Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

XÂM

 

Sau ngày 30 tháng 4 năm mất nước, một số cựu binh sĩ của chúng ta vất vả vì xâm. Tôi gặp một người khốn khổ như vậy. Trên cánh tay anh có những vết sẹo lồi chạy dài khoảng trên mười phân trông rất mất thẩm mỹ. Thường thì anh che lại bằng tay áo sơ mi dài dù trời nóng như thiêu. Có lần anh vui miệng cho tôi biết là anh đã xóa vết xâm. Xóa vội vàng bất kể vết sẹo xấu đẹp. Hình xâm của anh? Làm gì có hình! Chỉ có hai chữ “Sát Cộng!”. Anh cho biết là trong đơn vị anh, một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, rất nhiều người đã thể hiện tinh thần chống Cộng một cách rõ ràng như vậy. Nhưng cũng chính những vết sẹo xâm này đã thúc đẩy anh vượt biên. Nơi tôi gặp anh là bên này bến tự do.

Xâm như vậy là một sản phẩm của con người . Nhưng xâm có khi là sản phẩm của con tạo. Đó là những vết bớt hay những vết chàm trên cơ thể. Vết bớt son thường được coi là một điềm may nhưng nếu gặp lúc con tạo quá cẩn thận thể hiện sự may mắn này lên trên mặt cho mọi người đều thấy thì mệt lắm. Bớt son hay vết chàm trên mặt đều được sở hữu chủ coi như một tì vết không muốn có trên chỗ nhĩ mục quan chiêm của mình. Bớt hay vết chàm trên cơ thể thì OK. Nó không được trưng bầy ra trừ khi đi tắm biển hay thi hoa hậu! Đôi khi những thứ đánh dấu này lại là một niềm bí mật thân thiết của những cặp vợ chồng. Đôi khi, hơn nữa, nó lại là một dấu vết để kiếm tìm hữu hiệu.

Nhà báo Nguyễn Đạt, trong bài viết “Cô Gái Sinh Năm Ất Dậu” đã kể một câu chuyện gia đình. Tác giả Nguyễn Đạt cũng sanh năm Ất Dậu 1945, năm mà nạn đói đã cướp đi gần hai triệu con người ở miền Bắc. Lúc đó gia đình ông đang trú ngụ nơi quê ngoại, làng Hoàng Chuế, tỉnh Vĩnh Yên. “Một buổi sáng sớm, thức dậy, mẹ tôi ra cổng, rồi ôm một đứa bé sơ sinh vào nhà. Đứa bé được quấn bằng miếng giẻ cũ rách, đặt nằm ở bụi tre trước cổng nhà tôi, tiếng khóc oe oe. Mẹ tôi quyết nuôi đứa bé sơ sinh, đứa bé từ lúc ấy là “con gái” của mẹ, giữa bao lời cản ngăn của bà con họ hàng.” Cô bé gái bị bỏ rơi đã được đặt tên là Dậu để ghi nhớ cái năm Ất Dậu tang thương đó. Năm 1949, trong một lần tản cư chạy giặc, cô bé Dậu lúc đó 4 tuổi bị lạc. Bà mẹ nuôi thương nhớ con khóc sưng mắt, tưởng đã bị mù! Bà mẹ nuôi có lòng này đã mất sau đó, trước khi mất bà dặn dò con cái về cô con nuôi đã mất tích. “'Ở dưới vai em, cánh tay trái, có cái bớt màu son nhạt, lớn bằng đồng năm cắc’. Mẹ tôi cho rằng, hẳn nhiên một ngày nào đó, chúng tôi sẽ nhìn thấy cái bớt dưới vai của một cô gái, giữa hằng hà sa số các cô trên đời này”. Tác giả Nguyễn Đạt đã ở Đà Lạt nhiều năm, có người bạn làm việc tại Nha Địa Dư Đà Lạt. Mỗi sáng, ông có thói quen tới cơ quan của bạn uống cà phê. Nhân tiện cũng để ngắm nhan sắc và vóc dáng của một cô nhân viên của bạn tên Hạnh Phương. Sau 1975, bạn ông đi cải tạo, tác giả hỏi thăm vợ bạn về cô Hạnh Phương thì được biết cô được lưu dung, tiếp tục làm việc tại sở cũ. Mới đây, đúng vào những ngày đầu xuân của năm Ất Dậu 60 năm sau, vừa tròn một hoa giáp, tác giả Nguyễn Đạt tới thăm bạn cũ ở số 46/2 đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt, thì gặp Hạnh Phương, lúc này đã 60 tuổi, không lập gia đình, ngồi nói chuyện với vợ của bạn ông là bà Anh. Sau đó, khi chỉ có riêng bà Anh, ông hỏi: “Chị và Hạnh Phương, hai người thân nhau lắm hả?” Bà Anh trả lời: “Tôi còn biết dưới vai nó có cái bớt nữa kia!”. “Tự nhiên tôi nổi gai ốc. Một nỗi bàng hoàng. Tôi nói với bà Anh: “Cái bớt màu son nhạt, lớn bằng đồng năm cắc thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ở dưới vai trái?” Bà Anh ngó tôi sửng sốt!”. Tác giả đã nhờ cái bớt nhận ra được cô em đã thất lạc sau 56 năm trong một đất nước chiến tranh và đổi dời!

