Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

CHƠI

 

Chơi, lý gì mà không thích! Đó là cái thú của con người. Cụ Vương Hồng Sển để cả đời ra để chơi. Tính tình cụ rất dễ dãi, nói năng bộc trực, loại... có sao nói vậy người ơi. Trong chứng chỉ Văn Minh Việt Nam của trường Đại Học Văn Khoa thập niên 60, cụ phụ trách một môn. Môn Thú Chơi Đồ Cổ! Đó là một môn học... chơi, rất vui. Sở dĩ cụ được mời dậy ở Đại Học vì cụ là một... tay chơi, chứ không phải vì bằng cấp. Nếu chỉ vin vào bằng cấp, cụ sẽ phải đi chỗ khác chơi! Trong một buổi học, cụ đã cười nụ cười hiền hòa, nói chơi mà không biết là giỡn hay thật. Đại khái cụ ngôn như thế này: “Mai mốt các ông các bà có nói năng phải giữ mồm giữ miệng vì mang danh là ông Cử bà Cử. Nói câu nào người ta ghim câu đó. Phải có sách có chứng đàng hoàng. Lơ mơ người ta sẽ bắt bẻ. Còn trống trơn như tôi đây, nói phét nói lác văng thiên cũng chẳng hề chi. Sướng hôn?” Nói xong cụ cười hề hề nghe ra rất thoải mái. Cái nói... văng thiên của cụ đã biến thành những cuốn sách quý về... chơi. Thú chơi đồ cổ, thú chơi sách và cả chục loại thú khác. Cứ chơi như vậy tới... hơn nửa đời hư!

Những thú chơi của cụ Sển là thú sưu tầm. Vớ được cái chai cái bình xưa, cầm được cuốn sách hiếm, sướng tê người. Phải gian truân săn tìm, khi cầm được những vật quý trên tay mới thấy tất cả cái thú của... dân chơi.

Nhỏ, ai chẳng là dân chơi! Chúng ta, từ những ngày mũi giãi, ai chẳng có cái thú sưu tầm. Sưu tầm bi, nút chai bia, hình Tarzan, hình Zorro... là nghề của tôi ngày nhỏ. Tới thế hệ con tôi, nơi xứ người, chuyển thành hình các tài tử màn ảnh, các cầu thủ hockey, búp bê barbie. Tới thế hệ cháu tôi là hình Pokemon, hình Dinosaurs và các loại game. Lớn hơn một chút, tôi... trí thức hơn. Chơi sách nhi đồng, chơi tem. Chơi tem là cái thú ở với tôi lâu dài nhất. Xin tem, mối lo thiết thân của tôi ngày đó. Tới chơi nhà ai cũng lục những bao thư cũ kiếm tem. Trao đổi tem với bạn bè và xa hơn, với bạn thư từ bốn phương qua trung gian của Pen Pals Club. Mua tem mới... te tua. Tới các nhà sách, các tiệm chuyên bán tem sưu tập, chân bước không rời. Nhịn ăn nhịn tiêu, dành tất cả tiền cúng vào các tiệm bán tem. Ngày Bưu Điện phát hành tem mới, chầu chực hàng giờ móc tiền ra trút hết. Mua cho mình, mua để trao đổi với  bè bạn bốn phương. Say mê chi mà lạ! Hình như trong tem có... ma túy. Tốn bao nhiêu cũng không tiếc. Chẳng cứ tôi, nhiều người cũng chịu chơi như vậy. Trong tùy bút Mây Hồng, nhà văn Trúc Chi kể chuyện say mê tem của ông bạn tên Thưởng. “Anh là hội viên của Hội Bưu Hoa Quốc Tế từ đầu thập niên 1950. Qua trung gian của Hội, anh sưu tầm đầy đủ, kể cả tem phát hành ở Hà Nội sau hiệp dịnh Genève năm 1954. Trong phòng làm việc ngay bên dưới cái sân thượng mà chúng tôi vẫn ngồi nói chuyện, tôi đã thấy mấy cái tủ kính lớn đựng đầy những quyển album dày, trang nào cũng dán kín đủ hai loại tem sống và chết, đã được phong kỹ trong những bao giấy bóng đục và sắp theo niên lịch. Đặc biệt và rất quý là hai quyển dán những bản épreuves (in thử) của tem phát hành vào năm 1943-44, có triện của nhà in I.D.E.O. và cliché Dầu mà Thưởng đã mua lại được của một người Pháp trước là công chức bưu điện Nam Kỳ. Lúc soạn mấy quyển albums đó ra cho tôi xem, Thưởng nói: ‘Mấy cái épreuves này, thật ra không có giá trị bằng tem đã phát hành, nhưng đối với người chơi tem lại quý lắm. Anh có đem vàng đến, tôi cũng không bán’”.

