Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

TA

 

Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu sóng cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta.

May cho cụ Tam Nguyên Yên Đổ, cụ đã nhanh chân sống trước và chết trước. Chứ nếu cụ chậm chân sống vào đầu thế kỷ thứ 21 này thì “ta với ta” sẽ mệt lắm! Mệt như hai bà Susan Bessay và Lorraine Houde ở thành phố Montréal của tôi. Hai bà là bạn thân với nhau từ mấy chục năm qua. Nhà ai người nấy ở, cơm ai người nấy ăn, rất bình yên. Đùng một cái, bà Bessey, 54 tuổi, bị tai nạn xe hơi và không còn làm ăn gì được nữa. Bà cho bà Houde thuê cái tầng hầm nhà bà để có đồng ra đồng vào. Bà Houde, 60 tuổi, đang lãnh tiền trợ cấp xã hội nên việc mướn rẻ cái tầng hầm cũng tiết kiệm được một món tiền. Cả hai đều vui. Sở An Sinh Xã Hội thấy hai bà vui cũng vui theo. Họ sống chung như vậy là... vợ chồng đồng tính. Lợi tức của hai người phải được tính chung với nhau. Cúp trợ cấp xã hội cho bà Houde liền một khi! Thừa thắng xông lên, Sở còn đòi lại số tiền trợ cấp mà bà Houde đã lãnh kể từ khi hai người chung sống với nhau và bắt bà Bessay trả lại cho Sở 35 ngàn đô!

Hai bà kêu trời không thấu! Đâu có phải cứ... ta với ta là... tù ti với nhau đâu tuy bà Houde có đồng tính thật, trước đây có ở với một bà khác không cư ngụ tại thành phố này trong 29 năm. Bà Bessay chỉ là bạn, chẳng có tình ý gì. Vậy thì căn cứ vào đâu mà Sở An Sinh Xã Hội lại vơ hai người vào với nhau như vậy? Họ bảo họ có điều tra đàng hoàng trước khi... cúp tiền. Các lý do họ đưa ra: trước đây hai bà đã có thời gian ở chung với nhau; trong một tờ đơn, bà Bessay đã điền tên bà Houde vào mục người cần liên lạc khi gặp trường hợp khẩn cấp; hai bà dùng chung một hộp thư; tầng trên nhà và tầng hầm thông với nhau được; thẻ mua chịu của bà Houde có những khoản chi cho nhà hàng mà số tiền được suy đoán là trả tiền ăn cho hai phần ăn; bà Houde thường lái xe của bà Bessay... Tất cả những chứng cứ trên mà bà Bessay cho là... tạp nhạp không chứng minh được cái gì hết. Bà kiện đòi bồi thường 990 ngàn đô. Bà Bessay nói với các phóng viên: “Nếu tôi là đồng tính thì tôi việc gì phải giấu. Nhưng tôi không phải như vậy!”

Ta bồ bịch với ta, thời buổi này đã là chuyện... thường ngày trên báo, cần chi giấu! Tai to mặt lớn người ta cũng chẳng cần giấu. Như ông Thống Đốc James McGreevey của tiểu bang New Jersey chẳng hạn. Đã hai đời vợ, lại hai con, bỗng nhiên a-lô cho toàn dân biết tôi... ghê. Và rũ ấn từ quan cú một! Hay ông Thị Trưởng Paris Bertrand Delanoe, cũng hiên ngang vỗ ngực tự nhận là đồng tính. Ông này viết sách đàng hoàng, cuốn tự truyện “Life, Passionately” bóc trần hết cái tôi của mình, chẳng giấu giếm chi. Không như ngài Thống Đốc New Jersey, ông Delanoe không thèm từ chức lại còn lăm le chạy đua vào dinh Tổng Thống trong kỳ bầu cử Tổng Thống Pháp vào năm 2007 sắp tới! Các vị tu hành cũng chẳng thèm giấu giếm. Mục sư Anh Giáo Jeffrey John là một điển hình. Năm ngoái, ông này suýt chút nữa được phong Giám Mục nhưng cuối cùng bị rớt đài vì... ghê. Năm nay ông được bổ nhiệm làm mục sư cai quản một nhà thờ lớn ở Anh. Buổi lễ phong chức của ông đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của khoảng hai ngàn tín đồ. Chàng ca sĩ nổi tiếng Elton John cũng có giấu giếm gì đâu. Mới đây chàng đã công khai nói với tờ báo Đức Gala là chàng sẽ cưới anh bạn tình David Furnish vì “tôi không thể tưởng tượng được một cuộc sống không có chàng!”

