Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

VI

 

Đây là những chuyện tôi nghe được nhưng độ chính xác của chúng thì có thể khá bảo đảm. Vì những người liên quan đến những chuyện này, tôi biết. Không hiểu sao những nhân vật này đều là các bà. Một bà vợ của một ông bác sĩ có làm chính trị sợ vi trùng đến nỗi lúc nào trong người bà cũng thủ sẵn một chiếc khăn tay trắng. Đụng tới bất cứ vật gì bà ấy cũng lót bằng khăn tay: vặn quả đấm cửa, vịn tay vào lan can, mở cửa xe… Một bà khác khi qua Mỹ, đi làm tại xưởng may, đã luôn luôn cặp kè theo chiếc ghế gấp mang từ nhà đi để ngồi cho khỏi nhớp! Một bà sống ở Saigon trong một biệt thự sang trọng mà mỗi khi làm những chuyện tiện ích lớn bé đều ra ngoài vườn chứ không chịu ngồi trong phòng vệ sinh sạch sẽ trắng bong trong nhà. Sợ dơ!

Họ cẩn thận quá đáng. Cũng được đi. Nhưng cái tính cẩn thận của một nhà thơ thì hơi… giai thoại. Cứ tưởng tượng nhà thơ Quang Dũng là một người to lớn. Có lần ông về vùng quê, trẻ em chen chúc nhau chạy theo để coi mặt ông… tây! Ông tây này ăn như hổ. Có lần Nguyễn Tuân lãnh được một món nhuận bút, bao Quang Dũng đi ăn xôi. Nguyễn Tuân chỉ ăn được một bát trong khi nhà thơ to khỏe này làm luôn một lèo tới 8 bát! Khỏe như vậy nhưng khi cùng nhà văn Kim Lân, một người ốm yếu nhỏ bé, từ quê về Hà Nội, Quang Dũng đã nhất định không đèo xe đạp ông nhà văn nhẹ cân này. Lý do: sợ bể lốp xe! Nhà ở chung cư, trên tầng ba, Quang Dũng lễ mễ vác được xe lên để trước phòng, đêm ngủ không yên tâm, phải trở dậy lấy dây thừng cột chiếc xe vào cột! Một người cẩn thận như vậy, sợ vi trùng cũng chẳng có chi lạ. Một lần nhà thơ đi thực tế ở Thái Bình, đóng chốt ở Thư Trì mấy tháng. Ác một cái là Thư Trì, như tên gọi, chỉ có toàn ao, không có một cái giếng nào. Vo gạo, tắm giặt, đánh răng, rửa mặt đều phải ra ao. Quang Dũng, sáng sáng rửa mặt, đã cẩn thận dùng một cây sào dài, móc khăn vào đầu sào,  với ra giữa sông để có thể dùng “nước sạch”! Nhà thơ cho rằng nước ở giữa ao ít vi trùng hơn nước ở gần bờ ao!

Quang Dũng và các bà được tôi cho vào bảng phong thần trên biết một mà không biết hai. Vi trùng, làm sao mà tránh được! Nó có ở khắp nơi! Cái vịn tay ở cầu thang chẳng hạn, khi ta để tay vào thì ở đó đã lổn nhổn vi trùng của hàng ngàn người vịn tay vào trước. Cái bồn tắm trắng bóc trong phòng tắm, cũng ổ vi trùng đấy! Nước nóng chúng ta tắm, cũng vi trùng lềnh khênh! Muốn tránh hết vi trùng chỉ có cách là ngồi thu lu một chỗ, không đụng chạm tới một vật gì hết. Nhưng nếu tự cầm tù mình như vậy, vi trùng chúng cũng vẫn hỏi thăm chúng ta được. Theo như nhà vi trùng học Norman Pace thuộc Đại Học Colorado ở Boulder thì da của chúng ta cũng bị bao phủ bởi khoảng 100 triệu vi sinh vật! Tránh vi trùng chỉ làm trò cười cho miệng thế!

Một nhà giải phẫu, trước khi thực hiện ca mổ, vội vàng đeo găng tay. Bệnh nhân nằm trên giường mổ, bĩu môi khinh bỉ: “Hèn! Hắn muốn trốn tránh trách nhiệm nên không muốn để lại dấu vân tay đây mà! Đồ hèn!”

