Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

SỢ

 

Sợ là điều cần thiết cho cuộc sống. Bởi vì nếu không biết sợ thì rất dễ bị toi mạng. Này nhé, không sợ lửa thấy lửa cứ nhào vô thì... barbecue mấy hồi, không sợ tai nạn cứ phăng phăng qua đường bất chấp đèn xanh đèn đỏ thì có ngày nằm xe ò e chạy thẳng vào nhà... xác, không care anh thần chết lái xe phom phom chẳng cần nhìn đồng hồ tốc độ xem có đi một đường nhà thương... hỏa tốc không!
Sợ cần thiết như vậy nên ai cũng thích sợ. Nhỏ nghe chuyện ma sợ muốn co vòi mà cứ ưa trùm chăn nghe. Con ma nó ra làm sao? Nó lông lá, răng nhọn hoắt, mắt tóe lửa, lưỡi thè ra cả thước đỏ lòm lòm, tay chân đầy móng vuốt nhọn hoắt... Chân dung con ma như vậy là do miệng truyền miệng. Thấy ma thì chưa ai thấy. Ma là loài chuyên môn đi tầu ngầm, làm những chuyện đứng tim mà chẳng bao giờ xuất hiện. Nó bàng bạc trong gió, trong hơi thở nhưng dễ sợ phát khiếp. Chỉ khi một thiếu nữ, nghe lời ngọt ngào, bị những chuyện quỷ quái, lúc đó mới thấy ma... tẩu vi thượng sách!

Nhưng ma nhiều khi cũng êm đềm lắm. Như những nàng ma của Bồ Tùng Linh. Cứ ngọt xớt.

Nói láo mà chơi nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời ý hẳn không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma nói mấy lời.

Có những ông nghe ma tỉ tê mà nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc... đi về âm phủ hết. Nhưng đó là ma sống. Ma thì phải chết. Bồ Tùng Linh về với ma từ khuya rồi. Nhưng ma của Bồ Tùng Linh vẫn còn nói. Dù sao thì những nàng ma trắng tươi chuyên trăng gió với các bạch diện thư sinh cũng thuộc loại xưa rồi. Thư sinh bây giờ kiếm đâu ra! Ma biến hình thành ma của Nguyễn Ngọc Ngạn. Gần với người hơn.

Mỗi năm có một ngày ma rong ruổi khắp đường phố. Đó là ngày Halloween mà dân ở Việt Nam gọi là ngày Lễ Ma. Loại ma này toàn thứ hảo ngọt nên chỉ biết ngửa tay xin kẹo. Ma kẹo chỉ dọa được con nít. Ký giả Jay Stone của hãng tin Canwest News Service kể lại chuyện halloween khi anh còn là một đứa bé 4 tuổi. Năm đó, bố mẹ anh mua cho anh một chiếc mặt nạ Con Ma Trong Nhà Hát bằng cao su. Đó là một cái sọ người trắng hếu, nhe răng, có hai lỗ ở mắt để nhìn. Anh “diện” chiếc mặt nạ hăng mùi cao su đi xin kẹo. Nơi anh đặt chân tới đầu tiên là một tiệm bán thịt ở dưới phố Toronto. Một cậu bé cũng khoảng 4 tuổi, trông thấy con ma dễ sợ quá, hét toáng lên. Mẹ của Jay vội bắt anh tháo chiếc mặt nạ ra. Cậu bé vẫn chưa thôi khóc. Bà mẹ vội cất dấu chiếc mặt nạ trong ví nhưng cậu bé, dường như biết con ma vẫn còn đâu đó, nên vẫn cứ thút thít tiếp. Ma ám ảnh đến như vậy! Chuyện đó cũng xưa rồi. Trẻ em ngày nay... anh hùng hơn nhiều. Sợ chi!

