Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

VỀ

 

Vào cuộc tung hoành không biết mỏi
Ra đi thanh thản tựa như về.

Nhà văn Mặc Thu về vào năm nguyên sơ của thế kỷ 21. Trước khi về, ông đã để lại hai câu thơ trên.

Những người sáng tác thường chiêm nghiệm bước về từ trước. Lối về thường rất thanh thản. Hình như sống đã đầy đủ, về chẳng còn là tiếc nuối. Có đi ắt phải có về. Huống chi đã sống cả đời mình, đã thương vay khóc mướn, đã nhập đồng vào biết bao cuộc sống khác. Thời gian chỉ có một nhưng cuộc sống có trăm có ngàn vai khác nhau. Lời lãi đã đầy túi. Có về, còn dùng dằng chi mà không dấn bước.

Về, như nhà văn Tam Ích, chồng một chồng sách, trèo lên sách, giẫm trên sách, đút đầu vào sợi giây thòng lọng treo trên trần nhà, chân đạp đổ chồng sách, người lửng lơ, cổ đón vòng xiết của giây trên đường về.

Về, như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, tung hê hết chuyện đời, lái xe vào sân chùa, cất bước về trong cô đơn, giữa tiếng mõ tiếng kinh.
Về, như văn hào Nhất Linh, bình tĩnh xếp đặt xong xuôi mọi chuyện, cô đơn nuốt những viên thuốc giã từ, về trong bất khuất: Đời tôi để lịch sử xử...

Những người viết trên đã chọn lối về, chọn thời điểm về. Họ định được tử điểm.

Điểm cuối đường sương, điểm hiện dần
Hiện cùng điểm mất ở vong thân
Đáy xe, tử điểm vô hình tướng
Chết rũ theo người ở dưới chân
(Mai Thảo)

Cái ung dung tự tại của những người viết đó không phải ai cũng có được. Ngày về thường vẫn là mối lo canh cánh của những người đã có... vé máy bay. Vé cầm trong tay nhưng bước lên máy bay bằng cách nào? Hành trang cuối nghe chừng như vẫn nặng nề. Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đại Học Pittsburgh vừa công bố kết quả của một cuộc thăm dò theo đó thì người Mỹ “bằng lòng cắt ngắn bớt thời gian sống trên đời một chút để đổi lấy một cái chết thanh thản nhẹ nhàng”. 75% dân Mỹ đã nghĩ như vậy. Theo bài viết của giáo sư Cindy Bryce phổ biến trên đặc san Medical Care thì “chúng tôi thấy người ta quan tâm rất nhiều đến kinh nghiệm chết. Trung bình những người được phỏng vấn cho biết họ sẵn sàng đánh đổi 7 tháng sống khỏe mạnh trong cuộc đời để tháng cuối cùng trong cuộc sống được sống tốt đẹp hơn”.

Lo tới cách chết sao cho yên lành thanh thản, tránh được những đau đớn dầy vò xác phàm trước giờ... về, đã đủ chưa? Ông chú tôi bảo đủ rồi. Bà thím tôi tính tới chuyện dành dụm tiền để lo hậu sự, ông ngửa tay bảo đưa cho ông trước ông tiêu cho sướng. Lúc nằm xuống thì sao? Lúc đó, nằm phè ra, ai muốn vứt đi đâu thì vứt! Who cares?
Mấy ông sống bám vào cái thứ... vứt đi đó, dĩ nhiên, nói khác. Như ông Paul Delaney, một “cố vấn cho tiền-nhu-cầu” của công ty nhà quàn và nghĩa địa Mont Royal Commemorative Services ở Montréal đã khuyên người ta nên sắp đặt trước đám tang của mình. Làm như vậy có lợi ba bốn bề! Thứ nhất, thường thì con cái hay người trong gia đình không ở chung trong một thành phố với người quá cố, nhận được tin buồn, lòng dạ rối bời, phải lo chuyện ma chay trong một thành phố lạ trong một thời gian gấp rút, lao đao lắm. Thứ hai, thân nhân thường hoang mang không biết người chết muốn... diễn hành lần cuối ra sao. Có muốn khách khứa thấy mặt hay không? Muốn chôn hay muốn thiêu? Nếu có chúc thư dặn dò thì nhiều khi trong lúc tang gia bối rối, chúc thư chỉ được mở ra khi mọi việc đã xong xuôi. Như vậy, làm đám mà cứ phân vân chẳng biết mình làm như vậy có đúng ý người ra đi không. Chi bằng, theo ông Paul, muốn gì mình cứ tính trước cho chắc ăn. Ai ăn? Nhà đòn ăn là cái chắc! Cái gì cũng có... giá biểu. Chết cũng có giá của nó. Quan tài giá từ 2500 tới 7500 đô, thiêu giá từ 3000 đến 5000 đô, mộ bia giá từ 1500 đến 3000 đô (dân ta muốn đá hồng ngọc, khắc hình rồng hình phượng, bỏ rẻ cũng 5000 đô), mộ giá từ 1500 đến 3900 đô. Đó là giá tính bằng tiền Canada, dân Mỹ chết rẻ hơn!

