Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

SỐ

 

Mua số là việc hình như chúng ta ai cũng đã từng làm ít nhất là một lần trong đời. Nói một lần chỉ là một cách nói vì xổ số nó như ma túy. Đã lậm vào thì khó tìm đường ra. Một lần sao được? Hai chục năm nay, kể từ ngày đặt chân tới Canada tôi vẫn tuần hai lần cúng ông thần 6/49. Từ ngày số chỉ một đô đến ngày số hai đô một tấm. Đó là không kể những lần cúng thêm số Banco hoặc số Super 7 mỗi khi số tiền độc đắc tăng lên tới con số hàng chục triệu. Mua riêng cho mình là một chuyện, mua với nhóm bạn trong sở làm, mua với nhóm bạn nhậu, mua với nhóm bà con họ hàng mỗi khi số độc đắc jackpot vắt vẻo ngồi cao. Kể ra số tiền cúng cũng khá nhiều nhưng chưa... tới số! Một đôi khi ngồi tính thấy số tiền cúng quẩy từ hai mươi năm qua cũng kha khá bèn tỉnh ngộ lòng dặn lòng chẳng nên cúng tiếp. Lúc tính quẩn thì tính như vậy nhưng bỏ nàng nhân tình tốn tiền mà chẳng nước non chi này thì coi bộ không dễ. Nếu không mua, lỡ  cái số mình nuôi từ hai chục năm qua nó lạng quạng chui ra thì mần răng. Điên người lên chứ giỡn sao!

Nghĩ đi nghĩ lại như vậy lại thôi, thà để người ta phụ mình chứ mình không phụ người ta. Lại móc bóp! Vài kỳ không trúng, lòng lại dặn lòng, nhất quyết đấy nhé, phen này nhất định không dại góp thêm viên gạch cho cái tòa nhà của Sở Xổ Số nằm to đùng trên một con phố sang trọng. Ông thần tài có lẽ thấy sắp mất một thần dân nên can thiệp liền. Buổi tối, đang yên giấc, bỗng thấy chân đạp đầy chất phế thải của con người. Vàng nào chẳng là vàng, vàng dính be bét trên chân trong giấc mộng là vàng chói chang trong két sắt. Bèn bâng khuâng nghĩ ngợi. Biết đâu! Lại móc bóp!

Tôi không trúng, bạn không trúng, chuyện thường. Vì chúng ta chỉ là một con số trong hàng chục triệu người xếp hàng chờ ông Thần Tài pi pi lên đầu. Dễ gì mà chất phế thải của bậc thần thánh văng tới tôi, tới bạn! Nhưng có xổ thì có người trúng. Nếu tôi trúng thì tôi sẽ điên lên như thế nào? Nếu bạn trúng thì bạn sẽ lạc mất bản thân ra sao?

Anh chàng Phúc trong tiểu thuyết “Trúng Số Độc Đắc” của Vũ Trọng Phụng cho ta một mẫu phản ứng của người trúng số độc đắc. “Phúc vừa lẩm bẩm khẽ đọc những con số mà anh đã thuộc lòng, tức là số vé của anh, vừa điềm nhiên bốc tờ Đông Phương Nhật Báo. Anh rất lấy làm kinh ngạc khi thấy trên mặt tờ báo mở rộng tất cả sáu con số ấy, đứng theo cái trật tự ấy, dưới dòng chữ ghê gớm này: Trúng độc đắc mười vạn! Hốt nhiên anh thấy như hoa mắt, như ù tai... Anh tự hỏi: “Có lẽ nào? Có lẽ nào lại thế được?” y như một người đứng trước một sự quái gở nó đã xảy ra, khi tưởng rằng chẳng có đời nào nó lại xảy ra được. Tức thì anh đứng lên, đem tờ báo theo, định lên gác để lấy trong tủ ra cái vé số của anh, rồi đối chiếu xem mình có nhớ nhầm hay không...  Anh mở tủ, mở hộp, tìm vé số mãi mới thấy, chân tay run bắn lên, như người bắt đầu hành động một tội ác... Đến lúc thấy sáu con số trên cái vé, ở cả hai khung hai bên, đều đúng với con số trên báo, anh mới dám tin hoàn toàn. Anh nhịn thở để mong trấn tĩnh cái linh hồn của anh lúc đó nó lao đao xao xuyến như một trận bão... Anh nhìn trước nhìn sau, lo sợ có ai nhìn thấy mình chăng. Rồi anh lại cất cái tính mệnh của anh vào hộp, bỏ hộp vào tủ, khóa tủ hai vòng. Cuối cùng anh giấu cái chìa khóa tủ vào một chỗ rất kín đáo, dám chắc không ai sờ mó tới. Thế rồi anh ngồi đờ mặt ra. Óc anh lúc ấy rối loạn quá, anh không biết nghĩ gì nữa, cũng chẳng biết làm gì nữa. Mà dầu muốn thế nào cũng chẳng được cả, thân thể anh cứ run lên lật bật, tựa hồ như anh vừa giết người vậy. Bỗng một ý nghĩ đáng kinh hoàng đến với cái trí não rối loạn của anh như một tia nắng lọt vào phòng tối... Hay nhà báo đã in nhầm? Anh lại nhìn vào nhật trình và thấy con số ấy đều to bằng những ngón tay cái, anh mới thật là yên tâm. Tuy nhiên anh cũng định cứ xuống cửa mua một tờ báo khác nữa xem cho kỹ lưỡng.”

