Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

CHAY

Một cái đầu trọc lông lốc, một bộ vó dềnh dàng, một giọng nói nhỏ nhẹ khiêm cung, nếu có thêm chiếc cà sa hay tấm áo nâu sồng vào nữa thì đúng chỉ số. Đó là nhân dáng của nhà thơ Bắc Phong. Tôi không quên một chi tiết quan trọng khác là nhà thơ của chúng ta thường ăn chay.

xới cơm trắng dẻo trong nồi
nhớ mẹ hay nhắc xới rồi đậy vung
không ai so đũa ăn chung
cơm chay đầu tháng ngày mùng một ta

chấm tương cắn nửa trái cà
gắp đậu hũ rán đũa và cơm nhai
ăn chậm rãi nhớ lại ngày
bồn chồn phòng đợi con trai lọt lòng

nước canh rau cải xanh trong
múc đầy lưng bát húp xong nhìn trời
làm gì cuối nửa cuộc đời
cô đơn buồn bã những lời thơ riêng

ngọt bùi cay đắng tưởng quên
mấy năm xa cách còn len nỗi sầu
ăn chay biết được bao lâu
lúc tu tóc đã bạc đầu muối tiêu

Ăn mà ngẫm nghĩ tới cả cuộc đời, đó có lẽ mới là chay thật. Chay từ trong lòng chay ra. Trong chay có suy tưởng, có sám hối. Đó là cốt lõi của chay tịnh.

Đạo nào cũng có khoản ăn chay trong cách hành đạo. Chay của Bắc Phong là chay theo Phật giáo, chỉ dùng rau quả, tránh sát sanh. Tránh sát sanh là thực hiện giới thứ nhất trong ngũ giới của đạo Phật. Đó là năm điều cấm: sát sanh, đạo tặc, tà dâm, nói dối và uống rượu. Chay có nhiều…trình độ. Nhị chay là ăn chay mỗi tháng hai ngày vào mùng một và ngày rằm âm lịch. Tứ chay là ăn chay vào các ngày mùng một, mùng tám, ngày rằm và ngày hăm ba. Lục chay vào các ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, ngày rằm, hăm ba và hăm chín. Thập chay là các ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi. Nhất nguyệt chay là ăn liền tù tì trong một tháng, thường là vào tháng giêng hoặc tháng bảy vì tháng giêng có lễ Thượng Nguyên vào ngày rằm và tháng bảy có lễ Vu Lan cũng vào ngày rằm. Tam nguyệt chay là ăn chay mỗi năm ba tháng, thường là vào tháng giêng, tháng bảy và tháng mười, vì ba tháng này có ba ngày rằm lớn là Thuợng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Cuối cùng, xịn nhất là trường chay, ăn chay suốt đời, chỉ rau dưa và tương chao trong hai bữa ăn. Xịn hơn nữa là ngọ chay chỉ ăn một bữa vào đúng ngọ mỗi ngày.