Vẫn ông Paul Delaney gạ gẫm. Cái gì cũng vậy, cứ xếp đặt trước, rẻ hơn. Này nhé, trong lúc thương tiếc người thân vừa ra đi, thân nhân của chúng ta thường có khuynh hướng cái gì cũng chọn hạng nhất. Tốn tiền! Bây giờ, lo trước, đầu óc bình tĩnh, suy tính kỹ càng, tránh được những số tiền bốc đồng. Còn nữa, xếp đặt trước mọi thứ ngay lúc này, giá cả là giá cả lúc này, mai mốt vật giá gia tăng, tốn hơn! Đã đỡ tốn, lại còn tiện hơn, bởi vì các công ty nhà quàn và nghĩa địa thường có chương trình trả góp, trả trước, chết sau. Mỗi tháng một chút, đỡ cho cái túi tiền hơn là vội vàng góp nhặt trả ngay một lúc. Chết như vậy, sướng hơn!

Về, có nhiều lối, lối thông thường nhất là kiếm một cái bệnh để có cớ mà về. Đó là về lối... cổ điển, thường không gây tiếng vang, không được... lên báo. Có lên báo họa chăng là ở những mục Cáo Phó, Chia Buồn, Phân Ưu. Về như vậy, thường! Các danh nhân, đầu óc thông minh hơn nên bầy ra được nhiều lối về... ngoạn mục hơn.

Francis Bacon, triết gia Anh nổi tiếng nhất thế kỷ 16, lại còn là một nhân vật đa tài đã từng làm nghị viên, nhà văn, nhà khoa học, đã dùng tuyết mà về. Một buổi chiều năm  1625, một trận bão tuyết lớn gầm thét bên ngoài nhà ông. Ngồi ngắm tuyết ông nảy ra ý tưởng dùng tuyết để bảo quản thực phẩm. Nghĩ là làm, ông bắt một con gà, làm thịt và mặc trời lạnh giá, ông đứng nhồi tuyết vào con gà để làm lạnh. Gà thì không biết có lạnh không, nhưng ông thì lạnh cứng tới thăng luôn!

Jean Baptiste Lully, nhạc sĩ cung đình nổi tiếng, chuyên viết các vở nhạc kịch trình diễn trong hoàng cung nước Pháp. Ông này chết vì... nhạc. Một bữa, trong khi tập luyện cùng ban nhạc, ông say sưa múa chiếc gậy nhạc trưởng, và chiếc gậy tài hoa đã xuyên vào chân ông. Vết thương bị nhiễm trùng đưa ông về trời mấy ngày sau đó!

Horace Wells, nhà nghiên cứu tiên phong về việc sử dụng thuốc gây mê vào giữa thế kỷ 18, trong khi làm thí nghiệm với các loại khí khác nhau để tìm ra loại thuốc mê có hiệu quả nhất, ông đã nghiện chất chloroform. Năm 1848, ông bị bắt giữ vì đã dùng bình xịt phun acid sulfuric vào hai phụ nữ. Trong một lá thư viết từ trong ngục, ông cho rằng chất chloroform đã khiến ông hành động như vậy vì ông bị ảo giác trước khi tấn công các nạn nhân. Bốn ngày sau, ông đã tự gây mê bằng chất chloroform trước khi dùng dao cạo cắt động mạch đùi tự tử!

Ba danh nhân trên tử vì... nghiệp. Cũng được đi! Hai danh nhân sau tử vì... ăn uống, một lối về rất trần tục và được người đời tặng một tiếng cười.

