Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

CƯỚI

 

Nói chuyện cưới vào lúc này là nói... vuốt đuôi. Những ngày lạnh đã trở về. Cảnh vật đã xuống sắc. Mọi thứ đều teo cả lại. Cưới cũng teo theo. Những ngày nóng người ta ào ào lấy vợ lấy chồng để ấp ủ nhau. Những ngày lạnh người ta nằm không cho... mát cõi lòng. Vậy nên chẳng ai muốn thắt nơ đội voan cùng với tuyết. Nhưng nói chuyện cưới lúc này lại là nói... chặn đầu. Ở Việt Nam, cùng với thu về, người ta đi may áo cưới. Từ thu sang đông người ta nắm tay dẫn nhau đi vào cuộc sống mới rầm rập. Càng gần Tết cưới càng bạo. Ai cũng muốn lấy vợ ăn tết. Rủ nhau lấy vợ như đi sắm đồ tết. Làm như trong nhà đang thiếu... máy phát thanh!

Ngày xưa, lấy vợ lấy chồng chẳng phải chỉ là việc may áo cưới. Muốn có ngày hợp cẩn, còn phải qua... đoạn đường chiến binh của lễ lạc, thủ tục. Coi mắt, dạm hỏi, thách cưới, làm rể (một lối làm...công quả!)... Trần thân mới có cái ngày... diễn hành:

Một cụ già râu tóc trắng như bông,
Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám.
Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm,
Quần nâu hồng, chống gậy bước theo nhau.
Hàng ô đen thong thả tiến lên sau.
Kế những chiếc mâm đồng che lụa đỏ.
....................
Một chị sen đầu đội chiếc chăn hồng
Đặt trên cái hòm da đen bóng lộng.
Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn,
Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao.
Các bạn cô bằng tuổi cũng xinh sao,
Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc.
Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh.
(Đoàn Văn Cừ)

Cưới vợ ngày nay giản dị hơn nhiều. Chỉ cần thảy nhiều địa ra phô trương cho mát mặt hai họ. Cưới xong, cái mặt có méo là chuyện ngậm mà nghe. Một mình mình biết, một mình mình... run!

Cưới vợ dễ như vậy nên người ta cưới lia chia. Chuyện bách niên giai lão, chuyện một đời trở thành chuyện... phù phiếm. Thề thốt thì cứ thề, cho cá trê chui ống lúc nào mà chẳng được!

Một công dân Mã Lai, ông Kamaruddin Mohammed, đã mặc áo cưới sơ sơ có 53 lần. Ông bắt đầu cuộc... viễn du vào năm 1957 và trong 47 năm ông cứ đổi thuyền giong buồm lia lịa. Ngoài chẵn chòi năm chục bà vợ bản xứ, ông còn thiếm sực luôn một bà người Anh và một bà Thái Lan. Chỉ có bà vợ Thái Lan này sống với ông lâu nhất, tới 20 năm lận. Còn những bà khác đều chỉ... ghé bến. Có bà vẻn vẹn có hai ngày! Ông có nhiều vợ nhưng không phải là người vô trật tự. Lúc nào ông cũng chỉ có một vợ. Ông chỉ thay vợ chứ không đa thê! Lý do thuyền ông phải vất vả ghé nhiều bến hoàn toàn là một lý do thẩm mỹ. “Tôi chỉ thích ngắm nhìn phụ nữ đẹp mà thôi!” Chỉ trừ cô vợ người Thái bỏ ông để về bên kia thế giới, những người vợ khác thì ông bỏ. Mới đây, ngày 4 tháng 10 năm 2004, sau 47 năm phiêu lưu, ông Mohammed, nay đã 72 tuổi, làm một quả cưới ngoạn mục: trở về mái nhà xưa! Ông cưới lại bà vợ đầu tiên mà ông đã bỏ gần nửa thế kỷ trước. Bà Khadijah, năm nay vừa được 74 cái xuân xanh, cũng đã qua ba đời chồng, đã gật đầu... tái hồi Mohammed. Ông già này thật là người có trước có sau!