Cái bớt của cô gái sinh năm Ất Dậu là một cái bớt được việc. Đó là vết xâm thiên nhiên. Những người yêu nhau không được trời đánh dấu lại dùng những vết xâm nhân tạo để ghi dấu tình yêu của họ. Như nữ tài tử Portia de Rossi chẳng hạn. Cô đã ghi dấu tình yêu với anh kép Francesca Gregorini bằng hình xâm chiếc nhẫn có hai chữ tắt F.G. Cũng được đi nếu tình yêu của họ không tan vỡ. Nhưng tình yêu Hollywood lấy chi mà bền vững. Vì vậy cô nàng Rossi đang khổ sở đi xóa chiếc nhẫn ân tình trên thịt da. Cô đã có một cuộc tình khác. Lần này với Ellen DeGeneres. Cô nàng Rossi học được bài học trước nên, chuyến yêu đương này cô tặng người tình một chiếc nhẫn bạch kim mua ở Tiffany. Và cô cũng mua một chiếc nhẫn tương tự cho cô. Nhẫn đeo vào gỡ ra mấy hồi và chắc chắn dễ hơn nhiều!

Bài học này chẳng phải dễ học! Cô gái con tỷ phú ưa quậy Paris Hilton cặp bồ với chàng Nick Carter. Chàng Nick xâm tên cô nàng trên cổ tay. Nàng Paris viết tên tình nhân trên da thịt ở một nơi không thể tiết lộ. Hai tuần sau, rã đám! Thiệt phiền phức! Lại phải đi xóa vết xâm! Nhà nhân chủng học Stephen Juan, cư ngụ ở California nhưng dạy học tại Đại Học Sydney, Úc, đã cho việc xâm tên người tình là một trào lưu phổ thông của quần chúng bắt đầu từ 5 năm qua. “Còn có một tờ giấy nào quý giá hơn da thịt mình để phản ánh sức mạnh của tình yêu?” Nghệ sĩ xâm Lisa Fasulo ở Nữu Ước đồng ý cái rụp! Bà có một cửa tiệm xâm và từ hai năm nay mỏi tay xâm tên vợ tên chồng, tên người tình trên da thịt khách hàng nườm nượp kéo tới. Theo bà thì đó là một cách chân thành nhất để nói lên tình yêu vĩnh viễn. Họ nói lên ở khắp mọi nơi trên thân thể. Tay, chân, lưng, ngực, cổ và cả vùng dưới bikini! Ngay chính người tình của bà cũng đã xâm tên bà trên cánh tay 5 năm trước. “Dĩ nhiên tôi rất thích. Tôi hoàn toàn cảm thấy như được thỏa mãn!”

