Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

QUÀ

 

Cứ thử tưởng tượng ông già Noel trên lưng không có túi quà. Chắc vô duyên dữ! Người lớn con nít chẳng ai thèm nghía tới. Cái ông già chỉ có hai màu đỏ và trắng là một vị hảo tâm trong huyền thoại. Chỉ có cho. Cho búa xua. Mà cho thứ nào ra thứ đó, toàn những thứ đánh trúng tim đen từng đứa trẻ. Những chiếc tất chờ hứng quà treo trên lò sưởi là niềm hy vọng của những cặp mắt ngây thơ chờ món quà mình thích. Sáng ngày Giáng Sinh, ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở, thấy quà trong tất mà ngỡ như mơ. Đúng y chang thứ mình thích. Thích xe lửa có xe lửa, thích búp bê có búp bê, thích gamegame, thích sách có sách. Ông già râu trắng thần thông quảng đại thật. Cứ như đi guốc vào bụng từng đứa trẻ. Tôn ông lên hàng thần tượng là cái chắc. Con nít, tội thật, chúng đâu có biết thần tượng này là thần tượng dỏm. Đeo túi quà cho lớn mà có cho ai cái gì bao giờ đâu! Quà trong tất là quà của bố mẹ. Đi tới các thương xá mùa này sẽ gặp các ông già Noel dỏm thứ... thiệt! Các em mừng hết lớn. Em nào em nấy nhất định phải đòi vào gặp ông già Noel cho bằng được, ngồi trên đùi ông, run run sờ vào bộ râu... giả, hôn vào chiếc má hồng bự phấn, và nhất là được phát quà. Quà thường rất đơn giản: cây viết, bức hình, cuốn tập, cây kẹo... Toàn những thứ chỉ đáng vài xu. Nhưng quà của bố mẹ nộp cho ông già Noel thì đông địa hơn nhiều. Đó là những tờ giấy bạc xỉa ra trả giá cho một bức hình chụp chung với ông già Noel. Ông già Noel thời đại này, nếu không phải là một businessman thì cũng làm công cho các businessmen!

Nhưng cái thói tặng quà dỏm của ông già tinh quái đã được thiên hạ bắt chước và nâng cấp lên. Họ tặng quà thật cho nhau trong mùa Giáng Sinh. Muốn có quà phải rút hầu bao. Các thương gia hân hoan đón mừng, không phải ông già Noel, mà là ông Hoa Thịnh Đốn! Một ông đỏ, một ông xanh. Ông xanh trông không nổi nhưng có chất lượng. Họ in những quảng cáo xanh đỏ bắt mắt, dí vào mũi từng người, dụ dỗ mua quà tặng nhau. Ai không tặng quà, nghe như mình tội lỗi, cảm thấy mình quê một cục!

Tặng quà trong gia đình với nhau, dễ rồi! Sống với nhau, biết ý thích của nhau, biết nhu cầu của nhau, rất dễ chọn quà. Mùa hốt bạc của các tiệm buôn này, thứ gì chẳng ê hề những kiểu mới tung ra. Cứ đảo một vòng quanh các cửa tiệm, cà nát cạc mua chịu, là bê về đầy nhóc cả xe. Tiền trả sau, hơi đâu mà lo! Các cửa hàng còn thiết tha giúp đỡ người mua bằng cách phân loại quà. Loại quà dưới 10 đô, dưới 20 đô...tới cả trăm, cả ngàn đô. Rất dễ tiêu tiền.

Trong sở làm, ai ai cũng hùng dũng và vui tươi trao đổi quà với nhau bằng cách bắt thăm. Hoặc bắt thăm trước xem ai sẽ đổi quà với ai. Hoặc mỗi người cứ mang quà đến, tập trung lại, đánh số, làm thăm, ai rút trúng số nào thì lấy món quà mang số đó. Người rộng rãi thì mua quà nhiều tiền, người tính toán thì mua quà ít tiền, trong một tập thể thế nào cũng có người thế này người thế khác. Trao đổi quà thành một cuộc trao đổi khập khễnh, có khi gây ra những cự nự, bàn tán, dị nghị, mất tình thân. Niềm vui cho nhau chưa thấy đâu mà chỉ thấy toàn những háy nguýt. Để tránh tình trạng tặng nhau thứ quà không ai muốn này, đành phải thực tế qui định số tiền chi cho một món quà. Chi ra mua quà có tiêu chuẩn, nhận vào món quà cũng tiêu chuẩn. Vui vẻ chưa? Niềm vui cho nhau còn chăng khi người ta phải trao đổi quà theo một qui luật nặng về tiền bạc! Quà có còn mang ý nghĩa của quà nữa không?

