Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

NHỨC

 

Bỏ rẻ ra mỗi con người cũng có bốn năm chục ký vừa xương vừa thịt vừa những thứ lằng nhằng khác. Tha hồ mà nhức! Nhức chỉ cần chút đỉnh cũng vẫn nhức được như thường. Đâu có cần tính ký. Mà nhiều khi tính cũng chẳng được! Như bị em cài số de cho một đường thất tình, nhức nhối lắm chứ!

Này con dế mày kêu sau hè
Thôi ngủ đi nghe tao buồn, buồn lắm
Kêu làm gì mà tao nghe rưng rưng
Tao nghe bâng khuâng nửa chừng đời tuột
(Nguyễn Nam An)

Rưng rưng như vậy nó nằm ở chỗ nào? Ai chẳng biết! Ai mà cả đời chưa hề “nửa chừng đời tuột” thì cũng chẳng cần biết làm chi. Đời không bị ái tình nó đá cho một phát là đời… bỏ đi. Bởi vì đó là một cái thú, dù là cái thú mà nhà thơ Lưu Trọng Lư bảo là “thú đau thương”! Cũng như cái thú đi thi đạp được vỏ chuối mà nhà thơ Tú Xương phán rằng đó là “đệ nhất buồn”. Nhưng dù tên là chi thì cái thú vẫn cứ là cái thú. Nó làm phong phú cuộc sống, nó là một thứ gia vị của cuộc sống. Cay thì có cay, nhức nhối thì có nhức nhối nhưng không được xuýt xoa, cuộc đời như cũng còn thiếu vị!

Nhà thơ Hoàng Lộc thì chắc đã xuýt xoa nhiều, chẳng thế mà kinh nghiệm đầy mình.

sớm ở bờ sông, anh thấy em qua cầu
ngày xuân xuôi dòng
triều lên, không trở lại
bên trái ngực mình dã dượi cơn đau…

Cái cục thịt phập phồng ở phía bên trái ngực là cái chỗ đau tâm hồn. Cái phần ngất ngưởng ở mãi trên phía cực Bắc của thân thể là nơi đau… trí tuệ. Nhức đầu, nó thường được gán cho suy nghĩ, sách vở, tri thức. Nó là một loại nhức… thượng lưu. Đúng chăng? Không hẳn! Nhức đầu, nó đỏng đảnh như cá tính con người vậy. Có khi do căng thẳng thần kinh, có khi do thúc ép của nghề nghiệp, có khi do bất ổn trong cuộc sống. Nhưng cũng có khi nhức đầu chỉ vì tư thế ngồi hay đứng không thích ứng, có khi cách nằm ngủ sai, có khi vì lạm dụng thuốc uống, có khi chỉ vì thiếu ngủ, có khi vì rối loạn thị giác và thậm chí có khi là các rối loạn về nội tiết tố, tiêu hóa hay tâm thần. Suy đoán nguyên do của cái đầu nhức cũng… nhức đầu lắm! Nơi các người đứng tuổi nhức đầu có thể là do thoái hóa về xương hay sụn ở cổ. Lại có nhiều khi nhức đầu là do… thuốc nhức đầu! Loại nhức đầu này kèm thêm các triệu chứng khó thở, vã mồ hôi, nôn mửa, thậm chí co giật chỉ vì uống các loại thuốc trị đau nhức.

Cái đầu là một khối hình cầu, lớn nhỏ tùy người. Có những người to đầu mà dại, có những người đầu nhỏ mà ma lanh. Một khi đầu nó nhức thì nó chỉ nhức ở một vùng nào đó thôi. Nhức nửa đầu thường là bệnh… nhức đầu hay u não, nhức sau gáy thường là tổn thương cổ, nhức vùng trán hoặc hốc mắt là triệu chứng của đau hốc mắt hay tăng nhãn áp. Nhức đầu tăng nhiều vào ban đêm hay khi nằm thường gặp trong bệnh tăng áp lực trong sọ như ung bướu, xuất huyết. Nhức khi làm việc căng thẳng thường do căng cơ. Nhức có kèm theo nôn ói, sợ ánh sáng là dấu hiệu của hội chứng màng não.

