Bẩn
Bài
Bán

Cẩu
Cầy
Chay
Chi
Cười
Đánh
Gin
Hoang
Hợp
Kéo
Kết
Khai
Lót
Mừng
Ném
Ngực
Nhóc
Pháo
Phở
Rửa
Tập
Thức
Tiểu
Toilet
Tỷ
Ù
Viagra
Xăng
25/12
9/11

CHI

Chi là tên cô hàng xóm ngày nhỏ của tôi. Đó là tên tôi gọi hàng ngày. Đúng ra khi đi học thì tên cô điệu đàng hơn một chút: Kim Chi. Nghe như món dưa Đại Hàn. Tôi đã dại dột tinh nghịch giải nghĩa cái tên hay ho của cô bé như vậy. Dĩ nhiên cách giải thích đầy tính cách ẩm thực này làm tôi hao hụt không biết bao nhiêu là cóc dầm, khế dầm lẫn ô mai và me chua ngào đường. Theo cô bé giải thích thì tên cô có nghĩa là “cành vàng”. Tự điển Hán Việt cũng chẳng cãi lại được cô bé. Theo tự điển thì “chi” có nghĩa là cành cây hay nhánh sông. Cành vàng không biết có ăn đứt được…cành thịt hay không chứ chúng ta ai cũng có tới bốn cái cành thịt gọi là “tứ chi”. Chúng chiếm tới một phần ba cơ thể chúng ta. Theo bài cách trí học từ những ngày Tiểu học thì thân thể người ta chia ra làm ba phần: đầu, mình và chân tay. Bốn cái cành dính vào người chúng ta được chia ra làm hai phe: tay và chân. Việc chia phe này chỉ xảy ra vào khoảng 3 triệu 600 ngàn năm trước đây theo thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin. Theo nhà khoa học này, trong cuốn sách nổi tiếng The Origin of Species (Sự Tiến Hóa của các Loài) được xuất bản vào ngày 4 tháng 11 năm 1859, thì trước đó con người cũng có bốn chân như con vật. Chỉ khi đứng thẳng lên được con người mới có hai tay được tự do để…làm chết bỏ!

Tay để lao động, chân để đi đứng, đó là hai chức năng căn bản của tứ chi. Nhưng chỉ nhìn tay và chân như thế chán chết! Chúng cũng có vẻ đẹp nhưng là thứ vẻ đẹp lép vế. Trong ba phần của con người: đầu, mình và tay chân thì vẻ đẹp của đầu là nổi trội hơn cả. Vì đầu có mặt, mặt lại có những phụ tùng rất thẩm mỹ. Những phụ tùng này ở ngay mặt tiền nên lồ lộ trước mắt người khác. Bằng chứng là ngày nay, mỗi lần nhớ tới Kim Chi, tôi chỉ nhớ tới cái má lúm đồng tiền, cái miệng hoa và đôi mắt lá dăm. Vẻ đẹp của tay chân thì phải lớn tới mức nào đó con người mới thấm được. Ông Quan Dương thì chắc đã đủ lớn nên tay chân đã thấm vào thơ ông.

Đôi tay em mười lưỡi dao
Tôi đưa ngực được đâm vào buồng tim
Hồn thơ vất vưởng bên thềm
Em có đem ủ cho đêm bớt dài ?

Chẳng lẽ có thơ…tay mà không có thơ chân, bạn tôi đâu có thiếu công bằng đến thế. Vậy nên chân cũng đi vào thơ.

Khua chân em chạm xuống đời
Mới hay đời cũng một trời rộng rinh
Còn tôi thân hạc giữa đình
Chân co chân duỗi thiệt tình vô duyên

Ông Quan Dương củ mỉ cù mì là một người cẩn thận. Sau khi tách tay và chân ra, ông thấy tội nên phóng ra bốn câu thơ nữa để tái hợp tứ chi.

Tứ chi ai ngắt véo bầm
Đem dấu chiếc bóng người trong tim. Buồn
Chừng như có cánh chuồn chuồn
Cõng tôi qua chỗ em quên hẹn thề

Bước chân của các em là thứ mà các thi nhân hay rình rập và ngây ngất vời trông. Nòi tình như Nguyễn Tất Nhiên thì nhất định không bỏ qua được những dấu hài.

chiều em đi hai hàng bính tóc
gieo xuống đôi vai nhỏ thiệt thà
còn bao nhiêu dấu hài khuê các
sao đành gieo xuống phố-đời-ta?

