Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

HĂNG

 

Con bọ xít, tôi biết từ thuở ấu thơ. Đó là một loại côn trùng, hình dạng xấu xí, màu sắc ảm đạm, hôi thì hết biết. Chạm tay vào nó, ngón tay hăng lên mùi hôi. Giết nó chết, mùi hăng bốc lên còn bạo hơn nữa. Hung hăng con bọ xít, dễ hiểu! Nhưng còn hăng tiết vịt thì tại sao? Tiết canh vịt, ăn tới đâu, lục phủ ngũ tạng nở ra tới đó. Ngon hết biết. Tiết vịt đã theo chân chúng ta ra tới hải ngoại. Nơi nào có đông người Việt, nơi đó có tiết canh vịt. Thành phố tôi ở cũng có tiết canh vịt, tuy không ê hề như ở Little Saigon. Tiết canh vịt, chơi thêm một ly đế hay một chai la ve, mềm cả môi miệng. Có hăng chỗ nào đâu? Cắt tiết vịt, nhổ mớ lông ở cổ, nắn nắn cho đúng mạch máu cổ, cứa lưỡi dao sắc lẻm, tiết phọt ra có vòi. Vịt có hung hăng dẫy lên cũng là chuyện thường. Nhưng đầu, cánh, chân đã bị bàn tay con người khóa hết, cái dẫy cuối đời cũng chỉ nhẹ nhàng như một cái rướn mình. Hăng chỗ nào đâu? Tức khí, mở từ điển ra tra, cũng chỉ nhận được lời ghi ngắn gọn: sôi nổi bồng bột trong chốc lát (hàm ý châm biếm). Con vịt vẫn còn ngơ ngác không hiểu tại sao nó lại sa vào chốn hung hăng này!

Hung hăng là sao? Trên chuyến bay số TS 175 của hãng hàng không Air Transat bay từ San André Island, thuộc Colombia, tới Montréal mới đây, bọ xít đã bay ra. Chuyến bay dài gần 7 tiếng đồng hồ, chỉ còn khoảng một tiếng nữa thì hạ cánh, hai bọ xít cái bỗng... hăng! Sau bữa ăn, một bà gục đầu trên bàn để khay trước mặt ngủ. Bà ngồi ghế trên, cũng buồn ngủ, ngả ghế ra sau nằm. Chiếc bàn để khay của bà ngồi sau dính vào lưng ghế của bà ngồi trước. Bà ngủ trên bàn để khay bỗng bị đập đầu, hét toáng lên, chửi bà ngồi trên. Bà ngồi trên chửi lại. Hai bà gang miệng ra hợp tấu hết mức. Một bà thuộc một đoàn du lịch gồm 40 người đi chung nên được đoàn này hỗ trợ gây nên một cái... chợ. Phi công hoảng hồn trước tình trạng rối trật tự vội điện báo về cho trạm không lưu Montréal thông báo máy bay có thể phải hạ cánh khẩn cấp sớm hơn. Cuối cùng, nhờ sự can thiệp tích cực của phi hành đoàn, tình thế tạm lắng dịu, máy bay đáp xuống an toàn. Hai con bọ xít cái, một 19 tuổi một 25 tuổi, không được an toàn. Họ bị truy tố ra Tòa về tội có những hành động đe dọa tính mạng người khác. Bộ Trưởng Vận Tải Canada Jean Lapierre, nhân dịp này, đưa ra lời cảnh cáo các hành khách đi máy bay, nếu có những hành động gây nguy hiểm cho khả năng điều khiển phi cơ của phi hành đoàn sẽ bị khép vào tội hình!