Xâm đang được mùa ở Mỹ. Theo Alliance of Professional Tattooists thì ba thập niên trước đây cứ 100 người Mỹ thì có 1 người theo đạo xâm. Con số đó ngày nay đã tăng gấp 10 lần. Chỉ cần đứng với 10 người Mỹ thì đã nắm được một anh xâm mình rồi! Ở Pháp thì xâm vẫn chưa được phổ biến. Thường chỉ có những người được coi là thành phần bình dân, bất hảo như bọn côn đồ lưu manh, bọn đầu trộm đuôi cướp, gái điếm mới chơi hình xâm. Thường họ xâm những hình trái tim có mũi tên xuyên qua hay những câu khẩu hiệu. Ngày nay, chính ra là từ thập niên 1970, xâm có phần dễ thở hơn. Và đã đi vào nghệ thuật. Phòng xâm của nghệ nhân Dimitri là một phòng xâm…trí thức! Doanh nghiệp của ông có 7 nhân viên tọa lạc tại vùng Saint Germain en Laye, thuộc Yvelines. Khách hàng của ông là thị dân có địa vị trong xã hội như bác sĩ, giáo sư, quan chức cao cấp… Tên tuổi ông đã ra khỏi biên giới nước Pháp và ông đã nhiều lần đi tham dự các “hội nghị” quy tụ các chuyên viên và những người đam mê bộ môn xâm. Chúng ta thử theo dõi một ca xâm nghệ thuật điển hình. Guillaume là một kỹ sư muốn có một hình xâm con rồng. Guillaume phác thảo trên giấy. Chủ và khách bàn luận với nhau. Khi cả hai đã đồng ý mới bắt đầu công việc. Hình con rồng do Guillaume chọn được thực hiện trong 20 tiếng, vẽ trong 5 hoặc 6 lần. Lúc đầu Guillaume rất đau, nhưng sau đó cái đau giảm dần, 2 giờ sau lại đau lại và phải ngừng xâm. Cứ như vậy, trong 6 lần, con rồng thành hình. Guillaume móc bóp chi ra 3000 euro. Anh rất hài lòng vì “ tôi đã có một tác phẩm nghệ thuật mang trên mình suốt đời; tôi đã biến thân thể tôi thành ý nghĩa của cái đẹp và sự cải biến thân thể là niềm khoái cảm trong con người tôi”.

Trong truyện ngắn Nhật Bổn Shisei (Xâm Mình) của Tanizaki Jun-Ichiro, viết năm 1910, do Nguyễn Nam Trân dịch, nghệ thuật xâm đã lên tới mức thượng thừa. Seikichi là một thợ xâm trẻ có hoa tay không thua gì những bậc sư trong nghề. “Trong lòng người thợ xâm hình trẻ tuổi này, từ lâu chôn giấu một khoái cảm và một khát vọng thầm kín. Khi đường kim của y gây ra những vết phồng tấy trên da và làm ứa những giọt máu đỏ tươi, hầu hết khách hàng, cho dầu là đàn ông chăng nữa, đều rên rỉ vì không chịu nổi sự đau đớn. Hễ khách hàng càng rên siết bao nhiêu, độ khoái cảm khó tả của y lại tăng bấy nhiêu. Seikichi đặc biệt thích lối xâm chấm phá và xâm son vì đó là hai lối xâm gây đau đớn nhiều nhất. Khách, sau khi mỗi ngày đã chịu trung bình hàng năm, sáu trăm mũi kim, còn phải tắm nước nóng cho ăn màu, ra khỏi bồn đều ngã quị dở sống dở chết dưới chân Seikichi, hồi lâu vẫn không lê mình nổi nửa bước. Ngay trước cảnh tượng thảm thương như vậy, mắt y lúc nào cũng chỉ ném một tia nhìn lạnh lùng.” Một bữa, Seikichi gặp người con gái đưa tin của một ca kỹ ở xóm Tatsumi. Nhìn bàn chân cô gái nhỏ buông thõng sau chiếc mành mành của chiếc kiệu, Seikichi đã khao khát và lòng khao khát biến thành một tình yêu mãnh liệt. Năm năm sau, khi người con gái tới đưa tin của cô chủ, Seikichi dù chỉ nhìn bàn chân, đã nhận ra đó là người con gái có bàn chân như một thứ ngọc quý bằng da thịt. Anh dụ được cô gái để cho anh xâm một con nhện trên tấm lưng thon nuột nà. Cô gái ưng thuận. “Thế rồi tay trái y kẹp giữa ngón trỏ, ngón giữa và ngón út nhúng mũi bút họa, tỳ lên lưng người con gái, tay phải cầm kim bắt đầu xâm. Linh hồn của người thợ xâm trẻ tuổi hòa trong mỗi giọt mực, ngấm vào da. Mỗi giọt son Lưu Cầu tan trong rượu mạnh đi vào thân thể cô gái là những giọt máu của tính mệnh y. Qua bức họa Seikichi thấy cả mầu sắc của tâm hồn mình… Mỗi lần châm một mũi, rút một mũi, người nghệ sĩ không nén được tiếng thở dài như cảm thấy đang chạm khắc lên chính trái tim mình. Dưới đường kim, dần dần hiện trên làn da hình một con nhện cái thật lớn, và khi trời bắt đầu rựng sáng thì con vật tám chân yêu ma này đã bắt đầu bò trên khắp chiếc lưng.”

