Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

TẬP

Mấy năm nay tôi được mời tới dự những lễ mừng thượng thọ cũng như lễ mừng gác cày nghỉ hưu hơi nhiều. Bạn bè tôi người trước kẻ sau đi vào miền đất…hứa. Già thì chẳng ai thích. Xuống đồi thì thích nỗi chi! Nhưng hưởng tiền già thì ai cũng mong. Mong cho chóng tới con số kỳ diệu 65 để nằm phè gia nhập vào câu lạc bộ những quý tộc nằm gác cẳng chờ tiền hưu tiền già tháng tháng nhảy dù vào trương mục nhà băng của mình. Nằm khểnh hưởng lộc già chừng vài năm là khệnh khạng bước lên bục cổ lai hy. Chục năm nữa là bát tuần, thêm chục năm nữa là chín chịch, hy vọng thêm chục năm nữa là vớ được chữ bách niên giai lão đỏ au au. Cứ lên mỗi nấc là ăn mừng. Làm như chuyện sống dai nguyên nó đã là một chuyện vui mừng. Vui đứt đuôi đi chứ còn gì nữa. Ngày xưa ông Nguyễn Khuyến mới 55 tuổi, phải chục năm nữa mới cầm được tiền già, mà cũng đã khao vung vít.

Ông chẳng hay ông tuổi đã già,
Năm lăm ông cũng lão đây mà.
Anh em làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là.
Chú Đáo bên làng lên với tớ,
Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.
Bây giờ đến bực ăn dưng nhỉ,
Có rượu thời ông chống gậy ra.

Cụ thi sĩ họ Nguyễn hơi yếu. Mới năm mươi lăm mà đã gậy gộc vướng víu. Chắc cụ không tập thể dục! Cụ thua xa những thực khách của những bữa mừng…già ngày nay. Họquá cái tuổi 55 của cụ nhiều màcòn gân chán. Gậy gộc là thứ vẫn còn xa vời. Nhiều cụ thực khách ngày nay còn diêm dúa thừa sức níu được cái xuân xanh đang lãng đãng trôi xa. Đó là nhờ thể dục. Cụ nào cũng có bửu bối trong người. Hỏi là các cụ vênh mặt lên tiết lộ tuốt. Cụ thì khí công, dịch cân kinh, cụ thì hồng gia, tài chi. Có cụ vốn nòi tình dõng dạc ngôn: “Tôi thì chẳng chơi những thứ made in China đó. Cứ nhảy đầm là khỏe chán!” Có lẽ cụ này đúng. Tập tành có đôi như vậy chắc kết quả rõ ràng hơn thật. Đôi lứa thì nhất định phải hơn cu ki đứng lên ngồi xuống một mình. Chuyện gì cũng vậy. Có lẽ cụ theo trường phái…múa đôi này là phát ngôn viên của đám đông chăng nên tiệc tùng nào cũng có tiết mục nhảy mới nên trò nên trống. Sàn nhảy chật chội những…thể tháo gia.

Nói theo…khoa học thì nhảy cũng là một cách tập luyện thân thể. Cứ nhúc nhích thân thể là tốt rồi. Dù nhiều cụ nhúc nhích nhưng không thể gọi là múa hay nhảy được. Nhưng nhảy xong các cụ về bàn ăn rặt một thứ thức ăn China bóng lộn chất béothì huề cả làng. Cái nọ bù cái kia nên rút cục tập mà như không tập. Ích lợi của thể dục chẳng cần bàn tới. Ai cũng đã rõ rồi. Cứ nhìn vào bụng các cụ biết ngay là cụ nào tập cụ nào không tập. Vòng hai mang hình thù một vại bia hay cái trống ngoài đình làng chẳng nói dối được ai. Cách hay nhất và thời thượng nhất ngày nay để thu gọn cái vòng ở chính giữa này là đi bộ. Không tin cứ hỏi ông Luân Hoán coi. Thấy bộ râu cá chốt của ông ấy ai cũng tưởng ngầu lắm. Vậy mà nhát thín. Vừa được bác sĩ cho biết là đường lên ông ấy ăn chay liền. Chỉ ngốn toàn rau. Và ông ấy đi bộ vài tiếng mỗi ngày. Độc cước đại hiệp giang hồ dọc theo con đường Pie IX dài thoòng mỗi ngày nắng. Ngày mưa thì lên xuống thang lầu trong nhà cả mấy tiếng đồng hồ. Kết quả làm bà xã vất vả. Phải nhíu lại từ quần xà lỏn tới quần tây cho ông ấy từ size 30 xuống size 28! Mặt mũi nhà thơ trông ngầu hẳn lên vì săn dòn.