Muốn cho khỏi hết nhức đầu thì đi bác sĩ. Nhưng nhiều người nhức đầu thường quá thì hay tỉnh bơ. Kệ nó rồi cũng hết. Qua cơn bỉ cực tới hồi… yên tĩnh! Nhưng nhiều khi cũng chẳng nên đùa với lửa vì có những thứ nhức đầu là hồi chuông báo động. Chuông rung mà cứ làm lơ đi, mệt lắm. Như anh nhức đầu bỗng tới đột ngột khi đang gắng sức làm một việc gì có thể là triệu chứng của xuất huyết não. Như nhức đầu mà còn phụ họa thêm yếu tay chân thì coi chừng tai biến mạch máu não hay u não. Như nhức mà càng lúc càng tăng dữ dội có thể là áp-xe não, xuất huyết màng não, u não. Như nhức đầu mà đính kèm theo anh co giật thì có thể bị u não. Như nhức đầu mà nhiệt độ cơ thể bất thường, mạch lung tung có thể là viêm màng não, máu tụ trong não cấp tính.

Nhức đầu, chuyện hàng ngày của cái đầu. Nó xảy ra hà rầm. Thường thì nó chỉ nhõng nhẽo chút đỉnh. Rất nhiều người coi bệnh nhức đầu như là bệnh… thân. Có gì đâu mà ầm ĩ.

Nhức lưng cũng vậy. Đó là bệnh vì ngồi. Ngồi lâu quá hay ngồi không đúng tư thế sinh ra nhức. Đây là bệnh của những người làm việc văn phòng. Ngồi gõ… phiếm (không phải gõ phím!) cũng nhức lưng kèm thêm món ăn chơi khác là nhức đầu! Muốn khỏi làm phiền tới cái lưng thì chịu khó cẩn thận một chút. Hãy chọn ghế ngồi đúng tiêu chuẩn, ngồi đúng tư thế, chẳng nên kẹp điện thoại trên vai vừa gõ vừa nói chuyện, để văn bản đúng tầm mắt khi đánh máy. Ngồi chẳng nên làm như các chính khách là ngồi lì! Thỉnh thoảng nên vươn người ra phía trước hoặc sau, đẩy tay lên hoặc xuống. Chẳng nên ngồi say sưa quá, cứ chừng  nửa tiếng nên đứng lên đi lại một chút, múa may quay cuồng ít cái. Nếu đánh rơi cái kẹo xuống đất chẳng hạn, đừng nên sợ cái kiến hay chú gián tới nhấm nháp mà vội vàng cúi xuống nhặt, chỉ nên trượt nhẹ cơ thể xuống, lưng vẫn thẳng với một chân gấp một chân duỗi thẳng, một tay chống trên bàn, tay kia với nhẹ xuống mặt sàn để  nhặt lên.

Nhức không có một địa bàn hoạt động nhất định. Chỗ nào mà không nhức được. Mỗi phân vuông da thịt, mỗi đoạn mỗi khớp xương, muốn nhức là nhức. Chỗ thiếu xương còn nhức được nữa là. Ông bạn nhà thơ Luân Hoán của tôi, thời chinh chiến, bị mìn cắt mất một bên chân. Chỗ xương cụt chỏng chơ như nhớ khúc xương bỏ lại trên chiến trường. Cứ trời đổi thay là hắn lại ca bài nhức. Mùa đông chưa thấy tới, cái chân đã đông giá trước. Mưa còn ở tận phương xa, chưa dạt dào, cái chân đã mách trước. Tuyết chưa rơi, chân đã tuyết trước. Một năm, bao nhiêu bận, điện thoại nhà tôi reng lên, chân Luân Hoán đã mách bảo trước thời tiết sắp tới. “Này, sao chân tôi nhức quá, chắc sắp mưa rồi đấy!” Mưa thật! “Này, nhức cái chân quá ông ơi, trời sắp tuyết chắc!” Tuyết ngút ngàn rơi sau đó. “Này, mai chắc lạnh dữ, chân tôi nhức khủng khiếp!” Lạnh teo người thiệt! Tôi đã nhiều lần khuyên ông bạn thơ nên vác cái chân đi làm cho khí tượng, tiên đoán thời tiết chắc ăn như bắp! Nhức không phải là chuyện giỡn cho vui đâu. Cái chân hụt của người thơ nhức… có bằng cấp lắm. Cái nhức làm méo mặt. Nhức phát khùng phát điên. Ngâm chân vào nước nóng khói bốc lên nghi ngút, mở sưởi đỏ rực dí chân vào sát vòng thép đỏ, bạn tôi đã làm đủ cách. Nhức quá vơ cào vơ cấu thuốc giảm đau nhức, bỏ cả vô miệng, mặc không cần biết liều lượng, Luân Hoán đã từng ngự xe cấp cứu còi bóp inh ỏi đèn nhấp nháy xanh đỏ dạt người mà hối hả chạy vào bệnh viện. Nhức muốn chết phứt đi cho rồi! Luân Hoán đã từng…dỗi cuộc đời như vậy.