Xâm nghệ thuật như vậy, cần chi nhỉ! Ở Việt Nam, các cô các cậu choai choai cứ xâm mình thoải mái. Xâm bất cứ hình gì. Con trai thì hình rồng hình hổ, hình rắn hình đầu lâu. Các nàng thì bướm, bông hồng, cá thỏ, trái tim…Cứ loạn cả lên. Cá sấu bò trên ngực như muốn chui vào trong núi cùng đồi. Bướm bay trên bụng như đang muốn rúc vào vườn hoa. Đó là xâm…chơi.

Thêu chân mày là xâm… đẹp! Gọi là xâm nhưng đây không phải là xâm tuy lông mày cũng đứng vững với thời gian. Bác sĩ thẩm mỹ chụp lên mắt khách hàng hai chiếc nắp có màu sáng bạc để giữ mắt cho yên rồi dùng một dụng cụ giống như cây bút mực, có gắn một cây kim đặc biệt để vẽ từng sợi lông mày theo chiều xuôi về cuối đôi mắt. Các mũi kim không đâm sâu vào da mà chỉ ấn nhẹ khoảng từ 2 đến 3 ly nên khách không cảm thấy đau, không chảy máu và cũng không sưng. Bác sĩ Ngô Anh Kiệt, trưởng Khoa Thẩm Mỹ Bệnh Viện Trưng Vương ở Saigon cho biết là kỹ thuật “phun thêu” khác xâm ở chỗ có thể làm đậm nhạt để nổi lên từng sợi khiến nhìn tự nhiên và giống lông mày thật hơn. Nhưng thứ lông mày nhân tạo này chỉ bền được vào khoảng 3 năm.
Làm tới nữa là phun hồng nhũ hoa. Vì đây là phần nhạy cảm nên phải tiêm thuốc tê trước khi hành sự. Thẩm mỹ viên dùng máy có gắn đầu kim đã chấm màu hồng di quanh quầng nhũ, từng chút, từng chút một, thỉnh thoảng lại chấm thêm màu, cho tới khi cả vùng nhũ được phủ kín đầu kim. Thường thì mất khoảng 2 tiếng nhưng tùy thuộc vào hình dáng, kích thước và độ đậm nhạt của nhũ hoa mỗi người. Làm đẹp kiểu này nhất định phải đau nên khách thường được cho uống thuốc để tránh nhiễm trùng và giảm sưng. Cái giá phải trả sau đó hơi đắt. Quầng nhũ sẽ sưng và đau trong khoảng 2 tháng. Rất khó mặc áo lót. Phải liên tục bôi thuốc mỡ, uống thuốc chống sưng, tránh nước, kiêng ăn tanh, ăn thật nhiều hoa quả, đi lại nhẹ nhàng. Đó là không kể nhiều khi gặp biến chứng gò bồng đảo phồng lên và rựa nước. Hậu quả lâu dài hơn là nếu sanh sẽ không thể cho con bú vì đầu nhũ hoa đã bị tổn thương. Cay đắng như vậy mà tuổi thọ của loại phun này chỉ được khoảng 2 năm với điều kiện là không sinh nở bởi vì khi có thai nhũ hoa đương nhiên biến màu!

