Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

XIN

 

Lậy ông đi qua , lậy bà đi lại, xin mở lượng hải hà bố thí cho con chén cơm chén cháo. Xin là hạ mình xuống làm bộ thảm khổ để gợi lòng thương của người khác. Để có được sự thảm khổ, phải trình diễn. Hồi tôi mới di cư vào Saigon, ngụ tại khu bình dân Cầu Ông Lãnh, hàng xóm của tôi là một anh thanh niên khỏe mạnh, chỉ phải cái tội hơi gầy ốm. Ngày anh đi làm, tối về la cà đi chơi nhà này nhà kia, hút điếu thuốc, uống chai la ve, như một người lao động chân chính. Cho tới một bữa, tôi tình cờ thấy anh lết ở phía bên ngoài chợ Bến Thành, chân đầy bông băng kín mít điểm thêm những vết máu đỏ rịn ra, mặt méo xẹo, miệng rên la thảm khổ. Chiếc mũ trên tay anh đầy một đống tiền. Trông thấy anh, tôi vội né. Cũng phải làm một chút việc thiện: chẳng nên mang sự ngượng ngùng đến cho người khác!

Anh hàng xóm của tôi thật sự là một người trình diễn. Bông băng hóa trang, buổi tối, khi trở về nhà như một người lao động chân chính, anh tháo ra được. Nhưng có những màn trình diễn bi thảm hơn nhiều, nhất là những “tài tử” được đẩy ra sân khấu lại là những trẻ em. Những người đã trở về Việt Nam chắc chẳng lạ gì với những cảnh những trẻ em tật nguyền, da bọc xương, nhếch nhác một cách đáng sợ bám sát theo để xin tiền. Nếu bạn có lòng thương người, móc tiền cho những đứa trẻ đáng thương này, đích thị bạn đã thương những tên đàn ông đàn bà ngồi đánh bài hoặc ăn uống gần đó. Vì chính những người này, sau chót,  sẽ nhận được những đồng tiền bố thí của bạn! Bạn đã bị lừa! Những đứa trẻ khơi gợi lòng trắc ẩn của bạn chỉ là những con chim mồi.

Đây là một hoạt cảnh được mô tả trên tờ báo điện tử trong nước, tờ VnExpress, ngày 3 tháng 11 năm 2004: “Bé gái độ 7 tuổi bế trên tay một hình hài quặt quẹo, nhỏ xíu, đôi mắt nhắm nghiền, rảo dọc các quán ăn trên đường Nguyễn Trãi. Nó van nài: “Cho con xin vài trăm đồng mua sữa cho em”. Vài tờ tiền lẻ cũ kỹ, nhàu nát chìa ra. Nó chộp lấy và giúi vội vào cái ca nhựa rồi bước thẳng đến cột điện bên lề đường. Ở đó, một người đàn bà ngồi chờ sẵn. Mụ thò tay vào cái ca quơ sạch từ tiền giấy lẫn tiền cắc cho vào nón lá xốc xốc chừng để đếm, gầm gừ trong cổ họng: “Nãy giờ có nhiêu đây thôi sao? Ngu quá, mày phải dí sát đứa nhỏ vào người ta, để nếu bọn họ không động lòng thì cũng cho tiền để mày nhanh chóng biến đi, biết chưa?”

Bài học về môn… xin mà đứa nhỏ vừa được giáo dục chỉ là một trong những mánh khóe moi tiền của bạn, của tôi. Còn nhiều chiêu khác dành cho những người có lòng: quỳ lậy cho tới khi khách phải bật tiền ra, dí sát thân hình hôi hám vào khách để… khủng bố, bám dai nhách như đỉa đói. Những đứa trẻ nhơ nhuốc này có khi là con cái của những… tiểu thương buôn lòng từ tâm của người khác, có khi chỉ là những đứa trẻ được họ thuê mướn. Có cả một thứ nghề gọi là nghề đẻ con để cho mướn, cũng như có cả sự bất nhân khi chọc mù mắt, bẻ gẫy xương trẻ em sơ sinh để tăng thêm… kịch tính!