Phụ trang Youth Zone của nhật báo The Gazette ở Montréal, nhân lễ Halloween năm nay, đã thử hỏi 160 em học sinh từ 10 đến 17 tuổi xem chúng sợ gì nhất. Ma chỉ chiếm một vị trí khiêm nhường trong nỗi sợ của trẻ em. Nỗi sợ lớn lao nhất là cái chết của những người thân, nhất là cha mẹ. Em Tina, 10 tuổi, diễn tả như sau: “Em sợ nhất là cha mẹ chết, để lại trong tim em một khoảng trống không ai có thể thay thế được.” Sợ phải nói trước đám đông, sợ thi cử, sợ biển, sợ bóng tối, sợ cháy, sợ chó, sợ bị bắt cóc là những cái sợ thiết thân. Nhiều em người lớn hơn, sợ dư luận, sợ thành kiến, sợ kẻ nhi dâm... Thời sự hơn, có em sợ đi máy bay vì đã coi trên màn ảnh nhỏ vụ 9/11. Một em duy nhất, chắc sau này sẽ thành chính khách, sợ Bush tái đắc cử. Em Mona, 15 tuổi, đã nói: “Điều duy nhất em sợ là Bush ngồi lại 4 năm nữa!” Một em có tên là Phuong, 16 tuổi đã trả lời: “Em sống ở một đất nước xa lạ cùng với dì em, em không còn được sống với cha mẹ nữa. Em sợ một ngày nào đó người ta sẽ đuổi em về lại xứ sở của em. Em sẽ mất tất cả. Bây giờ em sợ nhất điều đó. Em phải làm sao để điều đó đừng xẩy ra?” Tuy không có chi tiết gì về em Phuong này, nhưng tôi vẫn nghĩ em là Phương hay Phượng của Việt Nam, mang nỗi sợ thương tâm của giòng giống Việt!

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, đứng ngay sau nỗi sợ chết, là sợ nhện. Con nhện ở bên đây không được đất. Những hình ảnh mạng nhện, con nhện được liên kết với ma quái trong ngày Halloween, đã cho nhện... lên chức! Còn nhện ở Việt nam, bạn của trẻ em, có chi mà sợ. Tôi nhớ những ngày nhỏ, nhà nào mà chẳng có nhện, trần nhà nào mà chẳng nhện giăng tứ phía, chúng tôi bắt  nhện chơi. Có những chị nhện ôm cả bọc trứng trắng xóa, xé rách ra, nhện con lũ lượt chạy ra tứ phía. Nhện vàng sa xuống vai còn thích nữa vì nó mang lại điều may nhất là những ngày sửa soạn thi cử. Được nhện vàng thăm viếng, niềm hy vọng được đẩy lên cao hơn. Cao tồng ngồng mà còn... dấm đài liền được cha mẹ chữa theo mẹo, nướng nhện cho ăn mà vẫn há miệng nuốt như thường. Có chết thằng tây nào đâu!

Sợ, họa chăng sợ chuột con mới sinh ra. Những chú chuột đỏ hon hỏn, mắt vẫn nhắm tít, quờ quạng trong ổ, sờ tay vào thấy mềm nhũn ghê ghê. Trẻ con sợ, đã đành, người lớn cũng nhiều người... té đái. Ông chú tôi, hồi đó dễ chừng đã đang ở tuổi... hăm, sợ chuột con một cây. Có lần, mấy bà cô nghịch tinh của tôi bắt chuột con dí vào ông chú tôi đang ngồi đọc sách. Ông vùng dậy, mặt tái tím, chạy bán sống bán chết, không biết trời trăng gì cả. Từ trong sân nhà, ông chạy bổ ra đường, chạy loạn xạ bất kể xe cộ. May mà xe kịp tránh ông. Lần về Việt nam cách đây hai năm, tôi đến thăm ông, tuổi đã quá bát tuần, nhớ chuyện xưa, hỏi đùa ông bây giờ còn sợ chuột con không? Ông la lối bảo đừng có hỏi nữa! Áng chừng ngài vẫn còn... run!

Ngoài chuột, tiết mục sợ khác là sợ sâu, nhất là sâu róm, to bằng cả ngón tay, mình đầy lông, đụng vào là ngứa can hết nổi. Lại còn đỉa, tiết mục gớm ghê nhất. Đỉa đánh đu trên bắp chân, hì hục hút máu, thân trương phềnh lên, chẳng có nỗi sợ nào hơn! Trong kỳ Thế Vận Hội  2004 tại Nhã Điển, Hy Lạp vừa qua, các ký giả quốc tế đã khám phá ra là dân Hy Lạp cũng chơi với đỉa. Trong các tiệm bán thuốc cổ truyền, họ có những chiếc lọ nuôi đỉa để bán. Người ta mua đỉa làm chi? Bà Maria Seferoglou, 39 tuổi, bán hàng cho tiệm thuốc Behar, cho biết là khách hàng mua đỉa cho nó hút máu để chữa bệnh cao máu hay cho nó hút chất độc ra khỏi máu! Giá mỗi con đỉa là 4,5 euro, khoảng 7,2 Gia kim.