Nhà thiên văn học nổi tiếng ở thế kỷ 16, người Đan Mạch, ông Tycho Brahe, được coi là người đặt nền tảng cho thuyết “Vạn vật hấp dẫn” của Newton sau này. Trong thời đại của ông, việc rời bàn tiệc trước khi bữa ăn kết thúc được xem là một điều sỉ nhục đối với chủ nhà. Ông Brahe, vốn là bạn thân với ông Lưu Linh, bữa đó đã gần xỉn mới tới dự tiệc. Nhập tiệc, ông vẫn cứ tì tì uống thêm. Nhiều người tới chúc mừng ông bằng cách cạn ly, ông cũng lịch sự... cạn. Rượu óc ách trong bụng, đứng lên đi xả thì vô phép với chủ nhà, ông cứ ngồi chịu trận cho tới khi bàng quang chịu không nổi đã bục ra. Về!

Attila, chắc nhiều bạn rành sử... quen ông này. Ông đã dẫn dắt đạo quân Hung Nô thiện chiến đánh chiếm hầu hết châu Á vào năm 450 sau Công Nguyên. Năm 453, ông cưới một thiếu nữ tên là Ildico. Tướng quân ngầu như vậy nhưng ông ăn uống rất ít. Tuy nhiên, quá vui trong ngày cưới, ông... xả láng. Ăn uống như hùm beo. Tối hôm đó, ông bị chảy máu cam nhưng say quá không biết gì và ông đã bị ngộp chết trong máu của chính mình!

Danh nhân Aeschylus, kịch tác gia nổi tiếng của Hy Lạp thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, và được coi là cha đẻ của bi kịch Hy Lạp, có một lối về rất... nghi vấn. Không hiểu ông chết vì đầu không có tóc hay chết vì đôi mắt kèm nhèm của con chim đại bàng? Chuyện như thế này. Đại bàng khi bắt được một con rùa, muốn ăn thịt , phải đập vỡ mai rùa. Đập bằng cách nào? Nó tìm một hòn đá cứng, bay trên cao, thả con rùa xuống đập vỡ chiếc mai trên tảng đá. Bữa đó, kịch tác gia đang đứng ngoài trời, một chú đại bàng cặp một con rùa bay trên cao, nhìn thấy cái đầu hói cũa Aeschylus ở phía dưới, tưởng là một hòn đá, thả ngay chú rùa xuống mục tiêu. Kịch tác gia bị bể đầu. Màn sân khấu đóng lại, vĩnh viễn!  

Lối về này coi bộ... vui. Nó là một màn kịch vừa bi vừa hài của nhà viết kịch. Nhưng về cũng vui vậy. Đó là một lối thoát khỏi cuộc đời ô trọc này. Khi nhà văn kiêm nhà giáo Nguyễn Duy Diễn về, bạn của ông, nhà thơ Nguyên Sa, đã...reo mừng.

Diễn đã chết, Diễn đã chết
Chúng tôi nhảy múa hò reo
(...) Thế là nó thoát, thế là nó thoát
Cuồng lưu dằn vặt đã trôi qua
Khỏi phải nghĩ, khỏi lo âu, sợ hãi
Sự thật có phải bao giờ cũng tối như đêm
Tình ái có phải suốt đời là canh bạc lận
Lịch sử, rút lại, có phải là thằng mù sờ soạng?

Nhà văn Dương Hùng Cường, cũng một cây phiếm dưới bút danh Dê Húc Càn, chắc đã thật sự thoát. Sống trong tù, cái được khoác mỹ danh Trại Học Tập Cải tạo, thì sống với chết có khác gì nhau. Cho xong một kiếp người. Chắc chẳng có lối về nào lại... vui như vậy! Nhà văn Nguyễn Thụy Long, trong Hồi Ức 40 Năm Làm Báo, đã nhắc tới lối về cô đơn, thật sự cô đơn, của nhà văn Dương Hùng Cường.

Nhiều năm sau khi nhà văn Hoàng Hải Thủy ở tù về, gặp lại nhau, tôi hỏi Hoàng Hải Thủy về cái chết của Dương Hùng Cường, vì anh ở chung nhà tù với Cường. Anh Thủy cho biết, ngày Dương Hùng Cường chết không còn giam chung với anh, Cường bị chuyển qua một phòng giam khác, như phòng biệt giam C5, không được tiếp xúc với ai. Anh chết lúc nào đó vào ban đêm, sáng người ta khám phá ra anh đã qua đời, nằm vắt vẻo nửa trên nửa dưới sạp nằm có thể vì kiệt sức. Cái chết của anh bây giờ chưa rõ, Hồ Nam thì nói anh bị rắn cắn ban đêm, người thì nói anh bị gió độc thổi chết. Có những điều tôi không hỏi bạn rằng Dương Hùng Cường chết mở mắt hay nhắm mắt như đi vào giấc ngủ bình yên, ai là người vuốt mắt cho Cường nếu anh mở mắt trừng trừng. Chắc chắn anh Hoàng Hải Thủy cũng như Hồ Nam không biết vì các anh không ở chung với bạn giây phút cuối cùng. Có người khác nói, không phải giới văn nghệ, rằng xác anh bầm tím bị lôi ra khỏi biệt giam đặt ở gốc cây.”