Hung hăng là sao? Ngày 9 tháng 12 vừa qua, chuyến bay của hãng hàng không United Airlines đã hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất đánh dấu lần đầu tiên, sau 30 năm gián đoạn, máy bay thương mại Mỹ trở lại Việt Nam. Nhân biến cố này, phóng viên đài BBC đã gọi điện thoại về phỏng vấn Tổng Giám Đốc Hàng Không Việt Nam Nguyễn Xuân Hiển. Phóng viên hỏi: “Mỹ đã bay chuyến đầu tiên vào Việt Nam, liệu Hàng Không Việt Nam có tính mở chuyến bay qua Mỹ không?” Ông Hiển trả lời cộc lốc: “Tôi không muốn!”. Phóng viên BBC hỏi dồn: “Phải chăng Việt Nam sợ vấn đề cạnh tranh?” Ông Hiển hăng tiết vịt: “Sao anh lại ăn nói thiếu văn hóa thế, sao lại bảo là tôi sợ? Anh ra khỏi nước lâu nên nói thiếu văn hóa!”. Và để dọa anh phóng viên, ông Hiển thêm: “Anh nhớ rằng tôi đang ghi âm cuộc nói chuyện này đó nhé!” Đó là cung cách của một con bọ xít chưa thức tỉnh trong thế giới văn minh!

Hung hăng là sao? Trong truyện ngắn Những Người Ngủ Muộn, nhà văn Trang Châu đã vẽ ra một con bọ xít tên Hợp, nguyên Trung Úy ngày xưa. “Hợp chỉ có tài chỉ tay năm ngón. Tính nó lại độc tài và cộc. Thêm vào đó nhậu một tí vào là hay to tiếng gây gổ. Thất thế nhưng nó không chịu lép vế. Không còn mang lon nó vẫn không bỏ cung cách của một ông sĩ quan chuyên ra lệnh và không ngừng coi vợ như một thượng sĩ thường vụ. Cho đến một hôm vợ nó quá mệt mỏi lớn tiếng chỉ trích con người vô tích sự của nó. Hợp nổi đóa đánh vợ. Bất ngờ có anh chàng Ấn độ hàng xóm cao bự bất bình vì chuyện hành hung đàn bà nhảy vào can thiệp. Nó giận dữ bỏ đi. Rồi khi nguôi giận tính trở về thì đã muộn. Vợ nó đã đâm đơn xin ly dị. Và anh chàng Ấn Độ hào hiệp đã nhảy vào thế chỗ của nó.”( Văn Học, số 222, tháng11 và 12/2004).

Hung hăng là sao? Trên xa lộ trong giờ tan sở, tôi đang lái xe về nhà. Đường kẹt cứng, nhích từng chút. Tôi chớp đèn đổi lane tính ra exit. Anh Tây lái xe trên xe tôi cũng chớp đèn. Chiếc xe tải cồng kềnh phía lane bên phải vừa chạy qua xe tôi. Tôi vội lách sang nhưng cũng giữ tốc độ chậm lại nhường cho xe trên ra trước mặt xe tôi. Anh Tây lách qua rồi thắng gấp trước xe tôi. Tôi vội thắng lại, tưởng có chuyện gì trước mặt. Phóng nhanh được vài thước anh Tây lại thắng gấp. Tôi lại phải vội thắng theo. Cứ như vậy vài lần, tôi mới vỡ lẽ ra là anh ấy tức vì tôi dám lách xe ra trước anh ta. Tôi bóp còi lia lịa cho anh chấm dứt cái trò nguy hiểm ti tiện ấy đi. Anh quay kính xe, trừng mắt như muốn nuốt sống tôi rồi mới đi đứng đàng hoàng lại. Nếu anh ấy hung hăng hơn, mở cửa xe bước ra, chắc sẽ có chuyện. Nhưng chắc cũng chẳng có chuyện gì đâu, vì anh Tây cao to hơn tôi nhiều! Hung hăng cỡ đó chứ hung hăng nữa tôi cũng nhường!