Đạo Công giáo cũng có tiết mục ăn chay. Thường thì ăn chay kèm theo kiêng thịt. Ngày trước thì ăn chay kiêng thịt mỗi ngày thứ sáu và các ngày lễ Hội thánh buộc. Ngày nay thì chỉ ăn chay mỗi năm hai lần: Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa chịu chết. Ăn chay không cốt ở nhịn ăn mà là dịp nhắc nhở cho con người biết suy nghĩ, sám hối về những lỗi lầm mình đã mắc phải. Vì vậy nên việc ăn chay không cứng nhắc phải đúng vào các ngày chỉ định. Nếu ngày đó trùng vào ngày làm việc hoặc đi xa nhà không có điều kiện để giữ chay thì mỗi người đều có thể tự mình du di vào ngày khác. Hoặc trong thời chiến hay trong lúc khan hiếm thực phẩm, ngày được chỉ định ăn chay kiêng thịt nhằm đúng vào ngày có thịt phân phối thì cũng cứ việc ăn thịt và du di việc ăn chay kiêng thịt vào ngày khác. Nhiều vị lãnh đạo tinh thần cấp tiến còn coi nhẹ việc ăn chay kiêng thịt bằng cách cho ăn thả dàn nhưng hãm mình bằng cách khác như nhịn thuốc lá, nhịn rượu hay làm một việc lành phúc đức thế vào. Đó là loại ăn chay…phá thể, cốt ở cái tâm ăn năn sám hối chứ không vụ vào hình thức bên ngoài. Ăn chay chính thống thường được thực hiện bằng cách vẫn ăn ngày ba bữa nhưng chỉ ăn phân nửa thực phẩm ăn thường ngày. Tỷ như thông thường mỗi bữa bạn ăn bốn chén cơm thì khi ăn chay chỉ sơi hai chén thôi. Cứ năm chục phần trăm cho cả ba bữa. Một cách phân chia khác là nhịn ăn điểm tâm, buổi trưa ăn no, buổi tối ăn phân nửa. Ăn chay kiêng thịt thì chỉ kiêng thịt thôi, trứng, sữa và các sinh vật sống dưới nước như cá, tôm, ốc và seafood cứ ăn thả dàn. Nói là thả dàn nhưng nên nhớ là đang ăn chay nhe!

Hồi Giáo cũng chay. Chay thuộc loại nặng ký! Họ ăn chay liền tù tì một tháng mỗi năm. Đó là tháng chay Ramadan. Chay như vậy có mà…chạy. Dĩ nhiên chẳng ai có thể nhịn ăn uống được một tháng. Chay của họ thuộc loại…chui. Khi nào mặt trời lên thì không để một thứ gì trôi qua môi được: đồ ăn, thức uống, thuốc hút…Nghĩa là treo miệng hoàn toàn khi có ánh sáng. Có những tín đồ nhiệt thành còn chay đến không liếm keo ở mặt sau con tem nữa! Chuyện tù ti cũng phải chay tịnh vào ban ngày. Kèm theo việc chay tịnh là việc xét mình. Từ bỏ những lỗi lầm như tội lỗi, ích kỷ và dối trá. Hứa sẽ giữ những đức tính như bác ái, tận hiến và tha thứ. Nhưng khi mặt trời lặn thì họ bắt đầu ăn uống. Họ nhìn trời thấy mặt trời vừa đi ngủ là bày bàn ra ăn. Đầu tiên là bữa ăn phá chay kêu là Iftar. Bữa ăn này gồm bánh pide mới làm trong ngày,súp, dưa, olive và các thức ăn đơn giản. Khoảng từ 2 giờ rưỡi tới 3 giờ sáng, có những đoàn trống đi khua vang khắp chốn đánh thức mọi người dậy sửa soạn bữa ăn chính Sahur để kịp ăn trước khi mặt trời mọc. Một khung cảnh lễ hội tràn lan khắp các làng mạc và thành thị. Người ta treo đèn kết hoa trên các thân cây và trước nhà. Đền thờ được thắp sáng đông nghẹt tín đồ. Những quầy bán sách tôn giáo được dựng lên cùng với những quán bán những đồ ăn nhẹ truyền thống và những vật dụng và đồ chơi cho trẻ em. Tháng chay Ramazan không có ngày nhất định. Mỗi năm nhích lên 11 ngày. Năm nay từ ngày 1 đến 30 tháng 9. Sang năm, 2009, từ 22 tháng 8 đến 20 tháng 9. Năm 2010 thì từ ngày 11 tháng 8 đến 9 tháng 9. Năm 2011 từ 1 tháng 8 đến 30 tháng 8.