Nhà văn Nguyễn Thụy Long, sau 1975,  đã có lúc bị đời hành hạ đến phải ngủ đường ngủ chợ. Nhờ vậy mà ông ghi lại được những hình ảnh như không có thật. Trong cuốn Thân Phận Ma Trơi, được xuất bản năm 2000 tại Hoa Thịnh Đốn, đã…nhân chứng như sau: “Trời bây giờ mới lất phất mưa. Tôi nhìn sang bên kia đường, những người hàng xóm của tôi lác đác tụ về. Qua màn mưa, tôi vẫn quan sát được họ: ông già cô đơn nằm cuối hàng hiên, gia đình mẹ mìn nằm kế, có anh chồng đui què mẻ sứt. Tôi nghĩ gia đình ấy hành nghề mẹ mìn vì có cả “cô lếch xông” con nít san sát tuổi nhau, mỗi sáng tôi thấy có người tới lãnh đi suốt ngày, tối trả về cho chị ta, tiền thuê mướn sòng phẳng, đôi khi còn kèm thêm quà cáp. Tối, chị điểm danh con, đếm như đếm vịt. Tối nay tôi nghe chị la lên:
- Còn đứa vắt chân lên cổ nữa, sao giờ này nó chưa trả tao? Trời ơi, muộn chút nữa là nó phải trả thêm tôi hai ngàn, không thì tôi…
Anh chồng chột mắt, cụt giò đang gầy bếp lửa nấu nướng chi đó, gắt lên:
- Làm chi mà ồn vậy, con nhỏ mới ra nghề nhưng coi bộ cũng đàng “goàng”, mày thiệt…
Chị vợ lồng lên với cơn ghen, chửi chồng không thiếu một câu tục tĩu nào. Đổ thừa cho thằng chồng mê con ăn mày mới. Anh chồng cho con vợ lắm mồm một cái bạt tai, xáng luôn một cây nạng gỗ, rồi mọi chuyện êm ru. Anh chồng uống rượu, cuối cùng chui vào chiếu làm gì lục đục trong đó (tôi không biết). Dăm phút sau anh ta chui ra chửi thề một câu:
- Lần này mà mày không đẻ thêm đứa nữa thì chết mẹ với tao nghen. Nhớ lúc nào cũng phải khai là mới sanh lần đầu, đừng quờ quạng khai đã sanh nhiều lần, nó đè ra đoạn sản là mất giống. Tao sẽ bỏ mày, tao lấy con khác liền một khi. Đ. M. coi đứa nào hận đứa nào.
Mụ mẹ mìn nằm trong chiếu, thò đầu ra quác lên :
- Giỏi thì vô đây thằng đui què kia, đừng đổ thừa tao, tưởng bảnh hả?
Cùng lúc đó chị ăn mày bế thằng bé vắt chân lên cổ về. Chị ta moi tiền ra trả, nhưng mụ mẹ mìn không chịu :
- Đâu được mày, giờ này mày mới đưa con tao về, dễ gì… Đưa thêm tao, chớ không mai mày đi mướn chỗ khác nghen…
- Thì em đưa chị thêm một ngàn rồi.
Anh chồng tật nguyền đĩnh đạc ra vẻ một đàn anh đầu nậu chủ gia đình :
- Đâu được, tao không binh vợ, nhưng bà ấy nói có lý. Vì thương mày mới ra nghề, vợ chồng tao giao “cục vàng” cho mày. Mày phải biết làm cái chân nó vắt lên cổ nghệ thuật được như thế không phải dễ. Tao mất bao nhiêu công phu uốn nắn còn hơn mấy cha nghệ nhân uốn cây kiểng. Khai đi, khai thiệt đi, mày trúng mánh ở “tác phẩm” này phải không? Biết điều mai tao lại cho bế cây vàng của tao đi nữa, còn không thì biến đi nghe mậy!”

Loại… cha ăn mày như vậy người ta gọi là “cốc”. Danh từ này ngày nay hình như đã mai một đi. Kể từ khi ông Kim Dung ông ấy phóng chưởng ào ạt vào nền báo chí của chúng ta. Chúng ta có một danh từ mới : Cái bang! Cái bang được tổ chức có hệ thống hơn. Chức lớn chức nhỏ không tính bằng lon lá mà bằng… túi. Càng nhiều túi càng… xếp. Tám túi là… thống tướng! Tha hồ lèn tiền của thiên hạ.

