký ức về nhiều nhà văn, nhà thơ cùng các trí thức trong nước. Đoạn ghi về Hồ Chí Minh có một chi tiết khá lạ về sự giải thủy. Tôi cứ ghi lại đây nguyên văn đoạn này tuy có những chữ có thể làm nhiều người khó chịu : “ Năm 1965, Mỹ cho không quân ra đánh phá miền Bắc. Cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá, là một trọng điểm oanh tạc của chúng. Anh chị em dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng phối hợp cùng với pháo binh tải đạn và bắn máy bay giặc. Nổi lên có hai nữ dân quân được tuyên dương công trạng xuất sắc: Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng. Năm ấy, tôi phụ trách một đoàn sinh viên Đại học Sư phạm Vinh ra thực tập ở trường Lam Sơn, Thanh Hoá, sơ tán ở ngoại ô thị xã. Tôi đưa mấy sinh viên văn ra gặp Nguyễn Thị Hằng ở nhà riêng. Hằng là một cô gái quê mà rất trắng trẻo, cao ráo. Cô cho xem bức hình chụp mặc quân phục trông rất đẹp đẽ, oai phong. Cô khoe vừa được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ra Hà Nội, đi đâu cũng có một anh cảnh vệ hay công an đưa đi. Hành trình qua rất nhiều chặng. Đến mỗi chặng, anh dẫn đường lại bảo, cô chờ ở đây, người khác sẽ đưa đi tiếp. Chặng cuối cùng, anh dẫn đường nói, cô ngồi đây, Bác xuống bây giờ. Một lát ông Hồ tới. Ông không vội hỏi han gì về thành tích chiến đấu của Hằng. Câu hỏi đầu tiên của vị Chủ tịch nước là: “Cháu có buồn đi tiểu, Bác chỉ chỗ cho mà đi” Câu chuyện của Nguyễn Thị Hằng về chủ tịch Hồ Chí Minh hôm đó, tôi nhớ nhất chi tiết này. Chi tiết rất nhỏ nhưng nói rất nhiều về con người Hồ Chí Minh.”

Ông Nguyễn Đăng Mạnh bỏ lửng ở đây. Chi tiết nhỏ này nói lên điều gì về con người Hồ Chí Minh, ông không cho biết rõ ràng. Theo tôi thì chi tiết này hơi lạ. Nguyễn thị Hằng là một cô gái quê nhưng “trắng trẻo, cao ráo”, lại là chiến sĩ xuất sắc từ Thanh Hóa ra gặp vị nguyên thủ quyền uy. Vậy mà câu đầu tiên của ông này nói với cô nhỏ anh hùng lại là câu hỏi về…tiểu. Tôi bỗng nghĩ đến một tình huống thông thường. Một đứa con gái xa nhà lâu ngày, về thăm ông bố, ông bố có hỏi con gái mình về chuyện…buồn đi tiểu không? Văn hóa của chúng ta hình như không có những tình huống kỳ lạ như vậy. Vậy thì “con người Hồ Chí Minh” ra sao qua câu chuyện nhỏ mà một ông giáo sư Đại Học phải ghi vào nhật ký như một chi tiết đáng nhớ này? Tôi có đọc được những tiết lộ về những chuyện thâm cung bí sử của các lãnh tụ đỏ. Họ có một đời sống giường chiếu rất phong phú với bất cứ thân gái nào được mang tới phục vụ họ. Ông Hồ không phải là trường hợp ngoại lệ. Không biết hiểu như vậy có đúng ý của ông Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong câu viết bỏ lửng của ông chăng?

Chuyện thấp lè tè của một ông già tự cho là cao là chuyện chẳng vui gì. Nói chuyện cao chắc vui hơn. Chuyện trên Trạm Không Gian Quốc Tế ISS. Trạm này như một căn nhà quốc tế cho các phi hành gia thuộc nhiều nước ở lại làm việc. Trạm có thể chứa được 6 phi hành gia trong một thời gian dài. Sáu cái vòi rồng hoạt động mỗi ngày  sẽ sản xuất ra biết bao nhiêu nước tiểu. Trên vũ trụ bao la, biết thải thứ chất thải này đi mô? Chẳng lẽ lại mang ra làm mưa cho khắp bàn dân thiên hạ! NASA đang lo việc giải quyết khối nước có mùi này. Ngày 17 tháng 11 năm 2008 vừa qua, họ đã cho phi thuyền Endeavour mang lên Trạm Không Gian một bộ máy trị giá 154 triệu đô Mỹ dùng để tái chế biến nước tiểu của các phi hành gia. Máy này sẽ lọc nước tiểu, mồ hôi và hơi nước ngưng tụ trong Trạm và biến thành nước uống cho các phi hành gia.