Phong trào đi bộ được hâm nóng lại chứ thực ra ích lợi của việc đi bộ đã được các cụ biết từ lâu. Thực ra các cụ chẳng có ý tập tành gì nhưng không xe cộ thì muốn di chuyển chỉ nhờ đôi chân. Đường thiên lý các cụ cứ ô dù cắp nách đi như gió, đâu đâu cũng tới. Từ quê lên tỉnh, từ làng này qua làng khác, cụ ông cụ bà gì đều cứ lô-ca-chân ráo! Cụ nào cũng săn dòn khỏe mạnh. Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu, trong cuốn “Những Ngày Qua” đã kể lại một thời các cụ đi bộ: “Vào thời khoảng các thập niên 1920-1940, thực dân Pháp đã lưu đày, đưa một số các nhà cách mạng từ Bắc hoặc Trung vào các tỉnh miền Nam. Cụ Dương Bá Trạc bị an trí ở An Giang, Phan Châu Trinh ở Định Tường… Cụ cử Vũ Hoành làm thủ quỹ cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị Pháp bắt và lưu đày ở tỉnh lỵ Sa Đéc….Ông bác của người viết bài này là Trần Hàm Trung vốn người Hà Tĩnh vì tham gia Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cũng bị Pháp lưu đày ở Nha Mân, Sa Đéc. Ông nội tôi, thuộc hạ của Phan Đình Phùng, sau khi phong trào bị tan rã, trở về nhà thì thôn làng đã bị đốt phá. Ông quyết chí rời bỏ quê, đi bộ vào Nam tìm gặp lại người anh”.

