Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

BÀI

Chữ “bài” thường nắm tay với chữ “bạc” thành một cặp “bài bạc” chỉ chung một nghĩa. Nghĩa tương tự như chữ “cờ bạc”. Đứng chung với nhau như vậy, cờ bạc hay bài bạc đều là thứ các cụ khuyên răn con cháu chớ có dính vào. Đi ăn mày hay mang thân vào tù có ngày. Cờ bạc là bác thằng bần/ Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm. Ông Bun Ted Ngoy, vì là người Kampuchia, không biết quốc ngữ chữ nước ta nên không đọc được lời các cụ khuyên răn, thân bại danh liệt như không. Chuyện ông Kampuchia 65 tuổi này rất dài dòng và li kỳ như một nhân vật tiểu thuyết, rất thích hợp với câu “lên voi xuống chó” của dân gian nước ta.

Ông vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân khố rách áo ôm tại một làng quê nằm gần biên giới Kampuchia và Thái Lan. Năm 1967, ông được mẹ gửi lên học ở thủ đô Nam Vang. Anh nhà quê lên tỉnh ở trọ trong một căn gác rách nát gần khuôn viên sang trọng của một người trong hoàng tộc đang làm lớn trong chính quyền. Trong khuôn viên này có một tiểu thư khuê các cành vàng lá ngọc đang độ tuổi trăng tròn tên Suganthini Khoeun. Anh Bun không biết thân biết phận dám đem lòng say mê cô gái con nhà  quyền quý. Mối tình đơn phương làm anh quay quắt nghĩ kế kết thân với người đẹp. Anh có chút tài mọn là thổi sáo nên đêm đêm anh leo lên nóc nhà trọ nỉ non tiếng sáo mong tới tai người đẹp. Sao tôi nghi anh chàng này quá. Chuyện Trương Chi của nước ta tôi nghĩ anh chưa hề biết tới, vậy mà sao anh chơi trò y hệt, chỉ thiếu có chiếc thuyền và mấy con cá nhỏ! Chắc anh phải là kiếp tái sinh của anh chàng “mặt thì thậm xấu, hát thì thậm hay”. Quả nhiên tiếng sáo của anh đánh động lòng hàng xóm trong đó có mẹ con cô thiếu nữ khuê các. Bà mẹ, chắc máu văn nghệ đầy người, bảo cô con gái: “Đó là tiếng lòng của một chàng trai đang tương tư!” Chàng cứ tương tư hàng đêm với hy vọng người đẹp hiểu thấu nỗi lòng. Thổi mãi mỏi miệng chắc chẳng đi đến đâu, chàng chơi đòn liều: viết thư cho người đẹp rồi nhờ gia nhân mang vào. Tôi phục anh nhà quê này quá. Gan nào mà dám chơi bạo đến như vậy? Cỡ tôi thì chỉ có ngậm mối tình câm tới đầu bạc răng long! Vậy mà anh thành công. Người đẹp viết thư trả lời. Từ đó hai người bí mật thư từ cho nhau. Một bữa, anh…diễn biến hòa bình, ngỏ ý muốn đến thăm cô gái. Cô gái khuyên anh đừng nên liều lĩnh vì nhà nàng đầy dẫy chó săn và lính canh. Trong một đêm mưa tầm tã, anh trèo lên một cây dừa sát hàng rào nhà cô gái, trườn mình qua dây kẽm gai và nhẩy vào nhà. Người đẫm nước mưa và máu do dây kẽm gai cứa, anh lần mò ngoài hành lang, nhìn thấy một căn phòng hé cửa. Linh cảm đó chính là phòng nàng, anh rón rén tới cửa. Thấy động, cô gái mở cửa nhìn ra, thấy anh, vội kéo vào phòng. Anh ở lì trong khuê phòng của người đẹp tới…45 ngày! Mỗi ngày khi gia nhân vào dọn phòng thì anh chui xuống gầm giường, khi đêm về, anh cõng cô gái nhẩy rào đi chơi trên đường phố Nam Vang cho đến gần sáng mới về. Tới đây thì anh bỏ xa anh Trương Chi của chúng ta mà vào vai anh chàng nhà báo Gregory Peck lén cưỡi vespa chở cô công chúa Audrey Hepburn đi chơi đêm ở La Mã trong phim Vacances Romaines!