Cứ sa đà vào chân với tay của các ông thi sĩ chắc sẽ không thấy lối ra. Vậy thì bước chân ra ngay cho chắc ăn. Có hai tay và hai chân là người bình thường. Bàn tay năm ngón kiêu sa cũng là bình thường. Nếu trời cho thêm một ngón cũng chẳng sao. Càng nắm chắc! Bàn chân cũng năm ngón. Nếu trời thương cho thêm một ngón cũng cứ cám ơn trời. Càng đứng vững với đời! Nói như vậy xem ra chân với tay cũng là thứ biết đùa. Giỡn sơ sơ như vậy ăn thua chi. Đôi khi tứ chi giở chứng giỡn…thiệt với mấy ông tu bíp. Chúng leo vào ngồi trong não! Chú bé Sam Esquibel vừa ra đời được ba ngày tại bệnh viện nhi đồng Memorial ở Colorado Springs thì các bác sĩ phát hiện ra có một bàn chân tí hon nằm trong óc của chú nhỏ. Chuyện lạ quá đi chớ! Tiến sĩ Paul Grabb phải kêu lên: “Thật là một tin gây sốc đối với ngay cả các bác sĩ kinh nghiệm nhất khi nhìn thấy khối u này!”. Vậy là giải phẫu cho đi chỗ khác chơi cái bàn chân đi lộn chỗ này. Chiếc bàn chân hoàn chỉnh này ở đâu ra khi cậu bé Sam vẫn có đủ nguyên hai bàn chân? Các bác sĩ cho đây có thể là một khối u tế bào gốc hay là tàn tích của một dạng thai trong thai đã tiêu biến. Họ nghiêng về giả thuyết thứ hai hơn. Có thể đây là một thai sinh đôi nhưng không phát triển, chỉ còn một bàn chân nằm trong cái thai phát triển hoàn toàn kia.

Một bé gái ở Sóc Trăng cũng có đôi chân đi lạc. Khi được sanh ra, bé cân nặng 3,4 kí, sức khỏe bình thường, bú mẹ đều đều, tiêu tiểu cũng không có vấn đề gì, nhưng chỉ có một điểu bất thường là bé có hai chân phụ mọc trên lưng. Hai bàn chân đi hoang này có cấu trúc hoàn chỉnh nhưng mỗi bàn chân chỉ có hai ngón. Sau khi chụp bằng tia X và làm CT scan tại bệnh viện Nhi Đồng 1 ở Sài Gòn, các bác sĩ thấy đây là một khối u, gốc gắn với khung chậu nhưng may mắn là hai bàn chân này chỉ gắn vào khối u chứ không dính vào xương cột sống. Các bác sĩ định bệnh không cho đây là một trường hợp thai trong thai như em bé ở Colorado Springs mà nguyên nhân có thể do cột sống của bé bị hở ở một số đốt sống thắt lưng, gây thoát vị tủy và màng tủy. Muốn cho hai cái chân đi lạc này đi chỗ khác chơi, bệnh viện Nhi Đồng 1 phải cầu viện tới các giáo sư Pháp, các chuyên gia Ngoại Thần Kinh của bệnh viện 115. Cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều giờ, các bác sĩ đã tách tủy sống ra, cắt bỏ xương chậu và hai chân dư, đồng thời tách khối cơ lưng hai bên để may che khoảng trống mà hai chân phụ để lại. Bé đã phục hồi và khả năng đi lại bằng hai chân sau này sẽ bình thường. Theo các bác sĩ chuyên khoa thì trên toàn thế giới trường hợp có 4 chân này rất hiếm khi xảy ra. Thuật ngữ chuyên môn gọi trường hợp này là dị tật đa chi (pygomelia).