Chay dính liền với tôn giáo. Đó là cách thế để con người thực hiện hy sinh về thể xác, tự xét cuộc sống của mình để cố gắng sống đạo đức, lành mạnh và vị tha hơn. Hiểu được như vậy thì chay mới là chay. Nhiều người không hiểu tới như vậy. Họ coi ăn chay như một hy sinh có điều kiện. Họ dùng chay để mặc cả với Phật, với Chúa. Thường thì họ xin một ân huệ nào đó và hứa nếu được thì sẽ ăn chay bao lâu. Không được thì dĩ nhiên chẳng chay chiếc gì hết. Được thì thực hiện lời hứa. Có những người hứa quá lố, tới khi thực hiện mới thấy quá khó, bèn mặc cả tiếp xin các đấng thần linh cho khất chay hoặc gia giảm cho chút đỉnh!

Ăn chay là ăn kham khổ. Dưa cà lạt lẽo buồn nản mới là chay. Đã gọi là hy sinh thì phải ép mình. Quên đi thịt thà mắm muối. Chuyện này coi bộ không vừa ý những bậc tài danh trong chốn bếp núc. Họ biến tấu thành loại thực phẩm nội dung chay nhưng hình thức mặn. Cũng chỉ dùng đậu nành, bột, củ dền, bắp cải và nhiều loại rau khác nhưng khi thành món ăn thì…trăm hoa đua nở. Toàn những hoa mặn mà. Ăn chơi thì gỏi, bánh khọt, bánh xèo. Ăn thật thì thịt xào, chả trứng, giò lụa, gà quay, riêu cua. Ăn tiệc thì heo quay, cá rút xương, tôm trân châu, xúc xích sốt cà chua, tôm rim, heo sữa quay, ragu gà, chả mực, mắm chưng, tai heo phá lấu. Ăn hàng thì phở bò, bánh canh, chả giò, bún bì, bún bò Huế, hủ tíu, mì xá xíu. Miệng chay mà đầu óc mặn.  Lối tay trong tay của chay và mặn này coi bộ được việc. Vừa có chỗ cho các bàn tay vàng chốn bếp núc thi thố tài năng, vừa làm cho những cái miệng thích bị lừa dối có dịp bị lừa dối. Ăn chay bỗng trở thành một phong trào hết sức dễ chịu. Người ta chen nhau chay tịnh một cách hào hứng.

Ngày rằm tháng bảy năm nay, ngày lễ Vu Lan, tại Sài Gòn tất cả các quán ăn, nhà hàng chay đều đông nghẹt khách. Thực khách chay tịnh chen lấn nhau xếp hàng chờ đợi tới lượt được chay gây ra nhiều cảnh mất nhốn nháo như tại các bến tầu bến xe. Chưa ngọ, mới 11 giờ 30, quán cơm Phát Nhân tại số 491/2 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, đã không còn một chỗ ngồi. Thức ăn cũng hết. Đó là nhà hàng đã tiên liệu trước, sửa soạn thức ăn gấp đôi ngày rằm tháng giêng vừa qua. Cũng trên con đường mang tên tác giả Lục Vân Tiên này, nhà hàng chay Giác Đức cũng nghẹt cứng thực khách dù nhà hàng có hai tầng lầu. Chỗ để xe gắn máy không còn một chỗ trống khiến nhiều người phải để xe tận chợ Vườn Chuối, cách xa vài trăm thước, rồi lội bộ vào ăn. Quán Thuyền Viên trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, thực khách lớp trong lớp ngoài, chen lấn nhau ra tận lòng đường để cố mua cho được những món chay. Nhà hàng đã làm tới trên năm chục món chay mà vẫn hết, không đủ bán.