Bà Catherine Hebert có phải là một cái bang không? Bà chuyên môn đứng bán mấy cái  nhãn dán và kẹo vớ vẩn ở khu thương xá Eaton Center ở Toronto. Chẳng ai thèm mấy cái đồ yêu đó nhưng mủi lòng vì những lời tả oán hoàn cảnh của bà nên thường cho tiền bà. Mấy anh nhà báo vô công rỗi nghề mới đây thử theo dõi và viết một bài báo về người đàn bà này. Bà đi… cốc bằng một chiếc xế Jetta đời năm 2001 và ở một căn nhà ba tầng lầu rất đẹp ở Hamilton, một thị trấn gần Toronto. Bà ăn mày loại xịn này bị lột mặt nạ. Bà bèn lên Montreal để tiếp tục… hành hiệp. Bà trấn đóng ở con đường thị tứ nhất thành phố là đường Ste Catherine. Báo chí nơi đây nhận diện được bà liền. Và họ nói chuyện với bà. Bà được dịp thanh minh thanh nga. Tôi không ăn xã hội, tôi không làm điếm, tôi không bán xì ke ma túy. Tôi chỉ kiếm sống. Nếu người ta muốn cho tôi số tiền lẻ trong túi họ thì tôi vui vẻ nhận. Nhiều người còn làm những việc tệ lậu hơn tôi nhiều để kiếm tiền. Có sao đâu! Bà kiếm tiền có hạch toán đàng hoàng. Bà chẳng ngại chi để cho biết là chỉ tiêu mỗi ngày của bà phải kiếm được là 75 đô. Dĩ nhiên, để làm mềm lòng những người dư tình thương người, bà phải có mánh khóe. Mánh của bà là dựng nên một câu chuyện đời thương tâm. “Tiểu thuyết” của bà được chính bà kể lại như thế này. Bà là sinh viên khoa Tôn Giáo tại Đại Học McMaster ở Hamilton nhưng vì hoàn cảnh gia đình bà phải tạm ngưng việc học. Bà muốn nhờ vào lòng quảng đại của mọi người để có thể tiếp tục việc học, ra trường và kiếm việc làm chứ đâu có muốn đứng đường đứng chợ như thế này. Có người mủi lòng đã không ngần ngại giúp cô sinh viên lỡ vận này nguyên một tờ bạc 5 đô ngon lành!

“Tiểu thuyết” của bà Catherine Hebert  không ăn khách bằng “tiểu thuyết” của một bà gốc Việt ở Abingdon thuộc tiểu bang Illinois, bà Jennifer Nguyễn. Tôi rất thú vị vì là đồng hương với “nhà văn” mang họ Nguyễn này. Năm nay bà được 28 tuổi và tác phẩm của bà đầy phiền muộn. Bà bị đau não nguy kịch, con gái bà là Jade, 3 tuổi đang bị ung thư chờ chết. Bà phổ biến ấn bản này tại một siêu thị. Chủ nhân siêu thị không cầm được nước mắt nên chung sức với nhiều tiệm buôn khác tổ chức quyên tiền giúp con người cùng khổ này. Cư dân 4 quận của tỉnh này đã quyên góp được tới 5 ngàn đô để giúp bà. Một buổi gây quỹ vào ngày 15 tháng giêng vừa qua tại trụ sở hội American Legion tại Abingdon đã vừa quyên, vừa bán đấu giá, thu được gần 3200 đô. Nhưng rồi Cảnh Sát đã nghi ngờ và điều tra. Do lời khai của một thân nhân của bà Nguyễn, câu chuyện xạo của bà đã bị bật mí. Bà đã bị bắt và truy tố ra tòa. Nếu bị xử là có tội, “nhà văn” Jennifer Nguyễn có thể bị ngồi tù bóc tới 5 cuốn lịch!

Nguy hiểm như vậy mà sáu ông bà nhà văn của chúng ta vẫn không sợ. Họ vẫn cứ… ăn mày! Chúng ta có cả một trang nhà của sáu nhà văn này mang tên Ăn Mày Văn Chương. Nếu truy cập vào địa chỉ www.amvc.free.fr  chúng ta sẽ được coi hình chân dung rất không ăn mày của sáu vị này. Đó là các nhà văn và nhà phê bình : Miêng, Mai Ninh, Trần Vũ, Nam Dao, Phan Huy Đường và Phạm Trọng Luật. “Ăn mày là xin người khác một điều gì và chỉ được toại nguyện khi người khác tự nguyện cho. Kẻ sa cơ thất thế, bị dồn vào cảnh bần cùng vô vọng, ăn mày cơm áo. Tất nhiên nó tự thấy nhục. Nhưng chính Tôi cũng thấy nhục, thấy bị xúc phạm mỗi khi phải đương đầu với một người ăn mày vì Tôi cũng là người, không chấp nhận được con người phải như thế và không thể làm người một mình được. Đây là điều ám ảnh Tôi miên man. Chúng Tôi không thuộc loại ăn mày này”.

