Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

PHÁO

Sau ngày lật đổ chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhóm tướng lãnh đảo chánh bãi bỏ một số lệnh cấm do chế độ cũ ban hành trong đó có lệnh cấm đốt pháo trong dịp Tết. Vậy là pháo nổ tưng bừng. Nhiều nhà treo những bánh pháo dài thậm thượt từ tầng trên xuống từng dưới cho thiên hạ lác mắt trong một thời gian dài rồi mới châm ngòi. Tiếng nổ là một thứ dễ khích động tính tranh đua nên nhà nọ nhìn nhà kia, nhà nào cũng cố chơi ngon hơn nhà khác. Chắc ở điểm này con người bắt chước loài gà khi gân cổ lên gáy. Dân buôn pháo trúng lớn. Vậy là cái Tết sau đó tôi cũng buôn pháo!

Nói cho oai vậy thôi chứ tôi thì buôn bán cái chi. Chính ông anh họ tôi, một tay thích buôn bán nhưng chưa bao giờ thành công, mới là đích danh thủ phạm. Thấy thiên hạ làm ăn khấm khá, máu làm giầu của ông bèn nổi lên vùn vụt. Ông rủ mẹ tôi chung vốn buôn pháo. Mẹ tôi gật đầu. Thế là cả nhà quay theo pháo. Tôi lúc đó đang vừa đi học vừa viết báo kiếm tí tiền còm nên chỉ còn rất ít thời giờ dành cho pháo. Vậy mà cũng chạy lên chạy xuống tóc tai tơi tả. Công việc của tôi là theo dõi tiến trình làm pháo cho kịp có pháo bán. Những gia đình trú ngụ ở miệt Hố Nai hay ngoại thành Sài Gòn lãnh làm pháo cho nhà tôi là nơi tôi thường xuyên lui tới. Vậy nên mới biết làm pháo ra răng. Sau khi cuộn những cây pháo bằng giấy hồng cho pháo toàn hồng hoặc chỉ một lớp giấy hồng phía bên ngoài còn độn toàn giấy trắng bên trong cho loại pháo thường, cuộn giấy có lỗ rỗng ở giữa sẽ được cắt ra thành từng cây pháo đúng với khuôn khổ và chiều dài của một chiếc pháo, người ta sẽ gắn ngòi pháo vào. Sau đó mới tới phần vô thuốc. Các cây pháo được ràng buộc với nhau thành từng mảng lớn bằng mặt bàn, đít pháo quay lên trên. Người ta lấy một tờ giấy lớn dán lên trên mặt đít pháo thành một mặt bằng. Sau đó dùi lỗ trên những đít pháo rỗng. Nhìn vào mặt bằng sẽ thấy chi chít những lỗ san sát đều nhau như tổ ong sẵn sàng nhận thuốc pháo. Thuốc pháo là hỗn hợp chất nổ, lưu huỳnh và than. Vô thuốc là giai đoạn nguy hiểm nhất có thể phát nổ gây cháy nên thường được làm trong những chiếc chòi lá cất ngoài đồng trống. Chỉ vào giờ chót, thuốc nổ mới được trộn vào với than và lưu huỳnh để tránh nguy hiểm. Hợp chất dễ nổ này phải được…nâng niu rất nhẹ tay khi trộn cũng như khi vào thuốc. Người ta dùng một cái bàn chải với những sợi lông thật mềm nhẹ nhàng dồn thuốc đã được trải trên mặt bằng xuống từng đít pháo. Cánh làm pháo cho nhà tôi đã bị vài vụ nổ lúc vào thuốc làm thợ chạy có cờ và chòi cháy tiêu tan. Vô thuốc xong mới dùng đất sét để bít đít pháo lại. Sau đó mới kết thành bánh pháo bán ra thị trường.

