Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

HẠC

 

Hạc là một loại chim lớn, cẳng dài, cổ và mỏ cũng dài, tượng trưng cho sự sống lâu. Lớn và dài dĩ nhiên để chỉ những cái tồn tại lâu dài nên tuổi của những người sống lâu được gọi là tuổi hạc. Thất thập cổ lai hi! Bẩy chục cái xuân xanh coi như đã hiếm lắm rồi. Câu nói này coi bộ đã bị vượt qua cái rụp. Bẩy chục tuổi bây giờ cứ quơ tay xung quanh một cái là đã nắm được vô số. Dễ còn hơn đập muỗi! Chỉ tiêu được tăng lên. Bách niên giai lão! Nhà văn Võ Phiến cũng nghĩ như vậy.

Ra đi tuổi chẵn năm mươi
Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về
Ngàn năm  mây trắng lê thê

Đi là tức tưởi bỏ nước ra đi, về là về với mây trắng lê thê. Trăm năm đã vội về sao? Nhiều cụ không chịu về sớm như vậy. Chỉ nguyên tại tỉnh An Giang của chúng ta, số cụ vượt qua cái rào cản trăm năm cũng đã lên tới 89 cụ! Vô địch là cụ bà Nguyễn Thị Thạnh, sơ sơ mới có 115 tuổi, hiện sống với con cháu tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới. Đầu năm nay, 2005, cụ bị té cầu thang do sơ ý, con cháu cứ tưởng cụ không qua khỏi, nhưng cụ vẫn kiên cường sống, sức khỏe đang hồi phục. Bí quyết sống lâu của cụ Thạnh? Làm việc! Theo lời ông Phạm văn Phủ, con trai thứ ba của cụ, năm nay cũng đã 74 tuổi, thì khi còn con gái cụ Thạnh phải chăm sóc 10 mẫu đất ruộng vườn của gia đình, ngoài ra cụ còn qua tuốt bên kinh Ông Cò để làm ruộng mướn cho người khác. Chính quyền địa phương đã toan tính vận động để cụ được ghi vào kỷ lục người già nhất trong sách Kỷ Lục Guinness (lại Kỷ lục Guinness, cái thú chơi mới của nhà cầm quyền quốc nội!) nhưng giấy tờ của cụ không ổn. Ngày trước, trong căn cước thời Việt Nam Cộng Hòa có ghi cụ sanh năm 1890, thẻ chứng minh nhân dân của cụ bây giờ cũng ghi như vậy, nhưng vì nhà nghèo, căn nhà chỉ như một cái chòi nhỏ cất tạm trên cù lao, mỗi khi tới mùa nước nổi căn nhà lại chìm lỉm trong nước nên bao nhiêu giấy tờ quan trọng của cụ đều bị ngấm nước, mối mọt tiêu hủy hết. Họ cũng đã nghĩ đến việc đo tuổi xương của cụ nhưng phí tổn cao tới 15 triệu đồng (khoảng 1000 đô Mỹ) nên đành thôi.

Chính quyền tỉnh An Giang chắc không biết là bên Cuba có cụ Benito Martinez, 125 tuổi, hơn cụ Thạnh chẵn chục tuổi. Cụ này thì có giấy tờ đàng hoàng. Cụ chào đời vào ngày 19 tháng 6 năm 1880 tại Haiti. Cụ này cũng là dân nghèo, làm công nhân chặt mía, tính tình vui vẻ, ưa đùa giỡn với láng giềng và tự xưng là rất hấp dẫn đối với phái nữ! Cụ cho biết là ngoài sự làm việc đều đặn, cụ còn ăn nhiều rau và khoai, ít dùng thịt. Đó là bí quyết để cụ trở thành con hạc đầu đàn của thế giới ngày nay.

