Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

SỮA

 

Trong tiệm tạp hóa của một chú Chệt, em nhỏ thu mình trong một góc chờ cho hết khách mới e dè hỏi:

“Chú có sữa đặc không?”

Chú Chệt chỉ tay vào một góc quầy bầy đủ loại sữa:

“Muốn thứ nào? Sữa con bò hai đồng, sữa cô gái hai đồng mốt, sữa con chim hai đồng hai, sữa...”

Đã được mẹ dặn trước mua sữa con chim, em nhỏ vội cắt lời:

“Tại sao sữa con chim lại mắc hơn mấy thứ khác hả chú?”

Chú Chệt ghé sát vào mặt em nhỏ, giọng thân mật:

“Tại sao à? Con bò nó to bằng mười cái nị, lại có cả chục cái vú, sữa nhiều thì phải rẻ. Cô gái chỉ có hai cái, phải mắc hơn. Còn con chim, cái nị thấy nó nhỏ chút xíu, vắt cho tới chừng nào mới được một hộp sữa. Phải mắc chứ còn hỏi cái gì nữa!”

Trong truyện ngắn Những Ngày Cạn Sữa của nhà văn Minh Quân, viết năm 1964, cô bé mồ côi mẹ, không được bú mẹ, phải bú sữa hộp, cũng ca tụng sữa con chim: “Tôi nhớ tôi đã từng khoe khoang với lũ bạn chăn trâu của tôi, nói tôi khôn sớm nhờ mẹ tôi mất sớm, tôi được uống sữa con chim của Tây vô hộp. Vì chim là loài thượng cầm. Khi chúng ngạc nhiên tròn mắt không hiểu thượng cầm là gì, tôi giải thích rành rẽ: thượng là cao, cầm là chim; thượng cầm là chỉ loài chim bay trên cao, sang trọng, cao thượng!”

Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ, sữa con chim của hãng Nestlé  là thứ sữa được ưa chuộng nhất ở Việt Nam hồi đó. Cái giấy nhãn hiệu màu trắng dán kín quanh hộp sữa có vẽ hình một tổ chim có con chim mẹ đang mớm mồi cho bầy con là một hình ảnh quen thuộc của những bà mẹ có con nhỏ. Con chim chỉ có ở trên giấy, sữa bên trong đâu có phải là sữa chim. Chim làm gì có sữa. Chim có sữa lại là một loại khác chẳng liên quan gì đến cả chim lẫn sữa!

Nhỏ thì răng cỏ đâu mà ăn, chỉ biết bú sữa. Không có sữa là cả một... đại nạn. Tháng chạp năm 1945, ngày được gọi là toàn quốc kháng chiến, gia đình tôi gồng gánh theo mọi người đi tản cư. Miền Bắc, những tháng cuối năm, lạnh buốt da. Trong đêm tối, anh em chúng tôi bước chập choạng theo đoàn người nhếch nhác. Thỉnh thoảng bố mẹ chúng tôi lại lên tiếng gọi, chỉ sợ đàn con đi lạc. Lúc lạnh quá, cả nhà phải dừng lại, tấp vào một nhà bên đường xin sưởi nhờ bên đống củi cháy hồng. Mẹ tôi, chùm kín mít trong một chiếc chăn dạ, ôm đứa con vừa sinh được vài ngày trong lòng. Hà Nội phía sau đang đỏ rực vì những ngọn lửa tiêu thổ kháng chiến. Cuối cùng, gia đình chúng tôi cũng lết được tới Sở Hạ, tá túc nhờ nơi nhà một người bà con. Đứa em tôi, còn đỏ hỏn nằm trong nệm rơm, khát sữa. Vài hộp sữa vơ vội mang theo đâu có... thọ được bao lăm. Mẹ tôi, trong cảnh loạn ly, hầu như mất sữa. Ba tôi, điên lên vì sữa, ngày ngày đạp xe đạp đi rảo quanh vùng để tìm sữa. Lâu lâu ông mới mang về được một hộp. Mấy người họ hàng ở quê bầy cho ba tôi cách thế sữa nuôi con: lấy nước cơm loãng, pha với đường phèn, bỏ vào bình cho em bé bú. Em gái tôi sống được tới ngày nay là nhờ thứ sữa... nhà quê đó!