Hơn năm chục món chay? Cơm chay ngày nay ồn ào dữ! Chỉ rau quả tàu hũ mà sao biến ra nhiều món phát chóng mặt như vậy? Đó là những món chi? Chị Huỳnh Long Ngọc Diệp, Giám Đốc nhà hàng Việt Chay trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm, kể ra một lô món chay đặc biệt cho ngày Vu Lan Báo Hiếu: Mẫu tử tình thâm, Như ý bình an, Như ý trường thọ, Như ý hoàn mỹ… Nghe “công đức sinh thành” quá đỗi! Nhiều nhóm khách đã đặt thuê trước các tiệc chay tại nhà hàng…chùa này để mừng thọ mẹ. Một thực khách cho biết: “ Người còn mẹ, người mất mẹ, năm nào cũng vậy, ngoài việc đi chùa chúng tôi còn xem ăn chay như một hành động báo hiếu”.

Chay không dừng lại trong dịp Vu Lan báo hiếu mà còn lấn sang những dịp cưới hỏi vui mừng. Giữa tháng bảy vừa qua, tại nhà hàng Việt Chay, tiệc cưới chay đầu tiên tại Sài Gòn đã được tổ chức. Gia đình cô dâu là Phật tử thuần thành cả nhà ăn chay trường. Pháp danh của cô dâu là Diệu Tịnh, chú rể là Tịnh Tâm. Bắt mọi người chay tịnh trong ngày vui, gia đình hai bên rất lo ngại vì khách mời đâu có phải người nào cũng ăn chay đâu. Nhưng rồi có lẽ vì tò mò trước một tiệc cưới lạ, quan khách vẫn tới đông đủ. Chú rể Tịnh Tâm không…tịnh nổi khi bày tỏ sự vui mừng: “ Gia đình mời hai chục bàn nhưng có lẽ do hiếu kỳ nên nhiều người không có tên trong danh sách mời cũng theo người thân đến nhà hàng chúc mừng khiến hai họ phải tăng cường thêm bốn bàn nữa mới đủ chỗ ngồi!”. Thực đơn gồm: súp Kiến Tâm Kiến Phật, nấm linh chi sào cải xanh Dược Sư Hải Hội, lẩu Từ Phục Triệu Tâm, cơm chiên Bạch Ngọc Long Bửu…Nghe sang hết biết! Cũng bia bọt đàng hoàng nhưng là bia…chay không có nồng độ rượu được nấu từ lúa mạch. Hoa trang trí và hoa cô dâu độc nhất hoa sen. Nhạc giúp vui toàn là nhạc Phật. Tin tức không nói tới nhưng tôi đoán không có mục nhảy nhót. Làm gì có nhảy…chay!

Chắc là trong các món chay có dùng nấm nên quán ăn, nhà hàng chay cũng mọc nhanh như nấm. Ngoài những quán ăn chay bình dân như tại khu Xóm Giá trên đường Hồng Bàng thuộc quận 11, hoặc đường Trần Đình Xu, các nhà hàng danh tiếng nay cũng chạy theo chay. Đầu tiên là nhà hàng Vân Cảnh mở bắp-phê chay kéo theo các khách sạn Đồng Khánh, Bát Đạt, Thiên Hồng… Món chay khởi sắc từ xà lách cá ngừ, súp cá chua cay đến da gà chiên dòn, bò sào cần. Gọi nôm na như vậy dễ hiểu nhưng nghe chướng tai…chay. Đành phải dùng chiêu dối trời dối đất với những cái tên rất Phật như Bồ Đề Tiên Quả, Tuyết Phủ  Hồ Sen, Hủ Ky La Hán, gỏi Quan Âm Bồ Tát, canh Tam Tạng Thỉnh Kinh, súp Khai Tâm Kiến Nguyệt, cơm Long Nữ Tiến Ngọc, món kho Phù Vân Yên Tử, gỏi Thập Mục Ngưu Đồ. Đó là những món gì, muốn biết những món nghe kêu như tiếng chuông chùa này thì cứ việc…kêu khắc biết! Nếu chưa đủ đau cái đầu thì có thể phiêu lưu đọc những tờ thực đơn trong ba tiệm chay quốc tế tại phố Tây Ba Lô. Hầm bà làng đủ thứ chay thuộc đủ quốc tịch: cơm Pháp, súp Đức, xà lách Tây Ban Nha, sushi Nhật bổn!

