Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

CHÔM

 

Những năm sau 1975, Saigon có một từ bộc phát rất phổ thông: “Chà đồ nhôm”. Nghe ra cũng... lao động ra gì. Rất hợp với chế độ mới, chế độ chỉ biết có mồ hôi. Nhưng thực ra, trong cái tâm thức chống đối của toàn dân thời đó, “chà đồ nhôm” chỉ có nghĩa là... chôm đồ nhà! Đồ trong nhà mình mắc mớ gì phải chôm? Mình không chôm nhưng thời thế cùng mằng nó chôm. Cái thời mà nhân dân chỉ có mỗi một việc là lo làm sao cho mỗi ngày cái dạ dầy của cả nhà đừng có óc ách... hô khẩu hiệu. Để làm cho tạm yên cái dạ dầy luôn luôn muốn nổi loạn, người ta... lao động bằng cách ngó quanh khắp nhà coi có cái gì có thể mang ra chợ trời được không. Chợ trời hồi đó, gần xịt. Bước ra đường là chợ. Xó xỉnh nào cũng có những người buôn bán như chụp giật. Mang ra bán bất cứ thứ gì cũng có người mua. Sự đắt hàng làm trống trải những căn nhà lớn cũng như nhỏ. Nhà nhỏ tô hô trước, nhà lớn tô hô sau.  Một doanh gia thành công, tiền bạc rủng rỉnh mà cũng nát tan với cảnh... gặp thời thế thế thời phải thế. Đó là ông Thưởng, một nhân vật trong bài tùy bút Mây Hồng của nhà văn Trúc Chi. Dù giầu có, ông cũng sa sút đến mức phải... chà đồ nhôm khá kỹ. “Gia đình anh cũng có lúc phải bán nhiều thứ, kể cả nữ trang của chị Thưởng...”  Nhà văn Dương Nghiễm Mậu cũng... chà như ai. Trong bài Con Đường Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo đã kể lại một lần gặp gỡ họ Dương sau ngày Saigon đổi chủ: “Một lần khác, gặp trên hè đường Tự Do, xế cửa nhà sách Xuân Thu. Mậu, một cây dù Tú Xương, tay kia xách một túi giấy, nói ở trong là một cái chăn len, đồ dùng quý nhất còn lại trong nhà, và Mậu đang trên đường ra chợ trời Tôn Thất Đạm bán lấy ít tiền đem về cho vợ mua gạo. Kể chuyện khốn quẫn mà cười thật vui, nét mặt linh hoạt, ánh mắt giễu cợt. Sau 1975, tôi đã nhìn thấy ở nghệ sĩ ta một số bản lãnh chói lòa. Những phong thái trầm tĩnh, những bản ngã dũng liệt, trong nghịch cảnh mới như một đường kiếm tuốt ra khỏi vỏ, mới lấp lánh hiện hình. Nhưng tươi tắn, vững vàng và trong sự trẻ trung đặc biệt, gần như không có tuổi, thì là Dương Nghiễm Mậu thôi.” Không có gì...

Chuyện như thế này. Buổi giao thời, nhà cầm quyền mới chỉ thích có độc một món mít tinh. Từ hai giờ sáng, trống lớn trống con giục giã, loa phóng thanh hét inh ỏi đánh thức mọi người dậy đi mít tinh. Hết dịp này đến dịp khác. Lúc nào cũng có cái cớ để... xếp hàng. Nam phụ lão ấu, tuổi nào ra tuổi đó, cứ theo cờ đỏ lầm lũi lê bước. Tiết mục bắt buộc phải có trong các buổi mít tinh là màn hô khẩu hiệu. Cán bộ giơ tay, giơ răng hô:

“Đả đảo đế quốc Mỹ!”

Toàn dân giơ tay hùa theo:

“Đả đảo! Đả đảo!”
“Hoan hô cách mạng thành công!”
“Hoan hô! Hoan hô!”
“Không có gì quý hơn độc lập tự do!”

Từng đó cánh tay... ngụy, quần áo xốc xếch, giơ lên. Từng đó cái mồm... ngụy hồ hởi ngoác lên:

“Không có gì! Không có gì!”

Rồi cười với nhau. Còn gì nữa đâu! Chôm đồ nhà rộ lên thành... mốt. Chôm đồ người cũng rộ lên... ăn theo. Nạn nhân là... tôi!