Mực xâm thấm vào người có hại chi không nhỉ? Tại hội nghị hàng năm của Hội Hóa Học Hoa Kỳ ngày 13 tháng ba vừa qua tại San Diego, một tường trình về kết quả nghiên cứu trên 17 thứ mực xâm đã cho biết là trong mực xâm có chứa nhiều kim loại nặng. Hội Nghị cũng đặt vấn đề về những công phạt của mực xâm như dị ứng, chỗ sưng cảm thấy như bị phỏng khi chụp hình MRI hay mực xâm nhập một vài vùng trong cơ thể như phổi chẳng hạn.

Xâm, OK. Nhưng cuộc sống của mỗi con người đâu có phải lặng lờ như một hồ nước thinh lặng. Yêu có khi hết yêu. Tên người tình cũ đã ngất ngưởng trên da thịt, để yên được chăng? Trẻ người non dạ ham vui xâm lung tung trên hình hài, tới khi muốn kiếm việc hay làm ăn đứng đắn, những vết xanh đỏ trên người cũng là một chướng ngại chứ!

Tuổi tác theo năm tháng quàng lên người, tới một lúc nào đó thấy vết xâm trên người trở nên dị hợm chứ! Có nhiều lý do để một ngày nào đó dân xâm mình phải nghĩ tới chuyện tẩy vết xâm đi. Cũng chua cay lắm! Thông thường trước đây, khi muốn xóa hình xâm, người ta có thể xâm phủ chồng lên hình xâm cũ để lấp đi hoặc tạo hình xâm mới; cắt bỏ lớp da xâm và may lại; mài sâu vào da hoặc dùng acid, dùng nhiệt hay muối để phá lớp da có mực xâm bên dưới. Những trò này ít nhiều đều để lại vết sẹo rất mất thẩm mỹ. Ngày nay người ta dùng tia laser để xóa xâm. Xóa xâm kiểu…hiện đại này không để lại vết sẹo trên da. Các bác sĩ thẩm mỹ hầu hết đều sử dụng các loại laser xung Q-Switched như Alexandrite, Ruby, Nd:YAG… Các tia laser loại này, khi xuyên qua da chỉ tác động phân hủy từng nhóm màu mực xâm phù hợp với bước sóng của chúng. Bước sóng 1064nm phân hủy màu đen, 532nm phân hủy màu đỏ, 585nm tác dụng với màu xanh da trời, 650nm tác dụng với màu xanh lá cây… Các mực xâm màu đen, xanh đen, đỏ dễ tẩy hơn mực màu vàng, xanh da trời, xanh lá cây. Sau khi xóa xâm bằng tia laser cần phải thoa kem chống nắng và tránh tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng để tránh bị nám da. Muốn xí xọn đi phơi thân hình ngoài bãi biển, nên quên đi!

Một thời để xâm. Một thời để xóa. Cái thời xóa coi bộ khá nặng nhọc. Vì vậy, trước khi vạch lưng, giơ bụng, ưỡn ngực, vén đùi cho mũi kim xâm chích vào, cần phải nghĩ ngợi thật kỹ.

Tôi nghĩ tới anh bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi. Khi xâm lên tay hai chữ “Sát Cộng” anh cần chi phải nghĩ. Đó là cái hào hùng của tuổi trẻ có lý tưởng. Anh không có lỗi. Lỗi là ở cái tình thế tồi tệ của cuộc chiến. Cái lỗi chung chung như vậy, có ai lại giơ lưng ra chịu nhận. Trừ ông Cai Lê Văn Phúc, người đã hiên ngang giấy trắng mực đen tự nhận “Tôi Làm Tôi Mất Nước”! Chỉ tiếc có một điều là tại sao nước không mất chậm một tý để anh bạn tôi được hưởng ơn mưa móc của tia laser! Nhưng nếu như vậy thì làm sao tôi có thể nhìn thấy, như khi lần đầu tiên được nhìn vào vết sẹo trên tay anh bạn. Lần đó, tôi đã nhìn thấy lung linh qua làn nước mắt, cái dáng co ro hình chữ S của non sông đất nước được tô bồi bằng lớp da gồ lên bóng loáng!

04/2005