Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

THƯ

 

Thư là cái loại mong chờ nôn nóng được liệt vào hàng thứ hai. Loại thứ nhất, ai cũng đoán ra là chờ tới giờ hẹn gặp người yêu. Ai không đoán ra thì thuộc vào loại... trà tàu một hụm. Thư của người yêu thì lại thuộc loại mong chờ hạng một... rưỡi. Cũng đau tim lắm. Những lá thư xanh của một người yêu gửi cho một người yêu, nó như một mùi phở xộc vào mũi của một người có cái dạ dầy đang nhàn rỗi. Nó quặn lòng nhau lắm. Vậy mà người phát thư đã đi qua không thèm ghé cửa nhà mình. Nó não nề làm sao! Nhưng nếu anh chàng phắc-tơ lại dừng chân, mặt cười tươi, phát cho một lá thư xanh xanh thì tình hình lại đổi khác ngay. Con tim nó nhẩy, bàn tay nó run run, con mắt nó long lanh, cứ tưởng như trời đất chỉ có một mình ta. Cô Mùi trong Xóm Cầu Mới của Nhất Linh khi nhận được thư của người yêu là anh chàng Siêu thì tay cũng... bắt chuồn chuồn. “Nàng rút bức thư cầm ở hai bàn tay thật chắc cho gió khỏi bay. Mắt nàng nhìn vào chữ Siêu ký trong thư và bằng một giọng run run mà nàng cố ý làm cho run run thêm để tự làm tăng sự cảm động của mình, nàng nói như nói với Siêu:
“Anh Siêu! Em hôn anh.”
Nàng nghiêng đầu, mỉm cười, miệng thầm thì một lúc như nói chuyện với Siêu; cả người nàng rung động rồi nàng đưa bức thư lên áp vào môi, yên lặng, mắt mở to nhìn vào quãng không. Cử chỉ ấy lại khiến nàng thấy mình yêu Siêu hơn lên.”

Thư tình, chúng ma mãnh lắm. Chúng có trăm phương ngàn kế để tìm đến với nhau. Nhất là khi chúng cần núp trong bóng tối. Mối tình còn đang ươm, chỉ chúng mình thôi nhé, cấm ngoại thủy không ai được biết, nhất là các ông bà via, toàn những vị có khuynh hướng chơi trò qua sông rút cầu. Mình yêu thì được, sông yêu đã nối nhịp cầu, khi con cái chúng yêu thì chặt ngay chiếc cầu kiều với sự phụ họa của chiếc roi mây. Thành ra, thư phải đi chui qua đường mấy chú nhóc, mấy cô sen, mấy người bạn thân... Thư loại này không phải dán tem nhưng phải dán bằng ô mai, bằng kẹo, bằng trái ổi trái cóc dầm. Nhưng có khi thư tình chẳng phải qua một bàn tay nào cả, nó núp theo sách vở.

em có nhớ trong sân trường bữa ấy
cô giáo đau ta được nghỉ giờ đầu
rất tình cờ hai đứa chợt gặp nhau
em mở cặp vội vàng trao quyển sách
sợ bạn thấy ta kẹp vào dưới nách
đi một hơi không kịp cảm ơn em
trốn vào cầu hối hả giở ra xem
mảnh giấy nhỏ nét mực nghiêng nghiêng tím
(Luân Hoán)

Thư tình thì phải... tình. Đó là chuyện bắt buộc! Không tình thì không ép-phê. Nếu mình không viết được cái thư cho tình thì mần răng? Những người đang bị lửa tình đốt cháy rụi bao giờ cũng có đường thoát: nhờ người viết dùm. Biết nhờ ai? Nhờ nhà thơ Phan Xuân Sinh! Trong bài tạp văn “Thư Tình, Thời Đi Học” ông bạn tôi đã thổ lộ cả một “lịch sử” viết thư tình của ông. Bức thư tình đầu tiên ông viết dùm cho người bạn học cùng lớp lớn hơn ông tới năm tuổi đã bị một tên nghịch tặc giật chạy. Trong giờ Việt Văn, anh chàng cướp giật quỷ quái này đã nương theo bài giảng về vẻ đẹp của mỹ nhân đang được thày giảng trong lớp để đọc lá thư viết mướn này cho cả lớp nghe. Bức thư trị giá một bao thuốc Ruby này đã được cả lớp vỗ tay khi được đọc xong, trước sự đồng tình của ông thầy chịu chơi. Tài viết thư tình của ông bạn Phan Xuân Sinh từ đó ngày càng... đắt hàng. “Bắt đầu từ đó, các anh lớn trong lớp tôi có chuyện rắc rối về thư tình đều tìm tới tôi nhờ vả. “Văn ôn võ luyện”, thư tình viết nhiều càng ngày càng tiến bộ. Viết thư tình cho mấy anh ấy, sau này tôi không cần phải đắn đo suy nghĩ. Nắm được sự thể của câu chuyện là tôi đặt bút viết ngay... Sau này lại kèm thêm cái mục làm chim xanh, đưa thư giùm qua lại cho những người yêu nhau, tôi lại thấy mình có thêm một chức quan trọng. Tất cả những giận, hờn, yêu, ghét, thù hận ghen tương, trước khi tới tai người yêu của họ, là họ đổ xối xả lên trên đầu tôi trước nhất. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện tình sum hợp, cũng như chia ly. Tôi đã vui trong cái vui của họ và cũng buồn trong cái buồn của họ”.

