Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

TOILET

Tôi nhận được một mail một người bạn gửi cho mấy cái hình người mẫu và ca sĩ trong đó có ca sĩ Mỹ Tâm. Thấy hay hay, tôi chuyển lung tung cho một số bạn để chia sẻ với nhau một nụ cười. Một bà gửi mail cám ơn mấy cái hình chụp người đẹp mỗi cô ngồi trong một cái thùng các-tông vui quá! Nhận được mail tôi ít vui. Bởi vì cái ý nhị nhất trong những tấm hình không được bà chia sẻ. Chính ra đó không phải là những chiếc thùng các-tông mà là những cái nhà cầu công cộng trên sông nước miền Nam! Bà ở miền Trung di tản qua đây nên chưa bao giờ được biết một loại toilet…vui như thế.

Hồi mới chân ướt chân ráo di cư vào Sài gòn, tôi ngụ tại Vĩnh Hội, khu cầu Ông Lãnh.Con đường trải nhựa khá rộng, hai xe tránh nhau được, mang một cái tên rất nặng mùi: hẻm Hãng Phân! Tôi rất ngần ngại và mắc cở mỗi khi phải liên lạc thư từ. Cái tên hắc ám như vậy làm giảm giá trị của con người. Nguyên do có cái tên trời ơi đất hỡi này là vì con hẻm nằm sát ngay bên hông một hãng làm phân bón hóa học. Người Nam vốn xuề xòa, sao cũng được, không lấy cái tên tây của hãng phân bón làm tên con đường mà cứ mộc mạc kêu tên bình dân. Riết rồi quen tai. Đô thành cứ theo tên gọi của dân mà vẽ trên bản đồ. Thế là…mất vệ sinh. Nhà trong hẻm toàn là nhà tôn vách ván, chẳng nhà nào có toilet. Khi ông bà cụ tôi mua đứt được căn nhà mới làm một nhà vệ sinh kế cận nhà tắm, sát hàng rào phía sau. Đất là đất sình, phía sau nhà là một khu sình lầy với những thứ cây dại mọc ngổn ngang rậm rạp. Cái nhà cầu duy nhất trong xóm của nhà tôi được cho thoát ra sau bằng vài đoạn ống xi măng. Vì vậy nên chỉ khi nào thật khẩn cấp mới được xử dụng. Thông thường thì phải đi khoảng vài trăm thước, quặt ba bốn cái hẻm nhỏ chỉ vừa hai người đi lọt, vào sát mé sông Ông Lãnh để làm cái việc…tẩy trần. Khu toilet công cộng được dựng trên những chiếc cọc nhoi ra sông. Mỗi…cơ ngơi gồm khoảng hai chục ô “các-tông” chia ra làm hai phía, một cho nam và một cho nữ. Muốn nhập…thiên thai phải bước trên một chiếc cầu khỉ bề rộng ghép bằng hai miếng ván dài, nối nhau trên những chiếc cọc, đâm vào giữa khu vệ sinh. Tới đây thì tỏa ra hai bên. Một bên cho phe nam, một bên cho phe nữ. Mỗi ô được quây kín chung quanh tới khuất đầu, phía bước vô kín tới khoảng trên đầu gối, ngồi trên hai tấm ván để trống ở giữa cho…bom có đường xuống nước sông. Thường thì khu công cộng này đông khách vào buổi chạng vạng tối, sau bữa cơm chiều. Ngồi giữa trăng thanh gió mát, làm cái việc được coi là cái khoái thứ tư, mọi người chuyện trò rôm rả giữa những tiếng rơi lõm bõm xuống nước và những tiếng nổ phụ ngoài tầm kiểm soát. Nếu để ý một chút, có thể biết bụng dạ của những người hàng xóm. Khi xong việc, đứng dậy ra về, còn chào hỏi nhau rối rít. Ban ngày nắng gắt thường vắng vẻ, phần vì không có mái che, phần vì ai cũng ngại giơ mặt ra giữa thanh thiên bạch nhật. Đấy, những hình ảnh tôi nhận được qua mail là hình ảnh của những người đẹp ngồi trong những cái ô như vậy. Cô nào cũng tươi cười. Có lẽ hôm chụp hình cô nào bụng dạ cũng thông chăng? Hay đây là một nét văn hóa của miền Nam mà những nhiếp ảnh gia muốn phô bầy một cách nghệ thuật nên các cô phải cười? Tuy chỉ ở nơi hẻm Hãng Phân một thời gian ngắn chừng hai năm, tôi cũng đã nhận ra những chiếc “hộp các tông” này là một thứ nhà làng, nơi gặp nhau của mọi người, thông báo cho nhau tất cả những tin tức của nhà nọ nhà kia trong xóm và là nơi duy trì tình thân thiết xóm làng.