Cũng thuộc loại... người của quần chúng, bên ta có nhà thơ Xuân Diệu. Ông này... ghê từ khuya, giới văn nghệ ai cũng biết. Biết khá rõ là nhà văn Tô Hoài. Trong cuốn hồi ký Cát Bụi Chân Ai, Tô Hoài kể lại: “Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm động.”

Năm 1945, chiến cuộc bùng nổ giữa Pháp và Việt Minh, một số văn nghệ sĩ theo kháng chiến kéo nhau lên rừng. Trong số này có Xuân Diệu và Tô Hoài. Ông Tô Hoài, đẹp như con gái, là một người thành thực. Trong cuốn hồi ký viết năm 1990, ông kể lại rất rõ ràng một đêm ông ngủ với Xuân Diệu tại u tì quốc Yên Dã trong khu kháng chiến. “Giọt gianh lách tách mái nứa gọi về những đêm ma quái, rùng rợn, say đắm. Bàn tay ma ở đâu rờn vào. Không phải. tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm dần lên. Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quít, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, dữ dội dằng ngửa cái xác thịt kia. Rồi như chiêm bao, tôi ngã ra, thống khoái. Im lặng. Nghe mưa rơi xuống tàu lá chuối trong đêm và cái mệt dịu dàng trong mình. Giữa lúc ấy, hai bàn tay mềm như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng như than bò vào mắt, xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn... Cơn sướng lại cồn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau. Rồi bàn tay dịu dàng lại vuốt lên mặt. Lần này thì tôi lử lả, tôi nhuôi ra rên ư ử, như con điếm mê tơi không nhớ nổi người thứ mấy, thứ mấy nữa.”

Tại sao lại... ta với ta? Trời sinh ra như vậy! Thiệt chăng? Các nhà tâm lý, các khoa học gia về sức khỏe tâm thần và tính dục của con người bảo là thiệt. Họ coi hành vi đồng tính là một xu hướng tính dục có tính chất cố định, không phải là sự lựa chọn của cá nhân, được hình thành ngay từ nhỏ do sự tác động qua lại của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, trước cả khi có kinh nghiệm về tính dục.

Năm 1991, bác sĩ Le Vay, thuộc khoa Thần Kinh, Trung Tâm Salk (Hoa Kỳ) đã công bố nghiên cứu giải phẫu một phần não vùng dưới đầu của 41 tử thi đã chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong số 41 tử thi này có 16 người đồng tính luyến ái. Le Vay đã phát giác ra thành phần INH3, một cấu trúc nhỏ được biết đến như một yếu tố điều khiển thái độ tính dục ở động vật có vú, nơi người đồng tính chỉ nhỏ bằng nửa của những người khác.

Hai năm sau, một nhóm nghiên cứu khác do Dean Harner cầm đầu đã tìm ra mối liên hệ giữa gene và chứng đồng tính luyến ái. Họ tìm thấy một điểm đặc biệt trên nhánh dài của của nhiễm sắc thể X, được truyền từ mẹ sang con và thường gặp ở những người đồng tính luyến ái.

Mười năm sau, vào tháng 4/2003, một nhóm nghiên cứu khác của Mỹ đã tìm ra sự liên quan giữa đặc điểm của bàn tay nam giới với thái độ tính dục. Thông thường, do tác động của hormone sinh dục nam, đàn ông có ngón tay trỏ ngắn hơn ngón tay đeo nhẫn. Vậy mà đặc điểm này cũng xuất hiện nơi những phụ nữ đồng tính.

Ba cuộc nghiên cứu riêng biệt về giải phẫu, gene và nội tiết đều đưa ra kết quả xác minh là việc ta chỉ chơi với ta là... số trời! Con người, xã hội hay môi trường sống đều... vô can.

Ta, dĩ nhiên, hoan hô cái kết quả này cái rụp. Đó, tôi dzậy là tại trời sinh ra dzậy! Tôi có lỗi gì đâu! Tôi cứ cờ ngũ sắc diễn hành ào ào từ thành phố này đến thành phố khác, xuyên quốc gia, xuyên đại dương.
Nhưng nhiều người vẫn chưa chịu coi ông trời là tác giả của các tác phẩm thuộc loại... thiểu số này. Họ lý luận rằng những cuộc nghiên cứu khoa học kể trên mới thực hiện trên một số ít người nên chưa chính xác lắm. Chống đối nhiệt thành hơn cả là các nhà tâm lý. Họ vẫn cho là hiện tượng ta với ta là một hiện tượng tâm lý thuần túy.