Quà cho những người phục vụ mình suốt năm thì đúng là quà. Chỉ có cho đi mà không nhận lại. Nó là một chữ cám ơn được cụ thể hóa. Người đưa thư, người đưa báo, người giữ trẻ, người giúp việc nhà, người uốn tóc hớt tóc... tặng quà cho họ là gửi cho họ tấm lòng quý mến của mình. Chúng ta có thể biểu lộ lòng quý mến, biết ơn bằng nụ cười. Cũng được. Nhưng nụ cười không cầm tay được, nghe ra rất hụt hẫng! Theo một cuộc khảo sát thì 42% dân Mỹ rất rộng rãi nụ cười. Họ không tặng quà cho những người phục vụ họ. Tổ chức  Bảo Vệ Người Tiêu Thụ năm nay đã phải nhắc nhở những người dư nụ cười này. Họ gợi ý là nên tặng cho người giữ trẻ món quà trị giá từ 25 đến 70 đô, tặng cho người giúp việc nhà món quà tương đương với một ngày công. Tặng quà có chỉ dẫn, vui chăng?

Già được bát canh, trẻ được manh áo mới. Đó là túi khôn về tặng quà của người xưa. Người xưa... xưa rồi! Thời nay cứ thử tặng bát canh cho các cụ, quà một manh áo cho các đấng nhi đồng xem có nhận được những cái nguýt dài thườn thượt ngay không! Tuổi già bây chừ xí xọn hơn xưa nhiều. Quần áo, giầy dép, nữ trang và nhất là cash mới được... welcome. Con nít bây giờ cũng rất hiểu biết. Áo quần thì bố mẹ phải mua, không được kể vào danh mục quà cáp. Quà phải là đồ chơi. Đồ chơi, muôn hình vạn trạng! Cứ thử lạc bước vào Toys R’ Us coi. Cả rừng đồ chơi. Tuổi nào ra tuổi nấy, có in số tuổi thích hợp trên hộp đàng hoàng. Thấy thì coi bộ an toàn lắm. Nhưng chưa chắc. Chỉ nội trong năm ngoái, tại Mỹ, đã có 11 trẻ em dưới 15 tuổi chết vì thương tích có liên quan đến đồ chơi. Các trường hợp bị nghẹn chiếm tới 75% số tai nạn. Nghẹn vì những quả cầu nhỏ, bong bóng chưa thổi, những bộ phận nhỏ dễ tách rời.

Nghẹn, chẳng phải chỉ vì những món quà nhỏ. Món quà lớn cũng nghẹn!

Một phụ nữ sang nước Anh để tham dự một cuộc họp trong hai tuần. Người chồng tiễn vợ ra phi trường, hôn tạm biệt. Người vợ hỏi:
“Anh muốn quà gì ở bên Anh nào?”
Anh chồng hư hư thực thực, cười:
“Một cô gái Anh!”
Cô vợ im lặng, bước lên máy bay.
Hai tuần sau, người chồng ra phi trường đón vợ về. Anh hỏi:
“Chuyến đi vui không, cưng?”
“Thú vị lắm cưng ơi!”
“Thế còn món quà của anh đâu?”
“ Quà nào nhỉ?”
“ Một cô gái Anh! Em quên rồi sao?”
“ À! Em đã làm tất cả những gì cần thiết. Bây giờ chúng mình sẽ phải chờ vài tháng nữa để xem nó là con trai hay con gái!”