Cũng vui vẻ, ưa đùa giỡn là cụ Đoàn Văn Chấn, cũng ở An Giang, trẻ hơn cụ Benito sơ sơ có 14 tuổi. Cụ sanh năm 1894 và giấy tờ còn đầy đủ đàng hoàng. Râu tóc cụ bạc phơ nhưng trông cụ còn rất phương phi, tráng kiện. Cụ có thói quen rất tài tử là thỉnh thoảng lại vuốt tóc, chải râu trong khi nói chuyện! Chuyện cụ kể rất chi tiết và hấp dẫn. “Tui nói cô nghe, hồi đó lục bình trôi cứng sông Tiền, sông Hậu, bên này bờ không cách chi bơi qua được bờ bên kia thì lấy chi mà mò cá bắt cua! Chính quyền Pháp thuộc hồi đó cũng có nhiều biện pháp lắm, tỷ như bắt mỗi gia đình phải đóng trước bến sông một chuồng gỗ mỗi bề hai  mét. Hàng ngày gia đình nào không vớt đầy một chuồng lục bình sẽ bị phạt còn nặng hơn đóng thuế thân. Còn dưới ruộng chuột nhiều vô kể, nhà tui có năm công ruộng chưa kịp cắt, nó cắn có một đêm là rạp đồng. Mấy ông quan huyện bắt mỗi gia đình một ngày nộp hai gắp, mỗi gắp mười đưôi chuột. Mà cái thứ chuột cống nhum, chuột lang ngoài đồng đuôi nào đuôi nấy bự bằng ngón tay cái, thúi vô phương kể xiết! Mấy ông xã, ông ấp có nhiệm vụ thu gom đuôi chuột thúi chịu không nổi, lại thêm ăn của đút lót hổng chịu kiểm tra gắt gao, rốt cũng chuột vẫn hoàn chuột, lục bình thì cứ trôi đầy đồng vô phương kể xiết”. Lối nói chuyện chi tiết, mạch lạc lại thỉnh thoảng chêm sấm Trạng Trình hoặc ca dao tục ngữ miền Nam thật lý thú chứng tỏ sức khỏe cụ Chấn còn rất tốt, trí óc còn minh mẫn. Ngày Tết cụ thích ăn thịt mỡ và chê ăn thịt nạc cứ như nuốt… bao bố tời! Vì sao cụ lại… ngon như vậy? “Có gì đâu, chắc tại tui lao động nhiều, ít lo nghĩ. Mà thấy ở trong đồng trong ruộng vậy chớ tôi có thói quen nấu nước chín để uống từ năm 30 tuổi đến giờ. Đến bữa cơm thì ăn rau nhiều lắm”.

Cứ rau dưa quê mùa như thế, trăm tuổi lẻ mười một còn… thanh niên ra phết. Các cụ ở thành thị, nhất là thành thị Mỹ, bèo nhèo hơn nhiều. Trong truyện ngắn Hoa Táo của Trần Mộng Tú, cụ bà Mary Ann Harris, mới 76 tuổi, đã liệt hai chân, bầu bạn với chiếc xe lăn, thân thể tàn tạ. “Cô đi lấy một thau nước nhỏ đem đến gần cụ bà, lau mình cho cụ. Da thịt cụ mềm nhão, cô có cảm tưởng đang cầm trong tay một cái áo vải bông vừa cũ vừa rách nát, cụ đẫy đà nên ngực cụ bây giờ như hai trái dưa đã bị dập nẫu, thịt ở hai cánh tay cụ đong đưa như hai tảng mỡ sa. Nga vừa lau cho cụ vừa nghĩ ngợi miên man đến luật đào thải. Bất giác cô nhìn xuống ngực mình, bộ ngực của một bà mẹ trẻ đang cho con bú sữa con so. Cô bâng khuâng nghĩ đến thân mình một mai tuổi hạc”.