Đệ tử của nhà thơ Phan Xuân Sinh ngày nay ngồi đầy rẫy trước cửa Nhà Bưu Điện Saigon. Họ cũng viết thuê thư tình nhưng phần lớn phải viết bằng ngoại ngữ. Thời buổi con gái Việt Nam chân trong chân ngoài rủ nhau đi lấy chồng ngoại, cái thứ thư tình viết bằng quốc ngữ chữ nước ta còn đâu đất sống! Ông Phan Xuân Sinh còn muốn tiếp tục hành nghề chắc cũng phải... update thôi! Thế mới biết viết thuê thư tình đã leo lên đến trình độ... quốc tế rồi!

Thư, nhiều khi cứ khơi khơi cỡi lên báo chí mà đi. Thi sĩ Tản Đà rất thích ăn rau sắng nhất là loại rau sắng chùa Hương. Năm Nhâm Tuất 1922, vào ngày hội Chùa Hương 18 tháng ba, nhà thơ của chúng ta không có tiền nên không trảy hội được. Ngồi ở Hà Nội, nhớ rau sắng chùa Hương, ngài bèn gửi vu vơ bốn câu thơ trên báo:

Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.

Chỉ ít lâu sau, anh chàng phát thư bưng đến cho nhà thơ một bưu kiện không có tên người gửi. Mở ra xem thì là một bó rau sắng và một mảnh giấy ghi cũng bốn câu thơ:

Kính dâng rau sắng chùa Hương
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa
Không đi thời gửi lại nhà
Thay cho dưa khú, cùng là cà thâm

Thi sĩ Tản Đà đã quá. Vừa có rau ăn, vừa có thơ họa, lại vừa tơ lơ mơ chẳng biết người gửi là ai. Bèn tưởng tượng đó là một nữ nhi tài sắc vẹn toàn và ông gọi kẻ gửi quà là  “Người tình nhân không quen biết”. Ông làm một bài thơ cảm ơn nhưng không biết gửi về đâu, đành lại nhờ tờ báo cõng thư đi:

Mấy lời cảm tạ tri âm
Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình
Đường xa rau vẫn còn xanh
Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào
Yêu nhau xa cách càng yêu
Dẫu rằng suông nhạt còn nhiều chứa chan
Nước non khuất nẻo ngư nhàn
Tạ lòng xin mượn “thế gian” đưa tình.

Không biết có phải nhờ rượu đưa đường dẫn lối hay không mà Tản Đà đã đoán đúng. Người gửi rau chính là cô Đỗ Thị Khê, bút hiệu Song Khê, một người cũng hay làm thơ và rất tâm phục thi sĩ Tản Đà. Lúc đó cô đang làm trong ngành y tế ở Phủ Lý.

Tản Đà kể ra đã gặp may, ông Bưu Điện cho bưu kiện xuôi chèo mát mái nên khi nhận được thì “đường xa rau vẫn còn xanh”. Nhiều bức thư không được như vậy.

