Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

ĐỔI

 

Không biết đã có ai coi phim Normal (Bình Thường) chưa nhỉ? Có gì lạ không? Tên phim thật… bình thường nhưng nó đề cập tới một chuyện không bình thường. Nhân vật chính tên Roy, do Tom Wilkinson đóng, là một người bình thường, có vợ, hai con, một trai một gái. Vợ chồng sống với nhau êm đẹp trong 25 năm. Bỗng  anh chàng Roy đòi quyền sống! Ai không cho anh chàng này sống? Chính là cái bản tính nữ của anh. Vợ con đề huề như vậy trong suốt một phần tư thế kỷ, anh chàng vẫn sống giả. Anh không phải là anh mà là… chị. Anh đổi giống! Xã hội chung quanh anh phản ứng kịch liệt. Từ nhà máy nơi anh làm việc đến nhà thờ Tin Lành nơi anh vẫn dự lễ hàng tuần, chỗ nào cũng bất bình cho anh… nghỉ chơi. Nhưng trong cái tổ ấm 25 năm của anh mới… tiêu điều lá liễu. Vợ anh, chị Irma, do nữ tài tử Jessica Lange đóng, vốn tận tụy yêu thương chồng, nay cứ băn khoăn không biết mình đã làm gì nên nỗi khiến  chồng phải… cải giống! Mẹ anh cứ ngơ ngẩn không tin là mình đã đẻ ra một “bé gái”! Con trai lớn của anh không thể chấp nhận chuyện mình có tới… hai bà mẹ. Chỉ có cô gái út tỏ ra thông cảm với cha vì chính cô cũng là một tomboy, một cô gái lẽ ra phải là con trai! Và ông bố anh Roy bây giờ mới nhớ lại là hồi nhỏ đã đánh con mấy trận vì tội… mặc váy đầm của chị! Nữ đạo diễn kiêm soạn giả kịch bản phim Jane Anderson chỉ cho nhân vật Roy đổi giống và sau đó, cho vợ của Roy sát cánh làm bạn với chồng cũ khi ông từ “Ong Roy” trở thành “Bà Ruth”. Những vấn đề còn lại, đạo diễn đã khôn khéo lơ đi không đề cập tới.

Chuyện tưởng chỉ có trong phim đã có thật ngoài đời. Anh Lesley Morgan, ngụ tại Windsor, tỉnh bang Ontario, Canada, đã trở thành đàn bà hai năm trước đây. Anh làm việc trong một hãng sản xuất phụ tùng xe hơi và sự đổi giống của anh gây nên một tình trạng dở khóc dở cười cho các đồng nghiệp. Anh chàng đồng sự 48 tuổi của họ bỗng trở thành nữ nhi. Phiền quá đi chứ! Tháng giêng năm 2005 vừa qua, hãng đã phải làm riêng cho “chị” một nhà vệ sinh riêng vì chị không thể dùng nhà vệ sinh nữ cũng như nam. Lập tức nhà vệ sinh… chẳng nam mà cũng chẳng nữ của chị bị viết những câu chế giễu vung vít trên tường. Chiến tranh… hận thù leo thang bằng những bãi nước tiểu lềnh khênh khắp phòng vệ sinh, vương vất lên cả bàn cầu. Rồi những phụ tùng trong dây chuyền làm việc khi đến tay chị có đính kèm theo những mẩu giấy chế nhạo. Tới 9 giờ tối ngày 20 tháng ba vừa qua, giọt nước cuối cùng đã làm sụp đổ sự chịu đựng của chị. Một cú điện thoại gọi đến nhà riêng của chị đã đe dọa tính mạng chị. Chị đi trình cảnh sát, xin nghỉ việc, đầu hàng một cách vô điều kiện. Một người đàn bà không… nguyên thủy mà do những chuyên gia ở Thái Lan tạo ra sau một ca phẫu thuật kéo dài 9 tiếng đồng hồ sau 8 năm trị liệu bằng hormone, đã không được quyền làm… đàn bà!