Tuổi hạc, cái tuổi chỉ ước mong được yên ổn nhiều khi cũng chẳng dễ. Bệnh tật chúng đã chẳng tha hạc, cái xã hội văn minh đầy thủ tục nhiêu khê nó cũng hành hạ hạc đến xơ xác. Cụ bà Cui Yu Hu, niên kỷ đã 104, mười năm trước đây, từ Trung Quốc sang Úc thăm con với visa du lịch có thời hạn 12 tháng. Hết hạn cụ về nhưng chẳng có hãng máy bay nào chịu đưa cụ về vì cụ quá già và ốm yếu. Thế là cụ phải ở lại Úc một cách bất hợp pháp! Tuy cư trú bất hợp pháp nhưng năm nay cụ vẫn nhận được thư chúc mừng sinh nhật 104 tuổi của Thủ Tướng Úc J. Howard. Chúc mừng nhưng luật vẫn cứ là luật, một phiên tòa diễn ra tại Melbourne, nơi cụ cư trú vào đúng ngày Phụ Nữ 8/3 vừa qua đã bác bỏ đơn thỉnh cầu cuối cùng của cụ xin được cấp visa thường trú với lý do là cụ đã ở quá lố thời hạn được phép. Dù Tổng Lãnh Sự Trung Quốc đã can thiệp với lý do cụ không còn thân nhân chăm sóc ở quê nhà nhưng Tòa vẫn bác bỏ. Hiện vẫn chưa rõ giới chức Úc sẽ trục xuất cụ như thế nào! Dễ ợt! Nếu tôi là ông Tòa ở Úc, tôi sẽ cứ bình tĩnh ngồi trên lưng rùa mà chờ. Chẳng cần trục xuất cũng chẳng cần hãng máy bay nào chuyên chở cả. Sớm muộn gì hạc vàng cũng rước cụ về trời!

Các chuẩn… hạc của Mỹ càng ngày càng nhiều. Theo báo cáo của Trung Tâm Thống Kê Y Tế Quốc Gia (National Center for Health Statistics) thì trong năm 2002, tuổi thọ trung bình là 77.3. Qua năm 2003 tăng lên 77.6. Hạc bà thọ hơn hạc ông. Tuổi thọ trung bình của các bà là 80.1 so với các ông chỉ có 74.8. Sự tăng thêm tuổi thọ này là kết quả của sự giảm bớt 8 trong số 15 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Ba căn bệnh thanh toán các cụ hàng đầu là bệnh tim, ung thư và tai biến mạch máu não đã giảm tử suất từ 2.2% đến 4.6%. Nhưng tử suất do những bệnh Alzheimer và Parkinson, hai căn bệnh thường cặp kè với tuổi già lại gia tăng trong năm 2003.

Hạc Mỹ không ngon bằng hạc các nước khác. Theo ghi nhận của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì tuổi thọ bình quân cao nhất là tại Nhật với tuổi trung bình là 81.9, Monaco với 81.2, San Marino và Thụy Sĩ với 80.6, Úc với 80.4, Andora là 80.3, Iceland với 80.1. Ngoài ra đứng cao hơn Mỹ còn  có các nước Áo, Bỉ, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Do Thái, Ý, Lục Xâm Bảo, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Tây Ban Nha và Anh. Tại  Nhật Bản có tới 23 ngàn cụ hạc và trong 5 năm qua, số hạc đã tăng gấp đôi khiến cho Liên Hiệp Quốc đã phải dự phóng là tới năm 2050, Nhật sẽ có gần một triệu hạc vui vầy với con cháu một cách mạnh khỏe. Theo cuộc kiểm kê dân số vào năm 2000 thì tại Mỹ có 50.454 cụ trên trăm tuổi. Riêng tại Canada, theo kết quả cuộc kiểm kê dân số năm 2001, thì có cả thảy 3795 cụ trên trăm tuổi. So với cuộc kiểm kê trước vào năm 1996 đã gia tăng 21%.