Cả hai phe đều... đúng. Mỗi bên đúng một cách. Tại sao lại... ba phải như vậy? Này nhé, những người cứ ao nhà mà... bơi là những người hoàn toàn khỏe mạnh, chũm thì cũng có chũm, chọe thì cũng có chọe như ai, phần lớn có khả năng hoạt động tính dục bình thường và có thể sanh sản bình thường, họ cũng ưa thích làm việc, yêu quí người thân, nuôi dậy con cái như những bậc cha mẹ tốt. Nếu bị hoàn cảnh hay gia đình ép buộc, họ cũng có thể lấy vợ lấy chồng bình thường, có con có cái như mọi người. Ông Thống Đốc McGreevey đã chẳng có hai vợ, hai con đó sao? Tóm lại, người đồng tính luyến ái là một người hoàn toàn bình thường về mặt thể xác, cái lệch lạc nằm ở trong đầu họ. Khi một thanh niên bình thường đến tuổi dậy thì, hình ảnh “đối tượng” trong đầu anh luôn luôn là một thiếu nữ, cho dù sau đó anh có đi tu hay là đến chết vẫn còn chưa biết đàn bà là gì. Cũng vậy, một phụ nữ, dù cả đời không biết đến đàn ông nhưng hình ảnh “đối tượng” trong đầu vẫn là một người khác phái. Ở người... ghê, hình ảnh đối tượng lại là người cùng phái. Và đây là một hình thức bản năng nên không có cách nào sửa đổi được!

Số người chỉ thích những người giống mình này không nhiều. Khoảng 5% dân số trên toàn thế giới. Ở Âu Châu khoảng 2%. Ở Á Châu còn ít hơn nữa. Ở Việt Nam số người đồng tính gây ra nhiều chuyện rất ồn ào trong những năm gần đây. Thấy ồn ào tưởng là nhiều lắm nhưng trên thực tế người ta ước đoán chỉ có độ 1% tức khoảng 500 ngàn người. Đó là con số những người thực sự đồng tính. Như Xuân Diệu chẳng hạn. Chàng đã tìm cách tò ti với hết người này tới người khác. Hung hăng đến nỗi, cứ tối đến, trong cơ quan, những anh trai tráng dù trắng trẻo mũm mĩm hay cao lớn to khỏe đều lỉnh đi ngủ ở những chỗ khác hết. Chuyện đã ầm ĩ như vậy nên Xuân Diệu đã có lần bị đưa ra kiểm điểm. Tô Hoài kể lại: “Xuân Diệu chỉ ngồi khóc, chẳng biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm Bình, thằng Đại và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, nhưng cũng không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, chính mính cũng điên kia mà. Không nói cụ thể việc ấy, nhưng ai cũng to tiếng gay gắt “tư tưởng tư sản, phải chừa đi”. Xuân Diệu nức nở “tình trai của tôi... tình trai...” rồi nghẹn lời, nước mắt lại ứa ra”. Cái loại người như Tô Hoài, chỉ đôi lúc “rồ lên” không phải là... thứ thiệt. Đó là thứ giả. Gặp hoàn cảnh thì... sướng theo. Thế thôi. Hoặc có những trường hợp giả vờ đồng tính vì lý do... kinh tế!

Người đồng tính thì không nhiều nhưng gây ồn ào thì quá đáng. Nước này chấp nhận, nước kia không chấp nhận, tiểu bang này OK, tiểu bang khác lắc đầu quầy quậy. Tại San Francisco, thủ đô của giới đồng tính, có ông Thị Trưởng chịu chơi Gavin Newson đã chấp nhận hôn nhân đồng tính khá sớm, đã có gần 4000 cặp tới tuyên thề I do và lãnh giấy hôn thú, nhưng những tấm giấy quý hóa này bỗng chốc thành...giấy lộn khi Toà Án Tối Cao California tuyên xử hủy bỏ.

