Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

9/11

Buổi sáng hôm đó tôi mang chiếc xe đi làm alignment. Giao chiếc xe cho garage, tôi vào phòng chờ, mở báo ra đọc. Chiếc ti vi ở góc phòng mở liên tục phát ra tiếng nhỏ nhẹ. Tôi cắm đầu vào tờ tạp chí mới được gửi từ Cali qua chẳng thèm chú ý tới những hình ảnh thay đổi xoành xoạch trên màn hình. Ông tây da trắng ngồi bên cạnh tôi bỗng buông tờ báo ngó chăm chú vào ti vi, miệng ú ớ. Tôi ngẩng lên nhìn. Một tòa nhà chọc trời đang bốc cháy. Tôi nghĩ đó là một phim xi nê nên cúi xuống đọc báo tiếp. Bỗng ông tây hét vang lên: “Oh non!”. Tôi vội ngước mắt. Trên màn hình, một chiếc máy bay khác chọc thẳng vào tòa nhà như người ta xỏ một mũi kim. Bụi mù mịt. Lửa bốc cao. Tiếng xướng ngôn viên hét lên báo tin về vụ khủng bố. Tôi thẫn thờ. Khi lấy xe ra về, tôi lái như người mất hồn.

Buổi trưa, con gái tôi từ Boston gọi về, giọng sũng nước mắt. “Ba ơi! Bạn con chết trên máy bay rồi!” Câu nói vội vã trong xúc động làm tôi luống cuống. Tôi vội trấn an con rồi từ từ gợi chuyện. Cô bạn người gốc Do Thái ngồi chung phòng với con tôi đi công tác cho sở, ngồi trên một trong hai chiếc máy bay chúi mũi vào tòa nhà World Trade Center ở Nữu Ước. Con tôi kể chi tiết về cô bạn mà tôi chưa bao giờ gặp mặt. Chỉ vài ngày sau, thương cảm cho một cái chết trẻ tức tưởi, tôi hoàn thành truyện ngắn “Chuyến Bay Không Hẹn”. Phút giây của sự thực phũ phàng được tôi hư cấu lại. “ Tôi vừa cất tiếng hỏi thì điện thoại đã bị cúp cái rụp. Chuyện gì mà như giặc tới nhà vậy! Tôi ba chân bốn cẳng xuống cantin. Gần như cả sở đang chúi mắt vào chiếc tivi kềnh càng lúc nào cũng mở, đặt nơi góc phòng. Căn phòng đông người im lặng một cách bất thường. Tôi liếc nhìn vào màn hình. Từ lưng chừng tòa cao ốc, khói quyện với lửa đang cuồn cuộn bốc ra. Người người nhốn nháo dưới đường. Chưa biết chuyện chi, tôi cũng không dám hỏi ai. Tôi nhìn thấy David đang to mắt bên một chiếc bàn ngổn ngang những ly cà phê còn đầy ắp. Tôi đang định bước tới thì mọi người sửng sốt bưng mặt. Một chiếc máy bay đang lừng lững chui đầu vào tòa cao ốc kế bên. Ngọt như một lát dao cắm phập vào một chiếc bánh. Lửa tung tóe ngóc đầu chui ra. Tôi ôm mặt. Người tôi như muốn rũ ra. Tiếng la thất thanh hoảng sợ, tiếng xướng ngôn viên trong tivi như những tiếng sóng tiếng gió ầm ì trong tai tôi. Tôi không thấy David nhích về phía tôi. Giọng hắn đấm mạnh vào màng tang.
“Người ta nói máy bay cất cánh từ phi trường Logan.”
Tôi hoảng hốt. “Chuyến bay nào vậy? Cầu trời không phải chuyến đi Los Angeles!”.
David lắng tai nghe. Tôi cũng chăm chú. Giọng người xướng ngôn viên rã rời. Tôi nghe loáng thoáng tên một hãng máy bay. Rồi tôi nghe rõ ràng chữ Los Angeles. David hét lên. Người tôi giật bắn theo tiếng nấc. “Tracy!”