Một đêm trăng, cặp tình nhân lệch này cắt máu tay, hòa chung với nhau vào ly nước lạnh, cùng uống và thề nguyền sẽ mãi mãi bên nhau. Cuộc trốn chui trốn nhũi của anh chàng liều mạng rốt cuộc cũng bị phát giác sau 45 ngày nằm…gậm giường! Quá trễ! Cả ông bà via lẫn lính canh phòng Kampuchia không thể được thưởng huy chương về vụ phát giác này! Họ bị buộc rời xa nhau. Anh chàng bị bắt buộc nói những lời cay đắng cho cuộc tình ngang trái. Thoạt đầu chàng Bun nói là không hể yêu cô gái và có manh tâm lừa dối nàng. Nhưng rồi lương tâm trỗi dậy, chàng rút dao đâm vào người, máu chảy lênh láng và hét lên: “Làm sao tôi có thể nói những điều giả dối được!”. Rồi ngất đi. Nàng cũng kiên cường không kém uống thuốc ngủ tự tử. May mắn thay, cả hai đều bình phục sau đó, và trước tấm lòng sắt đá của đôi trẻ, mọi người đành phải cho họ thành hôn. Chuyện thật mà mùi còn hơn tuồng cải lương. Bác soạn giả Nguyễn Phương, nếu một mai khi sân khấu cải lương hồi phục, có thể lấy khúc này để soạn tuồng, thêm đèn xanh đèn đỏ, xuống câu vọng cổ, cam đoan sẽ ăn khách.