Như đã nói, ông anh họ tôi thích buôn bán nhưng thần buôn bán lại không chọn ông. Năm đó người ta đổ xô nhau đi buôn pháo nên pháo bị nạn…pháo mãn! Đúng luật cung cầu, hàng hóa nhiều, số cung vượt số cầu thì hàng phải xuống giá. Năm đó pháo xuống giá một cách thảm hại. Ba mươi tết mà pháo còn tồn đọng cả đống. Cả nhà chia nhau ra đứng bán lẻ tại nhiều địa bàn trong thành phố mong tống khứ cho hết thứ tưởng là hái ra tiền đang biến thành…rác. Anh em tôi trấn đóng nơi hông chợ Bến Thành, vừa rao bán vừa nhớn nhác nhìn quanh ngộ nhỡ có bạn bè bồ bịch nhìn thấy. Mắc cở muốn chết mà vì…đại nghĩa nên phải giơ mặt được ngụy trang dưới chiếc mũ kéo thấp xuống trán. Tới gần giao thừa, đoàn…cảm tử quân mới được rút lui với số pháo còn tồn đọng khá nhiều. Kết quả lỗ chổng gọng. Chỉ lời được cái ba ngày tết đốt pháo thả ga. Chán đốt thì mượn hàng xóm phụ đốt dùm. Nổ lớn! Nổ tan tành vốn liếng!

Xác không vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình, tạch cái thôi !
Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

Bài thơ ‘Vịnh Cái Pháo” này là của Nguyễn Hữu Chỉnh. Đây là một bài thơ khẩu khí được Nguyễn Hữu Chỉnh làm từ lúc mới 9 tuổi. Tết năm đó, Chỉnh theo cha đi mừng tuổi thầy đồ. Thầy muốn thử tài Chỉnh bèn ra đề “pháo”. Chỉnh đọc ngay bốn câu thơ trên. Bốn câu này đã vận vào cuộc đời ba chìm bảy nổi của Chỉnh. Sử sách chép ông là một tên gian trá, phản phúc và giảo quyệt, hết chạy theo phe này lại phản theo phe khác trong thời Tây Sơn và các Chúa. Cuối cùng ông bị tướng Tây Sơn là Vũ văn Nhậm giết tại Thăng Long bằng cách chặt chân tay, phanh thây vứt cho chó ăn tại Cửa Đông. “Cái pháo” Nguyễn Hữu Chỉnh tan tác một cách thảm hại vào năm 1788 khi ông mới chỉ 47 tuổi. Tan tác thê lương như vậy thì cái tan tác cụt vốn buôn pháo của tôi ăn thua chi!

Bởi vậy cho nên bị pháo đốt cho tan tành xí quách thế mà tôi vẫn không hề ghét pháo. Tết mà không có pháo thì chẳng ra tết. Nghe tiếng nổ, ngửi mùi cay cay, nồng nồng, thơm thơm của pháo mới thấy hết hương vị của tết. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng phải đồng tình với tôi.

Ình ịch đêm qua trống các làng,
Ai ai mà chẳng rước xuân sang.
Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén,
Bút mới xô tay thử một hàng.
Ngoài lũy nhấp nhô cò cụ tổng,
Cách ao lẹt đẹt pháo thầy Nhang.
Một năm một tuổi, trời cho tớ,
Tuổi tớ trời cho, tớ lại càng...

Pháo của cụ Nguyễn là thứ pháo kêu lẹt đẹt. Nghe nản phát khiếp. Có lẽ đó là pháo chuột. Pháo chuột là thứ pháo nhỏ dành cho con nít, nổ như con nít đánh trung tiện! Pháo chuột có thể cầm trên tay cho nổ mà không hề hấn gì. Ngược với pháo chuột là pháo đại, nổ như đại bác. Thứ pháo này không nổ đơn độc mà được gài vào từng đoạn pháo phát ra tiếng nổ như tiếng trống cầm trịch trong dàn nhạc đại hòa tấu, nghe oai phong và dõng dạc hết biết! Nói tới pháo người ta thường nghĩ tới thứ được kết thành bánh, ít người nghĩ tới thứ pháo tinh quái là pháo ném. Pháo này vuông vức như cục kẹo, bên ngoài là lớp giấy màu khi xanh khi đỏ, khi vàng khi tím. Bên trong là một lớp giấy cứng được xếp thành hình như chiếc hộp vuông nho nhỏ. Trong cùng là thuốc pháo và một viên đá nhỏ. Pháo này không phải đốt chi cho tốn diêm quẹt mà chỉ cần ném xuống đất hay vào bờ tường là nổ. Nói là pháo tinh quái thì tội cho pháo. Cũng một kiếp pháo, nổ một cái là tan tành có biết ất giáp chi đâu, nhưng tinh quái là do người ném. Hồi còn là những kẻ được xếp hạng thứ ba sau quỷ và ma, chúng tôi có thú vui bỏ pháo ném trong túi quần. Khi trà trộn vào đám đông có những nàng nữ sinh quấn quít dắt tay nhau, chúng tôi lẳng lặng ném một chiếc pháo xuống mặt đường trước mặt. Tiếng nổ bất ngờ và đơn độc thường làm giật mình những sinh vật dễ thương này. Phản ứng của bày tiên nữ này có thể là câu mắng, có thể là cái quắc mắt nhưng cũng có thể là nụ cười. Nhiều khi chỉ nhờ tiếng pháo ném mà bắc được cả một chiếc cầu duyên.