Cái chết của một người thân là điều khó nói với con nít. Nhân vật “tôi” chưa biết phải bắt đầu từ đâu khi muốn thông báo cho hai con còn nhỏ biết về sự ra đi của “dì Tracy” thì đứa con trai đã nói tới vụ khủng bố do cô giáo kể lại trong trường. Về nhà, ngồi trước đống lego hỗn độn trước mặt, bé Quân loay hoay ráp hình một chiếc máy bay. “ Cái chết có lẽ vẫn là điều xa lạ với các con tôi? Nhưng không, tôi đã lầm. Bé Quân, vẫn bận rộn đôi tay thoăn thoắt lắp ráp, không nhìn tôi, nói khơi khơi.
“Lớn lên con sẽ lái máy bay.”
Tôi nhìn chăm chăm vào Quân. Trên tay nó là chiếc máy bay ráp chưa xong. Một bên cánh còn cụt ngủn.
 “Tại sao con thích lái máy bay?”
“Con sẽ cứu dì Tracy và đưa dì lên trời.”
“Con biết là dì Tracy chết rồi chứ?”
“Dạ biết. Chết chôn dưới đất mới khó chứ chết treo trên cao thì con đưa dì lên trời được!”
“Con ngoan lắm.”
Tôi khen con mà không hiểu trong chiếc đầu non nớt kia cái chết có hình dáng như thế nào.”

Ra khỏi truyện, ngoài đời cũng có một chú bé mơ ước sẽ trở thành phi hành gia để đi tìm cha. Đó là bé Nguyễn Hồ Ngọc An. Bé diễn tả bằng tiếng Anh với phóng viên Phương Anh của đài Á Châu Tự Do RFA, 5 năm sau ngày mồ côi cha. “ Ba con cao, đẹp trai và thương con lắm. Con tin chắc rằng ba con đang ở trên Thiên Đàng. Con có hình của ba con. Con muốn trở thành phi hành gia để đi tìm ba con”. Mẹ của bé, chị Hồ Nguyễn Tú, kể tiếp. “ Cháu có nhiều hình ảnh, sách về không gian. Hồi 5 tuổi, có hôm cháu nhìn lên bầu trời và nhìn lâu lắm. Em cũng ngạc nhiên. Một hồi sau, cháu quay lại nói với em: “ Mẹ có thể gọi phone cho ba được không?” Em hỏi lại ba con ở đâu. Cháu mới nói rằng: “ Ba con ở trên trời, con muốn mai mốt con làm phi hành gia, con lên trên trời kiếm ba”.

Ba của bé An là anh Nguyễn Ngọc Khanh, người Việt Nam duy nhất tử nạn trong vụ 9/11. Anh Khanh sanh năm 1960 tại Việt Nam, di tản qua Mỹ năm 1975, tốt nghiệp Kỹ Sư điện tại University of Maryland. Anh làm việc cho Bộ Quốc Phòng Mỹ được 13 năm. Tháng 3 năm 2001, anh chuyển sang làm việc cho Hải Quân Hoa Kỳ tại Ngũ Giác Đài, đúng cánh nhà bị một chiếc phi cơ khủng bố nhào xuống. Hình như anh có linh tính trước về sự ra đi đột ngột của mình. Năm năm sau, đúng ngày 11 tháng 9 năm 2006, chị Hồ Nguyễn Tú kể lại. “ Sáng hôm đó, cũng bình thường như mọi ngày, mình dẫn cháu An ra xe bus để đi học. Anh Khang ở trong nhà để sửa soạn đi làm. Khi xe bus bắt đầu chạy, anh Khang đột nhiên ở trong nhà chạy vụt ra, chạy theo xe và nói lớn:”An, bye bye daddy lần nữa đi con!” Thằng nhỏ ngó qua cửa sổ xe và vẫy tay chào ba nó. Sau đó mình và anh Khanh đi làm. Khi mình vô sở chút xíu thì nghe tin World Trade Center và coi ti vi nhỏ trong sở. Một chút xíu sau thì thấy Pentagon cháy. Mình lập tức chạy về bàn của mình và gọi điện thoại vào thì lúc đó đường dây đứt hết rồi, không gọi được nữa. Một lát sau thì sở mình cũng cho đi về. Mình cũng đinh ninh là con số người làm việc ở Pentagon rất nhiều. Ngay thời điểm đó mình không bao giờ nghĩ là anh Khang bị nạn. Chờ tới 3 giờ chiều, mình gọi điện thoại cho tất cả những người quen biết làm ở Pentagon nhưng chưa có ai về nên mình cũng hy vọng là chắc anh phải đi xe hay đi bộ nên chưa về nhà kịp. Đến khoảng 5, 6 giờ chiều thì có hai, ba người bạn đã về tới nhà rồi. Sau đó, mình theo dõi ti vi và biết là phần bị cháy ở bên Hải Quân, mình rất sợ vì anh Khang làm cho Hải Quân. Một lát họ thông báo trên ti vi số điện thoại liên lạc. Mình gọi lên và họ ghi tên anh Khang. Đến 9 giờ tối cũng không thấy gì hết, mình rất sợ. Tối hôm đó, mình nhờ ba mình chở đi khắp các bệnh viện ở gần đó để kiếm anh Khang nhưng họ nói không có tên. Mình chạy vào Pentagon thì họ chặn không cho vào. Tối hôm đó cho đến sáng, cứ mỗi tiếng đồng hồ đều có điện thoại của Pentagon. Mình rất sợ, run cầm cập. Nhưng họ cũng không biết tin gì hết, họ chỉ muốn  trấn an tinh thần mình vậy thôi. Sáng sớm hôm sau, mình đến Pentagon, khu anh Khang làm việc thì thấy khói mù mịt, không ai thở được thì mình biết là xác xuất anh Khang còn sống rất nhỏ, có lẽ không có nữa, vì cháy 24 tiếng như thế thì chỉ cần kẹt 1 hoặc 2 phút thôi là chết rồi. Chiều hôm đó, Pentagon có cử người xuống báo là anh Khang mất tích. Cả nhà rất buồn và không còn hy vọng gì nữa”.