Vậy các ông bà nhà văn thân mến của chúng ta thuộc loại ăn mày nào? “Khi Tôi đọc văn của người khác, điều đầu tiên Tôi cố gắng làm là quét sạch kiến thức của Tôi để có thể đón nhận một con người khác Tôi, trong tư thế của một con người tự do, bình đẳng và trìu mến. Đó, với Tôi, là thái độ ăn mày văn chương.”
Và sáu vị đã có tên tuổi trong văn đàn hải ngoại chia nhau đi tìm những tác phẩm họ ưng ý của những người viết khác, ăn mày những tác phẩm này, mang về để lên website cho mọi người thưởng lãm.

Ăn mày sang như vậy không có mặt nhà văn cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi Nguyễn Thụy Long. Ông này đi ăn mày thiệt! Sau khi bị giam gần 4 năm tù vì tội là nhà văn trong chế độ cộng sản, ông được thả ra từ trại giam mang bí số Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai. Bạn cùng ra tù với ông là ông cựu Luật Sư Triệu Bá Thiệp. Vừa ra khỏi trại giam, hai ông thèm phở quá nên dùng số tiền về xe trại cấp phát để ăn phở. Ăn xong, túi nhẵn thín, thân đang ở Xuân Lộc, làm sao bò về Saigon? “Chúng tôi đồng loạt vận quần áo bà ba màu xanh nước biển, áo quần đều có in bí số trại học tập cải tạo, kẻ đi đất, người đi dép râu. Ai nhìn cũng biết ngay là tù. Số tiền được cấp phát để “về quê” sau ba năm lao động học tập cải tạo đủ ăn một bữa, đến vèo một cái, miệng còn chua. Đường về thành phố Saigon còn xa quá! Chúng tôi đi ăn mày ở thị xã. Ngượng miệng rất là khó nói. Tôi đùn cho Triệu Bá Thiệp :
- Anh xin đi, anh là luật sư quen ăn nói.
- Bố láo, tôi ăn nói, bào chữa ở tòa án chứ đâu có gào ăn xin bao giờ! Anh cũng là nhà văn nhà báo quen ăn nói vậy!
- Tôi chỉ gào thét bằng chữ chứ chưa hề lạy ông, lạy bà.
Chúng tôi suýt nữa cãi nhau. Đang đôi co thì có một tay khác, chú Hạp gọi giật giọng :
- Lại đây đi xe về Saigon, đồng bào thuê nguyên một xe cho mình!”

Ngày tôi từ trại cải tạo về, xe nhà binh dừng đổ cải tạo viên xuống ngay tại vườn Tao Đàn giữa đám đông nghẹt bà con buôn bán tại các khu lân cận tựu về. Trước đó, khi xe chở chúng tôi chạy ngang chợ Bến Thành, đồng bào đang mua bán đều ngưng tay, ngước nhìn lên và reo vang. Họ túa nhau chạy theo xe. Chúng tôi xuống xe, lòng vui như mở hội. Mọi người xúm xít hỏi thăm từ trại nào về. Người nắn tay, người ôm vai, bánh trái, trái cây được tiếp tế cho chúng tôi. Nhiều giọt nước mắt đã nhạt nhòa ràn rụa. Nước mắt của cả lũ cải tạo chúng tôi và của cả một khối đồng bào ruột thịt vây quanh chúng tôi. Chúng tôi ai nấy đều mong muốn thoát ra khỏi đựợc đám đông để vội về với gia đình. Vậy mà len lỏi, vừa nhích đi vừa dừng lại trong vòng tay của những người không thân nhưng rất tình nghĩa đồng bào, tôi mới ra được tới cửa vườn Tao Đàn, phía đường Hồng Thập Tự. Vài anh xe ôm, vài bác xích lô trờ tới, ai cũng như muốn tôi lên xe. Tôi lên đại yên sau của chiếc xe ôm gần nhất để về Thị Nghè. Dọc đường, anh xe ôm trạc gần bốn chục tuổi hỏi tôi không dứt về những ngày tù tội. Tới nhà, tôi nói anh chờ tôi vào nhà lấy tiền ra trả. Anh xe ôm gạt đi. Tiền bạc gì! Các thầy về là chúng tôi mừng rồi. Thầy nhớ giữ gìn sức khỏe. Cực nhọc chưa phải là hết đâu!

Chúng tôi, những người tự nghĩ mình chưa làm tròn bổn phận với đất nước, còn muôn vàn may mắn hơn những người bạn hiện vẫn còn chưa được ra tù, vậy mà lại được những người tình cờ gặp được hôm nay, dành cho tấm lòng ruột thịt đến như vậy.

Chúng tôi không xin nhưng vẫn được cho!

05/2005