Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

NGHE

 

Nghe là một hành vi thiếu thích thú. Nó mang tính lệ thuộc. Ngày nhỏ, bị cha mẹ lên lớp, những lời dậy bảo thường được đánh dấu chấm hết bằng một câu hỏi không lấy gì làm êm tai lắm: “Nghe chưa!”. Đe dọa nhau quá lắm! Không nghe cũng chẳng khá gì hơn. Tai còn gửi chúng bạn đang vui cuộc chơi ở ngoài lề đường, đứng nghe người lớn dặn dò mà cái tai đi vắng, bộ dạng thờ ơ vì đang lo ra, nhận được câu nạt nộ thiếu êm tai là cái cẳng: “Điếc hả!”

Nghe như vậy cũng nhọc nhằn ra gì. Nhọc nhằn như cuộc sống. Nơi đồn canh hẻo lánh giữa rừng núi thâm u, người lính gác giặc thất tình với em hậu phương, lặng nghe con chim hót, tiếng chim nghe ra cũng đơn lẻ.

Anh thất tình đời lính thêm nhiêu khê
Chiều nghe con chim rừng hót lời lẻ bạn
Trong chinh chiến có trăm ngàn viên đạn
Mong có viên nào bay lạc trúng anh chơi
Mạng anh to, số lớn cứ sống khơi khơi
Trong khi bạn bè anh mỗi ngày mỗi rụng
Ôi, những người bạn chia anh sự sống
Để anh thấm vô cùng thế nào là cô đơn
(Quan Dương)

Nghe là cách giao tiếp với những người xung quanh. Hàng ngày, trong bất cứ giờ phút nào của cuộc sống, nghe vẫn luôn luôn là cách tham gia vào cuộc sống tích cực nhất. Không nghe, còn gì để nói nữa! Con người không có khả năng nghe bó mình trong nỗi cô đơn tù túng, dù sống có đôi. Russ và Jenni Ewald là hai người tù của âm thanh như vậy. Cả hai người đều bị điếc sau một cơn bệnh meningitis. Russ vào năm 3 tuổi và Jenni năm 1 tuổi. Họ lấy nhau mà chẳng bao giờ nghe được những lời âu yếm trao nhau. Họ “nghe” nhau và “nghe” người khác bằng cái khả năng mà họ phải học: nhìn vào cái mấp máy của môi để suy đoán lời nói, hoặc dùng ngôn ngữ ra hiệu bằng tay, hoặc dùng máy nghe. Nhưng máy nghe lại rất hạn chế vì nó chỉ giúp họ nhận được những âm thanh nhạt nhòa và thường là vô nghĩa. Cho tới tháng 4 năm 2004, Jenni mới được cấy một thiết bị nghe mới: thiết bị cochlear. Sáu tháng sau, Russ cũng được cấy thiết bị này. Lần đầu tiên kể từ khi thành vợ chồng 4 năm trước đây, Russ mới được nghe vợ nói câu đầu tiên, câu mà đáng lẽ họ đã nghe được nhau từ những ngày đầu tình nhân: “Em yêu anh!”. Cochlear là một thiết bị điện tử được cấy vào dưới da, sau và trong lỗ tai. Nó làm cho các thần kinh nghe hoạt động lại để đưa  âm thanh lên não. “Khi não nhận được âm thanh, nó phải hình dung ra phải làm gì với những âm thanh mới này” Nhà thính giác học Candace Blank của Trung Tâm Y Khoa Đại Học Ewalds và Loyola cho biết như vậy. “Tình trạng giống như người ta nghe một ngoại ngữ và phải học thứ ngoại ngữ đó”.

Các nhà khoa học dĩ nhiên chưa hài lòng với thiết bị này, họ phải làm hơn thế nữa. Hai nhà khoa học K. Grosh và R. White thuộc Đại Học Michigan đã tạo ra được phiên bản silicon ốc tai nhân tạo gần giống như ốc tai thiên nhiên. Ốc tai là một bộ phận then chốt giúp con người có thể nghe được. Nó nằm sâu trong tai của chúng ta, có nhiệm vụ chuyển tải sóng âm thành các xung lực điện để não bộ có thể hiểu được chúng. Ốc tai nhân tạo này có thể đo được tần số âm thanh ở mức tương tự như ốc tai tự nhiên tuy không phân biệt được âm thanh ở mức hoàn hảo như ốc tai tự nhiên.