Pháo đi với xuân. Tại sao vậy? Triết gia Kim Định đã cho rằng tiếng pháo chính là tiếng sấm báo hiệu mưa móc cho mùa màng. “Là vì sấm thường khởi vào đầu xuân, nghĩa là mùa gieo thóc. Thế mà sấm là dấu tốt, vì nó báo hiệu có mưa, mà có mưa là cả một nguồn sinh lực cho dân nông nghiệp. Nên trong bầu trời văn hóa này sấm đã giữ một vai trò then chốt, nó như tiếng kẹt cửa mà trời mở ra để đổ xuống cho loài người ít chậu nước uống. Vì thế mà cứ đến đầu mùa xuân là con nhà nông mong sấm như trẻ mong mẹ về chợ. Bởi vậy mấy tiếng sấm đầu tiên thường làm trào lên những niềm hy vọng chứa chan, như có ai cho cái gì quý. Đó có thể là lý do đầu tiên giải nghĩa tại sao người Viễn Đông lại thích tiếng pháo, vì tiếng pháo nhắc lại tiếng sấm phần nào theo phản đáp điều kiện. Cũng có thể nghĩ như vậy hơn nữa vì ngày tết theo lịch nhà Hạ (chính là Việt lịch) nhằm vào cung dần, tức là đầu xuân lúc khởi đầu có sấm. Vì lý do trên nên đến tết người ta gây nên tiếng nổ để nghe vọt từ cõi lòng những triều vui mừng chở theo những niềm hy vọng bàng bạc. Ta có thể nghĩ như vậy, vì tục đốt pháo vào dịp tết chỉ có ở trong cõi Viễn Đông nơi còn giữ được nền văn hóa nông nghiệp hầu như duy nhất. Ngoài ra còn tìm được nhiều lý do để gây tiếng nổ bắt chước sấm thí dụ để nhắc nhở trời. Bởi vì nhiều khi tháng ba đến rồi mà trời cứ lờ đi, không nói gì cả. Trời không nói rồi đâm ra không sấm nữa. Làm thế nào bây giờ? Cần phải nhắc nhở. Bằng cách nào? Thưa bằng gây ra tiếng nổ. Và thế là mãi từ xa xưa, vì lý do nọ lý do kia mà có tục lệ gây tiếng nổ vào tháng đầu xuân. Và vì thế tiếng nổ gây nên một sự vui sâu xa làm bằng rất nhiều hy vọng, nên nhiều người đâm ra khoái. Và một khi đã như thế thì sẽ có người chú ý đến việc cải tiến sự làm phát tiếng nổ. Ban đầu người ta dùng cây tre, luồng nứa để đốt, mỗi khi cháy đến một đốt thì phát ra tiếng nổ. Bước thứ hai sẽ là dồn chất nổ vào ống tre. Bước này hiện thực được là khi tìm ra chất nitrate. Ai cũng biết bên Tàu tìm ra chất đó đã lâu đời. Các bước sau sẽ là sự pha độ các chất diêm sinh, than… làm cho tiếng nổ to thêm theo ý muốn. Bước sau nữa là nghĩ ra cách gói thuốc nổ vào giấy thay cho ống tre. Sau cùng đến bước hoàn bị: pháo làm nhỏ lại để có thể kết thành tràng. Và từ đấy cứ mỗi khi tết đến thì người Viễn Đông đã đốt muôn vàn tràng pháo.”