Những cái toa lét nơi những chỗ khác không bao giờ có vai trò…tinh thần như vậy. Chúng chỉ là chỗ kín đáo để mọi người cô đơn giải quyết bụng dạ. Trong một xã hội tân tiến loại hình toilet giản dị như vậy không được chấp nhận. Ông Elbert Preston năm nay đã 79 tuổi, ngày xưa có lúc ông đã làm tới chức Nghị viên của Washington Township ở tiểu bang Ohio. Ông có một miếng đất rộng 175 mẫu Anh, gần khu thương mại, rất có giá. Nhà ông nằm trên khu đất này có một nhà vệ sinh nằm phía ngoài căn nhà chính. Cái nhà vệ sinh này có…lịch sử đàng hoàng. Một cơn gió lốc thổi tới trong khu đất nhà ông một cái nhà nhỏ nằm nguyên vẹn như được ông dựng lên. Ông dùng cái nhà trời cho này, đào phía bên trong một hố đất, làm chỗ giải quyết tiện nghi thường ngày. Các viên chức y tế địa phương không thể công nhận lối giản tiện quá đáng của ông và yêu cầu ông dỡ bỏ để giữ vẻ mỹ quan cho toàn khu vực tuy cái toilet đơn giản đã hiện diện tại đó từ trên bốn chục năm qua rồi. Ông bướng bỉnh không chịu. Nó đã nằm đó trong một khoảng thời gian dài có sao đâu. Hai bên đôi co nhau, cuối cùng hội từ thiện People Working Cooperatively đã phải đứng ra làm cho ông một nhà vệ sinh mới đầy đủ tiện nghi trong nhà ở của ông. Đây là lần đầu tiên Hội bỏ tiền xây một nhà vệ sinh. Thường thì họ giúp các người già, lợi tức thấp việc lợp mái nhà hoặc xây lối đi cho xe lăn. Nhà vệ sinh mới có bồn chứa dung tích một ngàn gallon, khang trang và hợp vệ sinh. Được một nhà vệ sinh mà chẳng bỏ ra đồng nào, ông còn nói một cách đáng ghét: “Nhà vệ sinh mới này quá đẹp và quá phí để làm công việc ấy. Tôi gọi nó là nhà riêng. Đi vệ sinh trong nhà nghe rất rùng rợn vì ai cũng biết bạn vào đó làm gì!”

Ngày xưa nhà vệ sinh là một thứ nhơ nhớp cần phải làm riêng ra ngoài, càng xa nhà ở càng tốt. Ngày nay toilet là một phòng…thân thương, dính liền với phòng ngủ. Lý tưởng là mỗi phòng ngủ một phòng vệ sinh. Nhà càng nhiều toilet càng được giá. Nếu nhà là một cái toilet khổng lồ thì sao?

Tòa nhà hình toilet là ý kiến độc đáo của ông Sim Jae Duck, cựu Thị Trưởng thành phố Suwon, người được dân chúng đặt cho biệt danh là “ông toilet”.  Ông là người đã thành công trong chiến dịch cổ võ cho chiến dịch làm đẹp nhà vệ sinh tại thành phố của ông trong dịp Đại Hàn tổ chức Thế Vận Hội năm 1988 và Giải Túc Cầu Thế giới năm 2002. Căn nhà mới hoàn thành của ông mang hình dáng một chiếc bồn cầu khổng lồ sẽ được khánh thành vào ngày 21 tháng 11 sắp tới nhân lễ ra mắt của Hiệp Hội Nhà Vệ Sinh Thế Giới tổ chức tại Seoul. Ngôi nhà hai tầng mang chủ đề “Nơi Người Ta Đến Để Giải Quyết Nỗi Buồn” được xây cất với chi phí 1 triệu 100 ngàn đô Mỹ! Để quyên tiền cho hoạt động của Hiệp Hội Toilet Hàn Quốc, ông đã sẵn sàng rước khách vào trọ tại căn nhà của mình với giá 50.000 USD một đêm! Hiện tại, ông Sim đã có bảy khách hàng đầu tiên chịu chi trả theo giá trên . Đối với khách thăm viếng, mỗi người chỉ phải trả 1 đô Mỹ một lần. Ở giữa căn nhà được xây dựng trên nền đất có diện tích 420 mét vuông là một phòng tắm được lắp kính từ sàn lên tới trần nhà. Chỉ cần chạm tay vào một cái nút, toàn bộ kính sẽ chuyển sang mờ đục. Khi khách vào để đi vệ sinh, một hệ thống cảm ứng sẽ được kích hoạt để phát ra những âm điệu nhạc cổ điển. Tổng cộng có tất cả bốn phòng vệ sinh trong nhà. Khách còn có thể leo lên sân thượng bằng một cầu thang xuyên qua “máng xối” nơi đón nhận nước mưa để làm nước sử dụng trong nhà.