Nói tới cái thú chơi tem, không thể không nhắc tới nhà sưu tầm nổi tiếng Nguyễn Bảo Tụng. Tôi có gặp ông vài lần trong thời gian chúng tôi cùng viết cho bán nguyệt san Thời Nay ở Saigon. Ông phụ trách trang Bưu Hoa, một mục thường xuyên rất ăn khách. Ông vừa... bỏ tem ra đi vào ngày 10 tháng 11 năm 2004. Bộ sưu tập tem của ông gồm khoảng 100 ngàn con tem của tất cả các quốc gia trên thế giới. Những bộ tem quý hiếm của ông thật... quý. Như bộ tem Đông Dương (1898-1945), tem Việt Miên Lào (1951-2003), Monaco (1812-2003), Tòa Thánh Vatican (1852-2003), Pháp (1840-2003). Quý hơn nữa là những bộ tem này đầy đủ những con tem từ ngày phát hành đầu tiên của mỗi quốc gia! Ông còn say mê tem tới xuất bản được 10 cuốn sách chuyên trị về tem. Đó là không kể còn 3 cuốn vẫn chưa được in. Chơi tem nghề đến nỗi Đức Giáo Hoàng Paul VI đã ban tặng ông Huy Chương Bưu Hoa Tòa Thánh. Chơi như vậy mới lịch!

Bạn tôi, ông Trường Kỳ, cũng là dân chơi. Ông ấy chơi một thứ mà tôi cũng đã chơi qua hồi nhỏ: sưu tầm các tờ programme của các rạp chớp bóng. Loại hình chơi này chỉ có... xin. Nghề xin cũng lắm công phu. Công phu lì! Tuần nào cũng vác cái mặt... dầy vào các quầy bán vé, mua vé thì ngại, giơ tay xin tờ chương trình cũng ngại, nhưng cái ngại sau đỡ tốn kém hơn cái ngại trước. Nội dung tờ chương trình là sơ lược phim đang chiếu, quảng cáo những phim sắp chiếu. Thỉnh thoảng tờ chương trình còn bonus cho khán giả nguyên bản nhạc trong phim. Đã hết sức! Tôi chỉ theo được ông Trường Kỳ tới đây thôi. Cái thú sưu tầm thứ hai của ông, tôi thua. Đó là sưu tầm hình các bạn gái của bố chụp tại Cổ Ngư, Hồ Tây, Đồ Sơn hoặc Vịnh Hạ Long. Theo như ông Trường Kỳ kể trong Một Thời Nhạc Trẻ thì bố ông là một người hào hoa khá đông đào. Bộ sưu tập... li kì này, không thấy ông công bố bằng hình trong sách tuy sách có in rất nhiều hình!

Những nhà sưu tầm rất  giầu sáng kiến. Họ nghĩ ra nhiều thứ lắm. Một anh bạn tôi hồi học Văn Khoa Saigon có cái thú sưu tầm móng tay của mình. Mỗi lần cắt móng tay, anh không vứt đi như chúng ta thường làm, mà gom lại trong một chiếc hộp. Khi anh cho tôi xem một hộp lổn nhổn đầy nhóc những vụn móng tay tôi hơi sững sờ. Lạ thật! Không lạ đâu, anh giải thích. Móng tay là do trời cho, nó là một phần thân thể của mình, vậy mình phải biết quý và cất giữ chúng. Nghe thì nghe như vậy, nhưng móng tay của tôi, khi rời thân thể vẫn chỉ có một điểm đến: thùng rác!

Có những thứ chỉ đáng vứt vào thùng rác nhưng dân chơi lại tranh nhau sở hữu cho được, sẵn sàng bỏ tiền (nhiều tiền là đằng khác!) ra mua và hí hửng lưu giữ. Cô ca sĩ Britney Spears (dân chơi thì phải biết em này!) nhai kẹo gum, nhả ra. Một anh chàng ái mộ lượm liền. Anh mang ra bán đấu giá trên mạng eBay và lượm được 790 bảng Anh! Nữ xướng ngôn viên nổi tiếng của Anh Kate Garraway, trên truyền hình, bóc một trái chuối, ăn một nửa. Còn một nửa đem bán đấu giá trên eBay. Ba chục ngàn người đã ngấm nghé. Cuối cùng anh Jaime Falarczyck đã đấu thắng với giá 1650 bảng Anh. Một chiếc bánh săng uých cũ xì, trên 10 năm, mang hình Đức Mẹ Đồng Trinh cũng đã bán trên eBay được 28 ngàn đôn. Một viên kẹo ho do tài tử điện ảnh trở thành Thống Đốc tiểu bang California Arnold Schwarzenegger mút dở rồi nhả ra cũng được mang ra bán. Sở hữu chủ của viên kẹo “quý giá” này đã cho biết là chính mắt anh nhìn thấy Arnold nhả viên kẹo ho này vào thùng rác và anh vội nhẩy tới chụp liền! Cũng trên mạng eBay, 18 thanh sắt rỉ được gỡ ra từ tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước sau kỳ tu sửa từ năm 1984 đến 1992, được rao bán 60 ngàn đôn mỗi thanh. Còn 25 viên gạch được nậy lên từ đảo Ellis kế bên, nơi đặt chân đầu tiên của hàng triệu di dân vào Mỹ trong thế kỷ trước, đã được rao bán với giá 25 ngàn đôn một viên!