muốn chết mà sợ chết
ngồi ngó bốn bức tường
sợ chết mà muốn chết
tâm ta hết bình thường

Nhức như vậy thì phong thấp chỉ là trò con trẻ! Cái bệnh sưng nhức các khớp xương do uống nhiều rượu, ăn nhiều đồ biển, đồ bổ, lười tập thể dục thường được gọi là bệnh nhà giầu, được Tây y chia ra làm nhiều dạng khác nhau: viêm các bọc chất nhờn giữa cơ bắp và sụn (bursitis), viêm sưng các gân cơ (tendonitis), các khớp nối xương, viêm sưng các giây chằng nối xương với cơ bắp (ligament), viêm các giây thần kinh (nerve). Một chứng bệnh phổ thông trong giới tuổi hạc là bệnh thống phong (gout) nguyên nhân là do dư thừa chất uric acid.

Đau nhức khớp xương là nỗi ám ảnh không rời của những người đã thâm niên trong cuộc sống. Lý do là vì sụn ở các đầu xương bị tổn thương theo thời gian. Sụn là lớp đệm khiến các cử động của xương được êm ái. Khi lớp đệm này bị ăn mòn thì xương xẩu đụng vào nhau. Đau! Ai ăn lớp sụn này vậy? Các nhà khoa học Úc vừa chỉ tên được thủ phạm đã giấu mặt từ trước tới giờ: đó là một enzyme có tên là ADAMTS5 có ở chuột cũng như ở người. Theo tiến sĩ  Amanda Fosang thuộc Đại Học Melbourne thì việc phát hiện ra men gây tổn thương sụn là một bước tiến quan trọng. Quan trọng vì nhận ra được thủ phạm, người ta sẽ có thể, trong tương lai, chế ra được chất ức chế enzyme này. Chất này cũng đồng thời có khả năng hồi phục sụn tự nhiên giúp người già bị thấp khớp hoặc loãng xương không cần phải thay khớp vừa tốn kém vừa đau đớn. Trong khi chờ đợi, chúng ta vẫn cứ phải nuốt những viên thuốc giảm đau nhức vậy. Xưa thì aspirine, viên thuốc vạn năng trị từ nhức đầu tới nhức mình mẩy, tứ chi. Nhức đâu giảm đó. Nhưng cái anh vạn năng này bỗng bị qui tội là làm cho người xử dụng bị sưng hay lở bao tử. Bèn bị truất phế. Những Vioxx, Celebrex, Bextra lên ngôi. Đây là một loại thuốc ức chế gọi là “COX-2 inhibitors”. Trong thập niên 1990, các khoa học gia khám phá COX xuất hiện trong cơ thể dưới hai dạng mà COX-2 chỉ có chức năng khóa tính gây sưng phồng của enzyme của chính nó nên sẽ để cho nguyên vẹn tính bảo vệ bao tử của COX-1. Nhưng loại thuốc này, mới đây bị phát hiện là gây ra các rắc rối về tim mạch và đột quỵ.  Nguyên do là COX-2 tạo ra các phản ứng hóa học khiến cho prostacyclin, một protein làm cho các mạch máu trương nở khiến các cục huyết không thể bám vào nhau gây chứng sung huyết rất nguy hiểm. Các bác sĩ tin là một khi số lượng prostacyclin giảm thì các platelets bám vào nhau và mạch máu hẹp lại, gây ra các chứng tim mạch và đột quỵ thường thấy nơi các bệnh nhân hay dùng COX-2. Thuốc Vioxx đã bị cho nghỉ chơi. Các loại thuốc cùng loại cũng đang bị xa lánh. Các nhà bào chế đang cố công thí nghiệm những loại thuốc khác vì thị trường thuốc chống giảm đau là một thị trường rất béo bở.