Trong chương trình truyền hình Fear Factor, phát hình  thường xuyên trên màn ảnh nhỏ, các... dân chơi có nhiều cơ may bị ăn bọ cạp, sâu, trùng... Trong một buổi phát hình, tôi thấy cảnh các cô gái, mặt hoa da phấn, thi nhau tọng côn trùng vào miệng cho nhanh. Họ trét hỗn hợp đủ thứ sâu bọ, côn trùng  thành một mảng bầy nhầy màu xanh vàng lên kính trước một chiếc xe hơi. Chúng ngọ nguậy, lổn nhổn bò trông đến buồn nôn. Vậy mà những chiếc miệng xinh xắn phải lùa những thứ lầy nhầy này vào, ngậm chạy tới chỗ để một chiếc chậu trên bàn cân, nhả vào chậu, rồi vội vàng chạy đi... liếm tiếp. Trong thời gian hạn định, ai chuyển được trọng lượng chất lầy nhầy này nhiều nhất thì thắng cuộc. Nhìn những chiếc chậu ngo ngoe những thứ dễ sợ, thấy những chiếc miệng nhếch nhác còn dính chất vàng xanh, tôi đã rùng mình ghê tởm.

Ghê tởm, đó không phải chỉ là một cảm giác sợ khơi khơi đâu. Nó có nhiệm vụ cả đấy. Nếu nỗi sợ bảo vệ con người chống lại những hiểm nguy, như bị những thú vật to lớn, nguy hiểm ăn thịt thì sự ghê tởm bảo vệ con người chống khỏi bị những con vật nhỏ nhít hành hạ. Đó là các loại vi trùng, vi khuẩn, loài ký sinh luôn luôn muốn bày tiệc trên thân xác chúng ta. Một nhóm các nhà khảo cứu của Viện Vệ Sinh và Y Khoa Nhiệt Đới ở Luân Đôn đã làm một cuộc khảo sát về tác dụng của sự ghê tởm của con người. Cuộc khảo sát được thực hiện tại 6 quốc gia và 1 phi trường quốc tế để tìm ra cái gì làm con người ghê tởm. Từ đầu năm 2004, cuộc khảo sát được phổ biến rộng hơn bằng cách đưa lên mạng của đài BBC. Tới nay, đã có 80 ngàn người thuộc 172 quốc gia vào xem và trả lời. Họ được hỏi như thế nào? Đại khái là họ được xem chiếu trên màn hình, cùng một lúc, hai hình ảnh tương đồng với nhau, trong đó một hình ảnh như bị bệnh tật đe dọa, hình kia thì không. Chẳng hạn như hai chiếc khăn tắm giống nhau, một có dây vết màu xanh, một có màu vàng nâu; hoặc hai hình của cùng một người, một bình thường khỏe mạnh, một trông vàng vọt bệnh hoạn. Người tham dự khảo sát, mỗi khi bấm lên một cặp hình, sẽ cho điểm từ 1 (không ghê tởm) đến 5 (rất ghê tởm). Kết quả y chang như dự kiến của những nhà khảo cứu. Con người ai cũng ghê tởm những thứ bệnh hoạn, dơ dáy. Đàn bà... tởm hơn đàn ông. Việc so sánh đàn ông đàn bà này không phải vì... kỳ thị đâu mà có khoa học đàng hoàng. Bởi vì đàn bà mang một gánh nặng di truyền gấp đôi, vừa chuyển những genes cho thế hệ sau vừa nuôi nấng thế hệ này để chúng có thể tồn tại và sinh sản. Do đó, đàn bà có khả năng lớn hơn đàn ông trong việc phát hiện những mầm mống của bệnh tật trong môi trường. Câu hỏi chót của cuộc khảo sát là: nếu phải dùng chung một bàn chải đánh răng thì bạn không muốn chung với ai nhất? Bị chê nhất là ông phát thư, rồi tới ông chủ nơi làm việc, ông xướng ngôn thời tiết trên TV, anh chị em, bạn thân và, chót hết, vợ chồng! Càng thân cận càng ít bị chê. Điều này có ý nghĩa gì? Những người gần gũi chúng ta nhất thường cùng chúng ta chung đụng một loại vi khuẩn nên ít truyền bệnh cho chúng ta hơn. Ghê tởm sợ sệt, đó là một bản năng phòng tránh bệnh của con người, từ ngàn xưa tới nay!