Mất tới 154 triệu đô chỉ để đi tới chỗ cho các phi hành gia uống nước tiểu, hơi đắt! Chuyện uống nước tiểu dân ta đã làm từ lâu. Mà có cần máy móc chi đâu! Hồi nhỏ, tụi con nít chúng tôi thường được các bà vừa lâm bồn hoặc các ông bà có bệnh xin nước tiểu uống. Chỉ việc vạch quần ra là trái ớt hiểm làm ngay tất cả. Khi không có…thân chủ, chúng tôi chơi trò cầu vồng thả dàn tưới xuống đất. Đã có đất lo cho hết. Đất cũng chẳng máy móc chi. Cứ lặng thinh thu nhận.

gieo hạt đặt mìn đất nhận hết
thiện ác ở trong lòng con người
muốn học chữ nhẫn đái xuống đất
đất thấm mà không nói nửa lời.
(Bắc Phong)

Chú nhỏ đứng tè ở thủ đô Brussels của Bỉ thì chẳng làm phiền hà đất. Chú đứng tè nơi góc đường Rue de l’Étuve và đường Eikstrat suốt ngày đêm xuống một cái bể chứa nước. Đầu tháng 9 năm 2008 vừa qua, tôi đã phải cất công đi xem chú tè. Chẳng cứ tôi, bất cứ du khách nào tới Brussels cũng phải tới coi chú vạch quần! Chú đây là một bức tượng bằng đồng và trong nhiều dịp lễ, tượng chú được mặc quần áo đàng hoàng. Mỗi lần thay quần áo cho chú là có ban nhạc tới trống kèn rôm rả. Quần áo của chú có nhiều kiểu. Tới nay tủ quần áo đã lên tới vài trăm bộ! Chú tè ra nước trong vắt, không mùi gì. Điều này chính tôi đã hứng nước tiểu của chú nên cam đoan là đúng. Nhưng khi tôi tới thì không được may mắn. Bởi vì thỉnh thoảng chú tè ra…bia, du khách hứng uống ngon lành. Bia…tiểu ngon hơn bia thường vì được uống free chẳng tiền nong gì! Chú là ai mà lối vậy? Có nhiều truyền thuyết về chú bé được người Bỉ kêu là le petit Julien này. Truyền thuyết nổi tiếng nhất là chuyện xảy ra vào năm 1142. Chú chính là Quận Công Godfrey III của Leuven, lúc đó mới được 2 tuổi. Quân Leuven đánh nhau với quân Berthouts của lãnh chúa Grombergen. Viên Quận Công nhỏ xíu này dĩ nhiên chẳng đánh đấm chi được nhưng được bỏ vào một cái thúng treo lên cây để động viên tinh thần quân sĩ phe ta. Nằm trong thúng chú tè xuống địch quân và thắng trận! Truyền thuyết khác kể là vào thế kỷ thứ 14, Brussels bị bao vây bởi quân ngoại bang. Họ tiến được vào thành phố và sửa soạn đặt chất nổ dưới chân tường thành. Một cậu bé tên Juliaanske ở Brussels bất ngờ nhìn thấy. Cậu bèn vén quần lên tè vào ngòi nổ và cứu được thành phố. Những truyền thuyết lịch sử như vậy nghe khô khan nên du khách tới Brussels thường được nghe hai truyền thuyết khác vui hơn. Một chuyện kể cậu nhỏ là con một phú gia tới chơi thành phố và bị lạc. Ông nhà giàu hối hả tổ chức nhiều toán đi tìm kiếm. Cuối cùng họ thấy chú đang đứng tè tại một khu vườn nhỏ. Ông phú gia bèn cho xây bức tượng chú đứng tè như một cử chỉ cám ơn mọi người đã giúp ông tìm thấy con. Chuyện khác lại kể là chú nhỏ theo mẹ đi shopping và bị lạc. Bà mẹ chạy đi kiếm như điên như dại. bà nắm áo mọi người bà gặp, kể cả ông Thị Trưởng để van nài họ kiếm giúp. Cuối cùng họ kiếm thấy chú đang đứng tè tại một con phố nhỏ.

Chuyện về một chú nhóc đứng tiểu đã làm nổi danh thành phố. Lúc tôi tới, thành phố đã lên đèn, trời nhá nhem tối, hơi lạnh. Vậy mà du khách vẫn chen chân vòng trong vòng ngoài đứng chụp hình và hứng nước…thánh! Khi dạo chơi phố phường Brussels, tạt vào những nơi bán đồ kỷ niệm cho du khách thì tôi càng ngạc nhiên hơn. Tượng chú nhỏ đứng tiểu đủ cỡ nằm la liệt chiếm tới cả nửa cửa hàng. Tiệm nào tiệm nấy bán không ngừng tay. Có tượng làm thành cái mở rượu, cái vòi của chú bé là một vòng cuốn như lò xo dài thòng. Kiểu này hơi lạ, tôi có mua về tặng các ông bạn tôi, ông nào ông nấy nhận quà mà mặt ngơ ngẩn, như có điều chi tiếc nuối! Brussels là thủ đô của khối Liên Hiệp Châu Âu, có nhiều công trình xây cất và danh lam thắng cảnh. Như Tháp Nguyên Tử được xây vào dịp Hội Chợ Brussels vào năm 1958 cao 102 thước, tượng hình một phân tử nguyên tử với 9 trái cầu có đường kính 18 thước được nối với nhau bằng 12 ống có thang máy liên lạc với nhau, mỗi trái cầu là một khu triển lãm. Tân tiến và hiện đại như vậy mà chẳng được coi là biểu tượng của thành phố, thua đứt một chú bé đứng tè bên đường. Thế mới biết sức mạnh của cái thứ vũ qua Bắc hải!

01/2009