Anh Khang là người Việt duy nhất nằm chung trong con số tử vong khiếp đảm lên tới gần ba ngàn người. Tim nào mà không rướm máu nhất là tim những nhà thơ. Tôi gửi e-mail cho nhà thơ Trần Mộng Tú vì biết con tim chị phải rung động hơn ai hết. Quả chị có bài thơ nức nở “Trả Lại Tôi”.

Hãy trả lại cho tôi
Người chồng rất kính yêu
Chàng là cha đàn trẻ
Là linh hồn gia đình
Không có chàng cuộc sống
Sẽ bước vào chông chênh
……..

Hãy trả lại cho tôi
Người cha rất cần thiết
Tôi có một câu hỏi
Sẽ gọi cha tối nay
Cha tôi không về nữa
Câu hỏi chôn trong mây
………
Tôi sẽ trả lại anh
Con dao không có lưỡi
Súng không đạn trong nòng
Bàn tay không nắm đấm
Tôi sẽ trả lại anh
Tình yêu cho nỗi ghét
Băng bó cho vết thương
Đắp bồi cho mảnh vỡ

Và rồi anh sẽ có
Một trái tim an bình

Thế giới bước vào một thời kỳ khác kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Hình ảnh những chiếc máy bay húc vào tòa nhà chọc trời được chiếu đi chiếu lại làm cho người ta ngại dùng phương tiện chuyên chở này. Tôi cũng ngại. Khi đó tôi đã lấy vé về Việt Nam thăm gia đình. Phản ứng đầu tiên là…lạnh cẳng! Thôi, chẳng nên đùa với lửa. Biển lửa đâu phải chơi. Bà bán vé máy bay của hãng lữ hành khích tướng. Nam nhi chi trí mà sợ chi. Các hành khách máy bay khác cũng chẳng khá gì hơn tôi. Họ bỏ vé lia chia. Kỹ nghệ hàng không bên bờ vực phá sản. Qua phút xúc động ban đầu, lòng…can đảm nơi tôi trở lại. Chẳng lẽ mới chơi một vụ lớn như thế lại chơi tiếp luôn. Sợ chi anh Bin Laden! Đừng đi máy bay Mỹ, đừng ghé qua Mỹ là được chứ chi. Vậy là tôi làm…anh hùng. Vẫn bay như thường. Máy bay vắng hoe. Muốn nằm thẳng cẳng ngủ qua cả một hàng ghế cũng được. Nói cho oai vậy thôi chứ thực sự tôi cũng rét, nhưng việc gấp phải bay thì cứ bay. An nguy nhờ trời!

Trời có đứng về phía khủng bố không? Chỉ có trời mới biết. Nhưng những tên khủng bố đã nhân danh Allah để nhúng tay vào máu.

Mỗi ngày nhân loại gọi
Thượng Đế bao nhiêu lần
như chiếc mộc để chắn
toan tính của mũi đâm

Thượng Đế thật tội nghiệp
ngơ ngác giữa sinh linh
giơ tay ôm lấy mặt
không muốn nhớ tên mình
(Trần Mộng Tú)