Năm 1975 họ di tản qua Mỹ. Lúc đó họ đã có ba con còn nhỏ. Không một xu dính túi, ông lao động cật lực: lau chùi nhà vệ sinh, bán xăng. May mắn đến với ông khi ông được ông chủ tiệm Winchell’s Donuts ở Newport Beach cho ông làm quản lý. Cả hai vợ chồng làm việc cực nhọc 17 giờ mỗi ngày. Tiền dành dụm được họ mua lại  tiệm Christy’s Doughnuts. Tiệm đông khách, họ phất lên mở thêm nhiều tiệm và giao cho những người đồng hương trông nom  hay hùn hạp. Ông đỡ đầu và dậy cho nhiều người  Kampuchia cách làm bánh. Số tiệm của ông mở ra, ông đếm không xuể. Dân Kampuchia theo gương ông và được sự đỡ đầu của ông bỗng ào ạt mở tiệm. Tính tới đầu thập niên 1990 đã có tới 2400 tiệm donuts do người Kampuchia làm chủ! Bun trở thành triệu phú khi nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1985. Người dân Kampuchia coi ông như một ân nhân. Có tiền, ông làm chính trị. Ông gia nhập đảng Cộng Hòa và có quan hệ mật thiết với các cựu Tổng Thống Reagan và Nixon. Ông vận động tài chánh cho Tổng Thống Georges H. W. Bush ra tranh cử và đắc thắng. Mùi vị thành công không giữ được ông lâu như mùi vị tình ái của mối tình liều lĩnh, ông thấy đời thật vô vị. Năm 1977, ông đi Las Vegas lần đầu tiên để xem ca sĩ Elvis Presley trình diễn. Ông vui tay chơi vài ván bài xì lát. Ông không ngờ, từ vài ván bài chơi chơi, con ma cờ bạc đã bắt xác ông. Ông trở lại, đánh lớn và đánh liên miên. Ông là khách sộp của các sòng bài nổi tiếng Caesar Palace, MGM GrandThe Mirage. Họ cung phụng ông đủ thứ từ những phòng ở sang trọng, những bữa ăn tuyệt hảo tới vé xem show và cả vé máy bay. Ông quá thú vị. “ Las Vegas là một điều mới mẻ bên cạnh tiền và donuts!”. Điều mới mẻ này đã chôn vùi ông. Ông thua bạc liên miên, mượn tiền những người làm ăn đến phải cấn luôn tiệm. Vợ ông phát giác ra. Hai người gây gổ dữ dội. Ông hứa từ bỏ bài bạc nhưng chứng nào vẫn tật đó. Vợ ông phải chở đứa con út đi tìm ông trong khi ông đánh bạc từ sòng bài này đến sòng bài khác, có khi chỉ trong một ngày nướng hết 50 ngàn đô. Nói về thời gian này, ông tâm sự: “Khi ngồi vào canh bạc ta thấy bị khích động, đam mê rạo rực như có ma lực cuốn hút không thể cưỡng nổi.” Mọi người xa lánh ông vì sợ ông mượn tiền. Chán cho tình đời, ông bỏ lên Hoa Thịnh Đốn, vào chùa cạo đầu đi tu. Sau đó ông về Thái Lan nương nhờ cửa Phật, ôm bình bát đi khất thực. Phật cuối cùng cũng không độ được ông. Ông trở lại Mỹ và lại đâm đầu vào cuộc đỏ đen mà đen nhiều hơn đỏ bội phần. Sau đó ông về lại Kampuchia, nhất quyết từ bỏ con ma bài bạc. Ông nhảy ra làm chính trị. Năm 1999, vợ ông trở lại California để dự sinh nhật đứa cháu ngoại. Ông đưa một thiếu nữ vể chung sống. Vợ ông tức giận ra tòa xin ly dị và không trở về Kampuchia nữa. Cuộc mưu cầu chính trị của ông thất bại, ông trở về Mỹ bỏ lại bà vợ sau với hai con nhỏ. Tại California, mọi người phớt lờ ông, ông sống nhờ vào những đồng tiền lẻ xin được. Trong nghèo nàn cùng cực, ông cho là Trời đã trừng phạt ông vì ông đã phản bội lại lời thề cắt máu với cô thiếu nữ trong một đêm trăng năm nào. Bà vợ cũ thốt lên lời cay đắng: “Cuộc tình lãng mạn như tiểu thuyết ấy giờ đã quá xa, dường như là chuyện của một người khác. Người đàn ông lạ đột nhập phòng ngủ của tôi 35 năm về trước đã là một người xa lạ đối với tôi”. Còn anh Trương Chi ngày nào nay chỉ biết than thở: “ Bây giờ tôi không biết tôi là ai. Tôi nói: Ted, mày là ai? Tôi cũng không trả lời được!” Tôi muốn tặng ông Bun bài ca dao của quê tôi.

Cờ bạc nó đã khiến anh
Áo quần bán hết một manh chẳng còn
Gió đông nam chui vào đống rạ
Hở mông ra cho quạ nó lôi
Anh còn cờ bạc nữa thôi?