Ngày nay hình như người ta chột bụng nhiều hơn, giải tỏa nước thải nhiều hơn thì phải. Chắc tại chúng ta đang sống trong một thời đại dư thừa lương thực và các thức ăn được biến chế hấp dẫn và ngon miệng hơn thời xưa. Khi nhu cầu của đường vào qua cửa miệng nhiều hơn thì nhu cầu của đường ra cũng phải tăng theo. Đi tới đâu chúng ta cũng cần có cái toilet dính theo. Dưới tầu ngầm, trên tàu biển, trên xe lửa, trên xe buýt, trên máy bay, trên phi thuyền không gian, ở độ cao hay độ thấp nào, chúng ta cũng xoành xoạch đi ra đi vào khu phòng nhỏ. Không có là không xong. Nhưng có đôi khi lại là cái hại. Ba chàng người Hy Lạp và ba chàng người Thổ Nhĩ Kỳ cùng đi dự một hội nghị. Họ dùng xe lửa. Khi tới phòng vé, ba chàng người Thổ mua mỗi người một vé trong khi ba chàng Hy Lạp chỉ mua một vé. Ba chàng người Thổ băn khoăn suy nghĩ: làm sao mấy tên ma đầu kia chỉ mua có một vé mà đi được ba người. Họ để ý quan sát. Vừa lên tầu, ba anh chàng Hy Lạp chui ngay vào toilet. Tầu chạy, người soát vé đi dọc theo tầu làm nhiệm vụ. Khi tới cửa toilet, anh gõ cửa, miệng nói: “Soát vé!”. Cánh cửa mở hé ra đủ cho một cánh tay chìa tấm vé ra. Người soát vé lấy tấm vé rồi tiếp tục di chuyển. Chờ cho anh ta đi khuất, ba chàng Hy Lạp mới chui ra. Ba chàng Thổ gật gù thán phục. Hội nghị xong, trên đường về, ba chàng Thổ áp dụng ngay bài học khôn, chỉ mua một vé. Nhìn sang ba chàng Hy Lạp thấy họ không động tĩnh. Họ tỉnh bơ leo lên tầu trong tay không một miếng vé. Vừa lên, ba chàng Thổ vội vàng cùng nhau chui tọt vào một phòng toilet. Họ không thấy ba chàng Hy Lạp cũng chui vào một toilet phía cuối toa. Tầu chạy. Người soát vé chưa kịp làm nhiệm vụ thì một chàng Hy Lạp vội lẻn ra khỏi phòng vệ sinh, tới gõ cửa phòng có ba anh Thổ núp ở trong, miệng ra lệnh: “Soát vé!”

Ba anh Hy Lạp khôn lỏi này mà cho lên máy bay chỉ có nước chịu chết. Mỗi lần đi máy bay tôi vẫn cố hạn chế tối đa việc dùng toilet. Người thì đông, toilet thì ít, mỗi lần muốn đi thăm căn phòng số 1 thì phải làm rồng rắn. Nhất là sau giờ ăn, lúc đường ra trong mỗi người thông thoáng, hàng người mặt khó đăm đăm kéo dài đến phát nản. Cứ đứng phơi mặt ra kể cũng ê càng.