Ốc tai nhân tạo vẫn chưa là… tự nhiên. Khoa học muốn đi xa hơn thế nữa. Họ tìm cách phục hồi lại những khiếm khuyết của những người điếc bằng chính đôi tai của họ. Cũng tại Đại Học Michigan, các nhà khoa học, sau 11 năm nghiên cứu, đã phục hồi thành công khả năng thính giác của động vật có vú là chuột lang bằng liệu pháp gen, mở ra triển vọng khôi phục thính giác của những người khiếm thính. Họ chú trọng vào tế bào lông thính giác nằm trong ốc tai. Đây là những tế bào cực kỳ nhậy với âm thanh. Họ đã cấy gen Atoh1, có tác dụng điều khiển sự phát triển của tế bào thính giác, vào các tế bào biểu mô nằm bên trong tai những con chuột lang có các tế bào lông thính giác đã bị phá hủy. Bằng các tác động sinh học, các tế bào biểu mô này phát triển thành các tế bào lông thính giác và chuột thí ngiệm đã phục hồi được hoàn toàn thính giác bị tổn thương.

Không bị điếc nhưng nghe vẫn vướng víu, lý do thuộc về vệ sinh. Một anh bạn của tôi cứ than thở sao tai nghe không rõ, âm thanh nhiều khi hụt hẫng. Đi bác sĩ thử coi! Có khi màng nhĩ bị lủng không chừng! Tôi nhớ tới nhạc sĩ Hùng Lân thời ông đang tu nghiệp tại Hoa Thịnh Đốn. Đó là vào năm 1967, ông được đi tu nghiệp về phát thanh học đường do Trung Tâm Học Liệu cử đi. Sang tới Mỹ ông đi khám tai vì trước đó ông cảm thấy tai nghe không rõ. Nhạc sĩ mà tai có vấn đề thì khốn khổ biết chừng nào. Khám mới biết là màng nhĩ tai ông bị một lỗ thủng nhỏ. Họ vá lại. Nghe ngóng ngon lành. Ông cứ xuýt xoa là gặp vận may quá là may! Anh bạn tôi màng tai vẫn tốt nhưng ráy tai đã che lấp hệ thống nghe của anh. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng lôi ra cả đống cứt ráy tai. Tai anh đỏ lên, không phải vì bác sĩ nắm mạnh quá, mà vì… ngượng! Lấy ráy tai, thích thú chứ! Đó là cái thú được mệnh danh là đệ ngũ khoái! Gặp được tay thợ hớt tóc có tài vặt lấy ráy tai như mơn trớn, thú hết biết. Nhà văn Hoàng Hải Thủy đã có cái may mắn này. Theo nhà văn Nguyễn Thụy Long kể trong “Hồi Ký Viết Trên Gác Bút” thì: “Bạn tôi, anh Hoàng Hải Thủy có một thú đam mê là được lấy ráy tai. Nghe danh ở đâu có anh thợ cạo lấy ráy tai giỏi đạt nghệ thuật anh phải mò tới lấy ráy tai bằng được. Anh đã kể cho tôi nghe một chuyện rằng ở Hải Phòng có một anh thợ cạo lấy ráy tai siêu hạng. Ngày chia đôi đất nước, chỉ còn một ngày nữa Hải Phòng tiếp thu, thuộc về chính quyền miền Bắc, anh cũng mò đến nhờ anh thợ lấy bằng được một vẩy tai cuối cùng còn mắc ở tận hốc tai trong cùng. Có vậy anh mới đành lòng xuống tàu vào Nam.” Lấy ráy tai nó mê ly như thế, đành đoạn sao được. Ngày nay, đi hớt tóc ở Saigon còn mê ly gấp bội. Bạn cứ tới đường Trần Não (Trần Não là ai, ở vào chỗ nào, tôi mù tịt!), nơi có khá nhiều tiệm hớt tóc bình dân. Thợ hớt tóc là các cô gái trẻ đẹp. Đặc điểm của các cô thợ hay tươi cười, rất đon đả chiều khách này là các cô không có kéo hớt tóc. Hớt tóc mà không có kéo bộ dùng nhíp mà nhổ tóc hay sao? Đâu có, vì các cô cũng không hớt tóc tuy rằng rõ ràng họ làm trong tiệm hớt tóc. Các cô chỉ biết gội đầu, cạo mặt, nhổ tóc bạc và lấy ráy tai. Một phóng viên đã đi thực tế mô tả cái đệ ngũ khoái như sau: “Xong công đoạn cạo mặt, cô gái đeo lên đầu một chiếc đèn pin, kéo ghế ngồi sát vào tôi rồi thì thầm: “Anh nằm im cho em ráy tai. Buồn ngủ thì anh cứ ngủ đi nhé, em làm nhẹ lắm!” Đúng như lời cô gái nói, tôi bắt đầu lạc vào “mê hồn trận”… Điều khác biệt trong cách ráy tai tại những tiệm này so với những tiệm hớt tóc khác (theo đúng nghĩa của hớt tóc) thì dụng cụ ráy tai chỉ có một chiếc móc cán dài và một chiếc chổi lông thỏ mà thôi! Và các cô cũng đâu có ý định làm sạch tai, hơn nữa có các vị khách ngày nào cũng đến  thì  lấy gì mà…ráy?”