Bà Dorothy Orth ở Seelyville thuộc miền đông bắc tiểu bang Pennsylvania vừa nhận được một tấm bưu thiếp của cô con gái. Bà vội điện thoại về New York để cám ơn. Cô con gái ngẩn người ngạc nhiên. Cô có gửi cho mẹ bưu thiếp nào đâu! Bưu thiếp nào vậy mẹ? Bà mẹ nhìn vào bưu thiếp trả lời. Bưu thiếp con gửi từ Asbury Park ở New Jersey đó! Cô Janet Richards nhớ ra ngay. Đó là tấm bưu thiếp cô gửi khi đi du lịch với chồng vào ngày 19 tháng 8 năm 1967! Bà mẹ nhận được vào ngày 17 tháng 7 năm 2004, suýt soát 37 năm! Sao con rùa Bưu Điện này nó bò chậm đến thế? Truy nguyên ra thì sự tình nó như thế này. Tấm bưu thiếp bị đánh rơi xuống gầm một chiếc máy kềnh càng và nằm đó chẳng ai biết. Mới đây, Bưu Điện phế thải cỗ máy, bưu thiếp mới lòi ra. Chậm thì chậm, bưu điện vẫn cứ chuyển đi. Bưu thiếp được dán con tem 4 xu. Nay được dán thêm một con tem trị giá 23 xu nữa. Không biết tại sao nhân viên bưu điện lại dán thêm con tem mới này vào. Có lẽ để cho phù hợp với giá cả bây giờ!

Bà Dorothy Orth còn nhận được bưu thiếp, dù chậm. Nhà độc tài Hitler mới tội. Một tấm bưu thiếp gửi cho ông bây giờ mới tới. Hơi trễ! Ông chết cách nay đã 60 năm! Tấm bưu thiếp được gửi từ Anh, đề tên người nhận là: Adolf Hitler, Reichstag, Berlin, Germany. Lý do đến trễ: địa chỉ người nhận sai! Bưu Điện Đức muốn trả lại cho người gửi nhưng bưu thiếp lại không có tên người gửi nên biết gửi về mô? Đành để nó nằm đó chờ. Và nó chờ cho tới bây giờ mới được... giải quyết. Theo luật lệ của Bưu Điện Đức thì  các bức thư gửi tới chính quyền cũ nhưng người nhận không còn thì sẽ được chuyển tới Viện Bảo Tàng của Quốc Hội. Bức thư mới đây đã được chuyển đi. Theo đúng luật lệ!

Không còn người nhận thư, thư tới. Tình cảnh này không khác với tình cảnh trong truyện ngắn “Thư Không Người Nhận” của anh bạn Hoàng Khởi Phong của tôi. Chỉ có một khác biệt nho nhỏ. Thư được viết khi người nhận đã là người thiên cổ. Người gửi là một sĩ quan Việt Nam, người nhận là anh Elbert, một nhân viên trong đoàn Cố Vấn Mỹ ở một Tiểu Khu tại Ban Mê Thuột. Sau những căng thẳng giữa hai người vì những hiểu lầm, họ trở thành đôi bạn thân. Elberg đã vĩnh viễn nằm xuống tại Việt Nam và anh sĩ quan Việt Nam lại cùng với đoàn người di tản cuối tháng 4 năm 1975 tới Mỹ. Và, như định mệnh đã sắp đặt, anh sĩ quan Việt Nam lại tới định cư ngay trong vùng quê hương của anh bạn cố vấn Mỹ. Tới sát nhà bạn, anh sĩ quan di tản viết hàng loạt thư gửi cho người bạn Hoa Kỳ “để tặng một người Mỹ đã chết rất trẻ ở Việt Nam và địa chỉ người nhận là Thiên Đàng. Nơi đó, buồn thay không phải là địa chỉ sau cùng của mỗi ‘chúng ta’”. Những bức thư này chắc chẳng một Bưu Điện nào muốn nhận gửi. Chẳng nhẽ nhờ ông Táo cưỡi cá giao dùm? Vì vậy, anh sĩ quan Việt Nam không thể gửi thư dù anh đã đặt chân tới nhà của người bạn. Nhưng hai người cũng gặp nhau. “Thật tình tôi không ngờ tôi gặp lại tôi trong căn nhà này. Một gặp gỡ lớn lao nhất từ khi tôi đến đây. Tôi đã gặp lại tôi và dĩ nhiên cả anh nữa trong một tấm ảnh chụp hơn mười năm trước. Bức ảnh này anh có cho tôi một chiếc, nó đã mất đâu đó sau những thăng trầm của riêng tôi. Khi giới thiệu cho tôi bức ảnh này, mẹ anh không nhận được tôi trong hình. Chính tôi đôi lúc còn không nhận ra tôi trong gương soi, những đổi thay to lớn dường đó, những bất hạnh dồn dập như thế, và mười năm, một thời gian đằng đẵng đủ xóa đi những nét thanh xuân. Cũng nhờ tấm ảnh này, gợi nhớ tới anh. Gợi nhớ tới những ngày tháng xa xưa, tôi và anh làm chung một vài việc thiện.”