Giới thể thao chắc chẳng ai quên được cuộc sút phạt đền  sau khi hai đội túc cầu Anh và Bồ Đào Nha thủ huề trong vòng tứ kết của giải bóng đá Euro vừa qua. Khán giả đã treo tim theo dõi từng cú sút của các tuyển thủ. Cầu thủ xịn nhất của Anh David Beckham, người được đặt rất nhiều kỳ vọng, đã sút banh lên trời khiến đội Anh bị thua. Trái banh “lịch sử” đó bắn vọt tới khán đài rất xa gôn, tới tay anh Pablo Carral, 25 tuổi, người Tây Ban Nha. Anh này ôm liền. Lập tức, một tờ báo Anh gạ mua với giá 18 ngàn Euro. Anh lắc đầu và mang lên eBay đấu giá. Giá đã vọt lên tới 10 triệu Euro! Nhưng kiểm lại thì thấy đó là người trả giá ẩu. Cuối cùng, anh Pablo đã ôm gọn được 23.650 Euro.

Cũng thể thao, nhưng là chuyện dã cầu. Đội Expos của Montréal, sau 36 năm gắn bó với thành phố, đã bị lỗ nặng phải di cư qua Hoa Thịnh Đốn. Trận cuối chơi trên sân vận động Olympic, 31395 khán giả đã đến để chia tay với đội banh. Như mỗi lần có trận đấu, món hotdog (mấy anh Tây Québec gọi là chien chaud!) được mang ra bán cho khán giả. Mua hotdog là để ăn, ai cũng nghĩ vậy, trừ anh Rémi Côté, người đã mua hộp bánh cuối cùng của ngày 29 tháng 4 lịch sử đó. Anh mua nó cho đài phát thanh Énergie 102.3 để bán đấu giá làm việc thiện. Chiếc bánh còn nguyên trong hộp đã được đưa lên mạng eBay. Đã có tới gần 34 ngàn người đã vào nghía và 142 người hùng dũng đấu giá. Chiếc bánh trị giá 3.75 đôn đã được bán với giá 2605 đôn!

Sưu tầm lon nhôm đựng nước ngọt là một chiêu khác của dân chơi. Ông Dương Hứa không phải là dân chơi. Ông...thiệt! Ông là nhân viên vệ sinh của trường Portola Middle School của thành phố Tarzana, Los Angeles. Ông thường tới sớm hơn giờ làm việc để lượm lon trong các thùng rác. Trong suốt 17 năm, mỗi tuần 7 ngày, ông kiên trì làm việc và lượm lon. Suốt 17 năm, ông chỉ nghỉ có hai ngày: ngày đám táng mẹ ông và ngày cậu con út tốt nghiệp trường Luật vào năm ngoái. Tổng số lon ông lượm trong 17 năm đã bán được 37 ngàn đô! Ông dùng số tiền này nuôi ba con ăn học. Hai cô con gái đầu đã tốt nghiệp ngành Kế Toán, cậu út theo nghề luật sư. Lý do của sự kiên trì phi thường này, theo lời ông Dương Hứa, là ở Việt Nam ông không được học nhiều vì nhà nghèo, tuy ông rất hiếu học. Sang tới Mỹ, ông tự nguyện phải làm đủ cách để có tiền cho các con theo học tới nơi tới chốn. Lượm lon là cách ông chọn. Từ Hiệu Trưởng tới các giáo sư và phụ huynh học sinh trường Portola thán phục ông sát đất. Họ kính trọng một người cha cần cù vì tương lai của các con tuy cuộc đời chỉ dành cho ông công việc thấp kém nhất là lau nhà, đổ rác và chùi cầu tiêu!