Không có tiếng pháo, tết yên ắng đến khó chịu. Người bạn trẻ Hoàng Công Danh ở  Minsk, thủ đô của Belarus, đã hoài niệm những ngày tết có pháo xưa trên blog: “Đêm giao thừa trời tối như bưng, nhà nhà treo pháo trên những cây cao, phong pháo dài ngoẵng dõng xuống như cái lưỡi thè liếm vào đất mơn man xuân. Phút chuyển khắc, hướng đông hướng tây, xóm trên xóm dưới thi nhau pháo nổ. Việc châm lửa đốt pháo thường do người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thực hiện. Ông nội tôi năm nào cũng chít áo đóng khăn từ sớm, đi quanh mấy vòng như để quấy lên cái không khí mùa xuân. Ông đi ra ngõ, tôi đoán chắc ông đi rước tổ tiên về ăn tết cùng cả nhà. Dạo xong ông tới chỗ cây mít trước nhà, ở đó phong pháo đã móc sẵn từ đầu hôm, ông châm lửa vào và pháo nổ lên những tiếng “tết! tết!”... Tiếng gà đầu năm mới cũng gióng giã mạnh mẽ hào sảng hơn. Anh Trứ dậy trước, rón rén chui ra khỏi màn nhè nhẹ để tôi không tỉnh giấc; nhưng tôi biết được, thế là hai anh em cùng vùng chạy ra gốc mít. Xác pháo đêm qua vãi ra đỏ hồng một góc nương quanh cây mít. Mấy miếng giấy nhỏ nổ ra vướng lên trên ngọn cây, bỗng nhiên mít “nở hoa đỏ”… Hai anh em tranh nhau nhặt những quả pháo chưa kịp nổ, chúng nằm lẫn lộn giữa mớ xác pháo và hạt cốm nổ trộn muối đêm qua ông vãi khi cúng giao thừa. Nhét chiếc áo thun vào lưng quần xà lỏn, bụng ngực trở thành cái túi tha hồ mà bỏ pháo. Cả hai anh em nhanh tay tranh nhau nhặt, lúc đầu cứ vơ đại cả pháo quả lẫn xác giấy. Có khi cả hai cùng nhìn thấy một quả ở phía xa, vậy là ùa chạy đến hớt hải chụp.
Mấy quả pháo rụng xuống đất tim còn y nguyên thì nhặt cất đi, ra năm đem đốt. Ngày ấy nghịch ngợm đến thế! Loại pháo cháy hết tim nhưng chưa nổ, hoặc do dây tim kết không chặt nên nó đứt thẳng trước khi lửa đến được gọi là pháo xì. Những viên pháo xì này thì bóc vỏ giấy ra lấy cái chất thuốc bồi kẽm trắng ở trong. Chất kẽm này đem pha nước thành màu nhũ trắng bạc rất đẹp để sơn phết lung tung. Anh Trứ khéo tay, hay nắn tượng Phật bằng đất, phơi cho khô rồi phết màu nhũ ruột pháo lên là bức tượng y như làm bằng kim loại.”

Pháo và tết ăn ý nhau như vậy mà thời gian sau này pháo thường không có duyên với tết. Khi chiến tranh thì pháo bị cấm vì sợ địch quân nương theo tiếng pháo giở trò đánh lén như trong dịp tết Mậu Thân 1968 chẳng hạn. Khi miền Nam đã bị…đô hộ, chẳng ai đánh ai nữa thì pháo cũng bị cấm sau một thời gian cho đốt thả dàn. Lý do là vì đốt pháo gây lãng phí và quá nguy hiểm. Dân ta có tật hay chơi nổi. Cứ nhìn vào hai bên hàng xóm mà ganh đua. Bánh pháo càng ngày càng dài ra, vắt vẻo từ cả chục tầng lầu chạy xuống. Nguy hiểm là vì pháo gây ra những vụ cháy nhà, nổ hoảng. Nhưng cái nguy hiểm nhỏ nhoi này có đáng làm mất đi cái phong vị Tết của quê hương không? Nhiều người nghĩ tới những cái nguy hiểm khác, như vụ Mậu Thân. Biết đâu chẳng có ngày tiếng súng theo tiếng pháo?