Một trong những chiều hướng mới này đang được một nhóm nghiên cứu thuộc Đại Học Geneve, Thụy Sĩ thực hiện. Họ phát hiện ra là tương tác giữa tế bào beta-arrestine 2 với enzyme phosphodiesterase 4 (PDE4) là nguyên do làm giảm đi hiệu quả của thuốc giảm đau. Như vậy chỉ cần phá bỏ tương tác này, chẳng hạn bằng cách loại ra PDE 4 thì có thể làm tăng thêm hiệu quả của thuốc giảm đau, tức cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng thuốc. Phát hiện này giúp ngành dược phẩm nghiên cứu các loại thuốc ngăn chặn PDE4 trong khi bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau. Đồng thời cũng mở đường cho việc phát triển các loại thuốc mới có khả năng chỉ tập trung vào các vùng kiểm soát cơn đau trên não và như vậy có nghĩa là không gây ảnh hưởng cho các bộ phận khác của cơ thể.

Đông y lại có một phương cách khác để giảm đau nhức. Cứ trong uống ngoài xoa là đau nhức phải cắp nón ra đi! Uống thì có rượu thuốc. Rượu để ngâm thuốc phải có độ mạnh, tối thiểu cũng phải sơ sơ 45 độ, thì mới có khả năng chiết xuất thuốc. Có thể thử độ mạnh của rượu bằng cách nhúng một cây que có nhúng bông vào rượu. Nếu đốt cháy được là rượu mạnh. Rượu vừa mua về hay mới nấu không nên dùng ngay vì hàm lượng chất aldehid còn cao, có thể gây ngộ độc. Rượu dùng để chữa nhức mỏi xương khớp thì ngâm vào: thiên niên kiện, xuyên khung, ngưu tất, bạch chỉ, độc hoạt, khúc khắc, khương hoạt, rắn… Đó là trong uống, ngoài thoa thì có thuốc rượu. Thuốc rượu thì phải dùng rượu mạnh hơn, từ 60 đến 70 độ. Thuốc để ngâm thường có các vị có nhiều tinh dầu, vị nóng ấm như hồi, quế, phụ tử, gừng, ô đầu, tinh dầu bạc hà, màng tang, long não… Cũng có khi dùng các vị thuốc hạ huyết phá ứ như hồng hoa, địa liền, xuyên khung, huyết giác, kê huyết đằng, nhũ hương, mộc dược… Nhức do các chấn thương sưng đau có thể dùng hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, xuyên khung, bạch chỉ, nghệ, mật gấu. Nhức răng nhức lợi thì dùng đại hồi, tế tân, bạch chỉ, rễ tranh, hoàng liên…

Đông Phương còn có trò khác để trị liệu đau nhức. Đó là xoa bóp. Tây Y cũng đang mon men tới cái trò thú vị này. Theo một cuộc khảo sát của Hội Xoa Bóp Trị Liệu Hoa Kỳ thì có tới gần nửa dân Mỹ đã sử dụng liệu pháp xoa bóp như một cách để điều trị và giảm đau. Tại Trung Tâm Y Học Đông-Tây của trường Đại Học UCLA, một toán gồm 4 trị liệu gia đã dùng liệu pháp xoa bóp để trị liệu cho các bệnh nhân bị đau bắp thịt, nhức đầu và đau lưng. Bác sĩ  Hui, Giám Đốc Trung Tâm này là một nhân vật có thẩm quyền về Y Học Trung Hoa và Đông Tây phối hợp. Theo ông thì khi xoa bóp có những thay đổi về  hóa chất của dây thần kinh kết hợp với những điểm kích thích trong cơ thể. Dùng ngón tay hay cây kim, những điểm châm cứu được kích thích, cơ thể sẽ phản ứng và một cái gì đó phát sinh. Hiệu quả của xoa bóp đã được Bác Sĩ Tifany Field, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Xúc Giác tại trường Y Khoa Đại Học Miami cho là rất tốt sau khi bà  đã thực hiện trên 100 cuộc nghiên cứu về những lợi ích của xoa bóp trên phương diện y khoa trong suốt 30 năm qua. Bà cho biết: “Tôi nghĩ các bác sĩ cho rằng một điều có vẻ khá thích thú như vậy làm sao có thể chữa trị được! Nhưng mọi hiệu quả về mặt thống kê rất đáng kể và đó là những gì mà khoa học chấp nhận như kết quả nghiên cứu.”