Hoa hậu Brazil Mariana Bridi da Costa cũng tay chân vướng víu. Cô sanh ra bình thường. Nếu không bình thường thì sao trở thành hoa hậu được! Ngày áp chót của năm 2008, cô bị đau nặng, gia đình chở cô tới bệnh viện. Bác sĩ chẩn bệnh cho là cô bị sỏi thận, cho thuốc về nhà uống. Bệnh không hết. Ngày 21/1/2009 cô trở lại bệnh viện. Lần này bác sĩ định bệnh của cô là  bệnh nhiễm trùng đường tiểu nhưng vì định bệnh quá muộn nên vi trùng đã làm nhiễm trùng thận và đi vào máu. Vậy là rắc rối lớn vì vi trùng theo máu tấn công vào chân tay và các bộ phận khác. Lượng oxy chuyển tới tứ chi của Mariana bị suy giảm đột ngột. Các bác sĩ quyết định phải cắt bỏ chân tay và một phần bao tử của người đẹp, nếu không thì cô sẽ xuôi tay trong vòng 24 tiếng. Gia đình đành phải chấp nhận. Đây là một quyết định khó khăn vì một cuộc sống không có tứ chi đối với một hoa hậu là một việc hầu như không thể chấp nhận được. Giải phẫu xong, Mariani đã tỉnh lại và người đẹp của Brazil đã đón nhận tình trạng mới một cách can đảm và bình thản. Cô cho biết dù bị mất chân tay cô vẫn muốn được sống. Bệnh tình của cô được dân chúng Brazil và toàn thế giới theo dõi hàng giờ. Một chiến dịch tiếp máu cho hoa hậu được báo chí tung ra. Máu của cô thuộc nhóm O. Mặc những cố gắng của mọi người, cô đã buông tay từ giã cuộc đời vào lúc 2 giờ rưỡi ngày 24 tháng giêng năm 2009 vừa qua khi mới 22 tuổi. Mariana đã đoạt ngôi Á Hậu 2 trong cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới được tổ chức vào năm 2006 tại Brazil và đã đại diện Brazil dự thi hoa hậu Miss World hai năm kế tiếp. Chỉ vài ngày trước khi bị cưa chân và tay, cô gái thần tượng của các thanh thiếu niên Brazil còn được một công ty thời trang lớn ở São Paulo mời trình diễn!

Chỉ nhìn hình của người đẹp mặn mà Brazil tôi cũng muốn trách cái tính đành hanh của Con Tạo. Giai nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu. Đành rằng người đẹp và tướng tài thường lâm vào vòng tử sinh sớm nhưng mới 22 tuổi, còn đang như đoá hoa đang thời rực rỡ mà đùng một cái chấm hết. Nghe thương đau cách chi. Cha của cô, ông Agnaldo Costa đã nghẹn ngào nói với báo chí: “Chúa đang an ủi trái tim chúng tôi bởi Người muốn con gái tôi về sớm bên Người. Nhưng tôi không thể chấp nhận được chuyện con mình rời bỏ chúng tôi sớm như vậy”. Chuyện đứt lìa tức tưởi như vậy, chẳng ai chấp nhận được. Nhưng không chấp nhận thì cũng chẳng làm chi được. Tôi phục lòng can đảm của cô Mariana sẵn sàng chấp nhận sống không có tứ chi nhưng rồi với những ngày tháng không chân tay sau này, liệu cô có giữ được sự can đảm đó không? Chết nhiều khi là một sự giải thoát.

Cứ coi trường hợp cô Tiffanie Didonato khắc biết. Tay chân cô còn nguyên đủ bốn cái cành thịt nối vào thân mình nhưng chỉ phải cái tội chân cô hơi ngắn. Hai chân cô chỉ đủ cho cô có được chiều cao khiêm nhượng là 92 phân tuy cô đã 27 tuổi. Có 92 phân chiều cao thì làm sao lấy chồng được, mà cô thì đang có ý trung nhân là anh chàng Eric. Vậy là cô đi nâng chân. Chân đang liền lạc một thanh bây giờ phải cắt làm hai, kéo dài ra, đau đớn biết bao nhiêu mà kể. Nhưng cô gái cư ngụ tại tiểu bang North Carolina này nhất định đi tìm tương lai. Chiều cao của cô từ 92 phân, nhờ kéo dài thêm 36 phân chân , lên được 1 thước 28. Tiffanie kể lại: “Các bác sĩ đã cắt xương chân tôi ra và đặt một thiết bị vào trong đó để kéo chúng ra xa nhau một chút. Các mảnh xương sau đó dài ra và lấp đầy khoảng trống. Mỗi ngày chân tôi được kéo dài ra khoảng một ly mét. Bây giờ tôi cảm thấy tuyệt vời. Tất cả những điều tôi từng ao ước là sống một cuộc sống tự lập, lấy chồng và lái xe hơi. Giờ đây tôi sẽ cao trên 1 thước rưỡi nếu đi giầy cao gót!”. Tháng 10 vừa qua, Tiffanie đã diện giầy cao gót, khoác tay chồng tiến lên bàn thờ để hãnh diện tuyên thề I do như bất cứ một thiếu nữ nào khác khi trở thành cô dâu.