Trúng số, nó vất vả như vậy đó. Vất vả như bạn tôi, ký giả Hà Túc Đạo, trúng số độc đắc. Lúc đó là vào đầu thập niên 70, tôi đang ngồi trong nhà thì Hà Túc Đạo và Khánh Giang xô cửa đi vào. Mặt Hà Túc Đạo tái mét, tay run run chìa ra cho tôi coi một tập xéc nhà băng, giọng cũng run run. Moa trúng độc đắc! Lần đầu tiên trong đời tôi mới tận mắt nhìn được một người vừa bị ông Thần Tài đá yêu vào đít. Anh mất tất cả cái vẻ thường có, từ vẻ mặt, giọng nói, cử chỉ, lối hành xử... Trông anh lơ mơ thế nào ấy. Không phải là con người thật. Giống như một con búp bê cứng ngắc đang bị điều khiển từ xa. Ba chúng tôi kéo nhau đi ăn mừng. Anh hào phóng một cách bất thường. Các toa muốn gì cũng được hết! Chỉ mới ngày hôm qua, anh còn lúng túng vì tiền bạc. Ngồi trong một tiệm nước, một em bé bán số tới nài nỉ mua dùm, anh móc túi, chỉ còn đúng mười đồng, anh chặc lưỡi rút đại một tấm vé trong một xấp cặp mười. Nếu moa có tiền mua luôn cả bộ cá cặp! Anh tiếc rẻ. Tiền đến tay, mà tiền muôn bạc triệu, vậy mà không nắm được, tiếc! Vậy mới thấy cái máu xổ số nó hành hạ người ta tàn nhẫn đến thế nào!

Trúng số là một chuyện, có giữ được tiền không lại là chuyện khác. Nhiều người tay cầm bạc triệu đô Mỹ mà để lọt xuống kẽ tay hết. Nhiều người tự nhiên có trong tay số tiền quá lớn, ngoài sức tưởng tượng, đâm sảng, cứ tưởng  có thể mua được mọi sự trên đời này đưa đến việc tiêu tiền vô tội vạ, của thiên trả địa hết. Ông William Post, cư dân tiểu bang Pennsylvania, đã được thần tài dúi vào tay 16.2 triệu vào năm 1988. Ông vung hết số tiền đó và bây giờ đang nhận trợ cấp xã hội. Sao lại có thể có người ngu đến như vậy được nhỉ? Nếu là tôi... Chắc nhiều người khôn ngoan sẽ hăm hở vén tay áo muốn dạy cho cái nhà ông William này một bài học về cách tiêu tiền. Không dễ đâu!