Không thấm gì với ông Mohammed nhưng cũng đáng ghi vào... hôn sách là ông Trần Viết Chu, hiện sống ở làng Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Trái với ông Mohammed lúc nào cũng chỉ một vợ một chồng, ông Chu cần tới 24 bà nâng khăn sửa túi một lúc! Mười ba bà đang sống chung với ông tại quê nhà, 11 bà lưu lạc khắp nơi trên khắp các nẻo đường đất nước: Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Lâm Đồng, Long Khánh, Quy Nhơn... Lực lượng nữ binh này sản xuất cho ông gần 100 con và xấp xỉ 200 cháu nội ngoại! Hơn một nửa trong số các bà này là những người bị chồng bỏ. Tính ông rất... mã thượng. Ông chúa ghét loại đàn ông quất ngựa truy phong nên mở lòng đón nhận những người đàn bà bất hạnh này về chung sống với ông. Lòng thương người của ông quả là bao la như lượng hải hà!

Không bén gót hai cao thủ trên, nhưng ca sĩ Jo Marcel của chúng ta cũng là một tay cự phách. Anh đã lên xe hoa tất cả 7 lần. Trong số 7 cô dâu có một cô người Nhật, một cô lai Pakistan, một cô người Hoa và một cô người Mỹ. Ông chồng... quốc tế này thật ra rất ngoan ngoãn. Trả lời phỏng vấn của ký giả Trường Kỳ, bạn thân của anh, Jo đã giãi bầy: “Quan niệm của tôi là Trời cho cái gì mình hưởng cái đó, thế thôi, không có đòi hỏi. Trời cho cái gì, mình appreciate cái đó, không đòi hỏi, không hối tiếc và chỉ có vâng lời!” (Tuyển Tập Nghệ Sĩ 6, trang 109). Đức vâng lời của anh thật đáng làm gương cho mọi người!

Thế giới càng ngày càng nhỏ lại bằng... chiếc giường. Ông Mohammed quốc tế, Jo Marcel  quốc tế, các cô gái miệt vườn Việt Nam cũng quốc tế như ai. Các cô đua nhau đi lấy chồng nước ngoài. Họ thi nhau làm Huyền Trân. Ngày xưa Huyền Trân còn đổi cuộc đời được hai châu, châu Ô và châu Lý; ngày nay các kiều nữ Việt Nam lấy rẻ hơn: chỉ vài trăm đô Mỹ! Cuộc đổi chác... cay đắng này đã bùng lên thành một phong trào. Phong trào lấy chồng Đài Loan. Mấy ông Đài Loan, có ông tật nguyền, có ông tâm thần, có ông... nội, không có khả năng lấy vợ bản xứ, vậy mà sang Việt Nam cứ như thánh như tướng, đi tuyển vợ mà cứ như đi coi vũ sexy! Éo le như vậy mà những thiếu nữ Việt Nam, tuổi còn hơ hớ, vẫn cứ lũ lượt kéo nhau đi lấy chồng Đài. Tất cả chỉ vì đồng đô la. Cái màu xanh lá ngày nay trở thành màu hy vọng trong một nước mà con dân cứ bị đẩy ra khỏi nước như một người mù đi tìm đường sống. Hơn một phong trào, lấy chồng Đài Loan đã trở thành một thảm kịch!

Những anh Đài Loan đó, chỉ cần vài ngàn đô trong túi, đã quậy nát đất nước ta. Lấy vợ ở Việt nam dễ như đi mua cá nên một anh Đài tới Cần Thơ cưới lia chia, chơi luôn hai phùa chú rể trong 3 ngày! Anh này tên Lin Ming Wei, 35 tuổi, tới Việt Nam bằng chiếu khán du lịch. Cô dâu số 1 là cô V.T.H.Nh, mới 21 cái xuân xanh, cư ngụ tại xã Giai Xuân. Lễ vật là 5 triệu đồng, 30 con vịt và một con heo quay! Cưới xong, cô Nh động phòng với Lin tại một khu vườn du lịch nổi tiếng tại thành phố Cần Thơ. Cô khóc đòi về với gia đình. Chú rể bất bình. Ngày cưới mà khóc là xui, theo phong tục Đài Loan, phải cưới lại trong 3 ngày sau. Ba ngày sau, anh Lin đi làm chú rể ở nơi khác. Cô dâu số 2 là T.T.T.Th, cũng 21 tuổi. Sự việc hai lần cưới này đổ bể. Chú rể tếch về Đài Loan.