Các tiệm bán đồ chay nở rộ như vậy đâu chỉ phục vụ những người ăn chay vì lý do tôn giáo. Đôi ba ngày chay mỗi tháng đâu có phải là loại khách hàng đáng mong chờ. Ngày nay người ta đua nhau ăn chay vì lý do sức khỏe. Ăn chay tốt hơn ăn mặn. Đúng! Tôi thấy ăn chay tốt cho túi tiền là cái chắc! !Rau dưa, bột đậu, dù có chế biến công phu bao nhiêu thì giá thành vẫn rẻ hơn tôm cá thịt thà nhiều. Còn lợi về sức khỏe là điều vẫn còn nhiều tranh cãi rắc rối. Người thì cho là rau đậu tương chao của người ăn chay không có đủ các amino acids cần thiết cho cơ thể tăng trưởng. Cơ thể cần cả thảy 24 loại amino acids cần thiết trong đó có 8 loại mà cơ thể chúng ta không tự sản xuất được, phải nhờ thực phẩm mang vào. Trong 8 loại này thì thức ăn chay không có tới 4 loại. Đó là: lysine, Tryptophan, threonine methionine. Nhưng trong thịt cá thì có. Như vậy muốn cơ thể có đầy đủ các chất cần thiết cho tăng trưởng thì người ăn chay phải uống thêm thuốc.

Tác giả Nguyễn Phú Thứ lại nghĩ khác. Ông viện dẫn những cuộc nghiên cứu để chứng minh là ăn chay tốt hơn ăn mặn. Như cuộc nghiên cứu của Tiến sĩ Fred Stare thuộc Viện Đại Học Harvard và Tiến sĩ Mavyn Hardinge thuộc Viện Đại Học Loma Linda. Họ làm thí nghiệm bằng một cuộc so sánh giữa hai nhóm người ăn mặn và người ăn chay. Cuối cùng kết quả cho thấy nhóm người ăn chay đầy đủ tức là hàng ngày ăn ngũ cốc, rau đậu (nhứt là đậu nành, đậu phộng), hoa quả... thì có chất lượng amino acids trong cơ thể họ tăng gấp đôi nhóm người ăn mặn. Ngoài ra, có nhiều cuộc thí nghiệm khác đã minh xác sự ăn chay đúng cách và đầy đủ sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn ăn mặn.

Cuộc nghiên cứu của Tiến sĩ J. Lotekyo V. Kipani thuộc Viện Đại Học Bruxelles Bỉ Quốc cũng đem lại kết quả là người ăn chay đầy đủ và đúng cách có sức khỏe dẻo dai hơn những người ăn mặn gấp đôi hay ba lần. Trường hợp này, không khác Giáo sư Lrwig Fischer thuộc Viện Đại Học Yale, sau nhiều cuộc thí nghiệm, đã kết luận: “Ăn thịt hay ăn những vật có nhiều chất đạm, sẽ làm cho con người không đủ sức chịu nhọc, không khác nào như người uống rượu”. Do vậy, người ăn mặn không có sức mạnh dẻo dai chịu đựng bằng người ăn chay trường!