Chỉ để minh chứng các cụ ta nói đâu trúng đó, tôi đã dài dòng vào một cuộc đời lên voi xuống chó vì cây bài lá bạc. Nhưng câu chuyện thật mà như tiểu thuyết này quả là một…sự tích hiếm hoi về sự quyến rũ của con ma cờ bạc. Hiếm hoi vì nó xảy ra ngay vào thời chúng ta sống chứ không phải những chuyện ngụ ngôn thời xưa cứng ngắc. Tôi vừa dùng câu “cây bài lá bạc”. Bài và bạc có chi khác nhau không? Bài là thứ người ta dùng để đánh bạc, nhưng tôi cảm thấy chữ “bài” khác xa chữ “bạc”. Đánh bài khác với đánh bạc. Trong chữ “bài” không hàm ý sát phạt, ăn thua. Đánh bài là vận dụng trí óc để mang lại cái thú cao tay hơn người khác. Tiền hình như là chuyện thứ yếu. Tôi có một anh bạn ở Cali làm việc trông coi các cụ sinh hoạt trong một hội già. Một lần, nhân qua chơi Cali, tôi tới nơi anh làm việc vào buổi trưa để, theo lời anh bạn, “ăn bữa cơm với các cụ”. Bữa cơm trưa giá chỉ 1 đô mỗi phần ăn mà thịt cá cũng đầy đủ và ngon lành. Các cụ ăn vội ăn vàng, chẳng sợ nghẹn, ngược lại với sự khoan thai vốn có của người có tuổi, làm tôi ngạc nhiên. Nhưng rồi tôi thấy công dụng của sự vội vàng đó. Các cụ mau mắn tập trung thành từng bàn đánh bài. Chỗ thì chắn cạ, chỗ thì tứ sắc, chỗ thì mạt chược. Đủ thứ bài bạc. Ăn thua nhau bằng tiền thì cũng có nhưng tiền hình như đóng vai trò rất phụ. Giải trí là chính. Vậy mà các cụ cũng mê man chỉ sợ tới giờ con cháu tới đón. Nhìn cả trăm cụ mải mê đánh tôi giỡn với anh bạn: “Tội mày lớn lắm. Tập hư cho các cụ!”. Anh bạn, vốn hiền hòa, hỏi lại tôi: “Sinh hoạt cả ngày, ngày nọ qua ngày kia, không cho các cụ đánh bài thì làm chi cho hết giờ? Hát karaoke à?”
Ngẫm ra thì anh bạn tôi cũng có lý. Đánh bài là một thứ chơi có văn hóa. Ý tưởng này tôi có khi tìm đọc thơ Hoàng Cầm. Bài “Cây Tam Cúc”.

Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây!
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

Đứa được
chinh truyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi.

Tam cúc là một món bài kết hợp anh em bạn bè chúng tôi lại trong những ngày tết thuở ấu thơ. Nó là linh hồn của ngày tết xưa trong gia đình. Chỉ với 32 quân bài gồm tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt, nửa đỏ nửa đen, đây là thứ bài dễ đánh, giản dị mà các bà các cô người Bắc ngày xưa rất mê. Món bài…không bạc này ngày nay hầu như đã tuyệt tích. Nó giản dị quá, êm đềm quá nên không còn thích hợp với thời buổi ngày nay. Nhưng nó đã đi vào văn học bằng nhiều bài thơ rất thơ. Bài của Hoàng Cầm là một. Tôi nhớ anh bạn nhà thơ quá cố Mai Trung Tĩnh cũng có một bài thơ tam cúc rất thơ mộng. Bài thơ được in trong tập “Bốn Mươi Bài Thơ” của Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ, đã được giải thưởng văn chương toàn quốc. Tôi đã cố ý tìm nhưng không kiếm được.

Hai cụ thân sinh ra tôi, trong những ngày hưởng nhàn lúc tuổi hưu, cũng có cái thú đánh bài. Hai cụ rủ ông chú, bà cô, cụ hàng xóm, bày bàn ra ngoài sân cho mát, say sưa đánh bài. Các cụ không chơi thứ bài con nít là tam cúc mà chơi đánh chắn. Vừa giải trí, vừa giết thời giờ, vừa luyện tập cho sự minh mẫn và nhanh nhẹn của đầu óc. Toàn những thứ thích hợp với những người già. Vậy mới thấy tên bạn chăn dắt các cụ ở Cali cũng có lý.