Cứ ngồi thu lu trong nhà chúng ta cũng bị vây khốn bởi các vi sinh vật. Chúng núp ở đâu nhiều nhất? Chỗ mà chúng ta cho là dơ nhất trong nhà là chỗ phòng kín để chúng ta làm chuyện kín. Đừng vội cười! Không phải phòng ngủ đâu! Mà là phòng vệ sinh, nơi tưởng là… mùi vị nhất nhà, cũng không phải là ổ vi sinh vật đâu. Cái ổ vi sinh vật nằm trong giang sơn của các bà! Tôi muốn nói tới nhà bếp!

Chúng núp nhiều nhất trong miếng bọt biển dùng để rửa chén bát, rồi tới chậu rửa bát, ống thoát nước, mặt bếp, dao thớt, tay cầm tủ lạnh, khăn lau tay. Miếng bọt biển là nơi trú ẩn lý tưởng nhất của các anh tí hon cựa quậy này vì nó luôn luôn ẩm ướt và có những lỗ hổng. Chúng ta dùng miếng bọt này để rửa chén bát, lau bồn rửa, lau vòi nước là giúp các vi sinh vật tràn lan ra. Vậy thì rửa chén bát bằng… tay à? Đừng hờn mát nhau chứ! Vẫn dùng miếng bọt nhưng đừng để chúng lúc nào cũng ướt như chuột lột. Khi dùng xong chúng ta nên giặt chúng với nước nóng rồi cho vào microwave chạy nóng để diệt trùng, giữ khô cho đến lần dùng tới. Cái khăn lau trong bếp được dùng đi dùng lại cũng… vi khuẩn ra gì. Tốt hơn là chẳng nên dùng khăn vải mà dùng khăn giấy, lau xong rồi bỏ. Nói như vậy, ông Bounty, ông Kleenex, các ông ấy mừng lắm. Mấy chốc mà thương vụ chẳng lên vùn vụt! Nhiều ông bà văn nghệ, ăn xong xếp chén bát dơ để đó, làm vài giờ phim bộ hay karaoke đã. Nay không rửa thì mai rửa, đã dùng lại đâu mà vất vả tấm thân. Nghĩ vậy là đúng ý các anh vi sinh vật đấy. Chén bát dơ ngâm lâu với đồ ăn thừa là một nồi súp bổ béo cho vi sinh vật sinh trưởng và lây lan. Rửa chén bát xong, phơi hoặc sấy khô được là nhất. Vi sinh vật chỉ có khóc! Khóc, cho khóc luôn, nếu chúng ta thỉnh thoảng khử trùng bồn rửa bát. Khử ra sao? Dùng một dung dịch pha một lít nước với một muỗng chlorine. Cái thớt trong bếp cũng nên đúng cách. Thớt phải nhẵn nhụi, không kẽ nứt, làm bằng gỗ cứng hoặc chất dẻo tổng hợp cho dễ lau chùi.

Theo một nghiên cứu của Đại Học Utah thì chỉ có 34% dân chúng rửa tay trước khi làm bếp và hầu hết đều không rửa tay với xà bông. Vi sinh vật chúng vỗ tay hoan nghênh sự bất cẩn này. Muốn cắt đứt tiếng vỗ tay vô duyên này, nên rửa tay khoảng 20 giây với nước ấm và xà bông  trước và sau khi làm bếp với thịt cá sống. Ngay cả thịt cá sống, trước khi nấu, nên rửa kỹ để loại bớt một số vi khuẩn bám trên mặt thịt cá hầu bảo đảm là sau khi nấu, vi khuẩn sẽ hết đường bám víu.

Vi khuẩn sống hùng sống mạnh nếu có ba yếu tố: thức ăn, độ ẩm ướt và khí hậu ấm nóng. Thực phẩm của chúng ta cũng là thực phẩm của các vi khuẩn. Có điều khác là chúng ta mua nhưng vi khuẩn ăn mà khỏi mua. Đó là các thứ thịt, cá, trứng và sữa. Nhiệt độ từ 40 độ F đến 140 độ F là lý tưởng cho sức sống của vi khuẩn. Trên nhiệt độ 140 độ F, vi khuẩn sẽ bị sức nóng tiêu diệt, dưới 40 độ F vi khuẩn sẽ chậm tăng trưởng. Vi khuẩn chúng bất khuất lắm. Mới đây các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một loại vi khuẩn mới có tuổi thọ 32.000 năm vẫn còn sống trong lớp băng đá ở Alaska. Chúng được đặt tên là Carnobacterium pleistocenium. Tên gì mà dài ngoằng lại khó nhớ. Vậy mà chúng ta phải nhớ, nhớ để ghi nằm lòng mà biết sợ vi khuẩn. Khi những tảng băng tan rã, những chú li ti 32 ngàn tuổi này lại tung tăng bơi khắp nơi tức thì!