Ngay cái Tết đầu tiên pháo bị cấm, nhà văn Tô Hoài đã viết một bài rất nhẹ nhàng, đầy tâm tình và khá bâng khuâng về sự vắng bóng của tiếng pháo Tết. Bài này được đăng trên một tờ báo văn nghệ ở Hà Nội. Lập tức tòa báo được nhà cầm quyền hỏi thăm sức khỏe. Bài báo trật đường rầy của Tô Hoài đã làm quê lệnh cấm đốt pháo. Hình như biện pháp áp dụng là tạm đình bản tờ báo. Để cho có vẻ…chính danh, người ta tung tin là bên Trung Quốc cũng đã cấm đốt pháo từ vài năm trước. Anh lớn làm sao thì cứ theo gót là đúng chính nghĩa! Nhưng sau đó những người Việt Nam sang du học hay công tác bên Trung Quốc vẫn thấy dân Tàu thoải mái đốt pháo, họ bèn théc méc hỏi cho ra lẽ. Mấy anh dân con nhà trời ngớ ra: làm chi có lệnh cấm đốt pháo! Thế là sao? Hỏi cho tới nơi thì ra lệnh cấm đốt pháo chỉ có ở một vài địa phương, nhất là những nơi đông dân cư, có nguy cơ xảy ra tai nạn vì pháo nhiều nhất. Hai năm trước đây, các lệnh cấm đốt pháo cục bộ này cũng đã được giải tỏa. Thượng Hải, Bắc Kinh đã thoải mái…nổ. Tôi vào một vài blog của giới trẻ trong nước và đọc được nhiều điều khá vui. Phần lớn họ đều tiên đoán là nước ta sẽ bỏ lệnh cấm đốt pháo. Trung Quốc làm chi thì ta làm như hệt vậy. Đó là…chân lý không bao giờ thay đổi. Cứ như chuyện con voi, cái vòi đã đi trước thì cái đuôi nhất định sẽ đi theo! Đã quen như thế, cái nghề theo voi hít bã mía! Một bạn trẻ lấy tên Pháo Đại đã blog như sau: “ Cuối năm nhà nước sẽ cho đốt pháo trở lại. Nhưng không biết là cuối năm nào. Có thể là cuối năm 2050, chắc tui không còn sống đến đó để lên làm Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin kiêm Phó Thủ Tướng Chính Phủ để nghe và trực tiếp đốt pháo rùi…Pháo Đại năm ni đã 41 tuổi xin goodbye Tiểu pháo tiêu và cho gởi lời thăm cộng đồng pháo bông, pháo hoa. Chúc pháo bông pháo hoa làm tròn nhiệm vụ trong các ngày lễ tết, giúp bà con đỡ nhớ các loại pháo nổ với tinh thần tiết kiệm nhưng vẫn giàu và đậm đà bản sắc dân tộc”. Một bạn tên Trangdie học đòi…phiếm: “ Theo thông tin mới nhất từ Văn Phòng Chính Phủ: năm 2008 các hộ dân trên toàn quốc phải đốt pháo 3 ngày từ mùng một đến mùng ba, mỗi phong pháo phải đạt tiêu chuẩn chất lượng Chợ Lớn cấp. Quyết định ký ngày 29 tháng 12 năm 2007, do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, kèm  theo quyết định – đốt pháo bị phạt – VCCP- 29.12.2007”

Tết đi với pháo. Bên Tàu cũng như bên ta, bên ta cũng như bên Tây. Nhưng pháo tây có khác pháo ta và pháo Tàu, không chơi tiếng nổ mà chơi ánh lửa. Đó là pháo bông. Ngày Tết Dương lịch, pháo bông được bắn lên trời tua ra những quầng sáng nhiều hình thể và giàu màu sắc làm mỏi cổ những dân ham vui. Tiếng là pháo Tây nhưng cốt vẫn là pháo Tàu. Bởi vì chính dân Tàu đã sáng chế ra pháo bông từ hơn hai ngàn năm trước. Nhà sáng chế này là một anh đầu bếp. Khi đang làm bếp, anh đầu bếp này đã trộn than, lưu huỳnh và một chất dùng để bảo quản thức ăn là natri nitrate lại với nhau. Khi ông nén hỗn hợp này vào một ống tre thì phát ra tiếng nổ và những tia sáng rất đẹp mắt. Một thuyết khác cho rằng, cách nay một ngàn năm, một người Trung Quốc có tên là Li Tian, sống tại thành phố Liu Yang, tỉnh Hồ Nam, là người đầu tiên sáng chế ra pháo bông. Ngày nay dân Tàu vẫn tưởng nhớ tới phát minh này khi lấy ngày 18 tháng 4 làm ngày tưởng nhớ Li Tian. Trước một ngàn năm hay sau một ngàn năm, quanh đi quẩn lại vẫn là một ông Tàu lập công sáng chế ra pháo bông. Chỉ khác ông sau còn có tên lưu lại trong…pháo sử! Mãi tới thế kỷ thứ 13, nhà thám hiểm Marco Polo mới mang thuốc súng từ Trung Quốc về Tây phương và người Ý, sau đó là người Đức, mới làm được pháo bông từ thuốc súng. Thế nhưng khoái cái trò bắn lửa lên trời này nhất lại là người Anh, cả vua chúa lẫn thần dân. Dưới thời Nữ Hoàng Elizabeth I thì pháo bông tung trời. Vị Nữ hoàng này khoái pháo bông tới mức tự đặt cho mình một tước hiệu mới: Fire Master of England! Khi vua James II đăng quang, ông cũng mê mẩn pháo bông và lấy lại tước hiệu…pháo này.

