Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

KHAI

Phải nói ngay kẻo có sự nhầm lẫn. Khai đây nhất định không có mùi. Khai chỉ là mở đầu. Đầu năm những người có dính tới chữ nghĩa thường khai bút. Tây thì không đủ văn hóa để có cái trò văn học này, vậy mà tôi lại khai bút vào đầu năm tây, ý là để truyền bá một trò chơi chữ nghĩa rất…ngàn năm văn hiến này cho tây họ bắt chước. Ngoài trời tuyết giá lạnh băng. Tuyết ngổn ngang ngoài đường đống nào đống nấy lù lù như mả Đạm Tiên, trông phát muốn chửi thề. Xuân chắc đang bị chôn vùi trong đống tuyết khó thương này. Trời mịt mù trắng xóa như vậy mà con người lại rất phơi phới cứ như được trẻ lại vài tuổi. Sáng nay, đi vơ vẩn trong một shopping center, tôi thấy mặt người nào người nấy tươi rói, nụ cười lúc nào cũng sẵn sàng trên môi. Một ông già vửa đầy xe đi chợ vừa huýt sáo, cười tình nhường đường cho tôi bằng cách giơ tay phác ra một cử chỉ rất kịch. Đây là chuyện hiếm vì thường thì các ông bà già đi chợ tính nết rất khó chịu có lẽ vì đang phải rứt ra những đồng tiền hưu vốn thưa thớt!

Lòng  người tết như vậy, lòng tôi cũng bỗng tết. Lòng ông Luân Hoán còn tết dữ hơn. Sáng nay vừa thức dậy, mở computer đã thấy lù lù cái mail của ông nhà thơ này. Ông ra đề thơ! Mỗi lần ông ấy giở trò bắt anh em làm thơ, tôi ít khi vui. Bởi vì có mấy bồ thơ ông ấy giữ chặt trong người, có còn chút nào dành cho tôi đâu. Ông ấy làm thơ dễ như móc đồ trong túi ra còn tôi làm thơ như đi cầy. Cực khổ lắm. Vậy mà mỗi năm khi đất trời vào…thơ ông ấy lại bắt anh em khai bút. Đề thơ năm nay của ông ấy là: em từ lục bát bước ra. Đó là tựa đề của cuốn thơ ông ấy mới xuất bản năm nay. Ông nhà thơ bắt anh em mỗi người làm tiếp ba câu cho thành một bài ca ngợi em của ông ấy. Ông lại còn dặn dò kỹ lưỡng là em ông toàn một thứ con nhà nghèo, mát mẻ và mát cả con mắt người đối diện. Đấy là đề tài, còn thời gian là từ sáng đến trưa, cấm không được để tới chiều. Làm thơ kiểu chạy marathon như vậy tôi kham chi nổi. Cố gắng quá sợ đứt gân máu tôi định giở trò ăn gian. Số là khi ông gửi tặng tập thơ này tôi đã hứng khởi gửi lời cám ơn bằng bốn câu thơ rồi. Bài gọi là thơ đó như thế này:                               

em từ lục bát bước ra
bước chân sáu tám chu choa là già
gặp anh song thất bên nhà
nụ cười bảy bảy tà tà thả dê

Hồi đó, làm xong mấy câu vè này tôi khoái chí khoe ngay. Ông nhà thơ nghiêm mặt không thèm cười. Tôi biết ông không bằng lòng. Các bạn đọc mấy câu văn vần con con này xin đừng có dại dột mà cho ông ấy biết. Mất vui đi. Tôi ăn gian chắc cũng không xong. Em của ông Luân Hoán đã được ông ấy xác định rõ ràng là trẻ trung, mát mẻ. Em trong cái gọi là thơ của tôi lại già khằng, thẩm mỹ viện nào chữa cho được? Thôi, có đứt gân máu thì cũng đành một kiếp thơ, tôi ba chân bốn cẳng…chạy thơ. Rồi thì cũng xong trước ngọ. Mail liền.

em từ lục bát bước ra
liếc ngang ngó dọc bắt tà ma anh
câu thơ, con chữ loanh quanh
tìm đâu chẳng thấy, thấy hình hài em