Hai cái hạc ngày xưa chắc chẳng ai trong chúng ta không biết là Khổng Tử và Tô Đông Pha. Vào thời của Khổng Tử, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là 30. Vậy mà Khổng Tử chơi một đường hạc tới 73 tuổi mới gẫy cánh. Cứ thử so sánh với tuổi thọ trung bình ngày nay là 80 thì Khổng Tử, nếu sống vào  thời của chúng ta bây giờ, sẽ hạc tới… 192 tuổi! Nhờ đâu mà bậc Vạn Thế Sư Biểu…vạn tuế đến như vậy? Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử đã viết như thế này: “Quân tử có ba chặng đời. Niên thiếu huyết khí chưa định, tránh sắc. Tráng niên huyết khí sung mãn, tránh đấu. Lão niên huyết khí suy nhược, tránh đắc.” Sắc là… đánh cờ người. Còn nhỏ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ chẳng nên gầy cuộc cờ! Đấu là tính hiếu thắng. Máu hăng trong người đang bừng bừng, chẳng nên như gà chọi, bạ đâu đá đấy. Y học ngày nay xếp tính hiếu thắng vào loại hình A. Người có loại hình này thường có tỷ lệ cao huyết áp rất lớn do thường xuyên sống trong tâm trạng căng thẳng. Đắc là… ham hố. Già rồi, các chức năng cơ thể đã suy yếu, cả thể lực lẫn tinh lực đều sắp cạn kiệt, cần tránh chẳng nên tham muốn quá độ có thể dẫn đến lao tâm, lao lực, có hại cho sức khỏe và tuổi thọ.

Thi hào Tô Đông Pha, tác giả bài Tiền Xích Bích Phú nổi tiếng, sống vào đời Tống bên Trung Hoa, thọ 75 tuổi, trở thành hạc vì ông đã tự giữ được sinh hoạt điều độ, tiết chế ẩm thực “mỗi bữa không dùng quá một chén rượu, một miếng thịt”. Ngoài ra ông sống rất lạc quan, ham vận động. Cuộc đời ông bẩy nổi ba chìm, mấy lần bị hạ ngục. Vậy mà, ngay trong ngục thất ông vẫn tập luyện đều đặn, giữ tâm trí thảnh thơi, tinh thần sáng suốt. Ông không hề buồn chán, phiền muộn, thích ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, giữ được cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Ông để lại cho người đời sau hai… mẹo vặt. Dùng lược chải trên da thịt để tăng sức khỏe và xoa chân. Xoa chân là điều ông tâm đắc để lại cho hậu thế nhất. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ và thức giấc buổi sáng, ông đều ngồi trên giường, nhắm mắt, co từng bàn chân đặt lên đầu gối chân kia, dùng lòng bàn tay xoa mạnh gan bàn chân mỗi bên chừng 200 lần. Y học ngày nay cũng đã hiểu được thâm ý của Tô tiên sinh: xoa gan bàn chân có thể góp phần trị được nhiều bệnh như thiếu máu, tiểu đường, yếu sinh lý, đau lưng…

Bạn nào mặn truyện Tầu như Càn Long Du Giang Nam chẳng hạn hẳn phải biết ông vua đời nhà Thanh này. Ngài cũng… hạc đấy. Hạc còn hơn cả Khổng Tử và Tô Đông Pha. Thọ sơ sơ tới 89 tuổi lận! Bí quyết của vua càn Long cũng là xoa vuốt như Tô Đông Pha nhưng vị vua hạc này xoa vuốt bạo hơn. Thuật dưỡng sinh của Ngài là mười điều phải làm thường xuyên: răng thường đánh, bọt thường nuốt, tai thường rung, mũi thường vuốt, mắt thường đảo, mặt thường xát, chân thường vuốt, bụng thường xoa, chi thường duỗi, hậu môn thường động!