Lãnh được gói thuốc tây một ký do người thân bên Pháp gửi về cho, tôi vội cột chặt vào cái giỏ xe đạp phía trước tay lái, dắt xe ra khỏi Bưu Điện Bình Thạnh. Nhẩy lên xe, chân đạp, lòng vui. Cũng sống được một tháng. Đang... dệt mộng êm ả thì bánh xe sau như hứng cả một cơn bão. Theo phản xạ tự nhiên, tôi quay đầu lại coi. Chưa thấy ất giáp gì thì tay lái như bị cả một cơn giông lôi đi. Chiếc xe mất thăng bằng vứt tôi nằm sóng xoài xuống mặt đường. Cố nhìn vào chiếc giỏ xe, nơi nằm một trời... tương lai, gói thuốc tây nằm gọn ghẽ trong chiếc túi vải đã bị cuốn đi. Thẫn thờ nhìn theo chiếc xe Honda 67 đang rú ga vọt mạnh phía trước, tôi thấy hai thanh niên rạp người trên xe. Không thấy chiếc túi quý giá của mình đâu, nhưng tôi biết nó cũng đang rạp người theo dân... chôm!

Chuyến xe lửa Saigon-Nha Trang đông nghẹt người. Chỗ ngồi, đừng có mơ! Tới chỗ đứng cũng phải chen lấn hung hãn mới có. Hành lý tôi chẳng có gì, chỉ một cái túi nhỏ ôm sát trước người. Suốt chặng đường dài cứ đứng như vậy tay ôm chiếc túi chỉ có bộ quần áo, mấy thứ đồ lặt vặt cần thiết và chiếc áo mưa. Chiếc áo mưa hai lớp, vải mềm, lớp trong mầu ngà, lớp ngoài mầu xanh, tôi mua từ Hương Cảng đem về từ thời... xưa, ló ra khỏi một góc túi. Đầu đã cảnh giác, cánh tay giữ cái túi như giữ mả tổ, thế mà chỉ vài lần tầu lắc, ngoảnh nhìn thì chiếc áo mưa như có chân nhẩy từ tay này đến tay khác, mất hút nơi cuối toa. Nhìn quanh, mặt người nào người nấy hiền lành như vừa từ trong chùa bước ra. Nỗi đau chưa thấm vì trong lòng đang còn mối lo. Chỉ khi cuộc vượt biên thất bại, vội vã quay trở về, lòng đau như cắt, mắt vẫn cứ liếc quanh toa xe lửa qui hồi cố hương, mong nhìn được chiếc áo mưa mà vào thời buổi cách mạng, có bán cả thân mình cũng chẳng cách gì có được. Đành khóc theo mệnh nước!

Chuyện như thế này. Nhà thơ Bùi Giáng đi lang thang vào chợ trời, dừng chân bên hàng bán đồ phụ tùng xe đạp. Một đám bộ đội đứng bu quanh. Ông thản nhiên lấy một cái ghi đông xe đạp, cắp vào nách, quay lưng bỏ đi tỉnh bơ. Bà bán hàng vội vã đuổi theo, miệng hét inh ỏi. Ông dừng chân, quay đầu lại, tỉnh bơ phán: “Mất có mỗi cái ghi đông xe đạp mà la lối um sùm! Sao mất cả một nước mà ngậm câm tất cả, chẳng la lên một tiếng nào vậy? Lạ thật!”

Chôm, như vậy, có nhiều cấp bậc. Lớn chôm theo lớn, nhỏ chôm theo nhỏ. Con người, nhân chi sơ tính... chôm chĩa. Hình như ai cũng có máu chôm. Cứ thích cái của người ta. Đi ngang qua hàng rào nhà người ta, thấy trái bám đầy cây, phải cố  chọc đỡ ít trái. Vào vườn trái cây bằng cách vạch bụi chui rào, vội tót lên cây vừa ăn cho đã vừa gói mang về, lấm la lấm lét sợ chủ vườn trông thấy. Thấy ví tiền của cha mẹ nằm hớ hênh, mượn đỡ ít đồng ăn quà. Mấy ai có một tuổi thơ không... chôm? Tổ chức Theft Talk phỏng vấn 13.213 trẻ em lớp 7 và lớp 8 về chuyện chôm chĩa trong năm vừa qua, 18% các em lớp 7 nhận là tay có... chất nhám. Các em lớp 8 còn siêu hơn, 26% thú nhận có chôm chĩa trong năm qua. Càng lớn, máu chôm hình như càng đậm đặc. Ông dân biểu Svend Robinson, thuộc đảng Tân Dân Chủ NDP của Canada, đã ngồi trên chiếc ghế êm ấm trong Quốc Hội Canada từ 25 năm qua. Vậy mà tay vẫn nhúng chàm. Ông chôm một chiếc nhẫn hột xoàn khi tham dự một cuộc bán đấu giá. Để làm chi? Để tặng bạn trai. Ông vẫn thường không giấu giếm chuyện đồng tính của mình. Năm 1982, ông Claude Charron, một thành viên của nội các chính phủ thuộc đảng Québécois, lúc đó mới 35 tuổi, là một ngôi sao đang lên của đảng. Sao đã... vụt tắt khi ông chôm một chiếc áo khoác trong cửa hàng Eaton! Bẩy năm sau, năm 1989, ông Lorne Nystrom, cũng một dân biểu thuộc đảng NDP, đã vô tiệm tạp hóa chôm một chai thuốc chùi mắt kính, trị giá đúng 7 đô 79 xu!