Ngày nay thứ pháo Tây gốc Tàu này mặc sức tung hoành trong dịp giao thừa Dương lịch trên khắp thế giới. Trên truyền hình vào đêm giao thừa…Tây, pháo bông trải dài từ múi giờ này tới múi giờ khác. Đêm giao mùa đó pháo bông đếm bước đi của thời gian trong niềm vui đón năm mới của con dân trên toàn thế giới. Cứ tưởng tượng không có pháo bông trong đêm giao thừa thế giới sẽ  buồn tẻ biết bao nhiêu mà kể.

Vậy mà có những người đi ngược trào lưu của…pháo! Ngay tại quê hương Tây của pháo bông là Ý, bà Carolina Staiano, ngụ tại Naples, đã lập ra một nhóm các bà…chằng chống lại việc bắn pháo bông trong đêm giao thừa. Tại sao lại chống? Vì pháo bông gây ra nhiều tai họa. Chính cha của bà Carolina đã từng bị liệt một phần cơ thể vì tai nạn pháo bông. Các bà trong hội nhất quyết…cấm vận với chồng nếu các ông không từ bỏ việc đốt pháo bông trong ngày tết. Tôi chưa thấy có cách trừng phạt nào thông minh và đích đáng như vậy. Ừ, mấy ông muốn đốt pháo ở ngoài đường thì cứ việc đốt nhưng đã đốt ở ngoài đường rồi thì đừng hòng đốt pháo trên giường nữa! Lập trường của họ là: “ Có nhiều cách để chào đón năm mới. Nếu các ông chồng vẫn muốn đốt pháo bông thì phụ nữ nên mời họ ra khỏi giường!” Giữa pháo bông và cái giường, nếu là bạn, bạn chọn cái nào? Nếu bạn có ý kiến hay làm ơn mách bảo mấy ông ham vui tại Naples dùm. Tội nghiệp họ!

Các nhà nghiên cứu tại Đại Học Công Nghệ Vienna, Áo, do Giáo sư Georg Steinhauser cầm đầu, thì chẳng cấm vận ai được nhưng đã tìm thấy tác hại của pháo bông với sức khỏe con người. Theo các nhà nghiên cứu này thì khi sản xuất pháo bông, người ta thường cho thêm một số muối và kim loại vào để tạo màu sắc. Thí dụ như bari tạo ra những tia sáng màu xanh lục, stronti tạo ra tia màu đỏ. Nghiên cứu những bông tuyết rơi xuống trước và sau khi bắn pháo bông tại một làng ở Áo để tìm hiểu xem liệu các hóa chất có được đốt hết sau khi pháo bông nổ hay không. Nếu chúng không cháy hết thì các phân từ hóa học nhỏ xíu có thể xâm nhập vào cơ thể người xem qua đường hô hấp, làm co thắt khí quản và làm trầm trọng thêm các bệnh của đường hô hấp như hen suyễn chẳng hạn. Giáo sư Georg Steihauser cho biết: “Chúng tôi tìm thấy một khối lượng lớn bari trong các bông tuyết rơi xuống sau màn bắn pháo bông. Nồng độ của bari cao gấp 500 lần so với các bông tuyết mà chúng tôi thu thập được trước khi pháo bông được bắn lên”. Một cuộc khảo sát trong lễ hội Diwali ở Ấn Độ có bắn pháo bông cho thấy số người mắc bệnh hen suyễn tăng thêm 12% trong số những người tham gia lễ hội.

Đọc những tin tức làm nản lòng chiến sĩ ái mộ pháo như trên, bạn có còn tha thiết với pháo tết không? Tôi thì chẳng cần nghĩ ngợi chi. Chính mùi pháo, thứ các nhà nghiên cứu kết tội đó, đã làm ra tết. Tết không pháo như đàn bà không duyên, nản chết! Yêu nhau thì xá chi chuyện hen suyễn, cần chi giường chiếu. Chẳng nên dọa dẫm nhau nhiều, mất tết đi!

01/2009