Còn Hoa Đà? Ông thầy thuốc của các thầy thuốc sống vào đời Tam Quốc bên Tầu này cũng thọ ra gì. Khi lâm chung, tai ông vẫn thính, mắt vẫn tinh, tóc không một sợi bạc! Học trò của ông là Ngô Phổ cũng hạc đến trăm tuổi. Bí quyết của ông là tập luyện. Ông được hai vị tiên trên núi truyền cho y thuật cao siêu và phép tập luyện phỏng theo tư thế của năm loài muông thú là hổ, hươu, gấu, khỉ và hạc, gọi là “ngũ cầm hý”! Đây là bài luyện khí công cao cấp, kết hợp nhịp nhàng giữa vận động gân cơ với luyện thở, lấy khí công dẫn dắt các cơ quan nội tạng, điều hòa trạng thái hoạt động cho cân bằng, khiến cơ thể tráng kiện, như trẻ lại, kiềm chế quá trình lão hóa.

Trăm năm cuộc sống, ăn thua chi! Con người có thể sống lâu hơn nhiều nữa! Mọi động vật đều sống gấp 7 lần thời gian phát dục. Vậy mà loài người chỉ được từ 3 đến 4 lần! Điều này có nghĩa là con người, qua quá trình tiến hóa, đã đánh mất đi một nửa tuổi thọ! Làm sao lấy lại được cái nửa tuổi thọ quý giá đã đánh rơi mất kia? Các nhà khoa học đã tìm ra là trong quá trình chuyển hóa thức ăn, cơ thể sinh ra phần nhiều oxy tam bội có dạng phân tử, rất bền. Nhưng cũng có một phần nhỏ oxy đơn bội có dạng các gốc tự do, không bền, gọi là gốc tự do nội sinh. Ngoài ra, cơ thể cũng bị các gốc tự do ngoại lai ngoài môi trường xâm nhập vào. Mỗi ngày gốc tự do va chạm vào các tế bào khoảng một ngàn lần, tạo ra các phản ứng oxy hóa dây chuyền, phá hủy cấu trúc màng tế bào, làm tổn thương phân tử ADN, gây lão hóa. Muốn ức chế hay trung hòa các gốc tự do, người ta tìm ra được công dụng của selen, vitamin E, A, C, polyphenolflavonoid. Chúng làm chậm quá trình lão hóa. Trong các chất này, quan trọng hơn cả là selenvitamin E.

Nhưng chính con người cũng có thể góp phần vào việc tự chống quá trình lão hóa bằng cách tổ chức hợp lý việc sinh sống và ăn uống. Tạo môi trường sống trong lành để hạn chế sự xâm nhập của các gốc tự do ngoại lai, ngăn ngừa stress để tăng sức đề kháng. Về ăn uống, phải hợp lý. Không phải cứ ăn nhiều là tốt đâu! Ăn nhiều, tế bào phải làm việc nhiều và, dĩ nhiên, tạo ra nhiều gốc tự do. Nên chọn những thức ăn gây no nhưng ít năng lượng. Khi ăn vừa đủ năng lượng, gốc tự do sinh ra ít, không gây quá tải cho quá trình tự xử lý của cơ thể. Người ta đã thử làm thí nghiệm cho chuột ăn một khẩu phần bằng 50% năng lượng cần thiết và đã kéo dài được 40% tuổi thọ của chúng.

Tập luyện thể dục thường xuyên cũng là một phương cách tốt. Nó giúp duy trì sự linh hoạt, dẻo dai, tạo sự cân bằng, làm cho đầu óc lanh lợi và làm cho hệ thống tim mạch luôn khỏe mạnh.

Phụ nữ sinh nở vào độ tuổi từ 30 đến 40 thường có khả năng… hạc hơn những người sinh nở sớm. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy số người sanh đẻ lần đầu ở tuổi 40 sống được trên trăm tuổi cao gấp 4 lần so với mức bình thường.

Ngủ rất cần thiết. Ai cũng biết vậy. Giấc ngủ giúp phục hồi các tế bào bị tổn thương hàng ngày mà nếu không được phục hồi sẽ làm tê liệt chức năng của các cơ quan. Nhưng ngủ mỗi đêm bao nhiêu giờ thì tốt? Một cuộc điều tra gần đây của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ cho thấy những người ngủ trung bình 7 giờ một ngày là nhóm có tỷ lệ tử vong thấp nhất. Tuy nhiên nếu ngủ quá nhiều lại có hậu quả tệ hại hơn là ngủ ít! Thí dụ ngủ mỗi đêm 9 tiếng thì nguy hiểm hơn là ngủ 4 tiếng! Đó là điều chúng ta ít ngờ tới.