Đi bộ từ Trung vào Nam, ngày nay chúng ta nghe thấy thật rùng rợn. Cứ như chuyện cổ tích. Vậy mà chuyện chỉ mới xảy ra vài chục năm trước. Vài chục năm sau, chúng ta hư đi nhiều. Bước ra khỏi nhà là leo lên xe hơi quen thói trưởng giả nên khi tập tành nhảy lên chiếc xe đạp đã là một kỳ công. Đi bộ vài trăm cây số? Eo ơi, mới nghĩ tới thôi đã thấy nổi da gà! Phải có chí cỡ Terry Fox mới đủ can đảm lê bước chân. Terry Fox là ai vậy? Ký giả của tờ Toronto Star Leslie Scriverner cho biết: “Năm đó tôi là một ký giả trẻ của nhật báo Toronto Star. Một ngày kia ông chủ bút nghe phong thanh đâu có một thanh niên trẻ tuổi tên Terry Fox đang sống ở tỉnh bang Newfoundland, bị cưa mất một chân do bệnh ung thư nhưng muốn làm một cuộc chạy bộ đường dài từ Đông sang Tây Canada để quyên tiền cho quĩ nghiên cứu bệnh ung thư. Tôi còn nhớ lời chủ bút dặn dò kỹ lưỡng là: “Hãy tìm hiểu xem có đúng sự thật không?” Sự thật rất khó tin. Chỉ có một chân mà dám chạy bộ trên đoạn đường được hoạch định là 5.300 dặm, khoảng gần 8.500 cây số! Terry Fox là một chú nhỏ say mê thể thao từ ngày còn học Tiểu Học. Chú nhỏ này hơn người ở chỗ rất kiên trì. Muốn làm gì là phải làm bằng được. Tạng người nhỏ con mà lại chỉ thích chơi bóng rổ. Huấn luyện viên nói toạc móng heo là cậu nhỏ người quá, nên đổi sang chơi môn khác. Cậu không chịu, cố sức tập luyện, và trở thành đấu thủ xuất sắc của đội bóng. Khi vào Đại Học Simon Fraser, Terry được nhận ngay vào đội bóng rổ của trường. Một năm sau đó, vào tháng 3 năm 1977, tự nhiên anh cảm thấy đau nhức dữ dội nơi đầu gối chân phải. Tưởng là chơi thể thao nhiều bị chấn thương bên trong, nhưng không phải. Bác sĩ khám nghiệm và cho biết anh bị một dạng ung thư chân hiếm có, không thể mổ được mà chỉ có cách cắt luôn chân phải, phía trên đầu gối khoảng vài chục phân. Ngoài ra anh phải chịu hóa trị để tránh ung thư lan sang máu. Trước khi lên bàn mổ để cắt chân, huấn luyện viên đội bóng an ủi anh bằng cách kể cho anh nghe câu chuyện một anh chàng chỉ có một chân mà đã tham dự cuộc chạy đua đường trường ở Boston. Terry thầm nghĩ: mình có thể làm một chuyện tương tự, chạy một chân từ Đông sang Tây Canada!

Ra khỏi bệnh viện sau khi đã trải qua 16 lần hóa trị, nhận chiếc chân giả, anh tiếp tục chơi bóng rổ trong đội bóng của người khuyết tật ngồi xe lăn. Hai năm sau, anh lẳng lặng tập luyện một cách kín đáo để chuẩn bị cho cuộc chạy bộ anh đã tự hứa sẽ thực hiện trước khi bị cắt chân. Ngày đầu ra sân chạy, mới chạy được 400 thước, anh gục ngay tại chỗ nhưng cố gắng đứng dậy. Ngày hôm sau, có khá hơn, anh chạy được 800 thước. Hôm sau nữa, anh chạy nguyên một mile, một cây số sáu. Anh đuối sức nhưng nhất định không bỏ cuộc mặc dù chân anh bị rách tươm máu. Ngày 12 tháng 4 năm 1980, ba năm sau khi bị cắt chân, từ bến cảng St. John ở Newfounland, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, anh khởi hành cuộc chạy của đời anh bằng cách nhúng ống chân giả vào mặt nước hồ rồi ngẩng mặt lên chạy tới. Trước đó anh đã gửi thư đi khắp nơi xin bảo trợ cho cuộc chạy. Anh đã viết: “Tôi tự hứa với mình là phải sống, phải vươn lên đương đầu với mọi thử thách vì lợi ích cuộc sống hôm nay, một điều mà nhiều người trong chúng ta thường lãng quên”. Hiệp Hội Ung Thư Canada và một số tổ chức khác đã đứng ra bảo trợ cuộc chạy lịch sử này. Hãng xe Ford Canada đã tặng một chiếc xe van để người bạn thân của anh là Doug lái theo. Trung bình mỗi ngày anh chạy được 42 cây số! Từ Newfoundland, anh chạy qua các tỉnh bang Nova Scotia, Prince Edwards Island, New Brunswick, Quebec và Ontario. Hàng ngày  trên các kênh truyền hình, dân chúng Canada theo dõi anh chạy xuyên qua các làng mạc, vào thành phố, lúc sáng tinh sương, khi trời mưa gió hay nắng gắt chói chang. Không gì có thể ngăn cản được bước chạy của anh. Trên bước đường chạy, anh nói chuyện với mọi người kể từ Thủ Tướng Pierre Trudeau xuống tới các học sinh Tiểu Học. Dân chúng tụ tập có lúc tới 300 ngàn người đón chờ bên những chặng đường anh chạy qua. Sau 143 ngày cắm cúi chạy, Terry đã nuốt được 5373 cây số vào mùa hè năm 1980. Ngày 1 tháng 9 năm đó, khi đang chạy vào thành phố Thunder Bay ở tỉnh bang Ontario, Terry cảm thấy tự nhiên đau nhói ở ngực. Anh dừng lại và đi khám bệnh. Anh như chết đứng khi bác sĩ cho biết chứng ung thư bất trị đã lan qua tới phổi! Anh ráng chạy thêm được một dặm cuối cùng ở ngoại ô Thunder Bay rồi ngưng. Anh không thực hiện được 8.500 cây số như dự tính nhưng với trên năm ngàn cây số đã hoàn tất bằng chỉ một chân anh cũng đã lập được một kỷ lục hiếm có của một người trì chí tập luyện. Ngày nay, khúc đường một dặm anh chạy thêm này được mang tên Terry Fox Courage Highway và nơi đây có dựng một tượng Terry Fox bằng đồng cao 2 thước 70 trong tư thế chạy bộ, mặt hướng về phía Tây, phía quê hương của anh.