Đời sống thường thản nhiên bầy ra cho chúng ta những điều bất như ý. Như khi đang lái xe trên xa lộ, một anh chàng hung hăng phóng xe như bay, đổi lane lia lịa, cúp đầu xe chúng ta. Hay chúng ta đang vội tới một cuộc hẹn quan trọng, một cuộc phỏng vấn xin việc làm, mà đường xá bị kẹt, xe cộ nhích từng chút, biết bao giờ mới tới nơi hẹn? Hoặc chúng ta đang xếp hàng trả tiền trong một siêu thị, bỗng một khách hàng chen ngang vào tính tiền trước, tức khí chứ! Chúng ta thường dễ nổi xung  trước những điều mà chúng ta cho là... khiêu khích đó. Nếu trong người chúng ta, tiết vịt đã có sẵn, chúng ta phản ứng liền. Phóng xe theo rượt, cúp đầu chiếc xe hỗn láo kia lại; luồn lách, bóp còi, lầu bầu chửi thề luôn miệng trong biển xe bị kẹt; hoặc nắm áo anh chàng vô trật tự không chịu xếp hàng kia kéo lại! Nhiều khi bầu máu nóng  bốc lên sôi sùng sục, chúng ta không kiểm soát được lời nói, cử chỉ của chúng ta, khiến dễ vượt quá lằn mức, nhiều phần sẽ được giao du với cảnh sát. Phiền!

Muốn khỏi phiền, chúng ta cần tự chế. Nhà tâm lý học Richard Driscoll cho rằng có nhiều người nổi giận nhưng không hề nhận ra tại sao mình giận. Nộ khí sung lên, mặt mũi căng cứng, chửi vung xúc xích, miễn sao cho hả cơn giận của mình là được. Nếu tạm dẹp được anh Trương Phi nóng tính trong người, tự hỏi thầm vài câu hỏi sau để biết mình đang giận tới đâu. Mình có thường xuyên có cảm giác như mình bị người khác ngược đãi không? Mình có thường cho rằng những chuyện xảy ra chung quanh là do người ta cố ý nhắm vào mình không? Mình có hay than phiền không? Mình có hay thổi phồng mọi chuyện một cách quá đáng không? Trả lời được những câu hỏi này, nhiều phần nguyên do khiến mình hung hăng bất tử đã ló rạng. Biết được nguyên do, nếu bạn thành thật với mình, thì có khi sự tức giận đã đi chỗ khác chơi rồi! Lúc đó bạn đã có đủ bình tĩnh để sẵn sàng nói chuyện với người mình giận. Có đối thoại vấn đề sẽ được giải quyết một cách suông sẻ trong thân tình.

Một trong những lý do khiến một người dễ hung hăng là tự cho cái tôi to quá. Tôi chỉ biết tôi, mọi người khác là thứ yếu. Tôi muốn thế này, tôi muốn thế kia, người khác phải chiều theo ý tôi. Những người nghĩ như vậy luôn luôn vác mặt lên trời, kênh kiệu với những người khác. Những con sâu cái kiến chung quanh chẳng coi ra cái thá gì. Ta muốn dày xéo lúc nào thì dày xéo, chẳng phải quan tâm tới những thứ bèo bọt này.

Tiền bạc cũng dễ làm con người tự đưa mình lên cao hơn người khác. Tôi có tiền, tôi sang trọng, hà cớ gì tôi phải xếp hàng chung với những đứa rớt mùng tơi chung quanh tôi? Nhưng có bao giờ bạn nghĩ lại chút xíu. Tiền bạc là thứ ở ngoài con người mình. Nó không thay thế được nhân cách. Nó cũng không ở với chúng ta lâu bền được. Có đó nhưng nó bỏ chúng ta ra đi lúc nào không biết. Lại nữa, như thế nào là nhiều? Tôi có một, nhiều người có trăm, có ngàn, vội vơ cái hão huyền làm mày làm mặt làm chi?

Hung hăng là cách rước tật bệnh vào người. Theo một nghiên cứu của Đại Học Harvard thì, ở nam giới, người thường xuyên nổi sung sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp ba lần những người đằm tính. Nơi phụ nữ, những cuộc cãi vã tóe lửa với người khác sẽ làm tăng kích thích tố và làm giảm sự miễn dịch trong cơ thể. Điều này làm họ dễ mắc bệnh ung thư hơn.