Tại sao chuyện lại trở nên ầm ĩ quá đáng như vậy? Bởi vì chỉ cho tới đầu thế kỷ này, dư luận mới cởi mở hơn, cái kim trong bọc mới nhú được ra ngoài, châm chích chút xíu mà cũng... máu nhuộm bãi Thượng Hải ra gì. Từ trước đến nay, xã hội nhìn hiện tượng đồng tính dưới con mắt nghiệt ngã của đạo đức và tôn giáo. Cái gì trái với tự nhiên đều...no good! Ngày nay cái lăng kính đạo đức và tôn giáo đã phải nhường chỗ cho cái lăng kính thực tế. Hiện tượng này có đó. Chấp nhận hay không chấp nhận nó cũng cứ là một thực thể lù lù trước mắt. Cái thực thể này không có hại cho cộng đồng vì không lây lan, không đe dọa đến sự tồn tại của giống loài vì những người đồng tính chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Có hại hay không có hại cho giống loài có lẽ sẽ là cốt lõi của vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận. Nhận thức như vậy nên nhiều quốc gia đã đặt hành vi tính dục đồng giới dưới sự bảo vệ của pháp luật vì đó chỉ là một biểu hiện tính dục tuy khác thường nhưng cần được bình đẳng về mọi mặt như những công dân khác.

Trên bình diện xã hội thì như vậy, trong cuộc sống hàng ngày còn lổn nhổn nhiều lấn cấn. Bạn của con tôi, một thanh niên đẹp trai, đàn dương cầm rất có hồn, tâm tính rất nghệ sĩ, một hôm bỗng thú nhận với cha mẹ là... ghê. Cha mẹ thiếu điều muốn ngã xỉu. Cuộc sống trong gia đình từ đó khác đi, cho tới ngày đứa con ngoan đành đoạn... đi giang hồ! Trong chỗ tôi làm có một thanh niên gốc Hy Lạp, chỉ nhìn cái dáng đi nhún nhẩy, cái õng ẹo trong cử chỉ, ai cũng biết là... không bình thường. Vậy là, sau lưng anh, mọi người thoải mái nhái dáng đi, nhái cách ăn nói, nhái những cử chỉ ẻo lả rồi cười với nhau như một trò giải trí thú vị.

Fadi Fadel là một công dân Canada gốc Syrie, năm nay 33 tuổi, nhân viên xã hội đã phục vụ trên nhiều quốc gia. Ngày 7 tháng 4 vừa qua, trong khi đang làm nhân viên cho Cơ Quan Cứu Trợ International Rescue Committee tại An Najaf, Iraq thì anh bị một nhóm khủng bố bắt cóc. Chúng hành hạ anh đủ cách: đánh đập bằng ống cao su, dùng thuốc lá đốt khắp người, dùng gậy đánh vào lòng bàn chân... Nhờ chính phủ Canada thương thuyết điều đình, anh được thả  10 ngày sau đó. Ngày 20 tháng 4, anh trở về Montréal được đón tiếp như một anh hùng. Những nhân vật danh tiếng gửi hoa, điện thoại và hứa hẹn nhiều điều với anh. Đúng một tháng sau, anh trả lời một cuộc phỏng vấn  trên nguyệt san Fugues, một nguyệt san của những người đồng tính tại Montréal. Lúc đó mọi người mới biết anh là  dân đồng tính. Mọi sự thay đổi ngay lập tức. Người ta xa lánh anh. Không ai muốn dây dưa với một người đã có một... nhãn hiệu. “Vừa mới được coi như một anh hùng, rồi bỗng chốc mọi người không muốn nói chuyện với tôi. Tình huống hai mặt này làm tôi rất khó chịu. Tôi vẫn là tôi, nhưng mọi người không chấp nhận tôi.”

Chuyện của anh Fadi Fadel vừa xảy ra, trong một đất nước tân tiến vào bậc nhất thế giới, còn tươi rói. Cứ thử tưởng tượng vào thời gian hơn sáu thập niên trước, chính xác ra là vào năm 1938, trong một nước Việt Nam còn rất... lễ nghĩa, Xuân Diệu đã cho xuất bản tập Thơ Thơ trong đó có bài Tình Trai, một bài thơ không giấu giếm cái khuynh hướng tình dục còn bị coi là cấm kỵ và... ghê tởm vào thời đó, chúng ta mới có thể thấy cái sức nặng của búa rìu dư luận nặng nề tới mức nào! Thật là một thiếu sót nếu... làm lơ với bản “tuyên ngôn” rất thơ này.

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,
Say thơ xa lạ, mê tình bạn,
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen

Những bước song song xéo dặm trường,
Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương,
Họ đi, tay yếu trong tay mạnh,
Nghe hát ân tình giữa gió sương.

Kể chi chuyện trước với ngày sau;
Quên ngó môi son với áo màu,
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.

10/2004