Mười tháng sau ngày anh buộc phải ngưng chạy, Terry Fox đã trút hơi thở cuối cùng đúng vào ngày 28 tháng 6 năm 1981. Anh đã được dân chúng tôn vinh là “Anh Hùng Trẻ Tuổi Canada” và Thủ Tướng Canada Pierre Trudeau đã làm lễ truy điệu vị anh hùng của Canada tại Thượng Viện và cả nước Canada đã treo cờ rũ để tang anh. Ngày nay cuộc chạy hàng năm mang tên Marathon of Hope vẫn thường xuyên được tổ chức không những tại Canada mà còn tại 50 quốc gia khác để quyên tiền giúp quỹ nghiên cứu bệnh ung thư và nhất là để tưởng niệm một thanh niên đã nêu gương kiên nhẫn và can đảm cho mọi người.

Chạy được như anh Terry không? Chịu! Mặc dù chúng ta còn đủ hai chân. Nhưng chạy để tập tành giữ gìn sức khỏe thì được quá chứ. Tôi vẫn…Terry Fox nhưng ở một mức độ rất khiêm tốn. Thứ nhất là giảm thiểu từ chạy tới đi bộ. Thực ra chạy nhẹ hay đi bộ đều tốt cả. Chẳng vậy mà người Mỹ đã cho hai bộ môn jogging walking hôn phối với nhau thành một thứ mới toanh là wogging! Wogging là thứ bước về phía trước nhanh hơn đi bộ nhưng nhẹ hơn chạy jogging. Có hai kiểu wogging. Kiểu thứ nhất là đi một cách nhanh nhẹn, xoay cái bàn tọa, lúc nào cũng ở tư thế một chân trên không và một chân trên mặt đất. Kiểu thứ hai là phối hợp các động tác tiếp nối nhau: đi bộ một lúc rồi rảo bước, rồi đi bộ lại, rồi chậm bước. Thứ hai là rút bớt từ ngàn dặm tới hai dặm! Nhắc tới Terry Fox cho oai vậy thôi chứ nghĩ ra mình không bằng được gót chân giả của anh chàng phi thường này. Nhà tôi ở gần Parc Maisonneuve. Nói là gần nhưng cũng phải lái cái xế tới. Chạy gì nổi! Đậu xe, mang giày chạy để…bước vào khuôn viên park. Nơi đây có đường chạy song song với đường dành cho xe đạp. Đường nhựa đàng hoàng, đi rất êm chân. Nhìn quanh tràn ngập những dân tập nhất là vào những buổi sáng khi tiết trời còn mát mẻ. Con đường tôi đi thường ngày dài hai dặm, đi mất nửa tiếng. Đi xong, kiếm cái ghế ngồi hưởng gió mát và không khí trong lành trước khi ra xe lái về. Đi như vậy chỉ được hai tháng hè. Khi trời sang thu là tự cho phép mình nghỉ tới hết mùa xuân năm sau. Sẽ có bạn bĩu môi chê: đi như vậy ăn thua chi mà bày đặt khoe khoang. Không, tuy chẳng bằng được anh chàng Terry nhưng tôi cũng có chút kiên trì chứ. Hết hè là tôi đi bộ bằng máy ở nhà. Đi ở nhà sung hơn đi ngoài trời, tôi chơi được tới 2 dặm rưỡi trong nửa tiếng với tốc độ 5 dặm mỗi giờ. Được như vậy có lẽ vì ở nhà không có những bóng hồng mặc quần áo bó uốn thân trên xe đạp hay ưỡn người trên đường chạy như ở park.