Tại thủ đô Seoul của Đại Hàn cũng như tại nhiều thành phố khác, người ta thấy nhan nhản những tấm bảng đại loại như: “Hãy cưới cô dâu Việt Nam” và ghi chú rõ: người chưa vợ, góa vợ hay khuyết tật đều có thể tìm được cô dâu Việt! Đó là những tấm bảng rao hàng của từ 700 đến 1000 văn phòng môi giới hôn nhân tại nước này. Lệ phí cho mỗi cuộc hôn nhân là khoảng từ 10 ngàn đến 12 ngàn đô Mỹ tùy theo tình trạng của... chú rể. Càng lớn tuổi, càng có khuyết tật thì càng phải bù thêm nhiều tiền để... kê bằng những khiếm khuyết. Số tiền này, các văn phòng môi giới nuốt hết, chẳng có đồng nào rơi rớt tới... cô dâu. Nhà báo Yoo Hyuen San của báo Han Kye Le đã có lần giả danh đi kiếm vợ để đột nhập vào thế giới lạ lùng này. Sáng ngày 3 tháng ba vừa qua, tại Sài Gòn, các anh Đại Hàn tuyển thê được dẫn tới một khách sạn để coi... hàng. Có khoảng 160 cô gái ứng tuyển sáng hôm đó. Từng đợt 10 cô một được đưa ra. Mỗi cô tự giới thiệu họ tên, tuổi, trình độ học vấn... Và vẻn vẹn chỉ có thế. Các cô được chọn lựa vào vòng hai, 15 cô tất cả, được đưa ra trình diện sau đó. Họ bị bắt bỏ giầy  để đo chiều cao, cười để coi răng coi miệng... Nghe ra như một cuộc mua bán trâu bò! Chỉ trong một năm, năm 2003, đã có 1403 cô gái Việt được sang Đại Hàn làm vợ bằng cách tuyển chọn... thú vật như vậy!

Mấy ông Mã Lai cũng tham gia tuyển chọn. Ông John Lee, 54 tuổi, chỉ cần có 90 phút để chọn được một cô vợ đáng tuổi con ông. Cuộc tuyển chọn diễn ra tại một khách sạn ở Sài Gòn. Mười ba cô gái, mặc áo thun quần jean, được đưa từng cặp một vào phòng khách sạn. Ông Lee được giới thiệu về tuổi tác, nghề nghiệp. Ông cũng cho biết là không hút thuốc lá, không uống rượu. Thế là đủ cho... chân dung chú rể. Lee xin sờ tay một số phụ nữ để xem da họ có mịn không. Chẳng cô nào chống đối. Cuối cùng, ông chọn được vợ. Mai mối cho ông là công ty môi giới hôn nhân Silver Stream International Matchmaker do vợ chồng Elvin Lai Kok Siong và Ngô Thị Minh Tâm, 24 tuổi, điều hành, trụ sở tại Kuala Lampur. Ông Lee chỉ phải chi ra có 28 ngàn tiền Mã cho tua du lịch tìm vợ này. Tuyên bố với báo Metro phát hành tại Kuala Lampur, ông Lee cho rằng lấy vợ ở Việt nam còn rẻ hơn thuê người làm tại Kuala Lampur!
Tân Gia Ba cũng coi gái Việt như rứa. Tờ Strait Times xuất bản tại Singapore, số ra ngày 19 tháng 10 vừa qua, có đăng một bài gây công phẫn trong dư luận người Việt ở Tân Gia ba cũng như người bản xứ. Bài báo nhan đề “Đàn ông Singapore kiếm được vợ Việt nam trong 4 giờ!” đề cập chuyện một anh Tân Gia Ba sang Việt nam phỏng vấn 50 cô gái và chọn được một cô làm vợ chỉ trong 4 giờ... làm việc. Cô Junaidah Jaf ở Singapore, sau khi đọc bài báo, đã hốt hoảng: “Tôi đọc bài báo và tự hỏi có phải chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21 không? Tại sao những người đàn ông có thể chọn phụ nữ như những món hàng mua ở chợ như vậy?” Câu trả lời xin nhường cho những người cầm quyền tại Việt Nam! Trong hai năm qua, ở Tân Gia Ba có khoảng 10 văn phòng môi giới hôn nhân được thành lập để giới thiệu phụ nữ Việt Nam cho đàn ông Tân Gia Ba. Họ cạnh tranh nhau ráo riết làm cho giá cả càng ngày càng đi xuống. Năm 2001, tua trọn gói đi lấy vợ Việt Nam là 16 ngàn đô, nay chỉ còn từ 10 đến 12 ngàn đô.