Sữa bây giờ tân tiến hơn nhiều. Thứ sữa đặc có đường như sữa con chim  bây giờ chỉ dùng để... pha cà phê. Con nít chê! Sữa bột Guigoz thơm phức, ngày nhỏ mỗi lần được mẹ thương, xúc cho một muỗng nhỏ xíu lấy từ hộp sữa của em bé, đổ ra lòng bàn tay nhỏ xíu, liếm dè dặt từng chút chỉ sợ hết, bây giờ cũng thành sữa... nhà quê! Con nít bây giờ bú sữa pha sẵn chẳng cần pha phách gì. Vừa ngon, vừa đỡ cực cho bố mẹ.

Văn minh như vậy, tiện nghi như vậy, người ta lại muốn thay đổi, đòi trở về nguồn. Nguồn sữa thiên nhiên từ trong máu huyết mẹ trào ra để nuôi con. Sữa mẹ tốt hơn hết thảy các thứ sữa khác, người ta xưng tụng như vậy. Nhưng bây giờ, mẹ còn lao đao về cuộc sống, rảnh rỗi đâu mà ngồi vạch áo cho con bú. Mà dù có sữa, có thời gian rỗi rảnh, các bà mẹ trẻ bây giờ cũng vẫn ngại nuôi con bằng sữa của mình. Xấu người, xấu... bình sữa! Giới y khoa, muốn cổ võ cho sữa thiên nhiên, phải tìm mọi cách... chào hàng.

Tuần qua, cuộc Thi Bú Sữa Mẹ (Breastfeeding Challenge) được tổ chức hàng năm từ 4 năm nay, lại đã diễn ra tại 167 địa điển trên khắp nước Mỹ và Canada. Nói là thi nhưng đâu có thi cử gì. Chẳng phải thi bình sữa to, bình sữa đẹp hoặc tốc độ mút của các đấng nhi đồng. Nhưng thi đây  chỉ là tính con số các bà mẹ tới cho con bú tập thể. Càng đông càng vui. Tại thành phố Montreal, địa điểm bệnh viện Maisonneuve-Rosemont qui tụ được 24 bà, bệnh viện Ste Mary được 40 bà và bệnh viện Lakeshore được 48 bà. Kỷ lục đông vui nhất cho tới bây giờ vẫn thuộc về Victoria với 112 đấng nhi đồng ôm ngực mẹ một lúc!

Bú như vậy, sữa từ mẹ trực tiếp tới con là tốt nhất. Nó có cái ấm áp của thân nhiệt mẹ, sự trìu mến của ánh mắt mẹ, niềm hoan lạc của nối kết mẹ con, lòng thương yêu của tình mẫu tử. Đó là sự yên ổn được chở che của một sinh vật vụng dại trong vòng tay ấp ủ của mẹ hiền.

Úp đứa bé sơ sanh lên bầu ngực
trôi lềnh bềnh những dã rượi tứ chi
ngủ vờ vật trong tỉnh thức
cơn đau còn ê ẩm
chiều hè lan man
điệu nhạc soft rock rơi qua ghế bành rộng
êm đềm
thời gian bỏ quên ngoài cửa sổ
tấm áo mở phanh phơi bụng mẹ
gió rớt qua miệng con
thơm mùi sữa non
hỏi đời sống
bắt đầu niềm vui từ phút nào?
(Lê Thị Huệ)

Niềm vui ẩn trong lần cho con bú đầu tiên trong đời làm mẹ. Đứa con vừa sống những giờ phút đầu của một cuộc đời cần bóng mát chở che hình như là một thiên thần vừa lạc bước vào cõi lòng lâng lâng của mẹ. Nỗi đam mê cái sinh vật bé nhỏ đang kéo những giọt sữa ra khỏi ngực mẹ đã được nhà văn Thu Thuyền diễn tả trong truyện ngắn Con Đầu Lòng. “Trong lúc cho con bú, cô nghiêng đầu ngắm con mình. Tay chân con mũm mĩm. Mười ngón tay như có mười cái hoa. Không, hai bàn tay này dường như có tất cả tinh tú của vũ trụ trên đó! Khuôn mặt con thanh tú trắng ngần, ngời lên vẻ bình yên trong vòng tay cô. Bất giác cô xiết chặt con vào lòng hơn một chút. Con cô nhả núm vú ra, chúm chím chép miệng một cách mãn nguyện. Hơi thở con êm ả, ấm và dịu thơm. Cô nâng đầu con, nhẹ ép vào tim mình”.