Ông Dương Hứa không lượm lon để chơi, nhưng chơi lon, chơi chai bia, chơi tiền, chơi phù hiệu, chơi mũ, chơi mẫu máy bay, xe hơi... đều là những thú chơi. Chơi có thiên hình vạn trạng. Tại Việt Nam hiện nay có thú chơi đèn dầu. Đèn dầu còn được gọi là đèn Hoa Kỳ vì nó do hãng xăng “con sò” tặng cho dân Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20. Hãng Shell không phải tốt lành gì khi tặng không cho dân Việt đèn. Họ tặng đèn để bán dầu. Ngày nay đèn dầu bị đèn điện lấn áp, chẳng ai thèm để ý đến chiếc đèn tối mù mù đó trừ dân chơi. Thứ đèn thông thường nhất là đèn hột vịt, vì nó có chiếc bóng tròn như hột vịt. Nó tràn lan từ thành thị tới thôn quê ngày xưa nên ít được dân chơi để ý tới. Họ săn những chiếc đèn cao cấp hơn. Tại một nhà thờ ở Hải Hậu, Nam Định, vẫn còn những chiếc đèn dầu treo rủ từ trên trần xuống được làm bằng đá xanh. Chân đèn, thân đèn và bầu dầu toàn bằng đá và được chạm khắc rất tỉ mỉ. Một dân chơi tên Tiến mê tít thò lò nhưng đành chỉ biết ngó vì chúng được coi như đồ thờ, không bán. Tại Sơn Tây có một chiếc đèn cổ rất đẹp. Đế và chân đèn có khắc hoa văn rồng ẩn trong mây. Chiếc đèn này do một viên quan Nam triều đặt làm tận bên Pháp cả trăm năm trước đây. Dân chơi săn đèn để sưu tập nhưng cũng chơi ra tiền khi bán được đèn cổ cho các nhà trang trí các nhà hàng sang, các biệt thự  đẹp. Đèn loại thường giá khoảng 200 ngàn đồng, đèn đẹp và cầu kỳ giá từ 3 đến 5 triệu. Đèn treo vương giả từ dinh các quan lại xưa giá có khi lên tới 20 triệu đồng!

Dân chơi, chơi tuốt. Từ đồ vật nhẩy qua con người. Sưu tầm... vợ là thú của dân chơi hào hoa phong nhã thuở xưa. Vua đã cung tần mỹ nữ làng nhàng ra cũng vài trăm, có khi cả ngàn, dân có năm thê bẩy thiếp âu cũng là chuyện thường. Và là chuyện... phong lưu!

Đêm năm canh, năm vợ ngồi hầu,
Vợ cả pha nước têm trầu chàng xơi.
Vợ hai trải chiếu, chia bài,
Vợ ba coi sóc nhà ngoài nhà trong.
Vợ tư trải chiếu quạt mùng,
Vợ năm thức dậy trong lòng xót xa.
Chè thang cháo đậu bưng ra,
Chàng xơi một bát kẻo mà công lênh.
(Ca Dao)

Nghe đã cái tai chưa, các ông? Muốn nghe tiếp chăng? Cũng ca dao:

Một vợ nằm giường Lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ xuống chuồng heo mà nằm.

Chơi với heo, không khá! Nản lòng chiến sĩ quá!
Bạn tôi, ông Luân Hoán, cũng sưu tập, nhưng ở một cấp thấp hơn. Cấp... mỹ nhân! Trong bài thơ Qua Ngõ Mỹ Nhân, ông... chơi!

rập rình qua ngõ Minh Xuân
liếc cho đỡ nhớ dải lưng lụa vàng
nhìn nghiêng, nắng gác hành lang
nhìn xéo, nắng giữ hai hàng sứ xanh
long lanh mắt vượt qua thành
vén màn hỏi nhỏ bức tranh treo tường...
âm thầm gởi tặng mùi hương
lên bàn tay vãi tiếng dương cầm buồn
lòng tôi phiêu lãng mười phương
bỗng về ở trọ trên tường túc hoa

Mỗi mỹ nhân là một ngõ. Từ ngõ Minh Xuân, nhà thơ cứ tà tà vượt qua hết ngõ này đến ngõ khác, mỗi ngõ mười câu, ông thơ một dọc. Trân Châu, Thu Hà, Quỳnh Chi, Như Thoa, Lâm An, Bích Quân, Thúy Oanh, Ái Cầm, Diệu Minh, Phước Ninh, Quý Phẩm, Thạch Trúc, Ỷ Vân, Bích Hà, Xuân, Đông, Hồng, Phú, Phước, Nga... Chưa hết, ông còn chơi thêm ba chấm, diễn nôm là vân vân, nghĩa là còn nhiều nữa. Ông thật là khỏe chân luồn lách qua các ngõ!

Ông Đinh Cường, mỗi lần nói tới ông Luân Hoán bao giờ cũng kính cẩn kêu là Đại Ca Luân Hoán. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao!

12/2004