Tôi không có ý khoe việc tập tành của mình. Một ông bạn, niên kỷ nhích hơn tôi chút đỉnh, cũng đi bộ trên máy hàng ngày, vậy mà ông đi cả giờ đồng hồ, áo may-ô ướt đẫm vắt ra nước được, bữa nào không leo lên máy thì nhớ. Vậy thì tôi ăn thua chi mà khoe. Có khoe chăng là khoe những lợi ích của việc tập tành kiểu…đường ta ta cứ đi này. Ấy, cứ tà tà đi như đi chợ mà những anh tiểu đường, áp huyết cao, nhồi máu cơ tim, đột quị đi chỗ khác chơi hết. Anh nhà thơ đốc tờ Trang Châu, mỗi khi đặt ống nghe, đo áp huyết của tôi chỉ biết gật đầu khen good! Một chuyên viên chuyên nghiên cứu về việc đi bộ người Mỹ là bà Wendy Bumgardener đã viết một bài với đầu đề nghe rất đã: “Đi bộ hay là chết, hình thức vận động ở tuổi trung niên để ngăn chặn nguy cơ tử vong”. Theo bà thì đi bộ với những bước đi từ trung bình đến nhanh, từ 30 đến 60 phút mỗi ngày là đủ để đốt cháy mỡ béo và gia tăng mức độ chuyển hóa, làm giảm đáng kể nguy cơ những bệnh tim mạch, ung thư vú, ung thư ruột già, tiểu đường và đột quị. Tôi hết thời chạy rồi, chỉ có thể đi bộ nhưng không vì vậy mà bênh môn sở trường của mình. Phải nhận là chạy tiêu hao năng lượng nhiều hơn đi bộ: năng lượng tiêu hao của chạy là 420 calories/ 1 giờ trong khi đi bộ cũng hai số đó nhưng ngược lại, 240 calories/ 1 giờ!Đi bộ còn làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL), tăng lượng cholesterol tốt (HDL), hạ thấp triglycerides, qua đó có thể cải thiện độ mỡ trong máu và tăng cường sự dẻo dai của thành mạch máu để điều hòa huyết áp. Còn chi nữa? Đi bộ còn tăng cường sự lưu thông khí huyết, giúp cơ bắp săn chắc, kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon, ngủ mê. Đó là ích lợi về mặt vật chất. Còn về tinh thần, đi bộ đều đặn làm giảm nội tiết tố stress, giúp tăng tiết tố serotonin dopamin,  những chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng làm cho tinh thần phấn chấn, lạc quan, giúp chống trầm cảm.
Tụng như vậy không phải là xưng tụng việc tập tành được các nhà chuyên môn cho là hình thức tập luyện thật đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe con người. Người ta đã chứng minh những lợi ích này bằng những cuộc thí nghiệm hẳn hoi. Trường Đại Học Y Khoa Michigan phối hợp với Tổ Chức Ann Arbor Health Care System đã làm một cuộc nghiên cứu trên 9611 người trong độ tuổi từ 51 đến 61 về tác động làm giảm nguy cơ tử vong của việc đi bộ. Kết quả cuộc nghiên cứu đã được công bố trên tập san Medicine and Science in Sports and Exercise, số tháng 11 năm 2004, theo đó thì những người thường xuyên đi bộ có thể giảm 35% nguy cơ tử vong do tim mạch. Đối với những người có nguy cơ cao như áp huyết cao, tiểu đường hoặc hút thuốc thì tỷ lệ tử vong giảm tới 45% so với những người ít đi bộ.