Đàn bà hồi hai như chị Morgan ở Canada coi bộ nhụt chí khí hơn dân đổi giống Việt Nam ta. Dân ta hằng anh dũng, dân ta vẫn oai hùng… là nhạc hiệu của giòng giống ông-thành-bà ở Sài Gòn. Chuyên viên trang điểm Nguyễn Thái Tài, chủ tiệm trang điểm cô dâu Thái Tài tại đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, vừa hiên ngang đi Thái Lan cắt giống từ phồng sang tẹt được báo chí tìm tới phỏng vấn đã dõng dạc yêu cầu cứ đưa tên thật của chị lên báo, không viết tắt viết tiếc lôi thôi chi cả. Báo hỏi gì Thái Tài cứ… vô tư trả lời tuốt tuồn tuột. Chị cho biết ngay từ nhỏ chị đã cảm nhận chị là nữ chứ không phải là nam. Tạo hóa coi bộ nhầm lẫn gì đây khi dựng nên cái thân thể… việt vị của chị. Đến năm 20 tuổi được mẹ hỏi sao ngần này tuổi mà chưa bao giờ thấy con có bạn gái, Thái Tài không ngần ngại nói với mẹ; “Con là con gái chứ không phải con trai, chắc là sai sót của bà mụ khi sinh con ra”. Bà mẹ khóc khi nghe thấy con nói ra sự thực. Nhưng cũng chính bà mẹ đau khổ này đã vì lòng thương con mà trở thành nguồn an ủi, thông cảm cho anh khi anh quyết định đi Thái Lan thực hiện phẫu thuật đổi giống.

Theo Thái Tài cho biết thì đổi giống không phải là leo lên bàn mổ là đực rựa, bước xuống là nữ nhi đâu. Sự đời đâu có nhấp nháy như vậy! Tại bệnh viện Yanhee, một trong những bệnh viện Thái Lan nổi tiếng nhất trong việc… cắt ráp, bệnh nhân gặp rất nhiều thử thách. Trước hết là trắc nghiệm tâm lý để xác nhận có đúng con tạo đã lơ đễnh trong việc tạo dựng nên cái thân xác bờ Nam bờ Bắc này không. Sau đó là hàng loạt xét nghiệm và đo các chỉ số về hormonegen. Khi có kết quả chắc chắn, lúc đó họ mới bắt đầu chu trình bằng cách tiêm hormone nữ mỗi tuần một lần trong vòng từ hai đến ba tháng rồi cho bệnh nhân về Việt nam uống thuốc bổ sung đều đặn mỗi đêm trong sáu tháng. Trong suốt thời gian này, cơ thể Thái Tài phản ứng dữ dội, tính tình dễ xúc động, hay bị choáng váng, nhưng cái cảm giác cơ thể mình là nữ ngày càng được định hình hơn. Phải mất hai năm đi về giữa Thái Lan và Việt Nam và trải qua bốn lần phẫu thuật lớn, tốn hết 30 ngàn đô Mỹ, con người mới sửa lại được sự sai sót của bà mụ đãng trí! Khoa học đã biến chàng thành nàng nhưng luật pháp vẫn cứ rề rề chậm tiến. Trên phương diện pháp lý, Nguyễn Thái Tài vẫn cứ là me-sừ! Thế nên chị Thái Tài lúc nào cũng… bất hợp pháp. Chị than thở: “Mỗi khi đi chứng giấy tờ người ta không thể tin người đứng tên trên giấy tờ là tôi!”. Thành ra tất cả của cải, bất động sản là của “ông” Thái Tài, mà trên đời này làm gì có một đấng mày râu tên Thái Tài nữa. Thế mới rắc rối cái lá đa tự phát! Chưa hết! Chị Thái Tài này chẳng… tài nào lấy chồng được trên phương diện luật pháp. Thế nên tuy đã chung sống với một ông chồng hờ từ 5 năm nay, cuộc tình rắc rối này cũng đã phải hạ màn cái rụp!

Luật pháp không cho người đổi giống lấy chồng nhưng khoa học có hoàn mỹ đến độ tu bổ lại được một người đàn bà hoàn chỉnh có thể làm đầy đủ được việc phòng the của một người đàn bà không? Muốn biết cho tường tận, chúng ta lại phải nín thở theo dõi  anh Việt kiều Zoni.

Zoni là một Việt Kiều 40 tuổi nhưng vẫn phòng không gối chiếc. Về nước anh gặp được cô gái rất đẹp, rất dễ thương tên Thúy Lan ở quận 4, Saigon. Anh đem lòng yêu người con gái mà anh tin chắc là con nhà lành này, bởi vì tuy quen nhau đã hơn một năm mà nàng vẫn giữ gìn cái ngàn vàng, chưa cho anh. Để giữ người đẹp, anh không ngại ngần móc hầu bao thuê hẳn cho nàng một ngôi nhà mặt tiền ở quận 1, trả tiền thuê trước 5 năm, sắm xe xịn và trang bị tổ ấm tương lai đầy đủ tiện nghi. Đến ngày động phòng, người đẹp mới thủ thỉ rất dễ thương: “Em không thể chăn gối với anh được vì em nguyên là con trai. Mọi thứ của em là nhân tạo, chỉ để làm kiểng thôi!” Anh Zoni không phải là nhà… chơi kiểng nên anh chỉ còn biết kêu trời! Hóa ra chuyện… vượt tuyến chỉ là chuyện vòng ngoài. Vòng trong: cho em xin lỗi!