Đi xa hơn nữa, tác giả Nguyễn Phú Thứ còn quả quyết như sau: “Loài người được tạo hóa sanh ra để ăn rau cải, hoa quả tức ăn chay thay vì ăn mặn, vì hai hàm răng của con người được cấu trúc một cách đặc biệt, khéo léo, lại có răng hàm cùng xương quai hàm để nghiền và nhai thức ăn rất giống loài động vật ăn rau quả, không ăn thịt sống. Trong khi đó, loài động vật ăn thịt sống, thì có răng cửa và bộ răng nanh bén nhọn để xé thịt xong rồi nuốt trọng luôn. Ngoài ra, tạo hóa cũng tạo cho những động vật này có đường tiêu hóa chiều dài gấp 3 lần chiều dài của thân thể, vì lẽ đó giúp cho sự phế thải các chất cặn bã qua đường ruột bài tiết nhanh chóng hơn, cho nên ít bị nhiễm độc tố do chất thịt gây ra đối với loài người. Trong khi đó, loài người và những động vật ăn rau cải, hoa quả thì có đường tiêu hóa (đường ruột) chiều dài gấp 12 lần chiều dài của thân thể, tức dài gấp 4 lần của những động vật ăn thịt, cho nên, loài người chúng ta ăn chay là đúng nhứt, bởi vì mỗi lần chúng ta ăn chay, thấy trong mình nhẹ nhàng, trong khi chúng ta mỗi lần có đám tiệc ăn mặn, thì thấy trong mình nặng nề, khó chịu lại buồn ngủ nữa, bởi thận làm việc thật vất vả để thanh lọc những độc tố cặn bã của thịt đưa ra khỏi máu và đào thải ra ngoài bằng đường bài tiết. Đối với người còn tuổi thanh xuân, thận còn khỏe mạnh, thì chưa ảnh hưởng gì cả, trái lại, đối với những người lớn tuổi, thận càng ngày càng yếu đi, thì việc thận thanh lọc sẽ trở nên khó khăn, đôi khi thận không thể loại hết những cặn bã độc tố, làm cho máu dơ, từ đó dễ sanh bịnh là thế đó. Đặc biệt, những động vật ăn mặn, ví như chó, cọp, sư tử v.v... mỗi lần có trời nắng gắt, chúng ta thấy chúng nó le lưỡi để thở, bởi vì, chúng nó đổ mồ hôi bằng lưỡi, trái với loài người hay những động vật ăn chay thì đổ mồ hôi bằng lỗ chân lông. Hơn nữa, trong bao tử của những động vật ăn mặn, có chứa dịch tiêu hóa tới 20 lần lượng hydrochloric acid nhiều hơn trong bao tử của loài người hay những động vật ăn chay, nhờ vậy những động vật ăn thịt sống tức ăn mặn khi thực phẩm vào bao tử sẽ tiêu hóa nhanh chóng và dễ dàng”.

Tôi bỗng hoang mang dữ! Tôi thuộc giống ăn thì phải thịt cá độn thêm vào. Nếu không cái bụng lỏng lẻo như chưa ăn. Mặn đứt đuôi con nòng nọc! Nếu loài người được tạo hóa sanh ra để ăn rau ăn trái thì tôi có còn thuộc vào cái giống người chăng? Một ông bạn, vốn cũng nòi thịt thà như tôi, gắt lên: “Bộ tổ tiên của cậu với tớ là hùm beo hay sao?”

Trở lại với ông bạn nhà thơ Bắc Phong của tôi, trong những lần đi ăn tiệm chung với nhau, có lúc ông ấy chỉ ăn một đĩa rau xào chay, nhưng cũng có khi ông ấy tì tì thịt bò bí tết, bia mặn đều đều như tôi. Vậy là sao? Tôi không tiện hỏi nhưng đoán là ông bạn tôi, tuy có dáng vẻ chay tịnh nhưng vốn nòi thi sĩ nên cái chi cũng tùy hứng mà làm. Chay hay không chay không thành vấn đề. Khi nào tâm muốn chay thì chay, tâm muốn mặn thì mặn. Thơ của ông ấy cũng vậy. Khi chay thì “chấm tương cắn nửa trái cà / gắp đậu hũ rán đũa và cơm nhai”. Nhưng khi mặn thì cũng mặn ra phết.

bữa đó mưa lụt gần tới háng
lội nước rao mía giọng trong veo
nhìn nhỏ vén quần tôi chỉ muốn
trôi bám theo háng nhỏ hoa bèo

11/2008