Dân Saigon cần làm sạch tai để nghe cho rõ, dân Hà Nội còn cần nghe rõ hơn nữa. Bởi vì đi ra phố mà không nghe rõ tiếng còi xe thì chỉ có về… nhà xác. Xe cộ toàn do những anh hùng xa lộ điều khiển. Những anh này vốn coi khinh các đồng bào không có xe hoặc cưỡi xe nhỏ chỉ có hai bánh. Còi một tràng, không nghe thì kệ xác chúng bay, ông cứ đi. Dân Hà Nội, ngoài các bệnh sợ mãn tính từ trước tới giờ nay lại đeo thêm một nỗi sợ mới: sợ tiếng còi xe! Còi ở đâu ra mà lắm thế? Thưa ở phố Hàng Còi! Phố Hàng Còi? Ba mươi sáu phố phường đâu có phố nào mang cái tên… la làng như vậy! Đừng có la! Đây là con phố tự phát nằm trên đoạn phố Huế từ ngã tư Trần Khát Chân đến ngã tư  Nguyễn Công Trứ đã được dân chơi xế tự động đặt tên là phố Hàng Còi. Đoạn đường dài chưa đầy một cây số này có tới vài ba chục cửa tiệm treo lủng lẳng đủ thứ còi. Có tới 90% loại còi bán ở đây thuộc loại cấm sử dụng vì chúng phát ra những âm thanh rất chói tai: cái thì trầm bổng như còi xe tải nặng, cái thì gấp gáp chói lói hoặc rúc lên như chó sủa, cười sằng sặc như ma làm. Nhưng những loại còi quỷ quái này nay cũng… hết đát rồi. Còi bây giờ phải là còi ủ! Còi ủ? Đó là thứ còi hú dành quyền ưu tiên thường chỉ dùng cho các xế cảnh sát, chữa lửa, cứu thương… Dân chơi xế Hà Nội, nếu đúng là dân chơi, nghĩa là có máu liều điếc không sợ súng mới dám chơi còi ủ. Lâu lâu hú lên một cái cho dân tình giật mình tránh ra cho ta đi. Vui một điều là những xe chơi còi ủ thường là xe của các ông to không có quyền ưu tiên nhưng tự cho mình cái quyền đó để lấy le! Trên các đường quốc lộ thì càng ủ bạo nữa. Ủ để dọt nhanh nhưng ủ cũng là để vượt qua những đoạn đường có thu tiền mà không phải móc ví!

Tiếng động quá ồn ào luôn luôn là kẻ thù của lỗ tai, dù lỗ tai có được lấy ráy hay không. Không riêng gì lỗ tai, con người có những phản ứng không ngờ ở miệng khi sống giữa môi trường ồn ào. Mà điều này chỉ xảy ra với các bà thôi. Các bà làm việc trong không gian nhiều tiếng động đã phản ứng tự nhiên bằng cách ăn lấy ăn để bắp rang, chocolate, chips hoặc bất cứ thứ đồ ăn nào để trước mặt. Mà khi đã hết ồn ào, các bà vẫn cứ tiếp tục nhón  thức ăn bỏ vào miệng. Đó là kết quả cuộc khảo sát do bà Laura C. Klein , giáo sư Đại Học Penn State thực hiện. Tệ hơn nữa là các bà cứ nhè những đồ ăn ngọt và béo mà đớp. Phì nộn là cái chắc!

Âm thanh, chúng còn nhiều tội lắm. Như chiều tối, cơm nước xong, vợ chồng tụ họp trong phòng sinh hoạt, ngồi cạnh nhau mà mỗi người một thú giải trí, chồng đọc báo, vợ coi phim Hàn Quốc. Đề huề biết mấy! Nhưng ông chồng đọc báo mà tiếng phim bộ của bà vợ cứ ồn ào bên tai, khó chịu chứ. Đầm ấm chi nổi! Làm sao chừ? Có tôi! Ông E. Norris giơ tay làm việc… thiện. Ông sáng chế ra một hệ thống âm thanh siêu âm, tiếng Mỹ gọi là HyperSonic Sound. Hệ thống âm thanh này không dùng loa để phát mà chuyển âm thanh bằng chùm sóng âm hội tụ có tốc độ nhanh hơn 5 lần sóng âm thanh mà, với tai thường, con người không thể nghe được. Bà vợ được nhận sóng siêu âm của dạng âm thanh này nên có thể nghe và âm thanh đi vào tai bà như âm thanh tự nhiên xuất hiện trong đầu. Ông chồng cứ thảnh thơi đọc báo, tai tiếc chẳng rộn ràng chi.