Chết như Dương Hùng Cường hình như không đi vào cõi chết. Bởi vì sống trong hành hạ, tủi nhục, man rợ trong cách đối xử giữa người với người thì còn quá cái chết. Chết trong túng quẫn như  cái chết của nhà thơ Tản Đà lại là một lối về truân chuyên khác. Trong bài Chén Rượu Vĩnh Biệt, Nguyễn Tuân đã xót xa cho nhà thơ núi Tản sông Đà.

“Lúc tôi vào nhà 71 Cầu Mới, lòng tôi thắt lại. Ông Tản Đà còn hấp hối và đang thở hắt ra. Cứ đều đều, cứ nhẹ thế cho tới hơi thở cuối cùng. Hai môi mím khít lại, ông Tản Đà có nét mặt dăn dúm của một người chết khó khăn. Phải, chung thân làm một người bất đắc chí, sống đã chẳng được toại lòng, người nằm sóng sượt đây khó mà đi cho nó nhẹ nhõm được. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi lạnh. Ở đầu giường bệnh, vẫn bên chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo. Tập di cảo! Trời! Và lẻ loi ở góc bàn vẫn cái hũ rượu cáp-giới ngày nọ. Tất cả, chỉ có thế thôi, với một đoàn thê tử yếu và đuối!”

Rũ áo ra đi, bạn tôi, nhà thơ, nhà báo Y Dịch Lê Đình Điểu có cái phong thái thật ung dung. Cả một đời 60 năm, Điểu loay hoay làm hết chuyện nọ tới chuyện kia, không lúc nào hết... sáng kiến. Biết mình bị bệnh nan y, anh vẫn không ngưng nghỉ làm việc. Anh còn làm thêm một việc khác rất dễ thương là thỉnh thoảng... phát hành một bức thư chung gửi bạn bè thông báo tình hình bệnh tật của mình một cách rất...nghề nghiệp. Trong một bức thư gửi sau khi giải phẫu, Điểu viết: “Hôm 11 tháng 5 bác sĩ đã cho rút cái vòi voi (để hút nước từ bao tử ra ), cũng có nghĩa là cuộc giải phẫu đã thành công: khúc ruột bị cancer không cắt đi được vì cái tumor quá lớn, đụng tới đại tĩnh mạch, phải để anh ấy ở yên chỗ cũ, cắt một khúc ruột khác nối lên bao tử, mở một con đường mới cho hệ thống tiêu hóa. Giai đoạn tới sẽ dùng radiationchemotherapy trị khúc cancer. “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!”. Nhưng chuyện khó còn làm được huống chi chuyện... khó hơn(!) phải không các bạn?... Các bác sĩ và y tá ở đây cũng lấy làm lạ là tại sao tôi có vẻ như người không có bệnh! Họ thấy tôi ngồi nghe nhạc classic, viết thư hoặc nhìn ra cửa sổ ngắm cảnh (tuy cảnh chẳng có gì để ngắm), cứ như một du khách đang ở khách sạn, họ ngạc nhiên. Có cô y tá đã hỏi bà Dung: “Ông ấy không biết ông ấy bị bệnh cancer à?” Bà Dung bảo: “Ông ấy biết chứ.” Quả thật hôm nghe bác sĩ thông báo kết quả thử nghiệm “positive” (tức là có cancer), tôi cũng hơi choáng một chút. Nhưng nghĩ cho cùng, năm nay tôi 60 tuổi (ta) rồi, vừa tròn một hoa giáp, cũng đủ cho một đời người. Nếu phải “ra đi” thì cứ thản nhiên lên đường thôi.”

Thư đề ngày 15 tháng 5 năm 1998, một năm sau, ngày 24 tháng 5 năm 1999, năm cuối của thế kỷ, Điểu... về. Rất thanh thản. Như bỏ một cuộc chơi.

Mắt đã từ lâu mù dáng người
Tai đã từ bao lạc tiếng đời
Đứng lên gửi lại lời xin lỗi
Của kẻ ra về giữa cuộc chơi.
(Mai Thảo)

09/2004