Hung hăng, nó như một cái van xả khiến các kích thích tố tàn phá hệ tuần hoàn và hệ thống miễn nhiễm của con người. Khi ta hung hăng giận dữ quá mức, tuyến thượng thận sẽ tiết ra adrenalincortisol nhiều hơn mức bình thường. Hai hormone này sẽ làm cho nhịp tim đập mạnh, huyết áp tăng nhanh, hệ thống miễn dịch yếu đi. Hormone tăng quá mức cũng khiến tiểu huyết cầu trong máu kết thành khối và chất béo đi vào máu trong cơ thể. Lúc đó năng lượng dư thừa không được sử dụng tới, gan sẽ chuyển hóa chất béo thành cholesterol. Chất này tăng quá mức sẽ đóng mảng trên động mạch, dần dần theo thời gian nó là hiểm họa gây ra bệnh tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn với những ai luôn luôn  có thái độ thù địch với những người chung quanh.

Lởn vởn quanh chúng ta hàng ngày có những khuôn mặt bao nhiêu gân trong người dồn hết lên mặt, bao nhiêu máu trong người biểu tình trên má, cổ như có một cái đai sắt đóng cứng làm mặt vênh lên. Trông không khá được. Họ chiếm khoảng 20% trong số nhân loại quanh chúng ta. Số 20% khác là những người thuộc loại hiền lành. Số còn lại thì làng nhàng bậc trung. Làm sao chúng ta có thể biết được mình có thuộc 20% số người luôn muốn cà khịa với cuộc đời chung quanh kia?

Theo ông Redford Williams, Giám Đốc cơ quan Behavioral Medecine Research Center thuộc Duke University Medical Center ở North Carolina, thì những người dễ nổi giận hay có những trạng thái thông thường sau đây: độc tài, bi quan, hung hăng, cay độc, khích bác, nhạo báng, hay nghi ngờ và không tin tưởng người hay việc làm của kẻ khác. Những anh bọ xít này thường dương dương tự đắc muốn hành động, đối xử với người khác sao cũng được. Người khác phải lép vế. Cùng với cơn giận, họ càng lúc càng nâng mình lên cao, lên tới không biết dừng lại ở mức nguy hiểm.

Muốn được an toàn, tất cả mọi người cần phải học cách làm sao để đối phó với cơn giận. Dĩ nhiên, bầy tỏ hay kiềm chế sự tức giận đều không tốt cho sức khỏe. Theo các chuyên viên tâm lý thì trước tiên chúng ta phải biết chế ngự cảm xúc của mình  để làm thế nào cho không nổi nóng. Qua một nghiên cứu mới đây ở Stockholm, Thụy Điển, với 5700 người, cả nam lẫn nữ giới, từ 15 đến 64 tuổi, người ta ghi nhận rằng nếu những nhân viên có thể giải quyết một cách cởi mở với chủ nhân về cách đối xử bất công khi đã giữ được bình tĩnh thì họ ít bị huyết áp cao so với những người tự tức tối hay giận dữ để sa vào tình trạng hung hăng.

Trong một cuộc nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Health Psychology vào năm 2000, những bệnh nhân bị đau tim ở Canada sau khi tham dự lớp huấn luyện cách kiềm chế cơn giận dữ thì huyết áp của họ giảm xuống rất nhiều.

Phương cách cổ điển để kiềm chế con bọ xít trong người vẫn là ngừng lại, đếm từ 1 đến 10, uống một ly nước lạnh và ra ngoài đi bộ. Máu tiết vịt trong người sẽ dịu xuống, mọi sự sẽ nhẹ nhàng đi, con người sẽ bình tĩnh, suy nghĩ và đánh giá lại mọi việc. Cơn bão bỗng nguội đi thành một cơn mưa nhỏ, ướt mình chút đỉnh, có chết con vịt nào đâu!