Con gái Việt nam rẻ như bèo! Bèo là một thứ thổ sản ở Việt nam mà hình như rất đáng hãnh diện. Chẳng thế mà trước đây phi hành gia vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân, đi ké tầu vũ trụ của Liên Sô, đã mang bèo hoa dâu lên không gian. Ngày nay, bèo không được xuất khẩu theo chiều cao mà lan ra theo chiều ngang. Nhà cầm quyền cứ thoải mái đưa bèo qua Đài Loan, Trung Quốc, Tân Gia Ba mà chẳng cần biết bèo sẽ trôi giạt về đâu. Bèo thì muôn đời cứ thân phận bèo, cần chi để mắt tới!

Để mắt tới có lẽ chỉ có dân Việt Nam hải ngoại. Một lực lượng có thể cạnh tranh với các binh đoàn Đài Loan, Trung Quốc, Tân Gia Ba là lực lượng lão ông Việt Nam hải ngoại. Già mà còn rất khí thế! Họ đang ồ ạt tiến về Việt Nam để giúp giữ phụ nữ Việt Nam trong tay người Việt Nam. Những bàn tay nhăn nheo, không quản đường xa, vẫn cứ hiên ngang vác đô la về Việt Nam xông trận. Vài trăm đô mỗi tháng cho một phụ nữ, chuyện nhỏ! Tiền già đủ dư sức qua cầu! Nhưng binh đoàn... yêu nước này đang có cơ bị... giải giới. Theo hãng thông tấn Đức Deutsche Press Agentur thì Bộ Tư Pháp Việt nam đang nghiên cứu một luật lệ mới giới hạn tuổi kết hôn với phụ nữ Việt Nam. Tuổi chênh lệch giới hạn như thế nào, chưa rõ. Nhưng các lão ông hải ngoại chắc sẽ rớt đài hết!

Cưới ngày nay rất mù mờ. Có khi cũng cưới đấy nhưng là cưới... giả. Nhiều cô gái Việt Nam muốn xuất ngoại tới các nước tiền tiến chịu chi tiền để cưới giả. Qua sông có thuê đò đàng hoàng. Tiền trao nhưng không chịu... cháo múc. Qua sông xong là anh đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa chi mà vấn vương. Chỉ nói mấy cô Việt Nam là nói oan, các cô ở các nước đang phát triển khác cũng rứa.

Anh  Satnam Patmar, 38 tuổi, dân Canada gốc Ấn Độ, hiện làm quản trị viên tại một cửa hàng bách hóa ở Edmonton, về thăm quê hương vào năm 2001. Anh được giới thiệu với một cô giáo tiểu học. Chỉ ít ngày sau, họ đã làm cô dâu chú rể trong một tiệc cưới lớn với 200 khách tham dự. Một năm sau tân nương Karmjeet Jaswal đặt chân tới phi trường quốc tế Edmonton. Anh chồng hớn hở mang hoa ra đón. Ngay tại chỗ lấy hành ly, tân nương Jaswal nói huỵch toẹt ra là cô chẳng bao giờ thương yêu gì anh chồng hờ cả, đây chỉ là một đám cưới giả để cô qua được Canada. Anh Satnam bỗng dưng thấy mình là một con đò vô duyên. Cô vợ hờ qua được sông là thản nhiên đấm... (cái cô không có) vào con đò! Bèn tức. Chơi lại liền. Anh báo với nhà chức trách. Sở Di Trú như mở cờ trong bụng. Họ biết có rất nhiều người mưu mô làm đám cưới giả để nhập cảnh vào Canada nhưng không có chứng cớ nên chỉ biết hậm hực. Vớ được trường hợp hãn hữu này, họ truy tố cô Jaswal liền một khi. Kết quả, tòa phán cô Jaswal đã vi phạm đạo luật Immigration and Refugee Protection Act, phát cho 4 tháng tù. Sau khi thụ án, cô dâu gian này có thể bị trục xuất về Ấn Độ.