Theo bà Susan Bradley, tác giả cuốn “Món Tiền Bất Ngờ: Cách Quản Lý Tài Sản Trời Cho” thì có được một số tiền quá lớn một cách bất ngờ chính là một cách đánh mất cuộc sống. Người ta sẽ không còn cuộc sống cũ nữa và, vì ngất ngây trước trận mưa bạc vừa được tưới lên đầu, họ không thể có khả năng tiêu và giữ đồng tiền mới có được một cách chặt chẽ. Ông Jeff Clark, cư ngụ tại Moose Jaw, tỉnh bang Saskatoon, Canada, vào tháng giêng năm 1996, trúng số độc đắc trị giá 2.5 triệu sau khi đã nuôi con số này mười năm (ông này nuôi số giỏi hơn tôi!). Ông bỏ việc tức thì và sống một cách hào phóng. Ông cho mẹ và các thân nhân những chiếc xe mới và những món quà kếch xù. Riêng phần ông, ông mua một căn nhà rộng 3.300 bộ vuông và một chiếc xe thể thao Dodge Viper giá 105 ngàn đô. Chuyện thường! Nếu tôi trúng số tôi cũng sắm sửa cho mình chút đỉnh như vậy. Nhưng ông Jeff không ngừng ở đây. Một chiếc xe coi bộ hơi ít. Triệu phú thì phải có hơn một chiếc xe. Ông cựu thợ mỏ này chơi luôn tới sáu chiếc! Toàn thứ chiến. Như một chiếc Plymouth Prowler giá 90 ngàn, một chiếc Cadillac Eldorado giá 70 ngàn và một chiếc Buick Riviera năm chục ngàn. Rồi lại còn ba chiếc xe trượt tuyết, một du thuyền. Ông khôi hài là nếu phải đậu đoàn xe và tàu của ông cùng một lúc thì không biết để thế nào cho vừa! Ông tiêu tiền sắm sửa một cách hồn nhiên và vẫn tiếp tục chơi số. Cái số ông này là cái số có tới mấy con rồng xúm quanh nên hai năm sau khi trúng số độc đắc, ông trúng số 6/49 nữa. Lần này ông lượm sơ sơ nửa triệu thôi. Nghĩ rằng mình có ông thần tài núp trong người nên ông chơi bạo hơn. Không những tiếp tục mua số, ông còn la cà suốt ngày trong các bar rượu để chơi số bằng máy. Bốn năm la cà này ngốn hết của ông khoảng một triệu đồng. Rồi vào năm 2001, thị trường chứng khoán bỗng tuột dốc. Những số tiền của ông ném vào thị trường này teo lại. Cô bạn gái lâu đời của ông có con, dọn đi ở Regina làm ông tốn thêm một số tiền đền bù. Lại thêm cái người đàn bà ở Alberta mà ông lăng nhăng tới có con cũng kiện ông đòi bồi thường. Lại một số tiền nữa vọt khỏi tay ông. Tiền đang tung cánh bay ra khỏi nhà ông, ông chẳng dám ra khỏi nhà nữa vì gặp ai cũng hỏi tiền ông. Ông phải bắt đầu bán xe. Dĩ nhiên với một giá lỗ khá bộn. Rồi bán nhà. Ông hầu như trắng tay phải trở lại dùng chiếc xe van đời 1980 rỉ sét của ông trước khi ông trúng số. Ngày nay ông sống trong một căn nhà nhỏ tại một khu lao động nghèo nàn. Và phương tiện đi lại của ông bây giờ là một chiếc xe đạp cũ. Thuốc hút phải vấn lấy và tiền bạc thì sạch sẽ. Nhưng vào tuổi 38, ông vẫn tin vào cái số của ông: “Tôi chắc chắn sẽ trúng số nữa. Còn một đồng tôi cũng đánh số, nhất định không sờn lòng sờn chí!” Chắc ông chờ ông thần tài đau bụng lần nữa chắc!