Tôi xuân theo lòng xuân của ông Luân Hoán. Tội chi mà không xuân. Không chụp lấy nó là ngẩn ngơ cuộc đời liền. Xuân bất tái lai! Xuân không có tuổi. Xuân là xuân. Nếu tính tuổi thì buồn tình chết. Tuổi cỡ chúng tôi bây giờ đã chất ngất lên tới đầu ngọn cây. Chỉ một cái với là lên trời. Vậy thì tội chi mà không ngã xuống đám cỏ non bên dưới. Ông Dương Chấn Ninh đã té rồi đó. Dương Chấn Ninh là ai vậy? Ông là nhà khoa học Trung Quốc đầu tiên nhận giải Nobel Vật Lý vào năm 1957, hiện là Giáo sư tại Đại Học Thanh Hoa, Bắc Kinh và Đại Học Trung Văn, Hongkong. Năm 2004, ông Dương lúc đó đã 82 tuổi, mới góa vợ chưa được một năm, đã cưới một cô học trò khi đó mới 28 tuổi. Nếu đọc xuôi đọc ngược thì hai người…bằng tuổi nhau. Cùng 28 hoặc cùng 82. Chuyện tuổi tác nào có chi quan trọng. Ông Dương đã biện luận như vậy. Theo ông thì tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần ông vẫn trẻ trung. Tình yêu của ông trẻ đến nỗi, tuy là một nhà khoa học cỡ bự, ông cũng đã làm thơ khen vợ trẻ. Thơ như thế này:

Dịu dàng, chu đáo chẳng mưu mô
Nhanh nhẹn, dũng cảm lại hiếu kỳ
Sôi nổi, đáng yêu và nghịch ngợm
Em – mùa xuân vĩnh viễn của lòng anh.

Thơ như vậy thì chỉ được giải Nobel Vật Lý là đúng! Em của ông Dương có tên là Ông Phàm. Cái họ “Ông” của cô thật khó chịu. Đọc ra cứ tưởng là…ông! Cô Ông Phàm hiện đang theo học khoa Phiên Dịch của trường Đại Học Ngoại Thương Quảng Đông. Hai người gặp nhau lần đầu vào mùa hè năm 1995. Khi đó ông Dương và vợ tới Sán Đầu để dự một hội nghị vật lý quốc tế. Ông Phàm khi đó đang là sinh viên Đại Học, được phân công tiếp đón vợ chồng ông. Ông Dương Chấn Ninh nói: “Đó là cuộc gặp gỡ do thượng đế sắp đặt”. Ông Phàm nói tiếng Anh rất giỏi, lại xinh đẹp, hoạt bát, tận tình chu đáo nên vợ chồng ông rất thích cô. Sau khi rời Sán Đầu về Mỹ, vợ chồng ông vẫn thỉnh thoảng liên hệ với cô. Tốt nghiệp Đại Học, Ông Phàm lấy chồng rồi chả bao lâu sau đã ly hôn. Mấy năm sau cô thi vào học thạc sĩ tại ĐH Ngoại Thương Quảng Đông. Đã mấy năm ông Dương và cô không liên lạc gì với nhau, nhưng có lẽ do duyên phận nên tháng 2 năm 2004 cô đã viết thư gửi sang New York cho ông. Mấy tháng sau đó hai người đã liên hệ với nhau nhiều lần và tình cảm trở nên gắn bó. Khi bà vợ ông là bà Đỗ Trí Lễ mất thì cuộc tình của ông bắt đầu thăng hoa biến thành một cuộc hôn nhân kiểu rổ rá cạp lại.

Tất cả các ông bạn tôi đều rất phấn khởi về cuộc hôn nhân này. Lý do là các ông ấy chưa ông nào tới tuổi của ông Tiến Sĩ họ Dương. Bạn tôi muốn vui thì cứ để cho họ vui. Tôi chẳng muốn nhắc cho họ nhớ là ông Dương có cái giải Nobel lận lưng. Các bạn tôi Tiến Sĩ thì cũng có nhưng Nobel thì chưa hề. Hơn thua nhau ở chỗ đó. Nói thì nói vậy chứ các ông bạn tôi lý lẽ đầy mình. Có ông đã luận là tình yêu đâu có cần những thứ linh tinh khác dù đó là cái giải Nobel! Mấy ông ấy nói gì thì mặc họ chứ có vẫn hơn không. Không bắt được cái giải Nobel thì ít ra cũng phải có tí chức quyền hạng nặng. Như ông Tổng Thống Sarkozy của Pháp. Ông này bắt được cô chân dài thượng thặng trẻ tuổi Carla Bruni thơm như múi mít. Chỉ tội trái mít này đã bị xẻ tanh banh cho bàn dân thiên hạ mãn nhãn. Thứ tiện dân như tôi mà cũng đã tỏ tường long thể chẳng thiếu một cái nốt ruồi. Dân Pháp lại còn tường tận hơn nữa. Vậy mà mới đây, long thể lại còn được cửa hàng trang phục Pardon trang trí hình ảnh…nhộng trên túi xách phát không cho khách hàng. Tưởng là chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ vì hình ảnh này thiên hạ ngắm đã mắt từ khuya, vậy mà cửa hàng Pardon vẫn bị tòa tuyên phạt bồi thường 40 ngàn Euro vì vi phạm quyền sở hữu của…hoàng hậu Carla! Cựu Thủ Tướng Đức Helmut Kohl đã 78 tuổi mà còn vớ được cô vợ 44 tuổi Maike Richter. Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức Joschka Fischer 60 tuổi cũng cưới được cô vợ Minu Barati trẻ hơn ông 28 tuổi. Cựu Tổng Thống Á Căn Đình 70 tuổi ẵm cô vợ Cecilia Bolocco trẻ hơn tới 35 tuổi. Cựu Tổng Thống 84 tuổi của Uganda, ông Godfrey Binaisa cũng lấy được bà vợ người Đại Hàn 53 tuổi có cái tên có vẻ Nhật Bản  Tomoko Yamamoto.