Dù không muốn kỳ thị thì mọi người cũng nhìn vào những người theo Hồi giáo với một con mắt khác. Nghi kị len vào giữa tầm nhìn của mắt. Năm năm sau ngày kinh hoàng của lũ cuồng tín nhân danh Allah cướp đi bao mạng sống một cách man rợ, một hội nghị tôn giáo mang tên World’s Religions After September 11 được tổ chức tại Montreal. Tham dự có các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo lớn như Phật Giáo, đạo Sikhs, Ấn Giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi Giáo. Nhà hoạt động Hồi Giáo từng được giải Nobel Hòa Bình Shirin Ebadi đã cố minh chứng với thế giới là có sự khác biệt giữa Hồi Giáo chính thống và những nhóm Hồi Giáo cuồng tín. “ Những trí thức Hồi Giáo đang cố gắng chứng tỏ cho thế giới biết rằng những hành động trái đạo là hành động của cá nhân chứ không phải của tôn giáo của những người đó. Những nhu cầu sai trái của một vài nhóm không thể qui trách cho Hồi giáo”. Ông cũng nhấn mạnh là Hồi Giáo không đi ngược lại với quyền của con người và không thể mang ra làm viện dẫn cho bạo lực. Mục tiêu của các vị lãnh đạo tinh thần khi tổ chức Đại hội này là tìm được sự đồng thuận trong hòa đồng tôn giáo của toàn thể nhân loại. Học giả Sri Sri Ravi Shankar, người cầm đầu Tổ chức Art of Living Foundation qui tụ 25 triệu hội viên đã kết luận. “Chúng ta đã toàn cầu hóa mọi thứ trừ tri thức. Nếu mỗi đứa trẻ biết chút ít về mọi tôn giáo thì chúng sẽ không bao giờ trở nên cuồng tín.”

Osama bin Laden đích thị là một anh cuồng tín. Hắn đã nhân danh Allah của Hồi Giáo để gieo rắc mầm ác trên khắp thế giới. Ngoài vụ 9/11, bàn tay bẩn thỉu của hắn đã gây nên vụ đánh bom hai tòa Đại Sứ Mỹ tại Đông Phi Châu vào năm 1998 và vụ tấn công chiến hạm USS Cole tại cảng Yemen vào năm 2000. Cuộc săn lùng anh khủng bố râu dài này vẫn chưa kết thúc sau 7 năm chinh chiến ở Afghanistan. Bao nhiêu mạng sống của cả binh lính lẫn thường dân đã bị cướp đi trong cuộc săn lùng dai dẳng này. Nạn nhân của cuộc săn đuổi dài ngày này là anh Gary Weddle. Gary là một giáo viên thực tập tại trường trung học Wenatchee khi vụ 9/11 nổ ra. Anh sợ hãi quá quên cả cạo râu. Đã quên thì quên cho có…chính nghĩa, anh nhất định không cạo râu từ ngày đó, nguyện với lòng là sẽ chỉ cạo râu khi Bin Laden bị bắt hoặc có chứng cớ là hắn đã đền mạng. Lúc đó anh nghĩ là chẳng chóng thì chày, chỉ nội trong vài tháng thì tên khủng bố này có chạy đằng trời cũng bị tóm cổ hoặc giết chết. Nhưng cho tới nay, cuộc săn đuổi Bin Laden vẫn chưa kết thúc, và chưa có một tia sáng nào ở cuối đường hầm, mà hàm râu của thày giáo Gary Weddle vẫn cứ dài ra mỗi ngày. Tới nay có sợi đã đạt tới chiều dài gần nửa thước. Đồng nghiệp và học sinh trường trung học Ephrata, nơi Gary đang công tác, đã quá quen thuộc với “khu rừng nhiệt đới” trên gương mặt ông thầy giáo vui tính dạy môn khoa học tự nhiên. Ba cô con gái mới lớn của Gary cũng quen mắt với bộ râu của ông bố nên cũng OK. Duy chỉ có vợ ông, bà Donita, là tỏ vẻ khó chịu ra mặt với bộ râu “chống khủng bố” của đức anh chồng. Bà muốn chồng cạo phứt bộ râu xồm hoặc ít nhất cũng tỉa tót cho được mắt một chút nhưng anh vẫn phớt lờ, nhất định trung kiên với…lý tưởng! Có điều trớ trêu là bộ râu của anh Gary nay đã ăn đứt bộ râu khủng bố của Osama về chiều dài và nét um tùm! Khi được hỏi tới bao giờ anh mới đụng tới dao cạo râu, Gary tỉnh bơ trả lời: “ Trừ phi Osama bị bắt, còn không, nó sẽ theo tôi xuống mồ!”

Lậy Đức Allah! Xin Ngài đừng để cho con người đầy lý tưởng và trọng lời thề Gary phải rời khỏi thế giới đầy bất trắc này với bộ râu “khủng bố”!

08/2008