Hai lần trúng số, tiền bạc triệu cầm trong tay, vậy mà cái ông thợ mỏ Jeff cuối cùng tay trắng lại hoàn tay trắng. Ông không được đọc lời khuyên của các chuyên gia về quản lý tiền bạc. Các chuyên gia này nhắn nhủ như thế này: có nhiều hay ít tiền không quan trọng, điều quan trọng là các bạn cần phải hiểu được sự liên hệ giữa tài sản, tiền bạc và mức tiêu xài. Những người hạnh phúc nhất không phải là những người có nhiều tiền của nhất mà là những người biết đặt ra kế hoạch xử dụng tiền bạc và thực hiện được kế hoạch đó. Như cặp vợ chồng nhà từ thiện Debi Faris-Cifelli và Steve. Hai ông bà vừa trúng số độc đắc 27 triệu đồng vào đầu tháng 12 năm 2004. Thần tài gõ cửa nhà ông bà này là đúng không chê vào đâu được. Hai ông bà chuyên làm việc từ thiện chôn cất các xác hài nhi bị bỏ rơi. Theo luật 2001 thì cha mẹ có quyền bỏ xác hài nhi con mình trong vòng ba ngày mà không bị tội gì cả. Luật này được áp dụng ở tiểu bang California, nơi hai nhà từ thiện này cư ngụ và ở 45 tiểu bang khác. Khổ nỗi có nhiều bà mẹ không biết tới luật này nên đã ném xác con vào thùng rác hay ống cống. Hai vợ chồng Faris-Cifelli nhặt xác những đứa trẻ vô tội này mang về chôn cất. Họ có một nghĩa trang nhỏ mang tên Vườn Của Các Thiên Thần (Garden of Angels) tọa lạc tại thành phố Calimesa. Để có phương tiện làm việc thiện, họ trông chờ vào các số tiền thiện nguyện thu được. Nay ông thần tài đã góp cho họ một số tiền lớn khiến họ dễ dàng hơn trong công việc phúc đức của họ. Họ chọn phương cách lãnh tiền trúng ngay tức thì một lần nên chỉ được lãnh 9 triệu đồng sau khi trừ thuế.

Không giống như ở Canada nơi tôi ngụ cư, trúng số là ẵm luôn trọn gói, chẳng thuế má chi, ở Mỹ trúng số không được lãnh một cú mà phải lãnh trong nhiều năm, mỗi năm một phần số tiền trúng sau khi trừ thuế. Muốn lãnh luôn một lúc thì số tiền  phải teo lại. Như trường hợp ông bà Faris-Cifelli từ 27 triệu teo lại chỉ còn một phần ba số tiền trúng là 9 triệu! Mua số ở Mỹ như vậy mất sướng đi, nhưng trúng thì phải lãnh chứ biết làm sao! Bà Louise Outing, một tiếp viên nhà hàng hồi hưu, năm nay đã 95 tuổi, cư ngụ tại Boston, vừa trúng số 5 triệu sáu trăm ngàn đô, viện cớ già nua mang ra tòa kiện về sự... bất công này. Chánh án tòa Tối Cao Barbara Dortch-Okara cũng chịu thua vì thủ tục lãnh số đã định như vậy rồi, khi mua xổ số là phải chấp nhận. Bà Outing sẽ nhận vào năm thứ nhất số tiền 283.770 đô và trong 19 năm kế tiếp sẽ nhận 280.000 mỗi năm, sau khi trừ thuế chỉ còn 197 ngàn đô. Bà Louise than thở: Tôi đã 95 tuổi rồi! Tôi muốn  lãnh tất cả số tiền để muốn xử dụng thế nào tùy ý. Bà già rồi nhưng bà không lẫn: bà muốn cả hai, vừa lãnh trọn gói vừa không muốn mất đi một đồng nào cả!

Lãnh như vậy quả thực cũng tức như bò đá. Ông thần tài ông ấy cho tôi mắc mớ gì tới các người mà các người giữ lại chỉ thả ra nhỏ giọt trong hai chục năm. Lỡ ông thần chết ông ấy gọi về trước thì các người ăn quỵt tiền của ông thần tài ông ấy cho tôi hay sao? Chuyện thần thánh đâu phải là chuyện của mấy người! Lý luận theo kiểu... thần thánh như vậy coi bộ cũng đã lắm chứ! Chúng ta mang thần thánh trên hai vai chắc mặn với lối lý luận này. Nhưng mấy ông mấy bà Việt Nam trúng số ở Mỹ cũng chẳng cậy trông gì được nơi thần thánh. Vẫn cứ phải răm rắp theo... nếp sống văn minh.

Như  cô Nguyễn Liên ở San Jose, California chẳng hạn. Cô vừa ẵm một triệu đô trong những ngày chờ đón Tết Ất Dậu nhờ vé số. Món tiền lì xì nặng ký và sớm sủa này tới với cô bằng đường vé cạo của tiểu bang California. Khi biết bỗng nhiên trong túi mình có thêm một triệu, cô xúc động đến nghẹn lời và cho biết sẽ thực hiện được ước mơ là đi du lịch Phi Châu!