Một hoàng gia bên Âu Châu cũng có một phu nhân mặt hoa da phấn chỉ thích vào các cửa tiệm chôm những đồ lặt vặt đút vào túi. Hoàng gia này đã phải cử một người hầu đi theo với nhiệm vụ nói trước với các cửa tiệm cứ để mặc cho bà được tự do chôm chĩa tưởng như không có ai biết, rồi sau đó người hầu lẳng lặng trả tiền.

Nếu chỉ kể ra các trường hợp chôm chĩa của hoàng gia và các nhà chính trị, e có sự bất công. Dân đen cũng có quyền chôm chĩa chứ! Bà Lucy Magda, 61 tuổi, đã 34 năm làm kế toán trưởng cho nhật báo St Catharines Standard ở Ontario. Bà là người quen của chủ báo nên rất được tin cẩn. Vậy mà bà thụt két. Bà cứ rỉ rả mỗi ngày rỉa ít ngàn đô. Khi bị phát giác bà đã chôm tổng cộng 2 triệu 200 ngàn đô! Số tiền khổng lồ này, bà mang đi shopping. Mua sắm thả cửa. Nhà thì chỉ là một căn nhà nhỏ xoàng xĩnh nhưng khi sự việc đổ bể, nhà bị khám xét, Cảnh Sát đã tìm thấy trong nhà vài trăm đôi giầy, nhiều nữ trang và rất nhiều quần áo loại đắt tiền. Chuyện lạ là hầu như tất cả đều mới toanh chưa xài đến, và giầy dép, quần áo phần lớn là không đúng số của bà!

Họ chôm không phải vì lý do kinh tế. Mà vì... bệnh! Bệnh chôm vặt, tiếng Hồng Mao kêu là kleptomania. Thế nào là bệnh chôm vặt? Trước hết họ không cuỗm món đồ đó vì họ cần. Có nhiều người lấy đồ xong, đi ra trót lọt rồi , sau đó quay lại để trả món đồ vào đúng vị trí cũ. Nếu cuỗm cái mình cần xài tới thì lại thuộc một diện khác, diện... shoplifting, Cảnh Sát có chính nghĩa để điệu về bót cho ra tòa. Dân chôm vặt chính hiệu con nai vàng ra tay chỉ vì muốn hưởng cái cảm giác ăn cắp đồ của người khác. Bệnh này có những triệu chứng như sau: trước khi ra tay chôm lòng họ càng lúc càng khoái chí hơn về hành động họ sắp làm; trong khi chôm, họ cảm thấy rất thích thú, thoải mái; và khi đã hoàn tất...cảm hứng, họ tỉnh bơ không cảm thấy áy náy, hối hận hay tội lỗi gì cả.

Một bà già 91 tuổi ở Tokyo, Nhật Bổn, vừa bị bắt quả tang đang thò tay vào bóp của một khách hàng đang mua sắm trong một tiệm bán quần áo. Một nhân viên trong tiệm nhìn thấy bà rút từ bóp của bà khách hàng này ra một phong bì. ông ta liền chặn lại và kêu Cảnh sát. Bị đưa về bót, bà khai là bà không thể tự kiềm chế được ý muốn lấy đồ của người khác. Trong 3 năm qua, bà đã bị bắt 11 lần vì tội khơi khơi cầm nhầm, khi thì móc ví, khi thì đỡ nhẹ hàng trong các cửa tiệm.

Năm ngoái, tại một khu thương xá gần nhà tôi, thương xá Place Versailles, một nhà giáo cỡ bự, đương kim Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Giáo Giới Montréal, đã bị bắt quả tang lấy một đôi găng tay trong cửa hàng La Baie. Bà giáo... gian này, cũng như những chính khách không được... chính kể trên, tất cả đều phải từ chức tuy khi ra tòa họ chỉ bị tuyên xử những hình phạt rất nhẹ. Như trường hợp dân biểu Svend Robinson, ông chỉ bị phạt làm việc cộng đồng 100 giờ, theo dõi trong 1 năm và bắt buộc phải theo một lớp hướng dẫn tâm lý.