Sữa mẹ, ngoài chất sữa còn mang cả suối nguồn thương yêu. Đó là loại sữa... ngoại hạng. Sữa người không được như vậy nhưng vẫn hơn sữa... bò. Thập niên 1980, bà Dobrich, người Úc, tới định cư tại Montreal. Bà rất ngạc nhiên khi không thấy có một ngân hàng sữa nào nơi thành phố Bắc Mỹ này. Bên quê hương bà, ngân hàng sữa đầy rẫy, như một... truyền thống. Bà nung nấu với ý nghĩ phải làm một cái gì cho truyền thống tốt đẹp này. Hơn hai chục năm sau, bà trở thành một phối hợp viên cho Chương Trình Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ của bệnh viện Jewish General Hospital mà dân Việt ta ở thành phố này quen gọi là Bệnh Viện Do Thái, tọa lạc tại vùng Côte des Neiges. Trong địa vị này, bà đang kêu gọi lập một ngân hàng sữa tại đây. Trên thực tế, có những bà mẹ dư thừa sữa sau khi cho con bú muốn cho sữa, cũng như có những em nhỏ hay các bệnh nhân của một vài chứng bệnh đặc biệt cần uống sữa người. Sữa người là thứ sữa dễ tiêu hóa nhất và rất giầu về chất bổ dưỡng cũng như các kháng thể. Thực ra, tại Montréal, vào thập niên 50 và 60, bệnh viện Royal Victoria Hospital đã có ngân hàng sữa, nhưng sau đó, vào thập niên 70, đã bị dẹp vì số người tham gia quá ít. Hiện nay, tại Canada, chỉ có Vancouver là còn có một ngân hàng sữa do Trung Tâm Sức Khỏe Nhi Đồng và Phụ Nữ British Columbia thực hiện. Họ chỉ nhận sữa của những bà mẹ không hút thuốc lá hoặc không dùng bất cứ một thứ dược phẩm nào. Sữa sau đó được khử trùng để diệt tất cả các vi khuẩn và siêu vi khuẩn theo đúng tiêu chuẩn được quy định bởi Hội Ngân Hàng Sữa tại Bắc Mỹ.

Sữa người là thứ sữa tinh khiết nhất, nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng sữa của các bà mẹ ở Bắc Mỹ đang... có vấn đề. Theo một phúc trình của Health Canada thì sữa mẹ ở Canada đang bị nhiễm nặng tạp chất polybrominated diphenyl ethers, viết tắt là PBDEs, gấp từ 5 tới 10 lần sữa mẹ tại các nước kỹ nghệ khác như Nhật, Thụy Điển và Đức. Nhưng sữa mẹ ở Mỹ mới đứng hạng nhất về tạp chất. Nguyên nhân? Vì từ ba chục năm nay, chất này được dùng như một chất cản cháy trong vỏ TV, máy vi tính và các đồ dùng trong nhà như bàn, ghế, giường, tủ. Trong một trường hợp riêng lẻ, một bà mẹ ở Canada đã có sữa bị nhiễm tới 956 phần tỷ chất PBDEs, trong khi tại Mỹ, một bà đoạt kỷ lục với trên 1000 phần tỷ. Con số trung bình tại Canada là 60 phần tỷ. Trên toàn thế giới, đang có khuynh hướng gia tăng tạp chất này. Trong vòng 30 năm, tỷ lệ tạp chất PBDEs trong sữa mẹ đã cao hơn gấp 100 lần! Ông Tom Muir, một chuyên viên của Bộ Môi Trường Canada chuyên nghiên cứu về tạp chất PBDEs, cho biết tạp chất này có thể đã gây nên bệnh rối loạn thyroid và các vấn đề sức khỏe khác cho trẻ sơ sinh.