Cũng ít ngờ tới là sinh hoạt tình dục cũng là một yếu tố rất quan trọng. Giáo sư Jean Woo thuộc trung tâm lão hóa San Po, Hương Cảng, cho biết là sự kích thích ham muốn cuộc sống lứa đôi ở tuổi già là một yếu tố hỗ trợ quan trọng cho việc tăng tuổi thọ. Một nghiên cứu của Anh cho thấy là những người trong độ tuổi 45 đến 59 tí toáy ít hơn một lần một tháng có nguy cơ tử vong gấp đôi những người cứ phăng phăng hai lần một tuần!

Ông già số dzách một hôm
Chép câu đậu khấu bao hàm mãn khai
Nhớ quên bao nét mày ngài
Rồng bay xuôi ngược tuyệt tài ngữ ngôn.
(Bùi Giáng)

Hạc mà oai phong như rồng như phượng như vậy mới là hạc. Hạc mà củ rủ củ rù như gà nuốt dây thung thì chán mớ đời! Nhưng oai phong được mấy người? Già cả thường cô đơn buồn chán. Con cháu người nào có việc đó, cuộc sống ngày nay như cái roi mây quất vào mông ngựa, cứ phải hộc tốc chạy đua với thời gian mà sống, lấy đâu thời giờ kề cận bên những hạc ông hạc bà đang cần sự an ủi của người khác. Sự gì con cháu không làm được thì đã có… búp bê làm dùm. Hãng sản xuất đồ chơi Nhật Bản Tomy vừa tung ra thị trường 8000 búp bê Yumel ( tiếng Nhật có nghĩa là Giấc Mơ) để bầu bạn với các cụ già người Nhật. Búp bê này có bộ nhớ gồm 1200 cụm từ để thủ thỉ với các cụ. Cao 37 phân, trông giống như một bé trai đang buồn ngủ, búp bê được trang bị 6 bộ phận cảm biến và một IC để kiểm soát giờ ngủ của chủ. Người ta có thể cài đặt sẵn trước giờ ngủ và giờ thức dậy của búp bê phù hợp với giờ giấc của chủ. Buổi sáng thức dậy búp bê líu lo. “Chào buổi sáng ông/bà!”. Buổi tối, nếu cụ chủ đi ngủ sớm, chưa chơi đủ giờ với búp bê, nó sẽ hỏi. “Sao ông/bà lại vội vàng đi ngủ thế?”. Khoảng 500 khách hàng đã gửi lời nhận xét về cho hãng sản xuất sau khi đã dùng thử búp bê Yumel. Đa số đều hài lòng và cho biết chú nhỏ này đã thay đổi đời sống của họ đến thế nào. Nhiều người đã rất thương mến Yumel khi em bày tỏ nỗi bực bội bằng những câu hỏi rất dễ thương, ngủ kề bên với em và nghe những câu nói an ủi đúng lúc của em.

Các cụ hạc của chúng ta chưa được hưởng cái thú chơi búp bê này vì các cụ chưa biết tiếng Nhật! Nhưng nếu biết tiếng Anh thì có lẽ một ngày gần đây các cụ có thể nựng nịu trong tay một đứa cháu… bản xứ! Có cháu vui vầy bên cạnh mà chẳng phải tã lót gì! Còn gì sung sướng cho bằng tối tối, tới giờ đi ngủ, cháu búp bê rũ mí mắt xuống, khẽ kề vào tai các cụ thì thầm: “Chúc ông /bà ngủ ngon!”

Suỵt! Hãy im lặng cho bầy hạc ngủ yên!

03/2005