Nghe kể thì giản dị như vậy nhưng thịt da con người khi bị chia cắt thì nhất định phải đau đớn. Quá trình kéo dài chân phải trải qua 6 giai đoạn. Đầu tiên phải đặt một số dụng cụ ở chung quanh chi gồm một số cây kim xuyên qua xương nhằm cố định các đoạn xương kéo dài. Sau đó phần xương cần kéo dài sẽ được cắt rời ra, đây là giai đoạn khó khăn nhất, làm sao để người bệnh ít tổn thương mạch máu nuôi xương nhất. Giai đoạn 3 làm lành vết mổ. Giai đoạn 4 là căng giãn kéo chân dài ra. Mỗi ngày chân người bệnh được kéo dài ra chỉ 1 ly mét thôi và phải thực hiện làm 4 lần trong ngày, mỗi lần ¼ ly mét. Phải mất 10 ngày mới kéo dài được 1 phân. Giai đoạn 5 là hóa xương. Sau khi xương được căng giãn, giữa các khoảng mặt gẫy sẽ có các mô non bao gồm các liên kết non. Các mô này sẽ biến thành mô sụn hoặc mô xương tùy theo độ căng giãn. Thời gian để các mô này hóa xương tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người. Giai đoạn cuối là sau khi đã lành hẳn, cầu xương tốt thì có thể lấy các thiết bị kéo chi ra. Giai đoạn này cũng phải tiến hành hết sức cẩn thận vì các vùng xương được kéo giãn dễ bị gẫy hoặc lệch. Trên nguyên tắc thì xương chân có thể kéo dài bao nhiêu cũng được nhưng nếu kéo dài quá thì cơ thể sẽ mất cân đối, lưng và tay ngắn, chân quá dài sẽ dị hợm như người đi cà kheo!

Dù sao Tiffanie cũng còn có chút chân để kéo, trơn trụi như cô Jessica Cox thì kéo nỗi gì được. Cái Jessica thiếu không phải là chân mà là tay. Thiếu một cách dã man! Cô hoàn toàn không có tay khi ra đời. Nhưng cô có một thứ trên đầu rất hiếm quý: ý chí. Cô quyết sống tự lập với thân hình không tay. Tâm niệm của cô: “Tôi không bao giờ nói: tôi không thể. Tôi chỉ nói: tôi chưa thử việc đó mà thôi”. Khi cô đã thử thì nhất định thành công. Cô có thể làm mọi việc bằng chân, từ viết, đánh máy chữ, lái xe, chải đầu tới nhảy múa và đánh võ! Jessica đã có đai đen đệ nhị đẳng Tai Kwan-Do! Chưa hết, mới đây cô còn làm được việc mà bạn và tôi, chúng ta dù có đủ hai tay mà cũng không làm được: lái máy bay. Mới 25 tuổi, cô là phi công đầu tiên trên thế giới lái máy bay bằng chân. Lái máy bay bằng tay người ta tập mất 6 tháng, lái bằng chân cô phải mất 3 năm. Nhưng đâu có sao. Miễn nhất định làm là được.

Tứ chi làm cho con người cân đối, chống đỡ được trong mọi tình huống khi di chuyển. Người lính trên chiến trường càng cần di chuyển, luồn lách trong những địa hình khó khăn hiểm trở. Vậy mà đạn bom ngoài chiến trường lại thích thăm viếng tứ chi các chiến sĩ. Anh bạn nhà thơ Luân Hoán đã mất đi chân trái, anh bạn nhà thơ Phan Xuân Sinh cũng đã bị mìn cướp đi bàn chân phải. Còn biết bao nhiêu chân tay bỏ lại nơi chiến trường.

Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Đời tàn trong lứa tuổi thanh xuân.
(Nguyễn Bắc Sơn)

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, trong một bài viết, đã nói về những chân tay bị mìn đạn cắt rời trong trận chiến năm 1979 khi quân đội Cộng sản Việt Nam tiến sang đất nước Căm Bốt giao chiến với quân Pol Pot. “Bởi cùng học thầy Trung Quốc nên lối đánh của chúng rất khó chơi, cũng thiên về quấy rối du kích, đánh không theo bài bản nào, chỉ nghi binh, đánh cấp tập rồi rút lui, đồng thời rải mìn vô tội vạ khiến cho lực lượng ta thương vong nhiều không kể xiết. Tôi nhớ lần tới một trạm giải phẫu trung đoàn. Trung bình một ngày anh em bác sĩ ta phải cưa 49 chân chiến sĩ do bị mìn cài, mìn đặt. Trong điều kiện thuốc men thiếu thốn, thuốc giảm đau cũng như gây mê đều hạn chế, anh em kêu khóc như ri. Chỉ sau một tuần là số chân bị cưa xếp cao như núi, hơn hẳn đầu người một tầm tay với. Mùi thịt cháy, mùi máu tanh, mùi thối rữa tỏa ra khắp vùng, đi cách xa trạm cả 7 hoặc 8 cây số rồi mà mùi hôi thối vẫn xông lên nồng nặc!”

Những chinh nhân bỏ lại một phần chi thể nơi chiến trường, khi trở về với cuộc sống thường nhật thường có những số phận nghiệt ngã. May ra thì còn vợ còn con. Không may thì chiếc nạng gỗ làm sao đỡ nổi đời người.

ngày kia lính chiến trở về
với nghìn tâm sự cuối nghề đao binh
về trên nạng gỗ mà nhìn
chín năm chinh chiến thương mình làm cha
chín năm chống nạng về nhà
bốn con trên một tay bà run run
hỏi nàng, mẹ bảo: theo chồng!
hỏi nàng, con nói: theo ông mất rồi!
(Nguyễn Tất Nhiên)

Ông nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên nhìn vào mặt tiêu cực của những chàng chiến binh trở về trên đôi nạng gỗ. May thay chúng ta còn những người vợ hiền chia sẻ nỗi mất mát của chồng nơi chiến địa. Họ là chỗ dựa vững chắc cho những cuộc đời tưởng đã muôn vàn khổ nhọc. Như trường hợp hai ông bạn thơ của tôi. Hai ông Luân Hoán và Phan Xuân Sinh, chân bỏ lại chiến trường nhưng cơ thể như không thiếu một chi nào cả. Hai ông vẫn sống hùng sống mạnh, chi thịt ra đi thì có chi gỗ thế vào, vẫn đi đứng nghiêm chỉnh, ăn nhậu đều hòa, thơ vẫn ra ào ào, miệng vẫn cười tươi. Cuộc đời thiếu một chi coi như chuyện nhỏ. Tới bây giờ, gần nửa thế kỷ chân lìa người, hai chàng còn đi đứng vững vàng hơn nhờ có những chân thép của chính phủ Mỹ và chính phủ Canada thân tặng.

Tứ chi lâm nạn trong lửa đạn nhưng tứ chi cũng dẫn dắt con người trong những đoạn đường đời vốn lắm chông gai. Trốn thoát một chế độ kỳ quái không giống ai, con người cũng nhờ bàn chân đưa ra biển khơi đi tìm một làn không khí dễ thở hơn cho cuộc đời bị vùi dập nơi đất mẹ.

Những bàn chân hôm qua còn bùn đất trại giam
Rửa sạch bóng trên đường biển mở
Những chân ấy xếp chồng trong hầm tàu chật tối
Đang phủ dần cát đất năm châu
(Mai Thảo)

Và trong chặng đường chót của cuộc đời, tay buông xuôi, chân mặc dù bất động vẫn dẫn đường cho thân xác về với đất.

Lúc ra đi hai chân anh đằng trước
Mắt đi sau còn vương vất cuộc đời
Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai
Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi
(Nguyên Sa)

Chân đi riết tới cuối cuộc đời thì chi chẳng còn là Kim Chi ngày thơ của tôi. Nếu bây giờ tôi gặp lại cô bé ngày xưa, buông lời giỡn cợt, bảo Chi là chân, thì chắc tôi cũng chẳng tốn chút cóc dầm, khế dầm hay tí me chua nào cả. Răng cỏ còn đâu mà nhâm nhi của chua!

02/2009