Dù sao chăng nữa, sữa vẫn là một thứ thực phẩm bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi, nhất là những người bệnh, vì nó là nguồn calcium rất tốt. Calcium, nó làm cái chi chi cho sức khỏe của chúng ta? Thưa, nó giúp đốt các chất béo trong cơ thể chúng ta, bổ xương và răng, giúp làm giảm nguy cơ của ung thư cột sống, hạ áp huyết và giảm bệnh đái đường. Sữa còn cung cấp cho cơ thể chúng ta sinh tố D. Thiếu sinh tố này, cơ thể dễ bị ung thư cột sống, ung thư vú và các bệnh về xương. Bao nhiêu sinh tố D là đủ cho cơ thể mỗi ngày? Health Canada đưa ra con số 400 IUs một ngày. Nhưng nhà dinh dưỡng Helen Bishop MacDonald, trong cuốn sách The Everyday Calcium Cookbook, lại... đòi hơn. Theo bà thì dưới 50 tuổi cần 400 IUs nhưng trên tuổi đó thì cần gấp đôi. Một vài nhà khoa học khác còn... tố hơn nữa. Theo họ thì 1000 IUs mới tàm tạm đủ. Sinh tố D, chúng ta hấp thụ được một phần nơi ánh sáng mặt trời nhưng phần lớn trong thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày mà sữa là nguồn cung cấp dồi dào nhất. Nói là dồi dào nhưng 1 lít sữa chỉ cho 400 IUs, vừa đủ cho một ngày theo tiêu chuẩn... rẻ nhất. Mỗi ngày uống 1 lít sữa, chắc nhiều vị thấy ớn tới cổ! Còn con nít nữa đâu mà chưa cho... dứt sữa! Nhưng đâu có ai bảo quý vị nhắm mắt uống một ngày bốn ly sữa lớn. Uống như vậy, chết sướng hơn! Nên nghĩ tới những thực phẩm có chất sữa khác. Giả dụ mỗi ngày ăn như thế này có được không? Buổi sáng điểm tâm, làm một hũ sữa chua; ăn trưa, uống một ly sữa; buổi tối trước khi đi ngủ, ăn một miếng pho mát, được quá đi chứ! Vẫn theo bà MacDonald thì nếu toàn thể dân chúng Canada nạp vào người đủ chất calcium mỗi ngày thì ngành y tế sẽ tiết kiệm được 2,6 tỷ đô chữa bệnh mỗi năm!

Sẩy cha nhờ chú, sẩy mẹ bú dì. Câu tục ngữ nghe ra ấm áp tình gia đình. Ngày xưa, sữa chỉ có một nguồn: sữa mẹ. Thiếu sữa, lao đao ngay. Vậy nên dân gian có nhiều cách để... bơm sữa. Cách phổ biến nhất là cho sản phụ ăn chân giò hầm với đu đủ. Rẻ tiền hơn thì có cháo nếp hoặc hoa chuối sứ. Ở Huế, phong lưu hơn, sản phụ được cho dùng hạt sen hầm với bao tử nai! Trong Nam, người ta bảo cứ... la de mà tu là sữa chảy ra ào ào! Không có tiền tu la de thì uống nước hạt gòn rang cũng OK. Tây Y cũng có những thứ thuốc... bổ sữa như Extrait-mamaire, Galactogyl, Galacta...

Mẹ không có sữa hoặc không đủ sữa thì phải bú bình. Hai loại bú khác nhau thế nào? Con nít bú sữa thường chưa biết nói, nhưng cũng đã có thái độ. Bú mẹ quen, gặp cái anh núm vú cao su cứng còng, quay mặt đi làm mặt giỗi liền. Hổng bú! Xài đồ thiệt quen rồi, bắt xài đồ giả phải cự nự chứ. Lớn bé gì cũng đều như vậy cả! Bú mẹ, êm ả và ấm áp biết chừng nào. Bú bình, nhóp nhép hay không thì sữa vẫn cứ tuôn ra. Nuốt không kịp thì sặc. Sặc sữa coi vậy mà nguy hiểm chết... con nít như không. Sữa tràn vào khí quản, có khi vào tận phế nang làm tắc đường hô hấp hoặc cản trở sự trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, khiến trẻ có thể tắt thở vì thiếu oxy! Bố mẹ phải biết cấp cứu ngay khi trẻ bị sặc. Quay 911, chờ được xe cứu thương ò e tới thì kể như muộn. Phải bằng mọi cách rút sữa ra khỏi đường hô hấp. Nhanh và đơn giản nhất là dùng miệng mình hút mạnh vào miệng và mũi của bé. Hút càng mạnh, càng nhanh càng tốt. Vì khi sữa đã vào sâu trong khí quản sẽ khó hút ra, trẻ bị tắc thở lâu, khó cứu. Khi hút xong, nên kích thích mạnh vào đầu trẻ để trẻ có thể khóc và thở được. Lúc đó, ông cứu thương mới ò e tới là vừa. Ông ấy sẽ tiếp tục cứu chữa.