Sợ, nó hành hạ con người ra sao? Sợ run lên bần bật, sợ dựng tóc gáy, sợ co người lại, sợ... té đái. Thông thường nhất là sợ toát mồ hôi. Khi ta sợ, hệ thần kinh tự trị giao (casympathetic autonomic nervous system) bộc phát mạnh và chất epinephrine từ nang thượng thận  tiết ra nhiều. Hai anh này kích thích tuyến mồ hôi, nhất là ở lòng bàn tay bàn chân và ở nách. Mồ hôi ra nhiều và bốc hơi do nhiệt lượng của thân thể làm cho chúng ta lạnh. Ngoài ra, khi hệ thần kinh giao cảm kích thích thì điện trở ngoài da cũng thay đổi. Hai hiện tượng này cộng với hiện tượng tự nhiên là khi nói dối con người bao giờ cũng sợ làm người ta mới chế ra đo điện trở ngoài da để dò nói dối. Đeo máy này vào, nói dối là lộ liền!

Làm phim toát mồ hôi lạnh là một chiêu ăn khách của các nhà sản xuất phim. Cũng ký giả Jay Stone đã sắp hạng mười phim dễ sợ nhất trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Theo bảng sắp hạng này thì phim Psycho (1960) của ông vua kinh dị Alfred Hitchcock cầm đèn đỏ. Trên đó là 9 phim có thứ tự như sau: Night of the Living Dead (1968), The Silence of the Lambs (1991), The Exorcist (1973), Dead of Night (1942), Halloween (1978), Poltergeist (1982), The Ring (2002), Nosferatu the Vampyre (1979) và Seven (1995).

Đứng hạng 10, nhưng được nhắc nhở đến nhiều nhất vẫn là Psycho. Không hiểu tại sao khán giả lại mặn với phim này đến vậy. Mới đây, nhân cái chết của Janet Leigh, nữ tài tử chính trong phim, Psycho lại được nhắc nhở tới. Và cái màn rùng rợn nhất trong phim, màn giết người khi đang tắm vòi hoa sen, lại được nhắc tới. Đây là một màn... toát mồ hôi đã được dựng lại cho du khách coi trong phim trường Universal Studio ở Hollywood. Tôi đã hai lần tới đây, hai lần được coi lại cảnh toát mồ hôi này nên không toát mồ hôi được nữa! Nhưng nữ tài tử Janet Leigh đã không dám tắm vòi hoa sen trong suốt thời gian từ khi đóng cảnh này đến ngày nhắm mắt lìa trần tại Beverley Hills trong bàn tay của ông chồng Robert Brand và hai cô con gái, cũng là hai tài tử, Jamie Lee Curtis và Kelly Curtis.

Sống trong tình cảnh... toát mồ hôi là cô Annie Pellerin, 28 tuổi, nạn nhân sống sót duy nhất trong vụ án mạng tại một cửa tiệm Harvey’s trong khu rất đông người Việt Côte des Neiges ở Montréal. Chuyện xảy ra vào rạng sáng ngày 28 tháng 10 năm 1996. Ba tên cướp gồm Trần Sỹ Tuấn và hai tên khác mới 15 tuổi không được tiết lộ danh tánh đã xông vào nhà hàng giết chết hai nhân viên nam. Riêng cô Pellerin, lúc đó 19 tuổi, bị cắt cổ, đâm hai nhát vào ngực và đập sáu nhát bằng mặt bằng của chiếc búa. Chúng tưởng cô đã chết nên bỏ đi sau khi  lấy được 1800 Gia kim. Tưởng tất cả các nạn nhân đều đã chết nên không có chứng cớ gì. Ai ngờ, thiên bất dung gian, cô Pellerin còn sống và đã nhận ra Tuấn là nhân viên cũ của nhà hàng. Tuấn bị kết án 25 năm tù. Cô Pellerin sống trong nỗi sợ thiết thân: sợ Tuấn trả thù. Tuấn đã có lần vượt ngục nhưng không thành. Nỗi sợ của cô Pellerin lại nặng thêm. Cô sống trong sợ hãi như vậy cho đến một ngày cuối tháng 10 vừa qua, Tuấn đã treo cổ tự tử trong nhà tù. Cô Pellerin là người đầu tiên được nhà tù thông báo. Họ đã cất đi cho cô nỗi sợ một đời!