Ông Ivan Moran ở thành phố Montreal của tôi thì chẳng có được sự thảnh thơi đó. Ông bị điếc nặng chẳng nghe thấy gì. Qua đường mà lớ ngớ không nghe thấy tiếng động có ngày  bị xe cộ hỏi thăm. Ông được nhà nước cung cấp cho một chú chó dắt đường. Ông có giấy chứng nhận được dùng chó, con chó lại đeo lủng lẳng tấm bảng “Chó Dắt Đường” màu da cam nổi bật ai cũng nhìn thấy. Vậy mà ông gặp rắc rối. Số là ông dắt chó lên xe buýt là bị bác tài đuổi xuống. Không phải một lần mà tới 66 lần trong 2 năm vừa qua. Xe buýt chỉ nhận chở chó dắt đường chứ không chở chó thường. Thì chó của ông Ivan là chó dắt đường chứ gì nữa. Các bác tài không cần nhìn chó mà nhìn vào mắt ông Ivan. Mắt mở thao láo thế kia thì cần gì chó dắt đường! Không ai nghĩ là ông cần chó dắt đường vì bị mù… tai! Ông gửi thư phản đối. Công Ty xe buýt gửi 8 thư xin lỗi và đoan chắc sự việc sẽ không xảy ra nữa. Nhưng sự việc cứ xảy ra khiến ông phải đâm đơn kiện lên tới  Ủy Ban Nhân Quyền của Tỉnh Bang Quebec. Ông cho rằng ông đang tranh đấu cho hai thứ quyền: quyền của người điếc và quyền của người da màu. Bởi vì ông cũng nghĩ là vì da ông không trắng nên ông mới bị làm khó dễ như vậy. Sự phiền phức đáng giá bao nhiêu? Ông đòi bồi thường 280 ngàn đồng vì những tổn hại tinh thần ông phải gánh chịu!

Luật sư  Harry Pierre-Etienne, cũng da đen như ông Ivan Moran, thì mù thật. Ông là Luật Sư khiếm thị duy nhất từ trước tới nay của Luật Sư Đoàn ở Montreal. Ông gốc ở Haiti, di cư qua Montreal năm 17 tuổi, lúc mắt ông bị yếu rất nhiều. Khi ông thấy mắt càng ngày càng mờ đi, ông vội ghi tên vào Viện Braille ở Longueuil. Ông nghĩ tới việc học ngành tẩm quất hay xướng ngôn viên đài phát thanh nhưng một tai nạn đã khiến ông theo ngành Luật. Năm ông 22 tuổi, mắt mù, ông chạy theo cô em để kịp chuyến xe buýt, chiếc máy Braille dành cho người mù ông xách trên tay va vào một chiếc xe đậu nửa trên lề nửa dưới đường. Ông gọi cảnh sát. Cảnh sát làm biên bản. Trong khi nói chuyện với cảnh sát, ông vung tay diễn tả. Ông cảnh sát khó tính bảo ông đừng vung tay mạnh quá vì như vậy là có cử chỉ đe dọa. Ông tức mình cãi lại: chỉ có luật cấm xe đậu trên lề đường chứ không có luật cấm vung tay! Ông bèn đi học Luật. Việc học của ông khó khăn nhưng nhờ gia đình và bạn bè giúp đỡ nên ông hoàn tất chương trình học. Một cô trong số bạn bè này ngưỡng mộ ý chí của ông nên bằng lòng làm vợ ông. Năm 1986, lúc ông 31 tuổi, ông gia nhập Luật Sư Đoàn. Ông nhất định coi như mình không mù. Ông từ chối dùng gậy và mãi tới năm 1997 ông mới chịu dùng một chú chó dắt đường. Lý do? Ông… phiếm: “Ai cũng hỏi tôi là tôi mù bẩm sinh hay do tai nạn. Thật chán! Từ ngày có con chó, người ta chú ý tới con chó nên không hỏi những câu hỏi lẩm cẩm như vậy nữa!” Làm sao ông tự lực cánh sinh như vậy được? Ông nhìn bằng… tai! Ông đạp xe theo xe của con ngoài đường bằng cách nghe tiếng động. Ông gài vào bánh xe của con một miếng vải cứng và nghe theo tiếng động đó mà đạp xe theo con. Trong nhiều năm ông đạp xe với con ngoài đường phố như vậy. Mới đây, trong một phiên xử, ông chánh án ra lệnh khai mạc, với tư cách luật sư của bị cáo, ông đứng dậy lễ phép nói: “Thưa Ngài, bị cáo chưa tới!” Mọi người nhìn vào chỗ của bị cáo. Trống trơn! Ông Chánh Án Jean Pierre Lortie chữa thẹn, nói: “Tôi chỉ muốn thử xem ông có cố ý muốn đùa với chúng tôi không!” Từng ấy cặp mắt sáng bình thường không bằng cái tai nghe của một người mù!

Cái tai nó nghe được nhiều chuyện dữ!

05/2005