Quà lớn, người ta không chờ để tính bằng ký như vậy. Quà lớn, tại Mỹ, được tính bằng đô. Đó là món quà trên 11 ngàn đô! Nếu bạn tặng món quà... nặng ký này, Sở Thuế sẽ hỏi thăm bạn ngay. Bạn phải báo cho Thuế Vụ nếu bạn chơi sang như vậy, và Thuế Vụ sẽ nghiên cứu để có thể phát cho bạn một tấm giấy thuế! Người nhận quà thì chẳng cần trình báo lôi thôi chi cả và cũng chẳng cần nghĩ tới thuế dù là thuế thu nhập hay thuế quà tặng. Thế nào thì được gọi là quà tặng loại xôm tụ này? Gọi là quà khi bạn cho những tài sản (tiền bạc hay phẩm vật) hoặc cho phép người khác sử dụng hay nhận nguồn thu nhập từ tài sản của bạn, mà không trông mong nhận lại bất cứ hình thức đền đáp hay bù trừ có giá trị nào khác. Hoặc là khi bạn bán cho ai vật gì với giá rẻ hơn trị giá thực sự của nó, cho mượn tiền không tính lãi hoặc với lãi suất thấp hơn lãi xuất thực tế. Đó là loại quà tặng mà bạn phải báo cho Sở Thuế. Không khá!

Nhưng cũng có những ngoại lệ. Những món quà tặng hoàn toàn vô vị lợi thì không giới hạn số tiền và số lần tặng trong một năm. Như bạn trả dùm bằng cách đóng trực tiếp cho các cơ sở giáo dục hay y tế các loại học phí, chi phí y tế, dịch vụ chăm sóc y tế cho người khác. Vợ chồng tặng quà cho nhau cũng rứa, cứ thoải mái chẳng cần biết tới ông Thuế Vụ. Những món tiền tặng cho các tổ chức từ thiện hay chính trị cũng tha hồ, không thuế má chi cả!

Mua quà tặng, tùy nơi, cứ trả thuế đàng hoàng. Có xót bụng cũng cứ phải bấm bụng mà chi. Có những tiểu bang điệu nghệ chẳng thèm sờ tới thuế mua hàng của người dân. Có những tiểu bang như những... tên cướp. Thẳng tay chặt túi tiền của dân mua quà. Tỉnh bang Quebec của tôi thuộc loại... cướp. Mua hàng cứ nộp thêm 15% thuế, vừa liên bang vừa tiểu bang. Tiền đi một cách tức tưởi như vậy, tiếc quá chứ. Một lần đi shop với vợ chồng anh bạn từ Luân Đôn sang, mỗi khi trả thuế là một lần ca bài ca không êm tai. Anh bạn Luân Đôn cười khẩy. Vậy mà còn rên rỉ, bên tớ chặt đẹp 25%!

Rên thì rên, ca thì ca, mua thì vẫn cứ mua. Hàng họ hấp dẫn như vậy, tiền nó nhẩy trong túi, nhột lắm! Tiệm nào tiệm nấy sáng quắc, lộng lẫy, hàng hóa kiêu sa mời mọc móc tiền ra mua quà. Chỉ việc lựa quà, chọn quà, so se món này món khác cũng đủ nhức đầu. Bỏ quà vào túi rồi, nhận được nụ cười tươi như hoa của cô bán hàng rồi, vẫn còn nhức đầu. Liệu người được tặng món quà này có ưng cái bụng không? Lòng dạ có mát không? Họ thích chiếc áo hay đôi giầy, thích thỏi son hay hộp phấn, thích chiếc lò nướng hay nồi cơm điện? Cứ quẩn quanh tự vấn, điên cái đầu! Chi bằng cứ... đi tiền mặt để người được tặng muốn mua gì tùy ý. Chắc ăn như bắp! Nhưng tặng tiền coi bộ sống sượng quá. Không... văn nghệ chút nào cả. Các nhà buôn cũng thông cảm nỗi khổ tâm này nên cửa hàng nào cũng có sẵn những loại quà tặng bằng Thẻ Tặng Quà. Năm mười đồng, vài chục cũng có. Vài trăm cũng có. Cứ chơi một cái thẻ tặng quà là gọn. Tiền đấy nhưng không phải là tiền. Sáng kiến Thẻ Tặng Quà là một thứ aspirin trị được bệnh nhức đầu! Khoảng 74% dân Mỹ năm nay đã mua loại thuốc nhức đầu này. Năm ngoái chỉ có 70%. Thuốc mang đủ nhãn hiệu: May, Nordstrom, Sears, The Bay, Zeller, Future Shop, Staples, Barnes & Noble... Năm nay trị giá thẻ tặng quà bán được lên đến cả trăm triệu đô.