Quê nhà luôn luôn là một ám ảnh. Chẳng thế mà nhà văn Võ Phiến quay quắt hết  “Thư Nhà” đến “Lại Thư Nhà”. Ông như một con diều lưu lạc tới đất Saigon và những lá thư nhà như là sợi dây cột cánh diều vào quê hương Bình Định của ông. “Đi làm về, tôi được lá thư: thư nhà. Tôi chợt nhớ ra đã ba năm nay, lần nào, vào dịp này, tôi cũng được gia đình gửi cho một lá thư. Dịp ấy là ngày giỗ bà tôi: bà mất vào cuối năm. Thư do em tôi viết - cũng như mọi năm trước - nhưng lần này, sau mấy dòng thăm viếng, liền có tin khác thường: ‘...Em và mấy cô về nhà trước một hôm. Buổi tối đoàn văn nghệ ở tỉnh đến trình diễn trong làng, em có đi coi. Dân chúng kéo tới vừa đông, ban kịch sắp sửa kéo màn lên thì nghe lác đác có tiếng súng nổ... Khi đã khuya, thấy có người cầm cây đuốc dẫn đường cho hai người khác khiêng một chiếc võng tải thương. Anh có biết người thương binh đó là ai không? --- Bác Bốn Thôi!’ ”

Những ai đã đọc Võ Phiến chắc đã quen thuộc với những Bốn Thôi, chị Lộc, ông tú Từ Lâm, ông Thập Tam, Năm Thiều... Toàn những khuôn mặt của một miền quê khói lửa xuất hiện trong những bức thư nhà mà Võ Phiến triền miên thương nhớ. À ra vậy! Thư nó cũng được việc đấy chứ!

Vậy mà nó mai một đi! Chuyện này chắc chỉ có ông Bưu Điện là phiền hà nhất. Đó là chuyện thư nó đã biến hình thành thư điện tử. Không, chẳng phải chỉ có ông Bưu Điện bị làm khó vì cái trò thư leo lên trời này. Tôi cũng bị ảnh hưởng. Thứ nhất là tôi mất hẳn cái thói quen viết thư. Nhập đề, thân... thư, kết thư, chúc tụng... Mệt! Cứ gõ vài hàng, bấm vào chữ send một cái là thư như Tôn Ngộ Không, đằng vân giá vũ, vèo một cái là tới người nhận, dù người nhận ở bất cứ xó xỉnh nào trên mặt địa cầu này. Thứ hai là sáng sáng tôi khỏi phải rình ông đưa thư. Chẳng lẽ lại mong ông ấy ném cho mấy cái bill tối tăm mặt mũi! Không, ông Bưu Điện bỗng nhiên biến thành người tình cũ. Dân chúng của đầu thế kỷ thứ 21 này quen với những ông Hotmail, Yahoo, Google, AOL, Sympatico... hơn là ông Bưu Điện.

Các em đi lên trời rồi đi xuống
Có những khi ngày rất bướng rồi hiền
Anh gượng đỡ tuyệt chiêu mà luống cuống
Điện thoại rồi email đó buông buông
(Nguyễn Nam An)

Email có phải là số một không? Đúng là cái cẳng. Nhưng thư điện tử cũng có phần hạn chế. Nó không có dấu. Thiếu những anh sắc hỏi huyền ngã nặng gây ra những phiền phức. Trong truyện ngắn “Alaska Mailbox” của Phạm Thành Châu đăng trên tạp chí Văn, California, số Xuân Ất Dậu mới đây, tác giả cho thấy sự đi vắng của những cái dấu trong tiếng Việt đã nhức đầu đến thế nào. Tôi muốn bưng cái chuyện nhức đầu này đến cho các độc giả thân mến. Cô nàng mail cho anh chàng bốn câu thơ mới làm xong. Chàng đọc xong, phán: Thơ của em kinh hoàng! Thơ gì mà “Bợ quần người vợ dâm đãng” rồi “Đè em lanh lẹ, đè em túi bụi”. Hai câu sau càng khủng khiếp! Nàng cãi lại: Anh xuyên tạc, tại vì cái computer của em không có dấu tiếng Việt chứ bộ! Tôi đánh máy nguyên văn bài thơ tranh cãi này để quý vị đọc sao thì đọc. Dĩ nhiên, tôi không chịu trách nhiệm!

Bo quen nguoi vo dam dang,
De em lanh leo, de em tui buon,
Long rung rung nho bong hinh,
Cua minh em, nhung an tinh ngay xua.

03/2005