Đồng nghiệp của tôi có một anh võ sĩ nghiệp dư. Anh hay chỉ cho các đồng nghiệp bằng cách biểu diễn những cú đấm nhanh lẹ và chính xác vào khoảng không trước mặt. Có lần tôi nửa đùa nửa thật hỏi Jean là có khả năng đánh đấm như vậy chắc dễ đưa con người tới sự hung dữ lúc nào cũng muốn đè bẹp người khác. Anh cười bảo không phải vậy đâu. Khi mình có một sức mạnh, mình tự tin hơn và dễ nhân nhượng với người khác hơn. Nghe vậy thì biết vậy nhưng tôi đã quan sát lối sống của anh. Thấy anh khá ích kỷ. Anh không cần biết đến người chung quanh. Anh hành động như một người muốn mọi người phải công nhận cái vị trí biết nhả những cú đấm của anh. Qua anh, tôi vẫn không xóa bỏ được ý nghĩ võ đài chỉ là nơi người ta được trả tiền để bán cái hung hăng trong sự cổ võ của những người thích bộc lộ cái man dã trong con người mà họ cố giấu giếm trong cuộc sống thường nhật. Đó không phải là một môn thể thao như những môn thể thao khác.

Nghĩ như vậy nên tôi rất tò mò khi đọc bài Đấm bốc Và Giảng Đường Đại Học của Giáo Sư Gordon Marino trên mạng Talawas, Ông là một giáo sư khá đặc biệt: ông vừa giảng dậy triết học trên Đại Học vừa dậy đánh bốc. Ông bị các giáo sư khác  chỉ trích vì “làm sao một người mang chí hướng phát triển trí tuệ lại dính dáng tới một thứ thể thao mà học sinh đấm vỡ óc nhau?” Để... giải độc, ông lý luận là “ ra đấm và chịu đấm giúp anh cảm thấy an toàn hơn trong cuộc đời, và rằng người nào không dễ bị kẻ khác đe dọa thì nói chung ít đe dọa kẻ khác hơn”. Gordon  đưa ra một khuôn mặt tiêu biểu: võ sĩ hai lần đoạt giải vô địch hạng nặng George Foreman. Ông này là một nhà kinh doanh thành công, một võ sư đấm bốc và là một mục sư. Khi được hỏi: “Làm sao ông có thể thỏa hiệp giữa việc dạy bọn trẻ quăng ra một cú đấm nốc-ao với lời dạy của Giêsu rằng chúng ta nên chìa má bên kia ra?” thì ông cười khùng khục giải thích:” Để thành công trên võ đài anh phải điều khiển được cảm xúc của anh- nó gồm cả giận dữ nữa. Và những đứa trẻ nào theo đuổi nó đến cùng thì ít hung bạo hơn khi chúng bước vào đây”.

Hóa ra đánh đấm nhau máu me tùm lum lại là một cách huấn luyện để dẹp bớt cái anh hung hăng đi. Nghịch lý này chắc phải có thời gian tôi mới tiêu hóa được. Tôi vẫn thích lối dậy con người dẹp cái hung hăng của Luân Lý Giáo Khoa Thư hơn. Chúng ta thử đọc bài “Tính tức giận”.

“Khi ta nói điều gì, hay làm việc gì, ta phải giữ mình, đừng có nóng nảy, tức giận. Tức giận lên thì thường quên mất cả lẽ phải, và có khi sinh ra làm xằng. Tiểu dẫn: Đinh ra chơi ngoài vườn, thấy ở bụi cây có cái hoa đẹp, chạy lại hái, để vào mũi ngửi. Chẳng ngờ có con ong ở trong hoa, đốt ngay vào cằm, rồi bay đi mất. Đinh tức giận đuổi đánh con ong. Bỗng thấy gần đấy có tổ ong, càng giận thêm, liền lấy hòn đá ném vào giữa tổ. Đàn ong bay ra, xúm lại đốt Đinh sưng cả mặt. Ấy cũng vì tức giận mà thành phải chịu đau.”

Bài dậy cho các học sinh lớp Đồng Ấu, nhưng có lẽ người lớn học cũng được!

12/2004