Lên cao hơn nữa việc tiện lớn tiện nhỏ trên các trạm vũ trụ còn rắc rối hơn nhiều. Trong tình trạng không trọng lực, cái gì cũng có cánh, buông ra là bay trong không gian, việc thải cặn bã trong người ra phải có phương pháp. Khi chất thải vừa xuất đầu lộ diện phải có máy quạt để bơm chúng vào bồn chứa liền. Có hai loại quạt: một dùng cho chất rắn, một dùng cho chất lỏng. Cả hai đều phải hoạt động cùng lúc. Vậy mà trên tàu vũ trụ quốc tế ISS, chiếc máy quạt chất lỏng bỗng đình công không làm việc trong những ngày vừa qua. Toilet trên trạm này là sản phẩm của Nga. Nó hoạt động rất tốt trong 7 năm qua, chỉ hư hỏng có một lần duy nhất. Nhưng hỏng nhẹ nên các phi hành gia tự sửa lấy được. Lần này nó tá họa nhất định nằm lì. Nhà sản xuất Nga cũng chẳng hiểu tại sao. Việc…quan không có một ngày là không xong. Các phi hành gia là những người thông minh (không thông minh sao bay tít tận lên trên đó được!), họ tạm giải quyết được. Không phải họ…cấm vận đâu, mà họ tạm dùng toilet của tầu Soyouz. Nhưng toilet của tầu này nhỏ xíu, công xuất không bao nhiêu. Họ phải xoay qua bơm tay. Mỗi ngày họ phải thay nhau bơm 1 tiếng đồng hồ. Tất cả các biện pháp trên chỉ là tạm bợ. Phải có phụ tùng thay thế  mới được. Nhà bạn, nhà tôi, lỡ cái toilet có làm reo, chúng mình có thể chạy ra Reno Depot hay Rona, bắt ngay phụ tùng về thay thế. Trên vũ trụ làm gì có chi nhánh của các tiệm này. Phải nhờ phi thuyền chở lên. Nghe đã thấy diệu vợi! Vậy là phi thuyền con thoi Discovery của Mỹ được phái lên. Thật ra phi thuyền này đã có chương trình bay lên từ trước chứ chuyện không giản dị như chúng ta xách chiếc xe hơi chạy. Nhiệm vụ của chuyến bay 9 ngày lần này là mang phòng thí nghiệm Kibo  trị giá hàng tỷ đô Mỹ của Nhật lên trạm ISS. Phi thuyền đâu phải là xe đò mà muốn chất thêm vào cái máy quạt là cứ việc mang tới. Người ta đã tính sát từng chút trọng lượng cần phải chở lên. Nhưng vì vấn đề ruột gan này quá cấp bách nên bắt buộc phải gửi chúng lên bằng được. Cuối cùng phụ tùng thay thế cũng lên tới nơi và phi hành gia Nga Oleg Kononenko đã biến thành anh thợ sửa toilet. Được cái tay nghề của anh thợ tài tử này cũng khá nên chỉ mất hai tiếng đồng hồ là mọi người hân hoan vì đường giải tỏa đã thông thoáng!

Không hiểu phi hành gia Oleg được trả công bao nhiêu cho công việc tuyệt diệu anh đã thực hiện được. Chắc chỉ được nụ cười của những đồng nghiệp mặt hết nhăn nhó. Một anh thợ sửa toilet chomột cơ quan tư pháp ở hạt St Louis, thành phố Clayton thuộc tiểu bang Missouri may mắn hơn nhiều. Anh đã vớ được một bọc tiền giấu trong nhà vệ sinh gồm toàn giấy 100 đô và 50 đô. Anh trình cảnh sát. Họ đếm được tất cả 50 ngàn đô! Sau khi thẩm vấn các nhân viên có mặt trong tòa nhà, cảnh sát không tìm ra manh mối. Không ai nhận là chủ nhân của số tiền kếch xù này. Chắc số tiền này định mang ra…rửa nhưng chưa rửa được thì bị anh thợ nhìn thấy trước! Số tiền sau đó được gửi trong một trương mục đặc biệt tại một ngân hàng. Không biết anh thợ may mắn này có được sơ múi gì không. Tôi nghĩ là có, nếu số tiền vô chủ này vẫn lêu bêu không người nhận.

Muốn gì đi chăng nữa, toilet luôn luôn là nhu cầu số một. Mới sơ sơ có ít ngày bị…cấm vận bán phần mà các phi hành gia đã xanh mặt. Bị cấm vận toàn phần không biết ra sao? Lòng can đảm không sợ khó của các chàng cưỡi mây mà đi coi bộ dở ẹc. Thua xa chí cương cường bất khuất của những chiến binh Việt Nam Cộng Hòa xưa bị vào tù cộng sản. Hai người, một linh mục và một sĩ quan, bị giam chung trong một căn phòng đổ nát hoang tàn như một ngôi cổ miếu. Cái mục toilet hoàn toàn thiếu vắng. Ông linh mục ở trước. Anh sĩ quan được tống vào sau. Thứ mà anh sĩ quan nhớ tới liền là cái toilet.