Đó là nghiên cứu về mặt…hui nhị tỳ. Về mặt tinh thần cũng có những cuộc nghiên cứu để chứng minh sự ngon lành của lối tập tành bằng cuốc bộ. Đây là hai kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the American Medical Association. Một nghiên cứu trên 18 ngàn người nguyên là nữ nhân viên điều dưỡng từ 70 tuổi trở lên cho thấy những người đi bộ ít nhất một giờ rưỡi mỗi tuần đều đạt được chỉ số cao hơn về khả năng suy nghĩ, sự chú tâm và mức độ ghi nhớ các từ so với những người đi bộ ít hơn 40 phút mỗi tuần. Một nghiên cứu khác thực hiện trên 2 ngàn ông ở Hawai cho biết đi bộ thường xuyên làm giảm đáng kể sự phát triển của các chứng rối loạn trí nhớ, bao gồm cả bệnh quên Alzheimer. Mới đây hơn, nghiên cứu của trường Đại Học Illinois at Urbana-Champagne, được công bố vào ngày 20/11/2006, cho thấy tập thể dục nhẹ có thể đảo ngược quá trình lão hóa của não. Hai Tiến Sĩ Arthur F. Kramer và Ed McAuley làm thí nghiệm với những lão nhân từ 60 đến 79 tuổi. Họ được tập họp 3 lần mỗi tuần trong vòng 6 tháng và được chia ra thành hai nhóm, một nhóm tập những bài aerobic nhẹ gần giống như đi bộ và một nhóm tập thể dục cơ bắp. Hai nhà khoa học này đã quan sát, đối chiếu bộ não của họ trước và sau khi tham gia thí nghiệm bằng cách chụp những hình ảnh bằng cộng hưởng từ. Kết quả cho thấy phần vỏ não trước, phần thường bị tuổi già làm thoái hóa, là phần có sự thay đổi nhiều nơi những người tập aerobic. Tiến sĩ Arthur F. Kramer kết luận: “Tập thể dục đúng cách có thể cải thiện chức năng của não. Thậm chí ngay cả những hoạt động nhẹ cũng rất có lợi cho não. Nó cải thiện sự lưu thông máu trong não và kích thích hình thành những tế bào mới. Bạn không cần phải là một nhà chạy marathon mà chỉ bơi lội, đạp xe đạp hay đi bộ cũng có thể mang lại những lợi ích trong việc chống lão hóa não”.

Ấy, cứ dùng ngay phương tiện chúng ta được trang bị sẵn ngay từ thuở vào đời để tập tành mang lại được khối điều lợi như vậy, ai chẳng thích. Còn nếu bạn nào thích tập kiểu hai người lui đôi vai, tiến đôi chân / riết đôi tay, ngả đôi thân như trong thơ Vũ Hoàng Chương thì tôi cũng chẳng chen vào. Mà ai cho chen mà đòi chen! Tập sao thì tập, miễn là cứ thêm tuổi thêm ăn thượng thọ đều đều là được. Lúc đó, mỗi khi được mời, tôi sẽ bắt chước cụ Nguyễn Khuyến: Bây giờ đến bực ăn dưng nhỉ / Có rượu thời ông chống gậy ra. Không, tôi thua đứt cụ Nguyễn Khuyến một cây gậy!

11/2008