Kết hợp một người nam và một người nữ vào với nhau là chuyện... may rủi. May thì keo sơn, chẳng may thì rã đám. Giới trẻ ngày nay, muốn chắc ăn, cứ thử trước cưới sau. Mua bánh mua kẹo còn được nếm trước huống chi mua... người! Không thử thì lỡ vớ phải một anh tối tối mở nhà máy cưa, một chị đêm đêm giật mình nhẩy chồm chỗm như cóc nhái, chịu gì nổi! Nhiều anh chị kỹ tính nên thử hơi lâu, sinh ra những phản ứng phụ. Tới khi quyết định sánh bước bên nhau trong áo cưới thì đã có tiểu đồng theo hầu. Bố làm chú rể, mẹ làm cô dâu, anh nhóc làm garcon d’honneur. Cả nhà đều có việc. Vui biết mấy!
Ham vui là đặc tính của thời đại này, thời đại mà con người được thả rông mọi thứ. Mọi người đều được tự do chạy theo anh chàng bản năng. Mà anh chàng này là chúa sinh chuyện. Chuyện trăm năm có nhiều phần trở thành chuyện... trăm ngày. Ham tiền cũng là một lối sinh chuyện khác. Chẳng phải chỉ có tụi trẻ. Mà các ông bố bà mẹ mang danh ông tham bà tham cũng sinh chuyện như điên. Tôi biết có một bà... tham đã dậy anh con trai: anh em như thể tay chân, còn vợ như chiếc áo muốn cởi lúc nào thì cởi. Diễn nghĩa lời dậy dỗ này là tiền bạc thì đưa cho bố mẹ, anh em cất giùm cho, đừng đưa cho vợ mà... khốn. Mà tiền vào thì hạnh phúc đi ra. Thế nên... cởi áo xoành xoạch! Cái gọi là tình nghĩa coi bộ là một thứ... vô nghĩa!

Nhà văn Trúc Chi, trong tùy bút Chút Nắng Và Chút Tình, đã la cà về cái nghĩa trong tình vợ chồng: “Tại một số các nước mà tôi đã có dịp đi qua, chính mắt tôi đã trông thấy và nhìn cuộc sống  của nhiều đôi vợ chồng già. Tôi cảm động khi nhìn những bàn tay lóng cóng, những bước đi chậm chạp, những mái tóc bạc phơ săn sóc nhau, tận tụy với nhau khi trở trời trái gió, những khi ông ươn mình, bà cảm cúm. Có lần, tôi đã nói chuyện về cái khái niệm nghĩa  này với một ông bạn người Anh, bạn vong niên, lớn hơn tôi cả hai chục tuổi, khi tôi thấy hai vợ chồng ông săn sóc cho nhau từng chén trà có pha sữa tươi, từng lát bánh mì nướng phết bơ. Không hẳn là cung kỉnh như tân, cũng không hẳn là tình tứ, mà họ quí nhau lắm. Tôi có hỏi ông bạn, trước là giáo sư Anh ngữ tại Đại Học Luân Đôn, về một từ ngữ tương đương với cái nghĩa trong đời sống vợ chồng, sau khi đã dài dòng liệt kê một loạt thí dụ để làm sáng tỏ cái khái niệm ấy. Suy nghĩ một hồi, ông cười hóm hỉnh quay sang trêu vợ: ‘Tôi nghĩ không ra, nhưng không phải vì vậy mà chúng tôi không biết ăn ở với nhau cho có ni-ơ , phải không mình’ (ni-ơ  là cách ông bạn tôi phát âm tiếng nghĩa)”.

Tình nghĩa vợ chồng, tôi đã được nhìn thấy trong tuần qua. Vợ chồng ông bạn vong niên của tôi có 8 con và 15 cháu nội ngoại. Cái đám hậu duệ lên tới con số 31 trự này đã đứng ra tổ chức lễ Cưới Vàng kỷ niệm 50 năm gắn bó của vợ chồng ông. Lý do tổ chức, theo anh con trai trưởng, là: 50 năm trước, khi bố mẹ cưới nhau, con cháu không được dự vì không được mời! Trong tiệc cưới, ông bạn vong niên của tôi đã kể chuyện đi may bộ đồ cưới ông mặc hôm nay. Ông dặn ông thợ may tây may cho đẹp vì đây là bộ đồ cưới. Cưới vợ? Ừ, cưới vàng 50 năm! Năm chục năm? Ừ, chứ sao! Ông thợ may tây hồi hộp hỏi tiếp: Một bà? Ừ, một bà! Ông tây khoái chí, vỗ vai ông bạn tôi, tay chỉ ra đống cà vạt bầy bán. Ông chọn lấy một cái, tôi mừng!

Tây hay ta gì, nghĩa vẫn cứ là quý!

11/2004