Con người đã tìm đủ mọi cách để làm giảm sự đau nhức hành hạ con người. Trong những cách đó có cả cách chạy tới nắm áo Thượng Đế. Cách này, bà cố tôi đã làm từ khuya rồi. Khi đã vượt qua tuổi cửu tuần, bà cố tôi thường bị ngứa và đau lưng. Bà đi xưng tội và trong tòa giải tội, bà đã xưng cả cái tội ngứa và nhức. Con cháu ai cũng cười bà cụ già cả lẫn cẫn. Cười mà chẳng biết khi xưng cái tội… cụ thể như vậy bà có thấy bớt nhức bớt ngứa không. Khoa học ngày nay cũng tò mò như vậy. Khi bị đau nhức Thượng Đế có can dự gì vào không? Trung Tâm Khoa Học Tâm Linh thuộc Đại Học Oxford, Anh Quốc, là một Trung Tâm mới được thành lập chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của tâm linh vào y khoa chữa trị. Trung Tâm nhận được tài trợ 60 triệu Mỹ kim một năm của John Templeton Foundation ở West Conshohocken, thuộc tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ để nghiên cứu về sự tương quan giữa thần học và khoa học. Theo phát ngôn viên Pamela Thompson của John Templeton Foundation thì mục đích cuộc nghiên cứu không phải là tìm xem sự hơn kém giữa các tôn giáo mà là nghiên cứu xem là con người có lòng tin có chống lại được sự đau nhức thân xác hữu hiệu hơn những người không có lòng tin hay không. Phát ngôn viên của Trung tâm Oxford thì cho biết là cuộc nghiên cứu này để tìm hiểu những gì đã thực sự diễn ra trong bộ óc con người. Harold Koenig, Đồng Giám Đốc của Trung Tâm Tâm Linh, Thần Học và Sức Khỏe của Đại Học Duke nói là ông biết đã có 724 cuộc nghiên cứu thuộc loại này đã được hoàn tất trước khi chúng ta qua thiên niên kỷ mới và có 478 nghiên cứu đã tìm thấy có sự liên hệ có ý nghĩa giữa tôn giáo và sức khỏe con người.

Đau nhức có dính dáng gì đến đức tin của con người không, chúng ta phải chờ kết quả khảo sát của những nhà khoa học. Nhưng đau nhức đi đôi với thời tiết, với thiên nhiên là điều hầu như con người tin là đã có. Hỏi ông Luân Hoán, chắc ông ấy đồng ý cái rụp. Còn nhà văn Vũ Quỳnh Hương, trong truyện Miền Vĩnh Phúc lại cho chúng ta biết về một liên quan khác. Truyện xảy ra trong một nursing home ở Mỹ, nơi nhân vật tên Chi làm việc. “…Cứ mỗi lần tuần trăng tới ở đây, nhìn những biến chứng kỳ lạ của bệnh nhân dưới ảnh hưởng trăng đầy Chi cũng thấy dường như châu thân mình lên cơn đau nhức, cũng y như những tế bào già nua được đánh thức dậy định kỳ để trăn trở giữa đêm trăng. Nàng nhớ đến căn bệnh, những câu thơ rờn rợn của họ Hàn: “Maria linh hồn tôi ớn lạnh. Run như run thần tử thấy long nhan. Run như run hơi thở chạm tơ vàng.” Không ai muốn bị chia giờ trực vào những đêm trăng đầy cả. Thoạt đầu Chi tình nguyện nhận những đêm ấy, nàng tự giải thích và chế giễu mình, cứ tìm những lối đoạn trường mà đi. Nhưng sau đó thì Chi biết rằng những đêm trăng rợn những người bệnh già nua mất trí ở đây không giúp nàng chia xẻ được với họ nỗi đau khổ của những cơn đau đớn cuối  đời, cũng không làm cho tâm hồn nàng phong phú hơn, mà chỉ làm mất mát đi của nàng những mộng ước êm đềm lãng mạn của một vầng trăng đương thì.”

Cái đau nhức của con người phải chăng đã với được lên chốn trời cao?

03/2005