Các quan tòa thường giơ cao đánh khẽ những trường hợp này vì kleptomania đã được coi như một căn bệnh tâm thần: bệnh rối loạn xung động (impulse disorder). Bệnh nhân của loại bệnh đặc biệt này thường không kiềm chế được những xung động đẩy tới việc chôm chĩa đồ của người khác không phải vì đó là những thứ đồ họ cần hoặc đồ có giá trị tiền bạc. Lúc nào họ lên cơn chôm chĩa là như có một con ma trong người thôi thúc họ hành động mà họ không thể nào cưỡng chế lại được. Con ma này chắc là một loại ma ga lăng vì...khách hàng của nó phần đông là phụ nữ. Các bà cỡ 36 tuổi thường hay mắc bệnh này và bệnh hoành hành trung bình trong 16 năm.

Nguyên nhân nào làm cho người ta dính vào căn bệnh đáng... mắc cở này? Khoa học chưa có câu trả lời dứt khoát. Có giả thuyết, dựa trên những chứng cớ gián tiếp, cho là bệnh này có liên quan đến việc sản xuất bất thường chất serotonin trong não. Người ta đã thử cho người bệnh kleptomania dùng thuốc Prozac, một loại thuốc trị bệnh trầm cảm có khả năng làm tăng thêm số lượng serotonin và thấy có hiệu quả. Những người bị stress sau khi bị những mất mát lớn lao trong đời  dễ làm mồi cho bệnh kleptomania. Người ta đã thử nhiều phương pháp tâm lý trị liệu để cho anh kleptomania đi chỗ khác chơi nhưng chưa kết luận được là phương pháp nào là phương pháp tốt nhất.

Đời tôi có duyên với... chôm chĩa. Trong thời gian nằm ấp trong trại Cải tạo Long Thành, chôm chĩa cũng tìm đến tôi mặc dù thành phần bị nhốt trong đó, bình thường ra không thể chôm chĩa được. Đó là nơi... ngụ cư của các nhân vật xếp sòng trong các ngành hành pháp, tư pháp và lập pháp cũ. Vậy mà tôi có mấy xâu lạp xưởng mang đi phòng thân, tiếc chưa dám ăn, để lâu ngày nổi mốc, phải mang ra phơi nắng. Buổi trưa một ngày Chủ Nhật, không phải đi lao động, tôi ngồi ngoài hàng hiên, trải tờ giấy báo, đặt mấy xâu lạp xưởng lên trên đón nắng. Trưa hè, gió hiu hiu, tôi ngủ gục lúc nào không biết. Khi giật mình tỉnh giấc thì mấy xâu lạp xưởng đã... ô voa mình từ lúc nào. Nhìn quanh, sân vẫn vắng lặng. Tiếc đến điếng người nhưng nghĩ lại thấy buồn nhiều hơn. Anh em cùng chung cảnh khổ, cái đói đã chôm đi mất chút lương tri của một con người trí thức. Biết giận ai, trách ai? Có trách chăng được là trách những con người đã hành hạ những con người mà họ không coi như đồng bào. Họ đã chôm mất của chúng tôi cái tư cách mà thường ra chúng tôi  chẳng cần nghĩ tới nó cũng phải tiềm ẩn trong mỗi người.

Chuyện khi tôi từ trại cải tạo về thì chẳng liên quan gì đến tư cách cả. Nó đúng là... kleptomania! Trước khi đứt phim, gia đình tôi có nuôi một người làm, sau phải cho nghỉ. Khổ nỗi là cô nhỏ thuộc loại người có tình có nghĩa. Đã cho nghỉ rồi mà lâu lâu lại tới thăm. Mỗi lần thăm thì lê la ở cả ngày. Khi về nhất định phải chôm cho bằng được một thứ gì mới... an tâm dù đó chỉ là những thứ chẳng ra gì, chỉ có thể bỏ thùng rác! Tuy vậy cả gia đình vẫn phải... báo động đỏ mỗi khi cô nhỏ tới thăm. Cẩn tắc vẫn hơn. Lũ con tôi thích chơi trò canh gác kiểu Cảnh sát này lắm. Cho hắn chừa cái tính xấu này đi! Một lần, cả gia đình nhất định canh chừng cẩn mật không cho cô nhỏ bỏ túi được một... cọng rác xem thử ra sao. Chỉ là một sự thách đố cho vui! Lũ con tôi hào hứng thi hành nhiệm vụ một cách tuyệt vời. Gần tới giờ về, cô nhỏ cứ loanh quanh đứng ngồi không yên. Chúng tôi nhìn nhau cười thú vị. Cuối cùng, cô nhỏ cũng phải ra về tay không nhưng mặt mũi không có vẻ gì khó chịu lắm. Trước khi về, cô có vào nhà vệ sinh. Ngày hôm sau, cả nhà tôi mới chưng hửng ra. Chiếc quần lót phơi trong nhà vệ sinh đã không cánh mà bay!

10/2004