Từ khi vào phòng, tôi đã cảm thấy mắc tiểu quá chừng nhưng chưa tiện hỏi. Tới lúc ấy, không thể nín nổi nữa, tôi buộc phải lên tiếng:
“Cầu tiêu mình ở đâu?”
“Phòng này làm gì có cầu tiêu. Khi kẹt lắm thì kêu xin cán bộ còn thường thì mỗi tuần được đi một lần, chỉ một lần.”
Tôi nghe nói mà đâm hoảng:
“Ông nói thật à?”
Ông Đ. cười:
“Chẳng lẽ tôi đùa ông?”
“Thế mắc tiểu thì làm sao?”
“Ông cứ cho xuống mấy cái lỗ chuột đó. Từ nay lỗ bên đó của ông, bên này của tôi!” Ông Đ. vừa nói vừa chỉ vào hai góc phòng.
“Mình đang tiểu nửa chừng lỡ cán bộ mở cửa  phòng thì sao?”
“Ông khỏi lo, muốn mở cửa phòng cũng lâu lắm, ông đủ thì giờ để... ngưng mà.”

Nhập gia tùy tục. Không toilet thì xử sự theo kiểu không toilet. Đã mang thân vào tù, chuyện chi cũng là chuyện nhỏ, huống chi cái phòng nhỏ nhít cần thì quả là cần nhưng khi cần vung vít vẫn cứ…khắc phục được như thường. Cho tới một ngày vì tiếc miếng thịt thiu được thăm nuôi, anh sĩ quan đớp xong rồi mới sinh chuyện. Anh hỏi mượn đỡ cái hộp đựng bánh cũ mà ông linh mục vẫn sử dụng khi bụng dạ biểu tình. Tác giả Ngô Viết Trọng kể tiếp trong truyện ngắn “Ngôi Cổ Miếu”:

“Cái bụng anh ách bắt đầu hành hạ tôi. Tôi lo sợ lắm vì trong phòng không có cầu tiêu. Tôi nghĩ có lẽ tại mình tiếc cái mớ thịt thiu mới nên chuyện. Tại sao cái ngày cả hai người đều có thăm nuôi, mình lại tiếc chi cái của ấy nhỉ? Bụng tôi bắt đầu quặn lên dữ dội nhưng tôi vẫn cố nghiến răng mà nín. Rồi tôi biết không thể nào nín được nữa, tôi năn nỉ ông Đ.:
“Ông làm ơn cho tôi mượn cái hộp bánh của ông một chút đi! Tôi đau bụng quá chịu không nổi rồi!”
Ông Đ. giọng hơi cười:
“Tôi cũng từng bị đau như thế rồi, tôi biết lắm. Nhưng chuyện này, xin lỗi ông Trọng, tôi vẫn quen của ai dùng của nấy thôi.”
Tôi phải cố vừa năn nỉ vừa dọa:
“Ông cho tôi mượn rồi ngày mai tôi xin cán bộ bưng đi đổ và sẽ rửa sạch sẽ đàng hoàng cho ông! Nếu ông không cho mượn, lỡ tôi bung ra đây thì ông cũng khổ đó!”
Nhưng ông Đ. cương quyết:
“Tôi đã nói tôi không quen dùng chung cái gì với ai cả! Bây giờ cho ông mượn, lỡ tôi cũng bị đau rồi tôi đi vào đâu?”
Tôi giận điên lên nhưng cố ghìm để khỏi phát ra những ngôn ngữ không đẹp.”

Hai người đồng cam cộng khổ bỗng đâm ra bất hòa chỉ vì không có cái toilet. Mất cả tình đồng…ngục! Tôi nghĩ nếu cho anh sĩ quan này được hưởng cái thú vừa thoải mái dốc bầu tâm sự vừa hưởng trăng thanh gió mát như những ngày tôi mới di cư vào Sài gòn thì chắc anh sẽ cảm thấy như đang ở Thiên Đàng. Thế mới biết Thiên Đàng chẳng ở đâu xa. Nó nằm nhan nhản trong những phút giây bất ngờ nhất trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Tiếc là chúng ta thường không nhìn thấy những phút giây bồng lai tiên cảnh ngay trong cuộc sống trần gian này.

Chẳng hiểu có ai chia sẻ với tôi cái…triết lý toilet này không?

08/2008