Phó sản của sợ là... nhát! Người nhát thường ít xông xáo, hay né tránh, an phận thủ thường nên luôn luôn bị thiệt thòi trong công việc, lúng túng trước đám đông và chậm chạp trong hôn nhân. Thống Kê Canada gọi là “căn bệnh của sự lỡ cơ hội” và cho biết có 2 triệu dân Canada từ 15 tuổi trở lên bị “bệnh” này. Tuổi từ 15 tới 20  có 4,7 %, trên tuổi này là 3,1%. Bệnh này do sợ hãi quá độ khi đối diện với người khác hay trong nơi làm việc. Dĩ nhiên, trước người khác phái, nỗi bất an còn tăng thêm nhiều nữa. Theo tâm lý gia Scott Patten của Viện Đại Học Calgary thì bệnh làm người ta rối trí hoặc hoảng sợ đến toát mồ hôi, khô miệng, tim đập dồn dập, khó thở. Hậu quả là không có công ăn việc làm hoặc làm những việc có lương thấp hay... dễ chịu nhất là ăn tiền xã hội! Bệnh tưởng như...  hết thuốc chữa nhưng với những liều thuốc chống trầm cảm và bằng trị liệu tâm lý, người ta có thể dễ dàng đưa người bệnh trở về cuộc sống thường. Nhưng vì là thứ bệnh mà như không phải bệnh, những người nhát thường... nhác! Không chịu đi chữa trị. Chỉ có 37% chịu đi chữa và chỉ sau khi họ nấn ná bằng mọi cách hoãn binh trung bình trong 14 năm!

Nói tới tâm lý là đụng tới con tim. Đụng tới con tim là...nhói buốt. Cái sợ trong trường tình có chi lạ? Dọ dẫm bước chân vào con đường tình cảm, con người ta thường nhu mì một cách bất thường. Tình yêu dễ làm chúng ta ngợp. Nhân vật Phi trong truyện ngắn Sợ của Xuân Diệu, viết từ năm 1938, đã ngộp trong tình yêu. “Sợ, phải rồi! Phi sợ! Chính cái cảm giác mù mờ trong bấy lâu, bây giờ Phi mới thấy. Đó là một sự thực mà người ta không nên quên: tình yêu nhiều làm cho ta sợ. Có phải không, tình yêu đã to lớn, mênh mông, thì có khác gì một sông to, một biển cả đâu! Người ta ngợp vì thấy tình nhiều, bởi vì bao giờ cái nhiều cũng làm ta tự thấy mình ít; ta không kịp ngó, ta cảm xúc không hết, ta thấy cái nhiều tràn ta, ngập ta, lụt đến quá cổ ta! Ta sợ khi nhiều trời, nhất là nhiều sắc xanh rờn rợn của không gian; huống chi nhiều ái tình, một thứ không gian và thời gian vô hình ảnh. Nếu gió mát làm ta ngợp sợ, thì sự quá êm đềm, quá thiết tha, quá yêu mến lại xui ta sợ sệt đến bao nhiêu. Có ai thấy những đứa trẻ con xin bánh không? Nếu cho nó một cái, nó sẽ xin mười; cho nó năm mươi cái, nó sẽ ngạc nhiên; và nếu đưa cho nó cả một thùng bánh to, nó sẽ rợn rùng và sợ người cho nó.”

Trong tình yêu đã ngợp , đã sợ. Bước vào tình yêu còn sợ phát khiếp! Thôi đừng nhắc tới những ngày mon men chuyện lứa đôi đó! Sợ lắm!

11/2004