Chuyện gì Tây, cả Tây trắng lẫn Tây đen, làm được thì ta cũng làm được. Ta đây được đại diện bằng một ông Giáo sư một trường Đại Học tại Sàigòn, ông Nguyễn Văn Ân. Ông Ân năm nay 75 tuổi, góa vợ chẳng biết được bao nhiêu lâu, nay muốn lấy vợ tiếp. Lấy thì lấy có chi đâu. Nhưng ông già này lại muốn gặm cỏ non, ông lấy một cô vợ chỉ mới 15 tuổi. Vì chơi với đứa cháu…nối ruột vị thành niên nên ông phải ôm chiếu ra tòa vào ngày 18 tháng 12 vừa qua. Báo điện tử VnExpress tả cảnh ông già chơi trống bỏi ra tòa như sau: “Bị cáo Nguyễn văn Ân già nua, lọm khọm vịn chặt tay vào vành móng ngựa nghe chủ tọa tuyên án cho hành vi bỏ tiền mua vợ chỉ mới 15 tuổi của mình. Đứng bên cạnh, “mẹ vợ” kém con rể đến 35 tuổi, luôn sụt sùi khóc”. Bà mẹ vợ 41 tuổi này trình  bày trước tòa: đầu năm 2007, một người quen thổ lộ với bà về một người đàn ông góa vợ mấy năm nay đang muốn cưới một cô vợ trẻ để chăm sóc ông trong những ngày cuối đời. Theo lời giới thiệu ông là giảng viên của trường Đại học tại Sàigòn. Trong lúc đang cần tiền bà Lệ đã bằng lòng gả con gái cho ông Ân. Cuộc hôn nhân…tiền định này có điều kiện và giấy cam kết đàng hoàng. Ông Ân sẽ bảo trợ cho cô vợ tên Na học một nghề thích hợp để bảo đảm cuộc sống và hỗ trợ ngay cho gia đình mẹ vợ 50 triệu đồng. Trong giấy cam kết bà Lệ còn ghi rõ: “Nếu vì lẽ gì con gái tôi vi phạm cam kết chung sống trọn đời, từ bỏ cậu bất cứ lúc nào, vợ chồng tôi sẽ hoàn lại khoản tiền cậu đã trợ giúp và chịu trách nhiệm thất tín trước pháp luật”. Cùng với tờ cam kết là lễ cưới. Vì cô dâu còn quá nhỏ và sợ chuyện sẽ ầm ĩ nên  đám cưới không tổ chức rình rang. Ông Ân chỉ bỏ tiền ra mua đồ ăn về nhà làm tiệc cưới. Cuộc sống chồng vợ giữa hai…ông cháu dĩ nhiên chẳng thể tốt đẹp. Bé Na bỏ về nhà hoài. Chắc vì sợ phải trả tiền lại theo như cam kết trong bản hợp đồng nên bà Lệ đã đi bước trước làm đơn tố cáo chàng rể. Báo VnExpress tường thuật tiếp: “Trong phòng xử vắng lặng hôm nay, chỉ có vài thân nhân của bị cáo. Còn bé Na tóc cột túm vàng hoe ngồi trân người. Dù tuổi chưa thành niên nhưng Na đã rất phổng phao và không còn sự ngây thơ hồn nhiên của một cô bé mới lớn. Phía trên, người chồng một thời của Na chân tay run run dò từng bước lên hàng ghế dành cho bị cáo. Ðôi mắt sâu hõm để lộ đôi gò má nhô cao, khuôn mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống đất. Ðứng bên cạnh, bà Lệ chỉ biết khóc vì tủi nhục và xót xa cho cô con gái của mình. ‘Ngày trước tóc con bé dài chấm hông xinh xắn, từ ngày về ở với ông ta giờ nhìn nó tàn tạ. Sau khi sự việc vỡ lỡ nó xấu hổ bỏ đi lông nhông luôn không muốn về nhà’ người mẹ nói giọng hối lỗi. Khi nghe chủ tọa tuyên đọc xong bản án, cô bé Na ôm mặt rồi gục đầu, khóc nấc.” Bản án là hai năm tù giam cho ông Ân và một năm hai tháng tù treo cho bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ!