Sặc sữa có nhiều nguyên nhân: hoặc do lỗ thông ở núm vú to quá, sữa chẩy nhanh và mạnh, trẻ nuốt không kịp; hoặc trẻ vừa bú vừa ngủ, sữa vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt, khi trẻ thở mạnh có thể đưa sữa lên mũi, vào khí quản và phế quản; hoặc trẻ vừa bú vừa... hóng chuyện, lơ là việc nuốt, tới khi thích chí cười lên một cái là sữa tràn vào khí quản. Muốn tránh để trẻ sặc sữa, không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ; không nên nói chuyện với trẻ khi cho bú; đặt trẻ trong vị thế thoải mái, đầu hơi cao; khi trẻ ho hoặc khóc thì... tốp ngay đừng cho sữa chẩy ra.

Bú sữa đã là một vấn đề, dứt sữa cũng... long đong lắm! Có những trẻ dứt sữa rất dễ nhưng có những trẻ... thày chạy! Cái miệng quen bú đâu phải bỗng chốc mà... ngưng chiến được. Người lớn quen miệng ngậm thuốc lá, cai thuốc cũng chẳng phải dễ, huống chi trẻ con, ý chí không có, khi không bắt ngưng bú, quằn quại là phải. Thủ thuật để bắt bé ngưng bú có nhiều cách. Hình như, trong vụ này, mỗi bà mẹ là một nhà... sáng tác. Có bà chơi trò ma quái bôi phẩm xanh phẩm đỏ trên đầu vú cho trẻ sợ. Có bà chơi trò cảm giác mạnh, bôi tiêu, bôi dầu cù là cho trẻ giật chắc! Có nhiều trẻ dễ dàng... khuất phục nhưng cũng có những chàng những nàng... kiên cường phát khiếp.

Nhất định không... phụ sữa! Gương kiên cường, tôi đã mục kích. Một cô cương quyết ôm bình bú cho tới khi... lấy chồng. Về nhà chồng vẫn... bú! Một trường hợp khác, bỏ sữa thì bỏ, nhưng cái miệng nhóp nhép nhất định không bỏ. Cứ len lén thọc ngón tay cái vào miệng để mút. Mút đến mức ngón tay trở nên dị hình dị dạng vẫn không nản. Học xong Đại Học Sư Phạm, ra làm thầy giáo mà vẫn cứ lựa chỗ kín đáo để... mút!

Tôi đã nhắc tới truyện Những Ngày Cạn Sữa của Minh Quân. Cũng trong truyện này, một nhân vật, ông cậu chống ngoại xâm, đã đưa sữa vào chuyện... quốc sự. “Coi đó, coi! Ba thằng Tây là tụi điêu ngoa, man trá: chúng cướp của giết người, hiếp dâm, xâm chiếm đất đai người ta, ác độc khôn lường, không tưởng tượng nổi. Có cái gì mà chúng chùn tay! Có tội ác nào mà chúng không làm được? Động lực nào thúc đẩy chúng? Biết tại sao không? Hà? Các người có bao giờ  tìm hiểu hay không?... Có gì mà không hiểu? Tụi tây có thằng nào được bú sữa mẹ đâu? Bạch chủng đâu phải giống người, chúng là loài quỷ! Hừ! Nuôi con bằng sữa súc vật trách chi về sau lớn lên đứa trẻ không có lòng nhân? Thiệt mà! Tôi nói không sai đâu. Bây giờ bọn chúng còn định đầu độc cả dân tộc “An nam ta” bằng lối đó...”

10/2004