Như anh Hoàng Nguyễn ở tiểu bang Texas cũng vậy. Món tiền  cũng một triệu đồng lì xì tới với anh vào ngày 28 tết vừa qua, sau khi các ông bà Táo đã rủ nhau về chầu trời hết. Anh Hoàng cũng trúng vé số cạo như cô Liên. Khi được báo chí phỏng vấn, anh Hoàng cho biết là khi trúng số anh tưởng như anh đang ở trong mơ. Và anh dự định sẽ dùng số tiền này để phát triển thêm cơ sở làm ăn buôn bán hiện có của anh và để dành một phần cho những việc trong tương lai.

Cũng một người Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sẳng, thì lại đi theo một... số khác. Ông đi bán vé số! Ông là một giáo sư rời bục giảng thi hành lệnh động viên vào khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông chỉ ở trong quân đội hai năm nhưng sau 1975, đã được đi học tập tới 5 năm rưỡi. Khi ra trại ông đi bán vé số dạo trong các quán giải khát và quán nhậu trên bãi biển Vũng Tàu. Cái nghề bất đắc dĩ này khiến ông ngượng ngập khi gặp những khuôn mặt quen biết ngày xưa và nhất là khi phải lang thang suốt ngày nài nỉ khách mua số. Rồi ông phải làm nhiều nghề khác. Toàn những nghề chẳng vinh dự gì. Cho tới khi ông gặp được một phụ huynh học sinh cũ của ông thấy ông quá vất vả nên giúp đỡ. Ông này có quen một người vừa trúng số độc đắc (lại số!) đang mở một cửa hàng bán xe đạp, giới thiệu ông vào làm kế toán cho cửa hàng. Cũng nhờ vào sự giúp đỡ của người chủ tiệm bán xe đạp này, ông mở được một cửa hàng bán xe đạp nhỏ, có được một số tiền. Ông dùng số tiền này lên Saigon chạy chọt để được có tên trong danh sách HO. Tháng 11 năm 1990, ông cùng gia đình sang Mỹ  trong danh sách HO-4. Sang Mỹ ông lại tiếp tục làm những nghề không tên khá vất vả. Vất vả, ông không ngại vì cả đời ông là những chuỗi ngày vất vả. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, thuở nhỏ ông theo học trường làng, lên Trung Học mới được lên trường Quận rồi trường Chu Văn An Saigon. Năm 1962, vì nhà quá nghèo không thể tiếp tục việc học sau khi đã đậu bằng Tú Tài phần 1, ông đành vào trường Sư Phạm Saigon để trở thành giáo viên Tiểu Học. Năm 1969, vừa làm vừa học, ông đậu được bằng Tú Tài phần 2. Sáu năm sau ông lấy được bằng Cử Nhân Văn Chương tại Đại Học Văn Khoa Saigon. Sang Mỹ, ngày đi làm, đêm ông lại đèn sách bắt đầu học Anh Văn lớp ESL. Từ chỗ không biết tiếng Anh, trong 7 năm miệt mài học hành, ông ngoi lên lấy được bằng Master of Education và tìm được việc làm chính thức tại Khu Học Chánh Tucson. Con sâu học trong ông vẫn chưa hết nhúc nhích. Cuối năm 2004 vừa qua, đúng hơn là vào ngày 18 tháng 12 năm 2004, ông đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Ph.D. tại Đại Học Arizona vào năm ông đúng 64 tuổi. Luận án Tiến Sĩ của ông là “The Role of Cultural Factors Affecting the Academic Achievement of Vietnamese Immigrant/Refugee Students in United States” (Những Yếu Tố Văn Hóa Ảnh Hưởng Đến Sự Thành Công Trong Học Vấn của Học Sinh Di Dân/Tỵ Nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ).

Ông Nguyễn Ngọc Sẳng chỉ bán vé số, dựa hơi vào một người trúng số độc đắc, và không mua số nhưng ông cũng đã trúng độc đắc. Đúng ra ông cũng có mua số. Không phải bằng tiền mà bằng mồ hôi và ý chí của chính ông. Vé số loại này trúng là chuyện đương nhiên. Vì nó đâu có cần xổ!

02/2005