Có lẽ vì sự cần thiết phải nhạy bén trong suy nghĩ và phản ứng khi đánh bài mà môn poker được coi như một môn thể thao chăng? Môn thể thao không tốn mồ hôi này được tổ chức thi đấu hàng năm như các môn thể thao khác. Đó là cuộc thi World Series of Poker được tổ chức ở sòng bài Rio ở Las Vegas. Thỉnh thoảng tôi có ghé mắt vào truyền hình để coi những trận tranh tài nhưng chẳng hiểu mô tê gì cả. Tôi vốn i-tờ-rít về bài bạc. Vào casino cứ lấy trò kéo máy làm chuẩn. Chơi trò này nhàn nhã lắm. Cứ bấm nút khi nào máy nó cho thắng thì nó nhả tiền ra. Khi nào nó không nhả tiền ra thì biết là không thắng. Chung quanh tôi, phần lớn là các ông bà già, có người ngày nào cũng phải tới chi tiền cho sòng bài, không chi thì ăn ngủ không yên. Tôi thì bao giờ cũng chỉ móc đúng một tờ giấy hai chục, kéo tới khi nào hết thì hân hoan đứng dậy nhường chỗ cho người khác. Thường thì chỉ sống sót được nửa tiếng. Chỉ có kỳ mới đây nhất, vào một sòng bài ở Vancouver, cũng chỉ có hai chục mà sao kéo hoài vẫn không hết. Mấy người bạn dục đi về, đành phải đứng dậy, ra bàn đổi tiền lấy lại được nguyên hai chục. Khi ra về, tôi cứ cám ơn sòng bài này mãi. Chả gì nó cũng tử tế không lấy tiền của tôi.

Kiến thức về bài bạc của tôi thêm xôm tụ khi đọc báo thấy trong giải World Series of Poker năm 2008 kết thúc vào ngày Chủ Nhật 30 tháng 6 vừa qua, anh Scotty Nguyễn đã thắng ẵm giải thưởng 2 triệu đô. Thật vẻ vang cho dân Việt! Nhân cái thắng này, anh mới giải thích cho dân Việt lơ mơ như tôi về cái giải bài bạc này. Trước hết mỗi người muốn tham dự phải đóng 50 ngàn đô đã. Giải này có 3 cuộc thi tất cả: Horse, Main Event Player of the Year. Anh Scotty Nguyễn thắng giải Horse. Còn hai giải kia chưa thi đấu. Horse kết hợp 5 trò chơi poker mà các đấu thủ phải đấu luân phiên: Hold’em, Omaha, Razz, Stud Eight or Better.  Trong trận chung kết giữa hai đấu thủ còn lại trong số 148 người đóng tiền dự thi, anh gốc Việt 45 tuổi Scotty Nguyễn so tài với anh DeMichele. Vòng chung kết kéo dài gần 15 tiếng đồng hồ từ tối Chủ Nhật tới sáng sớm thứ hai 30 tháng 6. Ngồi nặn óc thi tài trong 15 tiếng thì đúng đây là một môn thể thao đứt đuôi rồi còn gì nữa! Dân Việt ta rất nổi trong môn thể thao poker này. Người thắng giải Main Event năm nay cũng là một người Việt: anh J. P. Trần, hiện sinh sống ở Sacramento. Anh được thưởng 631 ngàn 170 đô.

Anh Nam Lê, mới 25 tuổi, cũng là một tay chơi gốc Việt sừng sỏ. Anh đã thắng nhiều giải lớn và, tuy còn rất trẻ, cho tới giờ này anh đã được  thưởng tổng cộng tới 4 triệu 300 ngàn đô!

Cuộc thi đấu poker là thi đấu bài chứ không ai gọi là thi đấu bạc. Họ không ăn thua nhau bằng tiền mà chỉ lãnh giải thưởng. Hai cụ tôi và các cụ trong các hội người già cũng đánh bài chứ không đánh bạc. Họ không vụ vào sự ăn thua mà chỉ chơi giải trí. Được thua chục đô chẳng chết chóc chi.

Bài thì được. Bạc thì chớ. Cứ trông gương anh Bun thì biết. Mất cả cuộc đời vì bạc. Còn thứ kéo máy như tôi là gì? Có phải là đánh bài không? Có thấy quân bài nào đâu mà gọi là đánh bài. Cái thứ giao tranh với chiếc máy vô hồn như anh chàng ngốc Don Quichotte đánh nhau với cái cối xay lúa chẳng lẽ lại gọi là đánh…máy? Đánh máy? Đúng là việc tôi đang làm khi gõ tới câu cuối của bài này!                                                                                                          

08/2008