Nói sợ là sợ vậy thôi. Chỉ có một số vi khuẩn gây bệnh cho chúng ta, còn vi khuẩn cũng cần thiết cho môi sinh. Nếu không có vi sinh vật thì thì sự sống trên trái đất sẽ khó khăn và trở ngại lắm. Chúng làm mục nát, thối rữa thực vật và các tế bào động vật, nhờ đó ruộng đất phì nhiêu, hoa màu trồng trọt được và có thực phẩm cho mọi sinh vật. Nhà bác học Louis Pasteur còn cho là ngay trong bộ tiêu hóa của chúng ta, một số vi sinh vật đã có tác dụng tốt cho sức khỏe. Trong cơ thể của chúng ta có một số vi khuẩn giúp bảo vệ chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật có hại. Đó là lý do tại sao chúng ta chích ngừa, một trò chơi làm cho chúng ta khóc hết nước mắt khi còn nhỏ! Nguyên tắc của sự chích ngừa là lấy một lượng rất nhỏ mầm bệnh hoặc một bộ phận mầm bệnh, ví dụ như protein vỏ ngoài của vi khuẩn hoặc virus, rồi làm mất hoạt tính, chế thành thuốc chủng, sau đó chích vào cơ thể con người. Điều này không gây hại cho cơ thể mà lại kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể để đối kháng hiệu quả với mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Nếu cơ thể không chống được sự xâm nhập của mầm bệnh, chúng ta mắc bệnh. Phải cầu cứu tới anh kháng sinh. Vị anh hùng cứu chúa này quả có làm phiền các anh vi trùng. Hai con vi trùng gặp nhau. Một con tỏ vẻ rất tiều tụy. Con kia bèn hỏi: “Mày đau hả?” Gật đầu. “Bệnh gì vậy?”. Trả lời. “Penicilin!

Cái anh chàng chiến sĩ chống bệnh này nhiều khi bị chúng ta lạm dụng. Hoặc dùng khi chưa cần thiết, hoặc dùng quá số lượng cần thiết. Hậu quả là lờn thuốc sanh ra phản ứng phụ. Thậm chí có thể làm mầm bệnh đột biến gene, sản sinh mầm bệnh siêu cấp khiến khoa học phải đối diện với sự uy hiếp lớn hơn của bệnh. Ngoài ra, trong ngành chăn nuôi ngày nay, người ta thường cho thêm kháng sinh vào thực phẩm của động vật để nâng cao khả năng đề kháng bệnh. Khi chúng bị giết thịt, chúng ta ăn vào, thế là chúng ta cũng hấp thu một phần kháng sinh. Hậu quả là làm tăng tính chịu đựng của mầm bệnh đối với thuốc, dần dần làm kháng sinh mất khả năng đối phó với mầm bệnh. Nghiêm trọng hơn là việc lạm dụng này đã làm xuất hiện vi khuẩn siêu cấp lấy chất kháng sinh làm thức ăn để tiến hóa như trường hợp đã xảy ra cách đây mấy năm tại một bệnh viện ở Anh!

Lờn thuốc là một mối hiểm nguy. Một nhà nữ vi sinh vật học được yêu cầu cho một định nghĩa về người chồng, bà không ngần ngại nói: “Chồng là một loại vi khuẩn hay lờn thuốc, rất khó trị!”