Bà Olivia Jenson, Giáo sư  địa-vật-lý tại Đại Học tại Đại Học McGill, nguyên cũng là một mày râu chuyển hệ vào năm 1993, đã có kinh nghiệm về các bước cần thiết để nhảy qua phía đối lập. Trước hết phải thiến bịch tinh hoàn và phần lớn… súng. Lộn phần da súng vào trong để cho thành… vực sâu. Độn gò bồng đảo, tỉa bớt khí quản để làm giảm bớt sụn ở phần cổ. Đó là phần cơ bản. Tân trang phần mặt tiền gồm làm môi, xẻ cằm, làm mũi, làm da. Có người đã tốn khá nhiều tiền để mua kem dưỡng da thoa lên toàn thân để tạo nên làn da mịn màng của phụ nữ. Lại còn cái vụ phát ngôn nữa. Dễ gì mà õng ẹo cho ra người đẹp! Đó là chưa kể việc phải bơm hormone nữ vào trong suốt cuộc đời.

Làm đàn bà kể ra cũng lắm công phu. Mà không được làm đàn bà thì ấm ức chi đâu. Ấm ức đến… 73 năm! Đó là trường hợp ông Lưu Dương Dương, cán bộ nghỉ hưu tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ngay từ năm lên 6 tuổi, ông Lưu đã cảm thấy mình như con gái, thích mặc quần áo của các chị và chỉ thích chơi với bạn gái. Ông là con trai duy nhất trong một gia đình có tới năm chị em gái nên cha mẹ bắt lấy vợ sớm để suya là có cháu nối dõi tông đường. Năm 1955, bị cha mẹ ép quá, ông đành phải cưới vợ và sanh được hai con gái. Vợ chồng sống rất hòa thuận nhưng nội tâm thì rất đau khổ. Ông định ly dị nhiều lần nhưng vợ không chịu vì sợ khổ cho con và e ngại miệng tiếng người đời. Năm ngoái, vợ ông qua đời vì bệnh ung thư. Trước khi chết, bà căn dặn người trong gia đình là khi bà chết hãy để cho ông chuyển đổi giới tính để sống cuộc sống theo đúng ý ông trong lúc tuổi già. Ngày 16 tháng 3 vừa qua, ông đã chịu phẫu thuật để biến thành dì Lưu. Nay dì rất vui sướng, đi du sơn ngoạn cảnh thoải mái!

Thoải mái thật! Ngày nay, tại các nước khắt khe như Ba Tư chẳng hạn, người ta không thể ngờ là việc biến bà thành ông, biến ông thành bà cũng khá phổ biến. Theo Bác sĩ Bahma Digrarili của phòng xét nghiệm Manvihkia tại thủ đô Teheran thì dư luận tại quốc gia Hồi Giáo này đã ngầm thừa nhận việc đổi giống. Phòng mạch của ông ngày nào cũng có hàng chục người đến khám và giải phẫu. Chi phí cho mỗi ca phẫu thuật khá mắc, khoảng 2500 euro. Còn giáo luật Hồi Giáo, vốn chi phối  đời sống toàn diện của con người, thì nói sao về những trường hợp nhảy rào ? Theo luật Hồi Giáo ở Ba Tư quy định thì người đồng tính luyến ái nam sẽ phải chịu án tử hình, đồng tính luyến ái nữ bị phạt đánh 200 roi. Thế nhưng luật này lại không đả động tới hình phạt dành cho người thay đổi giới tính! Các giáo sĩ Hồi Giáo còn bảo lãnh cho những ai muốn thực hiện việc chuyển giống! Giáo sĩ Mohamad Kaminidya, một giáo sĩ có uy tín của Hồi Giáo Shiite tại thành phố Kuma, người đã từng bảo lãnh cho hàng chục người muốn thay đổi giới tính, đã giải thích: “Chúng tôi chỉ phản đối nạn đồng tính luyến ái, thay đổi giới tính tự nguyện hoàn toàn khác với đồng tính luyến ái. Những người thay đổi giới tính không hề có tội!”. Ngon chưa? Ngon như vậy là nhờ quan điểm của một nhân vật tôn giáo rất uy tín của đất nước này, Đại Giáo Chủ Yatula Khomenei. Theo Khomenei thì một người nào đó, dù là nam hay nữ, muốn thay đổi giới tính của mình hoặc cảm thấy bản thân bị trói buộc trong một cơ thể sai giới tính thì họ hoàn toàn có quyền tự giải phóng khỏi đau khổ.