Thật phiền phức cho mấy ông già chơi trò mà các cụ ta đã tôn vinh chồng già vợ trẻ là tiên, nhưng ngày nay tiên dính vào chữ tiền nên có duyên với tù là cái cẳng. Tôi và các bạn già của tôi phục thì có phục nhưng nghĩ lại thì cũng ớn. Vác gậy vào tù coi bộ không khá. Chẳng nên đánh đu với pháp luật. Vì vậy, phục mấy nhà…cách mạng chống gậy thì có phục nhưng các bạn tôi cũng phục những ông già tình nghĩa chẳng thèm biết Đồ Sơn làm chi cho rắc rối cuộc đời. Tôi lại cố lục lọi trong internet một tấm gương cho các bạn tôi soi. Đây là câu chuyện được kể lại bởi một ông bác sĩ trong phòng cấp cứu: “Lúc đó khoảng 8:30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn. Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông nói ông rất vội vì có một cái hẹn vào lúc 9 giờ. Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngồi chờ vì tôi biết phải hơn một tiếng đồng hồ nữa mói có người đến cắt chì khâu cho ông được. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn  đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ, vì lúc đó tôi cũng không còn bịnh nhân nào khác. Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt ,vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương. Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ tôi hỏi ông, là ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phải không. Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó.
Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà  bị mất trí nhớ vì bệnh Alzheimer. Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trễ một chút.
Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa, và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa. Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ, “ Vậy mà Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái  mỗi buổi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa?”   
Ông cụ mỉm cười, vỗ nhẹ vào tay tôi rồi nói “Bà ấy không còn biết tôi nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai.”  Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc”.

Đọc xong mẩu chuyện cảm động này, tôi không khóc nhưng rất bùi ngùi. Có họa là tượng đá mới vô tri được! Chẳng cần giải Nobel, chẳng cần  học vị, chẳng cần quan to súng ngắn, cứ sống cho ra người là được chúng tôi thán phục hết nước. Mà cũng chẳng cần gì phải tuổi tác mới đáng tung hô. Cứ như một anh lính tẩy qua tham chiến ở Việt Nam,  tằng tịu với một cô gái bản xứ, nảy ra hai tí nhau, khi phải theo đoàn quân rút về nước, tình vẫn…bao la. Thư nàng viết qua.

J’écris vài chữ suivant
J’envois thăm hỏi amant đăng trình
Toute seule dòng lệ rung rinh
Cigogne phận thiếp một mình gian nan
Depuis thiếp bén duyên chàng
Plaisir tính lại nồng nàn mấy khi
Mission chàng đã fini
Trách le ciel khéo bày chi lỡ làng
La cours mousse mọc lune tàn
Bonheur ai nỡ bẽ bàng thế ni
Lạnh lùng với chiếc chemise
L’automne trằn trọc au lit một mình
Mon cœur cảm thấy bất bình
Mes pleurs nó chảy thật tình khôn ngăn
Dù chàng đổ xuống l’argent
Rồi đây thiếp chẳng content được nào
Ma vie rồi sẽ ra sao?
Garcon một trẻ thiếp giao cho chàng
Để chàng nuôi tại La France
Còn riêng thiếp ẵm về làng une fille
Thôi thôi chàng cứ parti
Đông Ba đợi thiếp, Paris chờ chàng!
Từ Paris, chàng hồi âm tức thì:
Pardon tiếng Việt non rành
Mais moi vẫn nhớ l’aimante beaucoup
Vite moi viết cái thơ
Répondre vài chữ kẻo ư toi buồn
C’est que moi nhớ toi luôn
Nhớ silhouette très buồn của mi!
Dès mon retour Paris
Jour, nuit, je pense li bì à toi
L’automne mình moi chaque soir
Au sol feuilles mortes bay xa vàng khè
Son de la cloche dội về
Me fait thêm triste, Huế tê nhớ về
Attendez moi đừng mê aucun
Travail chịu cực nuôi con
J’envoie mỗi tháng tiền còm cho toi
Soldat hết hạn về nhà
Chercher đủ cách đưa toa qua liền.

Khai bút bằng tiếng ta vào đầu năm mới tây, tôi vớ được bài thơ tây ta đề huề trên internet quả thật như bắt được vàng. Xuân tây bài tiếng ta như vậy là hết ý. Năm nay bút tha hồ mà chảy mực. Cho mấy tên miệng toàn rắn rết cứ chọc quê bạn bè bút hết mực căng mắt ra mà nhìn!

01/2009