Vi khuẩn chồng thì dễ nhìn ra, đôi khi không muốn nhìn nữa, nhưng vi khuẩn đích thực thì mắt thường chẳng thể nào thấy được. Muốn thấy dung nhan những anh vi này, chúng ta phải chúi mắt vào kính hiển vi. Thường trong các phòng thí nghiệm hiện nay, chúng ta dùng kính hiển vi quang học hoặc kính hiển vi điện tử. Chúng có những nhược điểm. Kính quang học không thể phóng đại các mẫu vật nhỏ hơn 1 phần triệu mét như virus và phân tử. Còn kính hiển vi điện tử thì kềnh càng và rất đắt tiền. Hơn nữa, với hai loại kính này, mẫu vật phải đặt trong buồng hút chân không, tức là phải làm chết, sấy khô rồi bị phủ, mạ. Vì thế nhà nghiên cứu chỉ nhìn được mẫu vật ở dạng không nguyên vẹn. Thế hệ mới của kính hiển vi là kính hiển vi quét đầu dò, gọi tắt là SPM. Ưu điểm  của loại này là có thể quan sát trực tiếp mọi chất liệu như kim loại, bán dẫn, sứ, hữu cơ, đại phân tử… trong môi trường không khí bình thường. Nguyên lý của loại kính này là quét một mũi dò nguyên tử trên một bề mặt mẫu ở khoảng cách nguyên tử và có thể quan sát ảnh với độ phóng đại từ hàng ngàn cho đến vài triệu lần. Hình ảnh sẽ được hiển thị trên máy tính với hệ số phóng đại lớn ở dạng một chiều, hai chiều hoặc ba chiều. Giá cả dĩ nhiên rất đắt, hàng triệu đô la Mỹ. Viện Vật Lý Ứng Dụng và Thiết Bị Khoa Học ở Việt Nam vừa chế tạo thành công được loại kính hiển vi này với giá thành rẻ hơn nhiều. Trong khi đó, tại Đức, Phòng Thí Nghiệm Sinh Học Phân Tử Châu Âu và Carl Zeiss đã đi thêm một bước, chế tạo được kính hiển vi ba chiều cải tiến dựa trên công nghệ mới có tên gọi kính hiển vi soi sáng mặt phẳng lựa chọn, gọi tắt là SPIM. Với loại kính này, các nhà nghiên cứu có thể quan sát sâu vào mô của sinh vật đang phát triển trong một thời gian dài, với độ chi tiết cao hơn. Ngoài ra, kính mới này tận dụng tốt hơn chất nhuộm màu huỳnh quang thường được dùng để nhuộm các sinh vật sống trước khi đặt dưới kính. Thường các loại kính truyền thống cũ chiếu sáng cùng phương với phương nhìn khiến chỉ có thể nhìn được ánh sáng huỳnh quang trong mặt phẳng mỏng của khe kính nên hầu hết chất nhuộm bị lãng phí và nhạt đi dưới ánh sáng mạnh, tạo ra những bức ảnh kém chất lượng. Thêm vào đó, mẫu vật bị gò bó theo những cách bất thường dưới nhiệt độ của chùm sáng laser, làm bẻ gẫy các phân tử của cơ thể, do đó mẫu vật thường bị chết. Kính SPIM  chiếu sáng mẫu vật từ một bên, vuông góc với tầm nhìn của người quan sát. Kỹ thuật này cho phép các nhà nghiên cứu soi rọi bằng chùm tia laser năng lượng yếu hơn nhiều và chỉ qui tụ lên vùng mà họ muốn chụp ảnh. Chất nhuộm không bị phân hủy nhanh và mẫu vật sống lâu hơn, thường là hơn 4 ngày. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có đủ thời gian để theo dõi sự phát triển của mẫu vật. Hơn nữa, sinh vật có thể được quay vòng và quan sát từ nhiều mặt khác nhau mà không gây ảnh hưởng gì vì nó được thả vào một ống chứa gel hòa tan oxy  và nhận chìm trong một thùng chất lỏng. Các bức ảnh được tạo ra bằng một chương trình máy tính, theo đó nó chồng các hình ảnh lát cắt mỏng vào một hợp thể ba chiều như trong một không gian ba chiều.

Thế còn những chú vi trùng tinh quái núp ở chiều thứ tư, sao nhìn được? Như vi trùng của  ông Luân Hoán thả ra.

mỗi lần sắp sửa yêu ai
tự nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng
tưởng như có triệu vi trùng
ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình

Vi trùng ngo ngoe của thơ Luân Hoán chưa phải là loại vi trùng có máu giang hồ. Vi trùng của nhà thơ Quan Dương còn chơi trò ngu ngơ nhảy từ một người yêu qua một người yêu.

Có một lần xưa, em ghé lại trao hôn
Con vi trùng ngu ngơ bỏ nhà đi lạc
trên môi anh. Đêm lạ nhà không ngủ được.
Chợt nửa khuya thức giấc mơ người

Con vi trùng lạc trong máu cuối đời
lây lất sống cùng nụ hôn một thuở
Nụ hôn đó bâng khuâng như duyên nợ
Mong một ngày gặp mặt trả lại em

Lại có ngày người ta trả đi trả lại nhau một con vi trùng nữa sao?

04/2005