Quà, cớ gì cứ phải Giáng Sinh mới tặng được. Thích là cứ tặng. Sinh nhật, cưới hỏi,mời ăn, gặp gỡ... cứ tặng túi bụi cho vui vẻ đời nhau. Nguyên chữ tặng đã hàm nghĩa vô vị lợi rồi. Tặng là cho, nhắm mắt cho, không cần lấy lại. Em cho anh mùa xuân hay anh cho em mùa xuân, cũng cứ là cho, không thắc mắc. Trường hợp me-sừ Guy Cloutier lại khác. Ông tặng quà để lấp liếm! Guy, ông là ai? Đó là một xếp xòng trong kỹ nghệ giải trí. Công ty Novem của ông chuyên tổ chức những show ca nhạc hay truyền hình nổi tiếng ở Quebec. Bao nhiêu ca sĩ mầm non đã được ông lăng-xê thành những ngôi sao. Một trong những ngôi sao đó vừa đưa ông ra tòa. Tội liên hệ tính dục với trẻ em. Năm nay ông 64 tuổi và ngôi sao gây đại họa cho ông năm nay vừa tròn 35 tuổi. Chuyện xảy ra khi ông sờ sịt ngôi sao lúc đó còn là một cô bé 11 tuổi. Trong hai năm sau đó, ông cứ đều đều chơi trò... đánh cờ người giữa người lớn với con nít. Khi thì ở nhà ông trên đảo Nuns’ Island, khi thì tại Ste Adèle. Tới khi cô gái trưởng thành, ông ngưng. Nhưng năm 2001, ông lại tiếp tục... vui chơi. Một năm sau, cô gái mới thổ lộ với người anh ruột. Ông anh, cũng là một ca sĩ do ông Guy đưa lên, bèn phải trái với ông bầu cũ ngay. Anh tìm đến nhà ông và mặc cả. Ông Guy nhận bù đắp những hành động của ông bằng những món quà. Quà không phải cho tặng mà bị bắt buộc phải tặng. Món quà đòi hỏi đầu tiên là một món tiền 2000 đô mỗi tháng. Ông gật đầu. Đòi hỏi sau đó là một căn nhà trong mộng của cô ca sĩ trị giá 450 ngàn đô. Ông cũng chịu. Nhưng khi cô nhỏ không còn nhỏ nữa đòi 2 triệu đô thì ông chịu thua. Bộ tiền chùa sao? Không có quà thì ra tòa! Ông đành chịu ra trước ba tòa quan lớn. Và ông nhận tội. Tòa đang xử. Bản án chưa có nhưng ông đã mất hết. Danh dự, công việc, tiếng tăm.

Quà như vậy, nghe ra không phải là quà. Nó là một cuộc mua bán, hay một vụ tống tiền? Là gì thì là, nó không còn là một món quà theo đúng nghĩa của quà.

Quà của chúng ta, những người lưu xứ, nó... quà hơn nhiều. Quà gửi về cho người thân còn kẹt lại ở quê nhà. Quà mang nặng hơi hướm thân yêu của quê cha đất mẹ. Chúng là những sợi dây tình nghĩa ruột thịt.

em gửi qua một cuộn băng cassette
đã rình thu tiếng hót chích chòe
ôi tiếng hót giở từng trang thơ ấu
thở đầy hồn nhạc gió mát lũy tre
và bụi duối và hàng keo...bờ giếng
vàng mênh mông hương đất nức trưa hè
(Luân Hoán)

12/2004