Những người được giải phóng khỏi cái thân xác… lộn làm tới một cách ồn ào quá đáng. Họ tổ chức thi hoa hậu quốc tế! Năm 2004, cuộc thi người đẹp… nhân tạo được tổ chức tại thành phố biển Pattaya ở Thái Lan. Tên chính thức của cuộc thi là Miss International Queen 2004. Lọt vào vòng chung kết có 24 thí sinh đến từ Nhật, Hàn Quốc, Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Nam Dương, Đức, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Lào và Hương Cảng. Cô thí sinh mang số 3 Treechada Petcharat, 19 tuổi của Thái Lan đã đoạt vương miện người đẹp… dỏm. Các thí sinh đã trải qua 4 vòng thi: trang phục dân tộc, áo tắm, áo dạ hội và ứng xử. Giải thưởng là 7000 đô Mỹ tiền mặt cùng nhiều tặng phẩm của các công ty đa quốc gia. Được phỏng vấn, hoa hậu xin được gọi thân mật bằng cái tên Poy, tiếng Thái có nghĩa là “đuôi tóc”! Cô bé “Đuôi Tóc” này đã thành thật cho biết ngay từ khi còn rất nhỏ, độ 5-6 tuổi, cô đã tự ý thức mình là con gái, đúng hơn một trái tim con gái trong một thể xác con trai. Cô chỉ thích mặc áo đầm khi đi học, đòi mẹ mua búp bê và thích được gọi là nong xảo (bé gái) thay vì nong chai (bé trai). Trong gia đình, các em của cô cũng chỉ gọi cô bằng chị chứ không bao giờ gọi bằng anh. Năm cô 17 tuổi mới được cha mẹ đưa đi phẫu thuật tại bệnh viện nổi tiếng Yanhee. Tên cô được thay đổi từ một cái tên rất đàn ông là Saknarin Malayaporn sang một cái tên rất thùy mị là Treechada Petcharat. Cô hiện là sinh viên năm thứ hai ngành điện toán tại Đại Học nổi tiếng của Thái Lan Assumption. Cô mới trúng tuyển một học bổng toàn phần để sang Mỹ du học vào tháng 5 năm 2005 này. Ngoài tiếng Thái, Poy còn thông thạo tiếng Anh và tiếng Hoa.

Năm nay, cuộc thi hoa hậu chuyển đổi giới tính lại được tổ chức tại Pattaya vào ngày 8 tháng 5 vừa qua. Có 30 thí sinh từ khắp nơi về tham dự. Hoa hậu là cô Tiptantree Rujiranon. Giải thưởng là 2500 đô Mỹ và một chiếc xe hơi! Tân hoa hậu Tiptantree đã nói lên mong ước của mình: “Em muốn những phụ nữ như chúng em có thể sống bình thường trong xã hội như những người đàn ông và đàn bà khác và có đầy đủ quyền lợi như mọi người”.

Điều mong ước tưởng như giản dị đó lại chẳng giản dị chút nào. Luật pháp còn rất ngỡ ngàng trước việc một ông biến thành một bà hay ngược lại. Lý lịch thay đổi như vậy có thể gây ra nhiều chuyện rắc rối. Chẳng hạn như một tội phạm đàn ông trăm phần trăm muốn tránh sự tầm nã của pháp luật nên chuyển hệ như vậy để đánh lạc hướng nhà chức trách thì sao? Luật pháp nào mà… khám được!

Luật pháp là chuyện của mấy ông mặc áo đen, còn đối với người dân thường, thì việc nhảy sang khối đối lập chỉ là việc thay đổi… lặt vặt!

Một chú bé hỏi mẹ:
“Chuyển đổi giới tính là gì hả mẹ?”
Bà mẹ thở dài:
“Đó là chuyện dại dột của một người muốn chuyển đổi công việc từ ngồi xem ti vi sang làm bếp, rửa chén bát, giặt giũ… ấy mà!”

05/2005